March 2, 2021

Thuật ngữ chính trị (134)

 


326. Martial Law – Thiết quân luật. Thiết quân luật là tình trạng do chính phủ dân sự công bố, trong đó, các lực lượng quân sự được trao quyền cai trị, quản lý và kiểm soát một khu vực, có thể là một địa phương hoặc cả nước, sử dụng trực tiếp lực lượng quân sự mà không có những hạn chế thông thường của quá trình ban hành quyết định theo lối dân chủ hoặc không chấp nhận các quyền công dân. Đây luôn luôn được coi là tình trạng thái tạm thời, và, khác với chế độ quân sự, nó có tính hợp pháp, vì do chính phủ dân sự quyết định và công nhận. Không nghi ngờ gì rằng, thiết quân luật là tình trạng khắc nghiệt và không được lòng dân; Sau Thế chiến II, các chế độ dân chủ lớn ở phương Tây chưa hề ban hành tình trạng thiết quân luật. Ba Lan nằm trong tình trạng thiết quân luật từ năm 1981 đến năm 1983. Tình trạng thiết quân luật có thể là hữu ích hoặc có thể chấp nhận được khi luật pháp và trật tự đã bị phá vỡ hoàn toàn - chính phủ dân sự để xảy ra tình trạng như thế có thể đã mất hết tính hợp pháp. Trong luật quốc tế, thuật ngữ này thường được dùng để nói về chính quyền của quân đội nước ngoài áp đặt lên khu vực thuộc địa. 

327. Marxism – Chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx là phương pháp phân tích kinh tế xã hội áp dụng chủ nghĩa duy vật để giải thích quá trình phát triển lịch sử, hay còn gọi là chủ nghĩa duy vật lịch sử, nhằm tìm hiểu các mối quan hệ giai cấp và mâu thuẫn xã hội cũng như quan điểm biện chứng để xem xét sự biến đổi của xã hội. Chủ nghĩa Marx có xuất xứ từ các tác phẩm của hai nhà triết học Đức thế kỷ XIX là Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895). 

Ban đầu, thuật ngữ “Chủ nghĩa Marx” được những người cánh hữu sử dụng với nghĩa xấu. Chỉ từ cuối thế kỷ XIX, thuật ngữ này mới được chính những người theo chủ nghĩa Marx chấp nhận. Chính Marx cũng đã từng nói rằng ông thích dùng khái niệm “chủ nghĩa xã hội khoa học” cho học thuyết của mình. Marx phê phán những người đi trước và những cùng thời rằng họ chỉ “mơ ước” một xã hội có nhân tính, lý tính và tự do, theo các lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp chứ không nghiên cứu một cách khoa học về các điều kiện để làm cách mạng. Marx và Engels đã tranh luận với nhiều truyền thống tư tưởng khác nhau theo lối khoa học và phê phán. Các tư tưởng cơ bản của Marx chỉ được hệ thống hóa sau khi ông đã qua đời.

Chủ nghĩa Marx là hệ thống lý thuyết với ý nghĩa là một thế giới quan được các chính trị gia sử dụng để định hướng thực tiễn và được các học giả sử dụng như một phương pháp luận. Học thuyết Marxist chủ yếu phản ánh sự phát triển của các tư tưởng của Marx và Engels:

1.       Phê bình một cách sâu rộng triết học truyền thống và “phủ nhận” chúng bằng chủ nghĩa duy vật biện chứng. Với ý tưởng đó, các tác phẩm ban đầu của Marx bắt đầu với việc phê bình tôn giáo và phê bình các ý thức hệ, đặc biệt là của chủ nghĩa duy tâm biện chứng Đức của Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) và chủ nghĩa duy vật siêu hình của Ludwig Feuerbach (1804-1872). Ông kỳ vọng bổ sung phương pháp biện chứng của Hegel với nội dung lịch sử hiện thực và qua đó “đảo ngược” chủ nghĩa duy tâm. Mục đích của phê phán này là “Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới khác nhau; vấn đề là ở chỗ cải tạo thế giới”.

2.       “Tồn tại [xã hội] quyết định ý thức”. Theo Marx, quan hệ sản xuất trong nền kinh tế là hạ tầng cơ sở cho cuộc sống tinh thần và văn hóa của xã hội hay còn được gọi là thượng tầng kiến trúc. Marx xem đấu tranh giai cấp là biện chứng của lịch sử từ khi xã hội bắt đầu phân chia thành giai cấp đến nay. Theo Marx thì “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau”.

3.       Tác phẩm chính của ông là cuốn Tư bản luận, trong đó ông chỉ ra bản chất của sự tích lũy tư bản trong chủ nghĩa tư bản, sự hình thành xã hội có giai cấp hiện đại và quá trình tập trung tư bản cũng được phân tích cả về mặt kinh tế vi mô và vĩ mô. Marx cũng phân tích những khuyết điểm của trường phái kinh tế học cổ điển của Adam Smith và David Ricardo trong việc giải thích một số hiện tượng kinh tế. Học thuyết về giá trị lao động là phần quan trọng nhất trong những phân tích này.

4.       Chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang xã hội không có giai cấp trong chủ nghĩa cộng sản – thông qua giai đoạn quá độ là chủ nghĩa xã hội – là chủ đề của học thuyết cách mạng của Marx. Chủ nghĩa cộng sản là sự kết thúc của lịch sử xã hội có giai cấp, mở đầu cho lịch sử của xã hội phi giai cấp và tự do. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo.

Ban đầu, chủ nghĩa Marx được phổ biến trong phong trào công nhân, thế kỷ XIX, đặc biệt là phong trào dân chủ xã hội Đức đã biến các học thuyết của Marx và Engels thành cơ sở cho các chương trình hoạt động và đưa vào chương trình đào tạo thành viên. Sau đó, Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924) kế thừa Marx, phát triển học thuyết về chủ nghĩa đế quốc, mà sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, cùng với các tư tưởng của Marx và Engels, đã trở thành ý thức hệ nhà nước của Liên bang Xô viết. Stalin gắn chủ nghĩa Lenin vào chủ nghĩa Marx thành chủ nghĩa Marx - Lenin.

Sau năm 1945, Chủ nghĩa Marx-Lenin đã có ảnh hưởng quyết định đến chủ nghĩa xã hội hiện thực trong nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Đông và Trung Âu, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và Việt Nam. Chủ nghĩa Lenin có xuất xứ từ những “tư tưởng cơ bản” của Marx và Engels và đến mức nào hay chỉ là “phát triển sai lầm” vẫn là một trong những câu hỏi được tranh cãi nhiều nhất trong quá trình xây dựng lý thuyết Marxist. 

Cùng với thời gian, chủ nghĩa Marx đã phát triển thành nhiều nhánh và trường phái tư tưởng khác nhau, mỗi nhánh hay trường phái đó đều tự nhận là người được chính Marx trao cho ý bát. Có thể liệt kê một số trường phái sau đây:

1.       Phong trào Dân chủ Xã hội mà Chủ nghĩa Marxist Áo (Austromarxism) là một hình thức đặc biệt. Hiện nay, một số đảng dân chủ xã hội hay nhóm cánh tả trong phong trào này ở các nước ở phương Tây đều công nhận các mô hình xã hội tiến bộ trong học thuyết Marx, nhưng chủ trương xây dựng xã hội mới bằng biện pháp đấu tranh hòa bình nhằm thúc đẩy tiến hóa xã hội.

2.       Chủ nghĩa Lenin (Chủ nghĩa Marx–Lenin) và các khuynh hướng dựa trên chủ nghĩa Lenin như chủ nghĩa Stalinchủ nghĩa Trotskychủ nghĩa Mao, chủ trương xây dựng xã hội mới bằng biện pháp cách mạng, thành lập nhà nước mới. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là các đảng Cộng sản trong các nước trên thế giới. Các đảng Cộng sản thường có quan hệ đồng minh với các đảng Dân chủ xã hội vừa nói bên trên (do cùng chia sẻ học thuyết Marx), tạo nên lực lượng chính trị được gọi chung là cánh tả.

3.       Chủ nghĩa cộng sản Tây Âu (Eurocommunism) là khuynh hướng cộng sản ở Tây Âu, đã từ bỏ ý tưởng thực hiện cách mạng bạo lực nhằm thành lập nhà nước chuyên chính vô sản. Khuynh hướng chính trị này chấp nhận chế độ dân chủ phương Tây và chủ trương tiến đến chủ nghĩa cộng sản bằng các biện pháp cải cách xã hội.

4.       Chủ nghĩa Tân Marxist (Neomarxism) hay Chủ nghĩa Hậu Marxist (Postmarxism) dưới nhiều hình thức khác nhau như Trường phái Frankfurt (Frankfurt School).

 

Việc phê bình chủ nghĩa Marx đã bắt đầu cùng với sự phát triển của chủ nghĩa Marx và đã trở nên quyết liệt hơn qua việc thành hình nhiều hệ thống nhà nước viện dẫn Marx trong thế kỷ XX, đặc biệt là các chính sách cứng rắn về chính trị và sự không hiệu quả về kinh tế trong chủ nghĩa xã hội hiện thực, được coi là kết quả của học thuyết Marxist

1 comment: