January 20, 2011

Ludwig von Mises (1881-1973) - CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG

Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 2

Chính sách kinh tế tự do

1. Tổ chức kinh tế

Có thể phân biệt năm hệ thống tổ chức hợp tác giữa người với người trong xã hội đặt căn bản trên sự phân công lao động: hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, mà đến một giai đoạn phát triển nào đó ta gọi là chủ nghĩa tư bản; hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất nhưng tài sản thỉnh thoảng lại bị tịch thu để đem phân phối lại; hệ thống công đoàn (syndicalism); hệ thống sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, được gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sảm và cuối cùng là hệ thống can thiệp.

Lịch sử của quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất trùng hợp với lịch sử của sự phát triển của nhân loại từ tình trạng bán khai, ăn lông ở lỗ đến những tầm cao nhất của nền văn minh hiện đại. Những người phản đối sở hữu tư nhân đã phải mất rất nhiều tâm trí để chứng minh rằng trong thời nguyên thuỷ định chế sở hữu tư nhân chưa đạt tới hình thức hoàn thiện vì một phần đất canh tác vẫn thường xuyên được mang ra chia lại. Từ luận điểm cho rằng sở hữu tư nhân chỉ là “phạm trù mang tính lịch sử”, họ cố gắng rút ra kết luận rằng một lúc nào đó có thể không cần đến nó nữa. Sai lầm về mặt logic trong lập luận này rõ ràng đến nỗi chẳng cần phải thảo luận thêm làm gì. Sự hợp tác mang tính xã hội trong thời thượng cổ có thể tồn tại được ngay cả khi chưa có hệ thống sở hữu tư nhân hoàn bị chẳng cho ta một tí chứng cớ nào chứng tỏ rằng ở những giai đoạn phát triển cao nhất xã hội cũng không cẩn sở hữu tư nhân. Nếu lịch sử có thể chứng minh được một điều gì đó liên quan tới vấn đề này thì đấy chính là chưa ở đâu và chưa bao giờ có một dân tộc có thể thoát khỏi cảnh cơ cực và thiếu thốn chẳng khác gì súc vật mà lại không cần đến sở hữu tư nhân.

Những người phản đối hệ thống quyền sở hữu tư nhân phương tiện thời kì đầu không tấn công định chế sở hữu tư nhân mà chỉ tấn công sự bất bình đẳng trong việc phân phối thu nhập mà thôi. Họ đề nghị loại bỏ sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản bằng cách định kì phân phối lại toàn bộ hàng hoá hoặc ít nhất là phân chia lại ruộng đất, tức là phân chia lại tác nhân sản xuất duy nhất vào lúc đó. Trong những nước lạc hậu về mặt công nghệ, nơi mà sản xuất nông nghiệp thô sơ vẫn còn giữ thế thượng phong, ý tưởng về việc phân chia một cách bình đẳng tài sản như thế vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Người ta thường gọi đấy là chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, mặc dù gọi như thế là hoàn toàn không đúng vì nó chẳng có gì chung với chủ nghĩa xã hội hết. Cách mạng Bolshevik ở Nga, bắt đầu là cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng đã không xây dựng được chủ nghĩa xã hội trong sản xuất nông nghiệp - tức là sở hữu tập thể đối với ruộng đất – mà là xây dựng chủ nghĩa xã hội nông nghiệp. Trên những khu vực rộng lớn trong phần còn lại của Đông Âu việc chia những điền trang rộng lớn cho những chủ trại nhỏ, gọi là cải cách ruộng đất, là lí tưởng được nhiều đảng chính trị có nhiều người ủng hội.

Chẳng cần phải mất thì giờ thảo luận thêm về hệ thống này làm gì. Chắc chắn năng suất lao động sẽ giảm, điều này thì khó mà cãi được. Chỉ có những nơi vẫn còn canh tác bằng những phương pháp cổ sơ nhất thì người ta mới không nhận ra sự sụt giảm năng suất lao động sau khi chia ruộng mà thôi. Ai cũng biết rằng việc chia nhỏ trang trại sản xuất sữa được trang bị máy móc hiện đại là việc làm cực kì vô lí. Đưa nguyên tắc chia nhau vào công nghiệp và các công ty thương mại là chuyện hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi. Đường sắt, máy cán thép, nhà máy sản xuất máy công cụ là những thứ không thể nào đem chia được. Người ta chỉ có thể định kì phân chia lại tài sản nếu trước đó người ta đã đập tan nền kinh tế đặt căn bản trên sự phân công lao động và thị trường tự do và trở về với nền kinh tế trang trại tự cấp tự túc, đấy là các trang trại dù sống gần nhau cũng không buôn bán với nhau.

Tư tưởng của chủ nghĩa công đoàn (syndicalism) chính là nỗ lực nhằm đưa lí tưởng phân chia đồng đều tài sản vào thời công nghiệp lớn hiện đại. Chủ nghĩa công đoàn không tìm cách giao tài sản vào tay tư nhân hay xã hội mà giao cho các công nhân đang làm trong từng lĩnh vực hoặc từng ngành công nghiệp .

