April 9, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 21)

Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 7

Cuộc thử nghiệm vĩ đại của Ba Lan: Kiến tạo dân chủ thông qua biểu tình, đàn áp, đàm phán, bầu cử và nền chính trị đầy dích dắc

Jane L. Curry



Chcieli zabić Wojciecha Jaruzelskiego, ale pomylili go z ...
 Wojciech Jaruzelski, 1923–2014
 Quá trình chuyển hóa của Ba Lan từ độc tài cộng sản sang chế độ dân chủ thị trường tự do diễn ra một cách chậm chạp, đầy phức tạp, và từng bước một. Nó bắt đầu trước năm 1989 khá lâu và sau gần 10 năm thì bản hiến pháp cuối cùng mới được thông qua. Đấy không chỉ là quá trình dịch chuyển quyền lực từ nhóm người này sang nhóm người khác. Nó bao gồm việc tách nền kinh tế ra khỏi hệ thống chính trị, loại bỏ Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (Polish United Workers’ Party – Communist Party), vốn là thiết chế trung tâm trong hiến pháp của nước này; thành lập các đảng chính trị, các tổ chức xã hội dân sự độc lập và hợp pháp, và chuyển đổi từ chỗ là một vệ tinh của Liên Xô thành một phần của châu Âu. Khi quá trình này tiến triển sau Hội nghị Bàn tròn được tổ chức vào năm 1989, thế giới xung quanh Ba Lan cũng chuyển hóa: sự kiểm soát của Liên Xô đối với Trung và Đông Âu chấm dứt, các nước xung quanh Ba Lan phân chia thành bảy quốc gia độc lập mới, bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan rã, và Hiệp ước Warsaw bị giải thể. Với những khoản viện trợ của phương Tây, Ba Lan tự chuyển hóa và tham gia Liên minh châu Âu (EU), cũng như trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Có bốn cuộc bầu cử toàn quốc và ba vị tổng thống khác nhau được bầu từ sau vụ sụp đổ năm 1989 cho tới khi bản hiến pháp mới, trọn vẹn, được thông qua vào năm 1997. Trong thời gian đó, đã xảy ra nhiều sự kiện không lường trước được: các liên minh chính trị khác nhau tan vỡ và quyền lực chuyển từ hệ tư tưởng này sang hệ tư tưởng khác, kinh tế và chính thể thay đổi một cách đột ngột. Mãi đến năm 2007 mới xuất hiện hệ thống lưỡng đảng.


Nền tảng lịch sử

Quá khứ của Ba Lan vừa tạo điều kiện, vừa làm cho quá trình chuyển sang dân chủ hóa trở thành phức tạp thêm. Chế độ cộng sản ở Ba Lan bao giờ cũng ít khắt khe hơn và không cứng rắn như ở các nước khác. Kết quả là, bắt đầu từ năm 1956, trong ngành nông nghiệp, các trang trại tư nhân đã bắt đầu chiếm ưu thế; các doanh nghiệp nhỏ và thương mại được nhà nước cho phép hoạt động; và người Ba Lan ngày càng hướng về phương Tây - cả về văn hoá lẫn xã hội. Đã có các cuộc biểu tình phản đối và, sau khi đàn áp thất bại, những cuộc biểu tình này đã dẫn tới những cải cách nhỏ, tạo cho người ta cảm giác rằng chế độ sẽ nhân nhượng áp lực của quần chúng. Nghị viện chỉ có một viện duy nhất, gọi là Sejm, không phải tất cả ứng cử viên đều là đảng viên Cộng sản, mà còn có đảng viên của Đảng Nông dân (Polish Peasants’ Party) và Đảng Dân chủ (Democratic Party) đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ, cũng như thành viên của hai nhóm “Công giáo”: Nhóm trí thức Công giáo, gọi là Znak, và một tổ chức, gọi là Pax, thân cộng sản hơn. Cử tri có thể xóa tên ứng viên nằm trong danh sách, nhưng cũng không thực sự gây được ảnh hưởng đối với kết quả. Các nhóm đối lập phát triển, mặc dù hầu hết đều bất hợp pháp. Các nhóm nghề nghiệp vẫn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, ngay cả khi họ bảo vệ lợi ích của mình. Kết quả là, có những phát ngôn viên và các chuyên gia nổi tiếng, có thể làm việc cùng nhau trong các cuộc đàm phán giữa các nhóm đối lập và chế độ.

