August 16, 2020

CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (1)

 

Vũ Tường

Nguyễn Trung Kiên dịch [kỳ 1]

*

GIỚI THIỆU: CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Các cuộc cách mạng trong bất kỳ xã hội nào cũng đều khó thành công bởi những điều kiện bất lợi. Hầu hết các cuộc cách mạng đều chưa từng có cơ hội sử dụng quyền lực nhà nước bởi ngay cả các chính quyền yếu kém cũng có thể chỉ huy được lực lượng đủ để đánh bại chúng. Ngay cả khi các cuộc cách mạng lật đổ thành công chế độ cũ, các nhà nước cách mạng non trẻ từ Pháp đến Nga vẫn thường xuyên phải đối mặt với những kẻ thù nước ngoài hùng mạnh khiến cho sự tồn tại của chúng càng trở nên hiếm hoi hơn. Cuốn sách này tập trung vào Việt Nam như một trong những ngoại lệ hiếm hoi đó trong lịch sử thế giới hiện đại, khi cuộc cách mạng thành công và trường tồn.

Trong nghiên cứu này, tôi lần theo thế giới quan của các nhà cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kéo dài hơn tám mươi năm, bắt đầu từ thập niên 1920, khi họ là một nhóm sống ngoài vòng pháp luật và đang mơ ước xây dựng một thiên đường cộng sản; trải qua những thập kỷ sau, khi họ đấu tranh giành quyền lực, xây dựng xã hội mới và đánh bại các can thiệp của nước ngoài; và đến cuối thập niên 1980 khi họ cố gắng cứu chủ nghĩa xã hội ở trong và ngoài nước một cách vô ích. Cuộc cách mạng đã kết thúc một cách hiệu quả kể từ đó, nhưng những di sản của nó còn tồn tại dai dẳng đến đáng kinh ngạc: chế độ cộng sản đang chịu áp lực thay đổi to lớn nhưng đã kiên quyết từ chối việc từ bỏ ý thức hệ đã bị mất niềm tin ở khắp nơi của mình. Như vậy, cuốn sách này đặt ý thức hệ vào vị trí trung tâm của gần một thế kỷ lịch sử Việt Nam hiện đại. Tôi cho rằng ý thức hệ đã giúp những người cộng sản Việt Nam kiên trì chống lại những khó khăn lớn, nhưng không đưa họ đến thành công và để lại những di sản buồn.

Trong quan niệm của quần chúng, những nhà cách mạng Việt Nam hiện lên như các nhà dân tộc chủ nghĩa thực dụng, những người kế thừa các truyền thống yêu nước, và chủ nghĩa anh hùng ở họ thật đáng được khâm phục. Bằng cách thẩm tra kỹ lưỡng về tầm nhìn của họ, cuốn sách này bộc lộ họ ở một góc độ rất khác (nhưng không nhất thiết là tiêu cực) - những người cấp tiến đã cống hiến sự nghiệp của mình cho một xã hội không tưởng. Câu chuyện mà người đọc gặp ở đây ít lạc quan hơn câu chuyện được kể trong rất nhiều tài liệu về cuộc cách mạng này: niềm tin sâu sắc của các nhà cách mạng Việt Nam là nguồn gốc của không chỉ những chiến thắng vẻ vang mà còn là những bi kịch khổng lồ.

Cuốn sách này hướng tới ba mục tiêu. Thứ nhất, mục tiêu của nó là nghiên cứu lịch sử tư tưởng cộng sản Việt Nam, đặc biệt tập trung vào thế giới quan của các nhà cách mạng. Tôi quan tâm đến cách những người Việt Nam này tưởng tượng ra thế giới xung quanh họ như thế nào và các khái niệm chủ nghĩa Marx-Lenin đã truyền cảm hứng cho họ như thế nào. Rất ít nghiên cứu trước đây nghiên cứu về đề tài này. Các học giả về Chiến tranh Việt Nam và cách mạng Việt Nam thường coi chủ nghĩa cộng sản Việt Nam là nông cạn về mặt ý thức hệ.

Thứ hai, cuốn sách này hy vọng sẽ đưa ra những lý giải về quan hệ đối ngoại của nhà nước cộng sản Việt Nam. Không giống như hầu hết các tài liệu hiện có, những diễn giải mà tôi cung cấp ở đây đều tập trung vào ý thức hệ Marx-Lenin của các nhà lãnh đạo nhà nước. Tuyên bố quan trọng nhất của tôi là ý thức hệ chính là nhân tố chủ yếu để hình thành quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Vì Việt Nam là một quốc gia ngày càng có tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, các học giả, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách phải nhận thức được những di sản mạnh mẽ của ý thức hệ trong nền chính trị Việt Nam hiện nay.

Thứ ba và cuối cùng, cuốn sách này có thể dùng như một nghiên cứu tình huống về tầm quan trọng của cách mạng trong nền chính trị thế giới. Có thời điểm, cuộc cách mạng của Việt Nam đã có tác động quan trọng đến trật tự toàn cầu và trở thành một ngọn hải đăng trong mắt hàng triệu người trên thế giới. Ánh sáng từ ngọn hải đăng đó rốt cuộc chẳng dẫn đến đâu, nhưng thực tế đó phản ánh các giới hạn cố hữu của nền chính trị cấp tiến trong việc giải quyết các vấn đề con người, chứ không phải là các giới hạn trong cam kết cách mạng của các lãnh tụ Việt Nam. Cuốn sách này là nghiên cứu đầu tiên theo dõi những cam kết đó trong suốt chiều dài của cuộc cách mạng, cho thấy họ đã từng đưa Việt Nam trở thành đội quân tiên phong của cách mạng thế giới như thế nào.

Đối với tất cả những gì cuốn sách này cố gắng đạt được, tôi không khẳng định sẽ đưa ra một lịch sử toàn diện của cách mạng Việt Nam.[1] Cuốn sách này cũng không nhằm mục đích trở thành sách lịch sử về ngoại giao của nước Việt Nam cộng sản.[2] Đối tượng phân tích chính của tôi không phải là các sự kiện và chính sách cụ thể mà là các tư tưởng đang trên đà tiến hóa của các nhà cách mạng về quan hệ của Việt Nam với thế giới. Các chính sách lớn và các sự kiện lịch sử được thảo luận chỉ khi họ có liên quan đến hoặc được thể hiện đáng kể trong thế giới quan của các nhà cách mạng. Phần mở đầu này trước tiên sẽ giải thích bí ẩn về cách mạng Việt Nam và các nghiên cứu so sánh về vai trò của các cuộc cách mạng cấp tiến trong nền chính trị thế giới. Sau đó, tôi sẽ thảo luận về thế giới quan Marx-Lenin của các nhà cộng sản Việt Nam và vai trò của nó đối với cuộc cách mạng của họ.

BÍ ẨN VỀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG BỊ HIỂU SAI

Hầu như trong suốt thế kỷ XX, nhiều cuộc cách mạng chống phương Tây đã tràn khắp Đông Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh.[3] Mang theo các ý thức hệ từ chủ nghĩa cộng sản tới chủ nghĩa Hồi giáo, những cuộc cách mạng đó đã tìm cách lật đổ hoặc đẩy lùi sự thống trị của phương Tây. Các quốc gia cách mạng, dù lớn (như Nga và Trung Quốc) hay nhỏ (như Cuba và Nicaragua), có thể đã ngăn cản nhưng không bao giờ có thể đánh bại phương Tây. Nhiều cuộc cách mạng đã sụp đổ, bao gồm cả Liên Xô từng một thời hùng mạnh. Trên thực tế, hầu hết những quốc gia sống sót qua các cuộc cách mạng đó đã làm hòa với những kẻ thù cũ tại phương Tây. Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia cách mạng nhỏ cũng có tác động to lớn đến chính trị thế giới trong thời kỳ hoàng kim của họ. Ví dụ, bây giờ chúng ta biết rằng các cuộc tấn công vào tháng Sáu năm 1950 khởi đầu cuộc Chiến tranh Triều Tiên được phát động theo sáng kiến của Kim Il-sung, người đã thuyết phục Stalin và Mao đồng hành với ông. [4] Kim thất bại trong mục tiêu chinh phục Hàn Quốc, nhưng cuộc chiến đã kéo Hoa Kỳ trở lại lục địa Đông Á và làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow. Chiến tranh Lạnh có thể chỉ giới hạn ở châu Âu nếu Kim không thực hiện động thái này. Sự tham gia của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên đã đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội trong nước của riêng Trung Quốc, buộc đất nước này phải trì hoãn vô thời hạn kế hoạch xâm lược Đài Loan, và làm sâu sắc xung đột của Trung Quốc với phương Tây.

Trong một nỗ lực thậm chí còn táo bạo hơn cả Bắc Triều Tiên, cộng sản Bắc Việt Nam quyết định tổ chức một cuộc nổi dậy ở Nam Việt Nam vào năm 1959 chống lại mong muốn không chỉ của Hoa Kỳ mà còn cả của Liên Xô và Trung Quốc, và cuối cùng lôi kéo cả ba nước này vào cuộc xung đột. Mặc dù có lúc đưa khoảng nửa triệu quân tham gia cuộc xung đột, nhưng Washington đã không đạt được mục tiêu bảo vệ đồng minh Nam Việt Nam của mình. Các mâu thuẫn đối với vấn đề Việt Nam đã khiến các giới tinh hoa tại Hoa Kỳ trở nên mâu thuẫn sâu sắc với nhau, làm tổn hại uy tín của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, và tạo động lực tinh thần cho nhiều phong trào cấp tiến ở châu Phi và Mỹ La-tinh. Một số nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột đã truyền cảm hứng cho “các phong trào phản hệ thống” trong thập niên 1960 và 1970 ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ La-tinh.[5] Một nguồn tài liệu đã thống kê rằng có ít nhất mười bốn cuộc cách mạng đã xảy ra trong bảy năm sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam vào năm 1973.[6]

