(Bản dịch được đăng nhân kết thúc năm học 2010-2011)
Vừa đọc tác phẩm của Walter Isaacson về Albert Einstein (Einstein: His Life and Universe) tôi vừa nghĩ về nước Trung Hoa. Không, nước này không hề được nhắc tới trong cuốn sách, nhưng cách lí giải mới, cách lí giải kích thích tư duy của độc giả về cuộc đời hoạt động khoa học của Einstein giúp ta xem xét hai vấn đề liên quan đến Trung Quốc mà hiện đang được thảo luận một cách sôi nổi.
Thứ nhất, cuộc đời của Einstein cho ta thấy sức sáng tạo có liên quan như thế nào với tự do. Hay có thể đặt vấn đề theo một cách khác: Trung Quốc có thể trở thành cường quốc khoa học như Mĩ hay không? Thế kỉ XXI có thể trở thành “kỉ nguyên Trung Quốc” như nhiều người dự đoán hay không nếu chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đời sống chính trị, kiểm duyệt Google đồng thời với việc xây dựng nền kinh tế thị trường? Và thứ hai, với chế độ tự do của mình hiện nay, chúng ta có thể cạnh tranh được với Trung Quốc hay không, nếu thanh niên Trung Quốc tích cực học toán và các môn khoa học tự nhiên khác, trong khi thanh niên Mĩ không còn hứng thú với các môn khoa học này nữa? Lại xin đặt vấn đề theo một cách khác: nếu Einstein sống vào thời nay và nếu ông cũng được dạy các môn khoa học chính xác như người ta đang dạy tại nhiều trường học ngày hôm nay thì ông sẽ trở thành người như thế nào? Ông sẽ trở thành một nhà quản lí một quĩ nào đó tại Wall Street hay là người phát minh ra lí thuyết tương đối và được nhận giải Nobel vật lí?
Theo quan điểm của Isaacson thì tiểu sử của Einstein là minh chứng rõ ràng về mối liên hệ mật thiết giữa sáng tạo và tự do. “Ước mong giải thoát khỏi áp bức và được sống ở nơi có thể tự do suy nghĩ, tự do thể hiện bản thân mình là tư tưởng chủ đạo của lịch sử một trăm năm qua nói chung và cuộc đời Einstein nói riêng. Trong những năm 1890, khi còn ở tuổi vị thành niên, Einstein đã chạy trốn chủ nghĩa giáo điều trong trường học và chế độ độc tài ở Đức để đến sống ở Italy và Thuỵ Sĩ. Sau này ông lại chạy trốn chủ nghĩa Hitler và đến sống ở Mĩ. Tại Mĩ, Einstein tiếp tục chống lại chủ nghĩa McCarthy và chủ nghĩa Stalin vì ông tin rằng chỉ có tự do tư tưởng mới có thể đào luyện được năng khiếu sáng tạo và trí tưởng tượng của con người”, Isaacson phát biểu như vậy trong một cuộc phỏng vấn.
Chỉ cần nhắc đến những thành quả khoa học chủ yếu của Einstein – Thuyết tương đối hẹp, thuyết tương đối rộng, thuyết lượng tử - là thấy rõ ngay rằng “tất cả đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, của tự do tư tưởng, sẵn sàng vứt bỏ tất cả những quan niệm cổ hủ đã được mọi người thừa nhận”, Isaacson nói. “Einstein cho rằng sức sáng tạo sẽ nở hoa kết trái một cách mạnh mẽ ở những xã hội tự do. Nếu nước ta có lợi thế nào đó so với Trung Quốc thì đấy chính là việc chúng ta khuyến khích các nhà tư tưởng-phá cách, khuyến khích trí tưởng tượng của họ và không có ý định cản trở việc tự do thể hiện của họ.”
Bằng trái tim, tôi cảm thấy Isaacson hoàn toàn có lí; nhưng lí trí lại mách: không được coi thường lời phát biểu của Bill Gates khi ông đến thăm Trung Quốc. Bill Gates khẳng định rằng việc phổ biến máy điện toán, internet và nền giáo dục sẽ đưa Trung Quốc trở thành không chỉ một thị trường tiêu thụ vĩ đại các chương trình điện toán mà “còn là một trong những người tạo ra thị trường đó. Công việc sáng tạo đang bước đi bằng những đôi hài bảy dặm tại đây.”
Chế độ chuyên chế ở Trung Quốc có trở thành rào cản của tiến bộ hay không? Chỉ thời gian mới trả lời được mà thôi.
Chúng ta còn phải tính đến một ý kiến nữa của Isaacson: Einstein nhìn thấy trong các khoa học tự nhiên và các công thức cái đẹp và sự khoái cảm sáng tạo. Nếu trường học của chúng ta biết cách truyền cho các em học sinh cảm giác đó thì chúng ta cũng có thể đào tạo ra những Einstein mới và không phải lấy làm lo là hiện nay trong các khoa vật lí, toán học và các ngành kĩ thuật khác chỉ toàn sinh viên Trung Quốc, đến nỗi có khi người ta còn giảng bài bằng tiếng Hoa nữa.
“Einstein có khả năng tư duy bằng hình ảnh”, Isaacson giải thích. “Ngay từ năm mười sáu tuổi, khi nhìn vào phương trình Maxwell ông đã tưởng tượng mình đang phóng đi song song với luồng ánh sáng và cố tìm cách đuổi kịp nó. Ông đã hiểu rằng các phương trình đó mở ra một điều bí ẩn đáng ngạc nhiên của vũ trụ. Nhờ khả năng biến những khái niệm trừu tượng thành hình ảnh nhìn thấy được và thái độ sáng tạo đối với khoa học mà Einstein nhận thức được những điều mà các nhà vật lí lí thuyết không nhìn ra: khi bạn đuổi theo ánh sáng thì sóng vẫn chuyển động với vận tốc như thế nhưng đối với bạn thời gian đã ngừng trôi. Đấy là một cú đột phá mà các nhà khoa học được đào tạo tốt hơn không thể làm được bởi vì họ không có khả năng tư duy bằng hình ảnh.”
Nếu chúng ta muốn các cháu học sinh ham mê các môn khoa học tự nhiên thì chúng ta không được biến các môn học đó thành những môn học chán ngắt và đầy đe doạ. “Cần phải nhắc nhở trẻ em rằng phương trình toán học hay công thức khoa học chỉ là nét bút của Chúa để Người thể hiện một trong những điều kì diệu của tự nhiên. Phải thấy trong đó những nét đẹp y như trong các tác phẩm hội hoạ, văn chương hay thi ca vậy”, ông Isaacson cho biết.
Tôi thích nhất câu châm ngôn sau đây của Einstein: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Một xã hội cố tình ngăn chặn trí tượng tượng khó có thể sinh ra được những người như Einstein, dù có bao nhiêu người có học vấn thì cũng vậy mà thôi. Tương tự như vậy, nếu xã hội không biết cách giảng dạy các môn khoa học tự nhiên một cách sáng tạo thì dù có tự do đến mức nào, nó cũng chẳng thể đào tạo được những người như Einstein.
Nói chung, khi gấp cuốn sách lại tôi bỗng có cảm giác: Nếu Einstein còn sống đến ngày hôm nay thì ông sẽ bắt cả Mĩ lẫn Trung Quốc phải thi lại.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Anh đăng trên New York Times, 28 tháng 4 năm 2007. Dịch từ bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/stories/06/05/02/3479/234263.html
No comments:
Post a Comment