July 14, 2011

Joseph E. Stiglitz (Project Syndicate, Mĩ, 06/07/2011) – Cuộc khủng hoảng tư tưởng của chủ nghĩa tư bản phương Tây

NEW YORK – Chỉ mới vài năm trước đây, hệ tư tưởng đầy sức mạnh dựa trên niềm tin cho rằng thị trường tự do và không bị bất kì trói buộc nào đã đưa thế giới đến bờ vực của sự phá sản. Ngay cả trong thời kì phát triển nhất, tức là từ đầu những năm 1980 đến năm 2007, chủ nghĩa tư bản không bị nhà nước điều tiết kiểu Mĩ cũng chỉ mang đến sự thịnh vượng cho những người giàu có nhất trong những nước giàu có nhất trên thế giới mà thôi. Trên thực tế, trong giai đoạn này phần lớn người dân Mĩ đều thấy rằng thu nhập của họ đã giảm đi từng năm hay là dẫm chân tại chỗ. 


Hơn thế nữa, sự phát triển sản xuất của Mĩ về mặt kinh tế là không bền vững. Khi phần lớn thu nhập quốc gia của Mĩ rơi vào túi một số ít người thì sự phát triển chỉ có thể tiếp tục bằng cách bơm tiền cho người ta chi tiêu và tạo ra một núi nợ nần. 

Tôi là một trong số những người từng hi vọng rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ dạy cho người Mĩ (và cả một số người khác nữa) bài học về sự kiện là cần phải có nhiều công bằng hơn, nhà nước phải can thiệp nhiều hơn, và phải có sự cân bằng hơn giữa nhà nước và thị trường. Nhưng hóa ra là ngược lại, sự trỗi dậy của môn kinh tế học theo trường phái hữu khuynh - do hệ tư tưởng và những nhóm lợi ích đặc thù dắt mũi - lại một lần nữa đe dọa nền kinh tế toàn cầu – hay ít nhất là đang đe doạn nền các kinh tế châu Âu và Mĩ, nơi những tư tưởng này đang tiếp tục đơm hoa kết trái.

Ở Mĩ, sự hồi sinh của cánh hữu – các đồ đệ của nó rõ ràng là đang tìm cách bỏ qua những định luật căn bản của toán học và kinh tế học – có nguy cơ làm cho nhà nước không thể trả được nợ. Nếu quốc hội cho phép những khoản chi nhiều hơn thu ngân sách thì sẽ có thâm hụt, và phải cấp tiền cho khoản thâm hụt này. Đáng lẽ là phải cân nhắc một cách thận trọng lợi ích của mỗi chương trình chi tiêu của chính phủ với giá phải trả cho việc tăng thuế thì những người cánh hữu lại sử dụng biện pháp “trên đe dưới búa”: không cho phép tăng các khoản nợ quốc gia đã buộc chính phủ phải giới hạn chi tiêu cho phù hợp với các khoản thuế thu được.

Như vậy là câu hỏi sau đây vẫn còn bỏ ngỏ: những khoản chi nào đáng dược ưu tiên? Nếu các khoản chi để trả lãi cho những món nợ của chính phủ không phải là những khoản ưu tiên thì vỡ nợ là không thể tránh được. Hơn nữa, việc cắt các khoản chi trong giai đoạn hiện nay – tức là giữa giai đoạn khủng hoảng do hệ tư tưởng ủng hộ thị trường tự do tạo ra – thì chắc chắn đơn giản là sẽ làm cho quá trình suy thoái kinh tế càng kéo dài thêm. 

Mười năm trước, tức là giữa lúc nền kinh tế đang trong giai đoạn bùng nổ,  Mĩ đã có những khoản thặng dư lớn đến nỗi có thể xóa bỏ được những khoản nợ của chính phủ. Nhưng việc cắt giảm thuế một cách quá mạo hiểm, chiến tranh, những đợt suy thoái và các khoản chi tiêu cho lĩnh vực y tế gia tăng đột ngột – một phần là do cam kết của chính quyền của tổng thống  George W. Bush (Bush con – ND) cho phép các công ty dược tự định đoạt giá cả, ngay cả khi đã được nhà nước tài trợ - đã nhanh chóng biến những khoản thặng dư to lớn thành thâm hụt kỉ lục trong thời bình.

Toa thuốc chữa căn bệnh thâm hụt của Mĩ được đưa ra ngay sau khi có chẩn đoán: buộc Mĩ phải quay lại làm việc bằng cách kích thích nền kinh tế; chấm dứt những cuộc chiến tranh vô nghĩa; hạn chế chi tiêu trong lĩnh vực quân sự và y tế; tăng thuế, ít nhất là đối với những người rất giàu. Nhưng phái hữu không làm bất kì việc gì như thế cả, không những thế, họ còn kiên quyết đòi cắt giảm thuế đánh vào các tập đoàn và những người giàu có, đồng thời cắt giảm các khoản chi tiêu trong lĩnh vực đầu tư và bảo trợ xã hội, làm cho tương lai kinh tế Mĩ bị đe dọa và phá nát những gì còn sót lại của “khế ước xã hội. Trong khi đó, lĩnh vực tài chính Mĩ lại tích cực vận động nhằm tìm cách thoát ra khỏi những qui định, để có thể quay lại với những cách làm thiếu thận trọng đầy tai họa trước đây của họ.

Tình hình ở châu Âu cũng không khá hơn bao nhiêu. Trong khi Hi Lạp và những nước khác đối mặt với khủng hoảng thì “toa thuốc” hôm nay vẫn chỉ đơn giản là những biện pháp khắc khổ nhàm chán và tư nhân hóa, những nước áp dụng các biện pháp đó chỉ càng nghèo thêm và dễ bị tổn thương hơn mà thôi. Toa thuốc này đã không chữa được bệnh ở Đông Á, ở châu Mĩ Latin và một số khu vực khác, và lần này cũng sẽ thất bại ở châu Âu. Thực ra, nó đã thất bại ở Ireland, ở Latvia và Hi Lạp rồi.

Có một sự lựa chọn khác: chiến lược phát triển kinh tế được Cộng đồng châu Âu (EU) và Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) ủng hộ. Phát triển kinh tế sẽ khôi phục được niềm tin rằng Hi Lạp có thể trả được nợ, làm cho lãi suất giảm và tạo ra nhiều không gian hơn cho những khoản đầu tư có khả năng thúc đẩy cho sự phát triển tiếp theo. Phát triển, tự nó đã làm tăng những khoản thu về thuế và giảm nhu cầu chi tiêu cho lĩnh vực xã hội, thí dụ như trợ cấp thất nghiệp. Và niềm tin rằng điều đó sẽ xảy ra lại càng thúc đẩy phát triển gia tăng hơn nữa.

Đáng tiếc là thị trường tài chính và các nhà kinh tế học cánh hữu lại hiểu vấn đế hoàn toàn ngược lại: họ tin rằng những biện pháp khắc khổ tạo ra sự tự tin và sự tự tin sẽ tạo ra phát triển. Nhưng những biện pháp khắc khổ kìm hãm phát triển, làm cho vị thế tài chính của chính phủ xấu đi hay ít nhất là cũng không cải thiện được nhiều như những người ủng hộ các biện pháp khắc khổ từng hứa. Xét cả hai phương diện, sự tự tin giảm đi và vòng xoáy trôn ốc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra.

Chúng ta có cần làm một cuộc thí nghiệm nữa với những ý tưởng đã từng thất bại nhiều lần rồi hay không? Chúng ta không được làm nữa, nhưng dường như càng ngày càng chứng tỏ rằng chúng ta phải sẽ chịu đựng thêm một lần nữa. Nếu châu Âu hoặc Mĩ không trở lại với giai đoạn phát triển mạnh mẽ thì kinh tế thế giới sẽ gặp khó khăn. Nếu cả hai đều thất bại thì sẽ là thảm họa – ngay cả khi những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi chủ chốt có đạt được sự phát triển kinh tế mà không cần trợ giúp thì cũng thế. Đáng tiếc là, nếu những đầu óc thông thái hơn không thắng thế thì thế giới sẽ lao theo con đường đó.

Joseph E. Stiglitz là giáo sư tại đại học Columbia (Columbia University), giải thưởng  Nobel về kinh tế, tác giả cuốn: Freefall: Free Markets and the Sinking of the Global Economy (Bản dịch của Nguyễn Phúc Hoàng Rơi tự do: nước Mỹ, các thị trường tự do và sự chìm đắm của nền kinh tế thế giới)

Nguồn: The Ideological Crisis of Western Capitalism - http://www.project-syndicate.org/commentary/stiglitz140/English

No comments:

Post a Comment