Các học giả về chính trị quốc tế đã lập luận rằng cuộc Cách mạng Pháp vĩ đại đã khiến quần chúng nhập ngũ hàng loạt và thực hành sự can thiệp của nước ngoài vào các quốc gia yếu hơn.[7] Ngược lại, xung đột tại Việt Nam góp phần giúp Hoa Kỳ từ bỏ chế độ cưỡng bách đi lính và trở lại quân đội tình nguyện được trả lương của thế kỷ XVIII (với một số điều chỉnh). Sự thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam dẫn đến việc nước này rút lui khỏi các sứ mệnh kiến tạo quốc gia tại các nước khác trong hai thập kỷ sau đó. Sự tự kiềm chế này chỉ được dỡ bỏ một phần sau các cuộc tấn công của Al-Qaeda vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, vốn đã đưa chiến tranh đến lục địa Hoa Kỳ, lần đầu tiên kể từ năm 1814.[8] Al-Qaeda được tổ chức bởi nhà nước Taliban ở Afghanistan, một quốc gia cách mạng khác mà trước đó đã từng chiến đấu với quân đội Xô-viết và đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô.[9] Nhà nước Taliban không chỉ gây chiến với Hoa Kỳ một cách gián tiếp thông qua việc ủng hộ Al-Qaeda mà còn lôi kéo Washington và các đồng minh của họ vào một cuộc chiến tốn kém mà hiện nay được coi là dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Với khả năng quân sự và kinh tế hạn chế của các quốc gia nhỏ nhưng cực đoan như Bắc Việt Nam và Afghanistan, khả năng và quyết tâm của họ trong việc gây ra sự sỉ nhục như vậy cho các siêu cường đặt ra một câu hỏi khó mang đầy ý nghĩa cần phải được phân tích. Những hành vi đầy rủi ro của họ không phù hợp với quan niệm bình thường về tính hợp lý. Sự sụp đổ của một số nhà nước (Khmer Đỏ ở Campuchia, Taliban của Afghanistan) và sự nghèo đói khủng khiếp của những người sống sót (Cuba, Triều Tiên, Việt Nam trong thời kỳ trước đây) cho thấy cái giá quá đắt mà họ phải trả khi đứng lên chống lại những kẻ thù hùng mạnh bên ngoài. Câu hỏi đặt ra là: Những nhà lãnh đạo cách mạng ở các quốc gia đó đã có những suy nghĩ gì? Làm sao họ có thể nghĩ đến việc thách thức những kẻ mạnh hơn họ nhiều?

Những câu hỏi này phải được đặt ra cho tất cả các cuộc cách mạng, nhưng chúng có tầm quan trọng đặc biệt đối với trường hợp Việt Nam vì bản chất của cuộc cách mạng này đã bị hiểu sai hầu như ở mọi nơi.[10] Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, các nhà cách mạng Việt Nam thường được miêu tả là con tốt trong cuộc cờ của các cường quốc hoặc là các nhà dân tộc chủ nghĩa kế thừa truyền thống yêu nước và được thúc đẩy một cách đơn giản bởi nền độc lập dân tộc. Hình ảnh các nhà cách mạng Việt Nam như là những kẻ đầu sai cho Moscow hay Bắc Kinh thường xuyên bị các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đưa ra làm lý do để tiến hành can thiệp. Trong hình ảnh này, các nhà cộng sản Việt Nam không có niềm tin của riêng mình cũng như không có khả năng hành động độc lập. Dean Rusk, người sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã điều trần trước một ủy ban của Quốc hội vào năm 1951 rằng các nhà cộng sản Việt Nam “chịu sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Moscow và có thể được tin tưởng là... ép buộc Đông Dương vào thế giới cộng sản”. [11] Một thập kỷ sau, khi đưa quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam, Tổng thống Lyndon Johnson đã chỉ ra rằng Bắc Kinh là thủ phạm thực sự:

"Vượt lên cuộc chiến này - và toàn bộ châu Á - là một thực tế khác: cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc Cộng sản. Các nhà cầm quyền ở Hà Nội đang bị Bắc Kinh thúc giục. Đây là một chế độ đã phá hủy nền tự của ở Tây Tạng, đã tấn công Ấn Độ và bị Liên Hiệp Quốc lên án vì hành vi gây hấn ở Triều Tiên. Đó là một quốc gia đang giúp đỡ các lực lượng bạo loạn ở hầu hết các châu lục. Cuộc chiến đấu ở Việt Nam là một phần của một mô hình rộng lớn hơn nhằm mục đích gây hấn".[12]

Không phải tất cả người Mỹ đều bị Rusk, Johnson và Humphrey thuyết phục. Để phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ, các nhà phê bình đầu tiên đã lặp lại thái quá về huyền thoại mang tính dân tộc chủ nghĩa đối với mối thù truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam như thể đó là sự thật.[14] Thượng nghị sĩ William Fulbright cho rằng Hồ Chí Minh không phải là một kẻ tay sai của Trung Quốc cộng sản... Ông là một nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa chân thành, lãnh đạo của cuộc nổi loạn của đất nước mình chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp. Ông cũng là... một nhà cộng sản chuyên nghiệp nhưng luôn luôn là một cộng sản Việt Nam... Mục đích của chúng tôi ở đây là, ý nghĩa của chủ nghĩa dân tộc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là nó được gắn liền với những gì Bernard Fall đã mô tả là “Việt Nam không tin tưởng vào mọi thứ của Trung Quốc trong suốt 2.000 năm qua”. Do đó, chủ nghĩa cộng sản Việt Nam là một bức tường thành tiềm năng - có lẽ là bức tường thành tiềm năng duy nhất - để Việt Nam chống lại sự thống trị của Trung Quốc. [15]

Mặc dù thừa nhận rằng “không có nghĩa gì khi nói Việt Minh theo chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn chủ nghĩa cộng sản hay theo chủ nghĩa cộng sản nhiều hơn chủ nghĩa dân tộc”, Fulbright đã chỉ rõ rằng niềm tin của Việt Minh vào chủ nghĩa cộng sản sẽ không đủ để vượt qua nỗi sợ hãi bản năng của Hồ và các đồng chí của ông về Trung Quốc.[16] Trong hồi ký năm 1989, Fulbright tiết lộ rằng ngay từ năm 1965, ông đã tin rằng Hồ “là một người yêu nước thực sự, giống như Tito của Nam Tư”.[17] Trong một cuốn sách đầy ảnh hưởng đã được quảng bá như là “kinh thánh cho các phe phản chiến dành cho chiến tranh vào thập niên 1970”,[18] các học giả George Kahin và John Lewis nhắc lại luận điểm của Fulbright và tuyên bố rằng “sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Pháp [vào đầu thập niên 1950] đã buộc Việt Minh của Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng lệ thuộc vốn không được đón đợi vào Trung Quốc và từ chối phong trào tự do hành động phù hợp với khuynh hướng chống Trung Quốc phù hợp với điều kiện lịch sử của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam”.[19]

Một số nhà phê bình chiến tranh đã thực sự đã nhận thấy, và trên thực tế ngưỡng mộ một số chính sách cách mạng vượt ra khỏi chủ nghĩa dân tộc truyền thống của Việt Nam. Trong bài phát biểu nổi tiếng của mình vào năm 1967, Martin Luther King, Jr. đã bất đồng với chính phủ Hoa Kỳ vì đã từ chối

“một chính phủ [Việt Nam] cách mạng tìm kiếm quyền tự quyết, và một chính quyền được thành lập không phải bởi Trung Quốc (mà người Việt Nam vốn không yêu quý gì) mà rõ ràng bởi các lực lượng bản địa bao gồm một số người cộng sản. Đối với nông dân, chính quyền mới này có nghĩa là cải cách ruộng đất thực sự, một trong những nhu cầu quan trọng nhất trong cuộc sống của họ”.[20]

Mặc dù cả hai bên trong cuộc tranh luận đều có lý, cuốn sách này cho thấy rằng nhiều lập luận của phe phản chiến không đứng vững nếu được xem xét kỹ lưỡng. Về cơ bản, cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng cộng sản, và các nhà cách mạng Việt Nam nói chung là những người theo chủ nghĩa quốc tế không kém gì các đồng chí của họ ở Liên Xô hay Trung Quốc. Mặc dù Tiến sĩ King đã chính xác khi nói rằng chính quyền ở Hà Nội do lực lượng bản xứ lãnh đạo, nhưng ông đã đánh giá thấp những cam kết của họ đối với cuộc cách mạng thế giới. Trong khi dành ưu tiên cho cuộc cách mạng của mình, Hồ và các đồng chí của ông đã không bỏ qua các cuộc cách mạng ở những nơi khác. Là đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Đông Nam Á, Hồ đã chủ trì việc thành lập các đảng cộng sản Đông Dương, Xiêm La và Mã Lai trong thập niên 1930. Vào giữa năm 1949, ông ra lệnh cho các đơn vị quân đội Việt Nam tiến vào miền nam Trung Quốc để hỗ trợ quân đội của Mao trong việc bảo vệ căn cứ của họ trước các cuộc tấn công của quân đội Tưởng Giới Thạch.[21] Quân đội Việt Nam đã giúp thiết lập các chế độ cộng sản ở Lào và Campuchia vào năm 1975, và cho đến thập niên 1980, Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ các đảng cộng sản ở các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam thời hậu chiến đã đào tạo đặc công và gửi vũ khí dư thừa đến Algeria, Chile và El Salvador để phục vụ các cuộc cách mạng ở đó. [22] Điều đáng chú ý là tinh thần quốc tế chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn còn sống động đến ngày nay, một phần tư thế kỷ sau khi chủ nghĩa cộng sản thế giới sụp đổ. Gần đây nhất vào năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vượt nửa vòng Trái Đất đến Cuba, nơi ông thuyết giảng về giá trị của chủ nghĩa xã hội và những thối nát của chủ nghĩa tư bản. [23] Nếu không phải vì các cam kết theo chủ nghĩa quốc tế, tại sao nhà lãnh đạo Việt Nam lại muốn chọc ngoáy Washington? Tại sao ông lại mạo hiểm xa lánh chính phủ Hoa Kỳ và các tập đoàn Hoa Kỳ mà Việt Nam vốn thiếu viện trợ và đầu tư đang phải phụ thuộc vào?

Sự mô tả đặc điểm của Tiến sĩ King rằng người Việt Nam “không có tình yêu lớn” đối với Trung Quốc không thể giải thích được sự kính nể và sùng bái của các nhà cộng sản Việt Nam dành cho các lãnh tụ Trung Quốc trong thập niên 1950 và sự tôn trọng mù quáng mà giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay thể hiện đối với Trung Quốc.[24] Đúng là các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã thực hiện một “cuộc cải cách ruộng đất thực sự” bằng cách phân phối lại một lượng lớn ruộng đất cho những nông dân không có ruộng đất, nhưng họ cũng đã xử tử khoảng 15.000 địa chủ và phú nông trong quá trình này. [25] Vì tất cả sự đổ máu và phô trương đó, chỉ 5 năm sau, hầu hết nông dân đã bị cưỡng chế từ bỏ đất đai của họ và tham gia các hợp tác xã kiểu Mao. Vào thời điểm Tiến sĩ King phát biểu, hầu hết đất nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam đã được tập thể hóa trong gần một thập kỷ. [26] Bị buộc phải ở lại hợp tác xã và bị hệ thống đăng ký hộ khẩu chặt chẽ ở các thành phố từ chối nhập cư, người nông dân tự do của Bắc Việt Nam bị biến thành một nông nô hiện đại. Họ và gia đình họ đói khát triền miên và thỉnh thoảng bị nạn đói đe dọa.