Giáo hội Công giáo Ba Lan, với truyền thống dân tộc chủ nghĩa, được phép hoạt động. Giáo hội có đại diện của các nhóm giáo dân trong Sejm và tổ chức được nhiều nhóm hoạt động khác nhau. Mặc dù nhà nước thường xuyên tìm cách tước đoạt một số đặc quyền của Giáo hội, từ giữa những năm 1950, quyền lực của Giáo hội ngày càng gia tăng. Khi Hồng y người Ba Lan, Karol Wojtyła, được bầu làm Giáo hoàng vào năm 1978 và trở lại thăm Ba lan vào năm 1979, quyền lực của Giáo hội (và người Ba Lan ý thức được rằng họ có thể hành động độc lập với nhà nước) thậm chí còn gia tăng hơn nữa. Điều này càng làm gia tăng sức mạnh cho hành động của quần chúng. Năm 1980, khi Lech Wałęsa, nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết (Solidarność), công khai kí thỏa thuận Gdansk, chấm dứt những cuộc đình công của Công đoàn Đoàn kết, ông đã sử dụng cây bút chì do Giáo hoàng tặng trong chuyến thăm của Ngài vào năm 1979.

Những cuộc biểu tình của công nhân trong những năm 1956, 1970 và 1976, phản đối tăng giá đã bị đàn áp, nhưng lần nào chính phủ cũng chấp nhận yêu cầu không tăng giá nữa và tăng thêm phúc lợi cho người lao động. Hai lần, vào các năm 1956 và 1970, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ba Lan bị bãi chức nhằm thỏa mãn đòi hỏi của các cuộc biểu tình.

Các nhóm trí thức nổi lên sau mỗi cuộc biểu tình. Năm 1976, những người trí thức ở Warsaw thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân, nhằm giúp đỡ những người công nhân bị giam trong các cuộc biểu tình và gia đình họ. Ủy ban này đã vươn ra để tố chức các cuộc thảo luận, phần lớn là bất hợp pháp, tung ra hàng ngàn ấn phẩm bất hợp pháp, và tổ chức các “Trường Đại học Di động”, lấp đầy những lỗ hổng kiến thức và thông tin do sự kiểm duyệt và kiểm soát của chính phủ tạo ra.

Trong nội bộ Đảng Cộng sản, phe cải cách đã phát triển, giúp thực hiện các cuộc cải cách kinh tế và khai thông hệ thống chính trị. Cuối những năm 1970, Ba Lan đã vay mượn thêm nhiều tiền từ phương Tây để nhập khẩu hàng hoá và thiết bị công nghiệp, vượt quá khả năng hấp thụ và trả nợ của nước này. Các chủ nợ phương Tây đẩy giá lên, khơi mào cho những vụ chiếm đóng các xưởng đóng tàu trong các thành phố ven biển Baltic vào năm 1980 và khuyến khích đòi hỏi cho công đoàn tự do (Đoàn kết) được quyền đình công, và minh bạch hơn nữa trong các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi chính phủ công nhận các yêu cầu của công nhân xưởng đóng tàu trong Thỏa thuận Gdansk, các cuộc biểu tình của Công đoàn Đoàn kết lan ra khắp cả nước, dẫn đến những nhượng bộ đối với các nhóm khác ở trong nước, trong đó có nông dân, sinh viên và trí thức.

Những yêu cầu cấp tiến về các quyền tự do chính trị và xã hội - và để cho nền kinh tế cung cấp hàng hóa tiêu dùng, trả lương phù hợp và hiện đại hóa – gia tăng trong những năm 1980, vì chính phủ không thể cung cấp nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng. Nhằm đối phó với áp lực từ phía Liên Xô, và để ngăn chặn quá trình cực đoan hóa của Công đoàn Đoàn kết trước tình hình kinh tế ngày càng xấu đi (cũng như cần tránh trả một khoản tiền lớn cho các khoản vay của phương Tây mà họ không thể trả), ngày 13 tháng 12 năm 1981, chính phủ tuyên bố thiết quân luật. Các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết và các nhà hoạt động khác (cũng như các nhà lãnh đạo đảng và chính phủ chịu trách nhiệm về những thảm hoạ kinh tế trong những năm 1970) bị bắt, cảnh sát và binh lính chiếm đóng các công sở và có mặt trên các đường phố trên khắp nước Ba Lan, thông tin liên lạc trong nước và quốc tế bị cắt hoàn toàn. Chính quyền Reagan lên án thiết quân luật và cấm máy bay Ba Lan hạ cánh xuống các sân bay Mỹ, đóng băng các khoản vay của Ba Lan, và cấm trao đổi thương mại. Các nước Tây Âu sau này mới trừng phạt Ba Lan, nhưng đã ngay lập tức lên án vụ tấn công.

Trong bảy năm tiếp theo, tính nghiêm khắc của thiết quân luật giảm dần: Thông tin liên lạc được khôi phục, những người bị bắt được thả, đời sống chính trị và các phương tiện truyền thông được mở ra một cách từ từ, và chính phủ đã tiến hành thử nghiệm thị trường hóa nền kinh tế nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Nhưng, tất cả đều không thể xóa bỏ được vết nhơ của thiết quân luật.

Giai đoạn cuối cùng

Cuối những năm 1980, tình hình kinh tế Ba Lan đã được cải thiện và hầu hết những mặt hàng nhu yếu phẩm đã không còn phải phân phối như hồi đầu thập niên. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã chấm dứt, các nhà máy được trao nhiều quyền tự chủ hơn, và lương của người lao động cũng tăng lên, đa số người Ba Lan lại nghĩ rằng tình trạng của cá nhân họ lại xấu đi. Tỉ lệ người dân, tính theo phần trăm, hi vọng vào tương lai giảm đi trông thấy, từ 42% đầu những năm 1980 giảm còn 16% vào tháng 2 năm 1988[1]. Nhà nước không đủ tiền để đáp ứng những nghĩa vụ cơ bản và phải chịu nhiều áp lực từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng như từ Mỹ và Tây Âu, trong việc tái cơ cấu nền kinh tế.

Kết quả là sự xa lánh của quần chúng và thêm những thất bại kinh tế bi thảm hơn. Việc đảng thả dần hơn 1.000 nhà hoạt động của Công đoàn Đoàn kết, việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt, tư nhân hóa hơn nữa trong nền kinh tế, và kêu gọi những người đối lập cộng tác với chính phủ không phá vỡ được bế tắc chính trị. Đến năm 1988, tình hình trầm trọng đến mức Đảng Cộng sản và Chính phủ không thấy sự lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu “thảo luận về đàm phán” với phe đối lập chính trị và Giáo hội Công giáo để tìm kiếm sự giúp đỡ trong quá trình tiến hành thêm các cuộc cải cách kinh tế. Sáng kiến này rất quan trọng đối với Công đoàn Đoàn kết, vì, mặc dù tất cả các chính trị phạm đã được thả vào năm 1986, phong trào này vẫn chưa được hợp pháp hoá và chẳng làm được gì mấy ngoài việc tham gia vào các cuộc đình công và biểu tình.

Những cuộc thương lượng

Năm 1988, ban lãnh đạo Giáo hội Công giáo đóng vai trò trung gian bằng cách gặp riêng Lech Wałęsa và tướng Wojciech Jaruzelski, cựu lãnh đạo các lực lượng vũ trang và là Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản, người đã ban bố tình trạng thiết quân luật, để bắt đầu nói về cách thức tổ chức các cuộc đàm phán. Các nhà lãnh đạo cấp dưới của cả hai bên thường xuyên gặp nhau. Chính phủ nói rõ rằng, sẽ hợp pháp hoá Công đoàn Đoàn kết, và thậm chí giành cho tổ chức này thời lượng trên TV và được quyền xuất bản một tờ báo của riêng mình. Aleksander Kwaśniewski, Bộ trưởng thanh niên và thể thao trong nội các Cộng sản cuối cùng và là một trong những nhà thương thuyết cho các cuộc đàm phán sơ bộ, đã tung ra “quả bóng thăm dò ” bằng cách kêu gọi tiến hành tuyển cử tương đối tự do, trong đó, 35% số ghế trong Sejm (Hạ viện) sẽ được dành cho những ứng cử viên không phải là đảng viên Cộng sản và các tổ chức ngoại vi của Đảng này, 65% số ghế sẽ dành cho các ứng viên là đảng viên Cộng sản, trong đó có Danh sách Quốc gia liệt kê 60 nhà cải cách hàng đầu, cũng như một Thượng viện mới, được bầu một cách tự do và một tổng thống do hai viện bầu ra. Trong một thỏa thuận có vẻ như là sự nhượng bộ đối với Đảng Cộng sản, vốn đã có những nhân viên bầu cử hoạt động tại các địa phương, người ta đồng ý rằng cuộc bầu cử sẽ được trù liệu ngay sau khi kết thúc Hội nghị Bàn tròn. Công đoàn Đoàn kết đã chấp nhận đề xuất này, coi nó là nền tảng cho hệ thống mới, chính phủ và Đảng Cộng sản cũng ủng hộ đề xuất.

Một người đại diện của Công đoàn Đoàn kết và một người đại diện của chính phủ điều khiển một trong ba “bàn” trong Hội nghị Bàn tròn. Đến lượt mình, các bàn này lại bao gồm một loạt đội chuyên trách hay “bàn phụ”, có tới 500 chuyên gia và nhà hoạt động tham gia. Chuyên gia của Công đoàn Đoàn kết và chuyên gia đại diện các đảng đứng đầu từng đội chuyên trách. Họ soạn thảo các kiến nghị về kinh tế và xã hội để các nhà lập pháp – sau tuyển cử - xem xét và đã đưa ra các thỏa thuận về cơ cấu của chính phủ mới và kế hoạch bầu cử, trong đó có điều khoản: bốn năm sau cuộc bầu cử năm 1989, sẽ tiến hành bầu cử tự do để bầu nghị viện và tổng thống. Công đoàn Đoàn kết cũng giành được sự nhượng bộ, là bản hiến pháp mới sẽ chỉ được thông qua sau khi Quốc hội được bầu lên một cách tự do.

Các thỏa thuận được kí ngày 4 tháng 4 năm 1989, và cuộc bầu cử đã được tổ chức vào ngày 4 tháng 6. Các ứng cử viên được Công đoàn Đoàn kết ủng hộ đã giành được tất cả các ghế phi đảng phái ngay trong vòng đầu tiên. Trong danh sách của Đảng Cộng sản, chỉ có ba ứng cử viên giành được đa số trong khu vực bầu cử của họ, và chỉ có hai người trong Danh sách Quốc gia nhận được đa số phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Cả hai phía đều bất ngờ và chưa được chuẩn bị: Công đoàn Đoàn kết không có cương lĩnh “tiếp theo là gì”, trong khi các ứng cử viên Cộng sản được chuẩn bị để chia sẻ quyền lực, chứ không phải là mất quyền. Sự thất bại của Cộng sản càng trở nên kịch tính hơn khi Đảng nông dân và đảng Dân chủ chạy sang phía Công đoàn Đoàn kết, tạo ra liên minh mới với đa số đại biểu là 65%.

Các nhà lãnh đạo Cộng sản Ba Lan đã chấp nhận mất mát to lớn này, cũng như nhà lãnh đạo có tinh thần cải cách của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đã làm. Các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết tiếp tục giữ bí mật thỏa thuận nói rằng Hạ viện và Thượng viện sẽ bầu Jaruzelski làm tổng thống bằng cách để một số đại biểu không tham gia bỏ phiếu, do đó giảm được số đại biểu cần thiết theo quy định. Công đoàn Đoàn kết cũng đồng ý với chính phủ liên minh rằng sẽ thỏa mãn những kì vọng của Liên Xô bằng cách để các quan chức cộng sản lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Ngoại thương và Vận tải Quốc tế. Tại thời điểm đó, người ta không biết rằng chẳng bao lâu sau, ở những nước khác, chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ tan vỡ và Bức tường Berlin cũng sẽ sụp đổ.

Tiến hành thay đổi

Tadeusz Mazowiecki, một thành viên của phe đối lập Công giáo, được Lech Wałęsa (về danh nghĩa, là người đứng đầu Công đoàn Đoàn kết) đề cử và được Tổng thống Jaruzelski chỉ định làm thủ tướng. Ông này từng là biên tập viên của phe Công giáo và là nghị sĩ Sejm, cũng như đã từng là một trong những nhà lãnh đạo của Phong trào Đoàn Kết trong quá trình đàm phán thỏa thuận Gdansk và các cuộc Hội nghị Bàn tròn. Mazowiecki nói rõ rằng ông sẽ chỉ giữ chức vụ nếu có quyền bổ nhiệm và tự đưa ra các quyết định của mình. “Nội các của liên minh lớn” của ông gồm 12 người thuộc Phong trào Đoàn kết, 7 người từ hai đảng chạy khỏi phe Cộng sản và 4 đảng viên Cộng sản. Chỉ có Bộ Ngoại giao, mà Cộng sản muốn lãnh đạo, được dành cho một chuyên gia không liên kết với bất kỳ nhóm nào.

Mazowiecki, ngay từ buổi ra mắt đầu tiên trước Sejm và Thượng viện vào tháng 9 năm 1989, đã nói rõ rằng Ba Lan sẽ tập trung vào giai đoạn hiện nay chứ không phải vào quá khứ, bằng cách vạch “một đường kẻ đậm” giữa hai giai đoạn và tiến lên bằng cách cải cách hệ thống chính trị, ổn định và tư nhân hóa kinh tế, và “hợp nhất với châu Âu”. Có nghĩa là sẽ không điều tra và trừng phạt người dân vì những việc mà họ đã làm trong quá khứ. Cần phải làm như thế vì đảng viên Cộng sản nằm trong chính phủ và vẫn kiểm soát các cơ quan an ninh và quân đội. Cơ quan lập pháp tập trung vào việc đưa các biểu tượng của nhà nước quay trở lại giai đoạn trước khi Cộng sản nắm được chính quyền, ban hành luật bầu cử tự do và bắt đầu soạn thảo bản hiến pháp mới.