Vì tỉ lệ kết hợp giữa tác nhân vật chất và tác nhân con người trong mỗi lĩnh vực sản xuất là khác nhau cho nên không thể chia đều tài sản theo cách đó. Nếu đem chia thì ngay từ đầu người công nhân trong một số ngành nghề sẽ nhận được nhiều hơn công nhân ở những ngành khác. Người ta buộc phải nghĩ tới những khó khăn chắc chắn sẽ xuất hiện vì phải thường xuyên chuyển vốn và lao động từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác. Liệu có thể rút vốn từ ngành công nghiệp này để trang bị cho ngành khác hay không? Liệu có thể đưa người công nhân từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác, sang nơi cần ít vốn đầu tư cho một chỗ làm hay không? Việc luân chuyển như thế là bất khả thi, cho nên cộng đồng thịnh vượng chung của chủ nghĩa công đoàn là sự lố bịch hoàn toàn và hình thức tổ chức xã hội như thế là bất khả thi. Nhưng nếu chúng ta cho rằng bên cạnh các cá nhân và bên trên họ còn có chính quyền trung ương có nhiệm vụ thực hiện những sự luân chuyển như thế thì đấy không còn là chủ nghĩa công đoàn nữa mà đã là chủ nghĩa xã hội rồi. Trên thực tế, chủ nghĩa công đoàn là một lí tưởng xã hội ngớ ngẩn đến mức chỉ có những kẻ đần độn chẳng hề suy nghĩ gì mới có thể đứng ra biện hộ cho nó.

Chủ nghĩa xã hội hay là chủ nghĩa cộng sản là tổ chức xã hội, trong đó tài sản - tức là quyền sử dụng tất cả các tư liệu sản xuất đều được trao vào tay xã hội – cũng có nghĩa là trao vào tay nhà nước, trao vào tay bộ máy cưỡng bức và đàn áp. Một xã hội được coi là xã hội chủ nghĩa không phải vì lợi tức xã hội được chia đều cho mọi người hay chia theo bất cứ nguyên tắc nào khác. Cũng không phải vì chủ nghĩa xã hội xuất hiện bằng cách chuyển quyền sở hữu tất cả các tư liệu sản xuất vào tay nhà nước, tức là vào tay bộ máy cưỡng bức và đàn áp hay các chủ sở hữu tiếp tục giữ các tài sản đó và việc xã hội hoá được thực hiện bằng cách tất cả những “người chủ” phải sử dụng những phương tiện nằm trong tay họ theo những qui định của nhà nước. Nếu nhà nước qui định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai, với giá bao nhiêu thì sở hữu tư nhân chỉ còn là tên gọi; trên thực tế, toàn bộ tài sản đã bị xã hội hoá vì động cơ chính của hoạt động kinh tế của các doanh nhân và các nhà tư sản đã không còn là tìm kiếm lợi nhuận nữa, mà là phải thực hiện những nhiệm vụ mà người ta giao cho và tuân theo những mệnh lệnh mà người ta ban hành.

Cuối cùng, cần phải nói về chủ nghĩa can thiệp. Theo ý kiến của nhiều người thì đây là biện pháp trung dung giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, là phương pháp tổ chức xã hội thứ ba: hệ thống sở hữu tư nhân được điều tiết, được kiểm soát và định hướng bằng những sắc lệnh của chính quyền (những hành động can thiệp).

Hệ thống phân chia lại tài sản theo định kì và hệ thống của chủ nghĩa công đoàn sẽ không được thảo luận ở đây. Hai hệ thống này thường không tạo ra tranh luận. Không có ai, đấy là nói những người được coi là nghiêm túc, đứng ra bảo vệ những hệ thống này. Chúng ta chỉ cần quan tâm đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa tư bản.

2. Sở hữu tư nhân và những người phê phán nó

Cuộc sống của con người không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Trái đất không phải là thiên đường. Mặc dù đấy không phải là lỗi của các định chế xã hội nhưng người ta lại có thói quen đổ trách nhiệm cho nó. Cơ sở của tất cả các nền văn minh, kể cả nền văn minh của chúng ta, là sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Vì vậy mà bất cứ người nào muốn chỉ trích nền văn minh hiện đại cũng đều bắt đầu bằng việc chỉ trích sở hữu tư nhân. Người phê phán có thể lên án tất cả những gì làm anh ta không vừa ý, đặc biệt là những cái xấu xa có nguồn gốc từ sự kiện là sở hữu tư nhân đã cản trở và trong một số lĩnh vực ngăn chặn, làm cho tiềm năng của xã hội không thể phát huy một cách trọn vẹn được.

Phương pháp mà những người phê phán hay dùng là nói rằng mọi thứ sẽ tuyệt vời đến mức nào nếu anh ta được làm theo cách của mình. Trong những giấc mơ của mình anh ta thường giết chết hết những ý tưởng đối lập với ý tưởng của anh ta, bằng cách đưa anh ta hay là một người nào đó có ý tưởng giống hệt như anh ta lên địa vị chủ nhân ông tuyệt đối của thế giới. Bất cứ người nào thuyết pháp về quyền lực của kẻ mạnh cũng tự coi mình là kẻ mạnh cả. Còn người nào ủng hộ chế độ nô lệ thì không bao giờ thử mường tượng mình cũng có thể rơi vào tình trạng nô lệ. Người đòi hỏi hạn chế quyền tự do lương tâm thực ra chỉ hạn chế người khác chứ không hạn chế chính mình. Người ủng hộ chế độ chính trị đầu sỏ bao giờ cũng nghĩ rằng mình thuộc nhóm đầu sỏ, còn kẻ cảm thấy đê mê khi nghĩ đến chế độ chuyên chế hay độc tài thông thái thì trong những giấc mơ giữa ban ngày như thế, hắn sẽ chẳng cần khiêm tốn để không giao cho mình vai trò của kẻ chuyên chế hay nhà độc tài thông thái, hoặc chí ít thì cũng là kẻ chuyên chế đứng trên một kẻ chuyên chế khác, độc tài đứng trên một nhà độc tài khác. Chính vì không có ai muốn thấy mình ở địa vị của kẻ yếu hơn, của kẻ bị áp bức, của kẻ bị khuất phục, của kẻ bị trị, bị tước hết quyền lợi; cho nên trong chủ nghĩa xã hội ai cũng chỉ muốn làm tồng giám đốc hoặc là thày dùi cho tổng giám đốc. Đấy là cuộc đời duy nhất đáng sống trong những giấc mơ và trong trí tưởng tượng về chủ nghĩa xã hội của họ.

Sách báo bài tư bản đã tạo ra khuôn mẫu cho trí tưởng tượng của những kẻ mộng mơ bằng cách lợi dụng quan niệm thường thấy về mâu thuẫn giữa lợi ích và năng suất. Trong suy nghĩ của họ, những chuyện xảy ra trong chủ nghĩa tư bản trái ngược với - đấy là theo ước muốn của những người phê phán - những điều sẽ được thực hiện trong chế độ xã hội chủ nghĩa lí tưởng. Tất cả những gì lệch khỏi hình ảnh lí tưởng này đều được coi là vô ích. Lợi ích lớn nhất của những cá nhân riêng biệt và năng suất lao động cao nhất của xã hội không phải lúc nào cũng trùng hợp với nhau. Và đấy được coi là khuyết tật nghiêm trọng nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chỉ trong mấy năm gần đây người ta mới nhận thức được rằng trong phần lớn các trường hợp, xã hội xã hội chủ nghĩa cũng phải hành động chẳng khác gì các cá nhân riêng lẻ trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng ngay cả trong những trường hợp mà mâu thuẫn như thế quả thật là có thì ta cũng không thể giả định rằng xã hội xã hội chủ nghĩa chắc chắn sẽ làm đúng và xã hội tư bản bao giờ cũng đáng phê phán nếu nó làm một cái gì đó khác đi. Khái niệm năng suất là một khái niệm có tính chủ quan và không thể là xuất phát điểm cho việc phê phán mang tính khách quan được.

Như vậy là, chẳng nên mất thì giờ với suy tưởng của những kẻ mộng mơ-độc tài của chúng ta mà làm gì. Trong ảo mộng của hắn ta, mọi người đều nóng lòng, đều sẵn sàng thực hiện ngay lập tức và chính xác mệnh lệnh của hắn. Nhưng trong chủ nghĩa xã hội sự vật sẽ hiện ra như thế nào, đấy là nói trên thực tế chứ không phải trong tưởng tượng, lại là vấn đề hoàn toàn khác. Các tính toán thống kê đơn giản chứng minh rằng giả định cho rằng việc phân phối một cách đồng đều tổng sản phẩm hàng năm của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cho tất cả các thành viên trong xã hội sẽ đảm bảo đủ sống cho mỗi người là giả định hoàn toàn sai. Như vậy là, xã hội xã hội chủ nghĩa khó mà có thể gia tăng được mức sống của quảng đại quần chúng. Hi vọng có một cuộc sống thịnh vượng, thậm chí giàu có cho tất cả mọi người chỉ có thể trở thành hiện thực nếu năng suất lao động trong chế độ xã hội chủ nghĩa cao hơn năng suất lao động trong chủ nghĩa tư bản và hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tránh được những việc chi tiêu lãng phí, cũng có nghĩa là tránh được những chi phí vô ích.

Về điểm thứ hai, có người nghĩ đến việc bãi bỏ những chi phí liên quan đến việc tiêu thụ, cạnh tranh và quảng cáo sản phẩm. Rõ ràng là trong chủ nghĩa xã hội sẽ không còn những chi tiêu như thế nữa. Nhưng không được quên rằng bộ máy phân phối xã hội chủ nghĩa cũng sẽ có chi phí không phải là nhỏ, thậm chí còn lớn hơn là bộ máy trong chủ nghĩa tư bản nữa. Nhưng đấy không phải là vấn đề quyết định trong việc thảo luận của chúng ta về tầm quan trọng của những chi phí như thế. Những người xã hội chủ nghĩa giả định, thậm chi coi là đương nhiên rằng năng suất lao động trong chủ nghĩa xã hội ít nhất cũng bằng chủ nghĩa tư bản, và cố gắng chứng minh rằng năng suất lao động sẽ cao hơn. Nhưng giả định đầu tiên không thể là chuyện dĩ nhiên như những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội vẫn nghĩ. Số lượng sản phẩm được sản xuất trong xã hội tư bản không phải là không phụ thuộc vào cách thức tổ chức quá trình sản xuất. Điều quan trọng là tại mỗi giai đoạn trong từng lĩnh vực sản xuất mỗi người tham gia đều đặc biệt quan tâm tới năng suất lao động của phần lao động cụ thể mà mình đóng góp. Mỗi người công nhân đều cố gắng hết sức vì tiền lương phụ thuộc vào kết quả lao động của anh ta, và mỗi doanh nhân đều cố gắng sản xuất với giá thành rẻ hơn, nghĩa là với chi phí về lao động và tư bản thấp hơn người cạnh tranh với anh ta.

