Phạm Nguyên Trường dịch
Chương 1
Nền tảng của chính sách tự do
10. Luận cứ của chủ nghĩa phát xít
Mặc dù chủ nghĩa tự do chưa được công nhận một cách triệt để ở bất cứ đâu, nhưng thành tựu của nó trong thế kỉ XIX đã tiến xa đến mức một số nguyên tắc quan trọng nhất của nó đã được coi là đương nhiên, không cần tranh luận nữa. Trước năm 1914, ngay cả những kẻ thù lì lợm nhất và quyết liệt nhất của nó cũng đã buộc phải chấp nhận sự kiện đó. Ngay cả ở nước Nga - tức là nơi mới chỉ tiếp nhận được những tia sáng yếu ớt của chủ nghĩa tự do - phe bảo hoàng, trong khi tiếp tục khủng bố những người đối lập, cũng phải để ý đến những quan điểm tự do ở châu Âu. Trong cuộc Thế chiến vừa qua (Chiến tranh Thế giới I –ND), các phe quân sự trong các nước tham chiến, dù tỏ ra hung hăng, nhưng trong cuộc đấu tranh với những người đối lập ở trong nước vẫn phải tỏ ra mềm mỏng.
Chỉ đến khi những người dân chủ xã hội theo đường lối marxist thắng thế và giành được quyền lực với niềm tin rằng thời đại của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản đã vĩnh viễn cáo chung rồi thì sự nhượng bộ tư tưởng tự do, mà trước đấy người ta vẫn cho là cần thiết, mới chấm dứt. Các đảng của Quốc tế III chấp nhận mọi phương tiện, chỉ cần chúng hứa hẹn giúp họ giành được mục tiêu trong cuộc đấu tranh là được. Theo quan điểm của họ, bất cứ người nào không công nhận và không ủng hộ toàn bộ học thuyết của họ một cách vô điều kiện đều đáng tội chết; và họ sẽ không run tay tiêu diệt người đó, cũng như gia đình người đó, kể cả trẻ con - bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, khi hoàn cảnh cho phép.
Việc thi hành một cách công khai chính sách tiêu diệt đối thủ và giết chóc nhằm thực hiện đường lối đó đã tạo điều kiện cho phong trào đối lập ngóc đầu dậy. Kẻ thù phi-cộng-sản của chủ nghĩa tự do lập tức sáng mắt ra. Trước đây họ vẫn còn tin rằng ngay cả trong cuộc đấu tranh với những đối thủ đáng ghét nhất người ta cũng phải tôn trọng một số nguyên tắc nhất định của chủ nghĩa tự do. Dù không muốn, nhưng họ vẫn buộc phải loại bỏ việc giết người và mưu sát khỏi danh sách những biện pháp có thể được áp dụng trong cuộc đấu tranh chính trị. Họ buộc phải chấp nhận một số hạn chế trong việc ngược đãi báo chí đối lập và đàn áp tự do ngôn luận. Bây giờ họ bỗng thấy những đối thủ mới xuất hiện, đấy là những kẻ không quan tâm tới những lí lẽ như thế, mọi phương tiện đối với họ đều là tốt, miễn là đánh bại được kẻ thù. Kẻ thù theo đường lối quân phiệt và dân tộc chủ nghĩa của Quốc tế III cảm thấy như bị chủ nghĩa tự do đánh lừa. Họ cho rằng trong lúc điều kiện vẫn còn và khi họ đang muốn giáng trả các đảng cách mạng thì chủ nghĩa tự do đã trói chân trói tay họ. Họ tin rằng nếu không bị chủ nghĩa tự do cản trở thì họ đã dẫm nát phong trào cách mạng ngay từ trong trứng nước rồi. Các tư tưởng cách mạng chỉ có thể bén rễ và đơm hoa kết trái vì đối thủ của chúng đã tỏ ra khoan dung; việc tôn trọng, mà sau này mới biết là quá đáng, các nguyên tắc tự do đã làm cho họ nhụt chí. Nếu trước đây họ đã nhận thức được rằng cần phải đàn áp một cách dã man mọi phong trào cách mạng thì Quốc tế III không thể giành chiến thắng vào năm 1917 được. Những kẻ quân phiệt và dân tộc chủ nghĩa tin rằng khi cần bóp cò và đánh nhau thì họ chính là những người thiện xạ nhất và là những chiến binh khéo léo nhất.
Tư tưởng căn bản của các phong trào này - từ tên gọi của phong trào hoành tráng nhất và có kỉ luật nhất, ở Ý, có thể định danh là phát xít – là sử dụng những biện pháp vô luân trong cuộc đấu tranh chống Quốc tế III, tức là những biện pháp từng được tổ chức này sử dụng nhằm chống lại các đối thủ của mình. Quốc tế III tìm cách tiêu diệt đối thủ và tư tưởng của đối thủ bằng những biện pháp giống như các biện pháp mà bác sĩ vệ sinh phòng dịch sử dụng trong cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm vậy; phong trào này cho rằng họ không bị giới hạn bởi bất kì điều khoản của bất kì thoả ước nào mà họ có thể kí với đối thủ, họ nghĩ rằng trong cuộc đấu tranh này họ có thể phạm mọi tội ác, có thể nói dối và vu khống. Về nguyên tắc, bọn phát xít cũng công khai theo đuổi những ý định như thế. Việc họ chưa tự giải thoát hoàn toàn khỏi một số khái niệm và tư tưởng của chủ nghĩa tự do cũng như các qui tắc đạo đức truyền thống như những người Bolshevik ở Nga đã làm là do một nguyên nhân duy nhất sau đây: bọn phát xít hoạt động trong những nước có di sản văn hoá và đạo đức kéo dài đã hàng ngàn năm, không thể phá vỡ ngay được, chứ không phải là chúng đang hoạt động trong các dân tộc bán khai hai bên dãy núi Ural, từ trước đến nay quan hệ của những người đó với nền văn minh cũng chẳng khác gì bọn lục lâm thảo khấu ở trong rừng rậm hay trong sa mạc, thỉnh thoảng lại tấn công cướp bóc những khu vực văn minh. Do sự khác biệt như thế mà chủ nghĩa phát xít sẽ không bao giờ tự giải thoát hoàn toàn khỏi những tư tưởng của chủ nghĩa tự do, như chủ nghĩa Bolshevik ở Nga đã làm. Chính do những ấn tượng tươi mới của những vụ giết người và bạo hành ở Liên Xô mà bọn phát xít ở Đức và Ý mới có thể xoá bỏ được những ràng buộc mang tính truyền thống về luật pháp và đạo đức và tìm được xung lực cho những hành động đàn áp đẫm máu như thế. Hành động của bọn phát xít và những đảng tương tự như chúng chính là những phản ứng cảm tính do sự phẫn nộ trước những hành động của những người Bolshevik và cộng sản gây ra. Ngay sau khi cơn giận dữ ban đầu trôi qua, chính sách của chúng sẽ ôn hoà hơn và thậm chí, có thể, cùng với thời gian còn trở nên ôn hoà hơn nữa (Xin nhắc lại rằng tác phẩm này được xuất bản vào năm 1927. Sau này những người theo phái tự do không còn hi vọng hợp tác với bọn phát xít trong cuộc đấu tranh chống cộng nữa – chú thích của bản tiếng Nga - ND).
Thái độ ôn hoà như vậy chính là kết quả của sự kiện là những quan niệm tự do truyền thống tiếp tục tạo được ảnh hưởng một cách vô thức lên nhận thức của bọn phát xít. Dù sao mặc lòng, người ta buộc phải công nhận rằng việc các đảng cánh hữu chấp nhận chiến thuật của bọn phát xít cho thấy: cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tự do đã giành được những thắng lợi mà trước đó mấy năm không ai có thể tưởng tượng được. Mặc dù cương lĩnh kinh tế của chủ nghĩa phát xít nói chung là phản tự do và chính sách của nó là can thiệp một cách toàn diện, nhưng nhiều người vẫn ủng hộ vì chúng không thi hành chính sách phá hoại vô nghĩa và không có giới hạn nào, một chính sách đã đóng dấu kẻ thù không đội trời chung của nền văn minh lên trán những người cộng sản. Trong khi một số người khác, mặc dù biết rõ những tai hoạ mà chính sách kinh tế phát xít sẽ mang đến cho nhân loại, vẫn coi chủ nghĩa phát xít là một tai hoạ còn dễ chịu hơn là chủ nghĩa cộng sản và chế độ Xô Viết. Nhưng với đa số người ủng hộ và hâm mộ, cả công khai lẫn bí mật, thì sức hấp dẫn của chủ nghĩa phát xít lại chính là những biện pháp đầy bạo lực của nó.