Các thành viên nội các có sự bất đồng ý kiến rất lớn về những việc cần làm, và các cuộc họp nội các thường kéo dài nhiều giờ liền, đưa tới sự đồng thuận đầy khó khăn. Bên trong Sejm, thất bại thảm hại của các ứng cử viên Cộng sản làm cho họ xa lánh, vì chẳng có mấy hi vọng là sẽ tạo được ảnh hưởng đối với chính sách. Kết quả là hầu hết các đại biểu từ cả hai nhóm đã ủng hộ Mazowiecki, ủng hộ những quyết định của nội các của ông và ủng hộ những bộ luật mà chính phủ của ông đưa ra.

Đảng Cộng sản, trước thất bại của cuộc bầu cử, gần bốn tháng sau khi liên minh lớn được thành lập, đã tự giải tán. Phần lớn các đảng viên đảng này tham gia vào Đảng Dân chủ Xã hội Ba Lan (Social Democratic Party of Poland), cũng là tổ chức thừa kế tài sản và quỹ của đảng Cộng sản. Kwaśniewski là một trong những đảng viên sáng lập và là chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội. Đảng này bắt đầu tái tập hợp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 1991, với danh xưng Liên minh Dân chủ Cánh tả (Democratic Left Allinace- - SLD) và là tổ chức thứ hai sau đảng Liên đòan Dân chủ (Democraric Union) của Mazowiecki. Năm 1993, đảng kế thừa Cộng sản này, cùng với Đảng Nông dân, nắm được quyền lãnh đạo Sejm vì Công đoàn Đoàn kết chia năm xẻ bảy thành nhiều đảng nhỏ, không nhận đủ số phiều bầu để có thể vượt qua ngưỡng quy định và vì vậy mà không có chân trong Sejm. Chỉ sáu năm sau khi Cộng sản thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử năm 1989, Kwaśniewski, ứng viên của SLD, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống trước đối thủ Wałęsa, mặc dù nguồn lực của đảng này bị tịch thu và bất chấp những cuộc tấn công của báo chí và các chính trị gia khác.

Liên kết với châu Âu hóa ra là công việc tương đối dễ dàng, nhất là sau khi Bức tường Berlin đã sụp đổ. Biên giới được khai thông và người Ba Lan được tự do đi lại. Giáo hoàng John Paul II bắt đầu can thiệp và giúp thuyết phục các nước khác đồng ý cho Ba Lan tham gia các tổ chức của châu Âu. Năm 1990, Ba Lan được mời tham gia Hội đồng châu Âu. Trước khi Liên Xô sụp đổ hay trước khi Đức tái thống nhất, khả năng Ba Lan tham gia NATO hay EU là không thực tế. Nhưng, năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, đã có sẵn những mối liên hệ với phương Tây đủ cho Ba Lan đạt được những mục tiêu này.

Vực dậy và chuyển hóa nền kinh tế là thách thức khó khăn hơn. Chính phủ Cộng sản cuối cùng đã cố gắng thu hút sự ủng hộ của nhân dân bằng cách tăng lương và cho các xí nghiệp quốc doanh tăng giá. Những chính sách như thế, cùng với gánh nặng nợ nần từ những năm 1970 ngày càng gia tăng, đã dẫn đến kết quả là tháng 10 năm 1989, lạm phát lên tới 52%[2]. Dư luận phương Tây và những chủ nợ tư nhân, cũng như các thiết chế quốc tế, đưa vào Ba Lan rất nhiều chuyên gia về kinh tế và quản trị, tất cả các chuyên gia này đều kêu gọi tiến hành cải cách nhanh chóng và quyết liệt. Nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, cuối tháng 12 năm 1989, Sejm bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch Balcerowicz – do Bộ trưởng Tài chính Leszek Balcerowicz đề xuất - với đa số áp đảo. “Liệu pháp sốc” này đã dẫn tới kết quả là giá tăng 572%, trong khi đồng lương thực tế lại giảm 24%, so với năm trước, mặc dù Ba Lan đã nhận được nhiều khoản viện trợ và đầu tư của nước ngoài, trong đó có “quỹ bình ổn” trị giá tới một tỉ USD, do Mỹ và các nước Tây Âu cung cấp. Viện trợ và thương mại, như “tặng phẩm lương thực” và việc nhập lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, đã giữ cho nền kinh tế Ba Lan tiếp tục hoạt động, nhưng lại làm cho nền nông nghiệp và công nghiệp suy giảm, vì hàng hóa của châu Âu được nhập vào có giá rẻ hơn, đóng gói cẩn thận hơn và hấp dẫn hơn đối với người Ba Lan.