Chỉ nhờ những động cơ như thế mà chủ nghĩa tư bản mới có thể sản xuất được số lượng tải sản mà nó đang nắm trong tay. Phê phán những chi phí quá cao của bộ máy tiêu thụ tư bản chủ nghĩa là quan điểm thiển cận. Những người phê phán chủ nghĩa tư bản là phung phí nguồn lực vì họ thấy trên những đường phố sầm uất có quá nhiều người bán đồ lót cạnh tranh với nhau và thậm chí người bán thuốc lá còn nhiều hơn nữa, là những người không nhận thức được rằng việc tổ chức buôn bán như thế chỉ là kết quả của cơ chế sản xuất bảo đảm cho năng suất lao động cao nhất mà thôi. Sản xuất đã đạt được tất cả những tiến bộ như thế là vì bản chất của cơ chế này là liên tục tạo ra tiến bộ. Chỉ nhờ sự kiện là tất cả các doanh nhân đều phải liên tục cạnh tranh và liên tục bị đẩy ra khỏi thương trường một cách không thương tiếc nếu họ không sản xuất một cách có lợi nhất mà các phương pháp sản xuất mới thường xuyên được cải tiến và hoàn thiện. Nếu động cơ đó không còn thì tiến bộ trong sản xuất cũng không còn và người ta cũng không còn tiết kiệm chi phí nữa. Cho nên câu hỏi sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nếu không còn quảng cáo là một câu hỏi hoàn toàn phi lí. Người ta nên hỏi sẽ sản xuất được bao nhiêu nếu không còn cạnh tranh nữa. Câu trả lời chắc chắn là đã rõ.

Tay làm hàm nhai, nghĩa là người ta chỉ có thể tiêu dùng những thứ mà mình làm ra. Đặc điểm căn bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa là nó tạo cho mỗi người động lực thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả nhất và như vậy cũng có nghĩa là có năng suất cao nhất. Trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mối liên hệ trực tiếp giữa lao động của cá nhân với những món hàng và dịch vụ mà anh ta có thể được hưởng rõ ràng là không tồn tại. Động cơ lao động sẽ không phải là khả năng hưởng thụ thành quả lao động của mình mà là mệnh lệnh của chính quyền và tinh thần trách nhiệm của chính mình. Lí lẽ chứng tỏ rằng cách tổ chức lao động như thế là việc làm bất khả thi sẽ được trình bày trong chương sau.

Sự kiện thường xuyên bị người ta đem ra phê phán là trong hệ thống tư bản chủ nghĩa những người chủ sở hữu tư liệu sản xuất bao giờ cũng là những kẻ có đặc quyền đặc lợi. Họ có thể sống mà chẳng cần làm. Nếu xem xét chế độ xã hội từ quan điểm cá nhân chủ nghĩa thì ta phải công nhận rằng đây đúng là khuyết tật nghiêm trọng của chủ nghĩa tư bản. Tại sao người này lại có địa vị thuận lợi hơn người kia? Nhưng nếu ta không xem xét các sự vật từ quan điểm của một cá nhân riêng biệt mà từ quan điểm của toàn bộ trật tự xã hội thì ta sẽ thấy rằng người nắm giữ tài sản sẽ chỉ giữ được địa vị của mình với điều kiện là anh ta phải cung cấp những dịch vụ cục kì cần thiết đối với xã hội. Nhà tư bản chỉ có thể giữ được địa vị của mình với điều kiện là anh ta phải đưa những tư liệu sản xuất đó vào trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với xã hội. Nếu anh ta không làm được như thế - nếu anh ta đầu tư sai lầm – anh ta sẽ bị lỗ và nếu anh ta không kịp thời sửa chữa sai lầm thì chẳng bao lâu sau anh ta sẽ bị đẩy ra khỏi vị trí thuận lợi của mình. Anh ta sẽ không còn là nhà tư sản nữa, những người khác, tức là những người phù hợp hơn sẽ chiếm được vị trí của anh ta. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, tư liệu sản xuất bao giờ cũng nằm trong tay những người phù hợp nhất, và dù muốn dù không họ cũng phải thường xuyên lo lắng nhằm sử dụng các phương tiện đó sao cho chúng có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

3. Tư hữu và chính phủ

Tất cả các nhà cầm quyền, tất cả các chính phủ, vua chúa và các chính quyền cộng hoà, đều có thái độ nghi ngờ sở hữu tư nhân. Tất cả các chính quyền đều có xu hướng không chịu công nhận bất kì giới hạn nào đối với hoạt động của mình và đều muốn khuyếch trương lĩnh vực cai trị của mình ra càng rộng càng tốt. Quản lí tất, không để cho bất cứ thứ gì có thể tự ý xảy ra mà không có sự can thiệp của chính quyền - đấy là mục tiêu mà tất cả những người có quyền đều bí mật hướng tới. Nếu như không có sở hữu tư nhân ngáng đường! Sở hữu tư nhân tạo ra cho người ta lĩnh vực mà ở đó người ta có thể sống độc lập với nhà nước. Nó tạo ra giới hạn cho việc thực thi ý chí của chính quyền. Nó tạo điều kiện cho những lực lượng khác xuất hiện bên cạnh và hoạt động đối lập với chính quyền. Như vậy là, sở hữu tư nhân trở thành nền tảng của tất cả những hoạt động độc lập với sự can thiệp mang tính bạo lực từ phía nhà nước. Đấy là mảnh đất ươm mầm hạt giống của tự do và là nơi cung cấp dưỡng chất cho sự độc lập của các cá nhân cũng như sự phát triển, cả về vật chất lẫn tinh thần, của xã hội nói chung. Người ta thậm chí còn gọi sở hữu tư nhân là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của cá nhân là theo nghĩa như thế. Nhưng câu nói đó chỉ có thể được chấp nhận với những sự dè dặt nhất định vì sự đối lập giữa cá nhân và tập thể, giữa các tư tưởng và mục đích mang tính cá nhân và mang tính tập thể, đã trở thành những quan điểm lỗi thời rổng tuếch.

Như vậy nghĩa là chẳng bao giờ có lực lượng chính trị nào chịu tự nguyện từ bỏ thói quen cản trở sự phát triển và hoạt động của định chế sở hữu tư nhân đối với các tư liệu sản xuất. Các chính phủ chịu đựng sở hữu tư nhân khi họ buộc phải làm như thế, nhưng họ không tự nguyện công nhận tính tất yếu của nó. Ngay cả các chính khách theo đường lối tự do sau khi giành được quyền lực, dù ít dù nhiều, cũng thường tìm cách đẩy những nguyên tắc tự do xuống hàng thứ yếu. Xu hướng áp đặt những hạn chế mang tính áp bức đối với sở hữu tư nhân, lạm dụng quyền lực chính trị, không chịu tôn trọng hay công nhận bất kì lĩnh vực tự do nào – bên ngoài sự chi phối của nhà nước – đã bén rễ rất sâu vào trong tâm trí của những người nắm quyền kiểm soát bộ máy cưỡng bức và đàn áp, không bao giờ họ có thể tự nguyện chống lại được cám dỗ như thế. Chính phủ tự do là chính phủ contradictio in adjecto [mang trong mình nó mâu thuẫn nội tại - tiếng Latinh, ND]. Do áp lực của dư luận của toàn dân mà các chính phủ phải chấp nhận chủ nghĩa tự do, chính phủ tự nguyện trở thành chính phủ tư do là hi vọng viển vông.

Điều gì buộc những người cai trị phải công nhận quyền sở hữu của các thần dân của họ? Không khó hiểu nếu đấy là một xã hội gồm toàn những điền chủ giàu có như nhau . Trong chế độ xã hội như thế, bất kì nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền sở hữu đều sẽ gặp phải sự phản đối tức thời của tất cả các thần dân và chính phủ sẽ bị đổ. Nhưng tình hình sẽ khác hẳn nếu đấy không phải là xã hội thuần nông mà có cả sản xuất công nghiệp nữa, đặc biệt là nếu có các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp bỏ nhiều vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp, khai khoáng và thương mại. Trong xã hội như thế, những người nắm quyền trong chính phủ có thể dễ dàng thực hiện những hành động nhằm chống lại sở hữu tư nhân. Trên thực tế, tấn công vào sở hữu tư nhân bao giờ cũng mang lại cho chính phủ nhiều thuận lợi hơn cả - rất dễ dàng kích động quần chúng đứng lên chống lại những người có nhiều đất đai và tư bản. Vì vậy mà liên kết với “nhân dân” nhằm chống lại giai cấp có của đã và vẫn là tư tưởng của tất cả các vua chúa, của tất cả những nhà độc tài và bạo chúa từ xưa đến nay. Đế chế thứ hai của Louis Napoleon không chỉ là chế độ được xây dựng trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Caesar. Nhà nước độc tài của dòng họ Hohenzollerns ở Phổ cũng nắm lấy tư tưởng về việc giành sự ủng hộ của giai cấp công nhân trong cuộc chiến chống lại giai cấp tư sản tự do bằng chính sách của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa can thiệp do Lassalle đưa vào nền chính trị Đức trong cuộc đấu tranh hiến pháp ở Phổ. Đấy chính là nguyên tắc căn bản của “chế độ quân chủ xã hội”, một chế độ được Schmoller và trường phái của ông ta hết sức tán dương.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những sự ngược đãi như thế, định chế sở hữu tư nhân vẫn tiếp tục tồn tại. Cả sự tức giận của chính phủ, cả những chiến dịch đầy thù hận của những nhà văn và những nhà đạo đức học, của nhà thờ và các tôn giáo lẫn sự oán hờn của quần chúng – có nguồn gốc từ sự ghen tức mang tính bản năng - đều không thể tiêu diệt được nó. Mọi cố gắng nhằm thay nó bằng phương pháp tổ chức sản xuất và phân phối khác đều nhanh chóng chứng tỏ rằng đấy là việc làm phi lí và bất khả thi. Người ta buộc phải công nhận rằng định chế sở hữu tư nhân là định chế tối cần thiết và dù muốn dù không, người ta phải quay về với nó.

Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn không chịu hiểu rằng lí do của việc quay trở lại với định chế sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là: về nguyên tắc đấy là nền tảng của hệ thống kinh tế nhằm phục vụ các nhu cầu và mục đích của con người. Người ta vẫn không thể giải thoát khỏi hệ tư tưởng đã bám vào đầu óc họ, mà cụ thể là tin rằng sở hữu tư nhân là cái ác mà ta phải chấp nhận cho đến khi nhân loại đủ trưởng thành về mặt đạo đức. Mặc dù chính phủ - trái ngược với những dự định và xu hướng của mọi trung tâm quyền lực - chấp nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân, nhưng họ vẫn tiếp tục bám chặt vào (không chỉ bằng biểu hiện bên ngoài mà cả trong suy nghĩ) hệ tư tưởng thù địch với quyền tư hữu. Thực ra, họ cho rằng về nguyên tắc phản đối sở hữu tư nhân là đúng và chỉ vì yếu đuồi hoặc phải tính đến quyền lợi của những nhóm có nhiều ảnh hưởng mà họ phải đi chệch khỏi nguyên tắc này mà thôi.

4. Chủ nghĩa xã hội là bất khả thi

Người ta thường nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội là bất khả thi vì dân chúng chưa có những phẩm chất mà chủ nghĩa xã hội yêu cầu. Người ta sợ rằng trong chủ nghĩa xã hội phần đông sẽ không nhiệt tình thực hiện trách nhiệm và công việc như họ đã từng thể hiện trong những công việc hàng ngày trong chế độ dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Trong xã hội tư bản mỗi người đều biết rằng làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít, thu nhập tỉ lệ thuận với thành quả lao động. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa mỗi người đều nghĩ rằng hiệu suất lao động của anh ta chẳng có giá trị bao nhiêu vì đằng nào thì anh ta cũng được chia một phần nhất định rồi, còn sự lười nhác của bất kì người nào cũng chẳng làm cho tổng tài sản giảm đáng kể được. Đáng sợ là đấy sẽ là nhận thức chung của tất cả mọi người và năng suất lao động của chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ giảm đi trông thấy.

Sự phản đối chống lại chủ nghĩa xã hội như vậy là hoàn toàn có lí, nhưng nó không đi vào thực chất của vấn đề. Nếu trong chế độ xã hội chủ nghĩa ta có thể xác định được thành quả lao động của mỗi người với độ chính xác như việc hạch toán kinh tế trong hệ thống tư bản chủ nghĩa đã làm thì tính khả thi của chủ nghĩa xã hội sẽ không phụ thuộc vào lòng tốt của bất cứ người nào. Ít nhất xã hội cũng có thể, trên cơ sở đóng góp của mỗi người, xác định được phần sẽ chia cho người đó. Chủ nghĩa xã hội bất khả thi chính vì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được hạch toán kinh tế như thế.

Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, tính toán lợi nhuận sẽ cho người ta biết rằng xí nghiệp mà người đó đang vận hành có nên hoạt động nữa hay không, và nó có hoạt động hữu hiệu nhất hay không, nghĩa là có hoạt động với chi phí sản xuất thấp nhất hay không. Nếu không có lãi thì nghĩa là nguyên vật liệu, bán thành phẩm và lao động cần dùng ở đó có thể được các xí nghiệp khác sử dụng cho những mục đích cấp bách hơn và cần thiết hơn, đấy là nói theo quan điểm của người tiêu dùng, hoặc sử dụng cho những mục đích đó nhưng tiết kiệm hơn (nghĩa là với chi phí thấp hơn về lao động và tư bản). Thí dụ như việc dệt vải thủ công đã không có lãi nữa. Điều đó chứng tỏ rằng vốn và lao động được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt tạo ra nhiều sản phẩm hơn và cũng có nghĩa là sẽ không kinh tế nếu cứ bám lấy ngành sản xuất với cùng đồng vốn và lao động nhưng lại tạo ra ít sản phẩm hơn.

Người ta có thể tính toán trước xem một nhà máy sắp được xây dựng có mang lại lợi nhuận hay không và mang lại bằng cách nào. Thí dụ nếu người ta có ý định xây dựng một tuyến đường sắt thì người ta có thể đánh giá số lượng hàng hoá và hành khách cần vận chuyển, giá vé, để tính toán xem có nên đầu tư vốn và lao động vào tuyến đường đó hay không. Nếu kết quả tính toán cho thấy tuyến đường được dự kiến không mang lại lợi nhuận có nghĩa là vốn và lao động nên được đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết hơn cho xã hội. Thế giới chưa giàu có tới mức có thể cho phép người ta chi tiêu những khoản như thế. Nhưng tính toán giá thành và lợi nhuận có giá trị quyết định không chỉ khi giải quyết vấn đề khởi sự một công việc mới mà nó còn kiểm soát mỗi bước đi của doanh nhân trong quá trình điều hành công việc làm ăn của mình.

Hạch toán kinh tế tư bản chủ nghĩa - chỉ có nó mới có thể làm cho việc sản xuất trở thành hữu lí – là tính toán bằng tiền. Chỉ vì rằng giá của tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ trên thị trường đều có thể qui thành tiền cho nên các loại hàng hoá và dịch vụ này – dù chúng có khác biệt nhau đến đâu – cũng có thể đưa vào những tính toán đòi hỏi những đơn vị đo lường đồng nhất. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi tất cả các tư liệu sản xuất đều là sở hữu toàn dân, nơi, vì vậy mà không có thị trường, không có sự trao đổi hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra, cho nên không thể qui được giá trị hàng hoá và dịch vụ cao cấp thành tiền. Như vậy nghĩa là xã hội đó không có phương tiện quản lí hữu lí các xí nghiệp tức là không thể hạch toán kinh tế. Hạch toán kinh tế sẽ không thể thực hiện được nếu tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ không thể qui về một mẫu số chung.

Xin xem xét một trường hợp đơn giản nhất. Đường sắt nối A với B có thể được xây dựng theo những tuyến khác nhau. Giả sử giữa A và B có một ngọn núi. Có thể xây dựng tuyến đường trèo lên núi, đi vòng quanh núi hoặc theo đường hầm xuyên qua lòng núi. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa tính xem đoạn đường nào có lợi nhất là việc cực kì đơn giản. Người ta sẽ xác định giá thành xây dựng của mỗi đoạn đường và sự chênh lệch về chi phí trong quá trình khai thác trên mỗi cung đường. Từ những tính toán như thế sẽ dễ dàng xác định cung đường nào có lợi nhất. Nhưng chủ nghĩa xã hội lại không thể tính toán được. Vì nó không đưa tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ khác nhau mà ta cần phải hạch toán vào một đơn vị đo lường thống nhất. Chủ nghĩa xã hội sẽ trở thành bất lực trước những vấn đề quản lí kinh tế diễn ra thường xuyên, hàng ngày, vì nó không thể hạch toán được. Hiện nay chúng ta có được sự thịnh vượng đủ sức nuôi được nhiều người hơn thời tiền tư bản chính là vì phương pháp tư bản chủ nghĩa bao gồm một loạt quá trình sản xuất gắn bó với nhau và để có thể hoạt động được thì lại cần phải hạch toán bằng tiền. Chủ nghĩa xã hội không thể làm được như thế. Những người cầm bút theo đường lối xã hội chủ nghĩa chỉ mất công toi khi tìm cách chứng minh rằng có thể quản lí được sản xuất mà không cần hạch toán về chi phí và giá thành. Tất cả những cố gắng của họ trong lĩnh vực này đều sẽ thất bại..

Như vậy là những người cầm quyền trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ phải đối mặt với một vấn đề mà họ sẽ không thể nào giải quyết được. Không thể nào xác định được trong vô vàn phương án hành động phương án nào sẽ hữu lí nhất. Sự hỗn loạn trong lĩnh vực kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng nghèo khổ một cách toàn diện và không thể đảo ngược được và sẽ thoái hoá trở lại tình trạng bán khai mà tổ tiên ta từng sống.

Lí tưởng xã hội chủ nghĩa, nếu được thưc thi đến cùng, sẽ dẫn đến một trật tự xã hội trong đó tất cả các tư liệu sản xuất sẽ nằm trong tay toàn thể nhân dân. Quá trình sản xuất sẽ nằm hoàn toàn trong tay chính phủ, trong tay trung tâm quyền lực của xã hội. Chính phủ sẽ một mình quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và phân phối hàng hoá như thế nào. Nhà nước xã hội chủ nghĩa tương lai như thế được dựng lên bằng con đường dân chủ hay bằng những con đường khác cũng chẳng tạo ra sự khác biệt nào. Ngay cả nhà nước xã hội dân chủ cũng phải thiết lập một bộ máy quan liêu được tổ chức một cách chặt chẽ, trong đó mỗi người, trừ những quan chức cao cấp nhất, đều là một nhân viên của bộ máy, có trách nhiệm thực thi vô điều kiện các chỉ thị của chính quyền trung ương, dù rằng anh ta, với vai trò của một cử tri, có thể tham gia vào việc soạn thảo ra các chỉ thị như thế.

Xí nghiệp quốc doanh xã hội chủ nghĩa kiểu như thế khác hẳn với những xí nghiệp quốc doanh mà chúng ta thấy ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức và Nga, trong mấy chục năm gần đây [Ý nói nước Nga trong giai đoạn kinh tế mới (NEP) – chú thích của bản tiếng Nga – ND]. Tất cả các xí nghiệp này đều phát triển bên cạnh những xí nghiệp với sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Các xí nghiệp này giao dịch với những xí nghiệp do các nhà tư sản nắm và quản lí và họ nhận được từ những xí nghiệp như thế những động lực khác nhau nhằm củng cố cho hoạt động của mình. Thí dụ như đường sắt quốc doanh được những nhà sản xuất đầu máy, sản xuất toa xe, sản xuất thiết bị truyền tín hiệu và những máy móc, cung cấp những thiết bị từng được sử dụng trên những tuyến đường nằm trong tay tư nhân. Như vậy là, xí nghiệp quốc doanh được khuyến khích cải tiến để theo kịp về mặt công nghệ và phương pháp quản lí kinh doanh đang diễn ra xung quanh.

Mọi người đều biết rằng các xí nghiệp quốc doanh và xí nghiệp địa phương nói chung đều thất bại: chúng vừa đắt vừa thiếu hiệu năng, phải lấy thuế ra để trợ cấp thì chúng mới tiếp tục hoạt động được. Dĩ nhiên là trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước nắm vị thế độc quyền – thí dụ như phương tiện giao thông công cộng, chiếu sáng, nhà máy điện – thì sự thiếu hiệu quả không phải bao giờ cũng được thể hiện dưới dạng thiệt hại về tài chính có thể nhìn thấy được. Trong một số hoàn cảnh người ta còn có thể che dấu bằng cách để cho doanh nghiệp độc quyền nâng giá sản phẩm và dịch vụ của nó lên cao đến mức có thể làm cho doanh nghiệp có lời mặc dù việc quản lí nó có phi kinh tế đến mức nào. Phương pháp sản xuất xã hội chủ nghĩa có năng suất lao động thấp, nhưng được biểu hiện theo một cách khác và khó nhận ra hơn. Nhưng bản chất vấn đề thì vẫn thế.

Không có một thí nghiệm về quản lí xí nghiệp theo lối xã hội chủ nghĩa nào có thể cung cấp cho chúng ta bất cứ cơ sở nào để nói rằng điều gì sẽ xảy ra nếu lí tưởng xã hội chủ nghĩa về sở hữu tập thể tất cả các tư liệu sản xuất trở thành biện thực. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai, nơi không còn chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân tự do hoạt động bên cạnh các xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và do nhà nước quản lí, cơ quan lập kế hoạch ở trung ương sẽ không còn tiêu chuẩn đánh giá toàn bộ nền kinh tế do thị trường và giá cả thị trường cung cấp nữa. Trên thị trường, nơi tất cả hàng hoá và dịch vụ được mang ra trao đổi, có thể xác định được tỉ lệ đổi chác (được tính bằng tiền) cho tất cả những thứ được đem ra bán và mua. Như vậy là, trong chế độ xã hội đặt nền tảng trên sở hữu tư nhân người ta có thể sử dụng hạch toán bằng tiền để kiểm tra kết quả của tất cả các hoạt động kinh tế. Có thể dùng các phương pháp kế toán và tính giá thành để xác định năng suất lao động của tất cả các giao dịch kinh tế. Cần phải chỉ ra rằng doanh nghiệp nhà nước không thể sử dụng phương pháp tính toán giá thành như các doanh nghiệp tư nhân vẫn làm. Tuy nhiên, tính toán bằng tiền vẫn có thể cung cấp cho xí nghiệp của nhà nước hay xí nghiệp tập thể một số cơ sở để kết luận rằng doanh nghiệp đã thành công hay thất bại. Nhưng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa toàn triệt, điều đó sẽ không thể xảy ra được vì không còn sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất thì sẽ không còn trao đổi hàng hoá tư bản trên thị trường, và như vậy là không còn giá trị tính bằng tiền và không còn tính toán bằng tiền nữa. Vì vậy mà ban lãnh đạo chế độ xã hội chủ nghĩa toàn triệt sẽ không còn phương tiện để qui tất cả những món hàng khác nhau mà họ có ý định sản xuất về một mẫu số chung được nữa.

Tính toán chi phí bằng hiện vật và so sánh với tiết kiệm bằng hiện vật cũng không giúp ích được gì. Không thể tính toán được nếu không đưa được số giờ lao động có chất lượng khác nhau, không đưa được sắt, than đá, vật liệu xây dựng, máy móc và tất cả những thứ cần thiết khác cho hoạt động và quản lí doanh nghiệp về cùng một đơn vị đo lường. Chỉ có thể tính toán được khi ta có thể đưa được tất cả các hàng hoá đang xem xét về cùng đơn vị tiền tệ mà thôi. Dĩ nhiên là tính toán bằng tiền cũng có những khuyết tật và hạn chế, nhưng ta không có gì thay thế cho nó cả. Khi hệ thống tiền tệ còn vững chắc thì tính toán bằng tiền là đủ đáp ứng được những mục đích thực tiễn của cuộc sống rồi. Nếu chúng ta bỏ cách đánh giá bằng tiền thì ta sẽ không thể thực hiện được bất kì tính toán kinh tế nào.

Đấy là lí lẽ quyết định mà khoa kinh tế học đưa ra nhằm phản bác lại chủ nghĩa xã hội. Xã hội này sẽ phải từ bỏ việc phân hữu trí thức của lao động, được thể hiện trong sự hợp tác của tất cả các doanh nhân, địa chủ, và người lao động - tức là người sản xuất và người tiêu thụ - trong việc hình thành giá cả thị trường. Nhưng không có nó thì tính hữu lí, tức là việc tính toán kinh tế sẽ trở thành bất khả thi.

Nguồn: http://mises.org/liberal.asp



No comments:

Post a Comment