February 4, 2011

Alan Rusbridger – Wikileaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới



Hiếu Tân dịch

Một đoạn trích từ cuốn sách “WikiLeaks: Bên trong cuộc chiến của Julian Assange về bí mật”, Tổng biên tập Guardian giải thích tại sao Assange vẫn còn là một nhân vật quan trọng đến thế - và tại sao câu chuyện cứ phải tiếp diễn mãi, như tiền định.

Trở lại những ngày hầu như còn chưa ai được nghe về WikiLeaks, những bức e-mail bắt đầu đều đặn đến hộp thư của tôi từ một người tên là Julian Assange. Nó là cái tên đáng nhớ. Tất cả các biên tập viên hàng ngày nhận được một mớ những lời cảnh cáo do tác giả tự gửi đến, những thư từ, những lời phàn nàn và những lý thuyết quái gở, nhưng có cái gì đó về những e-mail định kỳ của WikiLeaks khiến ta phải chú ý.

Đôi khi có một câu chuyện hiền lành đính kèm e-mail. Hay cũng có thể một tài liệu mà, nếu xem xét cho kỹ, thì hóa ra không gây được ấn tượng gì. Một ngày nào đó có thể có một lời chỉ trích kịch liệt một nhà báo cụ thể, hay chống lại sự hèn nhát vụ lợi của truyền thông dòng chính nói chung. Ngày khác nhân vật Assange này có thể hài lòng với cái gì đó mà chúng tôi đã làm, hay dạo quanh một vòng cuộc sống mà ông ta đang sống ở Nairobi.

Tờ báo Anh the Guardian trong nhiều tháng là tờ báo duy nhất viết về WikiLeaks hay dùng bất kỳ tài liệu nào mà họ đang mò ra. Vào ngày tháng Tám 2007, chẳng hạn, chúng tôi tung lên một báo cáo bí mật xuất sắc của Kroll nó đòi chứng minh rằng cựu Tổng thống Kenya Daniel Arap Moi đã và đang tuồn ra ngoài hàng trăm triệu bảng Anh và giấu chúng trong những tài khoản ngân hàng ngoại quốc ở hơn 30 nước khác nhau. Dù theo tiêu chuẩn nào thì đấy cũng là một chuyện động trời. Cái ông Assange này, dù ông ta là ai, cũng là người quan sát.

Chưa được phần lớn thế giới biết đến, Julian Assange vẫn đang phát triển thành một người tiên phong thú vị nhất và khác thường nhất trong việc dùng công nghệ số để chống các nhà nước tham nhũng và độc tài. Không biết liệu cái tên ông ta có chút ý nghĩa gì với Hillary Clinton vào lúc đó hay không - hay thậm chí vào tháng Giêng 2010, khi với tư cách ngoại trưởng, bà đọc một bài diễn văn khá hay về tiềm năng của cái mà bà gọi là “một hệ thần kinh mới của hành tinh.”

Bà mô tả một cảnh tượng của sự tự xuất bản nửa bí mật bằng kỹ thuật số - “samizdat của thời đại chúng ta” bắt đầu đấu tranh cho tính minh bạch và chống trật tự cũ độc tài, tham nhũng của thế giới. Nhưng bà cũng cảnh báo rằng các chính phủ áp bức sẽ “nhằm vào những người có tư tưởng độc lập sử dụng những công cụ đó.” Bà nghĩ đến Iran.

Những lời nói của bà về tương lai xuất bản samizdat can đảm có thể đã được áp dụng cho một người khá kỳ lạ, một hắccơ Australia siêu phàm âm thầm vạch ra những phương pháp công bố những bí mật của thế giới theo cách vượt ra ngoài mọi cuộc tấn công công nghệ hay pháp lý.

Có thể khi bà Clinton đọc bài diễn văn ca ngợi này, bà không tưởng tượng nổi rằng chỉ trong một năm bà sẽ phải quay lại đưa ra một tuyên bố khác về những kẻ thổi còi dùng kỹ thuật số - lần này tấn công thẳng vào những người dùng truyền thông điện tử để bảo về tính minh bạch. Bà nói trong một cuộc họp báo của bộ được bố trí vội vã trong tháng 11 năm 2010, rằng nó “không chỉ là những cuộc tấn công vào những lợi ích ngoại giao của Mỹ. Nó là một cuộc tấn công vào cộng đồng quốc tế.”  Trong khoảng giữa 11 tháng ấy Assange đã trở nên nguy hiểm. Ông vừa giúp dàn xếp một cuộc tiết lộ lớn nhất trong lịch sử thế giới - chỉ có điều lần này gây bối rối ngượng ngùng không phải là cho một nước đông Phi nghèo túng, mà là cho nước mạnh nhất trái đất.
Cuốn sách này được soạn ra để kể câu chuyện đó, câu chuyện về sự chuyển biến từ một hắccơ vô danh thành một người được nói đến nhiều nhất trên thế giới - cùng một lúc vừa bị chửi mắng, vừa nổi tiếng, vừa được chào đón như một danh nhân, vừa bị săn đuổi, bị bỏ tù, và bị lảng tránh.

Trong vài năm khởi đầu ngắn ngủi, Assange đã được phóng lên từ sự mờ nhạt của cuộc đời ông ở Narobi, nhỏ giọt những rò rỉ mà không ai cần để ý, để công bố một trận lụt những tài liệu được phân loại mật đi vào tâm của các hoạt động quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ. Từ một nhân vật bên lề được mời tham gia vào các hội nghị chuyên viên tin học, ông bỗng nhiên trở thành kẻ thù số một của nước Mỹ. Một đấng cứu thế mới của giới truyền thông đối với một số người, ông là một tên khủng-bố-trên-mạng đối với những người khác. Như thể điều đó chưa đủ kịch tính, giữa tất cả những cái đó lại có hai phụ nữ Thụy điển tố cáo ông hiếp họ. Nói gọn một câu, bạn không thể bịa ra nổi chuyện đó.

Từ khi rời khỏi Nairobi, Assange đã nuôi lớn tham vọng của ông về quy mô và tiềm năng của WikiLeaks. Cùng với các hắccơ khác, ông đã đề ra một triết lý về minh bạch. Ông cùng với những đồng nghiệp công nghệ thông tin đã thành công trong một mục tiêu: ông đã làm cho WikiLeaks về thực chất không thể phá hủy nổi, và như vậy vượt qua các cuộc tấn công pháp lý hay tấn công ảo từ bất kỳ một thẩm quyền pháp luật nào hay bất kỳ nguồn nào. Các luật sư, những người được trả những khoản tiền kếch xù để bảo vệ danh tiếng của những khách hàng giầu có và các tập đoàn tự nhận - bằng những giọng vừa thất vọng vừa ngưỡng mộ - nói rằng WikiLeaks là một nhà xuất bản trên thế giới mà họ không thể trêu chọc. Điều đó rất hại cho công việc.

(còn tiếp)

Đã đăng trên Văn Chương Việt

No comments:

Post a Comment