Chính phủ không có nhiều tiền để giải quyết những vấn đề xã hội do những thay đổi này gây ra, càng làm giảm sự ủng hộ của cử tri đối với Công đoàn Đoàn kết, vì ở Ba Lan, không có mạng lưới an sinh xã hội dành cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất sau khi các cơ sở công nghiệp và nông trường quốc doanh bị đóng cửa hay bị bán. Đối với những người khác, điều đáng sợ là sức mua giảm và nỗi bất an về tương lai, khi quá trình tư nhân hóa gia tăng và chính phủ giảm bớt “dấu ấn” của mình[3]. Kết quả là Mazowiecki và chính phủ của ông bị mất rất nhiều người ủng hộ và Công đoàn Đoàn kết lâm vào tình trạng chia rẽ.

Chuyển hóa thông qua bầu cử

Sự chia rẽ đó làm cho Jaruzelski phải đầu hàng trước áp lực đòi ông từ chức, để Ba Lan có thể tổ chức các cuộc bầu cử sớm và có một vị tổng thống dân cử. Trong chiến dịch tranh cử, Lech Wałęsa đã tấn công Mazowiecki và các nhà trí thức vì đã làm cho nền kinh tế Ba Lan suy thoái và để cho Cộng sản thoát một cách dễ dàng. Mazowiecki chống lại thái độ thất thường của Wałęsa. Cuối cùng, một doanh nhân Canada gốc Ba Lan đã thắng Mazowiecki, nhưng ông ta thua Wałęsa trong vòng bỏ phiếu thứ hai. Đây là khởi đầu của quá trình chia rẽ ngày càng cay đắng hơn của Công đoàn Đoàn kết. Nó cũng tạo ra vũ đài để Wałęsa tấn công các chính trị gia khác và tạo điều kiện cho ông ta coi thường những điều khoản giới hạn quyền lực của tổng thống đã được ghi trong hiến pháp.

Ban đầu, cuộc bầu cử nghị viện năm 1991 được tổ chức nhằm bảo đảm rằng bản hiến pháp có thể được thông qua bởi cơ quan lập pháp được bầu một cách tự do. Những cuộc bầu cử này còn phản ánh nhu cầu quốc tế của Ba Lan trong việc “đuổi kịp” các nước Đông Âu; tức là những nước dân chủ hóa sau Ba Lan, khi họ không còn sợ những hạn chế do Liên Xô áp đặt nữa. Vì những cuộc bầu cử ban đầu ở những nước đó đã là tự do, cho nên họ có tư cách bầu những người đại diện vào nghị viện của Hội đồng châu Âu trước khi Ba Lan được hưởng quy chế này.

Cuộc bầu cử nghị viện tự do đầu tiên, năm 1991, đã gây ra thảm họa đối với sự ổn định chính trị. Công đoàn Đoàn kết chia thành nhiều đảng nhỏ; mạnh nhất trong số này là những đảng dân túy và trượt vào chủ nghĩa dân tộc có tinh thần tôn giáo. Sau cuộc chiến về luật lệ bầu cử, ngưỡng được đặt thấp đến mức hơn 111 đảng đủ điều kiện tranh cử; 29 đảng vượt qua ngưỡng 5% để có chân trong Sejm, 22 đảng có chân trong Thượng viện. Không có đảng hay liên minh nào có đủ đa số an toàn. Kết quả như thế, cùng với việc Wałęsa muốn kiểm soát tất cả các quyết định, đã dẫn tới những cuộc chiến bất tận về việc bổ nhiệm và những cuộc tranh luận nảy lửa về việc xóa bỏ “đường kẻ đậm”. Ba Lan không còn nội các với những quan điểm khác nhau nhưng thống nhất về những vấn đề chính sách có tính quyết định, hay một Sejm tôn trọng các quyết định của chính phủ.

Sejm sụp đổ sau khi những người cấp tiến gần gũi với Bộ trưởng Nội vụ cáo buộc các nhân vật nổi tiếng trong chính phủ và Sejm, cũng như Lech Wałęsa, là mật vụ của công an. Sau khi Sejm giải tán, một “bản hiến pháp nhỏ”, tạm thời được thông qua. Bản hiến pháp này xác định vai trò của các thiết chế khác nhau và đặt ra ngưỡng cao hơn đối với các ghế trong Sejm. Cuộc bầu cử đột xuất năm 1993 dẫn đến kết quả là cánh hữu chia rẽ đến mức chỉ có vài đảng vượt qua được ngưỡng và có chân trong Sejm. SLD lại giành được sự ủng hộ của cử tri vì đứng ngoài những cuộc tranh chấp đó và đã xây dựng được uy tín như là “những nhà cải cách duy lí”; cả những người từng được hưởng lợi trong chế độ cộng sản lẫn những người bị tấn công vì đã tham gia vào chính quyền Cộng sản cũng ủng hộ họ. SLD và Đảng Nông dân giữ thế thượng phong trong Sejm vừa được bầu lên.

