295. Legitimacy – Chính đáng/chính danh. Chính quyền được coi là chính đáng/chính danh thường có quyền và lý lẽ biện minh cho việc thực thi quyền lực. Chính danh về chính trị được coi là điều kiện cơ bản để quản lý, không có nó, chính phủ sẽ gặp bế tắc về lập pháp và sụp đổ. Các hệ thống chính trị không có tính chính danh, các chế độ không được lòng dân vẫn tồn tại vì chúng được tầng lớp tinh hoa, có ảnh hưởng, coi là chính danh. Trong triết lý chính trị Trung Quốc, từ thời nhà Chu (1046–256 trước Công nguyên), người ta cho rằng tính chính danh chính trị của một nhà cầm quyền và chính phủ là do Thiên mệnh, và những người cầm quyền phi nghĩa không còn Thiên mệnh, thì cũng không được cai trị dân nữa.
Trong triết học đạo đức, thuật ngữ tính chính danh thường được hiểu là địa vị mà những người bị trị trao cho các cơ quan và nói về hành động của những người cai trị mình, trên cơ sở tin rằng hành động của chính quyền là sử dụng quyền lực một cách thích hợp bởi một chính phủ được thành lập một cách hợp pháp.
Triết gia người Anh thời Khai sáng, John Locke (1632–1704) nói rằng tính chính danh chính trị xuất phát từ sự ưng thuận rõ ràng và ngầm định của người bị trị: “Luận cứ của của Khảo luận Thứ hai là chính phủ chỉ chính danh khi nó được những người bị trị ưng thuận”. Triết gia Đức, Dolf Sternberger, nói rằng “tính chính danh là nền tảng của quyền lực của chính phủ, theo nghĩa là chính phủ ý thức được rằng mình có quyền cai trị, và người bị trị công nhận rằng chính phủ có quyền đó”. Nhà chính trị học người Mỹ, Seymour Martin Lipset, nói rằng tính chính danh còn “liên quan đến năng lực của hệ thống chính trị trong việc tạo ra và giữ vững niềm tin rằng các thiết chế chính trị hiện hành là những thiết chế phù hợp và đúng đắn nhất cho xã hội”.
296. Legitimation Crisis – Khủng hoảng tính chính danh. Lý thuyết do Jürgen Habermas, triết gia người Đức, trình bày vào năm 1973. Jürgen Habermas cho rằng nhân dân kì vọng rằng chính phủ can thiệp thành công vào lĩnh kinh tế nhằm bảo đảm thịnh vượng kinh tế. Thất bại của chính phủ có thể làm cho người ta nghi ngờ hệ thống tư bản chủ nghĩa và làm suy yếu tính chính danh của hệ thống.
297. Leisure Class – Tầng lớp tiêu dùng phô trương. Tầng lớp tiêu thụ, ăn bám; nhóm người ăn trên ngồi trốc thể hiện công khai và thường xuyên địa vị của mình. Tiêu dùng phô trương là thuật ngữ kinh tế học để chỉ một loại hành vi tiêu dùng. Người ta tiêu dùng để cho mọi người xung quanh thấy mình ở địa vị xã hội nào đó, dù họ có địa vị xã đó hay không. Thuật ngữ này do Thorstein Veblen (1857-1929) đặt ra trong tác phẩm Lý thuyết về tầng lớp tiêu dùng phô trương (The Theory of the Leisure Class - 1899), mô tả hành vi tiêu dùng của tầng lớp nhà giàu mới nổi hồi cuối thế kỷ XIX, nhờ quá trình công nghiệp hóa ở Hoa Kỳ.
Veblen cho rằng động cơ chủ yếu của con
người là thể hiện một cách tối đa địa vị xã hội chứ không phải là hướng tới tiền
bạc. Trong quá trình thiết lập địa vị, chi tiêu quan trọng hơn thu nhập. Họ dành
tỷ lệ lớn chi tiêu của mình cho những hàng hóa trưng diện được (như ô tô, quần
áo, đồ trang sức), lại có những người sẵn sàng mua hàng nhái hơn là mua hàng có
cùng chất lượng nhưng không gắn nhãn hiệu nổi tiếng chứng tỏ họ cần nhãn hiệu để
thỏa mãn nhu cầu phô trương. Tiêu dùng phô trương đã trở thành tính chất không
thể thiếu trong hệ thống kinh tế hiện nay. Liên quan đến hành vi tiêu dùng phô
trương, Veblen còn đưa ra một khái niệm khác, gọi là hàng hóa Veblen. Đây là loại
hàng hóa mà giá cả của chúng càng cao thì càng hấp dẫn người mua, bởi vì giá chính
là thước đo của lòng kiêu hãnh.
bài viết rất hay
ReplyDelete