Các nhà hoạt động phản chiến đã hiểu sai bản chất của cách mạng Việt Nam, nhưng những người ủng hộ sự can thiệp cũng không khá hơn, vì các nhà cộng sản Việt Nam không phải là những tay sai vặt của Moscow hay Bắc Kinh. Vào thời khắc đỉnh điểm của cuộc chiến, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã khinh bỉ cả các đồng chí Liên Xô lẫn các đồng chí Trung Quốc của họ vì không dám đứng lên chống lại đế quốc Mỹ.[27] Sau chiến thắng năm 1975, họ tự cho mình là đội quân tiên phong của cách mạng thế giới và không chỉ làm mất mặt với Hoa Kỳ mà còn cả với Trung Quốc và Liên Xô. [28] Hà Nội đã cố gắng bảo vệ phe cộng sản quốc tế ngay cả khi những người anh lớn của nó đã từ bỏ nó. Năm 1989, khi các chế độ cộng sản Đông Âu sắp sụp đổ, Tổng bí thư ĐCSVN đã thúc giục nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev triệu tập một hội nghị của tất cả các đảng cộng sản và đảng công nhân để thảo luận về các chiến lược cứu phe xã hội chủ nghĩa khỏi sự sụp đổ sắp xảy ra.[29] Khi Gorbachev đã giả vờ không nghe thấy, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc để tạo ra một liên minh chống chủ nghĩa đế quốc (và Bắc Kinh cũng từ chối). [30]

Cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản Việt Nam ngừng xuất khẩu cách mạng ra ngoài Đông Dương vì tính chất cực đoan của nó đã tạo ra kẻ thù ở khắp mọi nơi xung quanh nó, từ nông dân Việt Nam chống lại tập thể hóa, đến các lãnh tụ Trung Quốc và Campuchia, những người phẫn nộ trước tuyên bố nói rằng Việt Nam là đội tiên phong của cách mạng thế giới. Phe ủng hộ can thiệp đã phóng đại tại gần như mọi nơi về mối đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, mối đe dọa đó không bao giờ trở thành hiện thực, không phải bởi các nhà cộng sản Việt Nam không phải là những người cộng sản thực sự như phe phản chiến tuyên bố, mà vì sự cuồng tín của họ đã tự hủy hoại và tạo ra sự thất bại của chính họ. Với tất cả sự kính trọng đối với trí tuệ và lương tâm của nhau, cả hai bên trong cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam đều hiểu lầm cuộc cách mạng Việt Nam vì họ không nắm được bản chất cộng sản chủ nghĩa của cuộc cách mạng này. Khi cuộc tranh luận này tiếp tục diễn ra hiện nay, sự hiểu lầm tương tự vẫn thường diễn ra trong nền học thuật.[31]

CÁC CUỘC CÁCH MẠNG VÀ NỀN CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

Một nghiên cứu về ý thức hệ trong cuộc cách mạng Việt Nam không chỉ có giá trị đối với cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam - một cuộc tranh luận vốn đang còn kéo dài, mà còn đối với việc nghiên cứu so sánh các cuộc cách mạng. Tài liệu nghiên cứu so sánh phong phú về các cuộc cách mạng đều có các yếu tố được nhấn mạnh như các giai cấp xã hội, cấu trúc nhà nước, cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.[32] Tuy nhiên, ý thức hệ có xu hướng bị bỏ quên. Cuộc cách mạng thường được coi là sự kiện bên trong một quốc gia: mặc dù chúng có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố quốc tế, sự xuất hiện của chúng trong nền chính trị quốc tế thường bị gạt ra ngoài các công trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, một số ít các nghiên cứu đề cập đến các khía cạnh quốc tế của các cuộc cách mạng chỉ ra những tác động to lớn của chúng đối với nền chính trị thế giới.[33] Như Robert Jervis gần đây đã nhận xét: “Các nhà cách mạng hiếm khi có những tư tưởng nhỏ hẹp, và những tư tưởng lớn hầu như luôn gây rối trên phạm vi quốc tế.”[34] Martin Wight chỉ ra cụ thể hơn:

“Một cường quốc cách mạng luôn gây chiến tranh với các nước láng giềng về mặt đạo đức và tâm lý, ngay cả khi nền hòa bình hợp pháp chiếm ưu thế, bởi nó tin rằng nó có sứ mệnh biến đổi xã hội quốc tế bằng cách chuyển đổi hoặc cưỡng bức, và không thể thừa nhận rằng các nước láng giềng của mình có quyền tiếp tục như vậy - một sứ mệnh mà nó tự giả định”.[35]

