Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh
Bill W.
Dick B. chấp bút phần Dẫn nhập
Phạm Nguyên Trường dịch
Nhiều người trong số hàng ngàn người tham gia “The Big have Book” đã được lợi và lời giải thích đơn giản nhưng sâu sắc của nó về học thuyết phía sau Hội Người Nghiện Rượu Ẩn Danh (A.A.), được Bill Wilson và Bác sĩ Bob Smith thành lập năm 1935. Phiên bản gốc năm 1939 này phác thảo 12 bước nổi tiếng và cung cấp lời khuyên cho những người muốn tham gia chương trình nhưng nghi ngờ về sự tồn tại của một quyền năng cao hơn. Nó cũng có những câu chuyện cá nhân đầy khích lệ, trong đó các thành viên A.A. kể lại trải nghiệm của mình với rượu và cách họ phát hiện được con đường cai nghiện.
“Cuốn Sách” đã được biên tập nhiều lần và vẫn là nguồn tài nguyên được sử dụng rộng rãi nhất cho những người nghiện rượu đang hồi phục. Nhưng chỉ có phiên bản gốc, năm 1939 này, là bao gồm tất cả 29 câu chuyện của những người tiên phong của chương trình, họ chia sẻ chi tiết về toàn bộ hành trình của mình, bao gồm quá trình phục hồi ban đầu, đôi khi sau đó là tái nghiện và thành công cuối cùng. Phiên bản này cũng nêu bật chìa khóa cho giải pháp mà Bill Wilson tuyên bố: một trải nghiệm tâm linh quan trọng, nó cho phép các đệ tử tái khám phá hoặc khám phá ra Thiên Chúa.
Bản mô tả thực tế về chương trình này do những người sáng lập đưa ra đã không còn trong những lần tái bản sau đó và được trình bày ở đây để nhắc nhở rằng thành công đến trong nhiều hình thức khác nhau.
DẪN NHẬP
Mục đích của phiên bản đầu tiên cuốn Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh (Alcoholics Anonymous) là chỉ ra cho bất cứ người nào và tất cả những người mắc phải, hoặc bị ảnh hưởng bởi, chứng nghiện rượu, thấy rằng người nghiện rượu có thể hồi phục hoàn toàn nếu họ đi theo đúng con đường được đề xuất trong cuốn sách này. Nó được thiết kế để cho những người nghiện rượu biết chính xác biện pháp thực hiện. Những câu chuyện cá nhân trong cuốn sách cung cấp bằng chứng chứng tỏ rằng những người thực sự cố gắng và làm theo hướng dẫn sẽ giành được chiến thắng.
Phương pháp chữa trị cho những người nghiện rượu dường như vô vọng và bất lực
Tìm hiểu phiên bản đầu tiên này ra đời như thế nào cũng quan trọng chẳng khác gì câu hỏi vì sao hiện nay nó vẫn còn là tác phẩm quan trọng.
Yếu tố chính liên quan đến cách thức và lý do nằm ở việc tác giả, Bill Wilson, và cộng sự của ông, Henry Parkhurst, đề xuất để người nghiện rượu thực hiện khi họ bắt đầu biên soạn cuốn sách này
Biện pháp trị liệu: Wilson và Parkhurst tin rằng họ đã phát hiện được biện pháp chữa trị chứng nghiện rượu.
Hai ông này muốn mô tả biện pháp chữa trị của mình và cũng muốn chứng minh tính hiệu quả của nó thông qua những lời chứng của các cá nhân—những câu chuyện được viết bởi những người đã làm theo hướng dẫn của chương trình.
Họ nói rõ rằng cuốn sách được chấp bút nhằm quảng bá và mô tả biện pháp chữa trị chứng nghiện rượu. Trong bản phác thảo ban đầu do Parkhurst chấp bút, ông tuyên bố rằng trang tiêu đề của cuốn sách phải ghi như sau:
Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh
Xuất bản bởi Hội Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh
Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy việc quảng bá và nhận thức về nạn nghiện rượu
Cả hai người đồng sáng lập Alcoholics Anonymous (A.A.) (Bill Wilson và Bác sĩ
Bob Smith) đều khẳng định rõ ràng rằng chính họ đã được chữa lành. Ở trang 191
của phiên bản thứ tư của Alcoholics Anonymous, xuất bản năm 2001, Bill
Wilson nói với vợ của A.A. Số Ba, Bill D. như sau:
“Henrietta, Chúa đã rất tuyệt vời đối với tôi, Ngài chữa lành căn bệnh khủng khiếp này, đến mức tôi chỉ muốn tiếp tục nói về nó và kể cho mọi người cùng biết.”
Trong bài viết với nhan đề “Tôi thấy Tôn giáo tái sinh một kẻ say rượu” trên tạp chí Your Faith, số ra tháng 9 năm 1939, D. J. Defoe đã nói về cuộc đời mình với Bác sĩ Bob (người mà Defoe chỉ ghi là “Bác sĩ X” trong bài báo):
Khi nói chuyện, ông [Bác sĩ Bob] kể lại ông đã được chữa khỏi bệnh nghiện rượu bằng cầu nguyện.
Bác sĩ Bob nói thêm:
Chúng tôi không thể công khai những biện pháp chữa trị này. Những người này vượt ra ngoài phạm vi của y học hàng ngày. Họ đã thử mọi cách và từ bỏ vì không có tác dụng. Không phải lúc nào chúng tôi cũng thành công. Chúng tôi không thể khoe khoang. Mỗi trường hợp là một cuộc chiến đấu mới.
Một trong những trang bìa được đề xuất cho bìa bọc bên ngoài ấn bản đầu tiên của cuốn Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh nhấn mạnh việc quảng bá biện pháp chữa trị. Trang bìa—do Ray C., một nghệ sĩ người New York thiết kế—mô tả một người đàn ông đang tiến về phía trước với nắm đấm siết chặt và vẻ mặt đầy quyết tâm. Phía sau là một chai rượu với một người đàn ông khác bị mắc kẹt ở bên trong. Tựa đề của cuốn sách, Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh, màu đỏ và chiếm hầu hết trang bìa; và tiêu đề phụ được đề xuất, “Con đường đến biện pháp chữa trị”, nằm ở góc bên phải, phía dưới.
Những câu chuyện cá nhân chứng thực cho những trải nghiệm của những người tiên phong tìm kiếm phương pháp chữa trị
Wilson và Parkhurst quyết định ghi lại quá trình chữa trị được cho là của mình với lời chứng của 29 người tiên phong. Cùng với Bác sĩ Bob, họ đã thu thập được một số lượng lời chứng hạn chế—hai phần ba trong số đó đến từ các thành viên của Hội Akron. Một số câu chuyện mô tả những thành viên đã duy trì quá trình hồi phục thành công mà không bị “trượt chân” (tức là tái nghiện). Những câu chuyện khác mô tả những thành viên đã cai nghiện và trượt chân, nhưng đã quay lại và sau đó cũng thu được thành công.
Những câu chuyện của những người tiên phong của A.A. nhằm mục đích cung cấp: (1) những trải nghiệm của một nhóm A.A. ban đầu—cả những khuyết điểm; (2) minh chứng về mức độ mà các ý tưởng của chương trình tác động lên những người tiên phong đó; và (3) những bài tường thuật minh họa cho từng trường hợp mà Bác sĩ Bob đã được nhắc tới với thái độ khiêm tốn và trung thực trong bài viết của Defoe bên trên.
Đáng tiếc là, 22 trong số 29 lời chứng ban đầu trong phần “Những câu chuyện cá nhân” của ấn bản đầu tiên đã không được đưa vào ấn bản thứ hai. (22 câu chuyện này cũng không được đưa vào ấn bản thứ ba và thứ tư.) Và bốn câu chuyện gốc khác không được đưa vào ấn bản thứ tư, chỉ còn lại 3 trong số 29 câu chuyện gốc trong ấn bản thứ tư mà thôi. Ba câu chuyện này là (và vẫn là): (1) “Cơn ác mộng của một bác sĩ”; (2) “Một người bạn phương Nam”; và (3) “Người sợ hãi” (được đổi tên thành "Người đàn ông chế ngự được sợ hãi” trong các ấn bản sau đó).
Một vài người có câu chuyện được đưa vào ấn bản đầu tiên tái nghiện sau khi Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh được xuất bản vào tháng 4 năm 1939 và câu chuyện của họ đã bị đưa ra khỏi các ấn bản sau. Xin lưu ý phần thảo luận về những câu chuyện được tìm thấy trên một trang không đánh số (tương đương với trang 167) trong phần “Những câu chuyện cá nhân” của ấn bản thứ hai, xuất bản năm 1955:
Khi xuất bản lần đầu tiên, năm 1939, cuốn sách này có 29 câu chuyện về những người nghiện rượu.
Để có sự đồng cảm tối đa với nhiều độc giả hơn nữa, ấn bản thứ hai (1955) bao gồm một phần truyện được mở rộng đáng kể, như mô tả ở trên.
Liên quan đến 29 trường hợp ban đầu, theo hiều biết và niềm tin cao cả nhất cùa mình, chúng tôi vô cùng vui mừng ghi nhận, tính đến năm 1955, 22 trường hợp rõ ràng đã khỏi hẳn. Trong số này, 15 người đã hoàn toàn tỉnh táo trong trung bình 17 năm.
Người đọc A.A. ngày nay có thể học được nhiều điều từ thành công đáng kinh ngạc của chương trình ban đầu khi nó được tiết lộ trong nội dung các câu chuyện được đưa vào ấn bản đầu tiên. Kiến thức về những thành công, thất bại và những người tái nghiện sẽ giúp cho chúng ta có hiểu biết thực tế về cách thức hoạt động trong giai đoạn đầu của chương trình đầy thách thức này. Cũng như hiện nay, chúng ta có thể kỳ vọng vào những chuyện gì. Và những việc mà những người tiên phong được yêu cầu phải làm, những kiến thức họ nắm bắt được, những việc họ chấp nhận hay từ chối, và hậu quả, dù họ thành công hay thất bại, vẫn có giá trị cho đến ngày nay.
Những câu chuyện nằm trong ấn bản đầu tiên cung cấp cho chúng ta nhận thức thấu triệt về chương trình ngay từ đầu, đã thực sự đưa A.A. lên bản đồ thế giới. Và độc giả thế kỷ XXI sẽ bỏ lỡ nhiều điều nếu họ chỉ đọc những câu chuyện trong những ấn bản sau đó, những câu chuyện này đã thay thế gần như hoàn toàn những câu chuyện mà độc giả sẽ tìm thấy trong ấn bản đầu tiên này.
Kế hoạch phục hồi ban đầu trong ấn bản đầu tiên
• Parkhurst viết dàn ý cho cuốn sách. (Và, như đã nói bên trên, trong đó đề nghị trang tiêu đề của cuốn sách có ghi tuyên bố như sau: “Xuất bản bởi Hội Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh, Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy việc quảng bá và nhận thức về nạn nghiện rượu)
• Ông và ông Wilson đã tập hợp được danh sách khá dài những người kể chuyện và họ đã nỗ lực ghi lại những câu chuyện của những người tiên phong được chọn của A.A..
• Khi Bill viết hai chương đầu tiên, “Có giải pháp”, Chương một và “Câu chuyện của Bill” là Chương hai. Giai đoạn trước khi phiên bản gọi là “Multilith Edition” (Bản thảo gốc) của tác phẩm Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh được xuất bản vào cuối năm 1938, người ta đã sắp xếp lại thứ tự hai chương đầu tiên này. Vì vậy, trong ấn bản đó, và trong tất cả các ấn bản đã xuất bản của Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh đều bắt đầu với chương một, “Câu chuyện của Bill”, sau đó là chương “Có giải pháp”.
• Dường như lúc đầu, Wilson và Parkhurst muốn độc giả biết ngay từ đầu rằng có giải pháp và giải pháp ấy là gì.
• Như đã nói, một trong những trang bìa được đề xuất cho bìa bọc bên ngoài cuốn sách đã trình bày và nhắm đến một phương pháp chữa trị như là mục tiêu cuối cùng.
• Chính Bill cũng bắt đầu nói với những người muốn nghe là “Chúa” đã chữa khỏi căn bệnhkhủng khiếp của ông.
• Ấn bản đầu tiên cố gắng cung cấp bản hướng dẫn hành động rõ ràng, sao cho những người khác cũng biết rằng họ có thể tham gia giải quyết như thế nào.
• Chắc chắn nó đã tìm cách chứng minh rằng con đường này mang lại hiệu quả và giải pháp có truyền thống lâu đời là chắc chắn bằng cách đưa ra những lời chứng mang tính cá nhân của những người đã từng trải qua thử thách.
