February 16, 2011

Grant Gross (PCWorld) - Hillary Clinton: Kiểm soát Internet là có hại cho chính quyền

Đan Thanh dịch

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua phát biểu cho rằng những quốc gia nào duy trì kiểm soát Internet về lâu dài sẽ chịu thiệt hại kinh tế và xã hội, vì sự áp chế dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự và mất an ninh.
Một số nước, trong đó có Trung Quốc, đang tăng trưởng kinh tế tuy vẫn kiểm duyệt Internet, nhưng sự tăng trưởng đó là không bền vững – bà Clinton nói vậy trong một bài diễn văn về tự do Internet, mà bà phát biểu tại Đại học George Washington ở Washington D.C. Bà Clinton kêu gọi các chính quyền Trung Quốc, Iran, Việt Nam, Myanmar và nhiều nơi khác chấm dứt chế độ kiểm soát Internet, đồng thời bà đề cập tới những nỗ lực kiểm duyệt Internet gần đây ở Ai Cập và Tunisia, đều đã thất bại.


Theo bà Clinton, các nước sẽ không thể duy trì một sự phân tách hoạt động kinh tế trên Internet với những hoạt động xã hội, tôn giáo hay chính trị. Bà cho rằng, một số quốc gia đã cố gắng tận dụng lợi ích kinh tế từ Internet trong khi vẫn ngăn chặn các hoạt động khác trên mạng.

“Những bức tường ngăn chia Internet, phong tỏa (block) nội dung chính trị, cấm đoán việc thể hiện chính kiến trong một loạt lĩnh vực, chỉ cho phép một số dạng hội đoàn hòa bình tồn tại, hoặc đe dọa những người dám thể hiện quan điểm… Dựng những bức tường ấy lên dễ hơn rất nhiều so với việc duy trì chúng” – bà Clinton nói. “Không có khái niệm Internet kinh tế, Internet xã hội, Internet chính trị. Chỉ có một khái niệm Internet thôi”.

Bà nói thêm, mọi nỗ lực kiểm duyệt Internet trong khi lại muốn thụ hưởng lợi ích kinh tế của nó sẽ đưa đến những “phí tổn về đạo đức, chính trị và kinh tế” mà trong dài hạn là không bền vững. “Có những chi phí cơ hội của việc cố cởi mở trong kinh doanh nhưng lại hạn chế quyền tự do biểu đạt, có những chi phí đối với hệ thống giáo dục quốc gia, đối với sự ổn định chính trị, với đạo đức xã hội và tiềm năng kinh tế của đất nước. Khi các quốc gia hạn chế tự do Internet là khi họ tự hạn chế tương lai kinh tế của mình”.

Diễn văn hôm qua của bà Clinton là bài diễn văn lớn thứ hai của bà về tự do Internet. Hồi tháng 1/2010, bà đã công bố vài sáng kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm chống lại hoạt động kiểm soát Internet.

Chính quyền Trung Quốc phê phán bài diễn văn đầu tiên đó của bà Clinton và phủ nhận việc họ hạn chế tự do Internet.

Tại diễn văn vừa rồi, bà Clinton có nhắc tới Trung Quốc vài lần. Bà nói, một số nhà quan sát đã lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng bất chấp việc Bắc Kinh vẫn kiểm soát Internet. Nhưng hạn chế tự do Internet sẽ gây ra “chi phí dài hạn mà một ngày nào đó có nguy cơ trở thành cái thòng lọng bóp nghẹt tăng trưởng và phát triển”.

Theo bà Clinton, các quốc gia kiểm soát Internet nên nhìn vào những sự kiện gần đây ở Ai Cập và Tunisia. Ở Tunisia, Internet tạo ra quan hệ kinh tế của nước này với châu Âu, trong khi đó chế độ kiểm duyệt nội dung Internet thì “lại ngang với Trung Quốc và Iran”.

“Không thể duy trì nỗ lực tách biệt Internet kinh tế khỏi “các kiểu Internet khác”. Mọi người – đặc biệt những người trẻ – đã luôn tìm được cách sử dụng công nghệ để kết nối với nhau, tổ chức lại, và chia sẻ tâm lý bất mãn – điều mà như chúng ta đều biết là sẽ kích thích cả một phong trào dẫn tới những biến chuyển mang tính cách mạng”.

Bà Clinton nhận định, các doanh nghiệp phải cảnh giác khi hoạt động ở những quốc gia có chế độ kiểm soát Internet ngặt nghèo.

“Nếu các bạn đầu tư vào những nước có chính sách giám sát và kiểm soát gay gắt, website của các bạn có thể bị đóng cửa mà không hề được báo trước, máy chủ của các bạn có thể bị chính quyền sở tại tổ chức hack, mẫu thiết kế của các bạn có thể bị đánh cắp, nhân viên của các bạn bị đe dọa bắt bớ, trục xuất vì đã không tuân thủ trật tự – có động cơ chính trị – của nước họ. Ở chừng mực nào đó, những rủi ro đối với lợi nhuận của các bạn, nguyện vọng hội nhập của các bạn, lớn hơn rất nhiều so với những thành quả các bạn có thể đạt được, nhất là khi các bạn vẫn có cơ hội thị trường ở nhiều nơi khác”.

Tác giả Grant Gross viết cho IDG News Service về mảng công nghệ và chính sách viễn thông của Chính phủ Mỹ.

Đã đăng tren basam.info

No comments:

Post a Comment