Hai năm sau, Kwaśniewski đánh bại Wałęsa trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong nhiệm kì của ông này, người ta đã thông qua một bản hiến pháp mới, phản ánh những bài học rút ra được trong bảy năm trước đó. Bản hiến pháp này định ra giới hạn quyền lực của tổng thống và giao tất cả quyền lập pháp cho hai viện của Sejm, trong đó có quyền bỏ qua quyền phủ quyết của tổng thống. Tổng thống chỉ còn những quyền rất hạn chế trong việc giải tán Sejm. Ba Lan tham gia NATO rồi trở thành thành viên EU, sau khi đã nhận được những khoản viện trợ lớn để có thể đáp ứng những tiêu chuẩn của EU và điều chỉnh Quân đội của Hiệp ước Warsaw (Warsaw Pact Army) và trang thiết bị theo yêu cầu của NATO.

Mặc dù, nhiều người vẫn bị thiệt thòi trong nền kinh tế mới, nhưng Ba Lan đã trở thành thành viên thịnh vượng của cộng đồng châu Âu. Tuy nhiên, những vụ lạm quyền thời quá khứ Cộng sản vẫn không được giải quyết và vẫn làm người ta lo ngại. Những đòi hỏi và những yêu sách ngược lại – các vụ tiết lộ những việc mà cảnh sát mật đã làm - trở thành công cụ của cánh hữu cấp tiến. Cho tới khi điều luật được thông qua vào năm 1998, thiết lập Viện Hồi ức Dân tộc, những vụ tiết lộ về việc ai từng là chỉ điểm theo dõi ai vẫn là công cụ của các xung đột chính trị và gây ra tình trạng bất ổn sâu rộng. Hiện nay, quá khứ vẫn còn ám ảnh Ba Lan, làm mất uy tín Giáo hội bằng những vụ tiết lộ rằng các linh mục từng là chỉ điểm và làm giảm sự tôn trọng của người dân đối với Sejm và đối với chức tổng thống (trong thời kì Wałęsa và Kaczynski làm tổng thống). Người ta chú tâm vào sự kiện là ai đã từng làm gì (và làm khi nào) chứ không chú tâm vào câu hỏi làm sao giải quyết được các vấn đề hiện nay.

So với các chính trị gia, công chúng Ba Lan ít quan tâm tới việc trừng phạt cá nhân vì những việc họ đã làm trong quá khứ. Các phiên tòa, bắt đầu vào năm 2006 nhằm chống lại Jaruzelski và những cộng sự của ông vì đã ban hành thiết quân luật và tấn công người biểu tình trong năm 1970 không thu hút sự được sự quan tâm của công chúng. Có quy định rằng các ứng cử viên vào cơ quan công quyền và vị trí chính trị phải thú nhận là đã làm chỉ điểm (nếu có), nhưng nhiều người với những lời thú nhận được treo ngay tại các điểm bỏ phiếu vẫn được dân bầu.

Những bài học được rút ra

Năm 1986, khi các nhà lãnh đạo Cộng sản tiếp xúc với Công đoàn Đoàn kết để thiết kế con đường đưa phe đối lập vào hệ thống, họ đã bị thúc đẩy bởi nhu cầu đưa Công đoàn Đoàn kết vào tiến trình chuyển đổi kinh tế mà họ biết là sẽ đau đớn. Nói cho cùng, mặc dù đã tiến hành cải cách và mở cửa hệ thống, việc tuyên bố thiết quân luật năm 1981 đã không được bỏ qua và tha thứ.

