Phạm Nguyên Trường dịch
Đấy là hai tuần lễ tồi tệ mà Vitaly Silitsky, một nhà chính trị học, gọi là “quốc tế độc tài”.
Ông Silitski là người Bạch Nga – một căn cứ rất tốt cho việc nghiên cứu những nhà cai trị độc tài – và ông đã tiến hành nghiên cứu cách thức mà các nhà cai trị độc tài trên thế giới phản ứng trước các cuộc cách mạng “màu” tại một số nước cộng hòa hậu-Xô Viết trong mấy năm vừa qua: tăng cường đàn áp ở trong nước và hình thành một nhóm quốc gia lỏng lẻo nhằm hỗ trợ lẫn nhau.
Trung Quốc là một ngôi sao của “quốc tế độc tài”, sự phát triển nhanh chóng của nó diễn ra dưới sự lãnh đạo của cái chính phủ đã đào tận gốc trốc tận rễ những cuộc phản kháng trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, còn bây giờ thì lại được nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây ủng hộ vì họ cho rằng chính phủ nước này thường giải quyết các vấn đề nhanh hơn là những chế độ dân chủ lúc nào cũng bất bình.
Nhưng đúng vào lúc “quốc tế độc tài” thu thập được sức mạnh từ mô hình của Trung Quốc và đạt được cái gọi là sự đồng thuận Bắc Kinh thì những cuộc khởi nghĩa ở Ai Cập và Tunisia lại là tín hiệu đáng lo ngại cho những nhà lãnh đạo không phải do dân bầu ra trên khắp thế giới.
“Khi bạn thấy một người như kiểu Chávez ở Venezuela tiếp xúc với một người nào đó như kiểu Ahmadinejad, thì rõ ràng là hai chế độ độc tài này đang thành lập liên minh, giúp họ nắm quyền kiểm soát”, ông Aryeh Neier, chủ tịch viện “Xã hội mở”, nói như thế. Đấy là ông muốn nói tới tổng thống Hugo Chávez của Venezuela và tổng thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran . “Nếu tôi là Hồ Cẩm Đào thì tôi lúc này tôi cũng lo lắng” – Aryeh nói thêm.
Nếu bạn là một nhà độc tài thì đối với bạn điều khủng khiếp nhất trong cuộc khởi nghĩa ở Ai Cập chính là sự bất ngờ.
Mohamed A. El-Erian, tổng giám đốc quĩ đầu tư Rimco khổng lồ, là con một nhà ngoại giao Ai Cập, có hộ chiếu Ai Cập, thời niên thiếu sống chủ yếu ở Ai Cập. Ông là chuyên gia về các thị trường đang phát triển, nơi việc thay đổi chế độ xảy ra như cơm bữa, ông đón giáng sinh vừa qua cùng với gia đình ở Ai Cập. Nhưng ông, cũng như tất cả những người khác đều bị bất ngờ.
“ Đây không phải là quá trình tiệm tiến hay bình thường, không có chuyện gì cả, và không có chuyện gì cả, sau đó cũng không có chuyện gì cả, thế rồi, đùng một cái, tất cả cùng ập tới. Phong trào phản đối đi trước các nhà hoạch định chính sách, cả ở Ai Cập lẫn phương Tây”, El-Erian nói
Chắc chắn là đúng như thế vào tuần trước, trong chương trình nghị sự bàn tới nhiều vấn đề ở Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, nói chung người ta đã lờ đi những sự kiện làm biến đổi thế giới đang diễn ra ở Trung Đông. Những cuộc thảo luận về Ai Cập chỉ diễn ra ở hành lang và bàn cà phê, mà nếu không kể người Arab, thì người Nga là những người quan tâm tới đề tài này nhất.
Đấy là do, như ông Boris Nemtsov, một lãnh tụ của phe đối lập, nói qua điện thoại từ Moscow trong tuần này là “nhiều người Nga thấy có sự tương đồng giữa Mubarak và Putin.”
Theo ông Nemtsov, một người từng là phó thủ tướng chính phủ và thống đốc khu vực, thì sự tương đồng quan trọng nhất giữa nhà lãnh đạo Ai Cập và thủ tướng Putin là “cả hai chế độ đều tham nhũng và cả hai đều làm giàu cho một nhóm nhỏ những người gần gũi với nhà lãnh đạo”.
Ôn El-Erian đồng ý rằng khoảng cách giữa những nhóm siêu đặc quyền đặc lợi và người dân thường là gót chân Achilles của chế độ của Mubarak.
Do sự phát triển kinh tế mà nhiều người đã không nhận ra khiếm khuyết này – hoặc là tưởng rằng nó không quan trọng.