Bây giờ thì không thể nào phủ nhận được rằng biện pháp duy nhất có thể đáp trả được bạo lực chính là bạo lực. Vũ khí phải được sử dụng trong cuộc chiến đấu nhằm chống lại vũ khí của những người Bolshevik và sẽ là sai lầm nếu tỏ ra yếu đối trước bọn sát nhân. Không một người theo trường phái tự do nào lại tỏ ra nghi ngờ chuyện đó. Chiến thuật của những người theo phái tự do khác với chiến thuật của phát xít không phải ở quan niệm về nhu cầu sử dụng vũ lực nhằm chống lại những cuộc tấn công bằng vũ lực mà ở sự khác biệt trong việc đánh giá mang tính nền tảng về vai trò của vũ lực trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. Mối nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít đối với chính sách đối nội nằm ở chỗ họ tuyệt đối tin tưởng vào vai trò quyết định của bạo lực. Muốn giành thắng lợi thì phải quyết tâm và luôn luôn sử dụng bạo lực. Đấy là nguyên tắc tối cao của họ. Chuyện gì sẽ xảy ra một khi đối thủ cũng đầy quyết tâm và cũng sẵn sàng sử dụng bạo lực như thế? Kết quả chắc chắn sẽ là chiến tranh, nội chiến. Người chiến thắng cuối cùng sẽ là bên có đông người nhất. Về lâu dài, phe thiểu số - ngay cả khi đấy là những người có năng lực và nghị lực nhất – cũng không thể thắng được đa số. Như vậy là câu hỏi quyết định nhất vẫn còn nguyên giá trị: làm sao lôi kéo được đa số về phe với mình? Nhưng đây chỉ là vấn đề thuần tuý trí tuệ. Đấy là chiến thắng của trí tuệ chứ không phải là chiến thắng của vũ lực. Muốn người ta gắn bó với đường lối của mình thì đàn áp tất cả các lực lượng đối lập bằng vũ lực là biện pháp hoàn toàn không phù hợp. Sử dụng bạo lực trần trụi – nghĩa là không cần biện hộ bằng những luận cứ được xã hội công nhận - chỉ làm cho những kẻ mà ta muốn đánh có thêm nhiều bạn bè mà thôi. Trong cuộc đấu tranh giữa bạo lực và tư tưởng, tư tưởng bao giờ cũng chiến thắng.
Hiện nay chủ nghĩa phát xít có thể giành chiến thắng vì lòng căm thù những tội ác mà những người cộng sản và xã hội chủ nghĩa gây ra cho nhân loại đã làm cho nhiều giới có cảm tình với chúng. Nhưng khi ấn tượng tươi mới về tội ác của những người Bolshevik đã phai mờ thì cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội sẽ lại có sức hấp dẫn đối với quần chúng. Vì chủ nghĩa phát xít không tiến hành cuộc chiến đấu nhằm đánh bại nó, họ chỉ làm mỗi một việc là đàn áp những tư tưởng xã hội chủ nghĩa và khủng bố những người truyền bá những tư tưởng đó mà thôi. Nếu họ thực sự muốn chiến thắng chủ nghĩa xã hội thì họ phải lấy tư tưởng làm vũ khí để đối địch với nó. Nhưng chỉ có một hệ tư tưởng có thể đối địch một cách hiệu quả với chủ nghĩa xã hội, đấy chính là chủ nghĩa tự do.
Như người ta thường nói, tạo ra thánh tử đạo là cách thúc đẩy sự nghiệp nhanh chóng nhất. Câu đó chỉ đúng một phần. Không phải sự đoạ đầy của những người ủng hộ phe bị đàn áp mà chính là việc nó bị tấn công bằng vũ lực chứ không phải bằng trí tuệ đã làm cho phe đó mạnh lên. Đàn áp bằng vũ lực bạo tàn chính là lời thú nhận về sự bất lực về mặt trí tuệ, trí tuệ là vũ khí hữu hiệu hơn bởi vì chỉ có nó mới có thể hứa hẹn chiến thắng cuối cùng. Đấy chính là sai lầm căn bản của chủ nghĩa phát xít và đấy cũng là nguyên nhân đưa nó đến chỗ sụp đổ. Chiến thắng của chủ nghĩa phát xít trong một loạt nước chỉ là một giai đoạn trong cuộc đấu tranh lâu dài về vấn đề sở hữu. Giai đoạn sau sẽ là chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh sẽ được giải quyết không phải bằng vũ khí mà bằng tư tưởng. Chính các tư tưởng đã chia người ta thành những nhóm đối chọi với nhau, tư tưởng đã đưa vũ khí vào tay họ, và tư tưởng quyết định vũ khí sẽ được dùng để bảo vệ ai và chống lại ai. Chính tư tưởng, chứ không phải vũ khí, sẽ đưa ra kết quả sau cùng.
Đấy là nói về chính sách đối nội của chủ nghĩa phát xít. Chính sách đối ngoại, dựa trên nguyên tắc sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, không thể không tạo ra những cuộc chiến tranh bất tận, chắc chắn sẽ huỷ diệt toàn bộ nền văn minh hiện nay. Đấy là điều không cần phải thảo luận nữa. Muốn giữ vững và thúc đẩy hơn nữa trình độ phát triển kinh tế thì cần phải bảo đảm nền hoà bình giữa các dân tộc. Nhưng các dân tộc không thể sống trong hoà bình nếu hệ tư tưởng chủ đạo của họ lại là niềm tin rằng các dân tộc phải dũng vũ lực thì mới bảo vệ được vị trí của mình trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới.
Không thể phủ nhận rằng chủ nghĩa phát xít và những phong trào hướng đến việc thiết lập các chế độ độc tài tương tự như thế đều là những phong trào có dự định tốt đẹp nhất và sự can thiệp của chúng trong thời điểm hiện nay đã cứu được nền văn minh châu Âu. Công lao mà chủ nghĩa phát xít đã giành được sẽ còn mãi với lịch sử. Nhưng mặc dù trong thời điểm này, chính sách của nó đã cứu được nền văn minh châu Âu, đấy vẫn không phải là chính sách hứu hẹn sẽ thành công trong dài hạn. Chủ nghĩa phát xít là biện pháp cấp bách tạm thời. Sẽ là sai lầm chết người nếu coi nó là một cái gì hơn thế. [Hiện nay những dòng này nghe chẳng khác gì sự nhắc nhở về cái giá khủng khiếp mà nền văn minh của chúng ta đã phải trả vì sự mù loà đầy bi kịch của những đại diện đầy uy tín của giới tinh hoa trí thức ở cả phía Đông lẫn phía Tây châu Âu – chú thích của bản tiếng Nga – ND].
11. Giới hạn hoạt động của chính phủ
Người theo trường phái tự do cho rằng nhiệm vụ của nhà nước chỉ và dứt khoát chỉ là bảo đảm việc giữ gìn đời sống, sức khoẻ, tự do và sở hữu tư nhân khỏi những cuộc tấn công bằng bạo lực mà thôi. Ngoài những cái đó ra đều là không tốt. Chính phủ, thay vì thực hiện nhiệm vụ của mình, lại đi xa đến mức, thí dụ, như can thiệp vào sự an toàn về cuộc sống và sức khoẻ, tự do và tài sản của cá nhân, dĩ nhiên là hoàn toàn không tốt.
Nhưng, như Jacob Burckhardt đã nói: quyền lực tự nó đã là xấu, ai sử dụng không quan trọng. Quyền lực có thể làm băng hoại người cầm quyền và dẫn đến lạm dụng. Không chỉ những ông vua và những nhà quí tộc nắm quyền tuyệt đối, mà quần chúng, khi chế độ dân chủ giao vào tay họ quyền lực tối cao của chính phủ, cũng rất dễ có xu hướng thái quá.
Ở Mĩ việc sản xuất và buôn bán rượu bị cấm đoán. [Ý nói đến điều luật gọi là “luật khô” ở Mĩ –chú thích của bản tiếng Nga – ND]. Những nước khác không đi xa đến như thế, nhưng hầu như ở đâu cũng có những hạn chế đối việc mua bán thuộc phiện, cocaine, và những loại ma tuý khác. Có vẻ như ở đâu người ta cũng cho rằng một trong những nhiệm vụ của ngành lập pháp và chính phủ là bảo vệ cá nhân khỏi chính anh ta. Ngay cả những người, mà trong những lĩnh vực khác thường lo ngại về sự mở rộng lĩnh vực hoạt động của chính phủ, cũng cho rằng về khía cạnh này, quyền tự do cá nhân bị ngăn chặn là đúng, thậm chí họ còn nghĩ rằng chỉ có những lí thuyết gia cố chấp ngu ngốc mới có thể phản đối những cấm đoán như thế. Trên thực tế, việc can thiệp kiểu như thế của chính quyền vào đời sống cá nhân được chấp nhận rộng rãi đến mức những người chống đối chủ nghĩa tự do có xu hướng xây dựng lí lẽ và rút ra kết luận rằng tự do tuyệt đối là không tốt và chính phủ, trong vai trò người bảo vệ hạnh phúc, cần phải có một số biện pháp ngăn chặn đối với quyền tự do cá nhân. Người ta không hỏi chính phủ có phải ngăn chặn quyền tự do cá nhân hay không, người ta chỉ hỏi những biện pháp ngăn chặn có thể đi xa đến mức nào mà thôi.