Với những niềm tin về vai trò cứu thế của chúng, các cuộc cách mạng không chỉ gây căng thẳng và gây chiến tranh với các nước láng giềng mà còn mang lại những thay đổi cơ bản trong hệ thống quốc tế.[36] Phân tích sự phát triển của “xã hội quốc tế” kể từ cuộc cách mạng Pháp, J.D Armstrong lập luận rằng mối quan hệ giữa các quốc gia cách mạng và xã hội quốc tế thường rất căng thẳng. thẳng.[37] Nguồn gốc chính gây ra căng thẳng là ý thức hệ: “Hệ thống niềm tin mà dựa vào đó cuộc cách mạng được thiết lập, và qua đó chính thống hóa giả định về quyền lực nhà nước của giới tinh hoa cách mạng chắc chắn sẽ đi ngược lại với các học thuyết chính trị phổ biến của hầu hết các quốc gia khác, nhiều học thuyết có thể đại diện cho các giá trị của ‘chế độ cũ’ mà cuộc cách mạng nhắm tới ”. Từ Hoa Kỳ năm 1776 đến Liên Xô năm 1917, vì những lý do sinh tồn, các nhà nước cách mạng non trẻ đã buộc phải tránh xa một phần niềm tin ý thức hệ của mình để phù hợp với hệ thống nhà nước có toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, Armstrong cho thấy giới tinh hoa cách mạng này đã tìm cách thay đổi hệ thống đó để nó phù hợp với những tầm nhìn của họ”.

Ví dụ, thách thức từ nhà nước cách mạng Pháp đã tạo ra sự chấp nhận tính đặc thù quốc gia và sự ủng hộ của dân chúng như những nguyên tắc mới về tính hợp pháp của các tiểu bang trong hệ thống liên bang.[38] Nhà nước Xô-viết đã thành công trong việc đưa khái niệm về quyền tự quyết trở thành một chuẩn mực quốc tế và đặt các vấn đề xã hội như lao động và phân biệt chủng tộc vào chương trình nghị sự quốc tế. Các nhà nước cách mạng thường kích động sự thay đổi một cách gián tiếp, tức là thông qua phản ứng của các đối thủ và những người ủng hộ họ. Các nhà nước cộng sản cách mạng thuộc “Thế giới thứ ba” khuyến khích Hoa Kỳ thực hiện vai trò bá chủ trong thế giới thời hậu chiến. Mặc dù các nhà nước cách mạng thường bị buộc phải chấp nhận một số luật quốc tế mà họ coi thường, nhưng những thách thức của họ buộc các quốc gia đã thành lập phải bảo vệ và thể hiện cam kết đối với những luật đó nhiều hơn so với những gì họ muốn.

Về lý thuyết, Fred Halliday nói rằng chúng ta nên kỳ vọng các cuộc cách mạng sẽ tác động đến chính trị thế giới chỉ bằng cách xem xét niềm tin của các nhà cách mạng. Halliday chỉ ra rằng không tồn tại sự tách biệt rõ ràng giữa không gian trong nước và không gian quốc tế đối với những tư tưởng cách mạng; bất kể các nguồn gốc quốc gia hay nguồn gốc nội tại cụ thể của chúng, tất cả các ý thức hệ cách mạng trong quá khứ không chỉ kêu gọi một trật tự mới trong nước mà còn khẳng định tầm nhìn của chúng trên phạm vi quốc tế.[39] Những tuyên bố về sự phù hợp toàn cầu của các nhà cách mạng không được đưa ra một cách tùy tiện mà dựa trên một logic chặt chẽ. Các cuộc cách mạng đã chính danh hóa bản thân chúng bằng cách tuân theo các nguyên tắc trừu tượng và phổ quát như tự do, độc lập, phẩm giá của nhân dân và nền công lý vô sản. Những nguyên tắc này rõ ràng không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Từ Cách mạng Mỹ đến Cách mạng Iran, một phần của các diễn ngôn về cách mạng cũng gợi lên tình huynh đệ và hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc. Kẻ thù của các cuộc cách mạng được nhìn nhận không phải trong biên giới quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu, dù là những tên đế quốc hay những kẻ dị giáo.

Với sự xác định kẻ thù của chúng, người ta có thể đợi các quốc gia cách mạng xuất khẩu cuộc cách mạng ra nước ngoài nếu họ có cơ hội làm như vậy. Như Halliday lập luận: “nhiều khi các quốc gia cách mạng có thể phủ nhận nó và những người bạn tự do [của chúng] coi thường nó, thì cam kết xuất khẩu cách mạng, tức là sử dụng các nguồn lực của nhà nước cách mạng để thúc đẩy thay đổi căn bản trong các xã hội khác, là một hằng số của các chế độ cực đoan”.[40] Không chỉ các quốc gia cách mạng cung cấp trợ giúp vật chất đáng kể cho đồng chí của họ ở nước ngoài mà còn là sự sáng tạo của các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Quốc tế Cộng sản của Liên Xô hoặc Tổ chức Đoàn kết với nhân dân châu Á, châu Phi, và Mỹ La-tinh (OSPAAAL) tồn tại ngắn ngủi của Cuba, là những ví dụ về cam kết sâu sắc của các nhà nước cách mạng đối với tình đoàn kết quốc tế.

John Owen gọi các tổ chức như Quốc tế Cộng sản và OSPAAAL là “mạng lưới ý thức hệ xuyên quốc gia” và cho rằng những mạng lưới đó là một đặc điểm nổi bật của chính trị thế giới trong nhiều thế kỷ.[40] Những mạng lưới như vậy liên quan đến các ý thức hệ trên khắp các nhà nước có chung niềm tin và lợi ích trong việc thúc đẩy ý thức hệ của họ, cho dù đó là chủ nghĩa Calvin hay nền dân chủ, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Hồi giáo. Các mạng lưới độc lập với các quốc gia, nhưng chúng có thể khuyến khích các nhà cầm quyền can thiệp ra nước ngoài để thúc đẩy ý thức hệ của họ trong thời kỳ phân cực ý thức hệ xuyên quốc gia. Khi các nhà cầm quyền làm như vậy, họ thường không tách lợi ích cá nhân hoặc an ninh quốc gia ra khỏi ý thức hệ. Như Owen giải thích: “những người cai trị nhà nước vốn là thành viên của một phong trào ý thức hệ sẽ có xu hướng coi lợi ích của hệ tư tưởng và của nhà nước cụ thể của họ là bổ sung cho nhau, vì vậy để bảo vệ nhà nước, họ đang phát triển hệ tư tưởng, và ngược lại.” [42] Đối với Owen, hệ tư tưởng và lợi ích cấu thành nên nhau, và các hệ tư tưởng không kém phần quan trọng hơn lợi ích trong việc giải thích chiến tranh và liên minh quốc tế.

Nếu bản chất của cách mạng Việt Nam được xác định bởi ý thức hệ cộng sản, như tôi khẳng định, thì Việt Nam lại thành một trường hợp khác để đưa vào nghiên cứu so sánh, chứng tỏ sự nổi bật của ý thức hệ cách mạng trong nền chính trị thế giới. Trong trường hợp này, quy mô hoặc khả năng vật chất của đất nước không dự đoán được tác động tiềm tàng của một cuộc cách mạng trong nước đối với các vấn đề thế giới. Giải thích rằng sự không phù hợp giữa khả năng trong nước và ảnh hưởng quốc tế đòi hỏi một sự nhận thức sâu sắc đối với thế giới quan cấp tiến của các nhà cách mạng Việt Nam sẽ được thảo luận ở phần tiếp theo.

THẾ GIỚI QUAN CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ý thức hệ và thế giới quan là những khái niệm quan trọng nhất trong nghiên cứu này. Ý thức hệ có thể được định nghĩa khái quát là một tập hợp các niềm tin và giả định có hệ thống về bản chất và động lực của nền chính trị, trong khi thế giới quan là những niềm tin và giả định cụ thể hơn về bản chất và động lực của chính trị thế giới.[43] Mặc dù ý thức hệ có thể bị ảnh hưởng bởi các lợi ích vật chất, nó thường xác định những lợi ích đó là gì.[44]

Phong trào cộng sản Việt Nam nổi lên vào thập niên 1920 như một nhánh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Ý thức dân tộc hiện đại xuất hiện ở Việt Nam thuộc địa vào khoảng đầu thế kỷ XX.[45] Chủ nghĩa dân tộc chống thực dân không phải là một hiện tượng riêng của Việt Nam mà là một xu hướng toàn cầu trên khắp châu Á vào thời điểm đó.[46] Hầu hết các nhà cộng sản Việt Nam bắt đầu sự nghiệp chính trị của họ đơn giản được thúc đẩy bởi mong muốn giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, giống như bất kỳ nhà hoạt động chống thực dân nào khác. Theo thời gian, họ trở thành các nhà cộng sản bằng cách tham gia các mạng lưới này ở nước ngoài hoặc bên trong Việt Nam. Karl Marx, Vladimir Lenin, Josef Stalin và Mao Trạch Đông tạo ra ảnh hưởng vĩ đại nhất đến thế giới quan của các nhà cộng sản Việt Nam. Về bản chất, thế giới quan này miêu tả nền chính trị quốc tế về cơ bản là cuộc đấu tranh sinh tử của giai cấp vô sản bị áp bức chống lại những kẻ áp bức tư bản chủ nghĩa của họ bất kể quốc tịch nào. Giai cấp vô sản đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh lịch sử này vì họ đang đứng trên đỉnh cao của một xu thế lịch sử. Xu thế này sẽ mang lại cho loài người một xã hội tiến bộ về vật chất và đạo đức nhất mà nó có thể từng mong đợi.

Trong thập niên 1920, chủ nghĩa Marx-Lenin không phải là một lý thuyết giáo điều như sau này. Vào thời điểm đó, lý thuyết này vẫn đang nằm dưới ánh hào quang được tạo ra bởi những tuyên bố khoa học và tầm nhìn tiến bộ của nó. Tầm nhìn đó vẫn còn là một thực tế mới và đang diễn ra ở Liên bang Xô-viết non trẻ, nơi có nhiều hứa hẹn đối với những người cộng sản trên toàn thế giới. Như Odd Arne Westad mô tả trong trường hợp của Trung Quốc: “tư tưởng về chủ nghĩa xã hội tại châu Âu thời tiền Xô-viết đã hấp dẫn một số người Trung Quốc bởi sự phản đối chủ nghĩa đế quốc, nhưng chính thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã khiến tâm trí họ trở nên sôi sục”.[47] Người ta có thể cảm nhận được sự phấn khích trong những lời của Trường Chinh, một nhà lãnh đạo và nhà lý thuyết chính của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, người đã mô tả ý nghĩa chủ nghĩa Marx-Lenin đối với ông như sau:

