328. Marxism-Leninism – Chủ nghĩa Marx-Lenin. Mặc dù người ta thường mô tả hệ thống chính trị được thiết lập sau Cách mạng Bolshevik, tháng 10 năm 1917, ở Nga là xã hội theo chủ nghĩa Marx, nhưng, đúng hơn, nên gọi đấy là xã hội theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Chủ nghĩa Marx-Lenin là thuật ngữ do Stalin đặt ra nhằm mô tả sự kết hợp giữ lý thuyết Marxist với tư tưởng của Lenin - người lập ra nhà nước Xô Viết – ngọn đuốc soi đường cho cuộc Cách mạng này và trở thành niềm tin của nhà nước sau Cách mạng. Marx chưa có gì để nói về bản chất của xã hội sau cách mạng, đúng hơn là ông chưa nói rõ cần phải tổ chức và lãnh đạo cách mạng như thế nào, đấy là lý do làm cho người ta phải kết hợp tư tưởng của Lenin vào chủ nghĩa Marx. Tư tưởng của Marx nhấn mạnh tương lai rất xa vời và xã hội mà ông mô tả về cơ bản là xã hội vô chính phủ, gần như không cần chính trị hoặc nhà nước. Lenin, nhà lãnh đạo cách mạng lưu vong, đã viết rất nhiều tác phẩm về công tác chuẩn bị và lãnh đạo cách mạng, cũng như bản chất của xã hội ngay sau ngày cách mạng thành công. Về mặt lý thuyết, đóng góp của Lenin tập trung vào vai trò của đảng cộng sản - đội tiên phong của giai cấp vô sản - không chỉ lãnh đạo cách mạng mà còn kiểm soát xã hội trong giai đoạn quá độ - xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây chính là lời biện minh cho sự cai trị của đảng, đặc biệt có giá trị đối với những người Bolshevik, vì đã hợp pháp hóa sự cai trị của họ. Khái niệm chuyên chính vô sản cuối cùng đã tạo điều kiện cho Stalin và những người kế nhiệm ông không trao cho người dân những quyền dân chủ cơ bản hoặc thậm chí là hàng hóa cơ bản nhằm thỏa mãn người tiêu dùng, trên cơ sở cho rằng quần chúng chưa thể sẵn sàng để hưởng các quyền tự do - cho đến khi nhà nước Xô Viết giải thoát họ khỏi ý thức sai lầm mà các chế độ trước đây đã nhồi nhét vào đầu óc họ. Chính Marx đã coi nước Nga là nơi rất khó xảy ra cách mạng vô sản, vì ở đó hầu như chưa bắt đầu cách mạng công nghiệp, tư tưởng của Lenin chính là những điều mà cuộc cách mạng cần. Vai trò của đảng là cực kì quan trong trong chế độ cộng sản, công bằng mà nói, hầu hết các các đảng cộng sản ở phương Tây cũng theo chủ nghĩa Marx-Lenin, chứ không phải theo chủ nghĩa Marx thuần túy, đấy là nói những đảng không đi theo đường lối của Trotsky, hoặc trở thành các đảng Maoist.
329. Masses – Quần chúng. Đám đông dân chúng bình thường trong xã hội. Lo lắng về “quần chúng” cũng lâu đời như lo lắng về chế độ dân chủ. Trong Nền dân trị Mỹ, Tocqueville thể hiện sự lo lắng của mình về những người Mỹ không có gốc rễ và không có liên kết xã hội – như họ đã và đang là hiện nay – lưu động hơn người châu Âu: “Mỗi người sống tách biệt, không quan tâm tới số phận của tất cả những người khác”. Nhưng Tocqueville lại thán phục trước sự năng động về chính trị và nhiệt tình tham gia các tổ chức tự nguyện của họ. Những mâu thuẫn như thế làm cho người ta khó đưa ra được định nghĩa về “quần chúng” và những mối đe dọa mà họ có thể gây ra cho giới tinh hoa cũng như sự ổn định của chế độ dân chủ.
330. Massive Retaliation –Trả đũa cấp tập. Chính
sách đáp trả hành vi hiếu chiến với khả năng gây tổn thương lớn nhất có thể, kể
cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trả đũa cấp tập đã trở thành chính sách chính
thức của chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower, sau năm
1954, cùng với việc Hoa Kỳ dính líu vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Ý tưởng này
khá đơn giản: Bất kỳ cuộc xâm lược nào của Liên Xô ở Châu Âu hoặc ở những nơi
khác sẽ bị đáp trả bằng cuộc tấn công hạt nhân cấp tập vào chính Liên Xô. Chiến
lược này là hợp lý, vì trong giai đoạn đó, phương Tây không có giải pháp thay
thế thuyết phục nào khác: Về vũ khí quy ước phương Tây không so sánh được với
Liên Xô, trong khi Liên Xô không thể đáp trả được vụ tấn công hạt nhân của Mỹ. Cuối
những năm 1950 và đầu những năm 1960, khi kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô đã
gia tăng đáng kể, nhằm mục đích răn đe, Hoa Kỳ tung ra chiến lược leo thang và
phản ứng linh hoạt, cuối cùng là đảm bảo rằng cả hai bên đều bị tiêu diệt hoàn
toàn.
tốt nhất là không nên để xảy ra chiến tranh
ReplyDelete