Không cần phí lời để bàn về sự kiện là tất cả các loại ma tuý đều có hại. Câu hỏi là một ít rượu có có hại hay không hay chỉ có hại khi rượu bị lạm dụng cũng không phải là vấn đề cần thảo luận ở đây. Sự kiện đã được xác định là nghiện rượu, nghiện cocaine, nghiện morphine rất có hại cho đời sống, sức khoẻ, khả năng lao động và nghỉ ngơi và vì vậy mà những người theo chủ nghĩa công lợi phải coi đấy là những tệ nạn. Nhưng như thế không có nghĩa là chính phủ phải ngăn chặn những tệ nạn này bằng cách cấm buôn bán chúng. Chưa có gì chứng tỏ rằng sự can thiệp của chính phủ có thể ngăn chặn được những thói xấu đó, và ngay cả có ngăn chặn được thì điều đó cũng không có nghĩa là nó không mở cái hòm Pandora và từ đó không xuất hiện những mối hiểm nguy còn khủng khiếp hơn là tệ nghiện rượu và nghiện morphine.
Không ai cản trở những người cho rằng sử dụng hay lạm dụng những chất độc đó là có hại được sống một cách chừng mực và điều độ. Không nên coi vấn đề này chỉ liên quan đến tệ nghiện rượu, nghiện morphine và cocaine ..v..v.. mà ai cũng biết là không tốt rồi. Vì nếu về nguyên tắc, đa số các công dân có quyền áp đặt lối sống của mình cho thiểu số thì việc cấm đoán sẽ không dừng lại ở rượu, morphine, cocaine và những chất độc hại tương tự khác. Tại sao có thể cấm các chất đó mà không cấm nicotine, caffeine và những chất tương tự khác? Tại sao chính phủ lại không qui định có thể ăn loại thức ăn nào, không nên ăn loại thức ăn nào vì đấy là thức ăn có hại? Trong lĩnh vực thể thao nhiều người có xu hướng làm quá sức mình. Tại sao chính phủ không can thiệp trong lĩnh vực này? Ít người biết cách kiềm chế trong đời sống tình dục, và có vẻ như những người già yếu không chịu hiểu rằng họ nên chấm dứt hoàn toàn thú vui này hoặc chỉ nên vừa phải thôi. Chính phủ có cần can thiệp không? Một số người có thể nói rằng đọc sách báo độc hại còn nguy hiểm hơn những thứ đó nữa. Có cho phép xuất bản những loại sách báo chuyên thoả mãn những bản năng thấp hèn của con người để rồi chúng sẽ làm băng hoại tâm hồn họ hay không? Có nên cấm tranh ảnh khiêu dâm, những vở kịch đồi truỵ và tóm lại là tất cả những gì có thể lôi kéo người ta vào con đường vô đạo hay không? Và việc truyền bá những lí thuyết xã hội học sai lầm có làm bại hoại con người và các dân tộc hay không? Kích động nội chiến và chiến tranh giữa các dân tộc có bị cấm đoán hay không? Những tác phẩm báng bổ lỗ mãng và những câu chuyện hồ đồ làm hại đến thanh danh của Chúa và Nhà thờ có bị cấm hay không?
Như chúng ta đã thấy, chỉ cần từ bỏ nguyên tắc nói rằng chính phủ không được can thiệp vào bất cứ vấn đề nào liên quan đến cách sống của cá nhân là chúng ta sẽ tiến dần đến việc điều tiết và ngăn cấm cả những tiểu tiết nhỏ nhặt nhất. Quyền tự do cá nhân sẽ bị huỷ bỏ. Cá nhân sẽ trở thành nô lệ của cộng đồng, phải tuân theo mệnh lệnh của đa số. Chẳng cần phải nói thêm nữa về cách thức mà những kẻ cầm quyền chẳng ra gì có thể lạm dụng quyền lực ở đây. Khi đã nắm được quyền lực như thế, ngay cả những người có những ý định tốt nhất cũng chắc chắn sẽ biến thế giới thành nghĩa địa của tâm hồn. Toàn bộ nền văn minh nhân loại là kết quả của những sáng kiến của thiểu số nhỏ bé, những người đầu tiên xa rời tư tưởng và tập quán của đa số, sau đó đa số mới chấp nhận sáng kiến của họ. Cho đa số quyền hạ lệnh cho thiểu số nghĩ gì, đọc gì và làm gì đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết, một lần và vĩnh viễn, cho sự tiến bộ.
Chớ nên nói rằng cuộc đấu tranh chống việc lạm dụng morphine và cuộc đấu tranh chống văn hoá phẩm “đồi truỵ” là hai việc khác nhau. Khác biệt duy nhất giữa chúng là một số trong chính những người ủng hộ cuộc đấu tranh chống lạm dụng morphine không đồng ý chống văn hoá phẩm “đối truỵ”, chỉ có thế thôi. Ở Mĩ, những người theo trường phái giám lí và những người chính thống trong giáo hội Thiên chúa giáo, sau khi thông qua được luật chống sản xuất và buôn bán rượu đã tiếp tục đấu tranh nhằm đàn áp thuyết tiến hoá và đã đẩy được thuyết Darwin ra khỏi trường học trong một loạt tiểu bang. Ở nước Nga Xô Viết mọi biểu hiện của tự do phát biểu đều bị cấm đoán. Việc một cuốn sách nào đó có được xuất bản hay không phụ thuộc vào thái độ tuỳ tiện của một loạt những kẻ cuồng tín ít học và vô văn hoá được chính phủ giao cho trách nhiệm về vấn đề này.
Những người đương thời với chúng ta có xu hướng đòi chính phủ cấm đoán ngay lập tức những thứ không làm họ hài lòng và việc họ sẵn sàng chấp nhận những cấm đoán như thế ngay cả khi đấy là những thứ phù hợp với họ chứng tỏ rằng tinh thần nô lệ đã ăn sâu bén rễ trong lòng người ta đến mức nào. Cần phải nhiều năm tự học thì một người nô lệ mới có thể trở thành công dân tự do. Người tự do phải biết chịu đựng khi những người đồng bào với mình hành động và sống khác với cách mà anh ta cho là đúng đắn. Anh ta phải bỏ thói quen gọi cảnh sát mỗi khi thấy điều gì đó không vừa ý với mình.
12. Lòng khoan dung
Chủ nghĩa tự do chỉ và tuyệt đối chỉ quan tâm đến đời sống trần tục và những lo lắng trần tục mà thôi. Vương quốc tôn giáo không nằm trong thế giới này. Nghĩa là chủ nghĩa tự do và tôn giáo có thể sống bên nhau mà không hề va chạm với nhau. Chủ nghĩa tự do không có lỗi khi hai phía xảy ra đụng độ. Chủ nghĩa tự do không đi ra ngoài lĩnh vực của mình, nó không xâm nhập vào lãnh thổ của đức tin hay lãnh địa của các học thuyết mang tính siêu hình. Nhưng nó đã đụng độ với nhà thờ, tức là thế lực chính trị đòi quyền điều tiết không chỉ quan hệ của con người với thế giới bên kia mà còn điều tiết cả công việc của thế giới này theo quan điểm của nó. Đấy chính là chiến tuyến giữa hai bên.
Trong cuộc xung đột này, chủ nghĩa tự do giành được chiến thắng vang dội đến mức nhà thờ đã phải vĩnh viễn từ bỏ những yêu sách mà họ đã kiên quyết duy trì trong hàng ngàn năm. Thiêu sống những người dị giáo, khủng bố của toà án giáo hội, chiến tranh tôn giáo, hôm nay đấy đã là những hiện tượng thuộc về lịch sử. Hiện nay không ai có thể hiểu làm sao mà những con người hoà nhã, những người chỉ thực hành những nghi lễ tôn giáo mà họ cho là đúng đắn trong bốn bức tường nhà mình lại bị lôi ra toà, bị tống giam, bị tra tấn và thiêu sống. Nhưng ngay cả khi không còn những đống củi thiêu người nữa ad majorem Dei gloriam [lạy chúa tôi - tiếng Latinh- ND] thì thái độ bất khoan dung cũng vẫn còn hiện diện khắp nơi.
Nhưng chủ nghĩa tự do phải tỏ ra bất khoan dung với bất kì biểu hiện bất khoan dung nào. Nếu ta cho rằng sự hợp tác hoà bình giữa tất cả mọi người là mục đích của sự phát triển xã hội thì ta không thể cho phép các cố đạo và những kẻ cuồng tín phá hoại hoà bình được. Chủ nghĩa tự do tuyên bố có thái độ khoan dung với mọi đức tin tôn giáo và mọi học thuyết có tính siêu hình không phải vì nó bàng quan với những vấn đề “cao siêu” này, mà từ niềm tin rằng bảo đảm hoà bình trong xã hội phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Và vì nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với tất cả các quan điểm, tất cả các nhà thờ, tất cả các giáo phái nên nó cũng phải kêu gọi tất cả đều phải trở về những giới hạn phù hợp mỗi khi họ có thái độ bất khoan dung. Trong chế độ xã hội dựa trên sự hợp tác hoà bình, không có chỗ cho đòi hỏi của nhà thờ về việc giáo huấn và giáo dục thanh niên. Nhà thờ có thể và phải được nhận tất cả những thứ mà tín đồ tự nguyện cung cấp cho họ, nhưng họ cũng không được động đến bất cứ thứ gì của những người không muốn dây dưa với họ.
Thật khó mà hiểu làm sao mà những nguyên tắc này lại làm cho một số người có đạo trong các tôn giáo khác nhau trở thành kẻ thù của chủ nghĩa tự do. Nếu những nguyên tắc này không cho phép nhà thờ buộc người ta phải cải đạo bằng bạo lực, dù đấy là bạo lực của họ hay của nhà nước giao cho họ, thì những nguyên tắc này cũng bảo vệ nhà thờ chống lại việc ép buộc các tín đồ của họ cải đạo sang các nhà thờ khác và giáo phái khác. Cái mà chủ nghĩa tự do lấy của nhà thờ bằng tay này thì lại trả nhà thờ bằng tay kia. Ngay cả những kẻ cuồng tín tôn giáo cũng phải thừa nhận rằng chủ nghĩa tự do không lấy đi bất cứ thứ gì thuộc lĩnh vực của nhà thờ.
Chắc chắn là ở đâu mà họ giữ thế thượng phong thì nhà thờ và các giáo phái sẽ tìm mọi cách đàn áp những người không qui phục, nhưng nếu là thiểu số thì họ sẽ đòi phải có thái độ khoan dung đối với họ. Nhưng đòi hỏi sự khoan dung của chủ nghĩa tự do khác hẳn với đòi hỏi khoan dung như thế. Chủ nghĩa tự do đòi hỏi khoan dung là vấn đề nguyên tắc chứ không phải là chủ nghĩa cơ hội. Nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với ngay những học thuyết vô nghĩa lí nhất, với những tín ngưỡng ngu ngốc nhất và trẻ con nhất. Nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với những học thuyết và quan điểm mà nó cho là có hại và có tính phá hoại đối với xã hội và ngay cả với những phong trào mà nó đang chiến đấu một cách không mệt mỏi. Điều thúc đẩy chủ nghĩa tự do đòi hỏi và tỏ thái độ khoan dung không phải là nội dung của học thuyết cần phải khoan dung mà chính là nhận thức rằng chỉ có lòng khoan dung mới có thể tạo lập và giữ vững được nền hoà bình trong xã hội, không có nó thì xã hội loài người có thể rơi trở lại thời kì dã man và cảnh cơ hàn của những thế kỉ đã qua từ lâu.
Chủ nghĩa tự do đấu tranh chống lại những điều ngu dốt, vô lí, sai lầm và độc ác bằng vũ khí của trí tuệ chứ không phải bằng bạo lực hung tàn và đàn áp.
13. Nhà nước và hành động phản xã hội
Nhà nước là bộ máy cưỡng bức và bạo lực. Điều đó đúng không chỉ đối với “nhà nước tuần đêm” mà còn đúng cho bất kì nhà nước nào, và đúng nhất đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tất cả những gì nhà nước có thể làm đều được nó làm bằng cách cưỡng bức và dùng vũ lực. Đàn áp những hành vi nguy hiểm cho trật tự xã hội là bản chất hoạt động của nhà nước; ngoài ra, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nó còn kiểm soát cả các tư liệu sản xuất nữa.
