June 19, 2011

Ian Buruma - Ngọn triều đen của Trung Quốc


Lời người dịch: Bài này được viết từ năm 2008, nhưng nay đọc lại vẫn thấy đầy tính thời sự
 
Thành công về kinh tế có thể tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với chế độ dân chủ tự do.

Năm 2008 sẽ là năm của Trung Quốc. Thế vận hội - không nghi ngờ gì nữa, sẽ được tổ chức một cách hoàn hảo, sẽ không có người biểu tình phản đối, không có những kẻ lang thang không nhà, không có những người bất đồng tôn giáo hoặc bất kì kẻ phá đám nào – có nhiều khả năng sẽ góp phần nâng cao uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong khi nền kinh tế Mĩ đang sa lầy thêm vì những món nợ xấu trên thị trường bất động sản thì nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục bùng nổ.

Những ngôi nhà choáng lộn, do những kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới thiết kế, sẽ làm cho Bắc Kinh và Thượng Hải trông giống như những thành phố hiện đại của thế kỉ XXI. Các doanh nhân Trung Quốc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong các bản danh sách những người giầu có nhất thế giới hàng năm. Các họa sĩ Trung Quốc, được những người đồng hương giầu có mới nổi của mình ủng hộ, sẽ đòi trên sàn đấu giá những mức giá mà nhiều người khác chỉ có thể nghĩ đến trong những giấc mơ.

Chuyện đó xảy ra chỉ trong một thế hệ, với xuất phát điểm gần như là cảnh bần hàn và một nền chuyên chế đẫm máu. Đấy đúng là một kì tích và rất đáng chúc mừng. Nhưng câu chuyện thành công của Trung Quốc lại đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất mà nền dân chủ tự do phải đối mặt kể từ những năm 1930, tức là từ khi chủ nghĩa phát-xít còn làm mưa làm gió ở châu Âu. Vấn đề không phải là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Chiến tranh với Mĩ hoặc ngay cả với Nhật chỉ có thể nằm trong trí tưởng tượng của một vài người theo đường lối dân tộc cực đoan hay những người bị bệnh hoang tưởng mà thôi.

Không phải chiến tranh mà chính quan điểm cho rằng mô hình Trung Quốc đã giành được thắng lợi vì những thành công về mặt vật chất (mặc cho những hậu quả đối với môi trường tự nhiên) đã làm cho mô hình kinh tế - chính trị của họ trở thành hấp dẫn hơn so với mô hình dân chủ tự do tư bản chủ nghĩa.

Không như một vài học giả đang nói, chủ nghĩa tư bản Trung Quốc không giống như chủ nghĩa tư bản châu Âu thế kỉ XIX. Hai trăm năm trước, giai cấp lao động châu Âu, không nói đến phụ nữ, có thể chưa có quyền bầu cử, nhưng đã có thể tham gia vào những hình thức tổ chức khác nhau vì tất cả các giai tầng xã hội đều độc lập với nhà nước. Ngay cả trong những giai đoạn khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa tư bản phương Tây thì xã hội công dân ở châu Âu và châu Mĩ vẫn có một mạng lưới rộng khắp các câu lạc bộ, các đảng phái, các hiệp hội và tổ chức, từ nhà thờ cho đến các câu lạc bộ thể thao. Điều đó cũng đã từng xảy ra ở nước Trung Hoa cũ, còn lâu mới có thể được coi là dân chủ, trước khi Chủ tịch Mao Trạch Đông đập tan tất cả những gì có thể đe dọa sự độc quyền của Đảng Cộng sản của ông ta.

Sau khi chủ nghĩa Mao cáo chung, người dân Trung Quốc đã giành lại được nhiều quyền tự do cá nhân, nhưng không được tự do tham gia các hoạt động chính trị nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Như một hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản có thể đã phá sản, nhưng vì không có xã hội công dân, Trung Quốc vẫn không hề thay đổi. Đôi khi mô hình Trung Quốc được người ta mô tả bằng những thuật ngữ truyền thống như thể chính sách hiện thời của Trung Quốc chỉ là một phiên bản hiện đại của Khổng giáo mà thôi. Trên thực tế, cái xã hội mà tầng lớp tinh hoa của nó coi việc kiếm tiền là trên hết thật khác xa với tất cả các xã hội Khổng giáo từng tồn tại trong quá khứ.

Thật khó mà bẻ được một người đang thành công. Trên đường làm giàu, Trung Quốc không chấp nhận ý tưởng rằng chủ nghĩa tư bản và sự phát triển của giai cấp tư sản thành đạt nhất định sẽ dẫn đến chế độ dân chủ tự do. Ngược lại, chính giai cấp trung lưu giàu có, được đấm mõm bằng những lời hứa hẹn rằng lợi ích vật chất sẽ ngày một nhiều thêm, lại đang hi vọng giữ vững trật tự hiện hành. Đấy có thể là một vụ thông đồng với quỉ sứ: Thịnh vượng được đánh đổi bằng sự thuần phục chính trị mà trên thực tế chính là từ bỏ hoạt động chính trị - cho đến nay phi vụ này vẫn còn giá trị.

Mô hình Trung Quốc không chỉ có sức hấp dẫn đối với tầng lớp tinh hoa mới trong vùng duyên hải nước này mà đã lan toả ra toàn thế giới. Các nhà độc tài châu Phi cũng như các nhà độc tài các nơi khác trên thế giới, những kẻ được trải thảm đỏ khi đến thăm Bắc Kinh, tỏ ra thích nó. Đây không phải là mô hình phương Tây và người Trung Quốc không dạy ai về dân chủ cả. Ngay cả nếu muốn, họ cũng không thể làm được. Nhưng Trung Quốc có rất nhiều tiền, những bạo chúa kia sẽ bỏ túi được một món kha khá. Hối lộ không phải là vấn đề. Thành công về tư tưởng mới là quan trọng. Bằng cách chứng minh rằng chủ nghĩa độc tài cũng có thể thành công, Trung Quốc đã trở thành thí dụ điển hình cho các nhà độc tài trên toàn thế giới, từ Moskva đến Dubai, từ Islamabad đến Khartoum.

Sự hấp dẫn của Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng ngay cả trong thế giới phương Tây nữa. Các doanh nhân, các ông trùm truyền thông, các kiến trúc sư - tất cả đang đổ xô vào Trung Quốc. Một đất nước không có công đoàn độc lập, không có bất kì một hình thức phản đối có tổ chức nào có thể cản trở được công việc kinh doanh, đúng là một địa điểm lí tưởng để làm kinh tế, để xây các vận động trường hay các ngôi nhà chọc trời hay bán thông tin công nghệ và mạng lưới truyền thông. Còn những mối bận tâm về quyền con người hay quyền công dân lại bị coi là lỗi thời hay biểu hiện của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Chẳng có nền kinh tế nào có thể phát triển ổn định mãi. Các cuộc khủng hoảng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vụ thông đồng giữa giai cấp trung lưu Trung Quốc và nhà nước độc đảng bị phá vỡ vì cuộc săn đuổi sự giàu có bị ngưng trệ hay thậm chí thụt lùi? Chuyện đó đã từng xảy ra trong quá khứ. Gần gũi nhất với mô hình Trung Quốc là nước Đức thế kỉ XIX, một đất nước có nền công nghiệp phát triển với giai cấp trung lưu có học thức nhưng trung lập về chính trị và có xu hướng dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến. Trong trường hợp nước Đức, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành lực lượng huỷ diệt khi nền kinh tế suy sụp và tình trạng rối loạn trong xã hội đe doạ lật đổ trật tự hiện hành.

Chuyện đó cũng có thể xảy ra ở Trung Quốc, nơi niềm tự hào dân tộc luôn đánh đu trên thái độ hiếu chiến đối với Nhật Bản, Đài Loan và rút cục là đối với phương Tây. Chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến Trung Quốc đang hình thành hiện nay cũng có thể trở thành lực lượng huỷ diệt nếu nền kinh tế của nó bị trì trệ hay vụ thông đồng với giai cấp trung lưu tan vỡ.

Muốn tránh rối loạn ở trong nước thì cách tốt nhất là đẩy nó sang những mục tiêu ở bên ngoài biên giới quốc gia. Việc đó sẽ chẳng có lợi cho ai, chúng ta xin chúc Trung Quốc những điều tốt đẹp nhất trong năm 2008, nhưng không được quên những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ và những tâm hồn tự do đang kéo lê ngày tháng trong các nhà tù và trại cải tạo lao động và hi vọng rằng họ sẽ sống đến ngày được thấy nhân dân Trung Quốc cũng trở thành những người tự do. Đấy có thể chỉ là một giấc mơ xa vời, nhưng có phải năm mới chính là lúc người ta có thể ước mơ?.


Ian Buruma là giáo sư về Quyền con người tại Bard College, Murder in Amsterdam: The Killing of Theo van Gogh and the Limits of Tolerance là cuốn sách xuất bản gần đây nhất của ông.




No comments:

Post a Comment