Nhưng lịch sử đã cho ta bài học là những chế độ độc tài dễ đổ vỡ nhất lại không nhất thiết phải là những chế độ nghèo nhất. Đấy thường là những chế độ mà nền kinh tế hoạt động tương đối tốt, nhưng phân phối thu nhập lại bất công. Thí dụ như người Tunisia bất bình về sự giàu có của Leila Trabelsi, vợ của vị tổng thống vừa bị lật đổ và gia đình của bà ta.
“Ở Ai Cập phân phối thu nhập cũng là vấn đề, dù rằng kinh tế phát triển một cách đầy ấn tượng, nhưng báo chí chưa đề cập nhiều”, ông El-Erian nói như thế.
Nhiều người cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc là những nhà cai trị độc tài khéo léo nhất thế giới. Thí dụ như cuộc chiến tranh thông tin mà họ phát động nhân các sự kiện diễn ra ở Ai Cập, họ ngăn chặn người dân tiếp xúc với các nguồn thông tin độc lập, trong khi báo chí chính thức nhấn mạnh sự “hỗn loạn” do cuộc bạo loạn gây ra.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được điểm yếu của mình, đấy là nhận thức của xã hội cho rằng đảng cộng sản cầm quyền chỉ là giàu cho cán bộ đảng viên chứ không phải là sự thịnh vượng của mọi người. Đấy là lí do vì sao việc công nhận Li Qiming, con một cán bộ công an cao cấp, có tội khi để xe cán chết một người phụ nữ trẻ lại là câu chuyện làm người ta ngạc nhiên nhất.
Người Nga đã lắng nghe, ở một mức độ nào đó. Phát biểu ở Davos, trước khi cuộc bạo loạn ở Ai Cập lên đến cao trào, tổng thống Dmitri Medvedev nói: “Tôi cho rằng những chuyện diễn ra ở Tunisia là bài học cho chính phủ bất cứ nước nào. Chính quyền không được đơn giản là ngồi trong những chiếc ghế êm ái mà phải phát triển cùng với xã hội. Khi chính quyền không theo kịp xã hội, không đáp ứng được kì vọng của người dân thì hậu quả sẽ là đáng buồn”.
Ông Nemtsov không nghĩ rằng những người cầm quyền Nga nhất định sẽ nghe theo lời khuyên này. Nga có dầu khí, ông nói “nhưng chế độ ở Nga là chế độ tham nhũng đến nỗi họ cần giá dầu liên tục tăng. Dầu không cứu được Putin”.
Đối với phương Tây, một trong những kết luận cần rút ra là: dù cộng tác với các nhà kĩ trị độc tài có dễ hơn là với những nhà bất đồng chính kiến – chỉ mới vài tuần gần đây Hillary Rodham Clinton, Ngoại trưởng Mĩ còn công khai nó về quan hệ nồng ấm với Mubarak và Suzane, vợ ông ta, người ủng hộ quyền của phụ nữ - thì giữ quan hệ gần gũi với những người hoạt động của các phong trào đối lập không chỉ là việc nên làm về mặt đạo đức mà còn là công việc thực dụng nữa.
Carl Bildt, bộ trưởng ngoại giao Thụy Diển, viết trong một e-mail rằng một trong những hậu quả gián tiếp của cuộc bạo loạn ở Ai Cập sẽ là “Các chính phủ phương Tây sẽ phải làm việc với các xã hội dân sự trong các nước này và sẽ tích cực hơn trong việc thúc đẩy các chương trình hướng tới dân chủ”.
Đấy là thông điệp được ông gửi đi từ Warsaw , nơi ông đang làm việc nhằm ủng hộ phe đối lập đang bị vây hãm ở Bạch Nga.
Nói cho ngay, phần khó khăn nhất trong việc lật đổ các chế độ độc tài là những việc diễn ra sau khi các chế độ này đã bị lật đổ rồi. “Nếu nhìn vào những cuộc chuyển tiếp thành công nhất – đấy là Ba Lan, Mexico, Đài Loan – thì sẽ thấy là họ đã trải qua một đoạn đường dài. Cần phải có phong trào đối lập vũng vàng, chuyện này thì không thể xảy ra trong hai tuần được”, Lucan Way, một nhà nghiên cứu chính trị ở University of Toronto đã nói như thế.
Ông Silitski biện luận rằng tình trạng đáng thất vọng của những chính phủ được thành lập sau những cuộc cách mạng “màu” – cách mạng hoa hồng ở Georgia, cách mạng cam ở Ukraine, các mạng hoa Tulip ở Kyrgyzstan - có tác dụng kích lệ đối với “quốc tế độc tài”.
Bây giờ muốn bôi trơn cho “quốc tế dân chủ” thì điều cần phải làm là ngăn chặn những việc có thể gây thất vọng tương tự như thế trong thế giới Arab.
Chrystia Freeland là biên tập viên về các vấn đề quốc tế của Reuters.
No comments:
Post a Comment