Những người Roma có đầu óc tỉnh tảo đã thể hiện điều đó bằng hình vẽ một cái búa và bó roi trên biểu tượng của quốc gia. Trong thời đại ngày nay chủ nghĩa thần bí cực kì khó hiểu, tự gọi mình là triết học, đã tìm mọi cách nhằm che dấu sự thật của vấn đề. Đối với Schelling thì nhà nước là hình ảnh trực tiếp và có thể nhìn thấy được của đời sống xác thực, là một giai đoạn trong quá trình khám phá cái Tuyệt Đối hay là Tinh Thần Thế Giới. Nhà nước tồn tại vì mục đích của chính nó, và hoạt động của nó cũng chỉ nhằm giữ vững bản chất và hình thức tồn tại của nó mà thôi. Đối với Hegel thì Lí Trí Tuyệt Đối tự thể hiện mình trong nhà nước, và Tinh Thần Khách Quan cũng được thực hiện trong nhà nước. Đấy là trí tuệ đầy đức hạnh phát triển thành hiện thực hữu cơ - tức là hiện thực và ý tưởng đạo đức được biểu hiện ra như là ý chí đã được vật chất hoá, có thể nhận thức được đối với chính nó. Các đồ đệ của triết học duy tâm chủ nghĩa đã vượt ngay cả các sư phụ của mình trong việc sùng bái nhà nước. Chắc chắn là những người cùng với Nietzsche, nhằm phản ứng lại những học thuyết nói trên và những học thuyết tương tự như thế, gọi nhà nước là con quái vật lạnh lùng nhất cũng chẳng đền gần chân lí hơn. Nhà nước chẳng lạnh cũng chẳng nóng vì nó là một khái niệm trừu tượng và những người đang sống – các tổ chức của nhà nước, chính phủ - thay mặt nó mà hành động. Toàn bộ hoạt động của nhà nước đều là hành động của con người, là cái ác do con người tự tạo ra cho nhau. Mục đích của nhà nước - tức là duy trì trật tự xã hội - biện hộ cho hành động của các cơ quan nhà nước, nhưng những người bị tác động thì không vì thế mà cảm thấy cái ác là dễ chịu hơn. Cái ác mà người nọ gây ra cho người kia làm cả hai đều bị tổn thương – không chỉ người bị làm ác mà cả kẻ gây ra cái ác cùng bị đau khổ. Không gì có thể làm cho người ta thoái hoá nhanh hơn là khi họ trở thành phương tiện thi hành pháp luật và làm cho người khác bị đau khổ. Số phận của thần dân là phải lo lắng, là tinh thần nô lệ và thái độ nịnh bợ; thái độ cao ngạo đạo đức giả, kiêu căng của ông chủ cũng chẳng có gì hay ho hơn.
Chủ nghĩa tự do tìm cách giảm nhẹ mức độ cay đắng trong quan hệ giữa cơ quan chính chính phủ và công dân. Dĩ nhiên là trong khi làm như thế nó sẽ không bước vào vết chân của những người lãng mạn, tức là những người biện hộ cho những hành vi phản xã hội của những người vi phạm pháp luật và lên án không chỉ quan toà và cảnh sát mà còn lên án cả trật tự xã hội nữa. Chủ nghĩa tự do không muốn và không thể phủ nhận rằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước và sự trừng phạt theo đúng pháp luật những kẻ tội phạm là những định chế mà xã hội không bao giờ - dù hoàn cảnh có như thế nào - bãi bỏ được. Nhưng người theo chủ nghĩa tự do tin rằng mục đích của trừng phạt là loại bỏ những hành vi có hại cho xã hội, đấy là nói khi có điều kiện. Trừng phạt không được có tính thù hận hay trả đũa. Kẻ tội phạm phải nhận sự trừng phạt của pháp luật chứ không phải là do lòng thù hận hay sự tàn bạo của quan toà, của cảnh sát hay đám đông khao khát đàn áp.
Tai hoạ lớn nhất của lực lượng cưỡng bức tự coi mình là người “đại diện cho nhà nước” là nó trực tiếp tấn công vào những sáng kiến mới xuất hiện vì cuối cùng thì bao giờ nó cũng cần sự đồng thuận của đa số. Xã hội loài người không thể sống thiếu bộ máy nhà nước, nhưng loài người lại phải chống lại sự phản kháng và chống đối của nhà nước và bộ máy cưỡng chế của nó thì mới tiến bộ được. Không có gì ngạc nhiên khi tẩt cả những người có cái mới để trình bày với nhân loại đều không thể nói được bất cứ điều gì tốt đẹp về nhà nước và luật pháp của nó. Những người theo chủ nghĩa quốc gia thần bí và những người sùng bái nhà nước có thể phản đối họ; nhưng những người theo trường phái tự do thì ủng hộ họ, ngay cả khi không đồng ý với họ. Nhưng mọi người theo trường phái tự do đều phải chống lại sự ác cảm có thể hiểu được với tất cả những gì liên quan tới cảnh sát và cai tù, đấy là nói khi thái độ đó trở thành kiêu căng quá đáng và tự tuyên bố là quyền nổi loạn chống lại nhà nước. Phản kháng bằng bạo lực chống lại sức mạnh của nhà nước phải được coi là biện pháp cuối cùng của phe thiểu số nhằm thoát ra khỏi sự áp bức của đa số. Thiểu số cần phải sử dụng trí thức làm vũ khí trong cuộc đấu tranh để trở thành phe đa số. Nhà nước cần phải được xây dựng như thế nào đó để trong khuôn khổ pháp luật của nó có những chỗ trống cho phép cá nhân được tự do di chuyển trong đó. Hoạt động của người công dân không bị thu hẹp một cách quá đáng đến mức khi quan điểm của anh ta khác với nhà cầm quyền thì anh ta chỉ còn lựa chọn: lật đổ bộ máy nhà nước hay là chết.
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp
No comments:
Post a Comment