“Có giải pháp”—Hiểu và giải thích luận điểm đầu tiên
Bill đưa ra khẳng định quan trọng: “Tất cả mọi người đều đã hồi phục”. Ông cũng chỉ ra rằng người nghiện rượu thực sự đã “mất khả năng lựa chọn thức uống” đến mức ý chí của chính họ hầu như không còn. Chủ đề lặp đi lặp lại là tiêu biểu cho giải pháp mà Bill tuyên bố, được trình bày trong cái gọi là ba ý tưởng: “abc’s”: (a) chúng tôi là người nghiện rượu và không thể tự quản lý được cuộc sống của mình. (b) Có lẽ sức mạnh của con người không thể chữa khỏi được chứng nghiện rượu của chúng tôi. (c) Chúa có thể chữa và sẽ chữa nếu tìm kiếm Ngài”.
Và Bill đưa ra giải pháp:
Sự thật tuyệt vời chỉ là thế này, và không gì khác: chúng ta đã có những trải nghiệm tâm linh sâu sắc và hiệu quả, đã cách mạng hóa toàn bộ thái độ của chúng ta đối với đời sống, với đồng loại và với vũ trụ của Thiên Chúa. Sự thật cốt lõi trong cuộc sống của chúng ta hiện nay là tin tưởng chắc chắn rằng Tạo hóa xâm nhập vào trái tim và đời sống của chúng ta theo một con đường thực sự là kỳ diệu. Ngài đã bắt đầu hoàn thành những việc mà chúng ta không bao giờ có thể tự mình làm được cho mình (tr. 30).
Trong một chương sau, Bill thúc giục: “…chúng ta phải thôi nghi ngờ sức mạnh của Thiên Chúa. Ý tưởng của chúng ta không hiệu quả. Nhưng ý tưởng của Thiên Chúa thì có [tr. 54]
Những gợi ý ban đầu tạo điều kiện để có “trải nghiệm tâm linh” đã được mô tả ngay từ đầu:
• Phiên bản “Multilith Edition” (hay “Bản thảo gốc”) của Cuốn Sách nói như sau về những câu chuyện cá nhân: “Mỗi người, trong những câu chuyện của mình, mô tả bằng ngôn ngữ của mình, từ quan điểm của mình cách thức người đó tìm thấy hoặc tái khám phá Chúa”. Bill đã sửa đổi đoạn đó, trước khi xuất bản, và trong lần xuất bản đầu tiên và các lần xuất bản tiếp theo như sau: “… cách họ thiết lập mối quan hệ của mình với Chúa.” [tr. 33]
Xin lưu ý rằng cuốn sách hứa hẹn, “Sau đó chúng tôi sẽ chỉ ra những con đường làm cho mình hồi phục. Rồi đến hơn một chục trải nghiệm mang tính cá nhân.” [tr. 33]
• Người ta nói với những thành viên mới rằng những người tiên phong đã “học được rằng phải hoàn toàn thừa nhận ở những tầng sâu thẳm nhất của mình rằng chúng ta là những người nghiện rượu. Đây là bước đầu tiên trong quá trình hồi phục. [tr. 34]
• Tiếp theo—dựa trên sự thất bại của những nỗ lực vô ích của họ thông qua sự tự nhận thức và ý chí để tự cai rượu và do đó giải thoát khỏi chứng nghiện rượu của mình—những thành viên mới phải biết rằng: “Ngoại trừ một số ít trường hợp hiếm hoi, cả anh ta lẫn bất kỳ người nào khác đều không thể cung cấp... [một biện pháp phòng vệ tinh thần hiệu quả chống lại ly rượu thứ nhất].” [tr. 46]
• Cuối cùng, độc giả đứng trước thách thức: “Nếu không có giúp đỡ, chúng ta sẽ không thể chịu đựng được. Nhưng có Một Người có mọi quyền năng—Đấng đó là Thiên Chúa. Chúc bạn sớm tìm được Ngài!” [tr. 59-60]
Sau đó, hãy làm theo Mười Hai Bước được đề xuất như là “hướng dẫn để tiến bộ”. [tr. 61] Những bước này được thực hiện để dẫn đến giải pháp—một trải nghiệm tâm linh quan trọng. Kết quả này được tóm tắt trong Bước 12 như sau: “Sau khi có trải nghiệm về mặt tâm linh, như là kết quả của những bước đi này…” [tr. 61].
Do đó, các bước gợi ý con đường “tìm thấy” Thiên Chúa, thiết lập quan hệ với Ngài, trải nghiệm sự hiện diện của Ngài và nhận được thành công mà Chúa có thể và sẽ ban cho nếu bạn tìm kiếm. Nó sẽ xảy ra, cuốn sách tuyên bố như thế, nếu thành viên mới hoàn toàn đi theo con đường được đề xuất để có “trải nghiệm tâm linh” quan trọng, trải nghiệm này sẽ chuyển hoá và giải thoát người nghiện rượu khỏi căn bệnh của mình.
Tuy nhiên, than ôi, con đường đơn giản nhằm hồi phục thông qua trải nghiệm tâm linh chẳng bao lâu sau đã bị loại bỏ.
Trong lần xuất bản thứ hai, giải pháp ban đầu đã được thay đổi vĩnh viễn thành có “sự thức tỉnh tâm linh”. Người ta đã đưa thêm vào “phụ lục tâm linh”, tuyên bố rằng cần phải “thay đổi tính cách đủ để mang lại sự hồi phục khỏi chứng nghiện rượu”. (Xem ấn bản thứ hai của Alcoholics Anonymous, trang 569).
Tiêu chuẩn đã được hạ xuống. Bước nhảy cần thiết chỉ đơn giản là thách thức thành viên mới nhằm làm thay đổi tính cách. Và “trải nghiệm tâm linh” cũng như “thức tỉnh tâm linh” bằng cách nào đó chỉ đơn giản là đứng trong hàng ngũ - được giảm xuống thành một số sự kiện tâm lý.
Ấn bản đầu tiên chứa đựng chìa khóa cho chính giải pháp mà Bill Wilson đã tự tuyên bố trong trải nghiệm tâm linh “ánh sáng trắng” của ông tại Bệnh viện Towns. Ấn bản này hứa hẹn sẽ chữa cho người đọc. Nó sẽ xảy thông qua “trải nghiệm tâm linh”. Nhu cầu về một trải nghiệm như thế đã được bác sĩ tâm thần nổi tiếng, Tiến sĩ Carl Jung, coi là giải pháp. Và hiệu quả của giải pháp của Tiến sĩ Jung đã được Bill xác nhận, ít nhất là thông qua nghiên cứu tác phẩm The Varieties of Religious Experience (tạm dịch: Những trải nghiệm tôn giáo khác nhau) của Giáo sư William James. Cuốn sách của James đã thuyết phục Bill rằng những trải nghiệm “tôn giáo” như thế là có thật, có thể được xác định và được chứng minh một cách thành công trong các công trình nghiên cứu về những người nghiện rượu đã “trải nghiệm” chúng và được chữa khỏi.
Do đó, ấn bản đầu tiên này, trong cả văn bản và lời chứng, cung cấp mô tả về trải nghiệm tâm linh thực sự, sống động—chứ không chỉ là thức tỉnh tâm linh, và không chỉ là sự thay đổi tính cách—có thể là phù hợp.
Vai trò quan trọng của những câu chuyện cá nhân
Những câu chuyện cá nhân của
lần xuất bản đầu tiên có lời chứng của một số người giành chiến thắng trong chương
trình quan trong ban đầu—đấy là chính Bill Wilson; cộng sự của ông, Bác sĩ Bob,
Fitzhugh M. [“Một người bạn phương Nam”], Joe D., [“Một người nghiện rượu châu
Âu”], Dick S. [“Người đập phá xe hơi”], Arch T. [“Người sợ hãi”], và Jim S.
[“Người lữ hành, Biên tập viên, Học giả”].
Tháng 11 năm 1937, Bill và Bob đã “đếm người” và khảo sát kết quả trong số khoảng 40 trường hợp tệ nhất trong số những trường hợp tệ nhất. Một nửa (20 người) vẫn liên tục giữ được tỉnh táo. Một phần tư (10 người) tái nghiện, nhưng đã quay trở lại và đã tỉnh táo; và chỉ một phần tư còn lại (10 người) là không để lại dấu ấn nào về thành công.
Nói cách khác, những người đồng sáng lập đã có thể nói rằng, 75% những người thực sự cố gắng đã thành công. Sau đó, Bác sĩ Bob đã viết trên giấy của văn phòng của chính ông tên và hồ sơ của 40 người tiên phong cỏn tỉnh táo—danh sách này đang được lưu trữ tại kho lưu trữ Rockefeller ở New York.
Khi xuất bản 29 câu chuyện cá nhân, Wilson muốn đưa ra “bằng chứng sống”, chứng tỏ rằng thực hiện chương trình được đề xuất trong cuốn sách này đã mang lại nhiều thành công. Trên trang 164 cuốn Alcoholics Anonymous Comes of Age: A Brief History of A.A. (New York: Alcoholics Anonymous World Services, Inc., 1957), Wilson viết như sau:
Chưa cần đi sâu hơn vào nội dung của cuốn sách, thì cũng thấy rõ là cần phải có thêm điều gì đó. Sẽ phải có câu chuyện hoặc những đoạn trích dẫn. Chúng tôi sẽ phải đưa ra bằng chứng của những người đang sống, chứng thực bằng văn bản của chính các thành viên của chúng tôi…Lúc đó, Bác sĩ Bob và nhóm ở Akron có vai trò quan trọng. Nhóm Akron khá mới và có nhiều tài liệu hơn,…Đến tháng 1 [1939], người trong nhóm Akron đưa ra 18 câu chuyện.
Tuy khó khăn hơn, nhưng nhóm New York cũng đã đưa ra được 10 câu chuyện.
Trong nhiều đoạn trong lần xuất bản đầu tiên, Bill Wilson đã thảo luận về mục đích của những câu chuyện cá nhân.
Sau đó chúng tôi sẽ chỉ ra những con đường làm cho mình hồi phục. Rồi đến hơn một chục trải nghiệm mang tính cá nhân.
Mỗi người, trong những câu chuyện của mình, mô tả bằng ngôn ngữ của mình, từ quan điểm của mình cách thức người đó xây dựng quan hệ với Thiên Chúa [lúc đầu được viết là “cách họ tìm thấy hoặc tái khám phá ra Thiên Chúa]. Những câu chuyện này cung cấp thông tin về các thành viên của chúng tôi và ý tưởng rõ ràng về những sự việc thực sự đã xảy ra trong cuộc đời của họ.
… Chúng tôi hy vọng rằng nhiều người, cả đàn ông lẫn phụ nữ nghiện rượu, đang rất cần giúp đỡ, sẽ đọc những trang này, và chúng tôi tin rằng chỉ bằng cách kể về chính mình và những vấn đề của mình, mới có thể thuyết phục được họ, để họ nói: “Vâng, tôi cũng là một người trong số đó; tôi phải đọc cuốn sách này”. [tr. 33]
Chúng tôi thấy rằng ngay khi có thể để sang một bên định kiến và chỉ cần thể hiện mong muốn tin vào một Quyền năng cao hơn chính mình, thì chúng tôi liền thu được kết quả, mặc dù không ai trong chúng tôi có thể định nghĩa hoặc hiểu đầy đủ Quyền năng đó, đấy là Chúa [tr. 49]
Những câu chuyện của chúng tôi tiết lộ một cách chung nhất con người mà chúng tôi đã từng là, những sự kiện đã xảy ra và con người mà chúng tôi hiện nay đang là. Nếu bạn đã quyết định rằng, bạn muốn những thứ chúng tôi đang có và sẵn sàng làm bất cứ điều việc gì để có nó—thì bạn đã sẵn sàng thực hiện một số bước nhất định. [tr. 59]
Mô tả của chúng tôi về người nghiện rượu, chương về những người theo thuyết bất khả tri và cuộc phiêu lưu mang tính cá nhân của chúng tôi trước và sau đó làm rõ ba ý tưởng có liên quan: [tr. 61—“abc” đã nói tới bên trên]
Nói về các bà vợ, Bill đưa thêm những câu chuyện cá nhân:
Nhưng sau khi anh ta say, hãy hỏi xem anh ta có thực sự muốn cai nghiện mãi mãi hay không. Đừng yêu cầu anh ta làm việc đó vì bạn hay vì người nào khác. Chỉ hỏi anh ta có muốn hay không?
Rất có khả năng là anh ta muốn. Hãy để anh ta đọc cuốn sách này và nói cho anh ấy biết những điều bạn đã biết về nghiện rượu. Chỉ cho anh ta thấy rằng, các tác giả của cuốn sách này cũng là những người nghiện rượu, hiểu những điều mình viết. Kể cho anh ta nghe một số câu chuyện thú vị mà bạn đã đọc được [tr. 106].
Tuy nhiên, đáng tiếc là, ngay cả trong lần xuất bản đầu tiên, người đọc cũng sẽ không tìm thấy câu chuyện của tất cả những người tiên phong đã giành được chiến thắng. Người đọc sẽ phải tìm ở nơi khác để biết thông tin chi tiết về một số trong 30 người chiến thắng đã đi theo con đường này trong số “40 người đầu tiên” được xác định trong cuộc đếm đầu người vào tháng 11 năm 1937.
Nhưng việc đưa 29 câu chuyện cá nhân vào trong lần xuất bản đầu tiên đã lấp đầy một khoảng trống quan trọng. Loại bỏ 22 trong số 29 câu chuyện ban đầu ra khỏi ấn bản thứ hai và thứ ba, và 26 trong số 29 câu chuyện đó ra khỏi ấn bản thứ tư, về cơ bản là phủ nhận mục đích chính của ấn bản đầu tiên: chỉ ra chính xác cách những người tiên phong—một số theo đuổi đến cùng còn một số thì có lên có xuống—đã phục hồi bằng cách đi theo con đường, giúp họ tìm thấy hoặc khám phá Thiên Chúa thông qua trải nghiệm tâm linh quan trọng.
Có lẽ giá trị lớn nhất của ấn bản đầu tiên này là lời kể của những người tiên phong. Những câu chuyện của họ chỉ cho chúng ta thấy cách thức mà những người làm chứng đã áp dụng chương trình được Bill mô tả trong cuốn sách của mình. Tuy nhiên, hầu hết những lời chứng đó đã được thay thế, trong các phiên bản sau, bằng những câu chuyện của những người hiểu không phải chương trình ban đầu ở Akron, cũng không phải cách tiếp cận của Bác sĩ Bob, cũng không phải nguồn gốc của các ý tưởng của các bước của Bill, cũng không phải giải pháp vốn là hòn đá tảng của cuốn sách của Bill.
Trên thực tế, một trong những người viết tiểu sử gần đây của Wilson, Francis Hartigan, đã nhận xét —đúng sai mặc lòng—ở trang 93 cuốn sách Bill W.: A Biography of Alcoholics]Anonymous Cofounder Bill Wilson (New York: St. Martin’s Press, 2000):
Mặc dù Hank và Fitz chắc chắn đã ủng hộ Bill, nhưng niềm tin của họ, cho rằng bất kỳ người nghiện rượu nào cũng có thể dễ dàng nhìn thấy ánh sáng như họ dường như đã làm Bill chệch hướng. Luôn có xu hướng lạc quan quá mức về ý tưởng mà ông đang theo đuổi, sau thành công với Hank và Fitz, Bill dường như đã quên những gì từng tạo được hiệu quả với Robert Smith, Bill D. và những người khác ở Akron đã phản ứng tích cực. Đáng lẽ phải dành nhiều thời gian để tham gia vào một cuộc trò chuyện nhằm tạo ra quan hệ đồng cảm, thì lúc này ông ấy có nhiều khả sẽ năng dành một giờ để cố gắng tranh luận với một người say rượu nhưng tỉnh táo. Tuy nhiên, một số người đã hồi phục, thông qua những nỗ lực của ông và của Hank và Fitz.
Gợi ý về thông tin bổ sung quan trọng mà ấn bản đầu
tiên cung cấp cho người đọc
Thứ nhất—Thông tin về Giải pháp: Như đã nói bên, ấn bản đầu tiên nói:
…Chúng ta đã có những trải nghiệm tâm linh sâu sắc và hiệu quả …Sự thật cốt lõi trong cuộc sống của chúng ta hiện nay là tin tưởng chắc chắn rằng Tạo hóa xâm nhập vào trái tim và đời sống của chúng ta theo một con đường thực sự là kỳ diệu.
…Mỗi người, trong những câu chuyện của mình, mô tả bằng ngôn ngữ của mình, từ quan điểm của mình cách thức người đó xây dựng quan hệ với Thiên Chúa. [tr. 33]
Mặc dù trong ấn bản đầu tiên đã có tuyên bố rõ ràng như thế về những vấn đề liên quan trong phương pháp chữa bệnh, nhưng một “giải pháp” hoàn toàn khác lại được đề xuất trong ấn bản thứ hai. Ấn bản này được xuất bản vào năm 1955, vào thời điểm mà người đồng sáng lập, Bác sĩ Bob, đã qua đời và 15 năm sau khi A.A. được thành lập. Sau đây là một số thay đổi chính trong ấn bản thứ hai đã định hình lại “giải pháp”:
(1) Trang 25, một dấu hoa thị được đặt bên cạnh cụm từ “những trải nghiệm tâm linh sâu sắc và hiệu quả”. Ghi chú đi kèm với dấu hoa thị tuyên bố, “Giải thích đầy đủ—Phụ lục II”.
(2) Trang 60, ngôn từ của Bước Mười Hai đã được thay đổi thành: “Đã có thức tỉnh về mặt tâm linh như là kết quả của những bước đó”.
(3) Các trang 569–70, người ta đưa thêm vào “Phụ lục II” với tiêu đề “Trải nghiệm tâm linh”. Trong phần phụ lục này, “trải nghiệm tâm linh” của ấn bản đầu tiên được “định nghĩa lại” bằng cách sử dụng ngôn từ sau đây: “Các thuật ngữ ‘trải nghiệm tâm linh’ và ‘thức tỉnh tâm linh’ được sử dụng nhiều lần trong cuốn sách này, khi đọc kỹ, sẽ thấy rằng sự thay đổi tính cách đủ để phục hồi chứng nghiện rượu đã tự hiển lộ trong chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau.”
Ấn bản thứ hai và các ấn bản sau đó đã tạo ra một khoảng trống. Thành viên mới của A.A. đã không được đọc hầu hết các tranh luận của phiên bản đầu tiên về vai trò của Đấng Sáng Tạo. Thành viên không được đọc hầu hết những lời chứng của ấn bản đầu tiên. Người đọc các ấn bản sau—và hiện nay còn có thêm ba ấn bản khác—gặp tình huống khó xử. Lúc này, người ta yêu cầu người đọc tìm ra dấu sao ở cuối trang và đọc kỹ Phụ lục II, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của, và sự khác biệt giữa, “trải nghiệm tâm linh”, “thức tỉnh tâm linh” và “thay đổi tính cách”.
