September 18, 2011

Salvatore Babones - Vương quốc trung bình


Sự cường điệu và thực tế về sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trần Ngọc Cư dịch

Lời giới thiệu của trang mạng bauxite Việt Nam: Người Trung Hoa xưa (có lẽ không ít cả ngày nay) coi nước họ là trung tâm của thế giới, từ đó mới có tên nước là Trung Quốc, được dịch ra tiếng Anh là “the Middle Kingdom”. Nhưng với lập luận cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ là một nước có lợi tức trung bình và không thể giành địa vị siêu cường của Mỹ, học giả Salvatore Babones bằng một lối chơi chữ đã gọi Trung Quốc là “the Middling Kindom” hay “Vương quốc trung bình”. Bài tiểu luận sau đây tiêu biểu cho một quan điểm trái chiều với quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ là một “Siêu cường tất yếu”, một quan điểm mà học giả Arvind Subramanian cũng đã đưa ra trên cùng một số báo của tờ Foreign Affairs, mà bản dịch đã được đăng trên BVN trước đây.

Theo chúng tôi, đây là một bài viết cần được tham khảo nghiêm túc, nhằm xem xét đầy đủ các cơ sở dẫn đến luận cứ cho rằng dù có cố gắng đến mấy thì Trung Quốc rốt cục vẫn chỉ là một quốc gia trung bình trong thế kỷ XXI này. Ý kiến của tác giả Salvatore Babones vô tình có sự tương hợp với một phân tích gần đây khi chỉ xét về sự cách biệt giàu nghèo thôi, Trung Quốc hiện đang lâm vào một tình thế đối cực cực kỳ nghiêm trọng (và trước sau thế nào cũng sẽ bùng vỡ): chỉ hơn 2% số dân lại đang chiếm giữ đến hơn 75% tổng sản lượng kinh tế của cả nước Trung Hoa. Nếu tìm thấy thêm nhiều căn cứ khoa học trong ý kiến của Salvatore Babones thì chắc chắn đây sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm để giải quyết căn bệnh “động kinh” cho mấy ông hoàng bà chúa trước “con ngoáo ộp Trung Quốc” vốn đang là mối đe dọa thường trực khả năng phát huy truyền thống quật cường vốn có của không ít dân tộc từ hàng mấy nghìn năm nay phải sống sát biên giới Trung Quốc. Không hiểu vì sao thứ bệnh lạ này làm cho họ trở nên “mất cân bằng sinh lý” đến mức nói về mặt ăn thì họ ngày càng khỏe, mặt trông béo tốt, ăn được đến cả giấy polyme, nhưng khốn thay càng ăn đầu lại càng teo tóp, óc trở nên rỗng, đặc biệt bộ gan bé tẹo lại và hình như bị siêu vi S. gặm cho xơ tướp. Vì thế, hễ nghe người dân bày tỏ lòng yêu nước là căn bệnh kinh niên của họ lại nổi lên, đến nước phải bắt dân xuôi tay ngậm miệng bệnh mới tạm lui.


 ***

Dù bằng bất cứ thước đo nào, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (TQ) là chưa từng thấy, thậm chí là một phép lạ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế TQ đã tăng trưởng ở mức trung bình 9,6% mỗi năm từ năm 1990 đến 2010. Vào đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, nhiều người đã lo sợ rằng cỗ máy tăng trưởng kinh tế của TQ sẽ từ từ khựng lại. Cuối năm 2008, ngành xuất khẩu TQ suy sụp, khiến nhiều người lo sợ về tình trạng bất ổn chính trị và dân chúng nổi loạn trong nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu rốt cuộc cũng chỉ là một ổ gà trên con đường tăng trưởng kinh tế của TQ. Mặc dù sức ép lạm phát hiện đang gia tăng tại TQ và bong bóng địa ốc của TQ có nguy cơ bùng nổ, nhưng hầu hết các nhà kinh tế vẫn tiếp tục tiên đoán sự tăng trưởng nhanh chóng của quốc gia này sẽ tiếp diễn vào tương lai. Mặc dù những tiên đoán của họ khác nhau xa, nhưng dường như họ có cùng quan điểm cho rằng sự tăng trưởng của TQ sẽ là nhanh chóng – nếu không thể nói là nhanh như trước – và rằng tỉ lệ tăng trưởng này sẽ tiếp diễn nhiều thập niên nữa. Những tiên đoán này cùng một lúc vừa là dè dặt về tương lai gần (thành tích kinh tế của TQ sẽ không còn phi thường như trước) vừa là lạc quan về tương lai xa (chúng cho thấy hướng đi lên của TQ là không ngừng). Dù với sự trùng hợp tình cờ hay có theo một bài bản, những dự đoán này chỉ là những suy diễn có liều lượng dựa vào các xu thế phát triển hiện nay.

Chẳng hạn, Robert Fogel, một nhà kinh tế học được giải Nobel, tin rằng TQ sẽ tăng trưởng trung bình 8% mỗi năm cho đến năm 2040, vào thời điểm đó TQ sẽ giàu gấp đôi châu Âu (tính theo lợi tức đầu người) và sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu (so với con số 14% của Hoa Kỳ và 5% của Liên minh châu Âu). Những nhà kinh tế khác tỏ ra dè dặt hơn một chút: Uri Dadush và Bennett Stancil thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace [một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Washington, D.C.] tiên đoán rằng TQ sẽ tăng trưởng 5,6% mỗi năm cho đến hết năm 2050.

Cũng như nhiều dự báo khác về sự trỗi dậy liên tục của TQ, những dự báo này đã dựa vào việc sử dụng mô hình kinh tế nghiêm chỉnh, thận trọng. Nhưng liệu chúng có khả năng thuyết phục hay không? Suy diễn từ những xu thế kinh tế hiện tại để dự đoán tương lai có thể là một việc hợp lý khi chúng ta dự đoán mức tăng trưởng kinh tế trong năm sau và năm tới, nhưng khi thời gian là hàng thập kỷ, thì những giả định như thế có vẻ đáng hoài nghi hơn. Nếu tổ tiên tôi đầu tư một xu (a penny) vào năm 1800 để cho tôi hưởng, ở mức lãi kép (compound interest rate) thực sự 6% một năm sau khi khấu trừ lạm phát, thì đồng xu đó hôm nay đã trở thành 280 nghìn đôla. Nhưng, điều này không có nghĩa là người ta dễ dàng tìm ra những cách đầu tư có lợi nhuận cao và vững chắc qua thời hạn 211 năm. Thế sự thăng trầm, và nhiều điều sai hỏng sẽ xảy đến. Lợi nhuận quá khứ không đảm bảo thành tích tương lai.

Đối với việc đo lường mức tăng trưởng kinh tế TQ trong tương lai, việc sử dụng các mô hình kinh tế chỉ hướng dẫn hạn chế mà thôi. Những mô hình này tiên đoán đầu ra kinh tế tương lai (future economic outputs) dựa vào những con số được dự đoán cho đầu vào kinh tế tương lai (projected future levels of economic inputs); nhưng những đầu vào kinh tế tương lai là không thể dự đoán được. Rốt cuộc, chúng ta chỉ có thể dựa vào đầu vào hiện tại để suy đoán tương lai. Nhưng những đầu vào, cũng như những đặc điểm khác của bất cứ nền kinh tế nào, lại thay đổi theo thời gian. Kinh tế TQ diễn biến nhanh chóng: từ nông nghiệp tự túc đến các công nghiệp chế tạo dùng than khoáng (smokestack industries) đến các ngành điện tử hiện đại nhất đến các dịch vụ cho người tiêu thụ. Và ở một thời điểm nào đó trong tương lai, có lẽ trong một tương lai không xa, tốc độ tăng trưởng thái quá của TQ sẽ dần dần giảm xuống và sự tăng trưởng kinh tế của TQ sẽ chậm lại, trở về với tốc độ gần giống tốc độ mà các nước có đặc tính tương tự đã kinh qua.

Khi sự tăng trưởng trở nên khó khăn

Ở thời điểm 2011 này, ngay cả việc xác định một điểm đỉnh cho thị trường TQ cũng có vẻ là thiếu khôn ngoan. Nếu dùng những mô hình của Fogel và Dadush-Stancil để phán đoán, người ta gần như không thấy có một cản trở nào cho sự tăng trưởng kinh tế của TQ trong trung hạn. Bao lâu mà lực lượng lao động thành thị ở trong nước vẫn tiếp tục bành trướng, trình độ giáo dục của họ gia tăng, và vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào TQ, thì nền kinh tế TQ nhất định sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Nhưng mọi việc có giản dị như thế không? Một lý do là, các mô hình kinh tế có chiều hướng coi thường sự kiện là khi các nước tăng trưởng, thì tiến trình tăng trưởng ngày càng trở nên khó khăn hơn trước. Khi các nền kinh tế gia tăng giá trị các hoạt động công nghiệp toàn cầu của mình, bằng cách từng bước tiến lên từ việc sản xuất các mặt hàng chế biến đơn giản đến việc dựa vào sáng kiến của người dân để phát triển các công nghiệp mới, thì các nền kinh tế ấy sẽ ngày càng giảm bớt đà tăng trưởng. Nam Hàn phải mất 30 năm, từ 1960 đến 1990, để nâng GDP đầu người của họ từ 1/30 lên 1/3 GDP đầu người của Hoa Kỳ – nhưng sau đó Nam Hàn phải mất thêm 20 năm nữa mới nhích lên từ 1/3 lên 1/2 GDP đầu người của Hoa Kỳ. Và ngày nay Nam Hàn vẫn còn phải đi một đoạn đường rất xa mới có thể bắt kịp Hoa Kỳ. Nhật Bản đã bắt kịp phương Tây (và trên nhiều mặt vượt quá phương Tây) vào thập niên 1980, nhưng rồi bong bóng đầu tư của họ bị vỡ, và từ 1990 đến nay kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng trung bình 1% mỗi năm.

Hơn nữa, Nam Hàn và Nhật Bản đã thành công vượt bực so với hầu hết mọi quốc gia khác. Cho đến nay không một nước có diện tích trung bình hay một nước rộng lớn nào với một nền kinh tế đa dạng thậm chí đạt được những thành quả gần giống như Nhật Bản. Trong bốn “con hổ châu Á”, hai con giàu nhất (Hồng Kông và Singapore) chỉ là những thành phố, và hai con kia (Nam Hàn và Đài Loan) cơ bản là lớn hơn các thành phố một bậc (cities-plus) và thua xa Nhật Bản về kinh tế. Một số nước nghèo đã trở nên giàu có khác thì hoặc chỉ là những trung tâm tài chính nằm ngoài biển khơi hoặc chỉ là những lãnh thổ nhỏ bé có mỏ dầu do một lãnh tụ Hồi giáo cai trị. Trong đó, không một xứ nào có đủ kích cỡ để làm một nước có nhiều thành phố và nhiều vùng khác nhau, một dân số nông thôn đông đảo, và những khối cử tri cạnh tranh nhau về quyền lực chính trị. Ngay cả Nhật Bản cũng tượng trưng cho một mô hình đầy nghi vấn của một quốc gia vừa mới nhanh chóng bắt kịp phương Tây, nếu chỉ vì nó đã đạt được phần lớn tiến bộ trước Thế chiến II. Cũng như các nước tiên tiến phương Tây, Nhật Bản đã công nghiệp hóa vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một phần nhờ chính sách bóc lột thuộc địa thô bạo. Thế rồi trong Thế chiến II, kinh tế Nhật Bản đã bị bom đạn xóa sạch; như vậy, sự tăng trưởng của Nhật Bản thời hậu chiến trong một cách nào đó chỉ là trở về với mức phát triển đã có trước chiến tranh. Nói thế khác, cho đến ngày nay vẫn chưa có một bằng chứng nào cho thấy một quốc gia có thể đi theo một đường tăng trưởng rất nhanh chóng để đến đỉnh cao nhất của kinh tế thế giới; sự kiện này khiến phải nghi ngờ về khả năng TQ có thể trở thành một biệt lệ hi hữu.

Sự tăng trưởng kinh tế gần đây của TQ thường được gán cho đặc tính của một cuộc phục hồi địa vị lịch sử đương nhiên và xứng đáng của TQ, nhưng luận cứ này chỉ là một cách nói khéo chứ không chính xác. Theo cố sử gia kinh tế Angus Maddison, lần cuối cùng TQ đạt được địa vị ngang hàng với phương Tây là vào thời của Marco Polo [tức thế kỷ XIII-XIV, DG]. Sự suy yếu sau đó của TQ so với phương Tây đã diễn ra rất lâu trước cuộc Cách mạng Công nghiệp, trước chủ nghĩa thực dân phương Tây, và trước cả thời kỳ hướng nội của TQ ở thế kỷ XVI. Lịch sử của năm thế kỷ qua không phải là câu chuyện chính yếu về sự suy yếu tuyệt đối của TQ, nhưng về sự tiến bộ tương đối của phương Tây. Các nền kinh tế châu Âu tăng trưởng rất nhanh chóng trong khoảng từ 1500 đến 1800. Theo Maddison, vào khoảng năm 1820 – trước khi có đường sắt, điện tín, và công nghiệp thép hiện đại, và trước Chiến tranh Nha phiến, trước khi Hồng Kông trở thành thuộc địa, và trước cuộc Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn – lợi tức đầu người của TQ chưa được 1/2 lợi tức đầu người trung bình của các nước châu Âu. Khoảng năm 1870, lợi tức đầu người TQ đã rơi xuống mức 25% lợi tức đầu người châu Âu, và vào năm 1970, con số này chỉ còn 7%. Ngoài ra, nếu xét rằng những con số mà Maddison đưa ra đều là những con số ước tính dựa vào sức mua nội địa, thì lợi tức đầu người của TQ nếu tính theo tiền tệ cứng [như đôla Mỹ] sẽ có vẻ thê thảm hơn nhiều. Theo số liệu thống kê về tiền tệ cứng của Ngân hàng thế giới, giữa những năm 1976 và 1994, GDP đầu người của TQ là chưa được 2% GDP đầu người của Mỹ, và hiện nay tỉ lệ này vẫn còn ở dưới 10%.

Nói thế khác, sự tăng trưởng kinh tế to lớn của TQ trong hai thập kỷ qua chưa hẳn đã đưa được [lợi tức đầu người của] TQ trở về vị trí của nó trong năm 1870 (tính theo sức mua nội địa). Những người lạc quan sẽ coi điều này như có thêm một bằng chứng nữa về tiềm năng của TQ: nếu hiện nay TQ chỉ ở lằn mức của năm 1870, thì nó còn nhiều khả năng tăng trưởng thêm nữa. Nhưng những người bi quan có thể nhận xét rằng nếu TQ có thể tuột dốc từ vị trí này vào năm 1870, thì nó có thể sẽ tuột dốc từ vị trí này thêm một lần nữa. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, người ta không có đủ lý do để chờ đợi kết quả này hay kết quả khác; những người đánh cuộc dè dặt sẽ cho rằng TQ vẫn đứng yên ở vị trí hiện nay.

Những lợi điểm nhất thời

Một luận cứ khác cho rằng các mô hình kinh tế dự báo về sự trỗi dậy liên tục của TQ là quá thô thiển, vì những mô hình này có khuynh hướng bỏ qua những sức đẩy nhất thời trong quá khứ và không đếm xỉa đến những trở ngại chính trị, môi trường và cơ cấu, những trở ngại sẽ hạn chế đà tăng trưởng của TQ trong tương lai. TQ hiện nay đang ở trong một tư thế chính trị và quân sự mạnh hơn nhiều so với tư thế mà nó có được vào năm 1870 khi đối mặt với phương Tây, và TQ gần như sẽ không bao giờ chìm đắm thêm một lần nữa vào một thế kỷ dài khốn đốn vì những thảm họa liên tục ảnh hưởng đến con người và kinh tế. Nhưng liệu điều này nhất thiết có nghĩa là TQ sẽ tiếp tục tăng trưởng để trở thành một nước giàu có nhất thế giới hay không?

Sự trỗi dậy nhanh chóng của TQ trong 20 năm qua được thúc đẩy bởi hai ưu thế nhất thời: sinh suất (fertility rate) của dân chúng giảm sút và tiến trình đô thị hóa dân chúng gia tăng. Cả hai yếu tố này đã gia tăng năng suất kinh tế rất lớn, nhưng chúng là những tiến trình hạn chế mà TQ không thể dựa vào trong tương lai. Sinh suất của TQ vốn đã giảm sút ngay cả trước khi Nhà nước thực thi lần đầu chính sách một con rất nghiêm khắc vào năm 1979. Sự giảm sút tỉ lệ sinh sản vào thập niên 1970 có nghĩa là suốt thập niên 1980 và thập niên 1990, cả các hộ gia đình lẫn Nhà nước có thể tập trung nguồn lực hạn chế của mình vào số trẻ em tương đối nhỏ. Hiện nay, những đứa trẻ này đang ở vào tuổi khoảng 35 và tích cực đóng góp vào việc phát triển vốn nhân lực (human capital) và GDP của TQ. Mặc dù các thế hệ tương lai có thể có trình độ giáo dục thậm chí cao hơn, nhưng các thành quả chính yếu thì đã đạt được hết rồi. Hơn nữa, sinh suất thấp trong những thập kỷ vừa qua cho phép giới đã thành niên, đặc biệt phụ nữ, tham gia thị trường lao động chính thức. Hàng trăm triệu phụ nữ TQ lẽ ra chỉ lo việc nội trợ hay đồng áng hiện nay đang lao động trong nền kinh tế tiền tệ (the money economy), nâng cao thành tích GDP của đất nước. Sự kiện này tạo được lực đẩy nhất thời cho TQ – duy trì một đầu ra cao hơn trước – nhưng sẽ không giúp GDP tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. TQ không thể giảm việc sinh sản thêm nữa, vì TQ không thể tiến tới chính sách không con.

Ngoài ra, tại TQ ngày nay có những số công nhân tương đối lớn được sinh ra trong những thập niên có sinh suất cao, từ năm 1950 đến đầu những năm 1970, hiện đang còn chen vai thích cánh với đời. Vì thế hệ các bậc sinh thành của họ lần lượt qua đời tương đối sớm, những công nhân này phần lớn ít bận tâm về việc phụng dưỡng cha mẹ hay nuôi dạy con cái. Trong tất cả các thế hệ người Trung Hoa suốt chiều dài lịch sử, thế hệ này có những thuận lợi độc đáo để theo đuổi công việc và tạo ra của cải. Các thế hệ công nhân TQ tương lai sẽ ít đông đảo hơn và sẽ mang thêm trách nhiệm săn sóc nhiều thân nhân già cả hơn. Ngoài ra, sinh suất tại TQ chỉ có việc gia tăng mà thôi, nghĩa là những công nhân này có thể có thêm nhiều con cái cần phải săn sóc.

Tiến trình đô thị hóa là một lợi thế nhất thời khác đã đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của TQ trong 20 năm qua. Chương trình đô thị hóa nâng cao GDP vì dân chúng thành thị thường thường có năng suất cao hơn dân nông thôn và vì dân thành thị thường làm việc ngoài nhà của mình và được trả lương, trong khi người ở vùng quê làm nghề nông tự túc không được trả lương. Nhưng cũng như việc giảm sinh đẻ, chương trình đô thị hóa là một tiến trình có những giới hạn tự nhiên. Mức độ đô thị hóa của TQ hãy còn rất thấp so với phương Tây, và sự bành trướng đô thị tại TQ không có dấu hiệu giảm bớt. (Ở tỉ lệ tăng trưởng hiện nay, thì phải đợi đến thập niên 2040 mức độ đô thị hóa tại TQ mới bắt kịp mức đô thị hóa ở phương Tây hay châu Mỹ La-tinh). Nhưng việc bành trướng đô thị này sẽ diễn ra dưới hình thức nào? Nhiều khu rộng lớn gồm toàn nhà lụp xụp tồi tàn đã bắt đầu thành hình ở vùng biên của Bắc Kinh và các đại đô thị khác. Chính phủ TQ đã cho ủi sập hàng trăm nghìn căn nhà xập xệ mỗi năm, nhưng không ai biết chắc là những cư dân tại đó đang được tái định cư hay trở thành vô gia cư. Dù Chính phủ thắng hay thua trong cuộc chiến chống lại nạn tràn lan nhà ổ chuột, cái thời kỳ mà tiến trình đô thị hóa kích thích sự tăng trưởng kinh tế cũng đã qua rồi.

Những cản trở có tính cơ cấu

Ngoài ra, TQ đang đối đầu với những trở ngại chính trị, môi trường, và cơ cấu, những trở ngại sẽ giới hạn tăng trưởng kinh tế của TQ trong tương lai. Chẳng hạn, nhiều nhà phân tích thời sự cho rằng TQ sẽ không thể đưa công nghiệp toàn cầu của mình lên trình độ cao hơn nữa nếu chính trị TQ không cởi mở. Họ lý luận rằng các hoạt động công nghiệp có giá trị cao, như tạo thương hiệu, thiết kế, và phát minh, đòi hỏi một loại tư duy tự do chỉ có được ở các xã hội dân chủ. Mặc dù có thể đào tạo hàng trăm nghìn kỹ sư, nhưng nếu TQ vẫn tiếp tục bóp nghẹt sáng kiến của họ, những chuyên viên này sẽ không bao giờ thành công ở trình độ cao nhất của kinh tế toàn cầu. TQ sẽ không vươn tới đẳng cấp cao nhất của kinh tế toàn cầu (tính theo GDP đầu người) cho đến khi nào trường học, xí nghiệp, và người dân TQ biết đổi mới nhiều hơn họ đã làm trong quá khứ. Việc đổi mới đang diễn ra, nhưng văn hóa chính trị bóp nghẹt tự do của TQ đang cản trở tiến trình này. Thật khó tưởng tượng được một nền kinh tế tri thức năng động xuất hiện trong một quốc gia độc đảng áp bức chính trị; việc này chưa bao giờ xảy ra trước đây.

Những trở ngại vì lý do môi trường đối với sự tăng trưởng liên tục của TQ thường được thống kê đầy đủ hơn. Cơ quan Y tế Thế giới ước tính rằng ô nhiễm không khí tại TQ giết chết 656.000 người một năm và ô nhiễm nước uống giết thêm 95.600 người nữa; Bộ Tài nguyên Nước của TQ ước tính rằng khoảng 300 triệu người, hai phần ba trong số này sống ở nông thôn, dựa vào nguồn nước có chứa những chất độc hại”. Theo The New York Times, những quan chức từ Quốc vụ viện TQ đã nói rằng Đập Tam Hiệp vĩ đại đang gặp phải “những vấn đề khẩn cấp… cần phải được giải quyết liên quan việc tái định cư dân chúng trong vùng, việc bảo vệ môi sinh, và ngăn ngừa tai họa địa chất”. TQ hiện nay cũng là nước thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Dù nạn khô hạn và lũ lụt thảm khốc xảy đến cho TQ năm nay có liên quan đến hồ sơ môi trường của TQ hay không, nhưng rõ ràng là khả năng khai thác môi trường của TQ để làm tiền nhằm nâng cao mức tăng trưởng kinh tế bất chấp cả việc tàn phá môi trường sắp đến ngày phải chấm dứt. Sự tăng trưởng kinh tế của TQ trong tương lai cần phải sạch hơn sự tăng trưởng kinh tế của nó trong quá khứ, vì vậy sẽ tốn kém hơn. Qua một thời kỳ lâu dài có mật độ dân số cao, TQ luôn luôn có một trong những môi trường bị khai thác ráo riết nhất thế giới. Ngày nay, TQ chẳng còn bao nhiêu môi trường để khai thác thêm nữa.

Tuy nhiên, những trở ngại lớn nhất cho việc tăng trưởng kinh tế liên tục của TQ thuộc về cấu trúc. Mãi cho đến năm 1980, TQ thực sự vẫn còn đóng cửa với thế giới bên ngoài; nhưng khoảng năm 1992, gần như hầu hết các thành thị TQ đều được sáp nhập vào các đặc khu kinh tế sẵn sàng đón nhận các doanh nghiệp tư và đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế Mao-ít cực kỳ thiếu hiệu năng không còn nữa và đã được thay thế bằng một số công ty có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới. Việc tạo ra nhiều thành phẩm giá trị hơn các công nghiệp nhà nước thời Cách mạng Văn hóa không phải là điều khó. Nhưng việc tạo ra nhiều thành phẩm giá trị hơn các công ty TQ có hiệu năng hiện nay sẽ là điều khó khăn hơn nhiều. Sự khó khăn này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do những thay đổi cấu trúc quan trọng trong nền kinh tế. Kể từ năm 1960, tuổi thọ trung bình tại TQ đã tăng lên từ 47 tuổi đến 74 tuổi, nhưng số con trong mỗi gia đình đã giảm từ trên 5 đứa xuống dưới 2 đứa. Những ông hoàng bé ngày nay sẽ phải phụng dưỡng cha mẹ trong những năm có năng suất cao nhất của đời họ. Và vào thời điểm họ phải săn sóc thế hệ già nua, hoạt động kinh tế của TQ sẽ giảm bớt sự tập trung vào các công nghiệp chế tạo có năng suất cao và sẽ hướng tới các dịch vụ y tế có năng suất thấp. Sự thay đổi có tính cơ cấu này sẽ giới hạn thêm nữa các triển vọng tăng trưởng kinh tế của TQ trong tương lai, vì cố gắng gia tăng năng suất trong các ngành dịch vụ sẽ là khó khăn hơn trong các ngành chế tạo, khai thác khoáng sản, và nông nghiệp. Trong quá khứ, để tận dụng lợi thế tương tự của họ đối với các nước tiên tiến, các nhà sản xuất TQ đã tập trung vào việc chế tạo để bán ra trên thị trường công nghiệp thế giới. Trong tương lai, các công ty cung cấp dịch vụ TQ sẽ không còn lựa chọn nào khác hơn là phải tập trung vào thị trường y tế trong nước, bất chấp việc tranh giành lợi thế kinh tế.

Hăm hở về tương lai hay tự hào về thành tích?

Nhiều nhà bình luận, nổi bật nhất là hai nhà nghiên cứu chính trị George Gilboy và Eric Heginbotham, gần đây đã cảnh báo về hiện tượng “châu Mỹ La-tinh hóa” TQ (the “Latin Americanization” of China), đặc biệt là sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng tại TQ. Vào năm 2003, TQ chỉ có một tỉ phú (tính bằng đôla Mỹ); vào năm 2011, theo tạp chí Forbes, TQ có tới 115 tỉ phú. Tuy vậy, TQ vẫn còn là một nước nghèo: GDP đầu người tính bằng tiền tệ cứng là rất thấp tại TQ (dưới 5.000 đôla) khi so với Brasil, Mexico, và Nga (9.000-10.000 đôla), ba nước có lợi tức trung bình của thế giới. Nhưng khi TQ bắt kịp các nước này, thì mức chênh lệch lợi tức của dân TQ cũng sẽ tăng lên gần mức chênh lệch lợi tức tại các nước nói trên.

TQ có chung nhiều đặc điểm với Brazil, Mexico, và Nga. Các nhà xã hội học xếp bốn nước này vào “nhóm lưng chừng” (semi-periphery) của kinh tế thế giới, một nhóm các quốc gia không giàu mạnh bằng các nước dân chủ đã phát triển nhưng cũng không nghèo bằng các nước nhỏ tại châu Phi, Trung Mỹ, và Đông Nam Á. (Các nước lưng chừng khác gồm có Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ). Những nước này có đặc tính là: nhà nước mạnh nhưng các định chế thì yếu kém, Chính phủ bị những công dân giàu có nhất chi phối, và đại đa số dân chúng là nghèo khổ.

Với mức tăng trưởng hiện nay, TQ có thể sẽ bắt kịp Brazil, Mexico, và Nga vào khoảng năm 2020 về GDP tính theo đầu người. Đến lúc đó, tất cả bốn quốc gia này sẽ có lợi tức đầu người từ 10.000 đến 15.000 đôla Mỹ mỗi năm (tính theo trị giá đôla Mỹ hiện nay). Tất cả những nước này sẽ có mức chênh lệch lợi tức của người dân giống nhau – và cao hơn mức chênh lệch lợi tức tại các nước phát triển rất nhiều. Dân chúng của các nước này sẽ không trải qua nạn đói hay suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nhưng đại đa số sẽ nếm mùi nghèo khổ, thiếu vệ sinh. Khoảng 40% dân số của các nước này sẽ sống trong các đại đô thị, khoảng 20% sẽ sống ở vùng nông thôn, và phần còn lại sẽ sống trong các thành phố nhỏ và các thị xã. Sinh suất tại những nước này sẽ giảm xuống dưới mức thay thế một chút, và khoảng 2/3 dân số sẽ nằm trong lứa tuổi từ 16 đến 65. Để đối phó với một dân số già nua nhanh chóng, những nước này sẽ cần phải chuyển trọng tâm nền kinh tế của mình xa dần các công nghiệp có khả năng thúc đẩy tăng trưởng và tiến tới các dịch vụ y tế có mức tăng trưởng chậm chạp.

Tất cả những điều nói trên nêu lên câu hỏi này: Nếu vào năm 2020, TQ gần như chắc chắn sẽ đối phó các tình trạng cơ cấu xã hội-kinh tế gần giống hệt các tình trạng ở Brazil, Mexico, và Nga, thì tại sao ta phải kỳ vọng TQ sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước ấy? Brazil và Mexico đã gia nhập hàng ngũ các nước có lợi tức trung bình qua nhiều thế hệ rồi. Nga lọt vào mức lợi tức trung bình vào đầu thế kỷ 20 và đã trở lại mức lợi tức này ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. TQ đã nằm ở mức lợi tức trung bình năm 1870, và hiện nay đã trở lại mức đó. Đành rằng TQ lớn hơn các nước kia, nhưng ta không có lý do để cho rằng nước lớn thì sẽ khác hơn. Những con số thống kê lịch sử cho thấy không có sự tương quan giữa diện tích của một nước với sự tăng trưởng kinh tế của nó.

Địa vị tương đối của TQ vào năm 2020 sẽ rất giống với địa vị của TQ năm 1870 và giống địa vị của Brazil, Mexico, và Nga hiện nay. Không có lý do đặc thù nào để tin rằng TQ của năm 2020 sẽ thành công vượt trội hơn các quốc gia đã từng thành công nói trên. Có lẽ thái độ biết tiên liệu của TQ đối với vấn đề phát triển sẽ pho phép nước này đủ sức đi vào mức trung bình trong bảng phân phối lợi tức toàn cầu, bất chấp một xã hội dân sự yếu kém, một dân số già nua, và một môi trường bị tàn phá. Và một khi đã trở về được địa vị của nó ở thế kỷ XIX so với phương Tây, biết đâu cuối cùng TQ cũng có thể lấy lại địa vị siêu cường của nó đối với phương Tây ở thế kỷ XIII. Cấu trúc của một xã hội không nhất thiết là một định mệnh, [nghĩa là nó có thể thay đổi, DG]. Và nếu TQ thực sự khắc phục được những hạn chế của nó, nó cũng có thể thúc đẩy một sự sắp xếp lại toàn bộ hệ thống quốc tế.

