December 5, 2024

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ (4)

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ  


Karen A. Mingst và

Ivan M. Arrenguin-Toft

 Phạm Nguyên Trường dịch

Lưu ý: Tôi không thể đưa các bản đồ và hình minh hoạ lên Blog, bạn nào muốn nghiên cứu sâu có thể dowload link này để xem xét thêm và đối chiếu: https://oceanofpdf.com/?s=Karen+A.+Mingst+

Chương 4

Hệ thống quốc tế

Ghi chú ảnh: Người dân thành phố Nawa, Syria, xem xét hậu quả các cuộc không kích của Nga, cuối năm 2015. Nga tuyên bố lựa chọn mục tiêu một cách cẩn thận, đấy là lực lượng Hồi giáo cực đoan, kẻ thù của Tổng thống Syria, Bashar al Assad. Nhiều chuyên gia quốc tế phản bác tuyên bố của Nga, họ khẳng định rằng máy bay Nga đã sử dụng bom bi, vốn bị cộng đồng quốc tế cấm và dù sao, họ cũng đã làm nhiều thường dân trong các khu đô thị bị thương.

 

Trong vụ rối loạn theo sau mùa xuân Ả Rập, năm 2011, một số nhà cầm quyền A-Rập độc tài đã bị lật đổ. Đã diễn ra những cuộc biểu tình trên đường phố phản đối Tổng thống Bashar al Assad của Syria, và sau khi bị chính phủ đàn áp bằng bạo lực, những người biểu tình nhanh chóng chuyển thành cuộc nổi dậy vũ trang công khai. Vì các chính phủ châu Âu và Mỹ tin rằng các chế độ độc tài như chế độ của Assad là tàn bạo và bất công, Mỹ và các đồng minh của nước này, cùng với những chính phủ khác, đã ủng hộ một số nhóm khởi nghĩa khác nhau, với mục đích hạ bệ Assad. Khi Syria rơi vào nội chiến, chính phủ chỉ còn kiểm soát được những khu vực và các thành phố nằm ở cực Tây của đất nước này. Năm 2013, người Kurd giành được vùng lãnh thổ phía Bắc, còn Nhà nước Hồi giáo (IS) thì giành được quyền kiểm soát nửa phía Đông Syria. Tháng 9 năm 2015, Liên bang Nga can thiệp và bắt đầu các cuộc không kích chống lại các lực lượng nổi dậy, thỉnh thoảng họ vi phạm vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 10, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tuyên bố rằng nước ông sẽ đưa “quân tình nguyện” tới Syria để chiến đấu trên bộ. Căng thẳng giữa Liên bang Nga và NATO leo thang, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga, tháng 11 năm 2015.

Chắc chắn là, các nhà quan sát những sự kiện này cảm thấy lo lắng về việc không hiểu những hành động của Nga có ảnh hưởng như thế nào tới hệ thống quốc tế. Sự can thiệp của Nga và các đồng minh phương Tây ở Syria có làm suy yếu sự ổn định của hệ thống quốc tế? Liệu sự can thiệp của Nga, cùng với các hoạt động của Nga ở Crimea và Ukraine, có phải là chỉ dấu cho thấy sự thay đổi trong cán cân quyền lực của hệ thống quốc tế? Việc nước Nga hồi sinh có làm thay đổi cơ cấu của hệ thống quốc tế?

Mỗi lý thuyết cạnh tranh với nhau, đã khảo sát trong Chương 3, đều mô tả hệ thống quốc tế theo cách của mình. Với những người theo phái hiện thực và phái cấp tiến, khái niệm hệ thống quốc tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với phân tích của họ, trong khi đối với những người theo phái tự do – phân tích của họ chú trọng vào đặc điểm chính của các quốc gia - hệ thống quốc tế không có vai trò quan trọng như thế. Đối với những người theo phái kiến tạo, khái niệm về hệ thống quốc tế gắn liền với các khái niệm về bản sắc xuất phát từ các quy tắc, tư tưởng và diễn ngôn.

Muốn hiểu hệ thống quốc tế, trước hết chúng ta phải làm rõ khái niệm hệ thống. Nhiều người công nhận định nghĩa sau đây: Hệ thống là một tập hợp các đơn vị, vật thể hoặc các bộ phận được liên kết với nhau bằng một hình thức tương tác thường xuyên nào đó. Hệ thống là khái niệm thiết yếu đối với vật lý học và sinh vật học; hệ thống bao gồm các đơn vị khác nhau tương tác với nhau, ở mức vi mô (tế bào, thực vật, động vật) hay vĩ mô (hệ sinh thái tự nhiên hoặc khí hậu toàn cầu). Vì các đơn vị này tương tác với nhau, bất kỳ thay đổi nào trong đơn vị này cũng tạo ra những thay đổi trong các đơn vị khác. Vì có các bộ phận tương tác với nhau, các hệ thống thường phản ứng theo những cách đã từng xảy ra trong quá khứ; hành động của hệ thống diễn ra theo khuôn mẫu. Ranh giới chia tách hệ thống này ra khỏi hệ thống kia, nhưng trao đổi có thể vượt qua những đường ranh giới đó. Một hệ thống có thể bị sụp đổ khi những thay đổi bên trong lớn đến mức, trên thực tế, một hệ thống mới đã xuất hiện. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét cách thức chính trị học định nghĩa và nghiên cứu hệ thống quốc tế, và sử dụng hệ thống quốc tế như một thấu kính trong phân tích các sự kiện chính trị quốc tế.

Đối tượng nghiên cứu

- Giải thích vì sao khái niệm về hệ thống là biện pháp mô tả và giải thích đầy sức mạnh.

- Tìm hiểu các khái niệm mà những người theo phái hiện thực, phái tự do, cấp tiến và kiến tạo sử dụng để phân tích hệ thống quốc tế.

- Mô tả cách thức mỗi lý thuyết cạnh tranh với nhau giải thích những thay đổi diễn ra trong hệ thống quốc tế.

- Phân tích các vấn đề và/hoặc điểm yếu của khái niệm hệ thống quốc tế.

Những quan điểm cạnh tranh với nhau về hệ thống quốc tế

Trong những năm 1950, cuộc cách mạng của môn khoa học hành vi trong các ngành khoa học xã hội và ngày càng có nhiều người chấp nhận chủ nghĩa hiện thực chính trị trong quan hệ quốc tế đã làm cho các học giả định nghĩa nền chính trị thế giới là một hệ thống và sử dụng ngôn từ của lý thuyết hệ thống. Bắt đầu với giả thuyết cho rằng người ta hành động theo những cách đã từng xảy ra trong quá khứ và các mô hình tương tác của họ với nhau đa số là thói quen, cả những người theo phái hiện thực lẫn những người theo thuyết hành vi đều có một bước nhảy vọt về khái niệm khi cho rằng nền chính trị quốc tế là một hệ thống mà các tác nhân chính là từng nhà nước riêng biệt[1]. Khái niệm về hệ thống như thế bám chặt vào tư tưởng của các trường phái lý thuyết chính về quan hệ quốc tế. Các lý thuyết gia đặc biệt quan tâm tới câu hỏi: Tại sao và làm thế nào tình trạng chiến tranh và kinh tế sụp đổ theo chu kỳ lại chuyển hóa thành điều kiện của nền hòa bình tương đối và phát triển kinh tế bền vững?

Hệ thống quốc tế dưới lăng kính của chủ nghĩa hiện thực

Những người theo phái hiện thực chính trị có quan niệm rõ ràng về hệ thống quốc tế và những đặc điểm cơ bản của nó. Tất cả những người theo phái hiện thực đều coi hệ thống quốc tế là vô chính phủ. Đặc điểm chính của nó là tất cả các quốc gia đều là những nước có chủ quyền (nghĩa là không nước nào có thể can thiệp một cách chính danh vào những vấn đề nội bộ của bất kỳ nước nào) và, theo nghĩa này, các  quốc gia bình đẳng với nhau. Đối với những người theo phái hiện thực, cơ cấu vô chính phủ như thế có hàm ý quan trọng đối với triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài giữa các quốc gia. Những người theo phái hiện thực khẳng định rằng, các quốc gia phải thường xuyên tìm kiếm quyền lực, vì, trong hệ thống vô chính phủ, bảo đảm thực sự duy nhất cho nền an ninh là tự lực cánh sinh. Ngoài ra, sức mạnh chinh phục là thích đáng nhất. Khi làm như vậy, chắc chắn là các quốc gia sẽ xung đột với nhau, dù mục tiêu của họ chỉ đơn giản là tự vệ hoặc chinh phục nước khác.

Để mô tả những khả năng xảy ra chiến tranh và hòa bình trong hệ thống quốc tế, những người theo phái hiện thực sử dụng khái niệm phân cực. Hệ thống phân cực đơn giản là mô tả sự phân bố năng lực giữa các quốc gia trong hệ thống quốc tế bằng cách đếm số quốc gia trong “các cực” (các quốc gia hoặc nhóm quốc gia), cực là nơi tập trung sức mạnh vật chất. Cụ thể là theo những người theo phái tân hiện thực, khả năng hòa bình trong hệ thống chỉ phụ thuộc vào số cực: Càng ít cực, hệ thống càng có nhiều khả năng giữ được ổn định và hòa bình (cho đến nay chúng ta vẫn hiểu “hòa bình” là không có xung đột vũ trang). Chỉ có ba kiu phân cực: đa cực, lưỡng cực và đơn cực (xem Hình 4.1).

Hệ thống đa cực là hệ thống, trong đó sự phân bố sức mạnh chinh phục tập trung ở ít nhất là ba quốc gia. Trong hệ thống trước Thế chiến I, năm quốc gia, bao gồm Anh, Nga, Phổ, Pháp và Áo-Hungary, là hệ thống đa cực, tiến hóa từ cán cân quyền lực sau những cuộc chiến tranh của Napoleon.

Hình 4.1

 

Cực trong hệ thống quốc tế

Hệ thống đa cực: Cán cân quyền lực thế kỷ XIX

Nga

 

Vương quốc Anh

 

Áo - Hung

Pháp

Đức

Hệ thống lưỡng cực: Thời Chiến tranh Lạnh

 

Mỹ

Liên Xô          

Hệ thống đơn cực: Ngay sau Chiến tranh Lạnh?

 

Mỹ

 

 

Hệ thống hiện nay

 

Mỹ - Bá quyền

 

 

 

EU       Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Trong hệ thống đa cực ổn định - hệ thống cân bằng quyền lực – mỗi quốc gia thành viên đều biết rõ các quy tắc hành xử quan trọng nhất. Trong các hệ thống mà những quy tắc này được mọi người chia sẻ và tuân thủ, các liên minh được thành lập vì một mục đích cụ thể nào đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và dịch chuyển vì lợi ích chứ không phải vì ý thức hệ. Người ta nghĩ rằng tất cả những cuộc chiến tranh trong hệ thống đó thực chất là có giới hạn, chỉ nhm duy trì cân bằng quyền lực mà thôi. Tuy nhiên, như đã thấy trong Chương 2, khi một tác nhân quan trọng lờ đi các quy tắc mà mọi người đều hiểu, thì hệ thống có thể mất ổn định.

Hệ thống lưỡng cực là những hệ thống, trong đó sức mạnh chinh phục được tập trung trong hai quốc gia hoặc hai liên minh các quốc gia. Trong hệ thống lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh, mỗi khối (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hiệp ước Warsaw) đã tìm cách đàm phán chứ không gây chiến, và tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm - chứ không phải các cuộc chiến tranh lớn - ở bên ngoài châu Âu. Trong hệ thống lưỡng cực, các liên minh thường tồn tại trong thời gian dài, dựa trên lợi ích tương đối lâu dài, chứ không phải các lợi ích thường xuyên thay đổi. Khác với hệ thống đa cực, mỗi khối trong một hệ lưỡng cực biết rõ xu hướng và quy mô của đe dọa lớn nhất mà nó đang phải đối mặt. Trong hệ thống lưỡng cực cố kết, các tổ chức quốc tế hoặc là không phát triển hoặc là tương đối kém hiệu quả, ví dụ, Liên Hợp Quốc trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Trong hệ thống lưỡng cực lỏng lẻo hơn, các tổ chức quốc tế có thể phát triển, chủ yếu làm trung gian giữa hai khối, và các quốc gia riêng rẽ trong các liên minh lỏng lẻo hơn có thể tìm cách sử dụng các tổ chức quốc tế cho lợi ích của riêng mình. Trong phần lớn giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là những năm 1950 và 1960, hệ thống quốc tế là lưỡng cực - Mỹ, các đồng minh châu Âu và châu Á (NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Việt Nam [trước năm 1975], Philippines, và Australia) của Mỹ đối đầu với Liên Xô và các đồng minh châu Âu và châu Á (Hiệp ước Warsaw, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Triều Tiên và Bắc Việt Nam, và từ năm 1962 có thêm Cuba) của Liên Xô. Nhưng, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mức độ cố kết hay lỏng lẻo tương đối của hệ thống lưỡng cực thường xuyên thay đổi, đấy là khi các nhà nước hùng mạnh, ví dụ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ và Pháp theo đuổi đường lối độc lập.

Hệ thống đơn cực là hệ thống, trong đó sức mạnh chinh phục tất cả các nhà nước khác trong hệ thống nằm trong tay quốc gia duy nhất. Những người theo phái hiện thực với những xu hướng khác nhau vẫn bất đồng về việc liệu, trên thực thế, thế giới đã thấy hệ thống đơn cực thực sự hay chưa (nếu có thì sẽ không còn tình trạng hỗn loạn và xung đột giữa các quốc gia). Nhưng ngay sau Chiến tranh vùng Vịnh, năm 1991, nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận nhất của Mỹ và hầu như tất cả các nước đang phát triển, đều cảm thấy lo ngại rằng hệ thống quốc tế đã trở thành đơn cực. Nói cho cùng, đối thủ chính của nó - Liên Xô và Hiệp ước Warsaw - đã sụp đổ, chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ lớn hơn tổng chi tiêu cho quốc phòng của 15 quốc gia đứng sau Mỹ, và nền kinh tế Mỹ lớn gấp ba lần ba nền kinh tế đứng sát Mỹ cộng lại với nhau. Với mức độ vượt trội như thế, các quốc gia khác lo ngại rằng có thể không thể đối trọng một cách hiệu quả trước quyền lực của Mỹ. Trong thế kỷ XXI, người ta vẫn còn lo lắng như thế. Người ta ít tranh luận về việc liệu Mỹ có kiểm soát được những khả năng áp đảo về vật chất hay không, mà tranh luận nhiều hơn về việc liệu Mỹ có thể biến những khả năng đó thành vị thế thống trị hiệu quả hay không. Nói một cách tương đối, quyền lực của Mỹ đang giảm. Kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng như Brazil và Ấn Độ đang gia tăng, mặc dù không nước nào dám thách thức khoản chi tiêu khổng lồ của Mỹ trong lĩnh vực quân sự, nếu không kể tới những thách thức khiêm tốn của Trung Quốc và Nga. Xu hướng rõ ràng này cho thấy, không chỉ sự phân bố sức mạnh vật chất trên toàn cầu đang dãn ra, mà sức mạnh vật chất có thể không quan trọng như nhiều người giả định, đặc biệt là nếu so với những kiểu quyền lực khác, ví dụ, sức mạnh của tư tưởng.

Ghi chú ảnh: Bức tường Berlin, chia tách Đông Berlin nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Xô khỏi Tây Berlin nằm dưới quyền kiểm soát của Liên minh phương Tây, là một biểu tượng của hệ thống lưỡng cực đặc trưng cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bất chấp quan hệ căng thẳng giữa hai cực, Chiến tranh Lạnh vẫn “lạnh”, một số người theo phái hiện thực coi đấy là bằng chứng về sự ổn định của hệ thống lưỡng cực.

Kiểu hệ thống quốc tế tại bất kỳ thời điểm nào đó cũng đều gây ra những hậu quả đối với việc quản lý và ổn định của hệ thống. Có phải một số cách phân cực nhất định nào đó có thể dễ quản lý hơn và do đó, ổn định hơn so với cách phân cực khác? Chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra hơn trong hệ thống lưỡng cực, đa cực hay đơn cực? Những câu hỏi này đã và đang giữ thế thượng phong trong phần lớn các cuộc thảo luận của những người theo phái hiện thực, nhưng cho đến nay, các công trình nghiên cứu về những mối quan hệ đó chưa rút ra được kết luận cuối cùng.

Rất khó quản lý hệ thống lưỡng cực một cách chính thức, vì không có quốc gia nào nằm ngoài một trong hai khối hay tổ chức quốc tế nào có thể chỉ đạo được hành vi của một trong hai cực. Quản lý theo lối không chính thức có thể dễ dàng hơn. Nếu một trong hai khối có hành vi mang tính phá hoại, hậu quả sẽ hiện ra ngay lập tức, đặc biệt, nếu nó dẫn tới kết quả là một trong hai khối gia tăng được quyền lực hoặc địa vị. Lý thuyết gia theo chủ nghĩa tân hiện thực, Kenneth Waltz, khẳng định rằng, vì khả năng dễ thấy như thế, trong dài hạn, hệ thống quốc tế lưỡng cực là cơ cấu ổn định nhất: Hai bên “có thể tiết chế việc sử dụng bạo lực của phía bên kia và thích nghi với những thay đổi có thể tạo ra bất ổn do việc sử dụng bạo lực mà họ không hoặc không thể kiểm soát được”[2]. Trong hệ thống như vậy, có sự khác biệt rõ ràng giữa quyền lực của mỗi cực so với quyền lực của các tác nhân nhà nước khác. Do sự chênh lệch về quyền lực (giữa quyền lực của khối và của từng quốc gia?), mỗi cực có thể hướng hoạt động của nó gần như hoàn toàn vào phía bên kia. Mỗi bên đều có thể dự đoán được hành động của bên kia và dự đoán chính xác phản ứng của bên kia vì đã nắm được lịch sử của những tương tác lặp đi lặp lại. Mỗi bên đều cố gắng duy trì tình trạng cân bằng quyền lực nhằm bảo đảm sự sống còn của chính mình và hệ thống lưỡng cực. Năm 2012, Waltz nhắc lại luận cứ tương tự như thế trong bài báo “Vì sao Iran nên sở hữu bom” [bom hạt nhân –ND]. Ông khẳng định rằng tiềm lực hạt nhân của Israel làm mất ổn định trong khu vực: “Nếu Iran có bom hạt nhân, Israel và Iran sẽ ngăn chặn nhau, như các cường quốc hạt nhân vẫn làm”. Điều đó sẽ mang lại ổn định[3].

Nhấn mạnh sự ổn định trong hệ thống lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh, John Mearsheimer đã tạo ra cuộc tranh luận bằng cách cho rằng thế giới sẽ cảm thấy tiếc mức độ ổn định và khả năng dự đoán được mà Chiến tranh Lạnh đã tạo ra. Cùng với sự cáo chung của hệ thống lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh, Mearsheimer khẳng định, xung đột giữa các nước sẽ gia tăng và do đó, có nhiều khả năng xảy ra chiến tranh hơn trước. Ông cảm thấy rằng việc ngăn chặn sẽ khó khăn hơn và sai lầm trong tính toán dễ xảy ra hơn. Ông rút ra hệ quả về mặt chính sách rõ ràng như sau: “Phương Tây quan tâm đến việc duy trì hòa bình ở châu Âu. Do đó, phương Tây muốn duy trì trật tự thời Chiến tranh Lạnh, và do đó, muốn tiếp tục cuộc đối đầu thời Chiến tranh Lạnh; những sự kiện đe dọa chấm dứt cuộc đối đầu này là rất nguy hiểm…Chấm dứt hoàn toàn Chiến tranh Lạnh sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là những vấn đề mà nó giải quyết được”[4]. Hầu hết các nhà phân tích không đồng ý với kết luận mang tính khiêu khích này, một phần vì các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống. Tuy nhiên, những người khác cho rằng, việc Nga thôn tính bằng vũ lực bán đảo Crimea từ tay Ukraine như là bằng chứng cho thấy tổng thống hiện nay của Nga, Vladimir Putin, hiểu rõ tầm quan trọng của cạnh tranh lưỡng cực đối với ổn định quốc tế và bắt đầu tiến hành các bước đi nhằm tái kích hoạt cuộc cạnh tranh đó.

Đương nhiên là, cả hệ thống lưỡng cực lẫn hệ thống đa cực đều là hoặc có thể là hệ thống “cân bằng quyền lực”. Theo những người theo phái hiện thực, các hệ thống đa cực có thể rất ổn định, với điều kiện là các tác nhân chủ chốt của hệ thống tiếp thu những các quy tắc cạnh tranh và hợp tác. Tuy nhiên, theo những người theo phái tân hiện thực, các hệ đa cực khó căn bằng quyền lực hơn vì những hệ thống này liên quan đến tình trạng không chắc chắn cố hữu về việc mối đe dọa (trong đó có đe dọa của quốc gia phớt lờ sự cân bằng quan trọng của các quy tắc quyền lực) sẽ xuất hiện ở đâu và khi nào. Vì lý do này, những người theo phái tân hiện thực khẳng định rằng các hệ thống lưỡng cực có thể yên bình hơn. Một lần nữa, bằng chứng thực tế là không rõ ràng.

Ngược lại, các lý thuyết về ổn định mang tính bá quyền cho rằng tình trạng gần với đơn cực - bá quyền - có thể đủ sức tạo ra và duy trì hệ thống quốc tế ổn định. Khi nhà nước bá quyền – từ hegemon có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “dẫn dắt” - có khả năng và sẵn sàng hành động, và hành động bằng những biện pháp có lợi cho những nước được nước này dẫn dắt cũng như có lợi cho chính nước này thì kết quả có thể là một một nền hòa bình lâu dài và thịnh vượng. Trong tác phẩm Quá trình vươn lên và sụp đổ của các siêu cường (The Rise and Fall of the Great Powers) sử gia Paul Kennedy khẳng định, vai trò bá chủ của nước Anh trong thế kỷ XIX và Mỹ trong giai đoạn ngay sau Thế Chiến II dẫn đến ổn định chắc chắn nhất[5]. Những người ủng hộ thuyết này, ví dụ, Robert O. Keohane, cho rằng các quốc gia bá quyền sẵn sàng trả giá – đơn phương, nếu cần - cho việc thực thi các quy tắc nhằm đảm bảo giữ vững hệ thống có lợi cho mình. Khi nhà nước bá quyền mất khả năng về vật chất hay không còn sẵn sàng sử dụng lợi thế về sức mạnh của mình thì sự ổn định hệ thống lâm nguy[6].

Rõ ràng là, những người theo thuyết hiện thực không hoàn toàn đồng ý với nhau về quan hệ giữa phân cực và ổn định. Các nỗ lực của cá nhân và của các nhóm nhằm kiểm tra mối quan hệ này không đưa ra được kết luận dứt khoát. Dự án Correlates of War (đã thảo luận trong Chương 1) đã kiểm tra hai giả thuyết rút ra từ cuộc tranh luận về ổn định-phân cực. J. David Singer và Melvin Small đưa ra giả thuyết nói rằng số nước tham gia liên minh trong hệ thống càng lớn thì hệ thống càng xảy ra nhiều chiến tranh hơn. Họ cũng đưa ra giả thuyết nói rằng hệ thống càng gần với lưỡng cực, thì càng xảy ra nhiều chiến tranh hơn. Tuy nhiên, dữ liệu từ năm 1815 đến năm 1945 cho thấy cả hai giả thuyết trên đều không được chứng minh là đúng. Trong thế kỷ XIX, các cam kết  liên minh góp phần ngăn chặn chiến tranh, trong khi đó, trong thế kỷ XX, tình trạng các liên minh nở rộ dường như lại là nguyên nhân gây ra chiến tranh[7]. Các bằng chứng khác từ những năm 1970 cho thấy, mặc dù sức mạnh kinh tế của Mỹ đã giảm đi, theo nghĩa tương đối, nhưng hệ thống quốc tế vẫn ổn định; sự ổn định của hệ thống không phụ thuộc hoàn toàn vào một cường quốc[8] .

Những người theo thuyết hiện thực và sự thay đổi của hệ thống quốc tế

Đối với những người theo phái hiện thực, bản chất của sự thay đổi trong hệ thống có thể được quy giản thành dàn xếp hòa bình và chiến tranh giữa các siêu cường (các nước nhỏ và trung bình không quan trọng bằng). Nếu cơ cấu đó ảnh hưởng đến khả năng xảy ra chiến tranh và hòa bình trong hệ thống, thì về mặt logic, hiểu nguyên nhân tạo ra thay đổi cơ cấu (ví dụ, trong việc phân cực) sẽ dẫn đến hiểu biết cái gì làm cho chiến tranh hoặc hòa bình dễ xảy ra hơn. Những thay đổi về số lượng tác nhân chính hoặc thay đổi trong quyền lực tương đối của những tác nhân đó có thể tạo ra những thay đổi cơ bản trong cơ cấu của hệ thống quốc tế. Những người theo phái hiện thực cho rằng, chiến tranh là nguyên nhân gây ra những thay đổi cơ bản trong quan hệ quyền lực. Ví dụ, Thế Chiến II làm suy giảm quyền lực tương đối của Vương quốc Anh và Pháp, mặc dù đây là những nước chiến thắng. Cuộc chiến tranh này cũng báo hiệu sự cáo chung không chỉ của những khát vọng đế quốc của Đức và Nhật Bản mà còn báo hiệu sự cáo chung của quyền lực kinh tế và quân sự đáng kể của hai nước này. Quân đội hai nước này đã bị đánh gục hoàn toàn; xã hội dân sự của hai nước này bị phá hủy, cơ sở hạ tầng của họ cũng bị sụp đổ hoàn toàn. Hai cường quốc khác vươn lên vị trí bá quyền – Mỹ, sẵn sàng đảm nhận vai trò quốc tế mà nước này đã bỏ sau khi Thế Chiến I kết thúc, và Liên Xô, nổi lên nhờ chiến thắng, mặc dù bị suy yếu về kinh tế. Hệ thống quốc tế đã thay đổi một cách căn bản; thế giới đa cực được thay thế bằng thế giới lưỡng cực.

Trong tác phẩm Chiến tranh và Thay đổi trong nền chính trị thế giới (War and Change in World Politics), Robert Gilpin trình bày một cơ chế thay đổi hệ thống khác: Các quốc gia phát triển với tốc độ không giống nhau vì các quốc gia có những phản ứng khác nhau trước sự phát triển về chính trị, kinh tế và công nghệ. Tốc độ phát triển không đồng đều đó cuối cùng sẽ dẫn tới quá trình tái phân phối quyền lực và do đó, làm thay đổi hệ thống quốc tế. Ví dụ, các quốc gia công nghiệp hóa một cách nhanh chóng ở Đông Á - Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (nay là một phần của Trung Quốc) - đã phản ứng nhanh nhất trước những thay đổi về công nghệ. Các quốc gia này đã phản ứng nhanh chóng và toàn tâm toàn ý, và đã cải thiện vị trí tương đối của mình. Như vậy là, hành động của một vài quốc gia có thể làm thay đổi đặc điểm của hệ thống quốc tế[9].

Những thay đổi từ bên ngoài trong lĩnh vực công nghệ cũng có thể dẫn đến thay đổi trong hệ thống chính trị quốc tế. Những tiến bộ về công nghệ - ví dụ, khí cụ hàng hải, máy bay vượt Đại Tây Dương, vệ tinh và tên lửa dùng trong nghiên cứu vũ trụ, công nghệ Internet và không gian mạng - không chỉ mở rộng biên giới của không gian (mà một quốc gia) có thể tiếp cận về mặt địa lý mà còn mang lại những thay đổi biên giới của hệ thống chính trị quốc tế. Cũng có thể nói như thế về quá trình nóng lên toàn cầuquá trình tan băng ở vùng cực: Những vùng lãnh thổ chưa được khám phá trước đây và những đường biển trước đây tàu thuyền chưa đi lại được đã tạo ra những lợi ích chiến lược mới trong khu vực này và các quốc gia tiếp giáp với Bắc Cực không phải là những quốc gia duy nhất tìm kiếm lợi ích kinh tế và lãnh thổ trong khu vực này. Những thay đổi từ bên ngoài đem lại như thế đã làm thay đổi quyền lực tương đối của các quốc gia, tất cả những thay đổi đó đều phản ánh những lợi ích chính trị và các truyền thống văn hóa khác nhau.

Có lẽ, cho đến nay, không có thay đổi công nghệ nào có tác động mạnh mẽ đến hệ thống quốc tế hơn là quá trình phát triển vũ khí hạt nhân và việc sử dụng loại vũ khí này trong chiến tranh. Sức tàn phá của loại vũ khí này, việc những loại vũ khí này không có khả năng phân biệt binh lính và thường dân, và tác hại rõ ràng của chúng đối với các thế hệ tương lai đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải xem xét lại lợi ích chính trị của việc sử dụng sức mạnh có tính hủy diệt. Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, sự kiện này đã làm cho các siêu cường chiến đấu với nhau bằng những cuộc chiến tranh ủy nhiệm, phi hạt nhân, sử dụng công nghệ quân sự thông thường, chứ không trực tiếp đánh nhau, như đã thảo luận trong Chương 2. Vì từ năm 1945, vũ khí hạt nhân đã không được sử dụng trong chiến tranh, một số nhóm cho rằng loại vũ khí này không còn là một mối đe dọa đáng tin. Tuy nhiên, chúng vẫn rất đáng sợ. Những nỗ lực hoặc các mối đe dọa mà các nước chưa có vũ hạt nhân gây ra khi họ tìm cách phát triển các loại vũ khí này đã kích hoạt những hành động phản kháng mạnh mẽ, ví dụ, khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đã thử một quả bom nhiệt hạch, tháng 1 năm 2016. Những quốc gia có vũ khí hạt nhân không muốn thay đổi hiện trạng; theo quan điểm của những quốc gia này, việc truyền bá vũ khí hạt nhân, đặc biệt là vào tay những quốc gia “bất hảo” như Bắc Triều Tiên và Iran, làm cho hệ thống quốc tế rơi vào tình trạng bất ổn. Đấy là lý do vì sao Kế hoạch hành động chung toàn diện cho quá trình phi hạt nhân hóa Iran – thỏa hiệp giữa Iran, P5 + 1 (năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), và EU, trong đó Iran đồng ý ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế - được người ta theo đuổi với tinh thần đoàn kết và nhiệt tình đến như thế.

Như vậy, theo quan điểm của những người theo phái hiện thực, các hệ thống quốc tế có thể thay đổi, nhưng diễn giải của các lý thuyết gia phái hiện thực có tình trạng thiên lệch cố hữu về phía tính liên tục (không thay đổi). Lý do là tất cả các quốc gia đều muốn ngăn chặn thay đổi cơ cấu có thể loại bỏ được khả năng xảy ra chiến tranh trong hệ thống: đơn cực. Hệ thống càng tiến đến gần tình trạng chỉ còn một quốc gia duy nhất dùng quyền lực của mình vì lợi ích riêng, thì động cơ để các nước trong hệ thống đứng lên nhằm chống lại quốc gia duy nhất nói trên sẽ càng lớn. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng hầu hết các quốc gia thích độc lập (chủ quyền) và một chút nguy cơ xảy ra chiến tranh, hơn là đảm bảo hòa bình dưới sự cai trị tuyệt đối của một quốc gia duy nhất. Trên thực tế, luận cứ của những người theo phái tân hiện thực có thể rút lại thành tuyên bố nói rằng, vì đơn cực sẽ không xảy ra trên thực thế, và cần phải có đơn cực nhằm chấm dứt tình trạng vô chính phủ và chiến tranh, hệ thống quốc tế sẽ không bao giờ có tình trạng hoàn toàn hòa bình, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng tự vệ. Luận cứ này giải thích vì sao, đối với những người theo phái hiện thực, hòa bình trong hệ thống quốc tế là hiện tượng hiếm có, khó tìm.

Hệ thống quốc tế dưới lăng kính của chủ nghĩa tự do

Đối với những người theo phái tự do, hệ thống quốc tế không có vai trò quá quan trọng như là một cấp phân tích (để giải thích). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy trong tư tưởng của những người theo phái tự do, ít nhất cũng có ba quan niệm khác nhau về hệ thống quốc tế.

Thứ nhất, họ cho rằng hệ thống quốc tế không phải là cơ cấu nhất thành bất biến, mà là một hệ thống có nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, trong đó, những tương tác phức tạp và thay đổi liên tục giữa các phe phái khác nhau và là nơi mà các tác nhân khác nhau học hỏi được từ các tương tác đó. Các tác nhân trong tiến trình này gồm không chỉ các quốc gia mà còn cả các tổ chức quốc tế (như Liên Hợp Quốc), các tổ chức phi chính phủ (như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch), các tập đoàn đa quốc gia và các tác nhân nằm trong nhà nước (như nghị viện và bộ máy quản lý hành chính). Với nhiều loại tác nhân khác nhau tương tác qua lại với nhau như thế, hàng loạt lợi ích quốc gia có vai trò trong việc xác định hệ thống quốc tế tự do. Dù quan tâm về an ninh, giữ thế thượng phong đối với những người theo phái hiện thc, cũng rất quan trọng đối với những người theo phái tự do, những quan tâm khác, ví dụ, các vấn đề kinh tế và xã hội, cũng được xem xét – phụ thuộc vào thời gian và hoàn cảnh. Trong tác phẩm Quyền lực và tình trạng phụ thuộc lẫn nhau (Power and Interdependence), hai nhà chính trị học, Robert Keohane và Joseph Nye, mô tả hệ thống quốc tế như là hệ thống phụ thuộc lẫn nhau, trong đó các tác nhân khác nhau đều vừa nhạy cảm (bị ảnh hưởng bởi) và dễ bị tổn thương từ (bị tổn hại nặng nề do) hành động của những tác nhân khác. Các hệ thống phụ thuộc lẫn nhau có nhiều kênh kết nối các quốc gia lại với nhau; các kênh này nằm trong giới tinh hoa trong chính phủ, trong giới tinh hoa phi chính phủ và trong các tổ chức xuyên quốc gia. Nhiều vấn đề và chương trình nghị sự xuất hiện trong hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Lực lượng quân sự có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng không thể giải quyết được tất cả các vấn đề[10].

Đàm phán và phối hợp trong hệ thống quốc tế, theo quan đim của những người theo phái tự do, thường được tiến hành bằng nguyên tắc đa phương. Nguyên tắc đa phương dựa trên một số nguyên tắc cốt lõi, một trong những nguyên tắc này là hệ thống an ninh tập thể. Nói ngắn, an ninh tập thể dựa trên ý tưởng cho rằng hòa bình là không thể phân chia: Cuộc chiến tranh chống lại một nước là cuộc chiến tranh chống lại tất cả các nước, có nghĩa là cộng đồng quốc tế bắt buộc phải phản ứng. Chúng ta sẽ xem xét chi tiết hơn ý tưởng này trong Chương 8; đây là cách tiếp cận chủ yếu của phái tự do đối với vấn đề chiến tranh và xung đột. Như vậy là, khả năng phối hợp hành động theo hướng đa phương là một  phần quan trọng của tư tưởng tự do về hệ thống quốc tế.

Quan niệm thứ hai của phái tự do là xem xét hệ thống quốc tế theo lăng kính của một trật tự quốc tế cụ thể. Xây dựng trên truyền thống của Immanuel Kant và Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, như Chương 3 đã thảo luận, quan điểm này cho rằng, trật tự quốc tế chi phối quá trình dàn xếp giữa các quốc gia bằng các nguyên tắc và luật lệ được mọi người chia sẻ, tương tự như những nguyên tắc mà những người theo phái hiện thực xem xét trong những điều kiện luôn luôn thay đổi của tình trạng phân cực. Nhưng khác với các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực, trật tự này là trật tự được thừa nhận, chứ không chỉ là hành vi hay quan hệ rập khuôn. Trong trật tự này, các thiết chế có vai trò quan trọng. John Ikenberrry trong tác phẩm Sau chiến thắng (After Victory) khẳng định, mục tiêu được thừa nhận của cường quốc giữ thế thượng phong trong trật tự quốc tế này là thiết lập các luật lệ “vừa bền vững vừa chính danh, nhưng các luật lệ và sắp xếp này còn phục vụ lợi ích lâu dài của quốc gia đứng đầu”[11]. Để làm điều đó, cường quốc giữ thế thượng phong phải hạn quyền tự do của chính mình và đồng ý đưa ra những cam kết đáng tin cậy.

Quan điểm thứ ba của chủ nghĩa tự do về hệ thống quốc tế là của những người theo chủ nghĩa hiến định tân tự do. Những người này coi hệ thống quốc tế là vô chính phủ và công nhận rằng mỗi quốc gia riêng lẻ hành động vì quyền lợi riêng của mình, tương tự như tư tưởng của phái hiện thực. Nhưng họ rút ra những kết luận khác về hành vi của nhà nước trong hệ thống quốc tế. có thể là hệ thống mang tính hợp tác, trong đó, các quốc gia quyết định hợp tác vì họ nhận thức được rằng trong tương lai họ sẽ tương tác với chính những tác nhân đó, như Chương 3 đã giải thích. Các tương tác lặp đi lặp lại tạo cho các quốc gia động lực trong việc xây dựng các thiết chế quốc tế, đến lượt nó, điều này giúp tiết chế hành vi của nhà nước, cung cấp khuôn khổ chắc chắn cho các tương tác và bối cảnh cho các cuộc thương lượng. Các thiết chế quốc tế cung cấp tiêu điểm cho việc phối hợp và làm cho các cam kết của các quốc gia trở thành đáng tin hơn bằng cách chỉ rõ những điều mọi người kỳ vọng, qua đó, khuyến khích các quốc gia củng cố danh tiếng bằng cách tuân thủ những điều đã cam kết. Như vậy là, đối với những người theo phái tân tự do, các thiết chế có ý nghĩa quan trọng và độc lập đối với các tương tác giữa quốc gia - cả bằng cách cung cấp thông tin lẫn bằng cách đưa ra khuôn khổ cho hành động, nhưng các thiết chế quốc tế không tất yếu ảnh hưởng tới các động thực  của quốc gia. Hệ thống quốc tế này có thể là vô chính phủ, nhưng hợp tác có thể xuất hiện thông qua các thiết chế.

Những người theo phái tự do và sự thay đổi của hệ thống quốc tế

Các lý thuyết gia về quan hệ quốc tế thường quan tâm đến việc trả lời những câu hỏi khác nhau. Như chúng ta vừa thấy, đối với những người theo phái hiện thực, những câu hỏi cốt lõi xoay quanh vấn đề liệu chiến tranh là không tránh khỏi, hay là cái chúng ta có thể - bằng những chính sách tốt – ngăn chặn. Những người theo phái tự do cũng coi vai trò của các quốc gia, và hòa bình, là những đặc điểm cực kỳ quan trọng của hệ thống quốc tế. Họ cho rằng thay đổi xuất phát từ một số nguồn. Thứ nhất, thay đổi trong hệ thống quốc tế có thể xảy ra do phát triển công nghệ từ bên ngoài mang tới, tiến trình này diễn ra một cách độc lập, nằm ngoài tầm kiểm soát của các tác nhân trong hệ thống. Ví dụ, những thay đổi trong lĩnh vực thông tin và vận tải đã làm gia tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong hệ thống quốc tế.

Thứ hai, thay đổi có thể xảy ra vì có những chuyển hóa mức độ quan trọng tương đối của những vấn đề khác nhau. Dù những người theo phái hiện thực dành ưu tiên cao nhất cho những vấn đề về an ninh quốc gia, những người theo phái tự do lại coi vấn đề khác là quan trọng hơn. Cụ thể là, trong những thập niên cuối thế kỷ XX, các vấn đề kinh tế đã thay thế các vấn đề an ninh quốc gia và trở thành chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế. Trong thế kỷ XXI, những mối quan tâm xuyên quốc gia như nhân quyền, môi trường và y tế đã giành được vai trò quan trọng hơn hẳn. Theo những người có đầu óc tự do nhất thì đấy chính là những thay đổi cơ bản trong hệ thống quốc tế.

Thứ ba, thay đổi có thể xảy ra khi các tác nhân mới, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ hoặc những người tham gia khác trong xã hội dân sự toàn cầu, vươn lên hoặc thay thế các tác nhân-nhà nước. Những tác nhân mới có thể tham gia vào các kiểu quan hệ mới và có thể thay đổi cả hệ thống quốc tế lẫn hành vi của từng nhà nước riêng biệt. Những kiểu thay đổi này phù hợp với tư duy của những người theo phái tự do và được những người cầm bút theo phái này thảo luận. Và, tương tự như những người theo phái hiện thực, các nhà tư tưởng theo phái tự do cũng thừa nhận rằng sự thay đổi có thể xảy ra trong cơ cấu quyền lực tổng thể giữa các quốc gia. Ngược lại, những người cấp tiến ủng hộ những thay đổi lớn. Về câu hỏi quan trọng: Liệu chiến tranh có phải là hiện tượng không thể tách rời khỏi đời sống của chúng ta, những người theo phái tự do khác với những người theo phái hiện thực khi khẳng định rằng một đặc điểm khác trong bản chất con người - bên cạnh sợ hãi và tham lam - giúp giải thích cách thức vượt qua và xóa bỏ chiến tranh. Theo quan điểm của phái này, lợi ích kinh tế hay tư lợi về vật chất của các quốc gia có thể dẫn đến hợp tác, trong đó có hợp tác trên những vấn đ đã từng được coi là có tổng bằng không. Ví dụ, theo quan điểm của họ, hợp tác hay giảm thuế nhập khẩu, sau một thời gian, có thể dẫn đến hợp tác về tiêu chuẩn hàng hóa, kiểm soát nhập cư, và thậm chí, cuối cùng là hợp tác về an ninh. Thay đổi trong hệ thống, và trong xác suất xảy ra chiến tranh trong hệ thống sẽ diễn ra sau nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ, nhiều khi rất khó khăn, đôi khi bị đảo ngược, nhưng, cuối cùng, là hợp tác toàn diện hơn. Tóm lại, trong khi lý thuyết của phái hiện thực vẫn tỏ ra bi quan về khả năng vượt qua tình trạng chiến tranh vĩnh cửu, lý thuyết của phái tự do lạc quan hơn về khả năng của quá trình tiến hóa tới nền hòa bình vĩnh cửu.

Hệ thống quốc tế dưới lăng kính của phái cấp tiến

Trong khi những người theo phái hiện thực định nghĩa hệ thống quốc tế bằng những thuật ngữ về phân cực và ổn định, thì những người cấp tiến tìm cách mô tả và giải thích cơ cấu này bằng các thuật ngữ hoàn toàn khác.

Những người theo phái cấp tiến mô tả cơ cấu của hệ thống quốc tế theo lối phân tầng. Phân tầng là sự phân chia không đồng đều và tương đối cố định của các nguồn lực có giá trị giữa các nhóm quốc gia khác nhau. Các nhà nước trong hệ thống quốc tế được phân theo các tầng, tùy thuộc vào nguồn lực có giá trị, như dầu khí, sức mạnh quân sự, hoặc sức mạnh kinh tế mà họ nắm được. Phân tầng quốc tế song hành với việc những người Marxist nhấn mạnh về giai cấp xã hội trong nội bộ các nước: Các nước tư bản phát triển, giàu có, công nghiệp tiên tiến đại diện cho giai cấp tư sản, còn các nước đang phát triển, nghèo đói, sản xuất nông nghiệp đại diện cho giai cấp vô sản. Vì, tương tự như trong phê phán việc bóc lột lao động trong nội bộ quốc gia, phân bố của cải trong từng nước là cố định và được duy trì bằng bạo lực, phân tầng trong hệ thống quốc tế là chìa khóa để hiểu khái niệm của phái cấp tiến về hệ thống và những con đường dẫn tới thay đổi (xem Hình 4.2).

Hình 4.2                                         Sự phân tầng của hệ thống quốc tế

Các nước đã phát triển

(Một vài nước, nắm nhiều nguồn lực)

Ví dụ, Mỹ, Nhật Bản, Đức

 

Các nền kinh tế mới nổi

Ví dụ, Brazil, Mexico, Nam Phi, Argentina

 

Các nước dang phát triển

(nhiều nước, ít nguồn lực)

Ví dụ, Senegal, Bangladesh, Haiti, Syria, Philippines

 

Các hệ thống quốc tế khác nhau có mức độ phân tầng khác nhau. Trong lịch sử, phân tầng hệ thống diễn ra trên diện rộng. Theo một tập hợp các tiêu chuẩn, một số cường quốc[VN1]  (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) chiếm khoảng một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. 180 quốc gia khác chia nhau nửa còn lại. Từ phân tầng quyền lực và nguồn lực dẫn đến phân chia giữa người có, tạm coi là phía Bắc Bán Cầu, và kẻ không, chủ yếu nằm ở phía Nam Bán Cầu. Điểm phân biệt này là cực kỳ quan trọng đối với cuộc thảo luận về kinh tế chính trị học quốc tế, sẽ được trình bày trong Chương 9.

Phân tầng các nguồn lực và do đó, phân tầng ảnh hưởng có ý nghĩa đối với khả năng tự điều chỉnh, cũng như đối với sự ổn định của hệ thống. Khi các cường quốc giữ thế thượng phong bị những quốc gia nằm sát bên dưới thách thức, hệ thống có thể trở nên rất không ổn định, về  khả năng tiếp cận với các nguồn lực. Ví dụ, những cố gắng của Đức và Nhật Bản để đòi và giành lại các nguồn tài nguyên trong những năm 1930 đã dẫn đến Thế chiến II. Một nhóm các cường quốc loại hai đó có khả năng giành chiến thắng trong cuộc đối đầu, nhưng những kẻ yếu kém thực sự trong một hệ thống phân tầng nghiêm ngặt thì không bao giờ thắng (mặc dù những nước này có thể gây ra những đổ vỡ to lớn). Những cường quốc đang lên, đặc biệt là những cường quốc giành được các nguồn lực, tìm kiếm địa vị cường quốc loại một và sẵn sàng gây chiến để giành được địa vị đó. Nếu những nước thách thức không khởi chiến, các cường quốc hàng đầu có thể khiêu chiến nhằm dập tắt các mối đe dọa dịch chuyển quyền lực.

Đối với những người Marxist, cũng như đối với phần lớn những người theo phái cấp tiến khác, sự phân tầng gây thiệt hại nghiêm trọng trong hệ thống quốc tế là do chủ nghĩa tư bản gây ra. Cơ cấu của chủ nghĩa tư bản ấn định quan hệ trong hệ thống quốc tế giữa những những nước có lợi thế và những nước thua thiệt, trao quyền cho nước giàu và tước quyền của nước nghèo. Những họ khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản tạo ra những công cụ thống trị của mình.  Chúng bao gồm các tổ chức quốc tế nắm quyền điều hành cơ cấu của các nhà nước tư bản nhằm tạo điều kiện cho các phương pháp sản xuất tư bản chủ nghĩa, các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng hoạt động của họ lại nằm trong các “khu vực phụ thuộc” và thậm chí cả cá nhân (thường là những người lãnh đạo) hoặc các giai cấp (tư sản dân tộc) sống ở các những quốc gia yếu kém, những nước được thu nạp để tham gia vào và duy trì hệ thống kinh tế buộc quần chúng vào địa vị phụ thuộc vĩnh viễn.

 

Đằng sau những tiêu đề báo chí

 

Nga, Syria và hệ thống quốc tế

 

Những cuộc không kích của Nga nhắm vào các mục tiêu ở Syria, việc triển khai lực lượng “tình nguyện” trên bộ của Nga ở Syria (như tiêu đề bài báo trên tờ New York Times “Điện Kremlin nói rằng các “lực lượng tình nguyện của Nga” sẽ chiến đấu ở Syria”a), và căng thẳng leo thang do việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một oanh tạc cơ của Nga vì bị cáo buộc là đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy các sự kiện đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp và nguy hiểm. Tình hình rất phức tạp. Nga, đồng minh lâu năm của Syria, ủng hộ chế độ Assad và Iran, nhưng chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) và các phiến quân ôn hòa chiến đấu chống chính phủ Syria. Mỹ ủng hộ người Kurd ở Syria, ủng hộ những phiến quân ôn hòa, ủng hộ Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh, nhưng chống lại IS, chống chế độ Assad và Iran. Iran ủng hộ Assad nhưng chống IS, chống Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh cũng như các phiến quân ôn hòa. Thổ Nhĩ Kỳ ủng các phiến quân ôn hòa, ủng hộ Saudi Arabia, và các đồng minh vùng Vịnh của nước này, nhưng chống Assad, chống IS, chống Iran và người Kurd ở Syria. Nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran, các quốc gia Ả Rập theo phái Sunni như Saudi Arabia và Qatar tài trợ và trang bị vũ khí cho phiến quân ở Syria, nhưng ngày càng lo lắng về Nhà nước Hồi giáo (IS) và đã tham gia liên minh do Mỹ lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại IS. Tình hình nguy hiểm vì Mỹ, Pháp, và một số quốc gia trong khu vực đã cho máy bay chiến đấu bay trên không phận Syria để tấn công IS và ủng hộ các nhóm phiến quân ôn hòa, trong khi các máy bay Nga lại đánh phá IS và các đối thủ của Assad. Có khả năng thực sự là những đội quân khác nhau có thể tham gia, làm gia tăng khả năng xảy ra đối đầu về quân sự.

 

Làm sao giải thích được việc Nga can thiệp quân sự vào Syria? Một trong những khả năng là các nhà lãnh đạo Nga đang hành động quyết liệt hơn trong hệ thống liên quốc gia nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ về chính trị ở trong nước cho chế độ, khi mà các điều kiện vật chất và kinh tế ở Nga đang lao dốc. Chính phủ Nga đã tung ra những cuộc tấn công quân sự ở Syria, hệt như họ đã làm ở Crimea và Ukraine, làm người ta không để ý tới thành tích quản trị nghèo nàn ở Nga: Đầu tư vào nền giáo dục và y tế thấp, còn hạ tầng giao thông thì làm cho nhiều người Nga tức giận, một số người khác tìm cách lưu vong ra nước ngoài. Giúp đỡ Syria, đồng minh lâu năm của mình, là mở ra một cuộc chiến tranh khác ở xa quê hương. Một khả năng khác có liên quan đến lịch sử đấu tranh lâu dài của Nga chống lại những  cuộc nổi loạn do đạo Hồi khuyến khích. Năm 1996, Chechnya rơi vào tay quân nổi dậy theo chủ nghĩa dân tộc - nhiều người trong số họ là tín đồ Hồi giáo - đã làm suy giảm uy tín quân sự của Nga và khuyến khích những người dân tộc chủ nghĩa và tín đồ Hồi giáo cực đoan tấn công Nga. Bằng cách tấn công “bọn khủng bố” đang chống lại nhà lãnh đạo thuộc phe mình ở Trung Đông, Nga không chỉ làm người ta bớt chú ý tới những khó khăn về kinh tế và đối nội, mà còn làm giảm uy tín của các chiến binh cực đoan, những người tuyên bố rằng Hồi giáo là động lực của mình, đồng thời nâng cao uy tín của mình trong vai trò cường quốc có thể vươn ra trên toàn thế giới.

 

Mặc dù, tại cốt lõi của nó, chính sách đối ngoại của Nga dường như là theo phái hiện thực - can thiệp quân sự trên những vùng đất xa xôi nhằm mở rộng và bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông, và làm suy yếu quyền lực của Mỹ và các đồng minh trong chính khu vực đó – chủ nghĩa kiến tạo và nữ quyền cung cấp cho chúng ta những quan điểm sâu sắc khác.

 

Luận cứ cho rằng Nga cần nâng cao uy tín của mình có thể giải thích được những hành động của nước này - có thể được chủ nghĩa kiến tạo sử dụng. Những người theo thuyết này  có thể khẳng định Nga là siêu cường không chỉ về sức mạnh vật chất khi so sánh với các nước khác, mà còn về “kịch bản” của chính sách đối ngoại mà người ta gán cho cường quốc. Người ta nghĩ rằng các siêu cường sẽ hành động theo những cách nhất định. Một trong những dấu hiệu quan trọng của siêu cường là sẵn sàng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực ở nước ngoài nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia. Do đó, mặc dù sức mạnh vật chất của Nga đã suy giảm, bằng cách hành động theo kịch bản dành cho siêu cường, các nhà lãnh đạo Nga làm cho người Nga cảm thấy rằng nhà nước của họ (và họ) là những người đáng sợ và do đó, được người khác tôn trọng.

 

Giải thích của những người theo phái nữ quyền về những vụ can thiệp gần đây của Nga cũng tương tự như thế. Một số lý thuyết gia về quan hệ quốc theo phái nữ quyền cho rằng hệ thống quốc tế thấm đẫm giới tính. Các quốc gia có nhiều quyền lực về vật chất hơn và sẵn sàng sử dụng quyền lực một cách hung hăng (ví dụ, Nga) là những quốc gia nam tính hơn, còn các quốc gia có ít quyền lực vật chất hơn hoặc không sẵn sàng sử dụng quyền lực một cách hung hăng hơn là những quốc gia nữ tính hơn. Chính sách đối ngoại sẽ là: Các quốc gia “nữ tính” kiên nhẫn hơn và thường phản ứng với các cuộc khủng hoảng hoặc các mối đe dọa bằng các biện pháp ngoại giao hoặc kinh tế hơn là hành động quân sự. Các quốc gia “nam tính” ít kiên nhẫn hơn và thường đối phó với các cuộc khủng hoảng và đe dọa bằng lực lượng quân sự một cách hung hăng. Theo quan điểm này, chính sách đối ngoại của Nga giúp biến nước này thành quốc gia siêu nam tính. Chủ nghĩa hiện thực, thuyết kiến tạo và thuyết nữ quyền cùng đi theo một hướng: Quyền lực đòi hỏi phải có hành động quân sự (nam tính cũng đòi hỏi như thế), và hành động quân sự chính là quyền lực.

 

Chú thích ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) cùng với Tổng thống Syria Bashar al Assad trong chương trình ủng hộ Assad, cuối năm 2015. Nga khẳng định rằng phương Tây ưu tiên cho công lý hơn là ổn định đã làm cho bất công gia tăng đáng kể, khi nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi – ví dụ, Libya và Syria - hiện đang lâm vào những cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, làm cho nhiều người đau khổ và tạo ra dòng người tị nạn khổng lồ.

 

 

Câu hỏi phân tích

1. Sự can thiệp của quân đội Nga có phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hay đây là bằng chứng về quyền lực đang hồi sinh của nước Nga?

2. Nếu bạn là cố vấn của Mỹ, bạn sẽ đề nghị tổng thống làm gì để phản ứng trước  sự can thiệp của Nga? Bạn nghĩ LHQ phải có vai trò gì trong phản ứng của Mỹ trước sự can thiệp của Nga?

a. Andrew E. Kraemer, Helene Cooper, and Ceylan Yeginsu, “Kremlin Says Russian ‘Volunteer’ Forces Will Fight in Syria,” New York Times, Oct. 6, 2015.

Chú thích ảnh: Với GDP bình quân đầu người xấp xỉ 3.200 USD, theo nhận thức của phái cấp tiến về hệ thống quốc tế, Nigeria là một trong những nước “không có”. Mặc dù có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Nigeria vẫn không thể thoát ra khỏi cảnh đói nghèo.

Những người theo phái cấp tiến tin rằng lòng hận thù sẽ đạt đỉnh điểm trong những hệ thống mà khoảng cách giàu nghèo là lớn nhất. Ở những hệ thống đó, người nghèo có khả năng không chỉ tức tối mà còn hung hăng, phần lớn là do trong các hệ thống như vậy, người nghèo chẳng có gì để mất. Người nghèo muốn thay đổi, nhưng người giàu có rất ít động cơ trong việc thay đổi hành vi của mình. Lời kêu gọi thiết lập Trật tự Kinh tế Quốc tế Mới (New International Economic Order - NIEO) được những người theo phái cấp tiến (và một số nhà cải cách theo thuyết tự do) ở hầu hết các nước đang phát triển đưa ra trong những năm 1970. Các nước đang phát triển ở Nam Bán Cầu nghèo hơn, thua thiệt vì có ít nguồn tài nguyên, tìm kiếm những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và kiểm soát tài nguyên thiên nhiên, và bằng cách đó, gia tăng được quyền lực của mình so với các nước ở Bắc Bán Cầu.

Tóm lại, những người theo phái cấp tiến khẳng định rằng tình trạng chênh lệch kinh tế quá lớn được gắn liền vào cấu trúc của hệ thống quốc tế và cấu trúc này cản trở mọi hành động và tương tác. Nhưng một số người trong số họ công nhận rằng có thể diễn ra các quá trình chuyển hóa. Vị trí bá quyền Hà Lan trong thế kỷ XVIII, đến thế kỷ XIX đã bị Anh chiếm mất và đến thế kỷ XX thì thuộc về người Mỹ. Thay đổi có thể xảy ra trong khu vực ngoại vi và vùng giáp ranh, vì các quốc gia thay đổi địa vị tương đối với nhau. Chủ nghĩa tư bản đang trải qua các chu kỳ tăng trưởng và bành trướng, như đã từng xảy ra trong giai đoạn chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, theo sau là thời kỳ thoái trào. Vì vậy, chính chủ nghĩa tư bản là động lực cho quá trình thay đổi, mặc dù những người theo phái cấp tiến không nhìn những thay đổi này theo khía cạnh tích cực.

Nhưng, chính hệ thống tư bản chủ nghĩa có thể thay đổi hay không? Nói cách khác, quá trình chuyển hóa hệ thống – ví dụ, chuyển từ hệ thống phong kiến sang hệ thống tư bản - có thể xảy ra hay không? Ở đây, những người theo phái cấp tiến có ý kiến khác nhau. Trong các lý thuyết cấp tiến đầu tiên, nhà nước phải biến mất cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và tạo điều kiện cho người lao động trên thế giới chia sẻ một cách công bằng của cải của thế giới. Một trong những biện pháp là cách mạng - cách mạng trên toàn thế giới. Nhưng, như chúng ta đã thấy trong Chương 2, trong năm 1848, thời điểm cách mạng dường như đã trôi qua; từ năm 1917, lời hứa về cách mạng ở Nga, Trung Quốc và Cuba dường như đã dừng lại, chỉ còn lại chế độ độc tài mà thôi. Nhưng hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi liệu công nghệ - đặc biệt là công nghệ trên không gian mạng và Internet có thể là yếu tố ngoại sinh, có khả năng thúc đẩy thay đổi mang tính cách mạng hay không. Nếu địa vị thống trị của tư bản là dựa trên quyền sở hữu độc quyền phương tiện sản xuất, như Marx và Engels từng tuyên bố, và công nghệ phá vỡ độc quyền, thì nó có thể đưa phương tiện sản xuất vào tay người lao động, chủ nghĩa tư bản có thể bị xóa bỏ, và cùng với nó, tình trạng phân chia giai cấp và chiến tranh cũng không còn. Ngay từ đầu thế kỷ này, những người nghèo và tuyệt vọng trên khắp thế giới đã bắt đầu sử dụng công nghệ điện thoại di động nhằm phối hợp hoạt động của những người bất đồng chính kiến ở nước mình, hoặc tìm đường trốn chạy khỏi hoàn cảnh chết chóc của mình. Nhưng, cũng như những người theo phái hiện thực, tức là những người không tìm được đồng thuận về các gợi  ý chính sách, những người theo phái cấp tiến cũng không đồng ý được với nhau về khả năng khắc phục hệ thống phân tầng mà tất cả họ đều căm thù.

Hệ thống quốc tế dưới lăng kính của phái kiến tạo

Những người theo thuyết kiến tạo lập luận rằng toàn bộ khái niệm về hệ thống quốc tế là tư tưởng của châu Âu, theo thời gian, đã được mọi người chấp nhận như là sự kiện tự nhiên (ít nhất là đối với người châu Âu và Bắc Mỹ). Họ khẳng định rằng rằng chỉ dùng cơ cấu quốc tế thì chúng ta chẳng thể giải thích được bất cứ thứ gì. Martha Finnemore trong tác phẩm Mục đích của can thiệp (The Purpose of Intervention) đưa ra giả thuyết nói rằng có những trật tự quốc tế khác nhau, với những mục đích luôn luôn thay đổi, với những quan điểm khác nhau về đe dọa, và dựa vào những biện pháp khác nhau nhằm duy trì trật tự. Bà chỉ ra ít nhất bốn trật tự quốc tế ở Châu Âu: Trật tự ổn định trong thế kỷ XVII; trật tự có phối hợp trong thế kỷ XIX, hệ thống khu vực ảnh hưởng trong thế kỷ XX; và, từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thì xuất hiện và phát triển một trật tự mới với mục đích thúc đẩy chế độ dân chủ tự do, chủ nghĩa tư bản và nhân quyền. Những người theo thuyết kiến tạo đồng ý với các lý thuyết gia khác rằng trong hệ thống quốc tế, quyền lực là quan trọng, nhưng họ cho rằng ý nghĩa của từ “quyền lực” có thể thay đổi theo thời gian. Finnemore viết: “Cái làm cho năm 1815 trở thành trật tự có phối hợp, còn năm 1950 thành Chiến tranh Lạnh không phải là phân phối khả năng về vật chất mà là ý nghĩa được mọi người cùng chia sẻ về những khả năng đó và những lời giải thích mà những người tham gia áp đặt lên những khả năng đó”[12].

Những người theo thuyết kiến tạo không xem xét cơ cấu vật chất trong hệ thống quốc tế mà xem xét quá trình được kiến tạo về mặt xã hội. Trong khi lý thuyết gia kiến tạo nổi tiếng, Alexander Wendt, trong tác phẩm Lý thuyết xã hội về nền chính trị quốc tế (Social Theory of International Politics), đồng ý với tiền đề cơ bản của những người theo chủ nghĩa hiện thực, rằng hệ thống là vô chính phủ, nhưng ông lại cho rằng toàn bộ khái niệm về tình trạng vô chính phủ là được kiến tạo về mặt xã hội: Vô chính phủ là do các quốc gia tạo ra[13]. Ý nghĩa của từ vô chính phủ không phải là nhất thành bất biến qua thời gian và không gian. Vô chính phủ không dẫn đến kết quả cụ thể nào, trừ khi chúng ta đồng ý là nó sẽ dẫn đến kết quả nào đó. Các quốc gia cãi nhau về ý nghĩa của từ vô chính phủ và đến lượt mình, họ tạo ra ý nghĩa cho nó. Chủ quyền hay cân bằng quyền lực cũng không tồn tại một cách khách quan. Do đó, những người theo thuyết kiến tạo bác bỏ quan điểm cho rằng hệ thống quốc tế tồn tại một cách khách quan hoặc hệ thống quốc tế đưa ra các quy tắc hoặc nguyên tắc khách quan.

Những người theo thuyết kiến tạo tin rằng quy tắc là cái [sẽ] thay đổi, dù không phải tất cả những thay đổi quy tắc đều mang tính chuyển hóa. Cả hành động tập thể lẫn những nỗ lực của các cá nhân có sức lôi cuốn đều có thể làm thay đổi các quy tắc xã hội. Cả trong thuyết hiện thực lẫn thuyết tự do, cá nhân đều có ý nghĩa quan trọng, nhưng quan trọng theo những cách khác nhau. Đối với những người theo thuyết kiến tạo, cá nhân quan trọng trong cách thức họ tạo ảnh hưởng lên diễn ngôn (cách chúng ta trình bày và hiểu biết thế giới của chúng ta trong nói, viết và biểu diễn). Nói chung, các quy tắc có thể tạo ra thay đổi bằng biện pháp cưỡng chế, nhưng xác suất cao nhất là, thông qua các thiết chế, luật pháp và các phong trào xã hội quốc tế. Vì vậy, mặc dù khả năng về vật chất có vai trò quan trọng trong việc giải thích thay đổi, như những người theo phái hiện thực và nhiều người theo phái tự do nói, nhưng Finnemore khẳng định: “Phải khảo sát các tư tưởng, văn hóa và mục đích xã hội của những tác nhân liên quan thì mới giải thích được tại sao xuất hiện trật tự này chứ không phải trật tự khác”[14] .

Vì vậy, những người theo thuyết kiến tạo quan tâm đến việc tìm hiểu những thay đổi lớn trong cơ cấu mang tính quy phạm: Việc sử dụng vũ lực đã phát triển theo thời gian như thế nào, quan điểm ai là người (trước đây một số người, ví dụ, nô lệ không được coi là người – ND) đã thay đổi như thế nào, tư tưởng về dân chủ và nhân quyền đã được quốc hóa như thế nào, và các nhà nước đã hòa nhập với thế giới như thế nào - hoặc, đến lượt nó, quá trình này đã bị cản phá như thế nào.

Ưu và nhược điểm khi sử dụng hệ thống quốc tế ở cấp phân tích

Đối với những người theo tất cả các trường phái lý thuyết, việc sử dụng hệ thống quốc tế ở cấp phân tích có một số lợi thế hiển nhiên. Ngôn ngữ của lý thuyết hệ thống cho phép so sánh và đối chiếu các hệ thống với nhau: Chúng ta có thể so sánh hệ thống quốc tế ở một thời điểm này với hệ thống quốc tế ở một thời điểm khác; so sánh các hệ thống quốc tế với hệ thống trong từng quốc gia; hoặc đối chiếu hệ thống chính trị với hệ thống xã hội hay thậm chí hệ thống sinh học. Các hệ thống khác nhau này tương tác với nhau như thế nào là trọng tâm của cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Đối với tất cả các môn khoa học, ba trong số những lợi thế quan trọng nhất đối với cấp phân tích này nằm ở tính tổng quát (comprehensiveness) của lý thuyết hệ thống. Thứ nhất, những khía cạnh quan trọng của toàn thể trở nên khó hiểu hơn khi tham chiếu tới các bộ phận. Nếu bạn quan tâm tới hệ thống, cố gằng tìm hiểu chúng một cách trọn vẹn bằng cách tham chiếu các bộ phận của chúng là cách làm sai. Thứ hai, nó tạo điểu kiện cho các học giả liên kết các bộ phận dường như rời rạc thành một tổng thể; nó cho phép họ đưa ra giả thuyết về các bộ phận, tác nhân và quy tắc của hệ thống liên quan với nhau như thế nào và chỉ ra sự thay đổi trong một phần của hệ thống sẽ gây ra những thay đổi ở các phần khác, và sau đó kiểm tra những giả thuyết của mình. Theo nghĩa này, khái niệm hệ thống là công cụ nghiên cứu quan trọng. Thứ ba, nó tạo điều kiện cho quá trình lý thuyết hóa thay đổi.

Tóm lại, trong khi phân tích ở cấp hệ thống quốc tế không thể giải thích được các sự kiện ở tầm vi mô - tại sao một cá nhân cụ thể nào đó hành động theo cách nào đó – nhưng nó cho phép đưa ra những lời giải thích hợp lí ở cấp tổng quát hơn. Đối với những người theo chủ nghĩa hiện thực, những khái quát hóa được rút ra từ lý thuyết hệ thống cung cấp cơ sở để đưa ra dự báo, mục tiêu tối thượng của môn khoa học hành vi. Đối với những người theo phái tự do và cấp tiến, những khái quát hóa này có những ngụ ý mang tính quy phạm; những người theo phái tự do cho rằng quá trình vận động tiến tới hệ thống tích cực, còn những người theo phái cấp tiến lại có những đánh giá bi quan về vị trí của các quốc gia trong hệ thống quốc tế đã được xác định bởi (sức mạnh) kinh tế.

Nhưng lý thuyết hệ thống cũng có một số khiếm khuyết và thiếu sót. Việc nhấn mạnh cấp hệ thống quốc tế có nghĩa là chính trị thường bị lờ đi. Các khái quát hóa quá rộng và đôi khi là hiển nhiên. Ai tranh cãi về việc hầu hết các quốc gia tìm cách duy trì năng lực tương đối của mình so với các nước khác hoặc hầu hết các quốc gia khác, dù trong hoàn cảnh nào, cũng thích đàm phán hơn là đánh nhau? Ai nghi ngờ về việc một số quốc gia chiếm được địa vị kinh tế vượt trội, có ảnh hưởng đến đia vị của tất cả những quốc gia khác?

Các lý thuyết gia về hệ thống quốc tế đã và luôn luôn bị cản trở bởi vấn đề ranh giới. Nếu họ sử dụng khái niệm hệ thống quốc tế, họ có ý nói về hệ thống chính trị quốc tế? Những yếu tố nào nằm ngoài hệ thống này? Trên thực tế, phần lớn chủ nghĩa hiện thực bỏ qua một cách có hệ thống câu hỏi quan trọng này bằng cách phân biệt một số cấp khác nhau trong hệ thống, nhưng chỉ có một khái niệm cấp-hệ-thống-quốc-tế. Những người theo phái tự do xử lí vấn đề này tốt hơn, bằng cách phân biệt các yếu tố bên ngoài hệ thống và thậm chí kết hợp các yếu tố đó vào khái niệm mở rộng của mình về hệ thống quốc tế phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể phân biệt rõ ràng giữa cái ở bên trong và cái ở bên ngoài hệ thống, thì trên thực tế, chúng ta có hệ thống hay không? Quan trọng hơn, cái gì tạo nên hệ thống? Quan hệ tương hỗ giữa những những biện pháp ngăn chặn của hệ thống và hành vi của đơn vị (nhà nước) là gì? Ngược lại, những người theo phái kiến tạo không thừa nhận những ranh giới đó. Họ cho rằng không có sự phân biệt tự nhiên hoặc cần thiết giữa hệ thống quốc tế và nhà nước hay giữa nền chính trị quốc tế và chính trị trong nước, và không có sự khác biệt giữa các nguồn gốc nội sinh hay ngoại sinh của thay đổi.

 

Quan điểm trên thế giới

 

Hệ thống quốc tế: Nhìn từ Trung Quốc

 

Những người theo phái hiện thực cho rằng hệ thống quốc tế thay đổi khi các siêu cường giành được hay mất sức mạnh so với nhau. Khi sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc gia tăng, nhiều học giả đã và đang thảo luận liệu Trung Quốc có đuổi kịp Mĩ, tạo ra hệ thống lưỡng cực mới hay vượt Mĩ để trở thành bá quyền mối trong hệ thống đơn cực. Các quan chức chính phủ Trung Quốc tuyên bố mục tiêu của mình. 

 

 

Sau gần một thế kỷ chứng kiến việc mình trở thành nạn nhân của các siêu cường và sau nhiều thập kỷ cách mạng với chính sách bế quan tỏa cảng với thế giới, Trung Quốc đang trở thành siêu cường đầy tự tin. Bằng cách sử dụng ngoại giao, cả song phương lẫn đa phương, nước này đã tạo được ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng. Lợi ích của Trung Quốc liên quan chặt chẽ với lợi ích của các cường quốc khác, mặc dù chúng không song hành với nhau. Hiện nay, nước này đang hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của hệ thống quốc tế đương thời; đã hội nhập vào các quy tắc quốc tế hiện hành.

 

Cuộc cách mạng về kinh tế ở Trung Quốc, việc chấp nhận thị trường tự do, và mở cửa cho đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đã dẫn đến gần bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy: Hơn 9% mỗi năm. Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc khẳng định rằng lợi ích của Trung Quốc là tiếp tục “trỗi dậy hòa bình” và trở thành mô hình kinh tế cho nhiều quốc gia khác.

 

Việc Trung Quốc tham gia vào các hệ thống thương mại thế giới đã làm gia tăng sự hiện diện của họ trên toàn cầu, có lợi cho tất cả các phía tham gia. Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại Tự do của nước này với Mỹ đã tạo điều kiện cho họ tối đa hóa năng lực sản xuất kinh tế, trong khi tiếp tục cho thế giới thấy rằng họ có thể tuân thủ các quy định của WTO, ví dụ, chính sách không phân biệt đối xử và chấm dứt kiểm soát giá cả. Trung Quốc hiện đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại và kinh tế khu vực, đặc biệt với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trong diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Năm 2015, Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), đối thủ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Trụ sở chính của ngân hàng này nằm ở Bắc Kinh, với hơn 50 thành viên, bất chấp sự phản đối của cả Mỹ lẫn Nhật Bản. Trung Quốc đã và đang hành động có trách nhiệm đối với cả các quốc gia tư bản tiên tiến lẫn thế giới đang phát triển. Trung Quốc nắm phần lớn nợ của Mỹ vì có thặng dư thương mại khá lớn với Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, Trung Quốc đã kiềm chế, không gây áp lực lên đồng USD và lãi suất. Để giúp tái cân bằng nền kinh tế quốc tế, Trung Quốc đang khuyến khích tiêu dùng trong nước, tăng lương cho người lao động và cho phép đồng tiền của nước mình tăng giá một cách từ từ. Mặc dù Trung Quốc có tranh chấp trong lĩnh vực địa chính trị với Nhật Bản, quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn khá mạnh mẽ.

 

Tương tự như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc cần tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, Trung Quốc đã và đang thiết lập quan hệ với các nước châu Phi bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguyên liệu thô. Với buôn bán hai chiều trị giá  hơn 210 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác kinh doanh hàng đầu của châu Phi. Các công ty tư nhân, doanh nghiệp và khách du lịch Trung Quốc đang đi tìm lãnh thổ màu mỡ ở châu Phi. Trong khi phương Tây chiếm đóng những vùng đất này và thường tước đoạt tài sản của họ, Trung Quốc tìm kiếm quan hệ hòa bình, cùng có lợi. Trung Quốc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác hoặc áp đặt các điều kiện không mong muốn đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm của chính nhà nước đó.

 

Tương tự như tất cả các cường quốc khác, Trung Quốc đã và đang gia tăng các khoản chi tiêu quân sự, mặc dù Mỹ chi tiêu cho quốc phồng nhiều gấp sáu lần Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và tăng cường khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân của mình. Nước này sẽ phát triển khả năng tiến hành chiến tranh trên không gian mạng. Nhưng đe dọa do những tiến bộ này gây ra có thể đã bị các nhà quan sát phương Tây phóng đại thêm.

 

Cho đến nay, Trung Quốc chưa quyết định sử dụng sức mạnh quân sự của mình. Trung Quốc cũng không đánh nhau nhằm mở rộng lãnh thổ. Nhưng, Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình phù hợp với chính sách Một Trung Quốc: quan điểm cho rằng Tây Tạng, Đài Loan và các đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Từ năm 2014, Trung Quốc đã bồi đắp hàng ngàn tấn cát lên các rặng san hô nhằm tạo ra các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa nhằm củng cố các đòi hỏi về lãnh thổ của mình. Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối kế hoạch của các lân bang, những nước luôn luôn bác bỏ yêu sách về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Ghi chú ảnh: Trung Quốc tài trợ cho xây dựng sân vận động này ở Ndola, Zambia

 

Trung Quốc đang bồi đắp năng lực  - chủ yếu là sức mạnh hải quân - triển khai lực lượng vũ trang ở những khu vực ngày càng xa xôi hơn ở nước ngoài. Trung Quốc khẳng định rằng, là cường quốc toàn cầu với lợi ích toàn cầu – trong đó có các dự án phát triển kinh tế ở châu Phi - các lực lượng vũ trang của họ cần có khả năng tiếp cận công dân Trung Quốc khi họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc bị đe dọa ở nước ngoài. Khác các đối thủ chính của mình, Trung Quốc chưa công khai thể hiện sức mạnh về tài chính, ngoài việc hỗ trợ nhằm ổn định nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc đã hành động có trách nhiệm nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng, như vụ đối đầu hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trật tự quốc tế trong những thập kỷ qua đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc và nước này cam kết giữ cho trật tự đó tiếp tục ổn định. Và, tương tự như các cường quốc khác, Trung Quốc hiện đang sử dụng quyền lực mềm của mình. Hơn 440 Viện Khổng Tử đã được thành lập ở gần 100 quốc gia nhằm quảng bá ngôn ngữ, văn hóa và trao đổi của Trung Quốc.

 

Câu hỏi phân tích

 

1. Tại sao Trung Quốc quan tâm tới việc trong việc duy trì hệ thống quốc tế đương đại, ngay cả khi nước này không nắm được quyền kiểm soát nó?

2. Những người theo phái kiến tạo cho  rằng những thay đổi trong chuẩn mực sẽ làm thay đổi hệ thống. Trung Quốc đã áp dụng các chuẩn mực mới? Hay nước này chỉ đơn giản là hành động vì lợi ích cá nhân của chính mình, như những người theo chủ nghĩa hiện thực khẳng định?

3. Người theo phái hiện thực tấn công sẽ phản ứng như thế nào trước lời giải thích của Trung Quốc về vai trò của nước này trong hệ thống quốc tế?

4. Trung Quốc luôn luôn khẳng định ủng hộ chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Quan điểm này ủng hộ[VN2]  vai trò quốc tế của Trung Quốc như thế nào?

 

 

 

 

Hơn nữa, kiểm tra các lý thuyết hệ thống là công việc cực kỳ khó khăn. Trong hầu hết các trường hợp, các lý thuyết gia đều không có đủ thông tin về quá khứ. Nói cho cùng, ngoài một số lý thuyết gia theo trường phái cấp tiến và chu kỳ, thì chỉ có vài lý thuyết gia hệ thống thảo luận về các hệ thống có trước năm 1648. Trên thực tế, hầu hết đều bắt đầu với thế kỷ XIX. Những lý thuyết gia sử dụng những giai đoạn trước đó bị lung túng vì nền tảng lịch sử yếu kém, cũng như tình trạng không đầy đủ có ảnh hưởng rõ ràng của các tài liệu lịch sử. Mặc dù những điểm yếu này không phải là chí tử, chúng hạn chế khả năng khái quát hóa các phát hiện của các học giả.

Có lẽ lời phê phán quan trọng nhất là các học giả đã chú ý đến một hệ thống quốc tế cụ thể. Có phải ý tưởng về một hệ thống quốc tế chẳng qua là khái niệm lấy châu Âu làm trung tâm hay không? Ở đây, các nhà phê bình đã đánh trúng trọng tâm. Ý tưởng về hệ thống quốc tế đã được rút ra từ thế giới hậu-Westphalia, lấy nhà nước làm trung tâm. Trong thế giới đó, hệ thống quốc tế bao gồm các quốc gia châu Âu có chủ quyền, chia sẻ những truyền thống chung có từ trước Hiệp ước Westphalia: Đế chế La Mã, đã áp đặt trật tự và thống nhất bằng vũ lực một vùng lãnh thổ rộng lớn và sử dụng chung một ngôn ngữ và truyền thống Kitô giáo, được thể hiện bởi Giáo hội Công giáo thời kỳ Trung cổ với thẩm quyền và luật pháp của mình. Ý tưởng về hệ thống quốc tế xuất phát từ những nguồn gốc xã hội chung như thế. Một số học giả, thuộc một trường phái thường được gọi là trường phái Anh, gọi hệ thống này là xã hội quốc tế, bởi vì nó có một nền văn hóa chung, là nền tảng cho các bộ luật và thiết chế chung. Theo hai kiến trúc sư chính của trường phái này, hai học giả Hedley Bull và Adam Watson, dù hệ thống quốc tế gồm có một nhóm các cộng đồng chính trị độc lập với nhau, xã hội quốc tế lớn hơn thế. Trong xã hội quốc tế, các tác nhân khác nhau giao tiếp với nhau; họ chấp nhận các luật lệ và thiết chế chung và công nhận các lợi ích chung. Các tác nhân trong xã hội quốc tế chia sẻ bản sắc chung, chia sẻ tính “chúng ta”. Nếu không có một bản sắc như thế, xã hội không thể tồn tại[15].

Tuy nhiên, không có các hệ thống quốc tế - hay chính xác hơn không có các xã hội quốc tế - ở bên ngoài châu Âu ư? Có lẽ, những xã hội đó dựa trên các bộ luật lệ và thiết chế khác. Ví dụ, các vương quốc khác nhau phát triển rực rỡ ở Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ trước khi thống nhất thành một nước trong năm 200 Trước Công Nguyên. Đế chế Trung Hoa tồn tại trong suốt 2.000 năm, thống nhất xung quanh một nền văn hóa chung mà người Trung Quốc cho là trung tâm của vũ trụ. Các dân tộc theo đạo Hồi cũng chia sẻ một bản sắc chung, khi Hồi giáo trải rộng từ Trung Đông đến châu Phi, châu Á và thậm chí cả châu Âu. Có thể thấy bản sắc xã hội đó trong niềm tin trong umma, hay cộng đồng các tín hữu (Hồi giáo –ND). Umma được thể hiện bằng thiết chế Caliphate, uy quyền chính trị của Hồi giáo, và là bản sắc vượt trên bộ tộc, chủng tộc, và thậm chí vượt trên cả nhà nước. Tình trạng thống nhất đó tan rã khi xảy ra việc phân chia giữa nhánh Sunni và nhánh Shia, tranh chấp địa vị kế vị hợp pháp của Tiên tri Muhammad. Một số người muốn phục hồi Caliphate, coi đấy là phục hồi sự vĩ đại của nền văn minh Hồi giáo đã từng hiện diện trong lịch sử, và Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tuyên bố việc phục hồi này vào năm 2014. Các học giả về quan hệ quốc tế thường ít chú ý đến các xã hội quốc tế bên ngoài châu Âu.

Nếu hệ thống quốc tế lấy châu Âu làm trung tâm nổi lên như hệ thống mạnh mẽ và mang tính áp đảo nhất, làm sao những khu vực khác lại trở thành một phần của nó? Chủ nghĩa thực dân và sự lan tràn của chủ nghĩa tư bản do các cường quốc châu Âu tạo ra đã đưa nhiều khu vực vào hệ thống này, như Chương 2 đã chỉ ra. Các xã hội quốc tế khác nhau này thường xuyên và liên tục đấu tranh với nhau. Nhà chính trị học Samuel Huntington định nghĩa những cuộc đấu tranh này là đấu tranh giữa các nền văn minh, ông khẳng định rằng quốc gia và quyền lợi quốc gia bị lu mờ trước các nền văn hóa, tập hợp lớn nhất của các nền văn hóa là văn minh. Ông tin rằng sự khác biệt giữa các nền văn minh sẽ trở thành nền tảng mới của xung đột quốc tế[16]. Như vậy, dù khái niệm về một hệ thống quốc tế có thể phản ánh thực tiễn quyền lực từ thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XXI, ý tưởng này đang bị người ta phản bác vì nó lấy châu Âu làm trung tâm, vì ý tưởng này đã lờ đi các hệ thống quốc tế của “những khu vực khác”, và những khó khăn thực tế liên quan đến việc phân biệt hệ thống quốc tế và các bộ phận cấu thành của hệ thống này.

Tổng kết: Từ hệ thống quốc tế tới quốc gia

Trong số tất cả các phương pháp tiếp cận về mặt lý thuyết, phân tích ở cấp hệ thống quốc tế được cả những người theo phái hiện thực lẫn những người theo phái cấp tiến chú ý hơn cả. Đối với những người theo phái hiện thực, đặc điểm mang tính quyết định của hệ thống quốc tế là phân cực; còn đối với những người theo phái cấp tiến, thì đó là phân tầng. Trong cả hai quan điểm này, hệ thống quốc tế có tác dụng hạn chế hành vi của nhà nước. Những người theo phái hiện thực coi những hạn chế này là tích cực, phụ thuộc vào phân bố quyền lực, trong khi đối với những người theo phái cấp tiến, những hạn chế này lại là tiêu cực, ngăn cản các quốc gia bị đè nén về mặt kinh tế, không để cho họ giành được công lý và công bằng. Những người theo phái tự do xem xét hệ thống quốc tế từ quan điểm trung lập hơn, họ coi đây như đấu trường và quá trình tương tác. Những người theo phái kiến tạo có cách tiếp cận mang tính tiến hóa, họ nhấn mạnh cách thức mà thay đổi trong chuẩn mực và ý tưởng định hình cái gọi là hệ thống, họ chỉ thấy sự khác biệt nhỏ giữa hệ thống quốc tế và quốc nội và đánh giá thấp mức độ quan trọng mà các lý thuyết gia khác gán cho cơ cấu của hệ thống quốc tế.

Các quốc gia và các nhà hoạch định chính sách đối ngoại hoạt động trong ranh giới của hệ thống quốc tế. Trong chương sau, chúng ta sẽ xem xét quốc gia, các mô hình ban hành quyết định của nhà nước và những thách thức đối với chúng.

 

Tóm lược lý thuyết                           Các quan điểm cạnh tranh nhau[VN3]  về hệ thống quốc tế

 

Chủ nghĩa hiện thực/tân hiện thực

Chủ nghĩa tự do/tân tự do

Chủ nghĩa cấp tiến/thuyết phụ thuộc

Chủ nghĩa kiến tạo

Đặc điểm

Vô chính phủ

Ba giải thích của chủ nghĩa tự do: tương thuộc , trật tự quốc tế và chủ nghĩa hiến định  tân tự do.

 

Phân tầng rõ rệt

Hệ thống quốc tế tồn tại như một sản phẩm của kiến tạo xã hội

Các tác nhân

Nhà nước là tác nhân quan trọng nhất.

Nhà nước, các thiết chế quản lý quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tác nhân bên dưới nhà nước.

 

Các nước tư bản chủ nghĩa đối đầu với các nước đang phát triển

Cá nhân có vai trò quan trọng, không có sự phân biệt giữa quốc tế và trong nước.

Những ràng buộc

Phân cực, phân bố quyền lực.

Phụ thuộc lẫn nhau, các thiết chế.

Chủ nghĩa tư bản, phân tầng

Các tương tác đang diễn ra.

Khả năng xảy ra thay đổi

Thay đổi chậm khi cán cân quyền lực thay đổi

Khả năng thay đổi triệt để là thấp, thay đổi từ từ diễn ra liên tục, khi các tác nhân bị cuốn hút vào các quan hệ mới.

Thay đổi triệt để là đáng mong muốn, nhưng bị giới hạn bởi cơ cấu tư bản chủ nghĩa.

Nhấn mạnh vào thay đổi chuẩn mực xã hội và bản sắc.

 

Câu hỏi thảo luận

1. Hệ thống quốc tế có tương tự như hệ thống vật lý hay sinh học? Các hệ thống này giống nhau như thế nào? Khác nhau như thế nào?

2. Những người theo phái hiện thực, phái tự do, phái cấp tiến và phái kiến tạo có quan điểm khác nhau về chủ quyền. Hãy giải thích.

3. Quan điểm của những người theo phái hiện thực về hệ thống quốc tế đã và đang bị phê phán là có xu hướng giữ nguyên hiện trạng. Các phê phán đó có giá trị đến mức nào? Đó có phải là đặc tính đáng mong muốn hay không?

4. Những người theo phái tân hiện thực và tân tự do đồng ý về một đặc tính quan trọng nhất của hệ thống quốc tế. Họ bất đồng với nhau như thế nào? Tại sao bất đồng này lại quan trọng?

5. Sau khi Liên Xô ta rã, một số lý thuyết gia cho rằng chủ nghĩa Mác đã bị mất uy tín và trên thực tế, đã chết. Bạn có nghĩ rằng luận cứ đó là đúng? Chủ nghĩa cấp tiến có thể giúp chúng ta giải thích một số đặc điểm của hệ thống quốc tế như thế nào?

6. Bạn muốn sống trong hệ thống quốc tế nào? Tại sao?

 

Các thuật ngữ chính


Lưỡng cực (bipolar (t. 111)

Xã hội quốc tế (international society (p. 128)

Chủ nghĩa đa phương (multilateralism (p. 116)

Đa cực (multipolar (p. 109)

Trật tự kinh tế quốc tế mới (New International Economic Order (NIEO) (p. 122)

Bắc North (p. 119)

Nam South (p. 119)

Phân tầng (stratification (p. 118)

Hệ thống system (p. 108)

Đơn cực (unipolar (p. 111)

 



[1] See especially Morton Kaplan, System and Process in International Politics (New York: Krieger, 1976).

[2] Kenneth N. Waltz, “International Structure, National Force, and the Balance of World Power,”

Journal of International Affairs 21:2 (1967): 229.

[3] Kenneth N. Waltz, “Why Iran Should Get the Bomb,” Foreign Affairs 91:4 (July/August 2012): 5.

[4] John J. Mearsheimer, “Back to the Future: Instability after the Cold War,” International Security

15:1 (Summer 1990): 52.

[5] Paul M. Kennedy, The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000 (New York: Random House, 1987).

[6] Robert O. Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1984).

[7] J. David Singer and Melvin Small, “Alliance Aggregation and the Onset of War,” in Quantitative International Politics, ed. J. David Singer (New York: Free Press, 1968), pp. 246–86.

[8] Michael C. Webb and Stephen D. Krasner, “Hegemonic Stability theory: An Empirical Assessment,” Review of International Studies 15 (1989): 183–98.

[9] Robert Gilpin, War and Change in World Politics (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1981).

[10] Robert O. Keohane and Joseph S. Nye, Power and Interdependence, 3rd ed. (New York: Longman, 2001).

[11] G. John Ikenberry, After Victory: Institutions, Strategic Restraint, and the Rebuilding of Order After Major Wars (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2001), p. 50.

[12] Martha Finnemore, The Purpose of Intervention: Changing Beliefs about the Use of Force (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2003), p. 94.

[13] See Alexander Wendt, Social Theory of International Politics (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1999).

[14]Finnemore, Intervention, p. 95.

[15] Hedley Bull and Adam Watson, eds., The Expansion of International Society (Oxford: Oxford University Press, 1984).

[16] Samuel Huntington, The Clash of Civilizations: The Remaking of the World Order (New York: Simon & Schuster, 1996).


 [VN1]Không cần thiết phải có cụm từ này.

 [VN2]Phục vụ như thế nào cho vai trò quốc tế của TQ? Hỗ trợ như thế nào cho vai trò quốc tế của TQ?

 [VN3]cũng có thể đơn giản là KHÁC NHAU.


No comments:

Post a Comment