Họ đã chọn con đường độc đáo là chuyển từ việc lôi kéo các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo trong vai trò những người ủng hộ các cuộc đàm phán, sang tổ chức những cuộc đàm phán không chính thức với những người trí thức ủng hộ Công đoàn Đoàn kết, rồi đến những Hội nghị Bàn tròn chính thức. Đối với các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết, các cuộc Hội nghị Bàn tròn là cơ hội để tái xuất hiện, như một tổ chức hợp pháp, có thể giành được niềm tin trong việc cải thiện đời sống của nhân dân. Quá trình này diễn ra vì Công đoàn Đoàn kết đã có những nhà thương thuyết và các chuyên gia nổi tiếng vì những việc mà họ đã làm trong phong trào đối lập, người của hai bên biết đều biết nhau và có thể cùng làm việc với nhau. Ngoài ra, chính phủ và ban lãnh đạo đảng, những người cam kết thay đổi cũng chính là những người tuyên bố thiết quân luật và kiểm soát các cơ quan an ninh, cho nên những người Cộng sản từng có uy quyền không thể nào phản đối một cách hiệu quả được. Ngay từ đầu, đây đã là quá trình công khai. Khi bắt đầu đàm phán, các chuyên gia đại diện cho cả hai bên tiến hành thảo luận không chỉ về những biện pháp mở cửa và tái cơ cấu, mà còn thảo luận các vấn đề xã hội và kinh tế, từ cải cách giáo dục đến quyền của người lao động, là những vấn quan trọng, cụ thể đối với nhân dân.

Kết quả bầu cử, làm cho cả hai bên cùng ngạc nhiên, đã làm thay đổi cả tiến trình; nhưng vì các nhà lãnh đạo Cộng sản là những người lập ra quy tắc bầu cử, họ chẳng có thể làm được gì, ngoài chấp nhận thất bại và chấp nhận việc ra đi của các đảng đồng minh. Không bên nào biết sau đó sẽ là gì. Các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết đưa tất cả các đảng vào nội các, và sau đó, những người từng tranh cử với danh nghĩa đảng viên Cộng sản đã bỏ phiếu ủng hộ những thay đổi về chính trị và kinh tế đầy kịch tính.

Vì không bên nào có kế hoạch cho những việc cần làm, có thể tiến hành được những thay đổi không thể đảo ngược cả về kinh tế lẫn chính trị, nhưng những sự thay đổi này cũng dẫn Công đoàn Đoàn kết đến tình trạng phân liệt đầy cay đắng và những tranh chấp không thể giải quyết được trong việc xử lí quá khứ. Hệ thống chính trị của Ba Lan đã phát triển trên cơ sở những việc đã làm được (hay không làm được) trong thập kỉ đầu tiên của quá trình chuyển hóa. Những bài học này được phản ánh trong bản hiến pháp năm 1997.

Mặc dù công cuộc chuyển hóa của Ba Lan là của chính Ba Lan, nhưng các tác nhân bên ngoài cũng có vai trò quan trọng. Việc xóa sổ quyền kiểm soát của Liên Xô đối với Trung và Đông Âu vào năm 1989 và Liên Xô tan rã năm 1991 đã mở cửa cho những thay đổi mà trước đây không thể nào tưởng tượng nổi. Quan hệ của phương Tây với Ba Lan từ giữa những năm 1950 đã giúp người dân Ba Lan biết rằng có những lựa chọn thay thế cho chế độ Cộng sản và người bên ngoài cũng quan tâm tới họ. Những mối liên kết kinh tế với phương Tây tạo áp lực lên các nhà cầm quyền Ba Lan, buộc họ phải cải cách cả hệ thống chính trị lẫn kinh tế.

Đối với chính phủ mới, các cố vấn phương Tây, cũng như các khoản vay và viện trợ do các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế cung cấp có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phương hướng cải cách kinh tế và giữ cho nền kinh tế không sụp đổ sau cải cách. Trở thành “nước châu Âu” càng thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế và chính trị. Cùng với việc gia nhập NATO và EU, đối với dân chúng, điều này giúp hợp pháp hoá hệ thống mới, mặc dù ban đầu nhiều người đã phải đau khổ vì những cuộc cải cách này.

Cuối cùng, việc tham gia của phương Tây và sự giúp đỡ mà các nước phương Tây cung cấp, cũng như những bước đi ban đầu và không thể đảo ngược, được tiến hành nhằm chuyển hóa cơ cấu kinh tế và chính trị của hệ thống cũ, đã đưa Ba Lan trở thành, có lẽ là nước hậu cộng sản ổn định nhất và thịnh vượng nhất. Ba Lan được coi là một trong những cuộc chuyển hóa thành công từ chế độ độc tài sang dân chủ. Nền kinh tế Ba Lan có thành tích tốt hơn hầu hết các nước châu Âu trong giai đoạn hậu suy thoái năm 2008, và nền chính trị Ba Lan đã vượt qua được giai đoạn đầy chông gai để trở thành dân chủ và được thiết chế hóa trên cơ sở bền vững.

[1] Antoni Dudek, Historia Polityczna Polski 1989-2012 (Krakow: Wydawnictwo “Znak,” 2013), 75.
[2] Thượng dẫn, 77.
[3] Tadeusz Kowalik, From Solidarity to Sellout (New York: Monthly Review Press, 2011).

Còn tiếp

1 comment: