December 6, 2024

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ (5)

 CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ 


Karen A. Mingst và

Ivan M. Arrenguin-Toft

 Phạm Nguyên Trường dịch

Lưu ý: Tôi không thể đưa các bản đồ và hình minh hoạ lên Blog, bạn nào muốn nghiên cứu sâu có thể dowload link này để xem xét thêm và đối chiếu: https://oceanofpdf.com/?s=Karen+A.+Mingst+

Chương 5

Quốc gia

Chú thích ảnh: Người Palestine phất cờ chào mừng việc Liên Hợp Quốc công nhận Palestine là quốc gia quan sát viên, không phải là thành viên Liên Hợp Quốc và treo cờ nước này tại trụ sở LHQ. Nhiều người tụ tập tại Ramallah để nghe bài diễn văn được phát sóng trực tiếp của của Tổng thống Mahmoud Abbas gửi tới Đại Hội Đồng nhân sự kiệnnày.

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, năm 2015, cờ của Palestine và Tòa Thánh, cả hai đều là nhà nước quan sát viên, không phải thành viên LHQ, đã tung bay bên ngoài trụ sở LHQ. Đại hội đồng đã chấp thuận cử chỉ tượng trưng này, theo yêu cầu của Palestine, như là một phần của cuộc đấu tranh nhằm tìm kiếm sự chấp thuận của các tổ chức quốc tế khác nhau để được công nhận như một nhà nước. Trước đó, năm 2012, phản ánh sự thất vọng của đa số thành viên LHQ cũng như người Palestine, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu để nâng cấp chính quyền Palestine từ địa vị thực thể quan sát viên, không phải là thành viên, thành nhà nước quan sát viên, không phải là thành viên - một sự công nhận, trên thực tế, cương vị quốc gia có chủ quyền của Palestine. Năm 2015, Palestine đã được chấp nhận vào Tòa án Hình sự Quốc tế và đã trình các cáo buộc về tội ác chiến tranh của Israel ra tòa án này. Nhưng khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong không khí sôi sục của chiến dịch tranh cử năm 2015, nói rằng ông sẽ không bao giờ thỏa thận với nhà nước Palestine, một thành viên của cơ quan cao nhất của Tổ chức Giải phóng Palestine đã đáp lại như sau: “Chúng ta sẽ tiếp tục phong trào intifada trong lĩnh vực ngoại giao. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác”.

Tại sao việc giành bằng được cương vị quốc gia quan trọng đến như thế trong kế hoạch của Palestine? Trong thực tiễn chính trị quốc tế và trong tư duy về quan hệ quốc tế, nhà nước là trung tâm. Phần lớn lịch sử được bàn đến trong Chương 2 là lịch sử về cách thức nhà nước xuất hiện và phát triển từ khung cảnh thời hậu-Westphalia cùng với chủ quyền và dân tộc. Hai trong số các lý thuyết – chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do – công nhận tầm quan trọng tuyệt đối của nhà nước. Nhưng,dù có sự nhấn mạnh như thế về vai trò của nhà nước, vẫn chưa được khái niệm hóa một cách đầy đủ. Học giả James Rosenau từng phàn nàn: “Quá nhiều công trình nghiên cứu coi nhà nước là một biểu tượng không có nội dung, là tác nhân mà bản chất, động cơ và hành vi là hiển nhiên, không cần đưa thành khái niệm chính xác”. Thông thường, trên thực tế, khái niệm này dường như được sử dụng như một phạm trù dôi ra nhằm giải thích những hiện tượng trong nền chính trị vĩ mô mà dùng cách khác thì không thể nào giải thích được[1]. Chúng ta cần xử lý vấn đề này một cách tốt hơn thế. Nhà nước hành xử như thế nào trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và vì sao chúng lại quan trọng?

Đối tượng nghiên cứu

- Định nghĩa nhà nước, tác nhân chính trong quan hệ quốc tế.

- Giải thích quan điểm của những lý thuyết khác nhau về nhà nước.

- Mô tả cách thức các nhà chính trị học đo lường quyền lực của nhà nước.

- Giải thích các biện pháp các nhà nước sử dụng nhằm thực thi quyền lực của mình.

- Phân tích sự khác biệt trong hành vi của các chế độ dân chủ và các chế độ phi dân chủ.

- Tìm hiểu các mô hình giúp chúng ta giải thích cách thức các nhà nước thiết lập  chính sách đối ngoại.

- Phân tích những thách thức lớn hiện nay đối với nhà nước.

Nhà nước và dân tộc

Để một thực thể được công nhận là nhà nước, nó phải đáp ứng bốn điều kiện pháp lý cơ bản, như được nêu trong Công ước Montevideo (Montevideo Convention) năm 1933. Trước hết, nhà nước phải có lãnh thổ, với ranh giới được xác định về mặt địa lý. Thứ hai, dân cư ổn định cư ngụ trong biên giới của nó. Thứ ba, dân cư phải trung thành với chính phủ của thực thể này. Cuối cùng, các nhà nước khác phải công nhận nhà nước này về mặt ngoại giao.

Những tiêu chí pháp lý này không phải là tuyệt đối; chúng thường là đề tài cho những cách giải thích khác nhau. Hầu hết các nhà nước đều có lãnh thổ, mặc dù người ta thường cãi cọ nhau về những vị trí của đường biên giới. Ví dụ, trước khi Chính quyền Palestine được giao kiểm soát Bờ Tây, Palestine không có lãnh thổ. Ngoài ra, Palestine không được chính thức công nhận như một nhà nước, mặc cho những cố gắng của họ trong việc thúc đẩy địa vị của mình trong các cơ quan quốc tế, như đã nói bên trên. Sở hữu lãnh thổ quan trọng đến mức các quốc gia cố gắng bành trướng lãnh thổ của mình. Ví dụ, Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình ở Biển Đông bằng cách nạo vét cát và bồi đắp các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nhằm củng cố quyền tiếp cận với các mỏ dầu và khí đốt trong khu vực này.

Chú thích ảnh: Các sĩ quan Thủy quân lục chiến Philippines theo dõi tàu tuần tra của Trung Quốc khi con tàu này đi ngang qua vùng lãnh thổ mà Philippines tuyên bố là có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đang bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông - khu vực đang bị Việt Nam, Malaysia và Philippines tranh chấp – thể hiện ý định bành trướng quyền tài phán về mặt lãnh thổ của nước này.

Hầu hết các nhà nước đều có dân ổn định, nhưng những cộng đồng di dân và dân du mục xuyên biên giới, như người Maasai ở Kenya và Tanzania, không được chính quyền các nước này đưa vào sổ sách. Hầu hết các nhà nước đều có cơ cấu mang tính thiết chế nào đó để quản lí, nhưng người dân có tuân thủ hay không thì có thể không rõ vì không có đủ thông tin. Một cơ cấu như thế cũng có thể vấn đề, nếu tính tính chính danh của chính phủ liên tục bị người ta nghi ngờ. Nhà nước không cần phải có một hình thức chính phủ cụ thể, nhưng hầu hết dân chúng phải thừa nhận tính chính danh của chính phủ đó. Năm 2010, người dân Ai Cập nói với cộng đồng quốc tế rằng họ không còn công nhận tính chính danh của chính phủ do Hosni Mubarak lãnh đạo nữa, điều đó đã dẫn đến những cuộc biểu tình và cuối cùng, chính quyền của ông ta sụp đổ.

Cuối cùng, các nhà nước khác phải công nhận nhà nước này về mặt ngoại giao. Nhưng, cần bao nhiêu nhà nước công nhận thì mới coi là đáp ứng tiêu chí này? Nước cộng hòa Transkei — một mảnh đất nhỏ nằm ngoài bờ biển Nam Phi – chỉ được một nhà nước là Nam Phi công nhận; thế là chưa đủ để đưa Transkei trở thành nhà nước , và chẳng bao lâu sau vùng lãnh thổ này đã tái hợp nhất với Nam Phi.

Một số nhà nước hiện đang nằm trong vòng tranh chấp. Đầu năm 2008, Kosovo, từng là khu vực bán tự trị của Nam Tư và sau đó là một tỉnh của Serbia, tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Nước này đã thông qua bản hiến pháp và thành lập bộ ngoại giao. Năm 2013, Facebook cung cấp cho người dùng lựa chọn, tự coi mình là công dân Kosovo, chứ không phải người Serbia, một hành động mà các nhà lãnh đạo Kosovo ca ngợi là nâng cao uy tín và củng cố nền độc lập của đất nước này. Cuối năm 2015, hơn 100 nhà nước đã công nhận nền độc lập của Kosovo, những nước này không bao gồm Serbia, Nga, và năm thành viên EU, những nước đang phải chiến đấu với lực lượng nổi dậy ở trong nước, đã không công nhận nền độc lập của Kosovo vì họ sợ lực lượng nổi dậy có thể tìm cách tách ra, trở thành những nhà nước độc lập.

Các nhà nước khác như Abkhaza, Nagorno-Karabakh và Nam Ossetia, và một số nhà nước  khác đã hiện diện trên thực tế, nhưng không được công nhận. Các nhà nước này được mô tả như là “đã gần như là nước đang sắp đạt được cương vị nhà nước ”, những người đang nằm trong “khu vực chờ vào phòng sinh của cộng đồng quốc tế”, hoặc đơn giản hơn, các nhà nước  nằm trong tình trạng chưa có quyết định dứt khoát[2]. Vì vậy, dù các điều kiện pháp lý nói trên về cương vị nhà nước cung cấp cho chúng ta tiêu chuẩn đánh giá, nhưng tiêu chuẩn này không phải là tuyệt đối.

Đnh nghĩa về nhà nước khác với định nghĩa về dân tộc. Dân tộc là nhóm người có chung một tập hợp các đặc điểm. Những người đó có chung lịch sử và di sản, có ngôn ngữ chung và tập hợp các phong tục, hay lối sống tương tự nhau hay không? Nếu có, thì những người này tạo thành dân tộc. Cốt lõi của khái niệm dân tộc là quan điểm cho rằng những người có những điểm tương đồng, họ trung thành với dân tộc mình và đại diện hợp pháp của nó là nhà nước. Cảm giác về sự tương đồng này, của những người đoàn kết với nhau vì sự nghiệp chung, tạo ra nền tảng cho cuộc Cách mạng Pháp và lan tỏa tới Trung và Nam Mỹ và Trung Âu. Chủ nghĩa dân tộc - niềm tin rằng các dân tộc phải xây dựng nhà nước riêng của mình - thúc đẩy quá trình hình thành, hồi thế kỷ XIX, nhà nước Italy và nước Đức thống nhất. Việc công nhận sự tương đồng giữa những con người (và do đó, công nhân sự khác biệt với các nhóm người khác) lan tỏa cùng với nền giáo dục và công nghệ mới. Khi máy in được sử dụng rộng rãi, quần chúng có thể đọc bằng ngôn ngữ dân tộc của mình; khi phương tiện giao thông được cải thiện, người ta có thể đi du lịch, người ta được chứng kiến tận mắt những tương đồng và khác biệt giữa các nhóm người khác nhau. Khi truyền thông được cải thiện, giới tinh hoa có thể sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm thúc đẩy tình đoàn kết hoặc đôi khi, để khai thác những sự khác biệt.

Một số dân tộc, như người Đan Mạch và Italy, đã lập ra các nhà nước riêng của mình. Sự trùng hợp giữa nhà nước và dân tộc, nhà nước-dân tộc, là nền tảng của quyền tự quyết dân tộc - ý tưởng cho rằng những người cùng dân tộc có quyền quyết định cách sống và điều kiện sống của mình. Một số dân tộc khác sống rải rác trong một số quốc gia. Người Kurd là một trong những nhóm người đông nhất không có nhà nước riêng của mình. Có 30 triệu người Kurd sống rải rác ở những vùng miền núi Thổ Nhĩ Kỳ (14,7 triệu người), Syria (1,7 triệu), Iran (8,1 triệu) và Iraq (5,5 triệu), với ngôn ngữ riêng của mình, tiếng Kurd, không liên quan gì với tiếng Ả Rập hay Thổ Nhĩ Kỳ, và hầu hết người Kurd là người Hồi giáo Sunni. Sau Thế chiến I, người Kurd tìm cách thành lập chính quyền riêng và nước Kurdistan độc lập, nhưng họ đã không giành được độc lập; các quốc gia trong khu vực đã chiến đấu để giữ người Kurd trong đường biên giới của mình, và bản thân người Kurd chia rẽ. Nhưng hiến pháp mới của Iraq, sau Chiến tranh Iraq năm 2003, kêu gọi thành chính quyền tự trị Kurdistan cho người Kurd ở Iraq, kết quả là có một khu vực sôi động về kinh tế, tách khỏi những vụ hỗn loạn trong những khu vực còn lại của Iraq. Và, Mùa xuân Ả Rập, năm 2011, mang đến những cơ hội mới cho người Kurd, vì Syria lâm vào nội chiến và người Kurd đã chiếm được quyền kiểm soát các vùng mà người Kurd chiếm đa số. Một trong những nhà lãnh đạo người Kurd nói: “Tất cả các sự kiện đang diễn ra trên thực tế đều khuyến khích người Kurd giành độc lập… Ngày nay, các cường quốc quốc tế không còn có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào ở Trung Đông, nếu không tính đến quyền lợi của người Kurd”[3].

Tuy vậy, có những nhà nước với nhiều dân tộc khác nhau - Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Ở Mỹ và Canada, một số dân tộc bản địa khác nhau, cũng như nhiều cộng đồng nhập cư là một phần của nhà nước. Nhà nước và dân tộc không phải bao giờ cũng là một. Tuy nhiên, theo thời gian, trong những trường hợp sau, hình thành tinh thần dân tộc và bản sắc chung đã được hình thành, ngay cả khi trước đây không có sự tương đồng về tôn giáo, sắc tộc hoặc văn hóa. Ở Mỹ, các giá trị dân tộc phản ánh những tư tưởng được nhiều người chia sẻ, được thể hiện trong trong các nghi lễ công cộng, trong đó có việc đọc Lời thề trung thành với tổ quốc (Pledge of Allegiance), hát quốc ca và hoạt động tình nguyện trong cộng đồng của mỗi người[4]. Nhà nước-dân tộc là những khái niệm phức tạp và liên tục tiến hóa.

Một số trong hàng trăm dân tộc trên thế giới, với hơn 900 triệu người, tự coi mình là gắn bó nhiều hơn với một nền văn hóa hay tôn giáo đặc biệt hơn là với một nhà nước cụ thể, thường bị kỳ thị hoặc ngược đãi vì bản sắc của mình. Nhưng đây không phải là hiện tượng mới. Quá trình tan rã Đế chế Ottoman trong giai đoạn từ những năm 1830 tới Thế chiến I đã phản ánh đòi hỏi quyền tự quyết ngày càng gia tăng của các sắc dân, từ Ai Cập và Hy Lạp đến Albania, Montenegro và Bulgaria.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người có tinh thần dân tộc đều khao khát cùng một mục tiêu. Một số muốn người ta công nhận địa vị độc đáo của mình, công nhận quyền được nói và viết một ngôn ngữ cụ thể hoặc thực hành tín ngưỡng của mình, hoặc được dành riêng một số ghế trong các cơ quan đại diện, ví dụ, người Basques ở Tây Ban Nha và Pháp. Nhưng những nhóm khác muốn tách ra và được quyền thành lập nhà nước của riêng, người Catalonia ở Tây Ban Nha bày tỏ ước muốn như thế trong cuộc bầu cử khu vực năm 2015, khi những người ly khai đã giành được chiến thắng ở Catalonia, khu vực giàu có nhất đất nước này. Còn một số sắc dân khác thì lại thích liên kết với nhà nước khác, nơi có những người đồng bào cùng sắc tộc của họ cư ngụ.

Một trong những vụ tranh cãi dai dẳng về quốc gia và dân tộc liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và Đài Loan, cũng được gọi là Cộng hòa Trung Hoa (ROC). Sau Thế chiến II, Mao Trạch Đông và những người cách mạng cộng sản của ông ta giành được lãnh thổ và chính phủ ở Trung Quốc đại lục, buộc chính phủ Quốc Dân Đảng từng cai trị ở đây phải bỏ chạy sang Đài Loan, một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 100 dặm, về phía đông nam. Cả hai chính phủ đều tuyên bố là đại diện cho dân tộc Trung Quốc. Vì những nguyên nhân ý thức hệ và địa chính trị, ban đầu Mỹ công nhận công nhận ROC, trong khi Liên Xô công nhận PRC. Tuy nhiên, theo  thời gian, quyền lực chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng của PRC làm cho ROC bị người ta bỏ rơi; đáng chú ý là, năm 1972, PRC đã tiếp nhận địa vị thành viên trường trực trong Hội đồng Bảo an tại Liên Hợp Quốc. Hiện nay, PRC được 172 quốc gia công nhận, trong khi ROC chỉ được 21 quốc gia cùng với Tòa Thánh công nhận mà thôi. PRC luôn luôn khẳng định rằng Đài Loan là bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, đây là chính sách gọi là “chính sách một Trung Quốc”, được Mỹ ủng hộ. Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trở nên phức tạp hơn sau khi chế độ dân chủ được thiết lập ở Đài Loan, năm 1990, vì một đảng chính trị lớn ủng hộ nền độc lập cho Đài Loan trong khi một đảng lớn khác tiếp tục ủng hộ nguyên trạng. Cái gọi là vấn đề Trung Quốc, tức là xung đột về nhà nước và dân tộc Trung Quốc, hiện nay vẫn còn tiếp tục, mặc dù năm 2015 đã có cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất, giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mã Anh Cửu. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên trong suốt 66 năm qua.

Những vụ tranh chấp về lãnh thổ quốc gia và ước muốn của các dân tộc về việc thành lập các quốc gia riêng của mình là những nguồn gốc bất ổn chính và thậm chí xung đột sau khi chủ nghĩa thực dân cáo chung ở châu Phi và Trung Đông, và gần đây nhất, sau khi Liên Xô và Nam Tư tan rã. Một trong những xung đột khó giải quyết là giữa người Do Thái Israel và người Ả Rập Palestine, cả hai dân tộc này cùng tuyên bố chủ quyền trên một vùng lãnh thổ. Cuộc xung đột này phức tạp vì nhiều yếu tố - vì người Do thái, người theo đạo Kitô, người Hồi giáo, và người Baha đều tuyên bố một số vùng đất và đài kỉ niệm là thiêng liêng, vì các nhà nước Ả Rập kiên quyết phản đối, không muốn cho nhà nước Israel tồn tại và việc Israel, thông qua các cuộc chiến tranh và các khu định cư Do Thái, liên tục bành trướng lãnh thổ của mình. Kể từ khi thành lập Israel, năm 1948, người Ả Rập và Do Thái sống ở Palestine đã bị lôi kéo vào sáu cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và ba cuộc nổi dậy của quần chúng. Thường dân ở cả hai bên đều bị thiệt hại và bị giết, và nhiều người tiếp tục sống như những người tị nạn. Các nhà hoạch định chính sách đã bàn một số giải pháp thay thế. Có nên chia lãnh thổ Israel và Palestine thành những quốc gia độc lập, riêng biệt hay không? Những đường biên giới phức tạp càng phức tạp thêm khi số người định cư Do Thái trên Bờ Tây ngày càng gia tăng làm cho giải pháp đó ngày càng khó xảy ra hơn. Hai dân tộc này có phải là thành phần của một nhà nước đa sắc tộc hay không? Điều đó có thể có nghĩa là sự cáo chung của nhà nước dân chủ của người Do Thái. Hoặc, người Palestine nên tập trung vào việc giành các quyền khác chứ không phải là quyền tự quyết – tức là giành lấy các quyền chính trị và dân sự cơ bản trong cơ cấu hiện nay?

Những định nghĩa đối nghịch nhau về nhà nước

Nếu dân tộc không chỉ là thực thể lịch sử, thì nhà nước cũng không chỉ là thực thể pháp lý. Có rất nhiều định nghĩa đối nghịch nhau về nhà nước, nhiều định nghĩa nhấn mạnh những ý  tưởng không có trong cách tiếp cận mang tính pháp lý.

Các khái niệm khác về nhà nước: nhà nước là trật tự mang tính quy phạm, biểu tượng cho một xã hội cụ thể và niềm tin gắn bó những người sống trong những đường biên giới của nó. Thực thể này còn nắm độc quyền sử dụng một cách hợp pháp bạo lực trong xã hội đó. Nhà nước là đơn vị chức năng, nhận lãnh một số trách nhiệm quan trọng, tập quyền hóa và thống nhất hóa những chức năng này. Những quan điểm này về nhà nước song hành với các lý thuyết về quan hệ quốc tế, đã được thảo luận trong Chương 3 và 4. Hai trong những lý thuyết này coi nhà nước là khái niệm tối quan trọng.

Ghi chú ảnh: Khu vực Trung Đông, năm 2016

Quan điểm về nhà nước của phái hiện thực

Những người theo phái hiện thực thường ủng hộ nhà nước hoặc có quan điểm coi nhà nước là trung tâm. Họ tin rằng nhà nước là tác nhân độc lập, chỉ bị tình trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế kiềm chế mà thôi. Nhà nước có chủ quyền - quyền giải quyết các vấn đề nằm trong biên giới của nó và có ảnh hưởng tới người dân, tới kinh tế, an ninh và hình thức của chính phủ. Như một thực thể có chủ quyền, nhà nước có một tập hợp các mục tiêu: lợi ích quốc gia - được xác định bằng quyền lực. Các loại quyền lực khác nhau chuyển thành quyền lực quân sự. Dù đối với những người theo phái hiện thực, quyền lực là quan trọng nhất, như chúng ta sẽ thấy trong phần sau của chương này, họ cho rằng tư tưởng cũng quan trọng; ví dụ, ý thức hệ có thể quyết định bản chất của nhà nước, như Bắc Triều Tiên dưới chế độ cộng sản. Nhưng họ cũng cho rằng, trong quan hệ quốc tế, một khi nhà nước (với sức mạnh và tư tưởng) hành động thì họ hành động như một tác nhân tự trị, bất khả phân.

Có thể thấy cách những người theo phái hiện thực giải thích về nhà nước khi họ nói về tài nguyên thiên nhiên. Các nhà nước công nhận một số mặt hàng chiến lược nhất định là quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia của mình. Vì vậy, họ mong muốn có nguồn cung và giá cả ổn định các mặt hàng này. Họ làm tất cả những việc có thể nhằm luôn bảo đảm nguồn cung. Đối với Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt, dầu mỏ là nguồn tài nguyên quan trọng. Vì vậy, chính phủ nước này dành nhiều ưu ái cho việc thiết lập quan hệ gắn bó với các chính phủ có trữ lượng dầu khí lớn, như Iran, Sudan và Angola. Trung Quốc bảo vệ các nhà nước này trên các diễn đàn quốc tế và viện trợ cho họ nhằm đảm bảo việc cung cấp không bị gián đoạn. Việc Trung Quốc bồi đắp lãnh thổ ở Biển Đông nhằm gia tăng nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình là một ví dụ khác về cách thức Trung Quốc hành động vì lợi ích quốc gia, phù hợp với quan niệm của phái hiện thực về vai trò của nhà nước.

Đằng sau những tiêu đề báo chí

 

Quá trình tìm kiếm địa vị nhà nước của người Palestine

 

Palestine là vùng lãnh thổ bị người ta tranh giành trong suốt hơn 2.000 năm qua. Từ khi thành lập nhà nước Israel, năm 1948, đã có rất nhiều đề xuất về việc thành lập hai nhà nước trong khu vực này – Nhà nước Israel cho người Do Thái và nhà nước Palestine cho người Hồi giáo Ả Rập. Nhưng sau sáu cuộc chiến tranh và nhiều vòng đàm phán, người ta vẫn không tìm được giải pháp phân chia nào phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi cộng đồng. Thế thì vì sao gần đây lại xuất hiện bài báo nhan đề: “Các nhà lãnh đạo Palestine nhận thấy giá trị của những nỗ lực trong việc tìm kiếm địa vị nhà nước của mình”?a

 

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Palestine đã khởi động cuộc tấn ngoại giao đơn phương vốn đã được tăng cường nhằm giành cho bằng được địa vị nhà nước bằng con đường khác. Hầu hết các quốc gia ở châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi đã công nhận Palestine là quốc gia, họ ủng hộ nhân dân Palestine chống lại cái mà nhiều người coi là chính sách bá quyền - được phương Tây hỗ trợ - của Mỹ. Năm 2012, Palestine đã trở thành một “nhà nước quan sát viên, không phải là thành viên” - công nhận trên thực tế địa vị nhà nước có chủ quyền, sau đó, năm 2015, Palestine được kết nạp vào Tòa Hình sự Quốc tế.

 

Chiến lược đó đã được bắt đầu một cách nghiêm túc. Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô (Francis) đã ca ngợi Mahmoud Abbas, Tổng thống của chính quyền Palestine, gọi ông là “thiên sứ của hòa bình”. Tháng 6 năm đó, Vatican ký một hiệp ước với “nhà nước Palestine”. Đây chính là sự xác nhận những cố gắng đòi chủ quyền và bản sắc quốc gia của Palestine và hy vọng của Vatican về việc quan hệ giữa Israel và Palestine sẽ được cải thiện.

 

Cũng trong năm 2015, chính quyền Palestine đã vận động FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới), đình chỉ, không cho Israel tiếp tục có chân trong tổ chức này - chiến thuật đã từng được sử dụng nhằm cô lập Nam Phi trong giai đoạn phân biệt chủng tộc. Mặc dù đề xuất đó đã bị hủy bỏ, nhưng nó đã tạo ra một vòng ngoại giao con thoi khác, tương tự như các nhà ngoại giao Mỹ đã tham gia suốt nhiều thập kỷ nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình.

 

Các tiêu chí pháp lý cho cương vị nhà nước đã được thiết lập: Lãnh thổ xác định, chính phủ được dân chúng tuân thủ, dân chúng sống trong không gian có đường biên giới, và được các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế công nhận. Phần lớn các “nhà nước” mới đang tìm kiếm cương vị nhà nước hợp pháp, gia nhập Liên Hợp Quốc là hợp pháp hóa cương vị nhà nước. Năm 2011, sau khi cuộc nội chiến kéo dài 20 năm chấm dứt, Nam Sudan không gặp vấn đề gì khi gia nhập tổ chức này. Nhưng Palestine thì khác. Mỹ, một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết, sẽ không ủng hộ cương vị nhà nước của Palestine vì Israel kiên quyết phản đối chính sách và tiến trình này. Tình trạng bế tắc như thế buộc Palestine phải tìm kiếm cương vị nhà nước bằng chiến lược khác. Không thể giành được theo luật pháp thì giành lấy trên thực tế.

 

Những người theo phái hiện thực coi tình trạng bế tắc này là một ví dụ về việc mỗi bên đều hành động vì lợi ích quốc gia của mình. Israel cần đảm bảo vững chắc  an ninh của họ và công dân của họ sẽ không bị những cuộc tấn công từ lãnh thổ Palestine đe dọa nữa. Mỹ ủng hộ đồng minh của mình. Trong khi đó, người Palestine đòi hỏi lãnh thổ và không gian riêng, nơi người dân của họ có thể sống một cách hòa bình như họ đã từng sống trong hàng ngàn năm qua. Trong khi những người theo phái tự do có thể tin rằng những cuộc đàm phán có thể giải quyết được vấn đề của hai dân tộc cùng sống trên một vùng đất, thất vọng kéo dài nhiều thập kỷ làm cho một số người ủng hộ cách tiếp cận khác. Còn những người theo phái kiến tạo khẳng định rằng, càng nhiều thành viên trong cộng đồng quốc tế coi tuyên bố chủ quyền của Palestine là chính danh, thì Palestine càng có thể hành động như một nhà nước hợp pháp.

 

Chú thích ảnh: Người Palestine trồng cây ô liu trên mảnh đất bị Israel chiếm đóng ở Bờ Tây, khu vực được cả người Israel lẫn người Palestine tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.

 

 

Câu hỏi phân tích

1. Bạn có nghĩ rằng Palestine có thể giành được sụ ủng hộ của cộng đồng quốc tế bằng cách sử dụng chiến lược vừa được trình bày?

2. Mỹ, nước thường xuyên ủng hộ Israel, nên phản ứng như thế nào?

3. Giải pháp một nhà nước có phải là giải pháp thay thế tốt hơn cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên kỉ này không?

a.         Diaa Hadid, “Palestinian Leaders See Validation of Their Statehood Effort,” New York Times, March 19, 2015.

 

Tiêu điểm                        Quan điểm của những người theo phái hiện thực về nhà nước

 

 

Nhà nước là:

- tác nhân độc lập

- bị tình trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế kiềm chế

- có chủ quyền

- được dẫn dắt bởi lợi ích quốc gia - được xác định bằng quyền lực

 

Quan điểm của những người theo phái tự do về nhà nước

Theo quan điểm của những người theo phái tự do, nhà nước có chủ quyền nhưng không phải là tác nhân độc lập. Trong khi họ tin rằng hệ thống quốc tế là tiến trình diễn ra giữa nhiều tác nhân, thì họ cũng coi quốc gia là đấu trường đa nguyên, mà chức năng của nó là giữ vững các luật lệ cơ bản của cuộc chơi. Những luật lệ này đảm bảo rằng các lợi ích khác nhau (cả lợi ích của chính phủ lẫn lợi ích của xã hội) cạnh tranh một cách công bằng và hiệu quả trong tương tác chính trị. Có nhiều lợi ích chứ không phải chỉ có một lợi ích quốc gia duy nhất hoặc nhất thành bất biến. Những lợi ích này thường cạnh tranh với nhau trong khuôn khổ đa nguyên. Lợi ích quốc gia của nhà nước thay đổi theo thời gian, phản ánh lợi ích và tương quan lực lượng của các nhóm cạnh tranh bên trong và đôi khi còn nằm bên ngoài nhà nước.

Về mặt tài nguyên thiên nhiên, những người theo phái tự do tin rằng những lợi ích quốc gia phức tạp có ảnh hưởng tới hành động của nhà nước: Các nhóm người tiêu dùng muốn giá dầu ở mức thấp nhất có thể; các nhà sản xuất, phụ thuộc vào nguồn cung lớn để vận hành nhà máy của họ, coi trọng nguồn cung cấp dầu ổn định, nếu không họ có thể mất việc làm; các nhà sản xuất dầu, trong đó có các nhà sản xuất trong nước, muốn bán với giá cao, để kiếm lời và khuyến khích tái đầu tư vào việc khoan dầu. Nhà nước không có quan điểm nhất thành bất biến về dầu mỏ; nhiệm vụ của nhà nước là đảm bảo rằng “sân chơi phẳng” và các tay chơi khác nhau trên thị trường đều phải tuân thủ các luật lệ như nhau. Kết quả thực chất của tương tác - lợi ích của nhóm nào chiếm ưu thế- thay đổi tùy theo hoàn cảnh và không có ảnh hưởng quan trọng đối với nhà nước. Không có lợi ích quốc gia duy nhất hay lợi ích nhất thành bất biến: đôi khi, là giá tiêu dùng thấp; lúc khác, lại là giá cả ổn định; và lúc khác nữa, lại là giá cao nhằm kích thích sản xuất trong nước. Theo những người theo phái tự do, nhà nước cung cấp đấu trường cho các nhóm, mỗi nhóm có những lợi ích khác nhau, tìm lợi ích chung.

Tiêu điểm                               Quan điểm của những người theo phái tự do về nhà nước

Nhà nước là:

 

- tiến trình, liên quan đến những lợi ích cạnh tranh với nhau

- phản ánh cả lợi ích của chính phủ lẫn lợi ích của xã hội

- kho lưu trữ của những lợi ích quốc gia phức tạp và luôn luôn thay đổi

- người sở hữu những nguồn quyền lực có thể thế chỗ cho nhau

 

 

Quan điểm của phái cấp tiến về nhà nước

Những người theo phái cấp tiến có hai quan điểm thay thế nhau về nhà nước, mỗi quan điểm đều nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản trong quá trình hình thành và hoạt động của nhà nước. Quan điểm mang tính công cụ của những người Marxist coi nhà nước như là cơ quan chấp hành của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản phản ứng trước áp lực trực tiếp của xã hội, đặc biệt là áp lực từ bên trong giai cấp tư sản. Quan điểm mang tính cơ cấu của những người Marxist lại cho rằng nhà nước hoạt động trong cơ cấu của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trong hệ thống đó, nhà nước buộc phải bành trướng, không phải vì áp lực trực tiếp của giai cấp tư sản mà vì nhu cầu của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Cả hai quan điểm này đều cho rằng không có lợi ích quốc gia: hành vi của nhà nước phản ánh các mục tiêu kinh tế. Cả hai quan điểm này đều cho rằng không có chủ quyền thực sự, vì nhà nước liên tục phản ứng với áp lực của tư bản bên ngoài và bên trong.

Theo quan điểm cấp tiến, chính sách của nhà nước đối với những hàng hóa thiết yếu phản ánh lợi ích của giai cấp tư sản chủ sở hữu cùng với quyền lợi của giai cấp tư sản nói chung (quan điểm mang tính công cụ của những người Marxist) và phản ánh cơ cấu của hệ thống tư bản quốc tế (quan điểm mang tính cơ cấu của những người Marxist). Cả hai quan điểm đều coi quá trình đàm phán là có tính bóc lột, nơi mà bên yếu hơn (các nhóm người hoặc nhà nước nghèo và phụ thuộc) bị các nhà tư bản hay các quốc gia tư bản đầy sức mạng bóc lột. Theo tư tưởng cấp tiến, các công ty dầu mỏ quốc tế là các công ty tư bản, có cùng quyền lợi với các quốc gia nắm quyền bá chủ. Các công ty này có thể thương lượng để có giá bán thuận lợi, có hại cho các nước sản xuất dầu yếu hơn, ví dụ như Mexico. Những người theo phái cấp tiến có thể giải thích can thiệp quân sự của Mỹ và châu Âu vào Trung Đông là nhằm bảo vệ nguồn dầu mỏ và khí đốt có tầm quan trọng sống còn, cũng là nguồn gốc sức mạnh của giai cấp tư sản quốc tế.

Tiêu điểm                                                          Quan điểm của phái cấp tiến về nhà nước

 

Nhà nước là:

 

- ban chấp hành của giai cấp tư sản

- bị ảnh hưởng áp lực của giai cấp tư sản

- bị giới hạn bởi cơ cấu của hệ thống tư bản quốc tế

 

 

Quan điểm của phái kiến tạo về nhà nước

Vì những người theo phái kiến tạo coi cả lợi ích quốc gia lẫn bản sắc dân tộc là các quan niệm xã hội, họ định nghĩa nhà nước khắc hẳn với các lý thuyết gia theo các trường phái khác. Đối với người theo thuyết kiến ​​tạo, lợi ích quốc gia không phải là vật chất cũng không phải là cái có sẵn. Theo họ, lợi ích quốc gia là quan niệm, không ngừng thay đổi và tiến hóa, nhằm đáp ứng các yếu tố trong nước và các chuẩn mực và tư tưởng quốc tế. Các nhà nước cùng chia sẻ những mục tiêu và giá trị do các tổ chức quốc tế và phi chính phủ tạo ra trong quá trình hội nhập. Các chuẩn mực này có thể làm thay đổi các ưu tiên của quốc gia, đến lượt mình, những ưu tiên này có thể ảnh hưởng tới hành vi của nhà nước. Vì vậy, các nhà nước cũng  có nhiều bản sắc, trong đó có nhận thức chung về bản sắc dân tộc, nhận thức này cũng thay đổi, và làm thay đổi các ưu tiên của nhà nước và do đó, thay đổi hành vi của nhà nước. Tóm lại, nhà nướctạo ra” hệ thống và hệ thống “tạo ra” quốc gia[5].

Trong khi những người theo phái kiến tạo có thể ít chú ý đến những quan niệm duy vật về quyền lực, được xác định bằng trữ lượng dầu khí, họ có thể tìm cách lý giải quá trình hình thành bản sắc của các nhà nước được hình thành như thế nào nhờ nguồn tài nguyên quí giá đó. Saudi Arabia và các nhà nước vùng Vịnh đã phát triển bản sắc dựa trên nguồn tài nguyên có giá trị, dường như khai thác không bao giờ hết. Dầu mỏ tạo điều kiện cho họ sáp nhập bản sắc đó với bản sắc của họ như là các nhà nước Hồi giáo và xuất khẩu đức tin sang các nước khác.

Như vậy là, mỗi lý thuyết có những quan điểm khác nhau về nhà nước. Có thể thấy những khác biệt này trong bốn chủ đề: bản chất của quyền lực của nhà nước (Quyền lực là gì? Nguồn gốc quan trọng của quyền lực nằm ở đâu?), thực thi quyền lực của nhà nước (tương quan của các kỹ thuật khác nhau trong quản trị quốc gia), chính sách đối ngoại được hình thành như thế nào (cách tiếp cận của những người ủng hộ nhà nước so với cách tiếp cận mang tính công chức/tổ chức hoặc đa nguyên trong quá trình ra quyết định, và các yếu tố quyết địnhchính sách đối ngoại (các yếu tố trong nước trong tương quan với các yếu tố quốc tế).

Tiêu điểm                                                     Quan điểm của phái kiến tạo về nhà nước

 

Nhà nước là:

 

- thực thể được kiến tạo bởi xã hội

- kho lưu trữ các lợi ích quốc gia, những lợi ích này thay đổi theo thời gian

- được định hình bởi các chuẩn mực quốc tế, những chuẩn mực này làm thay đổi ưu tiên của nhà nước

- chịu ảnh hưởng những lợi ích quốc gia luôn luôn thay đổi, những lợi ích này định hình và tái định hình bản sắc

- được xã hội hóa bởi các tổ chức quốc tế và phi chính phủ

 

 

Bản chất của quyền lực nhà nước

Nhà nước là những tác nhân quan trọng vì họ có quyền lực, là khả năng không chỉ tạo ảnh hưởng tới những người khác mà còn kiểm soát được tác động nhằm tạo ra kết quả mà nếu để tự nhiên thì không thể nào xảy ra được. Nhà nước có quyền lực đối với nhau và đối với các tác nhân bên trong nhà nước. Tất cả các lý thuyết đều công nhận mức độ quan trọng của quyền lực, nhưng mỗi lý thuyết lại chú ý đến những loại quyền lực khác nhau. Những người theo phái hiện thực, phái tự do, và phái cấp tiến định nghĩa quyền lực bằng các các thuật ngữ duy vật, phái hiện thực và phái cấp tiến định nghĩa chủ yếu bằng các nguồn tự nhiên và hữu hình, trong khi những người theo phái tự do còn chú ý tới các nguồn lực vô hình. Những người theo phái kiến tạo nhấn mạnh các nguồn phi vật chất, được thể hiện trong sức mạnh của tư tưởng, một trong những nguồn vô hình như thế. Tất cả các trường phái này đều đồng ý rằng quyền lực là đa chiều, năng động và phụ thuộc vào tình huống.

Các nguồn quyền lực tự nhiên

Bằng việc thực hiện quyền lực, các nhà nước tạo ra ảnh hưởng lên những nhà nước khác và có thể kiểm soát đường hướng của các chính sách và sự kiện. Quyền lực có hiệu quả trong việc gây ảnh hưởng đến kết quả hay không còn phụ thuộc, một phần, vào tiềm lực của mỗi bên. Tiềm lực của nhà nước còn phụ thuộc vào các nguồn lực tự nhiên của nó; đối với cả những người theo phái hiện thực và phái cấp tiến, các nguồn lực này là rất quan trọng. Ba nguồn lực tự nhiên quan trọng nhất là qui mô và vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và dân số.

Trước hết, các lý thuyết gia về quan hệ quốc tế công nhận qui mô và vị trí địa lý là nguồn quyền lực tự nhiên. Lãnh thổ rộng lớn tự động mang đến cho nhà nước quyền lực tiềm tàng (khi chúng ta nghĩ về quyền lực, chúng ta nghĩ về các nước lớn - Nga, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Canada hay Brazil). Tuy nhiên, đường biên giới dài có thể là nhược điểm: Phải bảo vệ biên giới, đây là nhiệm vụ khá tốn kém và thường là khó khăn.

Cuối thế kỷ XIX, trong trường phái hiện thực xuất hiện hai quan điểm khác nhau về tầm quan trọng của địa lý trong quan hệ quốc tế. Cuối những năm 1890, sĩ quan hải quân và sử gia Alfred Mahan (1840–1914) viết về tầm quan trọng của việc kiểm soát đại dương. Ông khẳng định rằng nhà nước đang kiểm soát các tuyến đường trên biển là kiểm soát cả thế giới. Đối với Mahan, chủ quyền đối với lãnh thổ không quan trọng bằng tiếp cận và kiểm soát, các tuyến đường biển[6]. Năm 1904, nhà địa lý học người Anh, Sir Halford Mackinder (1861–1947) phản đối quan điểm này. Đối với Mackinder, nhà nước kiểm soát được “vùng trung tâm” lục địa Á-Âu là nhà nước có quyền lực nhất: “Người cai trị Đông Âu kiểm soát được “Vùng trung tâm” lục địa Á-Âu; người cai trị Vùng trung tâm kiểm soát được châu Âu, châu Á và châu Phi gọi là Đảo Của Thế Giới, và người cai trị Đảo Của Thế Giới kiểm soát cả thế giới”[7].

Cả hai quan điểm đều có giá trị thực tế. Quyền lực của nước Anh hồi thế kỷ XVIII và XIX chủ yếu là do nước này thống trị được các đại dương, quyền lực này tạo điu kiện cho nước Anh chiếm những vùng đất xa xôi, trong đó có Ấn Độ, phần lớn châu Phi, Bắc và Trung Mỹ làm thuộc địa. Việc Nga không thể tiếp cận đại dương một cách dễ dàng và kết quả là không thể sử dụng lực lượng hải quân được coi là điểm yếu trong tiềm lực của đất nước này. Kiểm soát các điểm nghẽn chính trên đại dương - Eo biển Malacca, Gibraltar và Hormuz; Dardanelles; Vịnh Ba Tư; kênh đào Suez và kênh đào Panama - được xem là chỉ dấu tích cực của tiềm lực.

Tuy nhiên, vị trí địa lý của vùng đất trung tâm lục địa Á-Âu (Eurasia) theo lập luận của  Mackinder cũng đã được chứng minh là nguồn quyền lực tiềm năng đáng kể. Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Đức đã hành động nhằm bảo đảm quyền lực của mình bằng cách kiểm soát vùng trung tâm Á-Âu, nước này hành động theo đúng giáo huấn của Mackinder - được nhà địa lý học người Đức, Karl Haushofer (1869-1946), làm rõ thêm. Haushofer, từng phục vụ trong quân đội xứ Bavaria và Đức, rất thất vọng trước việc Đức thua trong Thế chiến I. Trong khi khẳng định rằng Đức có thể trở thành quốc gia đầy quyền lực, nếu nước này có thể chiếm được vùng đất trung tâm lục địa Á-Âu, ông đưa môn địa chính trị thành lĩnh vực nghiên cứu có tính hàn lâm. Ông thành lập một viện nghiên cứu và một tờ tạp chí, và trở thành người ủng hộ hàng đầu và là người đề xướng cho việc bành trướng của nước Đức Quốc xã.

Nhưng tiềm lực về địa lý lại được tăng cường hoặc bị giới hạn bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên thiênn nhiên là nguồn thứ hai của quyền lực. Kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn không phải là yếu tố chắc chắn của quyền lực, trừ khi vùng đất rộng lớn đó có các tài nguyên thiên nhiên. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Kuwait, Qatar và các Tiểu Vương Quốc A-Rập thống nhất là những nước nhỏ về mặt địa lý, nhưng có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, có tiềm lực lớn hơn so với diện tích của những nước này. Các nước đều cần dầu mỏ và sẵn sàng mua với giá đắt, và thậm chí sẽ không gây chiến khi những nước xuất khẩu dầu mỏ này không chịu bán cho họ. Các quốc gia có tài nguyên thiên nhiên có giá trị như thế, không phụ thuộc vào quy mô lãnh thổ, có quyền lực đối với những quốc gia không có những nguồn lực đó. Mỹ, Nga và Nam Phi có tiềm năng rất lớn vì những nước này có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng - dầu, đồng, bauxite, vanadium, vàng và bạc. Nga đã lợi dụng quyền lực từ việc kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách/hành động chính trị ở các quốc gia khác khác. Ví dụ, Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine, do đó, giảm nguồn cung cấp cho châu Âu, một phần tư khí đốt châu Âu nhận từ Nga đi qua Ukraine. Trung Quốc đại lục cung cấp hơn 95% đất hiếm, thành phần thiết yếu trong sản xuất công nghệ cao, có thể sử dụng thế độc quyền của mình để ngừng cung vì mục đích chính trị và tăng giá. Tuy nhiên, độc quyền của Trung Quốc đã không còn khi những các mỏ mới ở Australia, Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam bắt đầu được đưa vào khai thác. Ngay cả quyền lực dựa trên các nguốn tài nguyên thiên nhiên cũng có thể có những hạn chế của nó.

Tất nhiên là, có nguồn tài nguyên mà người khác tìm kiếm có thể là mối nguy, làm cho quốc gia trở thành mục tiêu của các vụ xâm lược, như Kuwait trong những năm 1990. Không có nguồn tài nguyên thiên nhiên không có nghĩa là nhà nước không có tiềm lực; Nhật Bản không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng nước này có các yếu tố khác của quyền lực, đủ sức làm cho nó trở thành cường quốc kinh tế.

Dân số là nguồn quyền lực tự nhiên thứ ba. Các quốc gia đông dân, ví dụ, Trung Quốc (1,4 tỷ người), Ấn Độ (1,3 tỷ), Mỹ (321 triệu), Indonesia (256 triệu), Brazil (204 triệu) và Nga (142 triệu), tự động có tiềm lực, và thường là những quốc gia thuộc hàng siêu cường. Mặc dù đông dân thì sản xuất được nhiều loại hàng hoá và dịch vụ, đặc điểm của dân cư (tình trạng sức khỏe, phân bố về tuổi tác, mức dịch vụ xã hội) có thể làm gia tăng hoặc hạn chế quyền lực nhà nước. Các quốc gia không đông dân, nhưng dân chúng có trình độ học vấn, và kỹ năng chuyên môn cao, như Thụy Sĩ, Na Uy, Áo và Singapore, có thể lấp đầy những cách biệt lớn giữa kinh tế và chính trị. Những quốc gia đông dân nhưng tương đối nghèo, như Ethiopia, với 99 triệu người, nhưng tổng sản phẩm quốc gia chỉ 550 USD/người, có thể có ít quyền lực hơn. Các quốc gia có dân số suy giảm, như Nga, hay dân số già hóa nhanh, như Hàn Quốc và Nhật Bản, trong tương lai có thể bị yếu đi vì nguồn quyền lực tự nhiên này bị suy giảm. Chương 11 sẽ bàn về vấn đề này.

Cả hai nguồn lực hữu hình và vô hình đều có thể ảnh hưởng đến phạm vi mà những nguồn quyền lực tự nhiên này được chuyển thành quyền lực trên thực tế. Các nguồn lực này được sử dụng nhằm tăng cường, giảm nhẹ hoặc hạn chế tiềm năng, như Hình 5.1 chỉ rõ.

Hình 5.1                                  Những thành tố của tiềm lực quốc gia

Nguồn quyền lực tự nhiên:

Địa lý, nguồn lực tự nhiên, Dân số

 

Nguồn quyền lực hữu hình:

Phát triển công nghiệp

Cơ sở hạ tầng

Sức mạnh quân sự

 

Nguồn quyền lực vô hình:

Hình ảnh quốc gia

Sự ủng hộ của công chúng

Lãnh đạo

 

Nguồn quyền lực hữu hình

Trong số các nguồn lực hữu hình, phát triển công nghiệp, đa dạng hóa nền kinh tế, mức độ hoàn thiện của cơ sở hạ tầng, và đặc điểm của quân đội là những nguồn lực quan trọng nhất. Có nền công nghiệp tiên tiến thì những lợi thế và bất lợi của địa lý sẽ giảm đi. Ví dụ, du lịch hàng không, làm cho khoảng cách về địa lý không còn là trở ngại đối với giao thương, nhưng đồng thời, làm cho các nước lớn thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn về quân sự. Công nghiệp hóa cũng làm giảm tầm quan trọng của dân số. Quân đội đông, nhưng trang bị bị kém không đối địch nổi những đội ít người nhưng có vũ khí, khí tài tiên tiến hơn. Các quốc gia đã công nghiệp hóa thường có trình độ học vấn cao hơn và công nghệ tiên tiến hơn và sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, tất cả đều đóng góp vào tiềm năng hữu hình của các quốc gia này.

Nguồn quyền lực vô hình

Nguồn quyền lực vô hình - hình ảnh quốc gia, chất lượng của chính phủ, sự ủng hộ của xã hội, ban lãnh đạo và đạo đức - có thể cũng quan trọng như những các nguồn lực hữu hình, dù những người theo phái cấp tiến, tức là những người nhấn mạnh các nguồn lực hữu hình không nghĩ như thế. Người dân trong các nước giữ trong tâm trí hình ảnh về tiềm lực của nước mình - những hình ảnh chuyển hóa thành thành tố hữu hình của quyền lực. Người dân Canada thường coi mình là những người có trách nhiệm trên trường quốc tế và háo hức tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình đa phương, cung cấp các gói viện trợ nước ngoài khá hào phóng, và phản ứng mà không cần tính toán thiệt hơn trước các trường hợp khẩn cấp trên thế giới. Nhà nước Canada đã hành động theo hình ảnh đó và, quả thực, đã giúp tạo ra hình ảnh đó, làm cho Canada trở thành tác nhân mạnh mẽ hơn so với dân số khá nhỏ của nước này (35 triệu người). Nhưng hình ảnh có thể thay đổi một cách từ từ, khi chính sách thay đổi. Trong những năm gần đây, quan điểm của Canada, tự coi mình là “người sửa chữa hữu ích” đã suy yếu khi chi tiêu cho quốc phòng và phát triển của nước này lẽo đẽo theo sau các quốc gia phát triển khác. Thủ tướng Justin Trudeau (được bầu vào năm 2015) hy vọng sẽ đảo ngược được xu hướng này.

Nhận thức của các quốc gia khác về mức độ ủng hộ của xã hội và mức độ cố kết là nguồn quyền lực vô hình khác. Dưới thời Mao Trạch Đông (1893–1976), quyền lực của Trung Quốc đã được phóng đại, vì người ta nghĩ rằng dường như ban lãnh đạo cộng sản đã giành được sự ủng hộ cao chưa từng có và mức độ gắn kết xã hội cũng rất cao. Sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ quốc gia cũng có thể là chỉ dấu đầy sức mạnh của quyền lực nhà nước. Các chiến dịch thành công của Israel ở Trung Đông trong các cuộc chiến tranh, năm 1967 và 1973, phần lớn là do sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, trong đó có việc người dân Israel sẵn sàng trả chi phí và hi sinh khi cần.

Khi không được dân chúng ủng hộ, đặc biệt là trong các chế độ dân chủ, tiềm lực của nhà nước sẽ giảm. Xin hãy xem xét ​​những mất mát của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, khi những thách thức và bất đồng với nỗ lực chiến tranh đã làm suy yếu hiệu quả của quân đội. Tình trng không được dân chúng ủng hộ cũng có thể cản trở các chế độ độc tài. Trong hai cuộc chiến tranh, vùng Vịnh năm 1991 và chiến tranh Iraq năm 2003, Saddam Hussein không được quân đội ủng hộ một cách nhiệt tình: Nhiều người không sẵn sàng hi sinh vì chế độ và bỏ trốn. Năm 2015, binh lính Iraq lại một lần nữa vất bỏ vũ khí và cởi bỏ đồng phục khi đối mặt với cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS). Họ không sẵn sàng chiến đấu cho chế độ. Năm 2011, lính đánh thuê của Muammar Qaddafi cũng không sẵn sàng chiến đấu cho Libya, họ mang theo vũ khí và bỏ chạy, tìm đường tới các quốc gia Tây Phi, ví dụ như Mali, và sẵn sàng phục vụ kẻ khác.

Ban lãnh đạo là nguồn quyền lực vô hình khác. Những người có tầm nhìn xa trông rộng và lãnh tụ có sức cuốn hút, như Mohandas Gandhi của Ấn Độ, Otto von Bismarck của Đức, và Winston Churchill của Anh, có thể củng cố được tiềm lực của các quốc gia của họ bằng những sáng kiến ​​táo bạo. Các nhà lãnh đạo yếu kém, những người lãng phí nguồn lực công cộng và lạm dụng lòng tin của xã hội, như Robert Mugabe của Zimbabwe, Nouri al-Maliki của Iraq, và Bashar al Assad của Syria, làm suy yếu quyền lực quốc gia và giảm khả năng sử dụng quyền lực trong dài hạn. Những người theo phái tự do quan tâm đặc biệt tới lãnh đạo: Các nhà lãnh đạo tài giỏi có thể tránh được chiến tranh; các nhà lãnh đạo tồi có thể không ngăn chặn được .

Nói một cách tổng quát hơn, các quốc gia có thể sử dụng những đặc điểm của quyền lực vô hình. Joseph S. Nye gọi là quyền lực mềm, tức là khả năng lôi cuốn người khác vì tính chính danh của các giá trị hay chính sách của quốc gia[8]. Thay vì sử dụng quyền lực tự nhiên và hữu hình, nhà nước có quyền lực mềm tạo ảnh hưởng tới những nhà nước khác bằng cách thể hiện đúng như mình đang là. Quốc gia có thể cuốn hút những quốc gia khác bằng cách trở thành tấm gương cho người ta noi theo. Quyền lực mềm của Mỹ có thể bao gồm mô hình của chế độ dân chủ đang hoạt động và cam kết thực hiện các quyền chính trị và dân sự của người dân. Từ năm 2007, Trung Quốc đã và đang tìm cách gia tăng quyền lực mềm của nước này - danh tiếng là người bảo vệ chủ quyền quốc gia và thành tích về tăng trưởng kinh tế, cũng như các nền văn hóa cổ truyền và các món ăn truyền thống của nước này. Nhưng, một học giả đã phát hiện được rằng, mặc dù mỗi năm Trung Quốc chi cho công việc quảng bá ở nước ngoài khoảng 10 tỉ USD, Trung Quốc tạo được “rất ít ảnh hưởng lên xu hướng văn hóa toàn cầu, nước này có rất ít quyền lực mềm và tạo được hình ảnh xấu hoặc lẫn lộn trong các cuộc thăm dò ý kiến ​​công chúng”[9]. Hàng năm tổ chức Monocle Media đều tiến hành xếp hạng các quốc gia theo chỉ số quyền lực mềm. Dựa trên 50 yếu tố, trong đó có số lượng các sự kiện văn hóa, số huy chương Olympic và chất lượng các công trình kiến ​​trúc, Đức, Anh, Mỹ, Pháp và Nhật Bản là những nước dẫn đầu về quyền lực mềm.

Chú thích ảnh: Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, đã có chuyển hóa lớn trong 25 năm qua, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Với nhiều nguồn lực tự nhiên và hữu hình, Trung Quốc ngày nay được coi là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, các nhà phê bình không đồng ý về hiệu quả của quyền lực mềm. Những người theo phái hiện thực có thể cho rằng quyền lực mềm không hiệu quả bằng quyền lực cứng. Tuy nhiên, khi kết hợp với các nguồn lực hữu hình, quyền lực vô hình có thể tăng cường năng lực hoặc làm giảm quyền lực của nhà nước. Những người theo phái tự do, tức là những người có quan điểm rộng lớn hơn về quyền lực, nhiều khả năng sẽ gán cho những thành tố vô hình này giá trị cao hơn, vì một số thành tố vô hình phản ánh các tiến trình chính trị ở trong nước. Tuy vậy, những kết hợp khác nhau các nguồn lực có thể tạo ra các kết quả khác nhau. Chiến thắng của liên minh NATO, năm 1999, trước các lực lượng Nam Tư do Slobodan Milošević lãnh đạo và chiến thắng của lực lượng này ở Lybia, năm 2011, có thể được giải thích bằng nguồn lực tự nhiên áp đảo của liên minh, cùng với những nguồn lực hữu hình hình đầy sức mạnh của nó. Nhưng làm sao giải thích được chiến thắng của Afghanistan trước các lực lượng Liên Xô, đầu những năm 1980, hay chiến thắng của Bắc Việt Nam trước các lực lượng Mỹ trong những năm 1970, hay chiến thắng của Algeria trước các lực lượng Pháp, đầu những năm 1960? Trong mỗi trường hợp vừa kể, đất nước với các nguồn lực tự nhiên và hữu hình hạn chế đã chiến thắng đất nước có nguồn lực tự nhiên và hữu hình mạnh mẽ hơn. Trong những trường hợp này, các nguồn lực vô hình, trong đó có việc dân chúng sẵn sàng tiếp tục chiến đấu chống lại bên có sức mạnh áp đảo là lí do làm cho phía yếu hơn giành được chiến thắng[10]. Muốn thành công thì phải sử dụng những hình thức quyền lực khác nhau. Kết hợp giữa quyền lực cứng, tức là ép buộc và sử dụng quyền lực mềm, tức là thuyết phục và thu hút, tỉ lệ kết hợp phụ thuộc vào bối cảnh, Nye gọi đó là quyền lực thông minh[11].

Ngược lại, những người theo thuyết kiến tạo có quan điểm khá độc đáo về quyền lực. Họ cho rằng quyền lực bao gồm nhiều thứ hơn là các nguồn lực hữu hình và vô hình. Bên cạnh đó, nó bao gồm sức mạnh của tư tưởng và ngôn từ - khác với ý thức hệ, là những thứ tiếp thêm năng lượng cho chiến thắng, mà một số người cho là khó xảy ra, của phía mà xét một cách khách quan, là yếu hơn như đã nói tới bên trên. Bản sắc quốc gia và chủ nghĩa dân tộc được rèn đúc và thay đổi nh sức mạnh của tư tưởng và chuẩn mực.

Các quốc gia có nhiều hình thức quyền lực khác nhau. Nhưng, như Ấn Độ cho thấy (xem phần Quan điểm trên thế giới, t. 152-53), việc nước này có thể sử dụng quyền lực đó hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả tiềm lực trong nước của quốc gia này.

Sử dụng quyền lực quốc gia

Trong tất cả các lý thuyết, quyền lực không chỉ là vật được sở hữu, mà cần phải được sử dụng. Các quốc gia sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để chuyển dịch tiềm lực thành quyền lực hiệu dụng; cụ thể, những kỹ thuật này gồm có ngoại giao, kinh tế, và quân sự. Trong một tình huống cụ thể, quốc gia có thể bắt đầu bằng một cách tiếp cận và sau đó thử nhiều cách tiếp cận khác nhằm tác động đến mục tiêu mà họ nhắm tới. Trong các trường hợp khác, quốc gia có thể sử dụng một số kỹ thuật khác nhau cùng một lúc. Các nhà chính trị học cho rằng kĩ thuật mà các quốc gia nhấn mạnh thay đổi tùy theo quan điểm lý thuyết. Ngoài ra, các loại nhà nước khác nhau có thể có các lựa chọn khác nhau.

Nghệ thuật ngoại giao

Ngoại giao theo kiểu truyền thống buộc các quốc gia phải tìm cách gây ảnh hưởng đến hành vi của các tác nhân khác thông qua thương lượng, đàm phán, thực hiện một hành động cụ thể hoặc kiềm chế, không thực hiện hành động như vậy, hoặc bằng cách kêu gọi công chúng ở một số nước khác ủng hộ quan điểm nào đó.

Theo Harold Nicolson, nhà ngoại giao và nhà bình luận người Anh, ngoại giao thường bắt đầu bằng đàm phán, thông qua trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm đạt được thỏa thuận. Các bên có thể tiến hành đàm phán một cách bí mật, trong đó, mỗi bên đều nhận thức được rằng di chuyển theo hướng nào đó làm cho phía bên kia phản ứng theo cách có lợi cho họ. Các bên có thể mở các cuộc đàm phán chính thức, công khai, trong đó một bên đưa ra đề xuất chính thức, còn bên kia thì đáp lại; quá trình này thường lặp lại nhiều lần cho đến khi các bên đạt được thỏa hiệp. Trong cả hai trường hợp, phản ứng thường là có đi có lại.

 

Quan điểm trên thế giới

 

Ấn Độ: quan điểm từ quốc gia đang lên

 

Ấn Độ, nền văn minh kéo dài đã hàng ngàn năm, lại là quốc gia tương đối trẻ. Được thành lập năm 1947, sau khi giành được độc lập từ tay Vương quốc Anh và tách khỏi Pakistan, Ấn Độ là quốc gia với rất nhiều dân tộc. Với 22 ngôn ngữ chính thức và 60 sinh ngữ khác, đây là quê hương của người theo Ấn giáo, quê hương của một trong những cộng đồng Hồi giáo đông người nhất trên thế giới, cũng như người theo Kitô giáo, Phật giáo, đạo Sikh, đạo Jain và các tôn giáo khác. Dân cư đa dạng, trong lịch sử chưa từng liên kết dưới chính phủ trung ương tập quyền, đặt ra những cơ hội và thách thức có một không hai trong thế kỉ XXI.

 

Ấn Độ có tiềm lực vượt trội - dân số 1,3 tỷ người, lực lượng lao động trẻ; lãnh thổ rộng lớn được dãy núi Himalaya và Ấn Độ Dương bảo vệ; có đường hàng hải lớn kết nối tiểu lục địa này với cả châu Phi lẫn Đông Nam Á; và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, trong đó có trữ lượng than đá đứng thứ tư thế giới và quặng sắt, quặng mangan, bô-xít và khí tự nhiên cũng khá lớn. Mãi tới thới gian gần đây, các nguồn lực hữu hình của Ấn Độ vẫn lẽo đẽo theo sau các nước khác – mức độ công nghiệp hóa nói chung còn thấp; cơ sở hạ tầng của nước này, trừ ngành đường sắt, rất tệ hại; trong giai đoạn từ những năm 1950 đến những năm 1980 nền kinh tế oằn lưng dưới các chính sách mang màu sắc xã hội chủ nghĩa. Cùng lúc đó, các nguồn lực vô hình của Ấn Độ, tức là những truyền thống thí tuệ và triết học phức tạp, góp phần củng cố quyền lực mềm của nước này, được thể hiện trong văn học, học thuật và phim ảnh.

 

Hệ thống báo chí tự do, hoạt động khá sôi nổi; hệ thống liên bang ngày càng vững chắc có thể dung dưỡng tính đa dạng và thường xuyên có các nhà lãnh đạo đầy quyền lực là nền tảng của chế dân chủ ở Ấn Độ. Việc bầu Narendra Modi lên làm thủ tướng, năm 2014, là một bước đột phá, lần đầu tiên Đảng Bharatiya Janata có thể nắm quyền mà không xây dựng các liên minh chính trị. Chính Modi, là nhà dân chủ kiểu mới - ông không có dây mơ rễ má với bất kỳ gia tộc có tiếng tăm nào, ông được dân chúng bầu vì thành tích quản lí kinh tế ở một bang ở Ấn Độ.

 

Ấn Độ được nhiều người coi là “cường quốc đang lên” - cường quốc đang lên, tương tự như các thành viên khác của khối gọi là BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Đây là những quốc gia có tiềm năng, có quyền lực hữu hình, và các nguồn lực vô hình để trở thành các cường quốc và có lẽ là các siêu cường đang lên. Chắc chắn là, mỗi nước có những đặc thù khác nhau. Ấn Độ được coi là cường quốc đang lên vì các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Ấn Độ là tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu và có khả năng cạnh tranh trên bình diện toàn cầu. Các ngành dịch vụ máy tính và công nghệ thông tin là những tay chơi lớn trong lĩnh vực dịch vụ thuê ngoài trên bình diện toàn cầu, được các tập đoàn tài chính lớn, các ngân hàng quốc tế và các công ty thương mại điện tử sử dụng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cao nhất là gần 7,5%/năm, mặc dù thông thường khoảng 5%/năm. Điện thoại di động đã thâm nhập vào thị trường này, giúp 900 triệu người tiếp cận với công nghệ hiện đại. Trong ngành công nghệ cao, Bangalore chỉ đứng sau Thung lũng Silicon Valley (Silicon Valley), California, và ngày càng có nhiều nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu. Ấn Độ cũng liên kết với cộng đồng kiều dân rất đông đảo, là cầu nối nước này với nhiều quốc gia và các nền kinh tế và có ảnh hưởng tới thế giới quan của Ấn Độ.

 

Dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghệ cao, về mặt đối nội, Ấn Độ đang đứng trước những những thách thức to lớn. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nước này lại có nhiều người nghèo nhất thế giới - trong 10 gia đình ở nông thôn thì có tới 7 sống với dưới 4 USD một ngày. Mặc dù các cộng đồng đô thị đang phình ra, vẫn còn gần 70% người dân sống ở các vùng nông thôn, với mức đầu tư xã hội không đáng kể: Các trường công lập chất lượng thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém; nhiều người chưa được cung cấp nước sạch và điện, còn thiếu những con đường có thể sử dụng được trong mọi điều kiện thời tiết và vệ sinh cơ bản chưa có. 30% người dân sống dưới mức nghèo khổ. Chính phủ không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản.

 

Vậy, “cường quốc đang lên” này có thể trở thành siêu cường hay không? Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân và đã là như thế từ năm 1974. Ấn Độ muốn trở ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – vốn được coi là biểu tượng của việc trở thành siêu cường. Quá trình toàn cầu hóa lĩnh vực kinh doanh của Ấn Độ đã làm lu mờ hoàn toàn các nỗ lực quốc tế của chính phủ. Nhà nước - với quân đội và cảnh sát đầy sức mạnh, đã vượt qua được nhiều thách thức, trong đó có nạn khủng bố và các phong trào sắc tộc-dân tộc chủ nghĩa, nhưng với lịch trình kinh tế trong nước đầy khó khăn – bị giới hạn bởi năng lực của chính nó trong việc đảm nhận những trách nhiệm có tính  toàn cầu.

 

Câu hỏi phân tích

  1. Những vấn đề đối nội của Ấn Độ ngăn cản, không cho nước này gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu như thế nào?
  2. Nếu bạn là nhà lãnh đạo người Ấn trong lĩnh vực kinh doanh tư nhân, bạn sẽ đưa ra cho chính phủ những khuyến cáo nào nhằm thúc đẩy quyền lợi của Ấn Độ trên trường quốc tế?
  3. Khái niệm “cường quốc đang lên” có ích trong nghiên cứu quan hệ quốc tế hay không?

 

 

 

 

Tuy nhiên, để các cuộc đàm phán thành công, mỗi bên cần phải tỏ ra là đáng tin; có nghĩa là, mỗi bên cần phải đưa ra các tuyên bố đáng tin, có quan điểm thích hợp và có thể hỗ trợ quan điểm của mình bằng hành động thực tế. Các bên có thiện chí và đáng tin sẽ có nhiều khả năng thực hiện được các cuộc đàm phán thành công.

Chẳng mấy khi các quốc gia tham gia thương lượng hoặc đàm phán ngoại giao như là các bên bình đẳng về quyền lực. Mỗi quốc gia đều biết mục tiêu và tiềm lực của mình, và tất nhiên, có một số ý tưởng về mục tiêu và tiềm lực của đối phương, dù thông tin về đối thủ có thể không hoàn hảo, không đầy đủ hoặc hoàn toàn sai. Như vậy, dù kết quả của thương lượng hầu như luôn luôn là hai bên cùng có lợi (nếu không, mất thì giờ đàm phán làm gì?), kết quả đó không thể làm các bên hài lòng như nhau. Và mức độ hài lòng của mỗi bên có thể thay đổi, khi có thông tin mới hoặc các điều kiện thay đổi sau một thời gian.

Mặc cả và thương lượng là các tiến trình phức tạp, ít nhất là do hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, hầu hết các quốc gia đều tiến hành đồng thời hai cấp thương lượng: Thương lượng trên trường quốc tế, giữa các quốc gia, và thương lượng giữa các nhà đàm phán của quốc gia và cử tri trong nước, cả hai tiến trình thương lượng này là nhằm đạt được quan điểm đàm phán và phê chuẩn thỏa thuận. Nhà chính trị học Robert Putnam gọi đây là “trò chơi hai cấp”[12].

Những cuộc đàm phán giữa P5 (5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc) +1 (Đức) và Iran về các chương trình vũ khí hạt nhân của Iran là minh họa cho trò chơi hai cấp, vì mỗi quốc gia đều thực hiện hai chương trình đàm: thứ nhất với nước ngoài và thứ hai, với chính trường trong nước. Những nhà đàm phán Iran phải đáp ứng đòi hỏi của lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, những từ ngữ khó nghe của ông này với các cử tri bảo thủ ca ngợi khả năng tự quyết của Iran trong việc lựa chọn giải pháp an ninh cho chính mình đồng thời phải làm cho Mỹ và các nước đối tác tin rằng có thể đạt được thỏa hiệp. Còn các nhà đàm phán Mỹ thì phải làm dịu bớt đòi hỏi của phe đối lập ở trong nước trong đó có đảng viên Cộng hòa, những người ủng hộ Israel, và Ủy ban Công vụ Mỹ-Israel (AIPAC) thân Israel, vốn có thái độ phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào với nhà nước khủng bố Iran. Điều làm cho việc đàm phán  này trở thành cực kì phức tạp là “những động thái hợp lý của một người tham gia bàn đàm phán này…có thể thất sách cho chính người đó ở bàn đám phán khác”[13]. Nhà đàm phán là mắt xích liên kết chính thức giữa hai cấp đàm phán. Những người theo phái hiện thực cho rằng trò chơi hai cấp như thế bị hạn chế trước hết bởi cơ cấu của hệ thống quốc tế, trong khi những người theo phái tự do sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận áp lực và khích lệ ở trong nước.

Thứ hai, mặc cả và đàm phán, một phần, là hoạt động liên quan tới văn hóa. Các nền văn hóa khác nhau có phương pháp tiếp cận khác nhau - đây là quan điểm được nhiều người thuộc phái tự do chấp nhận vì họ cho rằng khác biệt giữa các quốc gia có vai trò quan trọng. Người ta đã xác định được ít nhất hai kiểu đàm phán[14]. Hai kiểu này có thể dẫn đến kết quả trái ngược nhau. Các quốc gia công nghiệp hóa tiên tiến hơn như Mỹ, Anh và Đức ủng hộ thảo luận chi tiết cụ thể, tránh các cuộc tranh luận mang tính triết học hoành tráng và thích bắt tay vào giải quyết các vấn đề cụ thể và tìm ra giải pháp cho các vấn đề cụ thể trước khi các nguyên tắc rộng hơn được làm rõ. Các nước khác, nhiều nước trong thế giới đang phát triển, tranh luận theo phong cách diễn dịch - từ các nguyên tắc chung đến ứng dụng cụ thể. Cách tiếp cận này có thể che giấu xung đột về chi tiết, để giải quyết trong giai đoạn sau. Sự khác biệt trong phương pháp đàm phán có thể dẫn đến bế tắc hoặc thậm chí, đôi khi, đổ vỡ.

Sử dụng ngoại giao công chúng là kỹ thuật ngoại giao ngày càng phổ biến trong thế giới đã liên kết về thông tin. Ngoại giao công chúng nhắm tới cả hai mục tiêu là dân chúng và giới tinh hoa nước ngoài, nhằm tạo ra hình ảnh tổng thể giúp tăng cường khả năng đạt được mục tiêu ngoại giao của đất nước. Ví dụ, khi là Bộ trưởng ngoại giao, Hillary Rodham Clinton đã ghé thăm hơn 100 quốc gia, nhằm nêu bật vai trò của phụ nữ và thúc đẩy các giá trị Mỹ - dân chủ và nhân quyền. Ngoại giao công chúng của Trung Quốc sử dụng Viện Khổng Tử nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trên toàn thế giới.

Trước và trong Chiến tranh Iraq, năm 2003, ngoại giao công chúng trở thành công cụ ngoại giao đặc biệt hữu ích. Các quan chức chính quyền Mỹ không chỉ chuẩn bị tâm lí chiến tranh cho dân chúng Mỹ trong các cuộc phỏng vấn và trên báo chí mà còn vận động cả các quốc gia thân thiện lẫn chống đối, cả trong các cuộc đàm phán trực tiếp lẫn gián tiếp, thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, trong đó có các phương tiện truyền thông Ả Rập độc lập - mạng truyền hình Al Jazeera được Qatar tài trợ. Bộ Ngoại giao lập ra Mạng lưới Phát thanh Trung Đông (Middle East Radio Network), trong đó có Radio Sawa và Alhurra. Radio Sawa phát các bản nhạc nổi tiếng của phương Tây và Trung Đông, rồi xen vào bằng các các bản tóm tắt tin tức. Đài phát thanh Alhurra – thành lập năm 2004 - gây ra nhiều tranh cãi hơn, thu hút phần lớn thị trường Iraq, và trong Mùa xuân Ả Rập ở Ai Cập, khoảng 25% người dân Cairo và Alexandria đã nghe đài phát thanh này. Al Jazeera vẫn là nguồn tin tức số một cho khoảng 55% người dân trong thế giới Ả Rập. Rõ ràng là các quốc gia trong thời đại thông tin đã có trong tay thêm một công cụ ngoại giao nữa, nhưng ngoại giao công chúng có thay đổi “trái tim và khối óc” người dân hay không là vấn đề còn gây tranh cãi.

Ngoại giao thông qua những người nổi tiếng là một hình thức khác của ngoại giao công chúng, nhưng ngoại giao thông qua những người nổi tiếng không chỉ nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến công chúng mà còn thuyết phục những người ra quyết định. Những người nổi tiếng như Bob Geldof, Bono, Angelina Jolie và George Clooney có thể sử dụng phương tiện truyền thông của mình nhằm ủng hộ một sự nghiệp cụ thể, vận động hành lang và nói chuyện trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới. Không có người nổi tiếng nào hoạt động hiệu quả bằng George Clooney và công việc ông làm nhân danh nhân dân Darfur và Nam Sudan. Được gọi là “chính khách thế kỷ XXI”, Clooney đã trở thành chuyên gia và người được tư nhân tài trợ nhằm theo dõi các vụ di chuyển của lực lượng vũ trang; ông ta cho rằng mình cần phải giúp “hướng các phương tiện thông tin đại chúng tới những nơi mà họ đã từ bỏ trách nhiệm của mình. Chúng ta không thể ra chính sách, nhưng chúng ta có thể ‘khuyến khích’ các chính trị gia hơn hẳn trước đây”[15].

Nhưng ngoại giao có thể cần phải bao gồm nhiều việc hơn là đàm phán và thuyết phục công chúng. Các nhà đàm phán có thể cần sử dụng các biện pháp khác của nghệ thuật quản lí nhà nước, trong đó có khích lệ tích cực (như công nhận về ngoại giao hoặc viện trợ nhằm đổi lấy hành động đáng mong muốn) và đe dọa về những hậu quả tiêu cực (giảm hoặc ngừng viện trợ, đóng băng các liên hệ ngoại giao, sử dụng bạo lực) nếu quốc gia mục tiêu tiếp tục đi theo hướng cụ thể nào đó. Công cụ quản lí nhà nước không chỉ gồm ngoại giao mà còn có kinh tế và quân sự.

Quan điểm những người theo phái tự do là nói chuyện, thông qua tất cả các hình thức ngoại giao, thì tốt hơn là không nói chuyện với đối thủ. Họ cho rằng, dù khác biệt có như thế nào đi nữa thì thảo luận cũng sẽ làm rõ được vấn đề, thu hẹp sự khác biệt và khuyến khích thương lượng. Sử dụng những hành động mạnh mẽ hơn, như kinh tế và lực lượng vũ trang, có thể làm cho ngoại giao trở thành kém hiệu quả và nên là phương sách cuối cùng. Những người theo phái hiện thực có thái độ hoài nghi hơn về giá trị của ngoại giao. Mặc dù cho rằng có một số lợi ích, nhưng họ có xu hướng coi các mục tiêu của nhà nước vốn dĩ là đã mâu thuẫn rồi. Do đó, họ cho rằng, các cuộc đàm phán và ngoại giao chỉ có hiệu quả khi được hỗ trợ bằng quyền lực kinh tế hoặc quân sự.

Biện pháp kinh tế

Các quốc gia không chỉ thực thi quyền lực bằng ngôn từ. Họ có thể sử dụng các biện pháp kinh tế - cả lôi kéo (đôi khi được gọi là trừng phạt tích cực) và trừng phạt (hoặc trừng phạt tiêu cực) – nhằm gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác[16]. Lôi kéo quốc gia khác, trong đó có chìa ra “củ cà rốt”, dẫn dụ quốc gia mà mình nhắm tới hành động theo hướng mong muốn bằng cách thưởng cho những động thái mà nước này làm theo hướng họ mong muốn. Giả định ở đây là việc khuyến khích sẽ làm cho quốc gia mà mình nhắm tới thay đổi hành vi của mình. Tuy nhiên, trừng phạt được áp dụng thường xuyên hơn: Đe dọa hành động hoặc thực hiện những hành động trừng phạt quốc gia mà ta nhắm tới vì đã làm những hành động theo hướng mà ta không muốn. Mục tiêu của việc sử dụng “cây gậy” (trừng phạt) có thể là trừng phạt hoặc khiển trách nhà nước mà ta nhắm tới vì những hành động mà nước này đã làm hoặc tìm cách thay đổi hành vi trong tương lai của quốc gia mà ta nhắm tới. Bảng 5.1 cho thấy các ví dụ về lôi kéo tích cực và các biện pháp trừng phạt.

Kể từ giữa những năm 1990, các quốc gia ngày càng áp đặt các biện pháp trừng phạt thông minh, trong đó có đóng băng tài sản của chính phủ và/hoặc cá nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt hàng hóa (ví dụ dầu, gỗ hoặc kim cương). Mục tiêu không chỉ là “cái gì” mà còn là “ai”, khi cộng đồng quốc tế tìm cách gây ảnh hưởng tới các cá nhân và nhóm nổi loạn cụ thể, giảm thiểu tình trạng mơ hồ và lỗ hổng, và tránh được các thiệt hại lớn về mặt nhân đạo của các biện pháp trừng phạt thông thường. Mặc cho những sửa đổi như thế, những người theo phái tự do vẫn có thái độ thận trọng đối với các biện pháp trừng phạt, họ tin rằng ngoại giao là biện pháp hiệu quả hơn. Mặt khác, các lý thuyết gia theo phái hiện thực tin rằng cần phải sử dụng quyền lực hoặc đe dọa sử dụng quyền lực, sử dụng các biện pháp trừng phạt hoặc vũ lực một cách thường xuyên hơn.

 

Bảng 5.1                                                       Các biện pháp kinh tế

Ràng buộc tích cực

Hành động

Ví dụ

Ban choCho quốc gia mà ta nhắm tới những ưu đãi thương mại như đã từng cho các đối tác thương mại tốt nhất (tối huệ quốc), coi đấy là động lực cho việc thay đổi chính sách.

Mĩ Mỹ dành cho Trung Quốc địa vị tối huệ quốc, mặc dù nước này có thành tích rất kém về nhân quyền.

Cho tiến hành những giao dịch nhạy cảm với quốc gia mà ta nhắm tới, kể cả các thiết bị dùng trong lĩnh vực quân sự.

Pháp và Đức xuất khẩu sang Iran mặc dù Iran có thái độ thù địch với phương Tây

Bảo lãnh các khoản đầu tư cho các công ty hoặc giảm thuế, coi đấy là động lực cho việc đầu tư vào quốc gia mà ta nhắm tới.

Mĩ Mỹ bảo lãnh cho các công ty muốn đầu tư vào Nam Phi sau khi chế độ phân biệt chủng tộc ở nước này bị dỡ bỏ.

Cho nhập sản phẩm của quốc gia mà ta nhắm tới với thuế suất ưu đãi nhất.

Các nước đã công nghiệp hóa cho nhập khẩu hàng hóa tử các nước đang phát triển với thuế suất thấp.

Trừng phạt tiêu cực

Trừng phạt

Ví dụ

Đóng băng tài sản của quốc gia mà ta nhắm tới

Mĩ Mỹ đóng băng tài sản của Iran trong thời gian diễn ra khủng hoảng con tin năm 1979; đóng băng tài sản của Libya từ năm 2011 đến nay; đóng băng tài sản của Nhà nước Hồi giáo và của Mặt trận al-Nusra từ năm 2014 đến nay.

Cấm vận vũ khí

Sudan (du kích quân) từ năm 2004 cho đến nay, Iran từ năm 2006 cho đến nay, Bắc Triều Tiên từ năm 2006.

Hạn chế xuất hoặc nhập khẩu một số công nghệ và sản phẩm

Liberia (kim cương) từ 2001 đến 2007; Bờ Biển Ngà (kim cương, từ 2004 đến 2014; Somalia (than củi), từ năm 2012 đến nay.

Trừng phạt toàn diện

Iraq, từ 1990 đến 2003; Nam Tư, từ 1992 đến 1995.

 

Quốc gia phải có tiềm lực thì mới sử dụng được những công cụ kinh tế vừa nói. Các quốc gia có nhiều nguồn lực khác nhau thì cũng có nhiều công cụ hơn. Rõ ràng là, chỉ các nước có nền kinh tế thịnh vượng có thể cấp giấy phép, bảo lãnh đầu tư, cấp các khoản ưu đãi cho các quốc gia đặc biệt, đóng băng tài sản nước ngoài hoặc tẩy chay một cách hiệu quả. Những người theo phái cấp tiến thường nhấn mạnh thực tế này nhằm minh họa cho sự chi phối của hệ thống tư bản quốc tế.

Dù những người theo phái cấp tiến không đồng ý, những người theo phái tự do khẳng định rằng, trong những hoàn cảnh đặc biệt, các quốc gia đang phát triển cũng có một số đòn bẩy kinh tế. Nếu một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia kiểm soát được một nguồn lực quan trọng nhưng chỉ sản xuất một cách hạn chế thì quyền lực của họ sẽ được củng cố. Trong số các hàng hóa quan trọng nhất, dầu mỏ thuộc loại này, và đã tạo điều kiện cho các nước thành viên Ả Rập trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp đặt các biện pháp trừng phạt về dầu mỏ đối với Mỹ và Hà Lan, khi hai nước này ủng hộ mạnh mẽ Israel trong cuộc Chiến tranh Ả Rập-Israel, năm 1973.

Các biện pháp trừng phạt có thể làm thay đổi mà cũng có thể không làm thay đổi được hành vi của quốc gia mà chúng nhắm tới. Nam Phi minh họa việc áp dụng tương đối thành công các biện pháp trừng phạt kinh tế. Khi chính sách “ràng buộc mang tính xây dựng” của chính quyền Reagan thất bại, năm 1986, Quốc hội Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm chống lại chế độ phân biệt chủng tộc của Nam Phi, dù trước đó tổng thống đã phủ quyết đạo luật này. Theo Đạo luật Chống Apartheid Toàn diện (Comprehensive Anti-Apartheid Act), Mỹ đã cùng với các quốc gia khác và Liên Hợp Quốc, những nước và tổ chức đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 1992, chế độ ở Nam Phi do người da trắng kiểm soát đã tuyên bố mở cửa về chính trị, đưa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chính quyền của thiểu số da trắng đến chỗ cáo chung. Hầu hết các nhà bình luận đều kết luận rằng các biện pháp trừng phạt có thể có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định của chế độ trong việc thay đổi chính sách, nhưng đó không phải là cách giải thích duy nhất.

Các biện pháp kinh tế không phải lúc nào cũng dẫn tới kết quả đáng mong muốn. Năm 1960, Mỹ áp đặt biện pháp cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba, nhằm trừng phạt chế độ cộng sản do Fidel Castro lãnh đạo; những hạn chế này đã được củng cố và được luật hóa vào năm 1992, làm cho vụ cấm vận thương mại này trở thành vụ dài nhất trong lịch sử. Mãi tới năm 2000 một số hạn chế đối với ngành nông nghiệp và ngành y mới được nới lỏng phần nào. Nhưng, cuối năm 2014, chính quyền Obama quyết định rằng các biện pháp trừng phạt là không có hiệu quả và khởi đầu kỷ nguyên ràng buộc tích cực. Thảo luận với các nhà lãnh đạo và quan chức Cuba, mở lại đại sứ quán Mỹ ở Havana, và sử dụng quyền hành pháp nhằm nới lỏng một loạt các hạn chế về du lịch và thương mại, trong đó có việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, là khởi đầu của quá trình ràng buộc tích cực. Trong khi chỉ có Quốc hội mới có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, chính quyền Obama khởi động chiến lược hoàn toàn khác, làm cho một số người gốc Cuba ở Florida và nhiều đảng viên Cộng hòa choáng váng.

Iraq và Nga là những trường hợp mà kết quả của các biện pháp trừng phạt không rõ ràng, dù những lý do khác nhau và minh họa cho những khó khăn trong đánh giá hiệu quả của chính sách. Trong giai đoạn từ 1991 đến 2003, Iraq là đối tượng của các biện pháp trừng phạt toàn diện nhằm áp lực chế độ Saddam Hussein hủy bỏ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và cuối cùng là lật đổ chính phủ nước này. Các biện pháp trừng phạt có thể đã đạt được mục tiêu ban đầu: Thúc đẩy quá trình giải trừ vũ khí và ngăn chặn, không cho Saddam Hussein khai thác các mỏ dầu của Iraq. Nhưng không đạt được mục tiêu tổng quát hơn: Loại bỏ Saddam; cần phải có hành động quân sự thì mới thực hiện được mục tiêu này. Chúng ta cũng có thể thấy kết quả không rõ ràng của các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu và Mỹ áp đặt lên nước Nga, năm 2014; biện pháp trừng phạt này là phản ứng trước việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ những người ly khai ở Ukraine. Rõ ràng là, kinh tế Nga đã bị tổn thương; đầu năm 2015, kinh tế suy giảm khoảng 2%, tức là mất 26,8 tỷ USD. Các quan chức Nga thừa nhận thiệt hại kinh tế là “đáng kể”, nhưng khẳng định rằng giá đó không phải là cao. Họ sẽ tiếp tục ủng hộ những người ly khai Ukraine, ngay cả khi các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Nga.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm chống lại Iran và các ngành công nghiệp hóa dầu và dầu khí của nước này trong giai đạon 2011-2013, nhẳm loại bỏ quốc gia này ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế, lại có kết quả khác. Mỗi quí, Iran mất khoảng 9 tỷ USD, làm cho đồng tiền của nước này mất giá một cách nhanh chóng và nền kinh tế Iran suy yếu hẳn, ảnh hưởng trực tiếp tới dân chúng vì nạn khan hiếm trong tất cả các lĩnh vực. Kết quả này có thể đã đưa Iran đến bàn đàm phán, năm 2014–2015, mặc dù chúng ta không thể chứng minh đấy là nguyên nhân hoặc lý do cho thỏa thuận chung cuộc.

Vậy, trừng phạt như là công cụ của nhà nước thành công tới mức nào? Một công trình nghiên cứu mang tính thực nghiệm về các biện pháp trừng phạt do LHQ áp đặt (62 trường hợp) chia thành các hình thức trừng phạt khác nhau: Các biện pháp trừng phạt có ý định thay đổi hành vi; các biện pháp trừng phạt hạn chế quyền tiếp cận với các hàng hóa hoặc quỹ có giá trị; và các biện pháp trừng phạt báo hiệu hoặc cảnh báo các quốc gia mà chúng nhắm tới về việc phải ủng hộ các chuẩn mực quốc tế. Công trình nghiên cứu phát hiện được rằng các khoảng 22% các biện pháp trừng phạt là có hiệu quả, theo nghĩa, đạt được ít nhất một trong ba mục đích vừa nói. Các biện pháp trừng phạt có hiệu quả hơn trong việc báo hiệu hoặc chế ngự quốc gia mà chúng nhắm tới hơn là ép những quốc gia này thay đổi hành vi. Chỉ có 10% các vụ trừng phạt là có hiệu quả trong việc buộc các quốc gia mà chúng nhắm tới thay đổi hành vi mà thôi[17].

Những phát hiện này gợi ý rằng trong khi các biện pháp trừng phạt thường được coi là công cụ ít tốn kém hơn và dễ dàng hơn trong việc ép buộc và trừng phạt hơn là sử dụng lực lượng vũ trang, chúng có lẽ chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp mà thôi. Những kết quả này đã dẫn các lý thuyết gia theo phái hiện thực đi tới kết luận rằng các quốc gia phải đe dọa sử dụng vũ lực thì mới đạt được mục tiêu: Thay đổi hành vi của quốc gia khác.

Sử dụng vũ lực

Vũ lực (và đe dọa sử dụng vũ lực) là một công cụ quan trọng khác của chính sách quốc gia và là tư tưởng trung tâm của phái hiện thực. Tương tự như chính sách kinh tế, nhà nước có thể sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc để buộc quốc gia mà nó nhắm tới làm việc gì đó hoặc buộc quốc gia kia rút lại công việc đã làm – ép buộc - hoặc nhằm ngăn chặn kẻ thù, không để kẻ thù làm việc gì đó – răn đe[18]. Các lí thuyết gia theo phái tự do thường ủng hộ chiến lược thúc ép, di chuyển một cách thận trọng sang răn đe, trong khi phái hiện thực ủng hộ biện pháp này.

Một quốc gia có thể sử dụng chiến lược thúc ép, đe dọa sử dụng vũ lực, để buộc một quốc gia khác làm việc gì đó hoặc rút lại công việc mà nước này đã làm. Giai đoạn chuẩn bị cho Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 là ví dụ tuyệt vời về chiến lược này. Mỹ, Liên Hợp Quốc và các thành viên liên minh chống Saddam đã tìm cách buộc Saddam Hussein thay đổi hành động của mình bằng cách sử dụng chiến lược thúc ép với những biện pháp đe dọa ngày càng gia tăng. Việc Iraq xâm lược Kuwait đã bị nhiều nước lên án ngay từ đầu. Các biện pháp mang tính hình thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cung cấp tính chính danh cho việc lên án như thế. Giai đoạn tiếp theo là đóng băng các tài sản kinh tế của Iraq ở nước ngoài và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Cuối cùng, các lực lượng quân sự của Mỹ và liên minh đã được huy động và triển khai, và đặt ra thời hạn cuối cùng cho việc rút quân đội Iraq ra khỏi Kuwait. Trên mỗi bước đi của chiến lược thúc ép đang ngày càng leo thang, thông điệp sau đây đã được chuyển cho Iraq: Rút khỏi Kuwait hoặc sẽ chịu nhiều hành động cưỡng ép hơn. Liên minh phương Tây cũng thực hiện chiến lược tương tự nhằm buộc Serbia chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền đối với người gốc Albania ở Kosovo và rút quân đội khỏi khu vực này. Chiến lược thúc ép cũng được sử dụng trong giai đoạn trước Chiến tranh Iraq năm 2003 - Mỹ và những người khác đe dọa rằng nếu Saddam Hussein không làm một số việc, thì chiến tranh sẽ xảy ra. Đe dọa bắt đầu khi George W. Bush gọi Iraq là thành viên của “trục ma quỉ”; và đe dọa leo thang khi Liên Hợp Quốc phát hiện được Iraq vi phạm nghiêm trọng một nghị quyết của LHQ. Tháng 3 năm 2003, Vương quốc Anh, một trong những đối tác của liên minh, tuyên bố, Iraq phải thực hiện nghị quyết của LHQ trong vòng mười ngày. Và, ngày 17 tháng 3, đe dọa cuối cùng được đua ra: Tổng thống George W. Bush tuyên bố, trong vòng 48 giờ, chế độ Baath của Saddam phải rời bỏ quyền lực, đấy là cơ hội cuối cùng để chiến tranh không xảy ra. Trong tất cả các trường hợp vừa nói, cần phải tấn công vì thúc ép bằng cách gia tăng đe dọa đã không thành công. Lưu ý rằng thúc ép chấm dứt cũng là lúc vũ lực được đem ra sử dụng.

Với chiến lược ngăn chặn, các quốc gia cam kết sẽ trừng phạt quốc gia mà họ nhắm tới nếu quốc gia này làm những việc mà họ không thích. Đe dọa chiến tranh được sử dụng như công cụ của chính sách nhằm can ngăn một quốc gia nào đó, rằng không nên theo đuổi đường lối hành động nào đó. Nếu quốc gia mà họ nhắm tới không làm những việc không được ưa thích, thì chiến lược ngăn chặn đã thành công và tránh được xung đột. Nếu họ cứ hành động, dù đã bị đe dọa, thì quốc gia đe dọa có lẽ sẽ tung ra cú tấn công mang tính tàn phá.

Sau khi vũ khí hạt nhân xuất hiện, năm 1945, chiến lược ngăn chặn đã có ý nghĩa đặc biệt. Ngày nay, nếu một quốc gia quyết định sử dụng bạo lực chống lại quốc gia có vũ hạt nhân, thì phía bên kia có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm chống lại kẻ đe dọa mình. Nếu xảy ra chuyện này, giá phải trả cho việc gây hấn sẽ là quá lớn, không thể chấp nhận được, đặc biệt nếu cả hai quốc gia đều có vũ khí hạt nhân - khả năng tồn tại của cả hai xã hội sẽ chẳng khác gì ngàn cân treo sợi tóc. Do đó, về mặt lí thuyết, các quốc gia nhận thức được khả năng tàn phá của vũ khí hạt nhân sẽ phải thận trọng trước khi có hành động gây hấn. Nhà nước nào đó khó mà biết chắc chắn rằng họ có thể tiêu diệt sức mạnh hạt nhân của địch thủ trong một lần ra đòn - gọi là khả năng tấn công phủ đầu - và thậm chí khả năng là kẻ thù có thể đáp trả bằng đòn tấn công trả đũa sẽ dẫn đến hành vi tự kiềm chế. Do đó, chiến lược răn đe có thể nói là thành công.

Muốn cho chiến lược thúc ép hoặc răn đe có hiệu quả, các quốc gia phải làm công việc chuẩn bị. Họ phải tuyên bố một cách rõ ràng và công khai các mục tiêu và khả năng của mình, sẵn sàng đối đầu với các đe dọa hay thực hiện lời hứa, và thực hiện các cam kết của mình. Tóm lại, mức độ khả tín của quốc gia là cực kì cần thiết cho việc thực hiện chiến lược thúc ép và răn đe. Tuy nhiên, đây không phải là quá trình một bên, đơn phương; nó là tương tác mang tính chiến lược, hành vi của mỗi quốc gia được quyết định không chỉ bởi hành vi của quốc gia đó, mà còn được quyết định bởi những hành động và phản ứng của quốc gia kia.

Tuy nhiên, thúc ép và răn đe có thể thất bại. Nếu thất bại, các quốc gia có thể tiến tới chiến tranh, nhưng ngay cả trong chiến tranh, các quốc gia vẫn có một số lựa chọn. Họ chọn loại vũ khí (hạt nhân hay phi hạt nhân, chiến lược hay chiến thuật, thông thường hay hóa học và sinh học), loại mục tiêu (quân sự hay dân sự, đô thị hay nông thôn) và khu vực địa lý (thành phố, bang, vùng). Họ có thể phản ứng tương tự như đối phương, leo thang, hoặc xuống thang. Trong chiến tranh, diễn ra cả đàm phán ngầm lẫn công khai, cả về cách đánh và cách kết thúc cuộc chiến. Chương 8 sẽ tiếp tục thảo luận về chiến tranh.

 

Chế độ dân chủ, chế độ chuyên quyền và chính sách đối ngoại

Mặc dù tất cả các quốc gia đều sử dụng ngoại giao, kinh tế và vũ lực nhằm thực hiện chính sách đối ngoại, các kiểu chính phủ khác nhau có những lựa chọn chính sách khác nhau hay không? Cụ thể, các quốc gia dân chủ có thực hiện chính sách đối ngoại và lựa chọn chính sách khác với lựa chọn và chính sách của các nhà nước và các nhà lãnh đạo chuyên chế hay không? Chúng ta có thể kì vọng rằng trong các nước dân chủ, các nguồn quyền lực vô hình - hình ảnh quốc gia, sự ủng hộ của dân chúng và nghệ thuật lãnh đạo - quan trọng hơn, vì các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm trước công chúng thông qua các cuộc bầu cử. Nếu kì vọng đó là đúng, thì hành vi trong chính sách đối ngoại của các quốc gia dân chủ có khác với hành vi của các quốc gia phi dân chủ hay độc tài?

Câu hỏi này đã làm bận tâm các nhà triết học, sử học về ngoại giao và các nhà chính trị học trong suốt nhiều thế kỷ. Trong tác phẩm Nền Hòa Bình Vĩnh Cửu (Perpetual Peace - 1795), Immanuel Kant khẳng định rằng quá trình lan tỏa chế độ dân chủ sẽ làm thay đổi nền chính trị quốc tế bằng cách loại bỏ chiến tranh. Ông lập luận rằng, công chúng sẽ rất thận trọng trong việc ủng hộ chiến tranh bởi vì họ có thể là những người bị đau khổ vì những ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh. Do đó, các nhà lãnh đạo sẽ hành động một cách thận trọng và có xu hướng tránh chiến tranh vì những ràng buộc ở trong nước[19]. Sau Kant, giả thuyết dân chủ song hành với hòa bình đã có thêm những lời giải thích khác. Những người theo phái tự do nhấn mạnh quan điểm về các chuẩn mực được các nước cùng chia sẻ và thành viên trong các thiết chế quốc tế nhằm giải thích nền hòa bình lâu dài giữa các chế độ dân chủ. Và, vì các quốc gia dân chủ buôn bán với nhau nhiều hơn là với các quốc gia phi dân chủ, họ muốn tận hưởng những lợi ích kinh tế thu được trong thời bình. Nhiều ý tưởng trong số này đã có sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với Woodrow Wilson, một người ủng hộ mạnh mẽ nền hòa bình dân chủ. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cũng góp thêm lời giải thích cho dân chủ song hành với hòa bình. Vì trong cùng một liên minh, các quốc gia dân chủ thực hiện việc cân bằng quyền lực một cách hiệu quả hơn, giảm được khả năng xảy ra chiến tranh.

Các nhà chính trị học đã xây dựng được một chương trình nghiên cứu sâu rộng liên quan đến lý thuyết dân chủ song hành hòa bình. Các chế độ dân chủ hòa bình hơn các chế độ phi dân chủ? Các chế độ dân chủ ít đánh nhau hơn các chế độ phi dân chủ? Họ thường đánh nhau với các chế độ phi dân chủ hơn là chiến đấu với nhau? Hay đấy là “nền hòa bình tư sản”? Chủ nghĩa tư bản có giải thích được ảnh hưởng mang tính xoa dịu của chế độ dân chủ đối với các cuộc xung đột giữa các quốc gia? Sau khi thu thập dữ liệu về các kiểu chiến tranh khác nhau suốt nhiều thế kỷ, các nhà nghiên cứu đã trả lời được những câu hỏi này. Một công trình nghiên cứu khẳng định giả thuyết nói rằng các chế độ dân chủ không đánh nhau: Từ năm 1789 đến nay giữa các quốc gia độc lập, với các chính phủ được bầu một cách dân chủ, đã không xảy ra bất kì cuộc chiến tranh nào. Một công trình nghiên cứu khác phát hiện được rằng các cuộc chiến tranh có các chế độ dân chủ tham gia thường có xu hướng ít đổ máu hơn, nhưng kéo dài hơn; trong giai đoạn t năm 1816 đến năm 1965, các chính phủ dân chủ không yêu chuộng hòa bình hay thụ động hơn hẳn các nước khác. Các công trình nghiên cứu khác chỉ ra rằng các yếu tố kinh tế-xã hội và toàn cầu hóa có ảnh hưởng mang tính xoa dịu quan trọng hơn là dân chủ hoặc phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế[20]. Nhưng bằng chứng không khẳng định hẳn như thế và những giải thích chỉ có tính cục bộ. Tại sao các quốc gia trong quá trình chuyển đổi sang dân chủ dễ mắc vào xung đột hơn? Làm sao giải thích được khi nào các quốc gia dân chủ không tiến hành chiến tranh? Nói cho cùng, lựa chọn không tiến hành chiến tranh có thể không liên quan nhiều đến đặc tính dân chủ.

Tại sao một số phát hiện về dân chủ song hành với hòa bình lại khác nhau đến như thế? Các nhà nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận của thuyết hành vi cũng nhấn mạnh một số khó khăn như thế. Một số nhà nghiên cứu phân tích dân chủ song hành với hòa bình đã sử dụng những định nghĩa khác nhau về các biến số chính, như dân chủ và chiến tranh. Một số nhà nghiên cứu phân biệt giữa chế độ dân chủ tự do (ví dụ, Mỹ và Đức) và chế độ dân chủ phi tự do (Nam Tư hồi cuối những năm 1990). Ngoài ra, dữ liệu về chiến tranh sẽ khác nhau nếu tính cả những cuộc chiến tranh có chưa tới 1.000 người chết, như một số nghiên cứu đã làm. Và một số công trình nghiên cứu về dân chủ song hành với hòa bình khảo sát những giai đoạn khác nhau. Những khác biệt này trong phương pháp nghiên cứu cũng có thể dẫn đến những kết quả khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả với những hạn chế như thế, phát hiện cơ bản từ công trình nghiên cứu này là các chế độ dân chủ không bị lôi kéo vào các tranh chấp quân sự nhằm chống lại nhau. Phát hiện này có giá trị về mặt thống kê - nghĩa là, không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Nhìn chung, các chế độ dân chủ không yêu chuộng hòa bình hơn các chế độ phi dân chủ; các chế độ dân chủ đơn giản là không đánh nhau. Trên thực tế, các chế độ chuyên chế cũng muốn sống hòa bình với nhau như các chế độ dân chủ. Cơ cấu nhà nước - dù là nhà nước là dân chủ hay chuyên chế - chỉ có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các công cụ chính sách đối ngoại trong một giai đoạn nào đó mà thôi.

Các mô hình ban hành chính sách đối ngoại

Trên thực tế, các quốc gia ban hành sách đối ngoại cụ thể như thế nào? Các chế độ dân chủ có lựa chọn chính sách đối ngoại khác với các chế độ phi dân chủ hay không? Các lý thuyết khác nhau xem xét quá trình ra quyết định như thế nào? Sự khác biệt phụ thuộc phần lớn vào cách chúng ta xem xét các tác nhân bên trong - các nhóm lợi ích, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các doanh nghiệp.

Mô hình duy lí: Phương pháp tiếp cận của phái hiện thực

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng và hầu hết những người theo phái hiện thực đều bắt đầu với mô hình duy lí, tức là quan niệm chính sách đối ngoại những hành động mà chính phủ quốc gia lựa chọn nhằm tối đa hóa các mục tiêu chiến lược của mình. Quốc gia được giả định là tác nhân bất khả phân với các mục tiêu đã được xác định, một tập hợp các lựa chọn và một thuật toán nhằm xác định lựa chọn đáp ứng tốt nhất các mục tiêu của nó. Đây là quá trình tương đối đơn giản, như được thể hiện trên Hình 5.2. Xin xem xét sự kiện xảy ra năm 1996: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) thử tên lửa bằng cách phóng qua bầu trời Cộng hòa Trung Quốc (ROC; Đài Loan), phương pháp tiếp cận duy lí xem xét quy trình hoạch định quyết định của Đài Loan về biện pháp phản ứng như sau (con số tương ứng với từng bước trong Hình 5.2):

1. Trung Quốc phóng tên lửa qua bầu trời Đài Loan là đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Đài Loan.

2. Mục tiêu cả Đài Loan và Mỹ, quốc gia ủng hộ chủ chốt của nước này, là chấm dứt các vụ bắn thử ngay lập tức.

3. Những người ra quyết định của Đài Loan có một số lựa chọn: không làm gì hết; đợi cho đến sau kì bầu cử sắp tới; phản đối qua đường ngoại giao; đưa vấn đề lên Hội đồng Bảo an LHQ; đe dọa hoặc tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Trung Quốc đại lục; hoặc đe dọa hay sử dụng các biện pháp kinh tế (chấm dứt giao thương, áp đặt lệnh trừng phạt hoặc cấm vận).

4. Các nhà lãnh đạo Đài Loan đã phân tích lợi ích và giá phải trả của những lựa chọn này: Trung Quốc đại lục sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an LHQ; dù Đài Loan có thực hiện hành động kinh tế hay quân sự nào nhằm chống lại kẻ thù mạnh hơn thì xác suất thành công cũng không cao, và còn có khả năng tàn phá Đài Loan.

5. Đài Loan, được Mỹ ủng hộ, quyết định phản đối về mặt ngoại giao, đây là bước đi đầu tiên. Không làm gì làm cho người ta nghĩ rằng vụ thử tên lửa là chấp nhận được. Hành động quân sự nhằm chống lại Trung Quốc đại lục có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Các cuộc khủng hoảng, như ví dụ vừa nêu có loạt đặc điểm độc đáo: Các nhà hoạch định chính sách đứng trước sự kiện làm người ta kinh hoàng, có tính chất đe dọa; họ chỉ có khoảng thời gian ngắn để quyết định phản ứng; thường thì chỉ có một nhóm nhỏ người ra quyết định được tham gia vào sự vụ tối mật này; và có rất ít thời gian để các tác nhân bên trong quốc gia có thể tạo được nhiều ảnh hưởng. Trong những trường hợp như thế, sử dụng mô hình duy lí để đánh giá hành vi của đối phương là lựa chọn thích hợp.

Trong tình huống không phải là khủng hoảng, khi một quốc gia biết rất ít về các tiến trình diễn ra bên trong một quốc gia khác – như Mỹ biết rất ít về Trung Quốc đại lục dưới thời Mao Trạch Đông - những người ra quyết định có ít lựa chọn, nhưng giả định rằng quốc gia kia sẽ làm theo mô hình duy lí. Thật vậy, khi không có thông tin tốt hơn, hầu hết các đánh giá của Mỹ về các quyết định mà Liên Xô ban hành trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh đều dựa trên mô hình duy lí. Chỉ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và hồ sơ lưu trữ của chính phủ Liên Xô được công khai hóa, các nhà sử học mới phát hiện được rằng, trên thực tế, Liên Xô không có kế hoạch cụ thể nhằm biến Ba Lan, Hungary, Romania, hoặc các quốc gia Đông Âu khác thành chuyên chính cộng sản hay kinh tế xã hội chủ nghĩa, như Mỹ từng tin tưởng. Dường như kim chỉ nam cho hành động của Liên Xô là các sự kiện xảy ra trong khu vực, chứ không phải là các mục tiêu mang tính ý thức hệ và các kế hoạch theo lối duy lí[21]. Mỹ đã không đúng khi gán mô hình duy lí cho quá trình ban hành quyết định của Liên Xô, nhưng trong trường hợp không có thông tin đầy đủ, đây là cách tiếp cận ít rủi ro nhất: Tình trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế đồng nghĩa với việc quốc gia phải giả định rằng đối thủ của họ sử dụng qui trình ban hành quyết định theo lối duy lí.

Hình 5.2                                               Mô hình duy lí

Nhà nước là tác nhân bất khả phân

Xác định một cách rõ ràng vấn đề

Xác định rõ mục tiêu

Xác định các lựa chọn chính sách

Phân tích lợi ích và giá phải trả của các lựa chọn

Lựa chọn hành động cho kết quả tốt nhất với giá phả trả thấp nhất

Mô hình hành chính/mô hình tổ chức và mô hình đa nguyên: Phương pháp tiếp cận của phái tự do

Không phải tất cả các quyết định đều được ban hành trong quá trình diễn ra khủng hoảng, và không phải tất cả các quyết định đều được ra với rất ít kiến thức về tình hình chính trị nội bộ của các nước khác. Trong những trường hợp này, các quyết định về chính sách đối ngoại có thể là sản phẩm của các cơ quan nhà nước bên dưới chính phủ trung ương hoặc cơ quan quản lí hành chính – tức là các ban ngành hay các bộ trực thuộc chính phủ - mô hình hành chính/tổ chức hoặc các quyết định được ban hành sau khi các cuộc mặc cả giữa các lực lượng ở trong nước – công chúng, các nhóm lợi ích, các phong trào quần chúng và các tập đoàn đa quốc gia - mô hình đa nguyên (xem Hình 5.3).

Trong trường hợp thứ nhất, nền chính trị có tổ chức nhấn mạnh các thủ tục vận hành chuẩn và quy trình của tổ chức. Các quyết định sinh ra từ các quy trình của tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào các tiền lệ; ít khả năng xảy ra những thay đổi lớn trong chính sách. Xung đột có thể xảy ra khi các nhóm khác nhau nằm trong tổ chức có các mục tiêu và quy trình khác nhau. Thường thì các nhóm lợi ích đặc biệt hoặc các tổ chức phi chính phủ có ảnh hưởng mạnh lên những mục tiêu khác nhau. Trong các mô hình của nền chính trị hành chính, các thành viên của bộ máy hành chính ủng hộ những lợi ích khác nhau đàm phán để đưa ra quyết định. Các quyết định do nền chính trị hành chính đưa ra là kết quả của việc giằng co, hay còn gọi là trò chơi kéo co, giữa các bộ, các nhóm, hoặc các cá nhân. Trong cả hai kịch bản, quyết định cuối cùng phụ thuộc vào quyền lực của từng tay chơi trong bộ máy hành chính hoặc tổ chức mà họ là người đại diện.

Trong trường hợp thứ hai, tức là mô hình đa nguyên, các nhóm xã hội có thể có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong các tình huống không phải là khủng hoảng và về các vấn đề cụ thể, thường là các vấn đề kinh tế. Các nhóm xã hội có nhiều biện pháp nhằm buộc người ta ban hành những quyết định thuận lợi hoặc hạn chế ra các quyết định bất lợi cho họ. Họ có thể huy động phương tiện truyền thông và dư luận xã hội, vận động các cơ quan quản lí có trách nhiệm ra quyết định, gây ảnh hưởng lên các cơ quan đại diện (ví dụ, Quốc hội Mỹ, Quốc hội Pháp, Quốc hội Nhật), tổ chức mạng lưới xuyên quốc gia của những người có quyền lợi/quan tâm gần như nhau, và, nếu là người có vị trí cao trong các tập đoàn đa quốc gia thì liên hệ trực tiếp với các quan chức cao cấp nhất trong chính phủ. Các quyết định được đưa ra sẽ phản ánh những lợi ích và chiến lược xã hội đa dạng đó – một kết quả đặc biệt phù hợp với tư duy của những người theo phái tự do. Cả chính sách thương mại lẫn chính sách môi trường đều là những ví dụ nổi bật của mô hình hành chính/tổ chức của quá trình quyết định đang được áp dụng trong các tình huống không phải là khủng hoảng. Bộ máy quản lí hành chính trong các bộ nông nghiệp, công nghiệp và lao động khi bàn tới thương mại, môi trường, kinh tế và lao động; và bộ máy quản lí hành chính trong bộ lao động khi bàn tới môi trường, sẽ tranh đấu đặc biệt kiên cường ngay trong chính phủ của mình nhằm đạt được các chính sách thuận lợi cho các cử tri của mình. Các nhóm nằm trong quốc gia đã xây dựng được quan hệ gắn bó với những bộ này để đảm bảo có được kết quả thuận lợi. Khi thời gian không phải là ràng buộc thực sự, các nhóm quản lí hành chính phi chính thức và các bộ phận tự do huy động lực lượng. Họ tổ chức các cuộc họp, tìm những quan điểm thỏa mãn được tất cả các lợi ích cạnh tranh với nhau. những quyết định này không phải lúc nào cũng duy lí nhất; mà các nhóm thỏa mãn với giải pháp làm tất cả mọi người đều thỏa mãn - có nghĩa là, dàn xếp để đi đến quyết định thỏa mãn được các nhóm cử tri khác nhau mà không đẩy bất kì nhóm nào ra ngoài, ngay cả khi quyết định mà họ đạt được không phải là kết quả tốt nhất có thể.

Những người theo phái tự do khi phân tích đều thích mô hình ban hành quyết định này, vì, đối với họ, nhà nước chỉ là một sân chơi; các tác nhân là những nhóm lợi ích cạnh tranh với nhau trong các cơ quan quản lí hành chính và các tổ chức. Mô hình hình này được áp dụng hiệu quả nhất trong các nước dân chủ qui mô lớn, với cơ cấu thiết chế cho việc ban hành chính sách đối ngoại được chia nhỏ ra, trong đó, trách nhiệm và thẩm quyền được phân chia cho các đơn vị khác nhau. Nhưng khi muốn sử dụng mô hình này trong các nhóm hoạch định chính sách nhằm phân tích hoặc dự đoán hành vi của các quốc gia khác, hoặc sử dụng nó để phân tích các quyết định vì mục đích nghiên cứu, thì cần phải có hiểu biết chi tiết về cơ cấu của chính sách đối ngoại và các cơ quan quản lí hành chính của quốc gia đó.

Mô hình đa nguyên cũng tương thích với các phương pháp tiếp cận của phái tự do. Không có người nào nghi ngờ khả năng vận động của những ngưởi nông dân trồng lúa ở cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc trong việc ngăn chặn nhập khẩu gạo giá rẻ, được trồng ở Mỹ. Không ai phủ nhận quyền lực của các công đoàn lao động Mỹ trong việc ủng hộ các rào cản trước việc nhập khẩu các sản phẩm từ các nước đang phát triển. Không ai nghi ngờ quyền lực của Ủy ban Mỹ-Israel (AIPAC) trong việc gây ảnh hưởng tới nhiều chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột Ả Rập-Israel. Phong trào cấm mìn gài trên mặt đất trong những năm 1990 là một ví dụ khác về quyết định chính sách đối ngoại đa nguyên có nguồn gốc từ dư luận xã hội, phản ánh cách hoạt động của xã hội dân chủ.

Các mô hình hành chính/tổ chức và đa nguyên đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về các quy trình hoạch định chính sách đối ngoại của quốc gia và được áp dụng nhiều trong những tình huống không phải là khủng hoảng. Cần phải có thời gian để mời các quan chức tới hội nghị, cần thời gian để các tổ chức đưa ra các thủ tục vận hành chuẩn, và cần thời gian để các nhóm xã hội tổ chức hoạt động. Trong khủng hoảng, thời gian là quan trọng nhất và khi không có thông tin về bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại của quốc gia, mô hình duy lí là lựa chọn tốt nhất.

Hình 5.3 Mô hình hành chính /mô hình tổ chức và mô hình đa nguyên

Mô hình hành chính /mô hình tổ chức

Các cơ quan quản lí hành chính

Mặc cả trên cơ sở những quyền lợi khác nhau

Các cá nhân

Các tổ chức                                                                                                 Quyết định

Các đơn vị bên dưới

Các quy trình chuẩn

Các đơn vị bên dưới

Mô hình đa nguyên

Các tác nhân tham gia ở trong nước

Các nhóm lợi ích

Các công ty đa quốc gia

Nhà nước                    Quyết định      

Dư luận xã hội

Các phong trào quần chúng

Mô hình tinh hoa: Lựa chọn thay thế của phái cấp tiến.

Trong khi cả hai phái hiện thực và tự do đều thừa nhận rằng, trong lĩnh vực đối ngoại, các quốc gia có những lựa chọn thực sự, dù có dùng mô hình nào để giải thích hành vi của họ, thì những người theo phái cấp tiến lại cho rằng có ít lựa chọn hơn. Theo quan điểm của phái cấp tiến, lợi ích của các nhà tư sản được xác định bởi cơ cấu của hệ thống quốc tế, và lựa chọn của họ được quyết định bởi quyền lợi kinh tế của giai cấp thống trị. Tầng lớp ăn trên ngồi trốc trong nước đã bị các nhà tư sản quốc tế hấp thụ vào hàng ngũ của mình. Vì vậy, trong mô hình tinh hoa mà những người theo phái cấp tiến ủng hộ, các tập đoàn đa quốc gia có vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh hưởng tới quá trình hình thành chính sách đối ngoại.

Lựa chọn của phái kiến tạo

Những người theo phái kiến tạo cho rằng các quyết định về chính sách đối ngoại dựa trên hai yếu tố chính. Thứ nhất, văn hóa mang tính chiến lược của đất nước: Giải thích của những người ra quyết định về kinh nghiệm lịch sử của đất nước, trong đó có triết lý, các giá trị, các thiết chế và nhận thức về địa lý và quá trình phát triển của nó. Nền văn hóa chiến lược của Australia bao gồm sự thỏa hiệp lịch sử-địa lý: Liệu chính sách có được quyết định bởi vị trí của Australia ở châu Á-Thái Bình Dương hay bởi lịch sử của nước này, bởi những quan hệ của nước này với nước Anh và thế giới nói tiếng Anh. Văn hóa chiến lược của Canada được định hình bởi quá trình tìm kiếm vị trí độc lập với Mỹ và độc lập với chính sách của Mỹ, trở nên khó khăn hơn bởi sự gần gũi về địa lý và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Thứ hai, cách giải thích của các nhà lãnh đạo về các chuẩn mực quốc tế có liên quan nhất. Trong khi thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo tiếp thu được các chuẩn mực quốc tế đang giữ thế thượng phong, nhưng họ cũng thường xây dựng các chính sách thông qua các quy trình công khai trước xã hội dân sự ở cả trong nước lẫn quốc tế, trước các phương tiện thông tin đại chúng và các đối tác quốc tế. Chính sách đối ngoại được quyết định bởi niềm tin của các nhà lãnh đạo rằng hành động của họ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà họ đã thu lượm được. Quyết định mà họ đưa ra có thể không giống nhau, vì họ là người thuộc các nền văn hóa chiến lược khác nhau[22]. Tóm lại, những người theo phái kiến tạo có quan điểm toàn diện về quá trình ra quyết định, và các yếu tố trong nước cũng như quốc tế đều được tính đến.

Tóm lược lý thuyết   Những quan điểm đối chọi nhau về quyền lực và chính sách của quốc gia

 

Chủ nghĩa hiện thực/Tân hiện thực

Chủ nghĩa tự do/Hiến định tân tự do

Chủ nghĩa cấp tiến/Thuyết phụ thuộc

Chủ nghĩa kiến tạo

Bản chất của quyền lực quốc gia

Nhấn mạnh quyền lực là khái niệm quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế; địa lý, các nguồn lực tự nhiên, dân số là đặc biệt quan trọng

 

 

Nhiều nguồn quyền lực, hữu hình và vô hình

 

 

Quyền lực kinh tế được tổ chức xung quang các giai cấp

 

 

Quyền lực phụ thuộc vào việc xã hội hóa các chuẩn mực

Sử dụng quyền lực quốc gia

Nhấn mạnh các biện pháp ép buộc, sử dụng vũ lực là chấp nhận được

Một loạt biện pháp; ưu tiên các lựa chọn không ép buộc

Các quốc gia yếu kém có ít biện pháp

Quyền lực là công cụ của giới tinh hoa nhằm làm cho các xã hội hòa nhập với nhau thông qua các chuẩn mực

Cách thức hoạch định chính sách đối ngoại

Nhấn mạnh mô hình duy lí, nhà nước được coi là tác nhân bất khả phân khi quyết định được ban hành

Mô hình hành chính/mô hình tổ chức và mô hình đa nguyên

Các quốc gia không có lựa chọn thực sự, quyết định được áp đặt bởi giới tinh hoa tư sản

Quyết định dựa trên các chuẩn mực kiểm soát lĩnh vực chính sách

Yếu tố quyết định chính sách đối ngoại

Phần lớn là do các yếu tố bên ngoài/quốc tế

Phần lớn là do các yếu tố bên trong

Phần lớn là do các yếu tố bên ngoài; đã lôi kéo được các thành phần ở bên trong

Các yếu tố bên ngoài kết hợp với xã hội dân sự trong nước

 

Mỗi mô hình trên đều cho chúng ta quy trình hoạch định chính sách đối ngoại đã được đơn giản hóa. Mỗi mô hình đều cung cấp cho chúng ta thấy cách mà các nhóm người (cả chính phủ lẫn phi chính phủ) gây ảnh hưởng lên quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Nhưng những mô hình này không cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng khác. Những mô hình này không cho chúng ta biết nội dung của quyết định cụ thể hoặc chỉ ra hiệu quả của chính sách đối ngoại đã được thực hiện.

Thách thức đối với nhà nước

Mặc dù có vai trò quan trọng nhất trong các vấn đề quốc tế, nhà nước đang đứng trước các thách thức xuất phát từ quá trình toàn cầu hóa, các phong trào mang tính ý thức hệ và tôn giá xuyên quốc gia, các phong trào mang tính sắc tộc, tội phạm xuyên quốc gia và các quốc gia dễ đổ vỡ (xem Bảng 5.2). Trong mỗi tiến trình này, các công nghệ mới, xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống - e-mail, Facebook, Twitter, điện thoại di động với máy ảnh, truyền hình vệ tinh trực tiếp và các mạng truyền hình trên toàn cầu như CNN - ngày càng làm suy yếu khả năng của nhà nước trong việc kiểm soát thông tin và vì vậy, làm suy yếu khả năng của nhà nước trong việc kiểm soát các công dân, các nhóm phi chính phủ và hoạt động của họ. Cả các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và Trung Quốc đều đã và đang tiến hành một trận quyết đấu - mà họ nắm chắc phần thua – nhằm “bảo vệ” người dân, không để cho những giá trị thô lậu của phương Tây hay những ý tưởng chính trị nguy hiểm được truyền qua phương tiện truyền thông hiện đại thâm nhập vào đất nước họ. Các công nghệ truyền thông mới này đã và đang tạo điều kiện tổ chức các phong trào xuyên quốc gia và các phong trào mang tính sắc tộc, tội phạm xuyên quốc gia - trong nhiều trường hợp là thách thức đối với quyền hành của các nhà nước.

Toàn Cầu hóa

Bên ngoài, nhà nước bị quá trình toàn cầu hoá, tức là quá trình hội nhập thế giới ngày càng gia tăng về chính trị, kinh tế và văn hóa, cũng là quá trình làm suy yếu chủ quyền quốc gia. Về chính trị, các quốc gia, mà phần lớn các chế độ dân chủ, đang phải đối mặt với các vấn đề xuyên quốc gia - suy thoái môi trường, bệnh tật, tội phạm và các công nghệ thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống – một mình chính phủ không thể quản lý được, như sẽ được thảo luận trong Chương 11. Những hành động hợp tác ngày càng gia tăng nhằm giải quyết những vấn đề này đòi hỏi các quốc gia phải mang chủ quyền của họ ra mặc cả. Trong lĩnh vực kinh tế, thị trường tài chính của các quốc gia gắn bó chặt chẽ với nhau; các công ty đa quốc gia và quá trình quốc tế hóa sản xuất và tiêu dùng làm cho các quốc gia ngày càng khó kiểm soát các chính sách kinh tế của mình và làm cho các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào các lực lượng quốc tế, như sẽ được thảo luận trong Chương 9. Về mặt văn hóa, toàn cầu hóa thúc đẩy cả đồng nhất hóa lẫn khác biệt hóa. Một mặt, mọi người trên khắp thế giới chia sẻ một nền văn hóa bằng cách xem cùng một bộ phim và nghe cùng một bản nhạc. Mặt khác, mọi người còn muốn tách biệt mình ra khỏi những người khác mặc dù vẫn nằm bên trong lực đồng hóa này bằng cách giữ gìn ngôn ngữ bản địa hoặc đòi hỏi quyền tự chủ về chính trị và kinh tế của địa phương. Toàn cầu hóa bùng nổ thúc đẩy cả tiến trình dân chủ hóa cũng như tăng cường quyền lực cho các phong trào xuyên quốc gia.

Bảng 5.2                                                                Thách thức đối với nhà nước

Toàn cầu hóa – chính trị, kinh tế, văn hóa

Làm suy yếu chủ quyền quốc gia, cản trở việc thực thi quyền lực quốc gia, các phương tiện truyền thông đại chúng mới càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Các phong trào tôn giáo và ý thức hệ xuyên quốc gia

Tìm kiếm lòng trung thành và cam kết của các cá nhân bên ngoài quốc gia, làm thay đổi hành vi của nhà nước về một số vấn đề.

Các phong trào tộc chủ nghĩa

Tìm kiếm quốc gia của chính mình; cố gắng thay chính quyền hiện hữu bằng chính quyền đại diện cho quyền lợi của phong trào

Tội phạm xuyên quốc gia

Thách thức uy quyền của nhà nước

Các nhà nước yếu

Đe dọa cuộc sống của những người sống trong những quốc gia đó và đe dọa an ninh của các quốc gia khác trong hệ thống quốc tế

 

Các phong trào tôn giáo và ý thức hệ xuyên quốc gia

Các phong trào xuyên quốc gia, đặc biệt là các phong trào mang tính tôn giáo và ý thức hệ, tự thân chúng đã trở thành những lực lượng chính trị. Từ trước đến nay vẫn có các tôn giáo khác nhau, và số tôn giáo hiện nay cho thấy sự đa dạng (2,2 tỷ người theo Kitô giáo; 1,6 tỷ người theo Hồi giáo; 1 tỷ người theo Ấn giáo; 376 triệu Phật tử; 14 triệu người theo Do Thái giáo). Khác biệt là quá trình dân chủ hóa ngày càng gia tăng - sản phẩm phụ của toàn cầu hóa – tạo cơ hội cho tín đồ của cùng một tôn giáo tổ chức thành hội đoàn xuyên quốc gia và do đó, gia tăng được ảnh hưởng chính trị của họ. Hiện nay, khi các nhóm có thể liên lạc được với các tín hữu của mình và tranh giành quyền lực chính trị cả trong nước lẫn xuyên quốc gia, một số người trong những nhóm này - những người có tinh thần bài thế thục và bài hiện đại – tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với cả nhà nước lẫn các cơ quan quyền lực quốc tế[23]. Cách đây hơn 20 năm, Samuel Huntington, nhà chính trị học nổi tiếng đã dự đoán rằng cuộc xung đột quốc tế lớn tiếp theo sẽ là “đụng độ giữa các nền văn minh”, xuất phát từ những khác biệt cơ bản giữa chế độ dân chủ tự do phương Tây và Hồi giáo chính thống (Islamic fundamentalism)[24]. Nhưng ông không bao giờ dự đoán được chia rẽ về tôn giáo và chính trị sẽ phức tạp đến mức nào.

Phong trào Hồi giáo chính thống cực đoan tạo ra mối đe dọa kép như thế. Dù những người cực đoan Hồi giáo xuất thân từ nhiều quốc gia khác nhau và ủng hộ các chiến lược khác nhau nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng của mình, nhưng tất cả đều thống nhất với nhau bằng niềm tin rằng quyền lực chính trị và quyền lực xã hội phải dựa vào kinh Koran. Phong trào này phê phán một cách quyết liệt cái mà họ cho là sai lầm trong nhiều quốc gia thế tục và kêu gọi một cuộc chuyển hóa triệt để. Những người Hồi giáo cực đoan nhìn thấy sự cách biệt trong thời gian dài giữa khát vọng chính trị và kinh tế của các quốc gia và điều kiện thực tế: Sự phân bố không đồng đều về kinh tế và sự cai trị của giới chóp bu tham nhũng. Các nhóm cực đoan ủng hộ bạo lực, coi đấy là phương tiện nhằm lật đổ những người cai trị tham nhũng và thay họ bằng quyền lực tôn giáo.

Cuộc chiến đấu của người Afghanistan và những người Hồi giáo ủng hộ họ chống lại Liên Xô trong những năm 1980 đã chứng tỏ là sự kiện mang tính kích động đối với phong trào Hồi giáo chính thống cực đoan. Nó đưa những thanh niên Hồi giáo trẻ tuổi tận tụy với tôn giáo của mình, nhưng bất mãn về chính trị và kinh tế từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau; cuộc chiến đấu với kẻ thù “vô thần” đã tạo ra sự gắn kết của nhóm, và cuộc chiến đấu với quân đội Liên Xô được trang bị tốt hơn tạo điều kiện cho họ mài sắc chiến thuật du kích của mình. Những mujahideen (chiến binh thánh chiến) đã giành được niềm tin bằng cách đánh bại quân Liên Xô. Khi trở về quê hương Saudi Arabia, Ai Cập và các vùng khác ở Trung Đông, họ mang theo sứ mệnh – tiến hành cuộc thánh chiến (Jihad) nhằm chống lại những chế độ mà họ coi là không chính danh. Trong cuộc chiến ở Afghanistan, Osama bin Laden, người Saudi Arabia, nổi lên như một người lãnh đạo có sức cuốn hút quần chúng. Năm 1996, khi Taliban giành được quyền lực ở Afghanistan, bin Laden và những mujahideen còn lại lập ra tổ chức gọi là Al Qaeda. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong Chương 8, Al Qaeda chỉ là một trong nhiều nhóm Hồi giáo chính thống, chính cuộc tấn công khủng bố thành công, ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã làm cho tổ chức này trở nên nổi tiếng nhất. Nhưng, từ năm 2007, Al Qaeda đã mất dần sự ủng hộ của dân chúng, và cuộc thăm dò dư luận trong các nước Hồi giáo cho thấy tỷ lệ phản đối là khá cao[25].

Chú thích ảnh: Phản đối chính trị đã trở thành hiện tượng toàn cầu, một phần là do công nghệ truyền thông mới. Trên ảnh, một người Iran sống ở Hy Lạp đang cầm một tấm áp phích với hình ảnh người phụ nữ đẫm máu, được cho là bị giết trong các cuộc biểu tình ở Tehran. Video này đã trở thành tin giật gân trên Internet, gia tăng áp lực lên chính phủ Iran.

Điều mà chỉ có vài nhà bình luận dự đoán được là làm sao mà sự chia rẽ Sunni-Shia trong đạo Hồi lại bị chính trị hóa và bạo lực, ảnh hưởng đến hầu hết các cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay. Về mặt thần học, sự chia rẽ là do vấn đề ai là người kế vị chính danh của Tiên tri Muhammad. Hai nhánh này đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ, nhưng các cá nhân ít khi sử dụng bạo lực với nhau. Cuộc cách mạng do người Shiite ở Iran tiến hành, năm 1979, và cuộc xâm lược nước Iraq, năm 2003, đã trao quyền lực cho đa số người Shiite đối với dân tộc thiểu số người Ả Rập theo phái Sunni và làm cho việc phân chia giáo phái bị chính trị hóa. Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên án cả người Shiite lẫn người Sunni ôn hòa. Vừa thông báo về việc thành lập nhà nước Hồi giáo (caliphate), năm 2014, IS liền chiếm đoạt lãnh thổ của Iraq và lôi kéo được các chiến binh từ hơn 80 quốc gia, và lập thủ đô ở nước Syria đã bị chiến tranh làm cho tan nát. Nhà nước IS đã trở thành lực lượng đầy quyền lực, họ hy vọng sẽ mang lại uy quyền, quyền lực và ổn định thông qua nhà nước Hồi giáo, bằng cách chiếm đoạt lãnh thổ, khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng lãnh thổ chiếm được nhằm thu được sự ủng hộ về kinh tế và thiết lập nền quản trị - với hệ thống pháp lý nghiêm ngặt, trừng phạt ngay lập tc bọn tội phạm, cũng như hệ thống giáo dục và dịch vụ xã hội. Nhưng, không những không đạt được những mục tiêu này mà họ còn giết những người phản đối việc áp dụng một cách nghiêm ngặt luật Hồi giáo, giết người Shiite, và “những người không theo Hồi giáo”, những người không theo đạo từ phương Tây tới vùng này.

Dù những tín đồ Hồi giáo cực đoan, điển hình là IS, chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số hơn 1,6 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới, họ vẫn là phong trào xuyên quốc gia đầy sức mạnh và là thách thức đối với các nước như Iraq, Syria, Saudi Arabia, Lebanon, Iran, và Yemen, cũng như Nigeria, Chad, Cameroon, Algeria và Libya, Philippines và Indonesia. Các nhóm tôn giáo cực đoan khác cũng gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền các nước, dù, do không có nhiều thành viên, họ không phải là thách thức trực tiếp đối với nhà nước. Lực lượng cực đoan bao gồm cả các nhóm Kitô hữu hoạt động ở Mỹ, ví dụ, nhóm người liên kết với Timothy McVeigh, phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom Tòa nhà Liên bang ở Thành phố Oklahoma, năm 1995, và những người và những nhóm cực đoan theo Do Thái chính thống ở Israel và vùng Bờ Tây. Những người Do Thái cực đoan được thúc đẩy bởi một vài tác nhân: Một số do chính phủ Israel đã buộc họ phải đi khỏi những khu định cư bất hợp pháp; một số người thì tìm cách trả thù những người Palestine giết người Do Thái; còn những người khác thì phản đối những xu hướng xã hội, điển hình là vụ xung đột trong cuộc diễu hành của người đồng tính ở Jerusalem, năm 2015.

Không phải tất cả các phong trào xuyên quốc gia đều tạo ra thách thức trực tiếp đối với nhà nước. Thực tế, nhiều phong trào không những không hình thành xung quanh những chia rẽ lớn, như tôn giáo hay ý thức hệ, như đã thảo luận bên trên, mà được xây dựng vì các mục tiêu tiến bộ, như môi trường, nhân quyền và phát triển, hoặc xung quanh các mục tiêu mang tính bảo thủ, như chống phá thai, kế hoạch hóa gia đình hoặc nhập cư. Thường được khích lệ bởi các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức mô tả vấn đề và huy động nguồn lực, những phong trào xã hội này muốn có thay đổi, muốn phát triển những phương pháp tiếp cận mới và ép các chính phủ hành động. Tuy nhiên, những phong trào này thường không làm suy yếu chủ quyền của nhà nước.

Các phong trào dân tộc chủ nghĩa

Một thách thức đầy kịch tính đối với nhà nước là các phong trào dân tộc chủ nghĩa (ethnonational). Cuối thời Chiến tranh Lạnh, thế gii đã chứng kiến các quốc gia đa sắc tộc, ví dụ như Liên Xô và Nam Tư, sụp đổ và thay vào đó là sự xuất hiện các các quốc gia dân chủ. Thay đổi chính trị như thế, cùng với cuộc cách mạng thông tin như máy fax, điện thoại di động, và Internet, đã dẫn đến sự kiện là các phong trào dân tộc chủ nghĩa ngày càng đưa ra nhiều đòi hỏi hơn. Trong khi những đòi hỏi này khác nhau cả về mức độ lẫn chủng loại, mỗi đòi hỏi đều đe dọa sự tồn vong và chủ quyền của các quốc gia được định hình từ lâu.

Một trong những phong trào dân tộc chủ nghĩa phức tạp hơn, tạo được ảnh hưởng trên trường quốc tế là ở vùng Kashmir - khu vực miền núi, giáp ranh Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc – người Kashmir, tuyệt đại đa số là tín đồ Hồi giáo, nhưng từ xưa đến nay vẫn bị người theo Ấn giáo cai trị. Khi Ấn Độ (tuyết đại đa số là người theo Ấn giáo) và Pakistan (tuyệt đại đa số là người theo Hồi giáo) chia thành hai quốc gia độc lập, năm 1947, vua Kashmir, Hari Singh, quyết định liên kết với Ấn Độ, phần đông dân chúng không hài lòng với quyết định này. Năm 1947–1948, và một lần nữa, năm 1965, Ấn Độ và Pakistan đã đánh nhau nhằm tranh giành vùng lãnh thổ vốn đã bị rắc rối vì những căng thẳng và những cuộc đụng độ thường xuyên xảy ra từ khi hai nước giành được độc lập. Đường phân giới được tái lập năm 1972, chia Kashmir thành vùng Kashmir do Ấn Độ quản lí, ở phía đông và phía nam, với 9 triệu người, và Kashmir do Pakistan quản lí ở phía bắc và phía tây, với 3 triệu người. Bên cạnh những lời tuyên bố về chủ quyền trái ngược nhau của Ấn Độ và Pakistan, từ năm 1989, một phong trào ly khai ngày càng mang tính bạo lực hơn đã và đang chiến đấu chống chính quyền Ấn Độ ở Kashmir. Cuộc xung đột sắc tộc ở Kashmir đặc biệt khó giải quyết, vì các phe đều chiến đấu nhằm kiểm soát lãnh thổ và liên kết với vụ xung đột lớn hơn, giữa Ấn Độ và Pakistan. Năm 2003, Ấn Độ và Paki-stan ký thỏa thuận ngừng bắn dọc theo biên giới trong vùng Kashmir, thiết lập quan hệ ngoại giao, mở lại tuyến đường vận tải. Nhưng, mặc cho những vòng đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan, tranh chấp vẫn liên tục xảy ra. Năm 2007, một vụ đánh bom trên tàu hỏa với sức tàn phá lớn đã châm ngòi cho các vụ bạo lực; năm 2012, binh sĩ của cả hai bên bị giết trong các cuộc đụng độ; và, năm 2013, khu vực ranh giới giữa bang Punjab (Pakistan) và bang Jammu và Kashmir (Ấn Độ) chứng kiến sự bùng phát bạo lực tồi tệ nhất so với hàng chục năm trước đó.

Phong trào dân tộc chủ nghĩa là thách thức ngay cả với các quốc gia mạnh nhất. Trung Quốc đã và đang đối mặt với những cuộc bạo loạn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa của người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo trong khu tự trị Tân Cương, một tỉnh nằm ở cực tây bắc của nước này, trong suốt mấy chục năm qua. Ngày nay, Tân Cương (cái tên mà người Duy Ngô Nhĩ cho là kinh tởm), chiếm tới một phần sáu diện tích lãnh thổ Trung Quốc, có 20 triệu người và 13 nhóm sắc tộc. Trong đó, 45% là người Duy Ngô Nhĩ, người Hán chiếm 40%. Trong thế kỉ XVIII, Người Duy Ngô Nhĩ di cư từ thảo nguyên Mông Cổ đến vùng biên giới Trung Quốc. Họ là sắc dân nói tiếng Turkic, theo phái Sufi, một nhánh của Hồi giáo Sunni. Đa số người Duy Ngô Nhĩ sống trong khu vực này, nhưng họ còn sống rải rác ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, Mông Cổ và Afghanistan cũng có, nhưng ít hơn. Họ đấu tranh giành độc lập lâu dài cho khu vực gọi là Uighuristan hay Đông Turkestan.

Ghi chú bản đồ: Kashmir, năm 2016

Ghi chú: Đường phân gii chia tách hai bên trong cuộc xung đột Kashmir.

Trong những năm 1950, khi người ta phát hiện được các mỏ khoáng sản và dầu khí khổng lồ ở Tân Cương thì cũng là lúc người Hán bắt đầu di cư vào khu vực này. Chính phủ động viên người dân di cư và hứa xây dựng cơ sở hạ tầng và công ăn việc làm. Nhưng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người di cư gốc Hán là người chiếm đất; đức tin Hồi giáo của người Duy Ngô Nhĩ, ngôn ngữ truyền thống và thịnh vượng kinh tế của họ bị chính sách của người Hán bóp nghẹt.

Sau ngày 11/9, chính phủ Trung Quốc bắt đầu coi người Duy Ngô Nhĩ và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan là khủng bố. Khi có nhiều người Hán di cư vào khu vực này thì người Hán chiếm được quyền chi phối các phương tiện truyền thông đại chúng và đối đầu gia tăng. Năm 2009, 200 người thiệt mạng và 2.000 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa hai nhóm người này. Năm 2013, những người ly khai Hồi giáo đã giết mấy người Trung Quốc ở trung tâm thành phố Bắc Kinh. Khi người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục gia nhập lực lượng IS, Trung Quốc nhận thấy mối nguy hiểm của phong trào thánh chiến, sự đàn áp gia tăng chỉ cung cấp thêm động lực cho chủ nghĩa cấp tiến của người Duy Ngô Nhĩ mà thôi.

Chính sách của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số là công nhận chính thức, cho quyền tự chủ hạn chế, kiểm soát chặt chẽ từ trung ương. Mặc dù các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc chỉ chiếm 9%, nhưng người thiểu số lại sống rải rác trên những khu vực giàu tài nguyên. Họ thực sự chiếm đa số trên các vùng biên giới quan trọng về mặt chiến lược, không chỉ ở Tân Cương mà còn ở Tây Tạng, Nội Mông và Vân Nam. Những vụ đàn áp ở Tây Tạng (năm 1959 và 2008) và Tân Cương cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thống trị và giữ vững quyền lực trên toàn lãnh thổ quốc gia, biện minh cho việc đàn áp nhân danh tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Với những khó khăn và sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, nhà nước này có thể tiếp tục bị các dân tộc thiểu số thách thức.

Một số thách thức của phong dân tộc có thể dẫn đến xung đột và thậm chí là nội chiến, như Kashmir đã cho thấy. Nhà chính trị học Jack Snyder đã xác định được cơ chế nhân quả, theo đó, những người dân tộc chủ nghĩa của các sắc dân thiểu số thách thức nhà nước trên cơ sở tính chính danh của ngôn ngữ, văn hóa hoặc tôn giáo của họ. Đặc biệt là, khi các thiết chế ngăn chặn của nhà nước tỏ ra yếu kém, giới tinh hoa trong các phong trào dân tộc của nghĩa này có thể kích động quần chúng tiến hành chiến tranh[26]. Bảng 5.3 liệt kê một số những phong trào dân tộc đủ sức thánh thức các quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Bảng 5.3                                            Một số phog trào dân tộc chủ nghĩa

Quốc gia

Nhóm sắc tộc

Công hòa nhân dân Trung Hoa

Người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mãn Châu

Burundi, Rwanda

Người Hutu, người Tutsi

Syria, Iraq, Iran, Thổ NHĩ Kì

Người Kurd

Serbia, Macedonia

Người Albania

Mexico, Guatamala

Người Maya, người Zapotec, Mixtec

Myamar, Thái Lan

Người Karen, người Kachin, người Shan, người Rohingya

Ấn Độ

Người Kashmir

Afghanistan

Người Pashtun, người Hazara, người Tajik, người Uzbeks, người Turkmen

Georgia

Người Abkhaz, Người Ossetes

 

 

Tội phạm xuyên quốc gia

Thách thức rõ ràng nhất đối với nhà nước là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng – toàn cầu hóa làm cho các hoạt động bất hợp pháp trở thành dễ dàng hơn. Các hoạt động này có giá trị lớn hơn, phạm vi rộng hơn và chuyên môn hóa cao hơn, lại được thực hiện một cách dễ dàng hơn vì nhiều đường giao thông và vận chuyển nhanh hơn, thông tin và mạng lưới tài chính điện tử kịp thời hơn. Tội phạm xuyên quốc gia đẩy nhanh việc vận chuyển ma túy bất hợp pháp, hàng giả, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, buôn bán các bộ phận cơ thể người, vi phạm bản quyền và buôn người (Chương 11 sẽ thảo luận những vấn đề này). Tội phạm xuyên quốc gia được tổ chức xung quanh các mạng lưới làm việc linh hoạt và những đường dây buôn lậu khép kín, chuyển tiền điện tử, tội phạm xuyên quốc gia tạo ra các doanh nghiệp mới trong khi làm méo mó các nền kinh tế quốc gia và khu vực. Nói chung, các quốc gia và chính phủ đều không đủ sức phản ứng: Cơ quan quản lí hành chính quan liêu cứng nhắc, thủ tục rườm rà, tranh giành quyền lực giữa các cơ quan và các quan chức tham nhũng làm suy yếu nỗ lực của các quốc gia. Trên thực tế, một số quốc gia - như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nigeria – chủ động tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp vừa nói hoặc không làm gì để ngăn chặn vì các nhà lãnh đạo quan trọng nhận được những khoản lợi nhuận lớn[27].

Các quốc gia khác, ví dụ, Mexico đã có những nỗ lực phối hợp nhằm ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia. Từ năm 2006, Mexico đã có những nỗ lực to lớn nhằm phá vỡ các tập đoàn sản xuất và buôn bán ma túy ở nước này. Nỗ lực leo thang và bạo lực cũng gia tăng. Từ năm 2007 đến năm 2014, hơn 164.000 người đã bị giết, nhiều hơn số người chết ở Iraq và Afghanistan cộng lại. Ước tính khoảng 34% đến 55% các vụ giết người có thể là do các tập đoàn sản xuất và buôn lậu ma túy gây ra. Các vụ giết người theo kiểu tội phạm có tổ chức vẫn là mối đe dọa lớn. Năm 2014, vụ băng đảng khu vực giết hại 43 sinh viên đại học sư phạm đã làm cho cả nước phẫn nộ. Một ban do Ủy hội Nhân quyền Liên Mỹ triệu tập đã lên án chính phủ nước này vì đã che giấu sự có mặt của cảnh sát và quân đội trong khu vực này vào thời điểm đó. Rõ ràng là có những nghi vấn về sự đồng lõa của chính phủ, do cố ý hay vô tình.

Mexico là trường hợp có ảnh hưởng xuyên quốc gia. Những vũ khí loại nhỏ được nhập lậu từ Mỹ vào Mexico làm gia tăng bạo lực; bạo lực băng đảng vượt qua biên giới vào các thành phố của Mỹ; du khách Mỹ không tới các khu nghỉ mát ở Mexico, tạo ra những tác động bất lợi đối với nền kinh tế của nước này. Nhiều quốc gia thấy rất khó kiểm soát và trừng phạt những kẻ tội phạm,  làm suy yếu chủ quyền của chính họ và của các lân bang.

Các nhà nước yếu

Các quốc gia dễ đổ vỡ là những nhà nước có các đặc điểm sau đây: Không có khả năng nắm độc quyền về sử dụng vũ lực hợp pháp trong vùng lãnh thổ của mình, không thể đưa ra quyết định tập thể vì tính chính danh đã bị xói mòn, không có khả năng tương tác với các nhà nước khác trong hệ thống quốc tế hoặc không có khả năng cung cấp dịch vụ công[28]. Khái niệm về nhà nước như vậy được đưa vào từ vựng chính trị vào năm 1992, còn gọi là quốc gia thất bại, Somalia là ví dụ về nhà nước như thế.

Quĩ vì hòa bình (Fund for Peace) cùng với tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy), hằng năm đều công bố Chỉ số Quốc gia Dễ Đổ vỡ (Fragile State Index), dựa trên 12 chỉ dấu về xã hội, kinh tế và chính trị. Nam Sudan, Somalia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Sudan là những quốc gia dễ đổ vỡ nhất. Dù sử dụng thuật ngữ nào - quốc gia dễ đổ vỡ, quốc gia thất bại, quốc gia yếu, quốc gia bất bình thường – hàm ý đều như nhau.

Quốc gia dễ đổ vỡ là mối đe dọa từ bên trong đối với những người dân sống trong lòng nó. Các quốc gia này không thực hiện được một trong những chức năng quan trọng sống còn của nhà nước - bảo vệ người dân khỏi bạo lực và tội phạm. Các quyền chính trị, dân sự và kinh tế của người dân trong quốc gia dễ đổ vỡ thường xuyên bị đe dọa. Các quốc gia như thế không thể phục vụ công dân của mình, mà đấy lại là một trong những điều kiện tiên quyết của chủ quyền. Các quốc gia dễ đổ vỡ cũng là mối đe dọa trên trường quốc tế, đấy là nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố, tội phạm, và cướp biển xuyên quốc gia, ví dụ như Somalia, khi chính phủ nước này không còn kể từ năm 1991. Từ năm 2007, người ta đã tìm cách xây dựng lại chính phủ đó, lực lượng của Liên minh châu Phi (African Union – AU) làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh. Hiến pháp tạm thời, năm 2012, được cho là sẽ dẫn tới các cuộc tổng tuyển cử vào năm 2016. Nhưng trước những khó khăn trong việc tiến hành những cuộc bầu cử truyền thống, những người cao tuổi thuộc bốn gia tộc chính của Somalia sẽ làm những người đại diện dân cử. Khu vực ở phía bắc Somalia không công nhận toàn bộ quá trình này và trên thực tế trở thành quốc gia không được nước nào công nhận. Năm 2016, Libya cũng tiến đến gần vị trí nhà nước dễ đổ vỡ: Không có an ninh vùng biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn và di cư vượt qua Địa Trung Hải; tham nhũng tràn lan; lực lượng tuần duyên không có đủ trang thiết bị, rất ít khi ra khỏi cảng. Dân quân là người đại diện duy nhất của pháp luật. Có ít nhất ba chính phủ ở các vùng khác nhau và căng thẳng xảy ra giữa các bộ lạc và dân quân Hồi giáo. Mỗi chính phủ đều dựa vào lòng trung thành của nhóm người nằm bên trong quốc gia và trung thành với các nhóm khác nhau trên trường quốc tế, trong đó có cả IS. Trong tương lai gần, có nhiều khả năng là Liên Hợp Quốcsẽ không đưa ra kế hoạch cho việc thành lập chính phủ thống nhất quốc gia.

Tổng kết: Quốc gia và những đe dọa vượt ra ngoài quốc gia

Nhà nước giữ vai trò quan trọng nhất trong nền chính trị quốc tế là vấn đề không cần bàn cãi. Trong chương này, chúng ta đã định nghĩa nhà nước theo các lý thuyết cạnh tranh với nhau. Chúng ta đã nhìn vào bên trong nhà nước nhằm mô tả những hình thức quyền lực khác nhau của . Chúng ta đã thảo luận các biện pháp nhà nước sử dụng quyền lực, thông qua các công cụ ngoại giao, kinh tế và cưỡng ép. Chúng ta đã khảo sát câu hỏi liệu một số kiểu chính phủ nhất định – cụ thể là chế độ dân chủ - có cư xử khác với các chế độ phi dân chủ hay không. Chúng ta đã xem xét các tác nhân bên trong nhà nước nhằm nhận dạng các mô hình hoạch định chính sách đối ngoại khác nhau. Và chúng ta cũng đã xem xét những cách thức mà quá trình toàn cầu hóa, các phong trào tôn giáo và ý thức hệ xuyên quốc gia, các phong trào dân tộc chủ nghĩa, tội phạm xuyên quốc gia và các quốc gia dễ đỗ vỡ tạo ra những mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia và sự ổn định của hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, những phong trào này lại phụ thuộc vào các cá nhân, tức là những người lãnh đạo việc thách thức. Một số người nằm trong giới tinh hoa, những người lãnh đạo có uy quyền và có khả năng thu phục được lòng người. Một số là thành phần của phong trào quần chúng. Chúng ta sẽ chuyển sang thảo luận về những người này.

Câu hỏi thảo luận

1. Bạn là người lãnh đạo một nền kinh tế mới nổi, ví dụ, Indonesia. Trong tay bạn có những công cụ quản lí nhà nước nào có thể gây ảnh hưởng đến các lân bang? Nếu không phải là người lãnh đạo nền kinh tế mới nổi mà là người lãnh đạo của một cường quốc đang lên, như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì sao? Bạn có thể sử dụng những công cụ nào?

2. Tìm hai bài báo nói về việc sử dụng quyền lực mềm. Làm sao bạn có thể nói rằng quyền lực mềm có hiệu quả hay không?

3. Các phong trào dân tộc chủ nghĩa là nguồn gốc làm cho nhà nước rơi và tình trạng bất ổn. So sánh hai trường hợp xung đột diễn ra trong thời gian gần đây. Các quốc gia trong ví dụ vừa dẫn giải quyết vấn đề như thế nào? Họ có giải quyết được hay không?

4. Chọn quốc gia được cho là dễ đổ vỡ. Những đề xuất mà bạn có thể đưa ra nhằm biến quốc gia này thành quốc gia có thể phát triển được?

 

Các thuật ngữ chính


chính trị hành chính bureaucratic politics (p. 165)

Ngoại giao thông qua những người nổi tiếng celebrity diplomacy (p. 155)

Thúc ép compellence (p. 160) dân chủ song hành với hòa bình democratic peace (p. 161) Răn đe deterrence (p. 160)

Ngoại gia diplomacy (p. 151)

Các phong trào dân tộc chủ nghĩa ethnonational movements (p. 173)

Hồi giáo chính thống cực đoan extremist Islamic fundamentalism

(p. 171)

Khả năng tấn công phủ đầu first-strike capability (p. 160)

Quốc gia dễ đổ vỡ fragile states (p. 176)

Quốc gia, nhà nước nation (p. 136)

Quốc gia-dân tộc nation-state (p. 136)

Tổ chức phi chính phủ nongovernmental organizations (NGOs) (p. 163)

 Nền chính trị có tổ chức organizational politics (p. 165)

Quyền lực power (p. 145)

Tiềm lực power potential (p. 146) ngoại giao công chúng public diplomacy (p. 155) Biện pháp trừng phạt sanctions (p. 156)

Giải pháp làm mọi người đều thoản mãn satisficing (p. 166)

Khả năng tấn công trả đũa second-strike capability (p. 160)

 



[1] James N. Rosenau, Turbulence in World Politics: A Theory of Change and Continuity (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1990), pp. 117–18.

[2] Graeme Wood, “Limbo World,” Foreign Policy (January–February 2010): 49.

[3]Quoted in Yaroslav Trofimov, “fte Stateless Nation,” The Wall Street Journal, June 20–21, 2015, C2.

[4] Minxin Pei, “The Paradoxes of American Nationalism,” Foreign Policy 134 (May–June 2003): 31–37.

[5] See Martha Finnemore, National Interests in International Society (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1996), chap. 1.

[6] Alfred T. Mahan, The Influence of Seapower upon History 1660–1783 (Boston: Little, Brown, 1897).

[7] Halford Mackinder, “The Geographical Pivot of History,” Geographical Journal 23 (April 1904): 434.

[8] Joseph S. Nye Jr., Soft Power: The Means to Success in World Politics (New York: Public Affairs, 2004).

[9] David Shambaugh, China Goes Global. The Partial Power (New York: Oxford University Press, 2013), p. 207.

[10] Andrew Mack, “Why Big Nations Lose Small Wars: the Politics of Asymmetric Conflict,” World Politics 27:2 (January 1975): 175–200.

[11] Joseph S. Nye Jr., The Future of Power (New York: PublicAffairs, 2011).

[12] Robert D. Putnam, “Diplomacy and Domestic Politics: the Logic of Two-Level Games,” International Organization 42:3 (Summer 1988): 427–69.

[13] Putnam, “Two-Level Games,” 434.

[14] Raymond Cohen, Negotiating across Cultures: Communication Obstacles in International Diplomacy, 2nd ed. (Washington, D.C.: U.S. Institute of Peace, 1997).

[15] John Avlon, “A 21st Century Statesman,” Newsweek (February 28, 2011), p. 16.

[16] David A. Baldwin, Economic Statecraft (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1985).

[17] Biersteker, ftomas, Sue E. Eckert, Marcos Tourinho, and Zuzana Hudakova, The Effectiveness of United Nations Targeted Sanctions: Findings from the Targeted Sanctions Consortium, http:// graduateinstitute.ch/un-sanctions (accessed 10/10/15).

[18] Thomas C. Schelling, Arms and Influence (New Haven, CT: Yale University Press, 1966).

[19] Immanuel Kant, Perpetual Peace: A Philosophical Sketch (1795), reprinted in Kant Selections, ed. Lewis White Beck (New York: Macmillan, 1988).

[20]See, for example, William J. Dixon, “Democracy and the Peaceful Settlement of International Conflict,” American Political Science Review 88 (1994): 14–32; Joe D. Hagan, “Domestic Political Systems and War Proneness,” Mershon International Studies Review 38:2 (October 1994): 183–207; Erik Gartzke, “The Capitalist Peace,” American Journal of Political Science 51:1 (2007): 166–91; Seung-Whan Choi, “Beyond Kantian Liberalism: Peace through Globalization?” Conflict Management and Peace Science 27:3 (2010): 272–95.

[21] Norman M. Naimark, The Russians in Germany: A History of the Soviet Zone of Occupation, 1945–1949 (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1995).

[22] Brendon O’Connor and Srdjan Vucetic, “Another Mars-Venue Divide? Why Australia said ‘yes’ and Canada said ‘non’ to involvement in the 2003 Iraq War, Australian Journal of International Affairs 64:5 (November 2010): 526–48.

[23] See Monica Duffy Toft, Daniel Philpott, Timothy Samuel Shah, God’s Century: Resurgent Religion and Global Politics (New York: W. W. Norton, 2011).

[24] Samuel P. Huntington, The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (New York: Simon & Schuster, 1996).

[25] Audrey Kurth Cronin, “ISIS Is Not a Terrorist Group: Why Counterterrorism Won’t Stop the Latest Jihadist ftreat,” Foreign Affairs 94:2 (March–April 2015): 87–98.

[26]Jack Snyder, From Voting to Violence: Democratization and Nationalist Conflict (New York:

W. W. Norton, 2000).

[27] See Moisés Naím, Illicit: How Smugglers, Traffickers, and Copycats Are Hijacking the Global Economy (New York: Doubleday, 2005).

[28] Defined by Fund for Peace. “Fragile States Index 2015,” www.fundforpeace.org/fsi15-report (accessed 10/12/15).

No comments:

Post a Comment