February 9, 2021

Thuật ngữ chính trị (125)

 


298. Leninism – Chủ nghĩa Lenin. Chủ nghĩa Lenin là một phần của học thuyết về chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, và ở mức độ thấp hơn là một phẩn của hệ tư tưởng chính thức của các đảng cộng sản phương Tây, tức là những đảng đã cải biến Chủ nghĩa Marx cho phù hợp với nhận thức của các phong trào cộng sản có tổ chức. Chủ nghĩa Lenin chủ yếu là sự biện minh cho một tổ chức đảng đầy sức mạnh, độc đoán và thực chất là phi dân chủ, như điều kiện cần để tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Lenin tuyên bố rằng, tự mình, giai cấp vô sản công nghiệp không thể trở thành giai cấp cách mạng, không thể nhận thức được lợi ích thực sự của mình, và phải được những người trí thức cách mạng - đội tiên phong của giai cấp vô sản lãnh đạo. Trong khi Lenin tin chắc như thế, quan điểm của ông liên quan đến những điều kiện lịch sử của nước Nga trong những thập kỷ tiên của thế kỷ XX, và giai đoạn khi mà các cường quốc phương Tây kiểm soát phần lớn khu vực mà sau này được gọi là Thế giới Thứ ba, và có lẽ không bao giờ có thể được coi là học thuyết trường cửu. Tuy nhiên, các phong trào cộng sản và cực tả ngày nay có thể được coi là những tổ chức áp dụng chủ nghĩa Lenin hay một phiên bản khác của chủ nghĩa Marx. Hai phiên bản thay thế chủ nghĩa Lenin là chủ nghĩa Trotsky và chủ nghĩa Mao.

 299. Levellers – Những người chủ trương bình đẳng. Những người chủ trương bình đẳng là phong trào chính trị xuất hiện trong cuộc Nội chiến ở nước Anh (1642–1651). Phong trào này cam kết bảo vệ chủ quyền của nhân dân, mở rộng quyền bầu cử, bình đẳng trước pháp luật và lòng khoan dung tôn giáo. Dấu hiệu nổi bật của tư tưởng của những người chủ trương bình đẳng là chủ nghĩa dân túy, thể hiện qua việc phong trào này nhấn mạnh các quyền tự nhiên ngang nhau và họ tiếp cận công chúng thông qua những tập sách mỏng, những bản kiến nghị và những lời kêu gọi hướng tới đám đông.

Những người chủ trương bình đẳng bắt đầu nổi tiếng vào cuối cuộc Nội chiến Thứ nhất ở nước (1642–46) và có ảnh hưởng mạnh nhất trước khi cuộc Nội chiến thứ hai (1648–49) bùng nổ. Tư tưởng của họ đã được trình bày trong tuyên ngôn nhan đề Thỏa thuận của nhân dân (Agreement of the People). Tuy chủ trương bình đẳng, nhưng phái này lại phản đối sở hữu tập thể, trừ trường hợp các chủ sở hữu tài sản có thỏa thuận chung. 

Những người nắm quyền lực đã đẩy được những người chủ trương bình đẳng và tất cả các nhóm đối lập khác ra rìa và ảnh hưởng của họ suy yếu dần. Đến năm 1650, những phong trào này không còn là đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự xã hội đã được thiết lập. 

300. Liberal Democracy – Dân chủ tự do. Chế độ dân chủ tự do mà hầu hết các nước phát triển phương Tây tuyên bố là đang thực hành, trên thực tế, là sự kết hợp của hai giá trị không nhất thiết là song hành với nhau về mặt logic. Về khía cạnh dân chủ, dân chủ tự do là hình thức của chế đô dân chủ đại diện. Do đó, toàn bộ cử tri bầu ra một số người đại diện, có thể là thành viên các đảng chính trị, những người này trở thành thành viên quốc hội. Đa số thành viên của quốc hội ban hành luật pháp, và trong hệ thống nghị viện như ở Vương quốc Anh, Canada, Australia, Ấn Độ và những nước khác theo mô hình Westminster, chọn một số nghị sĩ để thành lập chính phủ. Khía cạnh tự do là nói tới tập hợp các giá trị truyền thống, xuất phát từ các quyền dân sự và quyền tự nhiên, được coi là cốt lõi của văn hóa chính trị, và có thể được ghi vào hiến pháp và được tòa án bảo vệ. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng, phần lớn cử tri trong các chế độ dân chủ phương Tây, trong những điều kiện nhất định, có thái độ thù địch với một số quyền, ví dụ, một số khía cạnh của chuẩn mực tố tụng. Do đó, ý chí của đa số, được đánh giá theo lối thực nghiệm, có thể xung đột với các giá trị quan trọng nhất của hệ thống này. 

Hơn nữa, bởi vì những người được bầu vào quốc hội thường được coi là đại diện không ràng buộc, như Burke khẳng định, chứ không phải là đại diện ràng buộc, các hội đồng lập pháp thường cản trở ước muốn của những người đã bầu cho họ. Ví dụ ở Anh là án tử hình. Sau khi án tử hình bị bãi bỏ vào năm 1967, đa số cử tri đã quay sang ủng hộ tái áp dụng hình phạt này, nhưng đa số hạ nghị sĩ trong Viện Thứ dân đã mấy lần bác bỏ hình phát này. Chế độ dân chủ tự do có thể được coi là câu trả lời cho nỗi sợ hãi mang tính truyền thống về chế độ chuyên chế của đa số: Chế độ dân chủ không bị cản trở của đa số có thể gây nguy hiểm cho các giá trị tự do hơn là những chế độ chuyên chế bình thường.

 

1 comment: