January 6, 2011

Eben Harrell - Điều gì xảy ta nếu giấc mơ của WikiLeaks về một xã hội mở trở thành hiện thực?

Hiếu Tân dịch

Dòng thác lũ những tài liệu mật của chính phủ Mỹ được đưa lên website WikiLeaks có thể chậm lại trong những ngày nghỉ lễ Noel, nhưng các quan chức ngoại giao và quân đội trên khắp thế giới đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của những rò rỉ này - và đặt câu hỏi về những tác động lâu dài của chúng lên nền cai trị. Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange nói mục đích của tổ chức của ông là buộc các chính phủ phải hoàn toàn minh bạch bằng cách làm cho tất cả mọi tài liệu chính thức được mở ra cho công chúng. Nhưng có điều làm thế nào các chính phủ có thể minh bạch được khi phải chịu dưới sự quan sát kỹ lưỡng như thế? Liệu sự công bố - hay dọa công bố - mọi thứ mà họ đặt lên giấy có buộc các quan chức trung thực hơn hay không? Hay nó chỉ buộc họ làm nhiều quyết định hơn bên ngoài giấy tờ văn bản?

Những câu hỏi như thế đã là nguồn suy đoán ở Mỹ sau khi WikiLeaks tiết lộ hàng nghìn bức điện ngoại giao được liệt vào loại mật, nhưng có một nước mà ở đó tính công khai chính thức không phải chỉ là cách cai trị có tính giả thuyết. Thụy Điển hành động gần với trạng thái ‘Assangian” - minh bạch tuyệt đối - hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và đã tranh cãi nhiều về việc liệu chính sách có tiềm năng ngăn chặn hay không. Những đạo luật thanh thiên bạch nhật của Thụy Điển là những đạo luật rộng rãi nhất đã từng được tạo ra. Hầu như mọi tài liệu của chính phủ - kể cả mọi e-mail đến và đi khỏi các văn phòng chính phủ - đều được để ngỏ cho công chúng, chỉ trừ một số ít liên quan đến các quan hệ quốc tế hay an ninh quốc gia. Đồng thời nước này dùng những biện pháp mạnh mẽ để bảo đảm “những kẻ thổi còi” được bảo hộ: chẳng hạn, nếu một bí mật được tiết lộ cho truyền thông, thì các quan chức chính phủ sẽ bị luật cấm không được điều tra nguồn cung cấp tài liệu.

Đặc tính chính phủ công khai của Thụy Điển mạnh đến mức khi WikiLeaks bắt đầu công bố những bản lưu các ký sự chiến tranh và các bức mật điện ngoại giao của Hoa Kỳ qua một máy chủ ở Thụy Điển hồi tháng Bẩy (tổ chức này chọn Thụy Điển để nhờ các luật tự do báo chí của nước này mà được bảo vệ khỏi bị truy tố) một số người Thụy Điển tự hỏi có chuyện gì mà tất cả nhặng xị lên như thế. “Ở nước chúng tôi, việc đọc những tài liệu như thế này chẳng có gì là ghê gớm” Helena Giertta, tổng biên tập tờ Journalisten, một tờ báo được làm ra cho các nhà báo Thụy Điển, nói. “Chúng tôi hiểu rằng có lẽ họ làm những tin tức quốc tế, nhưng sự thật là, nếu chúng có nguồn gốc Thụy Điển, có lẽ chúng đã công khai rồi.”

Nhưng ngay cả các luật pháp minh bạch của nó là đương nhiên, thì Thụy Điển vẫn tranh cãi dài dài về việc liệu sự công khai tuyệt đối có dẫn đến, một cách nghịch lý, bí mật hơn hay không. Năm 2004 Inga-Britt Ahlenius, một người Thụy Điển làm việc về các vấn đề minh bạch trong Liên Hiệp Quốc, công bố một op-ed [1] trong tờ báo hàng ngày của Thụy Điển Dagens Nyheter trong đó bà gọi offentlighetspincipen - nguyên tắc công chúng tiếp cận các tài liệu chính thức, ghi trong các sách luật cách đây trên ba trăm năm - là một “huyền thoại Thụy Điển”. Ahlenius viết rằng, khi bà thử xem xét các hồ sơ của chính phủ thì bà chỉ thấy “các hộp rỗng”. “Nguyên tắc này đã ngăn cản những mục đích ban đầu của nó”, bà nói thêm. Điều này hoàn toàn logic: nếu anh lo rằng mọi việc sẽ bị công khai ngay lập tức, thì anh sẽ không viết nó ra giấy nữa.”

Bài báo của Ahlenius gây ra một cơn bão phản đối, hầu hết là các nhà báo Thụy Điển, các nhà bình luận văn hóa, và cả những nhà chính trị thấy chính phủ công khai như một hòn đá tảng của xã hội Thụy Điển nổi tiếng năng động. Nhưng một số người bảo vệ offentlighetspincipen - đặc biệt là những nhà báo làm việc trong những môi trường khác, giấu giếm hơn - thừa nhận có sự thỏa hiệp để công khai như thế. Teresa Kuchler, người phụ trách Liên hiệp Châu Âu cho tờ báo hàng ngày Thụy Điển Svenska Dagbladet, nói phái đoàn Thụy Điển ở EU được coi như

"Starbucks của Brussels" vì họ quá mau mắn cung cấp tài liệu cho các nhà báo, thậm chí có những tài liệu mà các nước thành viên khác hoặc xếp vào loại mật, hoặc biên tập quá nhiều đến mức làm cho chúng thành vô dụng. Đồng thời, Kuchler nói, nếu anh viết [bản tóm tắt báo chí Thụy Điển] đủ dài, anh sẽ có cảm giác rằng có một số công việc thật sự được tiến hành ngoài hành lang sau một cuộc họp mà trong đó chẳng có gì được ghi lại.”

Những đạo luật thanh thiên bạch nhật của Thụy Điển cũng dẫn đến những đụng độ văn hóa với các chính phủ và các tổ chức khác, có những tiêu chuẩn khác về bí mật. Trong một thí dụ mà người Thụy Điển vẫn thường hay nhắc đến, tháng Giêng năm 1999, Thủ tướng lúc đó là Goran Persson công khai phê phán Ủy ban Châu Âu về việc treo giò một người huýt còi vì đã lên án Ủy ban này làm sai quy tắc tài chính. Để đáp lại, Chủ tịch Ủy ban, Jacques Santer, gửi một bức thư đến địa chỉ nhà riêng Persson ở Stockholm với lời lẽ mạnh mẽ trách Thủ tướng đã lan truyền công bố nội dung xấu. Bức thư đó, theo luật Thụy Điển, ngay lập tức được mở ra cho công chúng, bởi vì nó được gửi cho “Thủ tướng Persson.” Nó xuất hiện đầy đủ trên mặt báo những ngày sau đó.

Phần nào vì những sự cố như thế, EU trong những năm gần đây đã gây sức ép với Thụy Điển để đưa những luật minh bạch của nó về cho phù hợp với các tiêu chuẩn châu Âu - một vấn đề đang gây tranh cãi ở Thụy Điển. Riksdag, Quốc hội Thụy Điển đang thảo luận một giải pháp để mở rộng đạo luật Tự do báo chí năm 1766 của nước này ra cho Internet và các phương tiện truyền thông khác. Một đạo luật rộng hơn bề ngoài có thể là một thắng lợi của công khai, nhưng một số nhà bình luận sợ rằng một tu chính có thể mở cửa cho những thay đổi hạn chế, đặc biệt là những hạn chế do EU đề xuất. “Có một xu hướng cho rằng chính phủ thậm chí không nên động đến đạo luật 1776 của chúng ta bởi vì nếu nó làm thế, sẽ có áp lực từ châu Âu làm thay đổi nó,” Ola Larsmo chủ tịch chi hội Thụy điển của hội Văn Bút quốc tế nói. “[Đạo luật này] là niềm tự hào lớn lao, có lẽ không bao giờ nên thay đổi.”

Chắc hẳn đạo luật tự do thông tin của Thụy Điển đã hấp dẫn WikiLeaks và bộ tham mưu của nó đến đất nước này. Anh chàng lãng tử Assange gần đây đã nộp đơn xin giấy phép cư trú (ông đã bị từ chối) và đã coi đất nước này như nơi ăn chốn ở chính của ông cho đến khi các công tố Thụy Điển phát lệnh bắt giữ ông mùa hè vừa qua liên quan đến cáo buộc cưỡng hiếp và các tội tình dục khác.

Nhưng trong khi sự ủng hộ dự án WikiLeaks vẫn lên cao ở Thụy Điển, thì sự mến mộ của công chúng đối với Assange đã chìm xuống. Một tài liệu được Truyền hình Thụy Điển đưa ra hôm 12 tháng 12 báo cáo rằng nhiều thành viên cũ của đội ngũ WikiLeaks đã rời bỏ tổ chức này vì lo ngại về sự thiếu minh bạch của bản thân Assange. “Đối với người Thụy Điển, đây là một sự phê phán hợp lý. WikiLeaks nên công khai như nó muốn các chính phủ làm thế.” Ulrika Knutson, chủ tịch Câu lạc bộ Báo chí Thụy Điển nói. “Thực tế không mấy khi đơn giản, nhưng ở Thụy Điển này, chúng tôi tin vào một nguyên tắc cơ bản. Có một luồng thông tin tự do thì tốt hơn nhiều, ngay cả nếu nó cần đến những thỏa hiệp. Đối với chúng tôi, đó chính là phần trung tâm của cuộc sống Thụy Điển.”./.



Đã đăng trên Văn chương Việt

No comments:

Post a Comment