March 30, 2011

Oliver Wright và Nigel Morris (The independent, Anh, 30/03/2011) – Clinton: Nghị quyết của Liên hiệp quốc cho chúng ta quyền cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy.

Phạm Nguyên Trường dịch

Mĩ đã dọn đường cho việc cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy tại Libya trong cuộc gặp của gần 40 nước tham gia hội nghị ở London nhằm thảo luận những biện pháp tiếp theo trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ của Đại tá Gaddafi. 


Bộ trưởng ngoại giao Mĩ, bà Hillary Clinton, nói bà tin rằng nghị quyết của Liên hiệp quốc cho phép “chuyển giao một cách hợp pháp vũ khí” cho những người nổi dậy, nếu có bất kì nước nào đó muốn làm như thế. Bà còn nói thêm rằng “hiện nay” Mĩ chưa có quyết định cụ thể nào về việc cung cấp vũ khí cho những người nổi dậy.
Ông William Hague, Bộ trưởng ngoại giao Anh, nói rằng mặc dù Libya bị Liên hiệp quốc cấm vận cũ khí nhưng điều đó không có nghĩa là không thể cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. Pháp nói rằng sẽ xem xét khả năng cung cấp vũ khí. “Tôi xin nhắc lại với quí vị  rằng đấy không phải là một phần của nghị quyết của Liên hiệp quốc… nhưng chúng tôi sẵn sàng đàm phán với các đối tác của chúng tôi”, ông Alain Juppé, Bộ trưởng ngoại giao Pháp, nói như thế. 

Bước đi đó của cộng đồng quốc tế sẽ đáp ứng được nguyện vọng của các nhà lãnh đạo đối lập Libya, họ cũng vừa tới London ngày hôm qua nhằm thúc ép các nước phương Tây cung cấp vũ khí. Nó cũng phản ánh nỗi lo sợ của các nước trong liên minh, họ sợ rằng nếu quân nổi dậy không nhận được vũ khí từ bên ngoài thì họ sẽ không thể lật đổ được chế độ của Gaddafi. Chế độ này vẫn duy trì được sự ủng hộ ở thủ đô Tripoli.

Các nguồn tin ở Anh nói rằng vũ khí được cung cấp cho các nhóm đối lập – theo nghị quyết của Liên hiệp quốc – sẽ chỉ được sử dụng “nhằm bảo vệ thường dân”. Nhưng các nguồn tin này không nói cách kiểm tra việc sử dụng. Khi được hỏi về việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy, ông Sheikh Hamad Bin Jabr al-Thani, Thủ tướng Qatar, nói rằng: “Chúng ta phải tìm cách chặn đứng cuộc tắm máu này”. 

Trước khi bà Clinton đưa ra tuyên bố như trên thì ông Guma El-Gamaty, điều phối viên về quan hệ của Hội đồng dân tộc lâm thời Libya (INC) với Anh, nói rằng họ rất cần vũ khí.

“Hãy xem các bản tin và các vị sẽ thấy rằng chúng tôi chỉ có vũ khí hạng nhẹ, chúng tôi hành quân trên những chiếc ô tô bình thường và không có xe bọc thép nào – nếu không chúng tôi đã tiêu diệt ông ta trong vài ngày. Chúng tôi hoan nghênh bất kì sự giúp đỡ nào, từ bất kì quốc gia nào. Chúng tôi muốn cung cấp cho thanh niên của chúng tôi vũ khí theo đúng nghĩa của nó” 

Việc những thành viên của INC được mời tới London để gặp các Bộ trưởng ngoại giao Pháp, Đức, và Mĩ ngay trước ngày tổ chức hội nghị vào hôm qua cho thấy những nhân vật bất đồng ở Libya đã liên hệ được với cộng đồng quốc tế. Họ còn thảo luận với Bộ trưởng ngoại giao William Hague và được mời tới phố Downing để gặp Thủ tướng David Cameron nữa.

Nhưng cũng đã xuất hiện tín hiệu bất đồng – do Bộ trưởng ngoại giao Italy, ông Franco Frattini, đưa ra; mà cụ thể là tìm chỗ an toàn cho Gaddafi, nếu ông ta muốn lưu vong. Đề nghị này được Thổ Nhĩ Kì ủng hộ, nhưng Anh và Mĩ thì tỏ ra thận trọng vì họ muốn đưa ông ta ra Toà án hình sự quốc tế.

“Ở Anh, chúng tôi không tham gia vào việc tìm chỗ cho ông ta đi, nhưng điều đó cũng không loại trừ khả năng là những người khác làm như thề”, ông Hague nói. Phe đối lập Libya cũng phản đối kế hoạch này. “Nhân dân sẽ không chấp nhận phương án để ông ta lưu vong. Chúng tôi sẽ không thảo luận khi ông ta chưa ra đi”, ông El-Gamaty nói như thế.

Ông Hague nói rằng hội nghị ở London đồng ý xem xét các biện pháp trừng phạt mới nhằm chống lại Gaddafi. Ông nói thêm rằng các biện pháp này nhắm vào “các cá nhân và tổ chức liên quan đến chế độ”. Nhưng, mặc dù các nước Trung Đông đã thể hiện sự thống nhất, vẫn có những nước không tham dự hội nghị, mà lẽ ra họ phải tham gia. Saudi Arabia “lảng tránh vào phút chót”, và trong khi các quan chức nói rằng Iraq sẽ tham dự, nhưng họ cũng không tới. Anh cũng hi vọng sẽ tuyên bố về việc tham gia chiến dịch quân sự của các nước Arab khác – hiện mới chỉ có Qatar tham gia – nhưng không thấy.

Ông Hague nói rằng đã có “áp lực quốc tế cực kì mạnh” nhằm buộc Gaddafi phải ra đi. “Libya sẽ không có tương lại nếu Gaddafi tiếp tục cầm quyền hay cố gắng nắm quyền”, ông nói.
Trong khi đó, trong một tuyên bố đầy thách thức nhắm tới hội nghị cấp cao London, Gaddafi kêu gọi các nước phương Tây: hãy “chấm dứt cuộc tấn công dã man và phi pháp vào Libya. Hãy để Libya cho người Libya! Các người đang tiến hành chiến dịch nhằm tiêu diệt một dân tộc hoà bình và phá hoại một đất nước đang phát triển”

Gaddafi có thể lưu vong ở đâu?

Đêm qua, người ta đã hướng về châu Phi để tìm kiếm địa điểm lưu vong cho Muammar Gaddafi, mặc dù một một số nước tham gia liên minh còn bất đồng về việc có nên để cho nhà lãnh đạo này bỏ nước ra đi hay không.
Vì Anh và Mĩ muốn đưa Đại tá Gaddafi ra Toà án hình sự quốc tế (ICC) cho nên địa điểm lưu vong phải nằm ngoài khu vực tài phán của Toà án này. Ông Franco Frattini, Bộ trưởng ngoại giao Italy, nói rằng ông hi vọng là “Liên hiệp châu Phi có thể tìm được đề nghị có giá trị”.

Người ta cho rằng Gaddafi có thể tìm cách kêu gọi một số nước châu Phi ủng hộ về tài chính, khi cần, nhưng liệu ông ta có được chào đón hay không thì lại là chuyện khác. Không ai mời ông ta, nhưng Guinea Xích Đạo đã thảo luận vấn đề này, đây cũng là một trong 22 nước châu Phi nằm ngoài quyền tài phán của ICC.

Zine al-Abidine Ben Ali, nhà lãnh đạo cũ của Tunisia đã tìm được nơi trú ẩn an toàn ở Saudi Arabia, sau khi ông này bị lật đổ vào tháng 1 vừa qua. Đối với Gaddafi, hướng này đã bị loại bỏ vì quan hệ căng thẳng giữa hai nước trong một thời gian dài. Hosni Mubarak, một nhà lãnh đạo bị lật đổ khác, không được phép rời Ai Cập. 

Khả năng thứ hai là phương Tây: ông William Hague đã sai vì ngay từ những ngày đầu khủng hoảng đã đưa ra đề nghị là Đại tá Gaddafi có thể tới Venezuela nhằm tái lập “tình bằng hữu” với Tổng thống Hugo Chavez.

No comments:

Post a Comment