Thứ hai, thông tin đặc biệt nhắm tới người vô thần và người theo thuyết bất khả tri: Phiên bản đầu tiên không được diễn đạt nhằm đảm bảo với những người vô thần và người theo thuyết bất khả tri rằng họ cũng có thể phục hồi—tự mình hoặc bằng “sức mạnh của con người”. Chương “Chúng tôi là những người theo thuyết bất khả tri” khẳng định:
Trong những câu chuyện cá nhân của mình, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng trong việc mỗi người kể chuyện tiếp cận và hình dung về Quyền năng cao hơn chính họ.
Tuy nhiên, về một đề xuất, những người nghiện rượu, cả đàn ông lẫn đàn bà, lại hoàn toàn đồng ý. Mỗi người đều đã tiếp cận và tin tưởng vào một Quyền năng cao hơn chính họ. Trong từng trường hợp, Quyền năng này đều đã làm được điều kỳ diệu, mà con người không thể làm được. [tr. 52]
Bỏ qua một bên câu hỏi về rượu, họ sẽ nói tại sao cuộc sống lại không thỏa mãn đến như thế. Họ sẽ chỉ ra thay đổi đã diễn ra như thế nào. Khi một trăm người có thể nói rằng ý thức về Hiện diện của Thiên Chúa là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc sống của họ hiện nay, là họ đưa ra một lý do mạnh mẽ vì sao mọi người nên có đức tin. [tr. 53]
Chúa hoặc là tồn tại, hoặc là không tồn tại. Chúng tôi đã lựa chọn phương án nào? [tr. 55]
Sau đó, Bill kể câu chuyện về Fitz M., con trai của một mục sư. Bill viết: Một đêm nọ, khi đang nằm viện, một người nghiện rượu từng có trải nghiệm tâm linh tới gần anh ta. Người bạn của chúng tôi đã hét lên bằng giọng điệu chua cay… Nhưng sau đó, một mình trong phòng, anh ta tự hỏi: “Có phải tất cả những người theo đạo mà tôi từng biết đều sai hay không?”
Sau đó, như một tiếng sét, một ý nghĩ tuyệt vời ập đến… “NGƯƠI LÀ AI MÀ DÁM NÓI RẰNG KHÔNG CÓ CHÚA?” Anh ta kể lại rằng đã ngã xuống nền nhà và quỳ xuống. Trong vài giây, anh ta đã bị choáng ngợp bởi niềm tin về Hiện diện của Chúa.… Lần đầu tiên, anh ta sống một cách ý thức với Đấng Sáng Tạo ra mình.
…. Trừ một vài khoảnh khắc ngắn ngủi bị cám dỗ, ý nghĩ về rượu không bao giờ quay trở lại .. Chúa đã mang lại sự tỉnh táo.
Đây có phải là phép lạ chữa lành? Tuy nhiên, các yếu tố của nó lại đơn giản. Hoàn cảnh đã khiến anh ta sẵn sàng tin. Anh ta khiêm nhường hiến dâng con người mình cho Đấng Tạo Hóa —lúc đó anh ta biết.
Chỉ cần như thế là Chúa cũng đã phục hồi tất cả chúng ta trở lại với tâm trí đúng đắn. [tr. 58]
Do đó, người ta không nói cho người vô thần và người theo thuyết bất khả tri rằng có thế đạt được một giải pháp không phụ thuộc vào Chúa. Thay vào đó, người ta nói với họ rằng có thể tìm được giải pháp—ý thức và niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa (nếu họ làm theo hướng dẫn trong sách)—dù điểm khởi đầu của họ là không tin hay không có niềm tin.
Thứ ba, có thể tìm được thông tin trong thông điệp khá đơn giản trong những câu chuyện cá nhân: Những câu chuyện cá nhân trong ấn bản đầu tiên cho thấy sự đơn giản của chương trình ban đầu—định nghĩa hoàn cảnh dường như vô vọng của người nghiện rượu thực sự, việc anh ta tìm đến Chúa để được giúp đỡ và chỉ dẫn, dẫn tới trải nghiệm tâm linh, và cam kết giúp đỡ người khác khỏe mạnh bằng những phương tiện mà người đó đã sử dụng.
Thứ tư, thông tin trong ấn bản đầu tiên, theo nghĩa bóng, mời những thành viên sau này của A.A. tìm hiểu hai nguồn chính về những ý tưởng cơ bản của A.A.: Kinh thánh và giáo lý của Mục sư Sam Shoemaker. Ngoài ra, cùng với thời gian, tìm cuộc thảo luận thực tế về những nguồn này—và một số chi tiết—trong tài liệu sau này được Hội nghị Dịch vụ Tổng quát của chính A.A. chấp thuận.
Nói về nguồn gốc Kinh thánh của A.A.: Nguồn gốc tâm linh quan trọng đầu tiên của chương trình A.A. là Kinh thánh. Sau đây là một số tuyên bố của chính A.A.:
• Trong bài phát biểu quan trọng cuối cùng của mình trước A.A., [trong The Co-Founders of Alcoholics Anonymous: Biographical Sketches: Their Last Major Talks (New York, NY: Alcoholics Anonymous World Services, Inc., 1972, 1975)—Mục P-53], Bác sĩ Bob nói với A.A.:
Trong những ngày đầu của A.A…chẳng có gì đáng nói về những câu chuyện của chúng tôi. Khi chúng tôi bắt đầu với Bill D., chúng tôi chưa có Mười Hai Bước, chúng tôi cũng chưa có các Truyền Thống. [trang 13]
Nhưng chúng tôi tin rằng câu trả lời cho các vấn đề của chúng tôi nằm trong Kinh Thánh. Đối với một số người lớn tuổi trong chúng ta, những phần mà chúng tôi thấy hoàn toàn cần thiết là Bài giảng trên núi, chương thứ mười ba của Thư thứ nhất gởi cho các tín hữu tại Côrintô và Sách Gia-cơ. [tr. 13]
Mãi đến năm 1938, giáo lý, nỗ lực và nghiên cứu diễn ra mới kết tinh thành Mười Hai Bước. Tôi không chấp bút Mười hai Bước. Tôi không liên quan gì đến quá trình soạn thảo những Bước này. Nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi có liên quan một cách gián tiếp. Sau sự kiện ngày 10 tháng 6 của tôi, Bill đã tới sống tại nhà tôi và ở lại đó khoảng ba tháng. Hầu như không có đêm nào chúng tôi không nói chuyện tới hai hoặc ba giờ sáng. Tôi khó có thể tưởng tượng rằng, trong những cuộc thảo luận mỗi đêm chúng tôi không nói những điều có ảnh hưởng tới việc soạn thảo Mười Hai Bước. Chúng tôi đã có những ý tưởng cơ bản, mặc dù chưa phải ở dạng ngắn gọn và hữu hình. Chúng tôi có những ý tưởng này, như tôi đã nói, là nhờ nghiên cứu Kinh Thánh. Chắc chắn là chúng tôi đã có những ý tưởng đó. Kể từ đó, chúng tôi đã học được từ trải nghiệm, nói rằng chúng rất quan trọng nếu muốn giữ được tỉnh táo. Chúng tôi đã giữ được tỉnh táo—do đó, chắc chắn là chúng tôi có những ý tưởng đó. [tr. 14]
• Dấu vết của những “điều cốt yếu” của Kinh Thánh trong ấn bản đầu tiên thể hiện trong các trích dẫn từ trong Kinh thánh (mặc dù không ghi rõ nguồn): “Ý Cha được nên". [tr. 67, 85] “Đức tin không có hành động là đức tin chết”. [tr. 75, 85] “Yêu người lân cận như chính mình”. [tr. 180]
• Cũng có thể tìm được những ý tưởng này trong việc sử dụng thường xuyên các ngôn từ của Kinh Thánh mô tả về Chúa trong ấn bản đầu tiên: Những từ như Tạo Hóa [trang 20], Đấng Sáng Tạo [trang 58], Cha [trang 63], và Cha ngự ở trên trời [trang 162].
• Cũng có thể được tìm thấy trong từ “Chúa” [God] viết hoa và đại từ Ngài được sử dụng thường xuyên trong Cuốn Sách.
• Người đọc sẽ phát hiện được nghiên cứu sâu rộng về nguồn gốc Kinh Thánh của A.A. và việc chúng được chuyển thành tác phẩm Cuốn Sách trong nhan đề các cuốn sách của tôi: The Good Book và The Big Book: A.A.’s Roots in the Bible và The James Club and the Original A.A. Program’s Absolute Essentials.
Về nguồn gốc A.A., từ Mục sư Sam Shoemaker - Cội rễ của nhóm Oxford: Có thể tìm được cội nguồn tâm linh quan trọng thứ hai của chương trình A.A. trong những lời dạy của Mục sư Samuel M. Shoemaker, Jr., được kế thừa và song hành với chương trình làm thay đổi cuộc sống của Nhóm Oxford. Cả Bill và Bob đều đã tham gia nhóm này, và Mục sư Shoemaker là nhà lãnh đạo chính của Nhóm Oxford ở Mỹ.
• Trong cuốn The Language of the Heart: Bill W.’s Grapevine Writings (NY: The AA Grapevine, Inc., 1988), được Hội nghị Dịch vụ Tổng quát của A.A. chấp thuận, người ta đã trích dẫn những lời sau đây của Bill:
Vậy thì, làm sao chúng ta biết rằng nghiện rượu là một căn bệnh đáng sợ đến như thế? Ai là người đã cung cấp cho chúng ta thông tin vô giá như thế, hiệu quả của Bước Một trong chương trình của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào thông tin này? Vâng, thông tin đó đến từ chính bác sĩ của tôi, “vị bác sĩ nhỏ bé yêu những người say rượu”, William Duncan Silkworth. [tr. 297]
[Có] căn bệnh của linh hồn; một căn bệnh mà phải dùng phương thuốc chữa trị về mặt tâm linh. Chúng tôi, các thành viên A.A., nhận ra sự kiện này trong mấy từ đầu tiên của Bước Mười Hai... “Đã có sự thức tỉnh về mặt tâm linh thần...” Vâng, ý tưởng mang lại sự sống này đến với các thành viên AA thông qua William James, cha đẻ của ngành tâm lý học hiện đại. Đấy là nhờ cuốn sách nổi tiếng của ông, Varieties of Religious Experience…[tr. 297-98]
Sau khi đã xem xét Bước Một và Bước Mười Hai của AA, chúng ta đương nhiên sẽ hỏi: “Những thành viên A.A. ban đầu đã tìm thấy tài liệu cho mười bước còn lại ở đâu? Chúng ta đã học kiểm kê đạo đức, đền bù cho những tổn hại đã gây ra, trao ý chí và cuộc sống của mình cho Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta đã học về thiền định, cầu nguyện và tất cả những điều còn lại ở đâu?” Bản chất tâm linh của mười Bước còn lại của chúng ta xuất phát trực tiếp từ liên hệ trước đó của Bác sĩ Bob và tôi với Nhóm Oxford, lúc đó ở Mỹ nhóm này được mục sư Giám lý, Tiến sĩ Samuel Shoemaker, dẫn dắt.” [tr. 298]
• Nói về các từ và câu cụ thể bắt nguồn từ, và được áp dụng bởi, các thành viên A.A. đầu tiên là từ Shoemaker và Nhóm Oxford, người đọc có thể xem các bài viết mà tôi đã tập hợp và thảo luận trong cuốn sách nhan đề The Oxford Group and Alcoholics Anonymous and New Light on Alcoholism: God, Sam Shoemaker, and A.A.
Thứ năm, thông tin chứng minh tầm quan trọng của việc chúng ta cần phải biết chương trình đầu tiên: Độc giả của ấn bản đầu tiên càng hiểu rõ lịch sử, chương trình, con đường và quá trình thành lập của A. A., họ sẽ càng hiểu rõ và áp dụng đầy đủ chương trình đơn giản, đã tạo được những thành công đáng kinh ngạc trong những năm phát triển ban đầu. Ngoài ra, càng hiểu rõ, độc giả sẽ càng dễ dàng phân tách và đánh giá các khái niệm hồi phục ban đầu và cũng phân biệt chúng với các khái niệm về quyền năng cao hơn tương tự như ngọn đèn, tâm linh như một thứ gì đó khác với các ý tưởng trong Kinh Thánh và đặc quyền được khẳng định của hoài nghi—tất cả những việc này ngày càng trở nên thịnh hành trong cộng đồng hồi phục hiện nay.
Khảo sát ngắn và có tính minh họa của một số câu chuyện cá nhân làm nổi bật mục đích của chương trình của Cuốn Sách [Big Book] ban đầu
Câu chuyện của Bác sĩ Bob, người đồng sáng lập A.A. là câu chuyện cá nhân đầu tiên. Câu chuyện này được đưa vào cả bốn phiên bản. Nó kết thúc bằng tuyên bố của ông, nói rằng ông cảm thấy tiếc cho những người vô thần, người theo thuyết bất khả tri và người hoài nghi không chấp nhận những điều được viết trong cuốn sách này. Bác sĩ Bob tuyên bố một cách dứt khoát: “…chúng tôi có câu trả lời cho bạn.” Nhận xét cuối cùng của ông là: “Cha ngự ở trên trời sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn!” Thông điệp đơn giản này thậm chí còn được nhắc lại trong một số câu chuyện khác của phiên bản đầu tiên.
Nhân tiện, vì những lý do còn gây tranh cãi, câu chuyện cá nhân Số Ba—Bill Dotson ở Akron—không được đưa vào phiên bản đầu tiên. Mặc dù thực tế là Dotson là câu chuyện thành công đầu tiên của Bill Wilson và Bác sĩ Bob. Hơn nữa, Dotson đã được chữa khỏi gần như ngay lập tức khi ông cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ. Và Dotson không chỉ tỉnh táo trong suốt phần đời còn lại của mình—khoảng 19 năm; ông còn là “Ông già vĩ đại của A.A. ở Akron.” (Người đọc được khuyến khích đọc câu chuyện của ông, nhan đề “Alcoholics Anonymous Number Three,” trong các phiên bản thứ hai, thứ ba và thứ tư.)
Sau đây là những điểm nổi bật từ một số câu chuyện mà độc giả sẽ tìm được ở đây nhưng không được đưa vào các phiên bản tiếp theo của cuốn Sách.
Câu chuyện của Henry (“Hank”) Parkhurst là “Người không có đức tin” Henry đã phác thảo Cuốn Sách, đã viết quảng cáo và có vai trò trong việc thay đổi một số ngôn từ trong Cuốn Sách. Nhưng Parkhurst đã uống say ngay sau khi phiên bản đầu tiên được xuất bản. Và câu chuyện của ông không được đưa vào các phiên bản sau. Bằng nhiều cách khác nhau, có thể học được nhiều điều bằng cách đọc câu chuyện của ông—câu chuyện về “Người không có đức tin”—và sẽ thấy rõ hậu quả của sự không tin.
Chiến thắng của một người phụ nữ kể về một người phụ nữ—mặc dù sau đó bà ấy đã uống say —nhận ra rằng bà ấy đã không hoàn toàn phó thác những vấn đề của mình cho Chúa, chiến thắng của bà ấy không phải do bà ấy tạo được, và bà ấy “phải giữ mình xứng đáng với sự giúp đỡ của Thiên Chúa” và có lẽ sẽ “có cơ hội may mắn để ‘truyền lại nó cho ngươi khác’”.
Quá trình hồi phục của một doanh nhân kể về một người New York—mặc dù sau đó ông ta đã say—phát hiện được rằng chương trình mang lại hiệu quả và “Chúa đã bước vào công việc của tôi khi tôi cho phép, tương tự như Ngài đã bước vào các hoạt động khác liên quan đến cuộc sống của tôi”.
Người tái nghiện là một người Akron đã lao ngay vào chương trình, nhưng sau đó lùi lại và say xỉn. Ông ta đã quay trở lại, là người thành công và tuyên bố rằng “Tôi thấy rằng với đức tin đơn giản, tôi sẽ đạt được kết quả bằng cách mỗi ngày đều đặt đời sống của mình vào tay Chúa, cầu xin Ngài giữ cho tôi như một người tỉnh táo trong 24 giờ và cố gắng làm theo ý chí của Ngài. Ngài chưa bao giờ làm tôi thất vọng”.
Bậc thầy nấu bia tại gia là câu chuyện về người thành lập Hội A.A. ở Cleveland, trở thành người nghiện rượu có thời gian tỉnh táo lâu dài nhất và tài trợ hàng trăm người. Ông đã mang Kinh Thánh, Bốn Sự Thật Tối Thượng của Nhóm Oxford, Cuốn Sách này và Mười Hai Bước tới Cleveland và giúp nhóm đầu tiên phát triển lên thành ba mươi nhóm chỉ trong vòng một năm. Câu chuyện của ông đã bị đưa khỏi ấn bản thứ tư, không thấy nói tới lý do.
Sai lầm kéo dài bảy tháng kể về câu chuyện của một người tiên phong đầu tiên đã tỉnh táo, rối lại uống say, rồi quay lại, nói rằng, “Tôi chỉ biết rằng nếu tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa bằng tất cả khả năng của mình, thì rượu sẽ không bao giờ làm phiền được tôi.
Những câu chuyện này, và
nhiều câu chuyện khác trong ấn bản đầu tiên—nhiều câu chuyện đã bị đưa ra khỏi
những lần xuất bản sau đó—chứa đựng những câu chuyện về “những người say rượu nằm
dưới đáy” đã nắm được ý tưởng rằng tin tưởng vào Thiên Chúa, tuân theo chương
trình và truyền đạt lại cho những người khác là những yếu tố có hiệu quả với họ—cho
dù họ đã tái nghiện hay họ đã tái nghiện rồi quay trở lại.
Như lần xuất bản thứ hai
sau đó đã nói rõ: Về lâu dài, hầu hết đều thành công.
Ngày nay, có đầy đủ lý do
để đọc 29 câu chuyện trong ấn bản đầu tiên, tìm hiểu các yếu tố đơn giản của
chương trình và nhận ra rằng những người tiên phong đã giành được thắng lợi trong
cuộc chiến đấu với rượu khi (như câu chuyện Người bán hàng đã nói) làm theo các hướng
dẫn. Câu chuyện Người bán hàng nói rằng các hướng dẫn này là “tìm kiếm
Thiên Chúa… trình bày hoàn cảnh của mình với Ngài và cầu xin Ngài giúp đỡ…
Mỗi sáng, tôi đọc một đoạn trong Kinh thánh và cầu
xin Chúa giúp tôi vượt qua ngày mới một cách an toàn.” Người bán hàng nói thêm,
“tôi tin chắc bất kỳ người nào cũng có thể thu được kết quả tương tự nếu họ thực
sự nỗ lực đi theo con của Chúa”.
DICK B.
Kihei, Maui, Hawaii
February, 2011
No comments:
Post a Comment