Hiếu Tân dịch
Tôi coi thường từ -n[[1]] nhưng không đến mức nghĩ cần phải bỏ nó ra khỏi những tác phẩm lớn như “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn," như một nhà xuất bản đang làm.
Cái biệt danh phân biệt chủng tộc này xuất hiện ngồn ngộn 219 lần trong tác phẩm kinh điển này của Mark Twain. Như một cách để có nhiều trường hơn dạy cuốn tiểu thuyết đã đi vào lịch sử này (đặc biệt là những trường đã cấm nó), nhà xuất bản NewSouth Books đã thay thế cái từ nhơ nhuốc này bằng từ “nô lệ” trong lần xuất bản sẽ ra mắt tháng sau.
Có lẽ cần một ai đó đi gọi cảnh sát văn chương.
Hai từ này không phải là đồng nghĩa. Không, thậm chí không gần nghĩa. Mỗi từ có một nghĩa hoàn toàn khác. Ngoài ra, can thiệp vào thiên anh hùng ca của Mark Twain về tình bạn giữa một thằng bé bỏ nhà đi lang thang với một người nô lệ chạy trốn giống như vẽ một chiếc mũ trên đầu Mona Lisa. Hay là mặc quần sooc cho tượng David của Michaelangelo. Xin đừng lộn xộn với nghệ thuật lớn, cho dù nó làm choáng tính nhạy cảm thời nay của chúng ta.
Tôi ngờ rằng Twain đang dậm chân bực bội trên thiên đường vì chính quan niệm ấy.
Bạn không thể trách ông ấy được.
Tuy vậy, không phải tôi hoàn toàn không thông cảm với các bạn ở NewSouth. Họ đang kinh doanh trong lĩnh vực bán sách, và cả loạt trường học tránh xa không dám dạy cuốn này nó có cái bất tiện trong ngôn ngữ.
Cuốn sách bị cấm ở một số vùng và bị đặt vào danh mục sách tham khảo chọn lọc ở một số vùng khác.
Thay thế nó bằng một cuốn tiểu thuyết lớn khác thì dễ hơn là phải giải thích bối cảnh lịch sử để Twain dùng từ -n có nguy cơ làm cho học sinh và phụ huynh nổi giận.
Tôi không bao giờ quên cái cảm giác khó chịu mà tôi phải trải qua khi ở trường trung học được giới thiệu quyển sách này và chúng tôi đọc to lên từng đoạn.
Đó là một thời kỳ đen tối, tất nhiên, trước khi từ -n trở thành phổ biến trong một số hình thức âm nhạc, do đó tôi không quen với nó. Nhưng tôi hiểu rằng thứ ngôn ngữ này là phản ánh thời kỳ trước Nội chiến và đó là lý do tại sao một số người nói lại thời kỳ đó. Và, thật đáng buồn, còn tiếp tục nói nữa.
Đến bây giờ tôi vẫn co rúm người lại mỗi khi có một người bạn đọc to cuốn "Huckleberry Finn," cười và ngần ngại trước những thổ ngữ xa lạ.
Tôi không ủng hộ việc chỉ trích hay chặt chém những quyển sách. Thay vì dạy một Twain đã bị lược cho nhẹ bớt, các nhà giáo nên lấy một cuốn tiểu thuyết kinh điển khác hoàn toàn.
Có nhiều quyển tốt ngang bằng nó và cùng chủ đề. Dù sao tôi cũng chưa bao giờ là một người quá hâm mộ "Huckleberry Finn". Cốt truyện bắt đầu thì hay, nhưng rồi chuyển thành quá nhiều hành vi ngớ ngẩn suốt cả chiều dài câu chuyện khiến tôi đờ cả mắt ra, khi câu chuyện tiếp diễn.
Tôi nổi giận về cái kiểu gia trưởng mà Huck, mới chỉ là một thằng bé, đối xử với Jim, một người lớn hơn, cho dù là một nô lệ chạy trốn. Huck trầm ngâm suy nghĩ về cái cảm giác tội lỗi vì đã không đưa trả Jim lại cho chủ của anh, mặc dù nó đã coi Jim là “người da trắng trong tâm hồn.”
Mặc dù Huck dần dần chấp nhận Jim bình đẳng với nó, tôi không bao giờ thích cái cách Tom Sawyer thú nhận rằng nó biết Jim đã được chủ trả tự do nhưng nó vẫn tham gia vào cái kế hoạch chạy trốn công phu, chỉ để cười. Cái đó chẳng có gì đáng cười. Không nên đùa rỡn với tự do của một con người. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi lớp chúng tôi chuyển sang quyển sách khác.
Kế hoạch của NewSouth dọn dẹp "Huck Finn" cho dễ coi bằng cách bỏ đi những từ -n và thuật ngữ Injun, là vừa nông nổi vừa phạm thượng. Nhiều người trong số những người lịch lãm nhất thành phố này đồng ý với tôi.
“Nó là một phần từ điển tiếng Anh cổ” Chad Dion Lassiter phàn nàn, ông là chủ tịch Hội người Da đen ở Trường Công tác Xã hội Penn. “Loại bỏ nó ra khỏi một tác phẩm kinh điển như “Huck Finn” thì có nghĩa gì? Nó đã là một phần của lịch sử rồi”
Charles A. Gallagher, một giáo sư xã hội học ở La Salle thì nói: “Đây là một việc đi quá giới hạn, khi nó động đến một sự kiện là một xã hội như xã hội chúng ta vẫn còn khó chịu khi nói về chủng tộc. Khi bạn nghe từ -n 200 lần, bạn sẽ phải nói về chủng tộc.”
Vấn đề thật ra là nằm ở đó.
Và loại bỏ từ-n khỏi "Huckleberry Finn" sẽ không phủ nhận được nó.
Đã đăng trên Văn chương Việt
No comments:
Post a Comment