July 31, 2011

Tony Halpin - Cuộc chiến đấu cuối cùng của Aleksandr Solzhenitsyn


Bản dịch được thực hiện nhân ngày giỗ làn thứ ba của Aleksandr Solzhenitsyn (2008-2011)

Ông là lương tâm của dân tộc, các trước tác của ông đã phơi bày trước bàn dân thiên hạ những nỗi khủng khiếp của nhà tù Xô-viết (GULAG) và nạp năng lượng cho phe đối lập Nga trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài ở Liên Xô.

Cuộc đấu tranh lâu dài của Aleksandr Solzhenitsyn cho nước Nga yêu dấu của ông đã kết thúc tại căn nhà của ông ở Moskva vào đêm hôm qua (ngày 3 tháng 8 năm 2008 – ND). Mười bốn năm trước đây, sau khi bị chế độ Xô-viết bắt lưu đầy trong một thời gian dài, ông đã trở về nước trong ánh hào quang của người chiến thắng. Stepan, con ông, nói rằng ông mất ở tuổi 89 sau một cơn đau tim nặng.

Mấy năm gần đây sức khoẻ của ông đã kém đi nhiều. Nhưng ông đã sống đủ lâu để điện Kremlin, một thời từng kết án khổ sai ông, phải vinh danh ông. Vladimir Putin, cựu Tổng thống Nga, người có thời từng là sĩ quan KGB, năm ngoái đã phải đến tận nhà để trao cho ông Giải thưởng Quốc gia “Vì những đóng góp to lớn trong hoạt động nhân đạo” và đã ngỏ lời cám ơn ông vì “tất cả những việc ông đã làm vì lợi ích của nước Nga”.

Solzhenitsyn được trao Giải Nobel Văn chương năm 1970 sau khi ông công bố những tác phẩm làm chấn động lương tâm về hệ thống nhà tù của chế độ Xô-viết như Một ngày của Ivan Denisovich (One Day in the Life of Ivan Denisovich) và Quần đảo Gulag (The Gulag Archipelago).

Dự án công bố toàn tập tác phẩm của Solzhenitsyn được khởi động vào năm 2006. Lúc đó ông đã nói rằng chắc khó hi vọng nhìn thấy cả bộ sách gồm 30 tập, sẽ hoàn thành vào năm 2010.

Vinh quang tột đỉnh đã đến với Solzhenitsyn vào năm 1974, khi ông bị tước quyền công dân và lưu đầy khỏi Liên Xô sau khi phần thứ nhất của tác phẩm Quần đảo Gulag xuất hiện ở phương Tây. Ông phải bỏ ra mười năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết gồm ba tập này, một cuốn sách đã buộc những người có cảm tình với Liên Xô phải xét lại thái độ của họ.

Solzhenitsyn phải sống tám năm trong trại lao động cải tạo vì đã chỉ trích Stalin trong bức thư gửi cho một người bạn cũ. Ông bị bắt năm 1945 sau khi đã phục vụ trong quân ngũ suốt những năm Chiến tranh Thế giới II. Sau khi hết hạn tù vào năm 1953, ông bị đưa đi đầy ở Kazakhstan. Cũng ở đây ông phát hiện ra mình bị bệnh ung thư. Kinh nghiệm sống đã giúp ông hoàn thành tác phẩm Vòng đầu địa ngục (The First Circle) và Khu ung thư (Cancer Ward). Tác phẩm Một ngày của Ivan Denisovich dưới dạng rút gọn được in ở Liên Xô vào năm 1962, trong thời kì gọi là tan băng dưới trào Nikita Khrushchev.

Nhưng bộ máy kiểm duyệt đã bác bỏ tất cả các tác phẩm khác của ông, còn KGB thì theo dõi từng bước vì những hoạt động “bài Xô” của ông. Huân chương Nobel của ông bị coi là thù địch về chính trị, nhưng ông vẫn tiếp tục bí mật gửi tác phẩm ra nước ngoài, còn tại Liên Xô thì các tác phẩm đó được lưu hành một cách bí mật dưới dạng samizdat.

Mstislav Rostropovich, nghệ sĩ chơi đàn vi-ô-lông-xen vĩ đại, đã kiên quyết phản đối việc đàn áp Solzhenitsyn và từ đầu những năm 1970 đã cho ông tá túc. Việc ủng hộ nhà văn thất sủng đã làm cho Rostropovich gặp nhiều rắc rối với nhà cầm quyền và năm 1974 ông buộc phải trốn sang Paris. Sau khi bị trục xuất, Solzhenitsyn sống ở Đức, sau đó sang Thuỵ Sĩ và đến năm 1976 thì định cư ở Mĩ. Năm 1990 Mikhail Gorbachev phục hồi quyền công dân cho ông và năm 1994 thì ông trở về Nga. Ông thú nhận rằng đã vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến đời sống nghèo khổ của dân chúng.

Solzhenitsyn kịch liệt phê phán xã hội mới, xuất hiện sau sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản và kêu gọi đẩy lùi tham nhũng cũng như phục hồi lòng yêu nước truyền thống. Ông có thái độ thân thiện đối với cựu Tổng thống Putin và nói rằng ông này đã có những bước đi nhằm “cứu tinh thần quốc gia Nga”. Trong băng video, được thu nhân dịp Putin trao Giải thưởng Quốc gia, ông nói rằng hi vọng việc làm của Putin sẽ giúp nước Nga tránh được “những suy thoái mang tính phá hoại” trong tương lai.


Vài dòng tiểu sử

1941 Solzhenitsyn tốt nghiệp khoa Toán - Lí trường Đại học Tổng hợp Rostov, sau đó ra nhập quân đội, tham gia Thế chiến II, được phong quân hàm đại uý.

1945 Trong một bức thư gửi cho bạn, Solzhenitsyn đã có những lời lẽ phê phán Stalin. Bức thư bị cơ quan an ninh thu hồi, Solzhenitsyn bị bắt giữ.

1945 - 53 Tám năm khổ sai. Kinh nghiệm sống đã giúp ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết Một ngày của Ivan Denisovich.

1962 Sau khi chế độ kiểm duyệt được nới lỏng và được chính Krushchev cho phép, tác phẩm Một ngày của Ivan Denisovich được công bố ở Liên Xô. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên, do người Nga chấp bút, phê phán chế độ của Stalin.

1970 Huân chương Nobel Văn chương. Solzhenitsyn không đi nhận vì sợ rằng sẽ không được quay trở về Liên Xô.

1972 Solzhenitsyn bí mật gửi ra nước ngoài bài diễn văn Nobel, có đoạn mô tả về Quần đảo Gulag, trong đó có câu “số phận đã cho tôi sống, trong khi những người khác, có thể là tài năng hơn và mạnh mẽ hơn tôi đã phải chết”. Hai năm sau ông bị người ta bắt phải rời khỏi Liên Xô.

1990 Trước ngày Liên Xô tan rã, Gorbachev phục hồi quyền công dân cho Solzhenitsyn.

1994 Solzhenitsyn quay về Nga

1998 Từ chối nhận giải thưởng do Boris Yeltsin trao, sau khi tố cáo ông này phá hoại nền kinh tế của đất nước.





1 comment:

  1. Giới văn nghệ sỹ dưới bất kỳ chế độ cộng sản nào cũng đều có 1 số phận giống nhau, chết không nhắm được mắt. Họ sinh ra để phản ánh cuộc đời, nhưng không may họ sinh ra dưới chế độ cộng sản. Họ đã làm đúng thiên chức của mình là phản ánh cuộc sống dưới chế độ mà họ sống, cuộc sống dưới địa ngục trần gian. Và họ đã phải trả giá rất đắt cho công việc của họ, nhiều khi bằng chính sinh mạng của họ. Biết bao kiệt tác của nhân loại đã bi ném vào lò sưởi hoặc đút gác bếp và không bao giờ được xuất bản.

    ReplyDelete