“Chủ nghĩa Marx-Lenin trang bị cho chúng ta một thế giới quan cách mạng, soi sáng trái tim và khối óc của chúng ta, giúp chúng ta tìm ra sứ mệnh và ý nghĩa của cuộc đời mình. Nó giúp chúng ta nắm bắt các quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và của tư duy. Nó đặt chúng ta vào trung tâm của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập để chúng ta có thể nhìn thấy mọi khía cạnh của sự vật, hiện tượng và tìm ra chân lý. Nó giúp chúng ta nắm bắt được những điều thiết yếu, quan trọng và có ý nghĩa nhất trong thế giới phức tạp này... Nó giúp chúng ta hiểu không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai, giúp chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình đối với cuộc sống. Như vậy, chủ nghĩa Marx-Lenin không làm cho trái tim ta cằn cỗi, không đáp ứng được những điều tốt đẹp ở đời như một số người vẫn nghĩ; ngược lại, nó làm cho chúng ta yêu cuộc sống và yêu con người hơn. Nó nâng đỡ tâm hồn chúng ta và chắp cánh cho những giấc mơ của chúng ta. Nó khiến trái tim của chúng ta trào dâng các lý tưởng cộng sản vĩ đại.”[48]

Trường Chinh, một cái bút danh với nghĩa “cuộc hành quân dài” trong tiếng Việt, đã chỉ rõ xuất thân và sự nghiệp của nhiều nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Ông sinh năm 1906 với tên Đặng Xuân Khu trong một gia đình quý tộc địa phương nhỏ ở miền Bắc Việt Nam, bị đuổi khỏi trường trung học dạy nghề vì tham gia biểu tình tưởng nhớ nhà chí sĩ dân tộc Phan Châu Trinh, và trở thành người cộng sản khi mới ngoài hai mươi tuổi, khi đang bị giam nhà tù thuộc địa.

Như tiểu sử của Trường Chinh gợi ý, chủ nghĩa Marx-Lenin được xây dựng dựa trên những thất vọng về chủ nghĩa dân tộc khi nó xâm nhập vào Việt Nam. Không giống như sự lầm tưởng thông thường về mối quan hệ nhất thiết mang tính đối kháng giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin với tư cách là một lý thuyết không chống lại tính dân tộc.[49] Marx và Engels lập luận rằng giai cấp vô sản “phải vươn lên trở thành giai cấp lãnh đạo của quốc gia và tự kiến tạo nên quốc gia”.[50] Trong bối cảnh đó, Lenin hỏi: “Có phải ý thức tự hào dân tộc Đại-Nga xa lạ đối với chúng ta, những nhà vô sản có nhận thức giai cấp? Chắc chắn không! Chúng ta yêu ngôn ngữ của chúng ta và đất nước của chúng ta, chúng ta đang làm hết sức để nâng cao nhận thức về dân chủ và xã hội chủ nghĩa cho khối quần chúng đang làm việc cực nhọc của nó (ví dụ, chín phần mười dân số của nó)” [49]

Cam kết ủng hộ các phong trào chống thực dân của Moscow chắc chắn đã giúp chuyển đổi chàng tuổi trẻ Hồ Chí Minh và nhiều người Việt Nam khác sang chủ nghĩa cộng sản. Việc chuyển đổi của họ đến lượt mình lại bắt đầu một quá trình suy nghĩ kéo dài, hỗn độn và đầy căng thẳng cho mỗi cá nhân và cho cả phong trào nói chung. Một câu hỏi quan trọng mà người Việt Nam phải đối mặt từ rất sớm liên quan đến mối quan hệ giữa họ và cách mạng thế giới. Cuối cùng, họ đã hình thành được một thế giới quan trong đó cách mạng Việt Nam được hình dung như một bộ phận cấu thành của cách mạng thế giới. Cuộc cách mạng vô sản thành công ở Việt Nam là một bước tiến của cách mạng thế giới, vốn sẽ diễn ra trong từng quốc gia, từng khu vực.

Là một thành tố của cách mạng thế giới chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, cách mạng Việt Nam không chỉ quan tâm đến độc lập dân tộc. Các nhà cộng sản Việt Nam không hy sinh lợi ích quốc gia như đối thủ của họ đã cáo buộc, mà đồng nhất lợi ích đó với các tầng lớp lao động tại Việt Nam và ở những nơi khác. Đối với họ, giải phóng dân tộc là quan trọng nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tình trạng áp bức và bóc lột giai cấp vẫn tiếp diễn. Các nhà cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng cuộc cách mạng của họ có thể thúc đẩy cả hai nhóm lợi ích, và đó là cách tiếp cận duy nhất để có thể thực hiện điều đó. Câu hỏi chính mà họ phải đối mặt trong suốt cuộc cách mạng không phải để hy sinh các lợi ích cho người khác, mà là làm thế nào để phân chia nhiệm vụ cách mạng vào các mục tiêu nhỏ hơn để đạt được lợi thế chiến thuật tại bất kỳ điểm cụ thể nào.

Do đó, thuật ngữ “quốc gia” đối với các nhà cộng sản Việt Nam đã có thêm một nội dung cụ thể. Định nghĩa về quốc gia của họ dựa trên lợi ích giai cấp cũng chung như ngôn ngữ hoặc dân tộc chung. Chẳng hạn, theo quan điểm của họ về lịch sử dân tộc, các nhà cộng sản Việt Nam không tự hào về mọi thứ thuộc về người Việt Nam; thay vào đó, họ tiếp nhận những truyền thống có thể được coi là được tạo ra và duy trì bởi “các tầng lớp lao động” (chẳng hạn như “các cuộc nổi dậy của nông dân”), và phủ nhận những truyền thống được quy cho “các giai cấp thống trị” (chẳng hạn như văn hóa Nho giáo và sự áp bức phụ nữ).

*

Nguồn: Tuong, Vu (2017). "Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology". Cambridge: Cambridge University Press.

1 comment: