October 8, 2023

Ba quy luật phổ quát của vũ trụ

 Quy luật thứ nhất – Không có cái gì là nguyên nhân của bất cứ cái gì khác.

 


Xin hãy tưởng tượng một hạt bụi đang bay lơ lửng trước màn hình máy tính của tôi. Cái gì là nguyên tạo ra hạt bụi này? Bạn sẽ nói: Luồng không khí trong phòng. Đúng! Bạn khác sẽ nói: Nhiệt độ trong phòng. Đúng luôn! Bạn nữa sẽ bảo: Cái màn hình và tôi. Cũng đúng luôn! Dù bạn có nói ra nguyên nhân nào thì người khác cũng sẽ tìm thêm được nguyên nhân nữa: Cái cửa sổ, đồ đạc trong phòng, cái cầu thang, rồi căn phòng, không có căn phòng thì làm sao có hạt bụi? Rồi căn nhà này, không có căn nhà thì làm sao có căn phòng? Rồi đến con đường phía trước ngôi nhà, rồi khu phố, rồi cả thành phố. Vân vân và vân vân. Tóm lại, không có một nguyên nhân cụ thể nào gây ra hạt bụi trong khoảng không gian giữa tôi và cái màn hình máy tính của tôi, hay có thể nói cả vũ trụ từ khi khai thiên lập địa đến nay là nguyên nhân gây ra hạt bụi này.

 Nếu bạn chưa tin thì xin hãy tưởng tượng, một buổi chiều trời trong xanh, gió lặng, bạn nhìn lên bầu trời và có một đám mây trắng thật mỏng, thật nhẹ bỗng nhiên xuất hiện, rồi chỉ vài giây sau nó biến mất. Bạn tự hỏi: Cái gì làm cho đám mây xuất hiện rồi biến mất? Bạn có thể nói: Tại gió. Đúng. Bạn cũng có thể nói: Tại nhiệt độ. Đúng. Rồi, tại ánh mặt trời: Đúng. Tại rặng núi kia. Đúng luôn! Dù bạn có đưa ra nguyên nhân nào đi nữa thì người khác cũng có thể đưa ra thêm một nguyên nhân nữa và cũng đúng. Tóm lại, không có một nguyên nhân cụ thể nào làm cho đám mây kia xuất hiện và tan biến, hay có thể nói cả vũ trụ từ khi khai thiên lập địa đến nay là nguyên nhân làm cho đám mây kia xuất hiện rồi tan biến vào thinh không.

 


Hỏi: Nếu không có cái gì là nguyên nhân của bất cứ cái gì thì có cần làm gì nữa hay không?

Trả lời: Có chứ. Cứ làm phù hợp với tầng ý thức của bạn hay có thể nói cứ làm theo cách hiểu của bạn, nhưng đừng truy cầu kết quả. Kết quả là do cả Vũ trụ an bài. Tất cả chúng ta đều biết như thế: Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.

 

Quy luật thứ hai  – Chủ thể tác động vào đối tượng như thế nào thì đối tương tác động vào chủ thể như thế ấy (Nhận thức cao hơn thì chính là tất cả các hiện tượng bên ngoài đều do tâm ta phóng chiếu ra).

 


ÁP DỤNG:

1. Trong đời thường: ta vui vẻ hòa nhã với người khác thì người khác cũng vui vẻ hòa nhã với ta; ta cáu gắt bất lịch sự với người khác thì người khác cũng cáu gắt bất lịch sự với ta.

2. Trong chính trị: nhà cầm quyền coi dân là thù địch thì người dân cũng coi khinh nhà cầm quyền và trước sau gì cũng có người đứng lên lật đổ chính quyền.

3. Phật giáo giảng: Hận thù diệt hận thù/Đời này không thể có/Từ bi diệt hận thù/Là định luật ngàn thu; còn Chúa phán: Kẻ chơi dao thì sẽ chết vì dao.

4. Trong vật lý, đấy là định luật 3 Newton: Kéo thì vật kéo lại, đẩy thì vật đẩy lại. Đáng tiếc khi dạy định luật này người ta đã không giảng cho học sinh quy luật phổ quát thứ nhất của Vũ Trụ.

5. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nghĩa là muốn giầu thì phải thân cận với người giàu, muốn thành người tử tế thì phải thân cận với thiện trí thức. 

Như vậy là, ta không thể nào cải tạo được người khác, ta chỉ có thể cải tạo được chính mình, bất cứ cái gì xảy ra ở bên ngoài đều giúp ta nhìn vào bên trong xem mình đã làm gì để mình có thể thấy sự kiện đó. Câu nói: “Mình phải thế nào người ta mới đối xử như thế chứ!” là rất có đạo lý!

 


Quy luật thứ ba – Sự sống/Linh hồn/Nguyên thần (từ đây gọi là Linh hồn) không bao giờ chết, Nó chỉ chuyển từ hình tướng này sang hình tướng khác mà thôi.

Linh hồn/sự sống bao gồm vật chất và năng lương, mà vật chất và năng lượng không mất thì linh hồn tất nhiên cũng không bao giờ mất. Có thể đọc được những tác phẩm viết về những người đã trả nghiệm cận tử viết/kể về việc này, ví dụ cuốn Minh Chứng Về Thiên Đường của tiến sĩ Eben Alexander, người đã có trải nghiệm cận tử, kể về trải nghiệm của mình hoặc những cuốn khác. Trong cuộc sống bình thường ta cũng có thể nghe hay thậm chí là gặp những người đã có trải nghiệm cận tử. Họ trở thành những người khác hẳn, từ bi hơn và không dính chấp như trước vào công việc thế gian nữa, thậm chí có người đi tu.

Nếu Linh hồn là bất diệt thì có nghĩa là chúng ta đến thế giới này để hưởng thiện nghiệp và trả những khoản nợ/ác nghiệp mà ta đã làm trong đời trước, và tiếp tục học những bài học nào đó. Hiểu như thế thì sẽ thấy cuộc đời không bất công với bất cứ người nào. Đồng thời cũng thấy rằng ta và tất cả mọi người đang học, đang học thì có thể không sai lầm hay sao? Học lớp 5 nhìn lại những việc ta làm hồi lớp 1 mới thấy ngớ ngẩn làm sao. Nhưng ta không ân hận, cũng không phiền trách mình vì ta biết rằng mình đang học. Thế thì vì cớ gì ta lại ân hân/tiếc nuối những việc ta đã làm hôm qua hay hôm kia? Và vì cớ gì mà ta phán xét người khác. Họ cũng đang học như ta thôi. Quan niệm như thế thì sẽ dễ dàng tha thứ cho ta và cho người khác, tức là trở thành người từ bi hơn. Nhưng không ân hận/tiếc nuối không có nghĩa là cứ mặc cho mọi sự tự trôi đi mà phải rút kinh nghiệm để không mắc những lỗi lầm cũ nữa. Đấy chính là TU TÂM.

 


Kết luận:

1. Chúng ta đến thế gian là để hưởng thiện nghiệp và hoàn trả những khoản nợ mà ta đã nợ trong tiền kiếp, đồng thời phải học những điều mà kiếp trước ta đã bỏ qua. Cái học này, còn gọi là tu tâm, là công việc cực kỳ khó khăn, nó khác hẳn với học một nghề nào đó: bỏ tiền ra đi học một khoảng thời gian là được. Tu tâm khác hẳn, phải chú ý tới từng tư, từng niệm, từng lời nói, từng việc làm trong từng giây, từng phút, thậm chí là từng sát na, bởi vì như người ta thường nói: Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời. Nhưng hiệu quả thu được thật là phi thường: Không ân hận, không phán xét người khác thì cuộc sống của ta sẽ nhẹ nhàng hơn hẳn, bệnh tật cũng giảm đi trông thấy.,

2.    Nhận thức được rằng không thể nào thay đổi được người khác mà chỉ có thể thay đổi được chính mình, mọi chuyện mà ta nghĩ là bất như ý chính là thách thức mà ta cần vượt qua bằng thái độ chấp nhận, nhẫn nại và tư bi. Khó khăn vô cùng.

3.     Nhận thức được rằng không có cái gì là nguyên nhân của bất cứ cái gì làm cho ta trở thành người khiêm tốn hơn: Những việc ta làm được là do Vũ Trụ muốn sự việc ấy được làm thông qua bàn tay và khối óc của ta, chứ ta không phải là tác giả. Ta chỉ chịu trách nhiệm về nỗ lực, còn kết quả lại do hàng ngàn hàng vạn nguyên nhân khác nhau, ta không thể nào kiểm soát được. Người xưa thường nói: Người tính không bằng Trời tính. Nếu nhận là tác giả của những việc mình đã làm và trở thành người kiêu ngạo thì thất bại đã hiển hiện rồi. Có lẽ đấy là lý do vì sao các học giả, văn nhân, doanh nhân phương Tây thường có thành tích rất lâu dài, thậm chí có thành tích tới tận lúc chết: Các tín hữu Kitô giáo luôn luôn nói rằng đấy là do ý Chúa. 

 

No comments:

Post a Comment