January 12, 2025

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI (7)

  CÁC NHÀ VÔ ĐCH N DANH CA TH K XXI

CHIN LƯỢC DN TI THÀNH CÔNG CA NHNG CÔNG TI
 
N DANH HÀNG ĐU TH GII

HERMANN SIMON
 

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI

CHIẾN LƯỢC DẪN TỚI THÀNH CÔNG CỦA NHỮNG CÔNG TI
 ẨN DANH HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
 


Chương 7 

Khách hàng, sản phẩm, dịch vụ

Các nhà vô dịch ẩn danh có quan hệ cực kì gần gũi với khách hàng của họ. Đấy là do bản chất phức tạp của những sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp. Ba phần tư các nhà vô địch ẩn danh bán trực tiếp cho khách hàng. Số lần tiếp xúc với khách hàng ở các công ti vô địch ẩn danh nhiều gấp năm số lần tiếp xúc ở các tập đoàn lớn, do đó mà họ có quan hệ gần gũi với khách hàng như thế.

Về bản chất, các nhà vô địch ẩn danh không phải là những chuyên gia tiếp thị. Đấy là năng lực mà họ sẽ phải có khi trở thành công ti lớn hơn. Các nhà vô địch ẩn danh chỉ phụ thuộc vào một vài khách hàng chiếm tỉ lệ khá lớn. Đây không phải là sự phụ thuộc một chiều mà là hiện tượng cộng sinh. Nhiều nhà vô địch ẩn danh cộng tác rất chặt chẽ với những khách hàng hàng đầu và được lợi vì đấy là động lực cho việc cải thiện chất lượng và được coi như một sự chứng nhận. Yêu cầu của khách hàng trước hết là chất lượng chứ không phải giá rẻ. Sản phẩm và dịch vụ mà các nhà vô địch ẩn danh cung cấp không chỉ có chất lượng cao nhất, công nghệ hiện đại nhất mà còn là những chỉ dẫn đầy đủ và hệ thống các giải pháp. Giá cả tất nhiên là cao hơn giá thị trường.

Nhận định đơn giản hóa này mô tả đúng nhà vô địch ẩn danh tiêu biểu. Có nhiều biến thể và ngoại lệ, cần phải tìm hiểu kĩ lưỡng từng trường hợp cụ thể. Trong phần phân tích những trường hợp khác nhau dưới đây, chúng ta sẽ thấy quan hệ của các nhà vô địch ẩn danh với khách hàng của họ có sự khác nhau và phức tạp hơn là ý nghĩa ban đầu của câu nói cửa miệng về quản lí hiện đại: “gần gũi khách hàng” muốn nói lúc ban đầu.

Quan hệ gần gũi với khách hàng

Các nhà vô địch ẩn danh có quan hệ gần gũi   và là quan hệ mang tính tương tác với khách hàng của họ. Nói chung, lí do chính là họ cung cấp những sản phẩm và chương trình dịch vụ phức tạp, thậm chí là hệ thống các giải pháp. Những chương trình như thế không thể bán theo kiểu như bán hàng may sẵn mà phải có một quá trình tư vấn chi tiết. Vì vậy, bán hàng trực tiếp giữ thế thượng phong. 82,6% các nhà vô địch ẩn danh nói rằng họ bán trực tiếp cho khách hàng, trong khi chỉ có 29,5% bán qua trung gian. Tổng cộng là 112,1%, do một số công ti sử dụng cả hai biện pháp bán hàng. Khoảng 70% các nhà vô địch ẩn danh chỉ bán hàng trực tiếp và giữ mối quan hệ gần gũi, lâu dài với khách hàng. Vì vậy mà họ thích xâm nhập thị trường nước ngoài thông qua chi nhánh của mình chứ không thông qua các nhà nhập khẩu hay đại lí, như chúng ta đã thấy trong chương bàn về toàn cầu hóa.

Quan hệ gần gũi với khách hàng được thể hiện rõ qua nhiều chỉ dấu khác nhau. 71% người mua là khách hàng thường xuyên. Hơn 70% khách hàng phụ thuộc vào sản phẩm do các nhà vô địch ẩn danh cung cấp. Nhưng chỉ có 20% các nhà vô địch ẩn danh nói rằng khách hàng hoàn toàn phụ thuộc vào họ. 40% nói rằng có lúc “họ phải vượt qua giai đoạn khó khăn” với khách hàng của mình. 68% các công ti nói rằng họ “thu được nhiều lợi ích từ quan hệ với những khách hàng quan trọng nhất.” Hình như khách hàng ít khi gây áp lực đối với các nhà cung cấp. Chỉ có 31% các nhà vô địch ẩn danh nói rằng đã xảy ra những trường hợp như thế.

Từ quan điểm của khách hàng, những chỉ số sau đây cho thấy mối quan hệ với phía cung cấp. Khoảng hai phần ba khách hàng chia sẻ những quan điểm này.

-    Coi việc mua các sản phẩm có liên quan là quan trọng;

-    Cam kết lâu dài với nhà cung cấp;

-    Thể hiện sự hiểu biết sâu sắc sản phẩm;

-    Đòi hỏi nhiều thông tin và lời khuyên từ phía nhà cung cấp.

Những vụ mua bán thường nhật và những vụ mua bán thỉnh thoảng mới diễn ra dường như đều có ảnh hưởng như nhau. Đấy là do chương trình sản xuất của các nhà vô địch ẩn danh bao trùm toàn bộ phổ sản phẩm, từ những món hàng phải thường xuyên gửi đi đến những thiết bị đầu tư thỉnh thoảng mới có người mua. Phổ hàng hóa còn được thể hiện trong tuổi thọ của sản phẩm. Gần một nửa các nhà vô địch ẩn danh (chính xác là 48,1%) cung ứng sản phẩm với tuổi thọ hơn 10 năm. Chỉ có 12,9% các nhà vô địch ẩn danh bán sản phẩm tiêu dùng mau hỏng.

Tất cả những khía cạnh này đều được thể hiện qua sức mạnh trong quan hệ khách hàng trên hình 7.1 (phần trăm tính trên thang 1-7, 7 là cao nhất).

Hình 7.1: Sức mạnh trong quan hệ khách hàng của các nhà vô địch ẩn danh



Các nhà vô địch ẩn danh coi quan hệ lâu dài với khách hàng là mặt mạnh nhất của họ. Điều này không chỉ áp dụng đối với những tính chất liên quan đến thị trường được ghi nhận ở đây mà cả trong sức mạnh nội tại như tay nghề hay lòng trung thành của các nhân viên nữa. Không có thuộc tính nào khác được đánh giá cao hơn. Groz-Beckert, công ti đứng hàng đầu thị trường thế giới về kim khâu, nói: “Triết lí về khách hàng của chúng tôi: trọng tâm là khách hàng. Khi chúng tôi nói về triết lí của công ti là chúng tôi ngụ ý khách hàng. Kì vọng và thành công của khách hàng quyết định công việc kinh doanh của chúng tôi.”

Mục thứ hai trên hình 7.1 là hình ảnh, có thể được giải thích là thành tích trong quá khứ. Bao gồm cả thương hiệu. Các nhà vô dịch ẩn danh có thể không được dân chúng biết đến nhiều; nhưng đối với những khách hàng trực tiếp thì đây là những công ti rất nổi tiếng và có uy tín tuyệt đối cao. Điều này thậm chí còn đúng trên phạm vi toàn cầu nữa, vì nhiều nhà vô địch ẩn danh đã xây dựng được những thương hiệu mạnh trong những thị trường chật hẹp của họ. Các nhà vô địch ẩn danh còn cho rằng kiến thức về thị trường của họ là tốt. Kiến thức về thị trường không chỉ là các dữ kiện định lượng mà còn là “cảm” được thị trường, cảm được xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Sick, một trong những công ti hàng đầu về công nghệ đầu dò, nói với tôi: “Chúng tôi sử dụng hiểu biết nhu cầu của khách hàng để dự đoán sự phát triển trong tương lai.” Câu này gần giống với tuyên bố của ông Jürgen Hambrecht, giám đốc điều hành BASF, công ti hóa chất lớn nhất thế giới: “Nhà cải cách thành công là người không chỉ biết khách hàng có thể làm được gì mà còn biết khách hàng không thể làm được gì.” Mặc dù thị trường của các nhà vô địch ẩn danh thường manh mún và khó đo lường bằng những con số, nhưng do có quan hệ gần gũi với khách hàng mà các nhà vô địch ẩn danh hiểu biết sâu sắc những thị trường đó.

Nếu đo sự gần gũi với khách hàng bằng phần trăm nhân viên tiếp xúc với khách hàng thì ta sẽ có đánh giá sau đây. Trong các tập đoàn lớn tỉ lệ thường là từ 5 đến 10%. Với các nhà vô địch ẩn danh tỉ lệ từ 25 đến 50%[1]. Có nghĩa là sự gần gũi với khách hàng của các nhà vô địch ẩn danh lớn gấp năm lần các công ti lớn, và không có gì ngạc nhiên là phần lớn những người được hỏi, mà cụ thể là 60,6%, đồng ý với lời tuyên bố sau đây: “Nguồn thông tin hữu ích nhất của chúng tôi là nói chuyện trực tiếp với khách hàng.”

Làm thế nào mà các nhà vô địch ẩn danh giữ được sự gần gũi với khách hàng khi quy mô của họ tăng lên không ngừng? Các nhà lãnh đạo công ti thường xuyên nhấn mạnh rằng quan hệ gần gũi với khách hàng, phản ứng nhanh, đáp ứng một cách mềm dẻo với ước muốn của khách hàng và kinh nghiệm thực tiễn là những thứ không thể bị mai một trong quá trình phát triển của công ti. Như đã nói ở trên, nhiều công ti áp dụng những biện pháp hữu hiệu và thực chất: phân cấp và giao quyền cho những người có mặt tại chỗ.

Các tập đoàn lớn cũng đã bắt tay giải quyết vấn đề quan hệ gần gũi với khách hàng từ khá lâu rồi. Các giám đốc điều hành tìm cách khắc phục sự xa cách với khách hàng, công ti lớn nào cũng có chương trình như thế. Nhưng những chương trình này sẽ không hiệu quả nếu không được tiến hành song song với việc phân cấp thẩm quyền giải quyết. Đối với khách hàng, tổ chức lớn bao giờ cũng là một hệ thống cấp bậc rắc rối, khó hiểu. Khoảng cách trung bình giữa người làm công với khách hàn trong các tập đoàn lớn lớn hơn nhiều lần khoảng cách giữa người làm công với khách hàng trong các công ti quy mô trung bình. Việc phân công lao động cụ thể trong các công ti lớn cản trở sự tiếp xúc với khách hàng và làm cho việc xử lí một cách toàn diện nhu cầu của khách hàng và các vấn đề phát sinh trở thành khó khăn hơn. Các công ti lớn phải đối diện với những sự kiện này và các nhà vô địch ẩn danh phải thận trọng để sự tăng trưởng không làm họ xa cách với khách hàng của mình.

Các nhà vô địch ẩn danh và khách hàng của họ thường tạo ra mối quan hệ tương tự như quan hệ cộng sinh. Các nhà vô địch ẩn danh rất gần gũi với khách hàng và coi mối quan hệ lâu dài là sức mạnh lớn nhất của họ. Tăng trưởng tạo ra thách thức: giữ được quan hệ gần gũi với khách hàng dù quy mô và sự phức tạp có gia tăng.

Đòi hỏi của khách hàng

Khách hàng của các nhà vô địch ẩn danh là những người rất khó tính và có những đòi hỏi rất phức tạp. Hình 7.2 cho thấy mức độ quan trọng của 13 đòi hỏi như thế.

Hình 7.2: Mức độ quan trọng của đòi hỏi của khách hàng



Chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất. Hơn 90% các nhà vô địch ẩn danh xếp chất lượng sản phẩm vào nhóm quan trọng nhất (6/7 trên thang 7). Kết quả này cho thấy khách hàng của các nhà vô địch ẩn danh là những người rất khó tính. Tiết kiệm giữ vị trí thứ hai, có vai trò quan trọng tương đương với giao hàng đúng hạn. Các dịch vụ kèm theo như tư vấn trước khi bán hàng, dịch vụ hậu mãi và sự mềm dẻo trong lịch giao hàng có tầm quan trọng trên mức trung bình. Giá cả và tích hợp hệ thống nằm trên mức trung bình của tất cả các đòi hỏi. Những phát hiện này cho thấy các nhà vô địch ẩn danh cạnh tranh trước hết không phải bằng giá cả. Khách hàng của họ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng và tiết kiệm. Không có gì ngạc nhiên là quảng cáo, hợp tác với người bán hàng và phân phối (do cung cấp trực tiếp cho khách hàng) không có vai trò đáng kể. Khách hàng quan tâm tới sản phẩm và dịch vụ mà họ nhận được chứ không quan tâm tới đường đi của những sản phẩm và dịch vụ này. Nhiều đòi hỏi có phần trăm cao (hình 7.2) nghĩa là các nhà vô địch ẩn danh đối diện với những đòi hỏi phức tạp và dễ làm người ta mệt mỏi. Họ đáp ứng những đòi hỏi này như thế nào không chỉ là vấn đề thành tích tuyệt đối của riêng họ mà trước hết là so sánh với thành tích của đối thủ. Chúng ta sẽ thảo luận kĩ lưỡng vấn đề này trong Chương 9.

Sự phụ thuộc vào khách hàng và rủi ro

Trong Chương 5 “Thị trường và sự chú tâm”, chúng ta đã biết rằng dù xấu dù tốt các nhà vô địch ẩn danh vẫn phải gắn bó với thị trường chật hẹp của họ. Mặc dù điều này có thể làm tăng rủi ro trên thương trường, nhưng tập trung hay chú tâm có thể làm giảm rủi ro cạnh tranh. Trong Chương 6, chúng ta lại biết rằng trong khi toàn cầu hóa tạo ra rủi ro trong việc đa dạng hóa sản phẩm (khi chu kì của thị trường ở những khu vực khác nhau không diễn ra một cách đồng bộ) và những rủi ro khác (tỉ giá hối đoái, thất bại, suy kiệt năng lực v.v.). Liên quan đến cơ cấu của khách hàng, quan điểm khác nhau về rủi ro vốn có cũng đã được chỉ ra. Thành phần của khách hàng có thể dẫn tới những mức độ rủi ro khác nhau và vì vậy mà là yếu tố quyết định rủi ro. Nếu một ít khách hàng tạo ra tỉ lệ doanh thu lớn thì mức độ phụ thuộc và rủi ro sẽ cao hơn là doanh thu đến từ nhiều khách hàng. Trong trường hợp cực đoan, mất một khách hàng duy nhất có thể đe dọa sự tồn tại của cả công ti.

Các nhà vô địch ẩn danh có doanh thu theo khách hàng là rất khác nhau. Hình 7.3 thể hiện phân bố doanh thu từ năm khách hàng lớn nhất.

Hình 7.3: Doanh thu từ năm khách hàng lớn nhất


Chỉ hơn 10% của các nhà vô địch ẩn danh tạo ra hơn một nửa tổng doanh thu của họ từ năm khách hàng lớn nhất. Ví dụ, 60% doanh thu của công ti Technotrans, chuyên về công nghệ in ấn, là từ các công ti Heidelberg, Manroland and Koenig & Bauer, ba nhà sản xuất máy in hàng đầu thế giới. Nghĩa là phụ thuộc rất lớn vào rất ít khách hàng, mặc dù sự phụ thuộc này không nhất thiết phải là một chiều. Những công ti trong nhóm này chủ yếu là những người bán hàng cho những ngành có mức độ tập trung cao như công nghiệp ô tô, hàng không, thiết bị điện gió, mỹ phẩm hay đồ uống (bia, nước ngọt không có cồn). Nhóm thứ hai, 20% đến 50% doanh thu từ năm khách hàng lớn nhất, đông hơn nhiều, chiếm 28% các nhà vô địch ẩn danh. Ở đây chúng ta cũng thấy sự phụ thuộc lớn vào một vài khách hàng quan trọng, nhưng đây là những khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực rất khác nhau chứ không như khách hàng của nhóm thứ nhất. Chế tạo máy, công nghiệp nói chung, công nghệ y khoa, điện tử hay hóa chất là những ví dụ về bạn hàng tiêu biểu trong các ngành công nghiệp. Nhóm này còn bao gồm nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng nữa. Điều này có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng trong phần lớn các trường hợp, các doanh nghiệp bán lẻ chứ những không phải người sử dụng là khách hàng trực tiếp của các nhà sản xuất hàng tiêu dùng. Và các doanh nghiệp bán lẻ tập trung rất đông vào nhiều lĩnh vực (cửa hàng lương thực thực phẩm, đồ gia dụng, hiệu thuốc, hàng điện tử). Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng thường phụ thuộc vào một ít doanh nghiệp bán lẻ lớn.

Chúng tôi thấy nhóm những nhà vô địch ẩn danh có doanh thu dưới 20% từ năm khách hàng lớn nhất có một phổ sản phẩm và dịch vụ cực kì rộng. Những công ti này bán hàng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Thị trường của họ thường rất đa dạng. Dưới đây là một vài ví dụ:

-   GfK, đứng số 1 châu Âu về nghiên cứu thị trường, phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau;

-   Effertz, đứng hàng đầu châu Âu về cửa cuộn chống cháy với những sản phẩm được lắp đặt trong tất cả các tòa nhà dùng cho sản xuất công nghiệp và văn phòng;

-   SGL Carbon, đứng hàng đầu về chất carbon được dùng trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng khác nhau;

-   Plansee, chuyên gia về luyện kim bột được sử dụng trong ngành chế tạo ô tô, điện tử và chế tạo máy. Không có khách hàng nào của Plansee mua tới 2% doanh số bán ra của công ti này.

Chúng tôi thấy nhóm những nhà vô địch ẩn danh có doanh thu dưới 5% từ năm khách hàng lớn nhất có nhiều, thậm chí rất nhiều khách hàng. Điển hình là:

-   Bruns-Pflanzen-Export, đứng hàng đầu thế giới về lĩnh vực cây con. Khách hàng của họ là những người mua cây, vườn ươm, cửa hàng hoa, cửa hàng cây xanh và đồ gia dụng, các tổ chức;

-   B. Braun Melsungen, đứng hàng đầu về sản phẩm truyền dịch, được bán cho rất nhiều bệnh viện và cơ sở y tế;

-   Schenck RoTec, đứng hàng đầu thế giới về máy cân bằng, tất cả các xưởng sửa chữa xe và đại lí lốp xe đều cần đến họ;

-   Smiths Heimann, đứng hàng đầu thế giới về hệ thống kiểm tra hành lí, được sử dụng tại rất nhiều sân bay trên toàn thế giới;

-   Tracto-Technik, nhà vô địch ẩn danh chuyên cung cấp thiết bị khoan cho các công trình lắp đặt đường ống mà không cần đào hào, công ti xây lắp đường ống nào cũng cần đến họ.

Không được quên mặt kia của sự phụ thuộc. Trong nhiều trường hợp, khách hàng cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhà vô địch ẩn danh - trong vai trò của người cung cấp. Ở mức độ nào đó, khách hàng hầu như tự động phụ thuộc vào công ti có thị phần rất lớn - ngay cả khi điều này chỉ liên quan đến công suất. Đây cũng là cách bảo hiểm rủi ro, vì khách hàng sẽ khó tìm nhà cung cấp khác.

Tóm lại, phải có sự phân biệt khi nói tới sự phụ thuộc vào khách hàng và những rủi ro liên quan đến nó. Về khía cạnh này, các nhà vô địch ẩn danh là những công ti rất khác nhau. Ngay cả trong một công ti, điều kiện trong những phân khúc thị trường khác nhau có thể cũng rất khác nhau. Nếu tính đến hiện tượng rủi ro giảm do khách hàng phụ thuộc vào người bán hàng thì lời tuyên bố cho rằng các nhà vô địch ẩn danh chịu nhiều rủi ro do cơ cấu của khách hàng hơn là những công ti lớn hay những doanh nghiệp ít chú tâm hơn là tuyên bố thiếu căn cứ. Chú tâm và dẫn đầu thị trường không tự động có nghĩa là rủi ro hơn. Đánh giá rủi ro của khách hàng đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về cơ cấu của thị trường và quan hệ giữa người mua và người bán.

Tìm kiếm sự gần gũi với khách hàng

Từ khi tác phẩm Tìm kiếm sự tuyệt hảo (In Search of Excellence) được xuất bản, sự gần gũi với khách hàng là một trong những đề tài được thảo luận sôi nổi nhất trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị.[2] Nhưng đối với nhiều công ti, thực hiện khái niệm gần gũi với khách hàng vẫn là vấn đề khó. Ngay ở đầu chương này chúng ta đã thấy rằng sự gần gũi với khách hàng là một trong những mặt mạnh nhất của các nhà vô địch ẩn danh - nhất là so với các tập đoàn lớn.

Làm sao các nhà vô địch ẩn danh có thể gần gũi với khách hàng của mình đến như thế? Trong những trang sau chúng tôi sẽ trình bày các quan điểm và những công trình nghiên cứu theo đề tài nhằm thảo luận câu hỏi này. Rõ ràng là các nhà vô địch ẩn danh có lợi thế tự nhiên khi họ gần gũi với khách hàng, mà cụ thể là ở quy mô có thể quản lí được. Trong khi không phải công ti quy mô nhỏ và vừa nào cũng tự động có quan hệ gần gũi với khách hàng và không phải công ti lớn nào cũng xa cách khách hàng thì vẫn có một xu hướng nhất định không thể phủ nhận được. Các công ti lớn với sự phân công lao động một cách rõ ràng và tổ chức phức tạp, việc gần gũi khách hàng gặp khó khăn hơn. Các công ti nhỏ dễ dàng hơn. Tỉ lệ các nhân viên thường xuyên tiếp xúc với khách hàng được nói tới bên trên là chỉ thị rõ ràng. Nhưng quy mô tự nó chưa phải là tác nhân quyết định. Bên cạnh đó, các nhà vô địch ẩn danh sử dụng toàn bộ các công cụ như tổ chức, thủ tục và văn hóa nhằm giành cho bằng được sự gần gũi với khách hàng và giữ vững sự gần gũi đó mặc dù họ đang phát triển rất nhanh.

Gần gũi với khách hàng bằng cách phân cấp

Lập ra những đơn vị phi tập trung hóa là đặc biệt quan trọng và hiệu quả. Nhiều nhà vô địch ẩn danh được tổ chức từ những phòng ban nhỏ, thậm chí thường là những công ti độc lập, nhắm trực tiếp vào những phân khúc thị trường chuyên biệt. Tập đoàn Plansee, đứng hàng đầu trong lĩnh vực luyện kim bột, gồm ba đơn vị. Từ quan điểm tổ chức, Plansee cố gắng gần gũi tối đa với các nhóm đối tượng. Các đơn vị kinh doanh được tổ chức sao cho có thể bao trọn toàn bộ chuỗi giá trị (phát triển, sản xuất và bán sản phẩm). Để làm được như thế, năng lực của toàn bộ chuỗi giá trị đều tập trung vào việc thực hiện nhu cầu của khách hàng, như các công ti nhỏ vẫn làm. Việc phân công nhiệm vụ như thế thường được thực hiện ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu của công ti. Würth, dẫn đầu thị trường thế giới về sản phẩm lắp ráp, đã thành lập những nhóm kinh doanh đồ gỗ, xây dựng, kim loại, ô tô ngay từ những năm 1980, khi công ti nhận thức được rằng nhu cầu của khách hàng trong những phân khúc này là khác nhau.

Thậm chí phân cấp còn có thể được áp dụng cho dự án. Dự án được điều hành như một công ti nhỏ, độc lập. Klaus Grohmann, người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành công ti Grohmann Engineering, nhà sản xuất dây chuyền lắp ráp hàng đầu thế giới, mô tả hệ thống của ông như sau: “Chúng tôi không thuê nhân viên bán hàng là có chủ ý. Các nhà quản lí của chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về dự án của họ: họ bán, họ nhận đề xuất, đưa ra giải pháp và thực hiện dự án. Những người quản lí dự án này có toàn quyền của tổng giám đốc đối với dự án của họ. Mỗi dự án chúng tôi đều cử một đội và đội này hành động như một công ti nhỏ. Mỗi người đều phải có quan điểm toàn diện về dự án. Cách tiếp cận như thế bảo đảm sự thân mật không tưởng tượng nổi đối với khách hàng.”

Công ti Chemetall, đứng đầu thị trường thế giới về các chất cesium và lithium, cũng áp dụng hệ thống tương tự. Chuyên gia bán hàng có toàn quyền, cả kĩ thuật lẫn kinh doanh, trong các cuộc đàm phán với khách hàng. Việc giao trách nhiệm trong giao dịch với khách hàng không chỉ làm cho người ta thân mật với khách hàng mà còn gia tăng đáng kể hiệu quả công việc. Thông tin chi tiết, làm rõ với trụ sở chính hay với ban lãnh đạo tiêu tốn rất nhiều thời gian hầu như đã trở thành những công việc quá khứ.

Sự thân mật với khách hàng và hiểu biết cặn kẽ của các nhà quản lí cấp cao tại nhiều công ti vô địch ẩn danh quả là ấn tượng. Hơn ba phần tư (chính xác là 75,6%) những người trả lời hoàn toàn đồng ý với tuyên bố: “Ban lãnh đạo cấp cao của chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với khách hàng của chúng tôi.” Tiếp xúc trực tiếp với khách hàng được coi là trách nhiệm quản lí quan trọng, thậm chí ngay cả khi muốn làm được như thế thì phải thường xuyên đến với khách hàng. Giám đốc điều hành một công ti công nghệ hàng đầu nói: “Tôi biết và đã đến thăm từng khách hàng của chúng tôi trên khắp thế giới. Mối quan hệ trực tiếp mà tôi xây dựng được trong những chuyến thăm đó là vô giá.” Có lần tôi đọc một bài báo trên tờ báo ở vùng Trung-Tây của Mỹ về những khó khăn mà một nhà sản xuất ô tô gặp trong phân xưởng sơn. Công nhân trong khu vực sử dụng máy sấy tóc với những hạt kim loại và những hạt này nằm lại trên bề mặt vừa mới sơn. Tôi cắt tờ báo và gửi cho giám đốc điều hành công ti Dürr, đứng hàng đầu thế giới về hệ thống sơn ô tô ở Stuttgart, Đức. Giám đốc điều hành trả lời: “Tôi biết vấn đề đó vì tôi đã đến nhà máy này. Thiết bị họ đang sử dụng là của đối thủ của chúng tôi, công ti này không thể giải quyết được vấn đề hạt kim loại. Chúng tôi đã có biện pháp. Tôi hi vọng rằng công ti này sẽ dành cho chúng tôi dự án sau.” Đấy là ví dụ nổi bật về sự gần gũi của lãnh đạo cao nhất của công ti với khách hàng. Giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng tỉ USD, trụ sở nằm cách xa 5.000 dặm không chỉ biết về vấn đề trong xưởng sơn của khách hàng ở gần Detroit (Mỹ) mà còn đến tận nơi và tìm được giải pháp, mặc dù đấy là thiết bị của đối thủ.

Một trong những hệ quả quan trọng của việc thăm viếng là ở chỗ kinh nghiệm trực tiếp có ảnh hưởng mạnh đối với hành vi của khách hàng hơn là số liệu trừu tượng và những cuộc khảo sát thị trường.[3] Ông Reinhold Würth, có số lần tiếp xúc trực tiếp với khách hàng rất nhiều, nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, một ngày có mặt tại trận lợi gấp trăm lần cả tuần tham dự những cuộc hội thảo thông minh. Tiếp xúc với khách hàng tạo ra rất nhiều ý tưởng và sáng tạo.” Hệ quả thứ hai là sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao của công ti tại những nơi khó khăn của khách hàng là tín hiệu cho các nhân viên rằng hướng tới và gần gũi với khách hàng là vấn đề nghiêm túc. Đấy là một động cơ mạnh mẽ. Phần lớn các nhà quản lí của các công ti vô địch ẩn danh thường xuyên giao thiệp với khách hàng của họ, sự hiểu biết cặn kẽ làm cho những cuộc tiếp xúc như thế càng thêm giá trị. Gần gũi với khách hàng ở tất cả các cấp được gắn kết một cách hiệu quả vào quá trình kinh doanh của các nhà vô địch ẩn danh.

Tương tác đa dạng với khách hàng

Nhiều mối quan hệ kinh doanh không chỉ giới hạn giữa nhà cung cấp và khách hàng mà còn bao gồm những phía có ảnh hưởng khác như người môi giới bán hàng hay những người trung gian khác. Ban lãnh đạo của những mạng lưới như thế phải giải quyết những thách thức đặc biệt trong việc tìm kiếm sự gần gũi với khách hàng. Ông Eckart Schmitt, trưởng ban kiểm soát việc bán hàng của công ti Zumtobel, đứng hàng đầu thế giới về thiết bị chiếu sáng, mô tả tình hình này như sau: “Chúng tôi đặc biệt gần gũi với khách hàng vì chúng tôi hành động cùng một lúc theo nhiều cách: Khi một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đưa cho chúng tôi phác họa một loại đèn mới, chúng tôi tiếp thị nó và nói luôn tên người thiết kế. Chúng tôi giúp khách hàng thực hiện về mặt kĩ thuật ý tưởng có tính sáng tạo bằng cách cung cấp cho họ giải pháp đặc biệt. Nếu thành công, giải pháp này sẽ dẫn đến sản phẩm được dùng làm tiêu chuẩn của chúng tôi. Chúng tôi cùng tổ chức những cuộc triển lãm, trong đó chúng tôi giới thiệu ý tưởng của kiến trúc sư và giải pháp của chúng tôi. Chúng tôi xử lí các nhóm khách hàng khác cũng theo kiểu như thế, tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu của họ.” Zumtobel quản lí mạng lưới đó với sự khéo léo phải nói là tuyệt vời. Công ti Hettich, một trong những công ti đứng hàng đầu thế giới về phụ kiện cho đồ gỗ, còn hợp tác tích cực với tất cả những người tham gia trong quá trình mua bán. Các kiến trúc sư, những người thiết kế, thợ mộc, ngành chế tạo đồ gỗ, các công ti bán lẻ và người sử dụng, tất cả đều được quan tâm. Công ti Gore, ở Newark, bang Delaware, nổi tiếng vì nhà máy sản xuất vải Gore-Tex, có cùng quan điểm toàn diện như thế về chuỗi giá trị. Tôi còn nhớ một buổi hội thảo, trong đó ngoài những nhà quản lí của Gore, nhà sản xuất và bán vật tư cho Gore (một công ti Thụy Điển), nhà sản xuất quần áo (một công ti Đức), nhà sản xuất ủng (công ti của Anh) và một số công ti bán lẻ từ những nước khác nhau cùng tham gia. Mục tiêu của Gore trong dự án này là hiểu rõ toàn bộ mạng lưới, từ nguyên liệu đầu vào cho đến người sử dụng. Sự gần gũi của cả mạng lưới với khách hàng là đặc điểm cực kì quan trọng đối với tiến trình kinh doanh phức tạp của nhiều nhà vô địch ẩn danh.

Hướng đến những khách hàng quan trọng nhất

Cuộc nói chuyện với ông Klaus Grohmann, người sáng lập và giám đốc điều hành công ti Grohmann Engineering, làm tôi chú ý tới khía cạnh đặc thù của định hướng khách hàng của các nhà vô địch ẩn danh, cụ thể là sự chú ý mà họ dành cho những khách hàng quan trọng nhất. Đấy là những khách hàng khó tính nhất, những người đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất và luôn thúc đẩy các nhà cung cấp cải thiện thành tích hoạt động của họ. Họ còn là những người thường được người khác tham khảo ý kiến nữa. Grohmann thể hiện một cách công khai sự quan tâm tới những khách hàng quan trọng nhất trong lĩnh vực mà ông nhắm tới, bất kể những khách hàng này ở đâu. Bằng chứng về khả năng đáp ứng những khách hàng khó tính nhất thế giới sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp xúc với phần còn lại của thị trường. Grohmann tập trung vào lĩnh vực công nghiệp điện tử và gần như tất cả các công ti hàng đầu đều là khách hàng của ông này. Năm 2006, Grohmann là công ti châu Âu duy nhất được Intel trao: “Bằng khen cho việc liên tục cải tiến chất lượng”. Ông Jake Burton, người sáng lập và chủ tịch công ti Ván trượt tuyết BurtonBurlington, bang Vermont, mô tả cách tiếp cận tương tự: “Nghe các vận động viên nhà nghề nói: cứ sáu tuần chúng tôi lại mời các vận động viên trượt tuyết hàng đầu đến cái mà chúng tôi gọi là “quy trình”. Tầm quan trọng của việc nghe những phản hồi kiểu như thế là bài học mà tôi đã phải học.”[4]

Giám đốc điều hành của một nhà vô địch ẩn danh mô tả những khách hàng quan trọng nhất như sau: “Chúng tôi chẳng ưa gì họ, nhưng chúng tôi biết rằng họ luôn buộc chúng tôi phải làm việc một cách hiệu quả hơn.” Việc coi khách hàng là động cơ nội tại dẫn đến hiệu quả cao hơn là khía cạnh thú vị. Tiếp cận với những khách hàng không khó tính trước có thể là công việc dễ dàng hơn, nhưng công ti chỉ có thể trở thành hay giữ được danh hiệu hàng đầu thế giới bằng cách lôi kéo và giữ lại được những khách hàng quan trọng và khó tính nhất. Khi đã làm được điều đó, có thể tiến hành kinh doanh với những khách hàng ít khó tính hơn, hoặc thậm chí có thể kinh doanh mà không cần những khách hàng này. Hướng đến những khách hàng quan trọng nhất nghĩa là theo họ đi bất cứ đâu. Nhiều nhà vô địch ẩn danh trở thành công ti toàn cầu bằng cách theo đuổi những khách hàng dẫn đầu.

Phổ sản phẩm và dịch vụ

Cho đến đây, chương này mới tập trung vào quan hệ với khách hàng, yêu cầu của khách, sự phụ thuộc vào họ, vai trò của họ như là nguồn tham khảo và động cơ dẫn đến sự hoàn thiện. Mặt kia của đồng xu là phổ sản phẩm và dịch vụ mà các nhà vô địch ẩn danh đưa ra cho khách hàng. Chúng ta sẽ khảo sát phần này: sản phẩm, dịch vụ, tích hợp hệ thống và giá cả.

Sản phẩm

Chúng ta đặt sản phẩm của các nhà vô địch ẩn danh tại đâu trên thang kĩ thuật thấp - kĩ thuật cao? Câu trả lời thật khó có thể rõ ràng hơn. Bốn trong năm người trả lời (chính xác là 78,9%) phân loại sản phẩm của họ vào nhóm kĩ thuật cao (high-tech). Đáng ngạc nhiên là gần 70% (chính xác là 69,7%) tuyên bố rằng giai đoạn công nghệ đang sung sức nghĩa là sản phẩm của các nhà vô địch ẩn danh là high-tech chứ không còn ở giai đoạn thí nghiệm nữa.

Đánh giá từng giai đoạn vòng đời của sản phẩm cũng phù hợp với cách phân loại về mặt kĩ thuật vứa nói. Hình 7.4 cho thấy phần trăm các giai đoạn vòng đời của sản phẩm.

Hình 7.4 Vị trí của sản phẩm trong vòng đời của nó


Chỉ có một ít sản phẩm nằm ở những giai đoạn ban đầu và giai đoạn thoái trào mà thôi. Hơn 90% sản phẩm nằm trong giai đoạn phát triển và đang sung sức. Có nghĩa là rất ít nhà vô địch ẩn danh hoạt động trên những thị trường hoàn toàn mới. Có thể đó chính là kết quả của cách xác định thị trường của họ. Trong những thị trường cực kì mới, người dẫn đầu thương trường chưa thể xuất hiện một cách rõ ràng. Đôi khi những thị trường này cũng chưa thể được xác định trong những biên giới rõ ràng. Hình 7.4 còn thể hiện rằng các nhà vô địch ẩn danh phải đối mặt với nguy cơ là thị trường của họ sẽ biến mất.

Các nhà vô địch ẩn danh với những sản phẩm đang sung sức (chiếm đa số), chưa bước vào giai đoạn thoái trào. Nhìn vào danh mục sản phẩm sẽ thấy rất ít những sản phẩm không thật sự cần thiết. Dĩ nhiên là công nghệ trong tương lai có thể làm cho những sản phẩm này trở thành lỗi thời. Như đã giải thích trong Chương 6, toàn cầu hóa cung cấp cho người ta cơ hội tăng trưởng tuyệt vời, thậm chí ngay cả trong những thị trường tưởng như đang sung sức. Trên bình diện toàn cầu, hiếm khi có thị trường bão hòa. Vòng đời của sản phẩm trên hình 7.4 bổ sung cho đánh giá trước đây của chúng tôi về rủi ro do vòng đời tương đối ngắn của sản phẩm gây ra. Các nhà vô địch ẩn danh phải đối mặt với nguy cơ là thị trường của họ sẽ suy giảm, và chỉ gặp rủi ro cao trong giai đoạn khởi đầu. Đa số hoạt động trên cơ sở vòng đời tương đối vững chắc. Hơn một phần ba cho rằng họ đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh.

Dịch vụ

Đối với các nhà vô địch ẩn danh của thế kỉ XXI, dịch vụ ngày càng trở thành lĩnh vực quan trọng hơn. Ý kiến này được thể hiện một cách nhất quán trong tất cả các cuộc trò chuyện của tôi. Khó đánh giá về mặt định lượng tầm quan trọng của sản phẩm dịch vụ. Khách hàng ngày càng khó tính đối với chất lượng và tính sẵn sàng của dịch vụ. Hình 7.2 chỉ ra rằng những dịch vụ như tư vấn trước khi bán hàng, dịch vụ hậu mãi và chính sách giao hàng đứng đầu danh sách những đòi hỏi của khách hàng. So với năm 1995, tầm quan trọng của những loại dịch vụ này đã gia tăng. Trong khi sự khác biệt của các sản phẩm giảm đi (ngay cả đối với các nhà vô địch ẩn danh) thì tầm quan trọng của dịch vụ lại tăng lên.

Một chỉ dấu nói về tầm quan trọng của dịch vụ là đóng góp của nó vào doanh thu. Nhưng nhiều dịch vụ không được ghi thành mục riêng và vì vậy mà không hiển nhiên là doanh thu từ dịch vụ. Chưa tính đến khoảng 10% những công ti này không báo cáo về doanh thu từ dịch vụ, doanh thu từ dịch vụ và phụ tùng đóng góp trung bình 14,6% tổng doanh thu của các nhà vô địch ẩn danh. Với doanh thu trung bình là 447 triệu USD, doanh thu từ dịch vụ chiếm tới 65,2 triệu USD. Cần ghi nhận rằng dịch vụ tạo được lãi ròng lớn hơn nhiều so với bán sản phẩm.

Công ti Enercon, đứng thứ 3 thế giới về thiết bị điện gió, cung cấp cho chúng ta ví dụ điển hình về dịch vụ trong thế kỉ XXI. Văn bản gọi là “Quan điểm về đối tác của Enercon” (EPK) bảo đảm cho tính sẵn sàng cao trong mười hai năm đầu tiên. Tất cả các sự kiện, từ tài sản thế chấp đến bảo dưỡng và sửa chữa đều được thể hiện trong một hợp đồng. Dịch vụ này được nhiều khách hàng của Enercon ưa chuộng. Hơn 85% khách hàng kí hợp đồng theo EPK.

Công ti Hako, đứng số 2 thế giới và số 1 châu Âu về thiết bị làm sạch chuyên nghiệp, chỉ tạo được 20% doanh thu từ việc bán máy. Khoản doanh thu cao hơn nhiều lần xuất phát từ gói dịch vụ, bao gồm: cho thuê, bảo dưỡng, lập kế hoạch về tài sản và tư vấn. Hako cung cấp chương trình tính toán chi phí liên quan đến tài sản và bảo đảm chi phí tính toán, nghĩa là chia sẻ rủi ro với doanh nhân. Theo lời ông Bernd Heilmann, phó chủ tịch công ti, thì Hako không còn là xí nghiệp công nghiệp nữa, mà đã trở thành “nhà cung cấp dịch vụ cho những nhà cung cấp dịch vụ”.

Đào tạo đang ngày càng trở thành thành phần quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ. Lí do: thiết bị ngày càng phức tạp cũng như việc mở rộng địa bàn kinh doanh vào những quốc gia mà tay nghề của người lao động còn tương đối thấp. Các nhà vô địch ẩn danh đang điều hành hàng ngàn trung tâm đào tạo và tổ chức vô số buổi hội thảo. Một số công ti đã biến những hoạt động như thế thành các đơn vị kinh doanh độc lập. Mấy năm trước, công ti Festo, đứng hàng đầu thế giới về thiết bị khí nén cho tự động hóa trong lĩnh vực công nghiệp, thành lập công ti Festo Didactic chuyên về đào tạo. Công ti này tự mô tả mình bằng những từ sau đây: “chuyên gia huấn luyện hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tự động hóa” và cung cấp các khóa đào tạo tại hơn 100 quốc gia. Nội dung đào tạo khá rộng, nghĩa là không chỉ về sản phẩm của Festo mà thậm chí còn dành cho cả những công ti không phải là khách hàng của Festo. Dịch vụ hiện diện trên toàn thế giới và mạng lưới dịch vụ quốc tế ngày càng trở thành lĩnh vực quan trọng hơn. Công ti Heidelberger, đứng hàng đầu thế giới về máy in hay công ti Weinig, đứng hàng đầu thế giới về máy xử lí gỗ, đều thiết lập mạng lưới dịch vụ ở Nhật Bản ngay từ những ngày đầu và đã giành được uy tín rất cao. Công ti Groz-Beckert, đứng hàng đầu thế giới về kim khâu, hứa hẹn dịch vụ của công ti sẽ “nhanh chóng, trực tiếp và sẵn sàng trên khắp năm châu. Khách hàng của chúng tôi làm việc ở đâu là chúng tôi có mặt ở đấy.” Hiện nay mạng lưới dịch vụ như thế là thiết yếu cho sự thành công ở những thị trường đã phát triển cao. Nhưng ở Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí ngay cả những tập đoàn lớn chứ chưa nói các nhà vô địch ẩn danh, cũng phải mất nhiều năm mới đạt tới giai đoạn như thế. Việc Demag Cranes đã mở được 22 trung tâm dịch vụ ở Trung Quốc trong vòng ba năm là ví dụ tiêu biểu. Quan trọng nhất là tinh thần sẵn sàng phục vụ khách hàng mọi lúc và mọi nơi trên khắp thế giới. Ngày càng nhiều công ti đa quốc gia đòi hỏi dịch vụ với tiêu chuẩn như nhau trên khắp thế giới. Các công ti làm dịch vụ trong thế kỉ XXI phải cung cấp ngày càng đầy đủ hơn dịch vụ trọn gói trên mạng lưới toàn cầu.

Cung cấp dịch vụ ổn định và nhanh chóng trên toàn cầu là thách thức lớn đối với những công ti có quy mô trung bình. Khác với các tập đoàn lớn, không phải lúc nào họ cũng đủ sức giữ tại mỗi quốc gia một đội dịch vụ hoàn chỉnh, có đầy đủ năng lực và buộc phải bù đắp tình thế bất lợi này bằng cách phản ứng nhanh và mềm dẻo. Ông Hermann Kronseder, người sáng lập công ti Krones, đứng hàng đầu thế giới về hệ thống đóng chai, mô tả bất lợi này như sau: “Chúng tôi luôn luôn có 250 kĩ thuật viên chuyên về lắp đặt và dịch vụ trên khắp thế giới. Đôi khi mấy tuần thậm chí mấy tháng họ không về nhà. Phối hợp tất cả họ là nhiệm vụ gần như bất khả thi đối với phòng dịch vụ khách hàng và trưởng phòng của họ. Nhưng tôi có thể tự hào mà nói rằng người ta luôn luôn nói rằng dịch vụ của chúng tôi là tốt nhất thế giới. Đó là cơ sở cho sự thành công của chúng tôi, chúng tôi biết ơn tất cả 250 chuyên viên dịch vụ khách hàng của chúng tôi, nhiều người trong số họ đã có 10 hay 20 năm kinh nghiệm.” Ông Kronseder tiếp tục mô tả hệ thống chuyển giao phụ tùng của mình như sau: “Chúng tôi giữ số liệu cho từng chiếc máy, tổng cộng có 20.000 chiếc, trong máy tính trung tâm. Tất cả các địa điểm của chúng tôi trên toàn thế giới đều có thể truy cập những dữ liệu này trong vòng nửa phút. Các dữ liệu được đưa trực tiếp vào máy chế tạo được điều khiển bằng máy tính và phụ tùng được sản xuất ngay lập tức, suốt ngày đêm. Phụ tùng được đặt hàng trước 7 giờ sáng thường được chở bằng xe tải tới sân bay Frankfurt vào buổi chiều; từ đây chúng sẽ được vận chuyển bằng máy bay đến nước đặt hàng ngay tối hôm đó. Chi nhánh của chúng tôi cũng nhận được số hiệu của máy bay và mã hàng để có thể thông quan ngay lập tức.” Không có gì ngạc nhiên khi một công ti như thế được các khách hàng đánh giá cao nhất.

Ngày nay, ngay cả những công ti nhỏ bé nhất cũng phải có khả năng cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới. Xin xem xét công ti Klais, chuyên sản xuất đàn organ. Mặc dù doanh nghiệp này chỉ có 65 nhân viên, họ vẫn có thể lắp đặt và cải tiến đàn organ của họ trên toàn thế giới. Phụ thuộc vào đơn hàng, bao giờ cũng có một phần năm đến một phần tư nhân viên của họ làm việc ở nước ngoài, đôi khi đến mấy tháng một lần. Doanh nghiệp toàn cầu phải nhớ rằng khách hàng không quan tâm nhà sản xuất có trụ sở ở đâu. Khách hàng muốn được phục ngay khi họ cần.

Tích hợp hệ thống

Tích hợp hệ thống là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong phổ dịch vụ luôn thay đổi của các nhà vô địch ẩn danh. Thuật ngữ tích hợp hệ thống tự nó đã là một thuật ngữ mù mờ nhằm mô tả cực kì nhiều hình thức có thể được gọi một cách chính xác hơn là “những biện pháp giải quyết trọn gói”. Có nhiều lí do làm cho tích hợp hệ thống trở nên ngày càng quan trọng:

-   Giảm số lượng các nhà cung cấp: Do người ta chỉ mua các module hay các tiểu hệ thống chứ không còn mua các sản phẩm rời. Kết quả là sự xuất hiện cơ cấu thang bậc của chuỗi cung ứng (tầng thứ nhất, tầng thứ hai v.v.). Nhà cung cấp thuộc tầng thứ nhất phải cung cấp cả hệ thống chứ không phải là những sản phẩm đơn lẻ.

-   Tái tổ chức chuỗi sản xuất và cung ứng: Những nhà sản xuất thuộc tầng thứ nhất trở thành nhà cung cấp dịch vụ kĩ thuật thuần túy, nhận trách nhiệm tích hợp hệ thống và chuyển công việc chế tạo cho những người khác. Những công ti như Achenbach Buschhütten, đứng hàng đầu thế giới về máy cuốn nhôm hay SMS, đứng hàng đầu thế giới về máy cán thép tấm, đã bước lên con đường này từ lâu.

-   Một đầu mối cung cấp: Trên trang nhà của mình, công ti Groz-Beckert, đứng hàng đầu thế giới về kim khâu, giải thích sự phát triển của mình như sau: “... từ một nhà sản xuất chuyên về máy dệt kim và kim máy dệt kim đến lúc trở thành nhà cung cấp quan trọng nhất các bộ phận chính xác trong lĩnh vực dệt may và hơn thế nữa. Từng bước một, công ti đã vươn tới lĩnh vực kim cho máy khâu, nỉ và thảm - gần đây còn được bổ sung thêm sản phẩm quan trọng là phụ tùng cho máy dệt.”

-    Dự án chìa khóa trao tay: Trong khi những nhà cung cấp trong lĩnh vực công nghiệp trước đây chỉ cung cấp một phần hay chỉ cung cấp máy móc thì càng ngày chúng ta càng thấy có nhiều dự án được thực hiện theo kiểu chìa khóa trao tay. Đấy là trường hợp của công ti Ziemann, đứng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhà máy sản xuất bia. Ông Joachim Gunkel, giám đốc điều hành công ti này giải thích tình hình mới như sau: “Trước đây một nhà máy bia phải có 200 kĩ sư và kĩ thuật viên. Hiện nay chỉ cần 20 chuyên gia kĩ thuật.” Có thể làm được như thế vì Ziemann nhận trách nhiệm lập kế hoạch, xây dựng, cung cấp phần mềm và chạy thử tại nhà máy của họ, và những công việc khác nữa.

-    Độ phức tạp gia tăng: Có thể là do độ phức tạp về mặt kĩ thuật, như phối hợp giữa phần cứng và phần mềm. Bechtle, nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cung cấp các giải pháp toàn diện, bao gồm cả thiết bị lẫn phần mềm. Mức độ phức tạp về mặt kĩ thuật gia tăng có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh mới. Công ti Festo đã đáp ứng với những đòi hỏi cao hơn về đào tạo từ ngành tự động hóa bằng cách chào bán giải pháp hệ thống cho cả sản phẩm lẫn đào tạo.

-    Giá trị gia tăng cho khách hàng: khách hàng có thể nhận được giá trị gia tăng do sự phối hợp tốt hơn giữa các thành phần của hệ thống. Công ti Winterhalter không chỉ chào bán các máy rửa bát đặc biệt cho nhà hàng và khách sạn mà còn cung cấp cho khách hàng hệ thống xử lí nước, chất tẩy rửa và dịch vụ suốt ngày đêm. Công ti Kannegiesser, đứng hàng đầu thế giới về công nghệ giặt, ngay từ những năm 1980 đã coi “giặt là hệ thống tổng thể”, báo hiệu sự cáo chung của thời đại trong đó các nhà sản xuất bàn là và những máy móc khác hoạt động một cách tách biệt. Thay vào đó, Kannegiesser phát triển một chương trình tích hợp toàn diện cho công nghệ giặt công nghiệp và vươn lên thành công ti dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

-    Chứng chỉ và trách nhiệm: Công ti Lantal, chuyên thiết kế nội thất máy bay thương mại, chào hàng các hãng hàng không hệ thống dịch vụ trọn gói, trong đó có thiết kế toàn bộ nội thất theo chi tiết kĩ thuật của khách hàng, cũng như cung cấp vỏ bọc ghế, rèm, lót tường, gối đầu và thảm.[5] Các vật liệu bọc nội thất máy bay có tiêu chuẩn an toàn cực kì cao. Lantal được Cơ quan an toàn bay châu Âu (EASA) và Cục hàng không liên bang Mỹ cấp chứng chỉ kiểm tra vật tư và thảm. Liên quan đến vấn đề chứng chỉ và trách nhiệm, hãng hàng không nào cũng chỉ muốn làm việc với một nhà cung cấp chứ không muốn làm việc với nhiều nhà cung cấp.

-    An toàn và hiệu quả: Một đầu mối cung cấp có nghĩa là an toàn và hiệu quả hơn cho khách hàng. Công ti Orica của Áo, đứng hàng đầu thế giới về thiết bị và thuốc nổ thương mại, chào hàng cho các mỏ đá giải pháp trọn gói. Orica không chỉ cung cấp chất nổ mà còn phân tích đá, tiến hàng khoan và phá đá nữa. Trong mô hình mới này, Orica cung cấp cho khách hàng đá đã bị vỡ và tính chi phí theo công việc hoàn thành. Vì đây là giải pháp cho từng khách hàng cụ thể, giá cả không được rõ ràng, doanh thu theo khách hàng, hiệu quả và an toàn tăng lên. Những người quản lí mỏ đá không tham gia vào quá trình phá đá và gắn bó chặt chẽ với bên cung cấp. Khách hàng khó chuyển sang nhà cung cấp khác.

Những trường hợp này cho thấy rằng tích hợp các hệ thống có thể dựa trên việc liên kết nhiều sản phẩm, liên kết sản phẩm và dịch vụ, dịch chuyển trong chuỗi giá trị hay những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Các nhà vô địch ẩn danh có lợi thế trong tất cả những lựa chọn này. Khó đánh giá hết ý nghĩa chiến lược của việc mở rộng phổ sản phẩm và dịch vụ:

-    Tích hợp các hệ thống thường bao gồm làm sâu sắc thêm chuỗi giá trị. Tiềm năng tăng trưởng là rõ ràng. “Chúng tôi bao trọn toàn bộ chuỗi giá trị”, ông Peter Sielmann, giám đốc điều hành công ti Neumann, nói như thế.

-    Tích hợp các hệ thống có khả năng làm gia tăng đáng kể lợi ích cho khách hàng và quan trọng hơn hết là giữ được khách hàng. Nhiều trường hợp chứng minh rằng những khách hàng mua một số sản phẩm hay toàn bộ hệ thống từ một nhà cung cấp khó thay và ít thay nhà cung cấp hơn là những khách hàng chỉ mua một sản phẩm.

-    Các đối thủ cạnh tranh mới sẽ khó thâm nhập thị trường với những giải pháp hệ thống phức tạp hơn là thâm nhập vào thị trường sản phẩm đơn lẻ. Tích hợp các hệ thống là những biện pháp cực kì hữu hiệu nhằm nâng cao thêm các rào cản cho việc thâm nhập và tăng cường vị trí trên thương trường của chính công ti.

-    Công ti dẫn đầu thị trường có vị trí lí tưởng trong việc chào hàng những giải pháp hệ thống. Khách hàng tin rằng công ti dẫn đầu thị trường là công ti có khả năng nhất trong việc làm chủ những thiết bị cực kì phức tạp.

Vì những lí do đó mà tích hợp các hệ thống và chào hàng cả hệ thống là những cơ hội có lợi nhuận cao cho các nhà vô địch ẩn danh của thế kỉ XXI. Nhưng cũng cần phải nói rằng tích hợp các hệ thống là công việc phức tạp và có nhiều rủi ro. Tôi đã thường xuyên thấy những trường hợp khi chào hàng cả hệ thống tạo ra những khó khăn rất lớn về mặt tổ chức. Kinh doanh sản phẩm và kinh doanh dịch vụ là những tiến trình khác nhau, ví dụ như mức độ tập trung hóa hay khả năng có thể dự đoán được. Công ti Hako, đứng hàng đầu về thiết bị làm sạch và bảo dưỡng đã đưa đa số nhân viên vào các chi nhánh địa phương chuyên làm dịch vụ cho khách hàng của họ. Bán các hệ thống và bán hàng của các công ti khác thường thất bại vì nhân viên chưa được đào tạo hay thiếu động cơ làm việc. Các nhà vô địch ẩn danh thường phải đối mặt với rủi ro là chào hàng hệ thống làm giảm sự chú tâm và sức mạnh từ sự chú tâm của họ. Tôi xin khuyên là chớ có chạy theo trào lưu, mà phải xem xét việc chào hàng hệ thống một cách thận trọng và đặc biệt chú ý tới việc chuyển đổi tổ chức.

Giá cả

Cuộc thảo luận cho đến nay đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng chiến lược của phần lớn các nhà vô địch ẩn danh là nhắm trực tiếp tới giá trị cao cho khách hàng chứ không nhắm tới giá trị thấp. Trừ một số ngoại lệ, những người trả lời đều nói rằng đấy là phần không thể tách rời của chiến lược của công ti. “Chúng tôi bán những thứ có giá trị cao chứ không phải giá thấp” hay “chất lượng là quan trọng chứ không phải giá cả” là những nhận xét mà tôi thường xuyên được nghe.

Dễ hiểu là các giám đốc điều hành của những nhà vô địch ẩn danh không muốn công ti của họ bị nêu tên trong danh sách những công ti có giá đặc biệt cao. Sản phẩm của các nhà vô địch ẩn danh nói chung thường có giá cao hơn giá trung bình từ 10 đến 15%, đôi khi tới 20%. Thậm chí những sản phẩm nhạy cảm về giá hay các nhóm đối tượng giá cũng cao hơn từ 5 đến 10%. Giá của các công ti hàng đầu thị trường cao hơn giá trung bình không phải là điều mới. Cạnh tranh trên phần lớn các thị trường không phải là giữa các mặt hàng mà là giữa các sản phẩm dị biệt hóa (cùng loại sản phẩm nhưng khác nhau về chất lượng, bao bì... - ND). Vì vậy, việc khách hàng sẵn sàng mua cũng khác nhau và chênh lệch giá cả là chuyện bình thường. Sản phẩm chất lượng hơn và giá trị của dịch vụ thể hiện bằng giá cao hơn. Nếu phần lớn khách hàng coi trọng chất lượng cao hơn giá cả thì các món hàng có giá trị cao và giá cao sẽ chiếm được nhiều thị phần. Đấy là tình hình thường thấy của các nhà vô địch ẩn danh.

Giá cao hơn mức trung bình không có nghĩa là các nhà vô địch ẩn danh thoát được cạnh tranh về giá cả. Mặc dù họ có chút tự do nhất định trong việc định giá (trong kinh tế học gọi là "quyền định giá"), cơ chế giá thông thường sẽ hoạt động một khi họ vượt giới hạn tự do đó. Chúng tôi phát hiện ra rằng một nửa các khách hàng sẽ rút lui khi sự cách biệt về giá cả lên tới 28%. Mặc dù có sự chênh lệch giá mà chúng ta đã đề cập, các nhà vô địch ẩn danh không vượt quá phạm vi tăng giá của họ. Điều ngược lại cũng có thể đúng: họ không lợi dụng tất cả quyền định giá của mình. Việc định lượng giá trị nhắm tới khách hàng (bao giờ cũng là căn cứ để định giá) dù đã được cải thiện và sự khác nhau về giá cả vẫn có khá nhiều tiềm năng. Cần phải đặc biệt chú ý đến quá trình xác định giá cả. Vì phần lớn các nhà vô địch ẩn danh bán hàng cho các doanh nghiệp cho nên hầu như bao giờ người ta cũng đàm phán về giá cả của thương vụ. Từ nhiều dự án với các nhà vô địch ẩn danh, chúng tôi biết rằng có nhiều khả năng cho việc cải thiện tiến trình liên quan đến lập luận, thông tin, đánh giá vị trí của mình, áp dụng lí thuyết trò chơi và khích lệ nhân viên bán hàng.

Tóm tắt

Chương này chỉ ra rằng các nhà vô địch ẩn danh có quan hệ gần gũi với những khách hàng khó tính và điều chỉnh phổ sản phẩm cũng như dịch vụ của họ nhằm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng này. Gần gũi với khách hàng là thành tố quan trọng nhất trong chiến lược của họ. Đối với những công ti khác, chúng tôi có những phát hiện và đề xuất dưới đây:

-   Quan hệ gần gũi với khách hàng được thể hiện trong tất cả các chỉ dấu. Các nhà vô địch ẩn danh thường có những sản phẩm phức tạp, vì vậy mà cần quan hệ thân mật và thường xuyên tương tác với khách hàng.

-   Tốt nhất là bán trực tiếp cho khách hàng, hơn ba phần tư các nhà vô địch ẩn danh bán hàng theo phương thức này.

-   Các nhà vô địch ẩn danh có đặc điểm là có quan hệ gần gũi với khách hàng. Tỉ lệ nhân viên của các nhà vô địch ẩn danh thường xuyên tiếp xúc với khách hàng cao hơn năm lần so với các tập đoàn lớn.

-   Các nhà vô địch ẩn danh dễ giữ quan hệ gần gũi với khách hàng hơn vì họ có quy mô nhỏ và phân công lao động không nghiêm ngặt bằng các công ti lớn. Ngoài ra, nhiều nhà vô địch ẩn danh còn phân cấp theo các nhóm đối tượng.

-   Ban tổng giám đốc đánh giá cao việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và cũng thường làm như thế. Cách hành xử như thế có tác động tích cực đối với thông tin mà họ nhận được, cũng như động cơ của nhân viên.

-   Rủi ro liên quan tới khách hàng đòi hỏi phải có quan điểm phân biệt. Nhiều nhà vô địch ẩn danh phụ thuộc vào một ít khách hàng, nhưng đây không phải là sự phụ thuộc một chiều. Khách hàng cũng phụ thuộc vào các nhà vô địch ẩn danh. Đây là quan hệ cộng sinh.

-   Khách hàng đòi hỏi chất lượng chứ không phải là giá rẻ. Khách hàng trên toàn thế giới ngày càng có đòi hỏi giống nhau hơn.

-   Những công ti muốn trở thành hoặc giữ được vị trí dẫn đầu thương trường cần lôi kéo được những khách hàng quan trọng nhất và đáp ứng được yêu cầu của họ trong dài hạn. Vì vậy mà nhiều nhà vô địch ẩn danh quan tâm trước hết tới những khách hàng quan trọng nhất. Có hai cái lợi. Các khách hàng quan trọng nhất hoạt động như những động cơ cho việc cải thiện chất lượng của chính công ti và họ là những người được nhiều người khác tham khảo ý kiến. Chỉ có thể tiếp tục dẫn đầu thị trường nếu công ti là nhà cung cấp cho những khách hàng quan trọng nhất.

-   Phổ sản phẩm và dịch vụ được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu thật sự của khách hàng. Sản phẩm thường rất phức tạp, với công nghệ đã ổn định. Hơn 90% sản phẩm nằm ở giai đoạn phát triển hay đang sung sức chứ chưa bước vào giai đoạn thóa trào.

-   Dịch vụ đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chiến lược của các nhà vô địch ẩn danh. Chào hàng mở rộng thành dịch vụ trọn gói, đào tạo, có mặt trên khắp thế giới và mạng lưới  trở thành những đòi hỏi tuyệt đối cần thiết trong thế kỉ XXI.

-   Có thể thấy xu hướng tích hợp các hệ thống tại nhiều nhà vô địch ẩn danh. Những giải pháp hệ thống nâng cao giá trị cho khách hàng và tạo ra những rào cản lớn không cho đối thủ thâm nhập thị trường. Dường như số phận của các công ti hàng đầu là trở thành những người đầu tiên áp dụng những chào hàng trọn gói như thế. Nhưng không được quên rằng chuyển từ sản phẩm sang giải pháp hệ thống làm gia tăng sự phức tạp về tổ chức và có khả năng làm giảm sự chú tâm của các nhà vô địch ẩn danh. Phải xem xét thận trọng mỗi bước đi theo hướng này.

-   Trừ một vài ngoại lệ, các nhà vô địch ẩn danh không cạnh tranh bằng giá cả. Vì sản phẩm của họ có chất lượng cao cho nên giá của họ thường cao hơn giá trung bình của thị trường. Nhưng họ cũng không được miễn nhiễm đối với việc cạnh tranh bằng giá cả và phải tiến hành chuyên môn hóa về việc định giá, phải có kiến thức về sự mềm dẻo của giá cả, khả năng tạo ra những sản phẩm có giá khác nhau và quá trình định giá.

Kiến thức uyên thâm và khuyến cáo thường chỉ là kinh nghiệm. Nhưng đánh giá và áp dụng trên thực tế là việc khó hơn. Sự khác biệt vô cùng to lớn giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp quy mô vừa sẽ trở nên rõ ràng khi họ giao thiệp với khách hàng, xây dựng quan hệ gần gũi với khách hàng. Các nhà vô địch ẩn danh đã thiết lập được những quan hệ có lợi cho cả mình lẫn khách hàng. Có thể làm được như thế vì công ti của họ có quy mô nằm trong tầm kiểm soát và những cải tiến như phân quyền và quan hệ thường xuyên của các cấp lãnh đạo cao nhất với khách hàng. Họ gần gũi với khách hàng cả bằng hành động và tổ chức và thể hiện điều đó trong phổ sản phẩm và dịch vụ, cũng như ngày càng đưa ra nhiều giải pháp hệ thống hơn. Các nhà vô địch ẩn danh là những mô hình tuyệt vời về quan hệ khách hàng.



[1] Có những trường hợp như nhà vô địch lớn Würth, có tới hơn một nửa nhân viên làm việc tại hiện trường. Thậm chí 4.200 trong số 6.500 nhân viên công ti Berner, đối thủ của Würth, là các nhân viên bán hàng. Các công ti bán hàng trực tiếp như Bofrost cũng tương tự như thế. Những công ti hướng về dịch vụ còn có tỉ lệ nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cao hơn nữa. Phân xưởng dịch vụ của Demag Cranes có 1.612 nhân viên, tức là 28,4% toàn bộ nhân lực của Demag Cranes. Dịch vụ đóng góp tới 18,4% doanh thu của Demag Cranes và trong tương lai tỉ lệ này sẽ còn gia tăng.

[2] Thomas J. Peters - Robert H. Waterman, Tìm kiếm sự tuyệt hảo - bài học từ những công ti được quản lí tốt nhất ở Mỹ (In Search of Excellence - Lessons from America’s Best-Run Companies), New York: Harper & Row 1982.

[3] Edward F. McQuarrie, Thăm viếng khác hàng: Biện pháp xây dựng sự chú tâm tới khách hàng (The Customer Visit: A Tool to Build Customer Focus), San Francisco: Sage Publications 1993.

[4] Xem Fortune, April 2, 2007, p. 19.

[5] Xem Neue Zürcher Zeitung, February 5, 2007, p. 7.


No comments:

Post a Comment