Nhưng hợp lý hơn nữa là, ta nên coi thái độ hăm hở khét tiếng của TQ chỉ là thái độ của một nước đã đạt được một số thành tích: một sự tự hào chính đáng về những thành tựu trong quá khứ gần đây hơn là một báo hiệu về sự thành công nào trong tương lai. Cũng như những nước có lợi tức trung bình khác, TQ có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn các nước phương Tây một chút, mặc dù không nhanh như tốc độ tăng trưởng của TQ trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2010, và với nhiều bấp bênh hơn trước. Nhưng dân số TQ sẽ bắt đầu giảm xuống liền sau năm 2020, trong khi đó dân số Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, toàn bộ nền kinh tế TQ có thể vẫn ngang hàng với toàn bộ kinh tế Hoa Kỳ cho đến hết thế kỷ 21. Điều này không có nghĩa là TQ sẽ không đóng một vai trò quan trọng trên thế giới. Cho dù TQ chỉ đạt được mức độ ngang hàng với Hoa Kỳ về GDP tổng quát và đạt được chỉ khoảng 1/4 GDP đầu người của Hoa Kỳ, TQ vẫn sẽ là một cường quốc đáng nể sợ. TQ sẽ là một nước tối quan trọng thứ hai trong hệ thống quốc tế.

Nhưng với mạng lưới liên minh và địa vị địa chiến lược của Hoa Kỳ to lớn hơn nhiều, sức mạnh bá quyền Mỹ không bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của TQ. Hoa Kỳ được bao bọc bởi những đồng minh lâu đời (Canada và các nước Tây Âu) hay các nước ổn định nhưng yếu và không tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ (châu Mỹ La tinh). Những nước láng giềng của TQ là Nhật Bản giàu có và hùng mạnh, Nam Hàn và Việt Nam đang vươn lên, hai nước khổng lồ Ấn Độ và Nga, một loạt các quốc gia suy sụp hay đang suy sụp ở Trung Á và Đông Nam Á. Hoa Kỳ ngự trị trên các đại dương, trên các vùng trời, và ngoài khí quyển; TQ đang phải phấn đấu để duy trì trật tự ngay trong biên giới lãnh thổ của mình. TQ sẽ, và một cách chính đáng có bổn phận phải, đóng một vai trò ngày càng to lớn trong chính trị châu Á và thế giới, nhưng TQ không có đủ tư thế để khống chế ngay cả châu Á, đừng nói chi cả thế giới.

Các học giả uyên thâm có thể tận hưởng cơ hội này để suy đoán về một tương lai hậu-Hoa Kỳ, trong đó cả thế giới phải học tiếng Quan thoại, nhưng sự thật cho thấy rằng điều họ suy đoán sẽ không xảy ra trong thế kỷ này. Đã đến lúc ta cần bắt đầu coi TQ như một nước rộng lớn nhưng tầm thường. Phần còn lại của thế giới không nên ngây ngất hay lo sợ về viễn cảnh TQ sẽ khống chế thiên hạ. Dẹp qua một bên sự phóng đại và hoảng sợ, ta nên thấy ở TQ một nước đã chịu đựng một thảm kịch khủng khiếp kéo dài 200 năm và cuối cùng đang trở lại bình thường. Đây là một điều tốt lành – cho TQ, cho Hoa Kỳ, và cho cả thế giới. Nếu hệ thống quốc tế bắt đầu coi TQ, và TQ bắt đầu tự coi mình, như một thành viên quan trọng nhưng không phải vô địch trong hệ thống toàn cầu, thì những sợ hãi phi lý sẽ giảm thiểu về mọi phía, và phải là như vậy. TQ trong tương lai có thể phải dồn mọi nỗ lực để thoả mãn nhu cầu của dân chúng trong nước hơn là giành lấy cho mình địa vị của một bá quyền toàn cầu mới.

Salvatore Babones là Giảng viên Thâm niên môn Xã hội học và Chính sách Xã hội tại Đại học Sydney, Australia.

Nguồn: Foreign Affairs, tháng Chín/tháng Mười 2011

No comments:

Post a Comment