December 31, 2020

Thuật ngữ chính trị (108)

 


246. Internment – Giam giữ không xét xử. Internment bỏ tù những người - thường là các nhóm đông người - mà không có cáo trạng. Thuật ngữ này thường hay được sử dụng khi bắt giam “công dân nước thù nghịch trong giai đoạn chiến tranh hoặc nghi phạm khủng bố”. Do đó, trong khi nó có thể đơn giản có nghĩa là bắt giam, thường là ám chỉ việc giam giữ mang tính phòng ngừa chứ không phải giam giữ sau khi đã bị kết án về tội phạm nào đó. Việc sử dụng các thuật ngữ này có thể gây tranh luận và nhạy cảm chính trị. theo Công ước La Hay năm 1907, Internment đôi khi cũng được sử dụng để nói về hoạt động của một quốc gia trung lập trong việc giam giữ các lực lượng vũ trang và thiết bị của các bên tham chiến nằng trên lãnh thổ của mình trong giai đoạn chiến tranh.

Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (1948) hạn chế việc sử dụng internment, điều 9 của Văn kiện này nêu rõ: “Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán”.

247. Intifada. Intifada trong tiếng Ả Rập có nghĩa là cuộc nổi dậy hay khởi nghĩa, hoặc phong trào kháng chiến. Trong tiến A Rập hiện nay, đây là khái niệm chính để nói về cuộc nổi dậy chính đáng nhằm chống lại áp bức.

 Trong thời hiện đại, khái niệm intifada lần đầu tiên được sử dụng vào vào năm 1952 tại Vương quốc Iraq, đấy là khi các đảng xã hội chủ nghĩa và cộng sản – được truyền cảm hứng từ Cách mạng Ai Cập năm 1952 - xuống đường để phản đối chế độ quân chủ Hashemite.

 Ở Palestine, từ này dùng để chỉ những nỗ lực nhằm “dẹp bỏ” chính quyền Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza trong phong trào Intifada Thứ nhất và Thứ hai. Ở đây, ban đầu nó có nghĩa là “phản kháng bất bạo động tích cực”, sinh viên Palestine trong các cuộc đấu tranh vào những năm 1980 hiểu thuật ngữ này như thế và họ áp dụng nó theo lối ít đối đầu hơn so với ý nghĩa của nó trong các bài diễn văn khoa trương trước đó.

248. Invisible Hand – Bàn tay vô hình. Bàn tay vô hình là phép ẩn dụ, một tư tưởng kinh tế do nhà kinh tế học Adam Smith đưa ra vào năm 1776. Trong tác phẩm vĩ đại Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations thường được gọi là The Wealth of Nations – Của cải của các quốc gia) và những trước tác khác, Smith tuyên bố rằng, trong nền kinh tế thị trường tự do, mỗi cá nhân đều theo đuổi lợi ích riêng của  mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng thông qua “bàn tay vô hình”. Ông khẳng định rằng, khi mỗi người đều muốn thu lợi lớn nhất cho mình thì họ sẽ tối đa hóa lợi ích của cả cộng đồng.

 Smith chỉ sử dụng thuật ngữ “bàn tay vô hình” ba lần trong ba tác phẩm của ông. Nhưng trong các thế hệ, thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi và trở thành lý luận kinh tế học.

 Theo lý luận này, hoạt động của mỗi thành viên trong xã hội chỉ mang mục đích bảo vệ lợi ích của riêng mình; thông thường, không có chủ định củng cố lợi ích cộng đồng và cũng không biết mình đang củng cố lợi ích này ở mức độ nào. Tuy nhiên khi đó, hệ thống thị trường và cơ chế giá cả sẽ hoạt động một cách tự phát như thể có một bàn tay vô hình đầy thiện ý điều khiển toàn bộ quá trình xã hội và sự điều khiển tự phát này còn có hiệu quả hơn cả khi người ta định làm việc này.

 Ví dụ dễ nhận thấy của “bàn tay vô hình” trong quy luật cung cầu của thị trường là vấn đề kiểm soát giá cả các loại hàng hóa. Khi giá cả không được tự do định đoạt bởi quy luật cung cầu hoặc bị ngăn cản thực hiện ở mức thuận mua vừa bán thì sẽ xuất hiện thị trường “chợ đen”, thoát ra ngoài ý chí của tất cả các cơ quan quyền lực.

 Thuyết của Smith bài bác tư tưởng của chủ nghĩa trọng thương, đòi hỏi tự do kinh doanh và cạnh tranh, tương thích với chủ nghĩa tư bản. Hiện nay, cùng với cơ chế tự điều chỉnh theo thuyết bàn tay vô hình, người ta vẫn phải dùng đến nhà nước – “bàn tay hữu hình” - thông qua luật pháp, thuế và các chính sách kinh tế nhằm điều chỉnh nền kinh tế xã hội. 

1 comment: