April 7, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 19)


Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 6

Philippines: “Quyền lực nhân dân”, Quá trình chuyển hóa đầy khó khăn và “Nền quản trị tốt” (tiếp theo)


Mark R. Thompson


Tiểu sử Fidel V. Ramos, Tổng thống Philippines giai đoạn 1992–1998


Fidel V. Ramos Digital Resource
 Fidel V. Ramos, Tổng thống Philippines giai đoạn 1992–1998

Fidel Ramos là sĩ quan chuyên nghiệp, từng giữ những chức vụ cao trong quân đội và cảnh sát dưới chế độ độc tài kéo dài khá lâu của Ferdinand Marcos - một người họ hàng xa xôi của ông - đã cai trị đất nước bằng thiết quân luật từ năm 1972 tới năm 1986. Ông được đào tạo tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, ngoài ra, ông còn bảo vệ thành công bằng thạc sĩ về xây dựng dân dụng tại trường Đại học Illinois (University of Illinois). Ramos phục vụ trong quân đội Philippines và đã tham gia hoạt động quân sự ở Triều Tiên và Việt Nam. Vai trò của ông trong quá trình chuyển hóa ở Philippines bắt nguồn từ địa vị cá nhân của ông trong quân đội Philippines; từ sự ủng hội kịp thời của ông đối với bà Corazon ( “Cory”) Aquino và phong trào quyền lực của nhân dân, tức là phong trào xuất hiện trong các cuộc biểu tình năm 1986 nhằm chống lại chế độ Marcos đang ngày càng trở thành áp bức hơn và tham nhũng hơn; từ những mối quan hệ chặt chẽ của ông với Mỹ, đặc biệt với Lầu Năm Góc, nơi ông được người ta gọi là “Eddie kiên định” và uy tín của ông trong cộng đồng doanh nghiệp Philippines.


Giai đoạn đầu, là tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang và sau đó là bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Aquino, tướng Ramos hoạt động đằng sau hậu trường nhằm dập tắt một số vụ âm mưu đảo chính quân sự chống lại bà này. Ông được Aquino chỉ định là người kế vị và được bầu làm tổng thống năm 1992 chỉ với 24% số phiếu bầu trong cuộc tranh cử gồm 7 ứng viên, nhưng bằng các chương trình phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng, ví dụ, xây dựng nhà máy điện mới nhằm chấm dứt tình trạng cắt điện thường xuyên ở Manila, ông đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ của dân chúng. Ramos ân xá cho cả những người lãnh đạo các cuộc đảo chính quân sự, bãi bỏ luật chống lật đổ chính quyền ban hành năm 1981 và do đó, hợp pháp hóa đảng Cộng sản, và lôi kéo được cả Cộng sản lẫn quân nổi dậy Hồi giáo tham gia vào tiến trình chính trị. Ông cũng tự thích nghi với nền chính trị mang tính ô dù truyền thống ở Philippines, đồng thời tôn trọng tính chính danh về mặt văn hóa của các thiết chế dân chủ của đất nước. Philippines đã tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh và nói chung là công bằng, với sự luân phiên các cơ quan cai trị, mặc dù chẳng có mấy thay đổi trong cơ cấu chính trị quả đầu làm nền tảng cho nó, các đảng và các thiết chế chính trị đều yếu, tham nhũng tràn lan. Một số người Philippines phê phán sự khoan dung của Ramos đối với tham nhũng và thái độ bất phục tùng của giới quân nhân, và cho gia đình Marcos và những nhóm đầu sỏ chính trị truyền thống khác quay lại chính trường. Nhưng hầu hết người Philippines tin tưởng Ramos vì ông đã làm giảm được nạn bạo lực chính trị ở trong nước, củng cố các tiến trình dân chủ đã được khôi phục dưới thời Cory Aquino, và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đã mạnh mẽ của đất nước.

Phỏng vấn tổng thống Fidel V. Ramos

Những nỗ lực nhằm xây dựng nền quản trị dân chủ ở các nước với quá khứ độc tài đang diễn ra trên khắp thế giới. Nhân dân ở những nước này có thể học được gì từ kinh nghiệm của Philippines?

Người dân ở Trung Đông và Bắc Phi có muốn nghe không? Họ có cách suy nghĩ của mình và nền văn hóa của mình. Nếu bạn nhìn vào Syria hiện nay và trước đó là Libya và Ai Cập, họ không thể học được “những bài học” của chúng tôi chỉ trong 24 giờ. Họ vẫn đang phải vật lộn với những vấn đề của mình.

Ở Philippines, chúng tôi đã làm cho chế độ thay đổi trong vòng bốn ngày, một cách hòa bình. Không ai bị giết. Chúng tôi cố gắng ghi lại điều này vì lợi ích của chính chúng tôi ở đây. Những người kế vị luôn luôn phải xây dựng từ những bài học mà họ học được và những thành công (và thậm chí là thất bại) của những người tiền nhiệm. Đó là điểm nhấn của những việc mà tôi đang cố gắng làm ở Quỹ Phát triển Fidel Ramos. Sản phẩm chính của chúng tôi là chương trình in sách. Sau khi thôi chức tổng thống, tôi tự nhận trách nhiệm là viết về kinh nghiệm của mình, càng nhiều càng tốt hoặc tìm sự giúp đỡ của bạn bè để ghi lại những kinh nghiệm đó vì lợi ích của thế hệ trẻ.

Lãnh đạo

Rất khó nén tất cả những điều này thành một viên thuốc con nhộng, nhưng nền quản trị tốt và ban lãnh đạo sáng suốt phải là hàng nội địa, bởi vì những thứ này không thể thuê người ngoài làm được. Tôi không thể nhập khẩu Mahathir [Thủ tướng giai đoạn 1981-2003] của Malaysia về điều hành chính phủ Philippines, ông ta cũng không thể nhập khẩu tôi. Tôi cũng không thể nhập khẩu Patricio Aylwin [tổng thống giai đoạn 1990-1994] từ Chile về được.

Nguyên tắc chung là nền quản trị tốt và ban lãnh đạo sáng suốt hay lãnh đạo có con mắt nhìn xa trông rộng, dẫn đường tiến phía trước với một tầm nhìn ít nhất là 25 năm. Chúng tôi không thể làm tất cả những việc cần làm trong nhiệm kì tổng thống Philippines kéo dài 6 năm hay hai nhiệm kì kéo dài 8 năm nếu tổng thống Mỹ tái đắc cử. Nhiệm kì như thế là quá ngắn, không thể làm được tất cả những việc cần phải làm. Phải hình dung, năng động và giàu trí tưởng tượng, và có kế hoạch cung cấp nước, cung cấp điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, v.v. Nhà lãnh đạo trong giai đoạn chuyển hóa là phải như thế - đấy là người có thể truyền cảm hứng cho nhân dân bằng tầm nhìn của mình để người ta tiến hành “công cuộc chuyển hóa, táo bạo”[1]. Họ có thể biến các cuộc khủng hoảng thành “bước ngoặt trong đời sống của dân tộc”[2].

Đấy là cách nghĩ của tôi vì tôi có chân trong chính phủ từ năm 1946. Tôi phục vụ chính phủ từ khi còn là thiếu sinh quân ở Học viện Quân sự Mỹ, là người đại diện của Philippines, lúc mới 18 tuổi. Đó là thời kì chiến tranh khốc liệt. Khu vực phía nam Manila bị tàn phá hoàn toàn, do quá trình giải phóng thành phố do quân Nhật chiếm đóng và tất nhiên là bị quân Đồng minh (đặc biệt Mỹ) và du kích người Philippines tấn công. Đấy là khởi đầu sự nghiệp phục vụ xã hội của tôi. Tôi ra khỏi quân đội khi vận động tranh cử chức tổng thống Philippines - sau khi làm bộ trưởng quốc phòng [giai đoạn 1988-1992].

Trên bình diện cá nhân, tôi sử dụng ngôn ngữ bình thường, rất đơn giản để thể hiện phương pháp tiếp cận của tôi theo ba cách – tặng, chia sẻ, và dám vì người khác. Giải quyết những nhu cầu của gia đình bạn trong khi còn quan tâm, chia sẻ, và dám hi sinh vì tha nhân và vì đất nước. Hi sinh có nghĩa là cho nhiều hơn nhận: Dám hi sinh vì lợi ích chung. Có bao nhiêu người dám làm điều đó? “Đối với nhiều người, quyền lợi của gia đình” vẫn được quan tâm hơn hạnh phúc của nhân dân và đất nước[3]. Người lãnh đạo phải dám đưa ra những quyết định khó khăn mà bộ máy quan liêu sẽ không làm và chỉ ra con đường tiến lên[4]. Người lãnh đạo phải dám đoàn kết để tạo ra sự khác biệt. Vì vậy, nhà lãnh đạo phải liên kết phe đối lập với mình sao cho cả dân tộc trở thành một đội. Nếu bạn nói về quyền lợi của đất nước và nếu chúng ta nhìn về tương lai tốt đẹp hơn ở Philippines, thì thậm chí phe đối lập cũng là một phần của đội; còn đối với một số thứ nhất định, chúng ta phải là một đội. Trong thể thao chúng ta có thể có một đội thống nhất, trong chính trị thì cũng thế. Khi liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của chúng ta, phải hoạt động như một đội. Tôi muốn nói đến sự thống nhất của mục tiêu, một dân tộc, một đội của một nước lớn và đoàn kết trong các giá trị: trung thực, làm việc chăm chỉ, yêu nước, yêu Chúa, yêu nhân dân, và yêu môi trường.

Làm việc nhiệt tình là nguyên tắc quan trọng đối với các nhà lãnh đạo. Làm việc 24 giờ, 7 ngày một tuần là chưa đủ; tôi muốn nói 25 giờ và 8 ngày. Tôi đã nghỉ hưu 13 năm rồi và chiều thứ 7 tôi vẫn làm việc. Làm sao bạn làm được hơn 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần? Bạn phải sắp xếp nhiều thứ cùng một lúc. Mindanao, Biển Đông, kinh tế, người lao động ở nước ngoài, một vụ thảm sát, một vụ cướp, Liên Hiệp Quốc, ASEAN. Vấn đề là một số các nhà lãnh đạo không làm đúng mức; họ không dành đủ thời gian để làm nhiệm vụ của mình, nhưng họ thực sự có thể tham gia vào tất cả những nhiệm vụ đó. Họ bật ra khỏi dòng sự kiện và toàn bộ đất nước sụp đổ. Đã xảy ra hai lần như thế ở đây.

Ông bắt đầu sự nghiệp khi còn là thiếu sinh quân, còn trẻ; trước khi trở thành tổng thống, ông có sự nghiệp chuyên môn trong quân đội và cảnh sát; và đã giữ nhiều vị trí có trách nhiệm cao như tham mưu trưởng và bộ trưởng quốc phòng trong lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, ông được đào tạo bài bản và được đưa lên vì có công trạng. Làm sao ông giữ được tính độc lập để mở ra và lãnh đạo đường đi mới?

Vâng, đó là cách phát triển nghề nghiệp của tôi, thật may cho tôi. Tôi có thể thú nhận thẳng thắn rằng khi tôi còn, có thể đang mang quân hàm đại tá, thì vị tổng thống mới lúc đó, ông Marcos, lại chính là anh em họ tôi. Nhưng trước đó tôi đã đi lên theo cách chuyên nghiệp nhất, theo cách nghĩ của tôi, tôi đã chỉ huy quân đội và phục vụ ở nước ngoài, thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm ở Triều Tiên và Việt Nam. Khi tôi được phong quân hàm cấp tướng, đấy là trong giai đoạn cầm quyền của ông Marcos, nhưng không phải vì ông ưu tiên tôi. Ông là tổng tư lệnh, nhưng tôi nổi loạn chống lại ông ta, vì một số người chúng tôi không thích những thứ ông ấy theo đuổi, đấy là thiết quân luật và vi phạm các quyền của nhân dân.

Vai trò của quân đội

Ông nói: “Tôi nổi loạn”, xuất hiện câu hỏi: Làm sao buộc quân đội chấp nhận nằm dưới quyền quản lí của chính phủ dân sự? Ở Philippines, dưới thời Corazon Aquino và Gloria Arroyo, đã có nhiều âm mưu đảo chính quân sự. Làm sao ông quản lí được quân đội? Ông đã tạo ra những thay đổi trong quan hệ dân sự-quân sự như thế nào?

Điều quan trọng đối với tôi khi tôi còn phục vụ trong quân đội là giữ được tính chuyên nghiệp và không cho chính trị can thiệp vào quá trình ra quyết định, mặc dù đã từng có áp lực. Khi tôi lên chức, áp lực của các chính trị gia cũng gia tăng, trong đó có cả những người làm trong văn phòng tổng thống. Nhưng, do đã được đào tạo một cách rất chuyên nghiệp, tôi vẫn giữ được bình tĩnh. Tôi đã chỉ huy toàn bộ một đơn vị lớn, đấy là Cảnh sát Quốc gia. Lúc đó, trong các lực lượng vũ trang có bốn ngành lớn – Lục quân, Hải quân, Không quân, và Cảnh sát Quốc gia. Nhưng khi tôi làm tổng thống, theo hiến pháp do Cory Aquino ban hành, chúng tôi phải chuyển cảnh sát quốc gia thành lực lượng khác, dưới quyền kiểm soát của chính quyền dân sự, nằm dưới quyền bộ trưởng nội vụ và chính quyền địa phương. Lực lượng này đã trở thành Cảnh sát Quốc gia Philippines, tách khỏi lực lượng vũ trang.

Thế là tôi chỉ huy cảnh sát quốc gia, trong khi tôi là người thứ hai trong bộ chỉ huy toàn bộ lực lượng vũ trang. Và chúng tôi thi hành những quyết định chính trị của người lãnh đạo được chúng tôi công nhận trong cuộc nổi dậy [1986], là bộ trưởng quốc phòng, Juan Ponce Enrile. Ông hiện là Chủ tịch Thượng viện.

Tôi nghĩ rằng cái ở Trung Đông và Bắc Phi còn thiếu là phong trào nổi loạn dân sự, các thanh niên, các tổ chức phi chính phủ (NGO), giới hàn lâm và giới lao động đã thất bại, không đưa được lực lượng vũ trang đứng về phía mình. Ở những nước này, người ta đã không lập sẵn kế hoạch như thế, nhưng nhiều đơn vị vũ trang nổi loạn, nhưng từng người, từng đơn vị, sau đó đã tham gia cùng với họ. Chuyện đó đã xảy ra ở Libya, đang xảy ra ở Syria. Nhưng, trong trường hợp của chúng tôi, ngay từ đầu, quân đội nổi loạn cộng tác với những người nổi loạn dân sự. Thực ra, nhân dân đã liên kết với các quân nhân nổi loạn, xin nói như thế. Quân đội bắt đầu những động thái đầu tiên nhằm làm giảm bớt sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Marcos ngay trong chiến dịch tranh cử của chúng tôi, lúc đó Cory Aquino là ứng cử viên đối lập chính. Trên thực tế, chúng tôi không thích bà bằng Marcos. Chúng tôi chỉ giảm sự ủng hộ ông Marcos mà thôi.

Chúng tôi đã may mắn theo nghĩa là chúng tôi có thể bị ông Marcos đè bẹp một cách dễ dàng. Chúng tôi yếu hơn hẳn lực lượng vũ trang của ông ta. Ông ta có xe tăng, có máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu, pháo binh, hải quân. Chúng tôi chỉ là một nhúm sĩ quan muốn đứng lên chống lại chế độ. Nhưng bộ trưởng Enrile và tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ chia nhau nhiệm vụ và chỉ đạo các hoạt động. Tôi đề nghị tướng Enrile quan tâm tới khía cạnh chính trị và dân sự trong việc làm giảm sự ủng hộ Marcos. Ông sẽ là người nói chuyện với giới truyền thông, với các nhà lãnh đạo chính trị và các đảng phái chính trị. Tôi sẽ quan tâm tới các hoạt động quân sự. Và nó đã xảy ra như thế. Trong quá trình này, chúng tôi lấn sân nhau trong nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Enrile cũng làm việc với một số quân nhân vì ông có một số người ủng hộ riêng, trong đó có một số binh sĩ. Và, tất nhiên, là một viên tướng tại ngũ trong thời gian dài, tôi cũng có khá đông người ủng hộ. Nhưng nói chung, chúng tôi phân chia công việc theo cách đó.

Làm sao chúng tôi có được lòng trung thành của đại đa số cảnh sát quốc gia gồm 110.000 người và 120.000 người trong Lục quân, Hải quân và Không quân? Chúng tôi không phải là một lực lượng vũ trang rất lớn. Tôi đã học hỏi để trở thành những người bạn tốt của các vị chỉ huy ngay từ khi họ còn là những sĩ quan cấp thấp. Chúng tôi đã biết nhau bằng cách gọi nhau bằng tên, chơi tennis và golf, đi bơi lặn, đua xe, thi đấu thể thao. Và tất nhiên, chúng tôi đã cùng nhau làm rất nhiều dự án, vì chúng tôi cần tất cả các ngành cùng làm với nhau trong nhiều dự án. Vì vậy, chúng tôi xây dựng được tinh thần đồng đội và cái đó đã được giữ và tiếp tục cho đến khi tôi làm tổng thống; chúng tôi vẫn tiếp tục chơi golf và họp mặt, và chúng tôi vẫn tiếp tục nói về nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Trong trường hợp của chúng tôi, vào ngày thứ tư của cuộc nổi loạn (chúng tôi bắt đầu tối ngày ngày 22 tháng 2 năm 1986), buổi trưa, mọi sự kết thúc. Sau đó, Cory Aquino tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới của Philippines, buổi lễ diễn ra dưới sự chủ trì của một thẩm phán của Tòa án Tối cao. Ngày 25 tháng 2, bà bổ nhiệm ông Juan Ponce Enrile làm Bộ trưởng Quốc phòng quốc gia và tôi, trung tướng Fidel V. Ramos, vừa được gắn thêm một ngôi sao nữa trên cầu vai, làm tham mưu trưởng. Các lực lượng vũ trang bao giờ cũng nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự. Dưới thời tổng thống Aquino, tôi đã lãnh đạo những nỗ lực nhằm giáo dục các giá trị của “lực lượng vũ trang mới của Philippines”, nghĩa là các lực lượng vũ trang sẽ phi chính trị và phi đảng phái, và sẽ thực hiện vai trò thích hợp của mình trước đây nhằm giữ vững luật pháp và trật tự. Chúng tôi cố gắng điều hòa và thống nhất hàng ngũ sĩ quan, không hướng về quá khứ, mà hướng về tương lai, trung thành với hiến pháp. Chuẩn hóa quá trình thăng cấp, bổ nhiệm là công cuộc cải cách quan trọng được thực hiện trong thời gian này. Chúng tôi không phân biệt những người ủng hộ Marcos và người ủng hộ Aquino, bổ nhiệm được thực hiện trên cơ sở công trạng và trình độ[5].

Nghe đơn giản quá, nhưng chúng tôi hiểu rằng đã có nhiều cuộc đảo chính bất thành. Tại sao lại xảy ra những chuyện đó?
Từ năm 1986 đến năm 1990, người ta ghi nhận được 9 âm mưu đảo chính nhắm vào Cory Aquino. Có các nhóm quân sự khác nhau, chứ không chỉ có một nhóm đoàn kết một lòng. Một số là những người còn rất trẻ, cấp bậc đại úy, những người đã có nhiều năm ở chiến trường, trong điều kiện cực kì nguy hiểm, và những người có thể không được đánh giá đúng và không được trả lương tương xứng. Lại có cả những đại tá trẻ, như Gregorio Honasan, hiện nay là thượng nghị sĩ, những người rất muốn chứng tỏ mình, nhưng không thể, vì có một số tướng lĩnh như tôi đứng ở trên đỉnh rồi. Lúc đầu là tổng tham mưu và sau đó là bộ trưởng quốc phòng, tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi sẽ dẹp tan tất cả những âm mưu đó. Tất cả những âm mưu đó đều bị đánh bại, nhưng tôi còn nhiệm vụ là giữ vững “sự thống nhất của các lực lượng vũ trang”[6]. Chúng tôi đã thề công nhận Aquino là tổng thống được bầu của Philippines.

Tháng 3 năm 1986, Cory Aquino đưa ra Tuyên bố số 3, đấy là bản Hiến pháp Tự do lâm thời, văn bản thiết lập trật tự cho quá trình chuyển hóa. Từ tháng 2 năm 1986 đến tháng 2 năm 1987, chúng tôi hoạt động dưới quyền chính phủ cách mạng. Lúc đó chưa có hiến pháp có hiệu lực, bà cai trị bằng các nghị định. Lúc đó quốc hội đã bị giải tán. Nhưng dù sao, không có những phong trào và những cuộc nổi dậy lớn trong năm đó, trừ âm mưu bị thất bại, đấy là vụ những người trung thành với Marcos chiếm Khách sạn Manila.

Sau cách mạng, quân đội bị chia rẽ, theo quyền lợi của những nhóm có thâm niên khác nhau trong quân đội. Những viên đại úy trẻ, rất năng động và các vị đại tá đầy tham vọng, rồi các viên tướng già, như tôi, muốn duy trì hiện trạng và tạo điều kiện cho chính phủ dân sự cơ hội hoạt động theo hiến pháp 1987. Khi đến lượt tôi muốn làm tổng thống, những người của tôi trong các lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng nói rằng tôi không phải vận động bầu cử, mà chỉ việc giành chức tổng thống, họ sẽ ủng hộ tôi. Nhưng tôi nói không. Tôi có thể cướp chức tổng thống và giữ, có thể trong vòng ba năm, nhưng tôi sẽ không thể giữ lâu hơn thế, vì nhân dân Philippines sẽ không cho phép. Đấy là con đường đưa chúng tôi đến đây.

Tôi đã nhìn thấy ở Trung Đông và Bắc Phi sự kiện là các triều đại và những gia đình giàu có và các nhà độc tài có thể cai trị trong một thời gian nào, nhưng họ sẽ không thể kéo dài mãi vì người dân sẽ không cho phép. Họ có thể cai trị 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 40 năm, như trường hợp Gaddafi, nhưng cuối cùng thì nhân dân cũng sẽ không cho phép.

Tại sao những âm mưu như thế vẫn tiếp tục, sau chính phủ của ông, nhằm chống lại Tổng thống Gloria Arroyo? Tại sao không thể ngăn chặn được chúng?

Sau nhiệm kì tổng thống của tôi, cuộc nổi loạn quân sự tiếp tục xảy ra dưới chính quyền của Tổng thống Estrada. Ông chỉ cầm quyền trong hai năm rưỡi, vì các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia đã can thiệp. Ông bị bãi chức tháng 1 năm 2001 vì bị coi là lừa dối và tham nhũng. Ông ta chỉ giới hạn hoạt động của mình và gây ảnh hưởng với một nhóm những người được ông ta bảo trợ mà thôi. Chúng tôi không thích như thế và vì vậy mà người dân đứng lên phản đối. Giáo Hội, giới hàn lâm, công nhân, các tổ chức phi chính phủ, và giới quân nhân ủng hộ các cuộc biểu tình. Người dân là những người đầu tiên đứng lên, quân nhân và cảnh sát ủng hộ họ.

Rồi Gloria Arroyo trở thành tổng thống. Ba năm đầu tiên trong nhiệm kì tổng thống, bà được coi là nữ anh hùng, và chúng tôi đã hi vọng rất nhiều, nhưng bà đã thất hứa, hết lần này đến lần khác. Một lần nữa, các lực lượng vũ trang lại rất, rất không hài lòng, nhưng đã không xảy ra bất cứ cuộc cách mạng quân sự nào nhằm chống lại Arroyo. Nhiệm kì của bà kéo dài trong chín năm. Rất đáng tiếc, bởi vì trong thời gian đầu bà tỏ ra rất hiệu quả và làm việc chăm chỉ. Bà vẫn tiếp tục làm việc hết mình, nhưng khi được hưởng quá nhiều quyền lực thì bà đã chuyển mối quan tâm sang hướng khác, tôi nghĩ các nhà độc tài và bạo chúa ở đâu thì cũng thế. Ban đầu, tất cả bọn họ đều là những nhà cải cách, rồi, nếu họ nếm trải quyền lực trong một thời gian dài thì họ thích đến mức muốn bám vào nó và tìm trăm phương ngàn kế, không bao giờ chịu ra đi.

Khi còn là tổng thống, tôi muốn tu chính một phần hiến pháp, phần nói về kinh tế và hình thức của chính phủ. Tôi ủng hộ chính phủ đại nghị, trong đó không cần thuyết phục quân đội và cảnh sát đứng về phía nhà lãnh đạo chính trị khi xảy ra tình huống đảo chính. Trong hệ thống đại nghị, chỉ cần quá bán nghị sĩ quốc hội bất tín nhiệm là đủ để cách chức chính phủ đương nhiệm rồi. Đó là hệ thống mà chúng tôi muốn, bởi vì quân đội và cảnh sát là những người chuyên nghiệp và không được lôi cuốn vào cuộc đấu tranh chính trị. Đó là kinh nghiệm của tôi, khi nhìn lại giai đoạn từ năm 1987 đến năm 1990. Lúc đó tôi đã có chức vụ và tất nhiên, tôi không muốn bất cứ điều gì xảy làm phương hại tới sự toàn vẹn của lực lượng vũ trang và cảnh sát.

Ủy ban Davide [do Hilario Davide Jr. làm chủ tịch, ông này lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Bầu cử] do Tổng thống Cory Aquino thành lập năm 1989 theo dõi những âm mưu đảo chính trong giai đoạn bà cầm quyền. Sau đó là Ủy ban Feliciano [do phó chánh án Tòa án Tối cao đã hồi hưu, Florentino Feliciano làm chủ tịch] được thành lập năm 2003. Ủy ban này tiến hành điều tra các phong trào phản kháng trong giai đoạn Gloria Arroyo cầm quyền và phát hiện ra rằng các khiếu nại của quân đội là hợp pháp. Có sự thiên vị đối với các sĩ quan cấp cao, theo nghĩa thăng cấp và bổ nhiệm, còn cấp dưới và binh sĩ thì bị trả lương thấp, đặc biệt hạ sĩ quan và lính trơn. Và đã có sự can thiệp chính trị trong nhiều thủ tục của quân đội, trong đó có mua sắm. Vì vậy, đã xảy ra hiện tượng hối lộ và tham nhũng, ban đầu là các quan chức chính trị các cấp, và sau đó thì một số chỉ huy quân sự bị nhiễm căn bệnh này và cũng trở thành tham nhũng.
Đã xảy ra rối loạn vào tháng 10 năm 1990, đấy là vụ li khai của Mindanao, trong đó, những kẻ âm mưu tuyên bố rằng họ là người Kitô giáo, Hồi giáo và người dân bản địa ở Mindanao - chúng tôi gọi là Lumads - muốn li khai để thành lập nước Cộng hoà Liên bang Mindanao, tách khỏi Cộng hòa của Philippines. Nhưng chiến sự chỉ kéo dài có năm ngày. Có đổ máu, nhưng tất cả đã được giải quyết tương đối hòa bình và ngăn không để cho nó biến thành cuộc chiến tranh rộng lớn hơn vì có sự can thiệp của các thành viên chính phủ lúc đó.

Như tôi đã nói, có chín âm mưu đảo chính trong giai đoạn Aquino nắm quyền và tháng 1 năm 2001 đã có hành động phối hợp dân sự-quân sự, đẩy Estrada ra khỏi quyền lực. Rồi, dưới thời Arroyo, đã có ba âm mưu đảo chính. Đầu tiên là vụ Oakwood ở Makati [trong đường tàu điện ngầm ở Manila], năm 2003; sau đó, năm 2006, rất giống vụ trước, do các quân nhân cấp cao bất mãn gây ra, họ tìm cách chiếm khu vực thương mại sầm uất Makati, và do đó, buộc chính phủ phải đầu hàng, nhưng vụ này cũng thất bại, rồi đến vụ Bán đảo Manila, tháng 11 năm 2007. Lúc tôi làm tổng thống, giai đoạn 1992-1998, không có phong trào phản đối quân sự nào và tôi đã ra khỏi quân đội từ thời Estrada và Arroyo.

Cải cách hiến pháp

Ông có thể nói rằng hiến pháp, các thiết chế dân chủ, và cam kết trung thành với hiến pháp và các thiết chế đã được khẳng định một cách chắc chắn?

Hiện nay, vấn đề rắc rối là có một số nhóm đầy sức mạnh đã tiến hành ngăn chặn bất kì tu chính nào đối với hiến pháp năm 1987. Đây là những đệ tử của Hồng y Jaime Sin đã quá cố, những đệ tử và con cháu của Tổng thống Cory Aquino, và một số người tham gia soạn thảo bản hiến pháp năm 1987. Bản hiến pháp này không dựa trên quá trình lựa chọn, khác với các bản hiến pháp năm 1935 và 1972, lúc đó nhân dân bầu đại biểu Hội đồng Lập hiến. Năm 1986, Tổng thống Aquino chọn 50 người Philippines sáng giá nhất làm đại biểu. Đấy là nhóm tinh hoa, theo nghĩa nào đó, nhưng nhiều lĩnh vực khác nhau có đại diện, trong đó có lĩnh vực kinh doanh, điền chủ, lao động, phụ nữ, cộng đồng Hồi giáo và các nhóm cực tả, và các đại biểu đại diện cho những khu vực địa lí khác nhau của đất nước. 76% người tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã đồng ý thông qua bản hiến pháp này. Hiến pháp mới quy định tổng thống chỉ được giữ một nhiệm kì kéo dài sáu năm[7].

Hậu duệ của tất cả những người đó ngăn chặn tất cả các nỗ lực tu chính bản hiến pháp đó, thậm chí cả những tu chính nhẹ nhàng nhất, như thể đấy là văn bản được khắc trên đá và không bao giờ có thể thay đổi. Chúng tôi nhắc tới bản hiến pháp của Mỹ. Đã tu chính bao nhiêu lần rồi? Đã có 27 tu chính trong vòng 200 năm qua. Nghĩa là trung bình cứ mười năm lại có một tu chính lớn. Trong trường hợp của chúng tôi, tôi đề nghị sửa đổi các điều khoản về kinh tế, trong đó có quy tắc 60/40 khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và quyền sở hữu trong các ngành dịch vụ công cộng [sở hữu nước ngoài ở các công ty này bị giới hạn là 40% giá trị công ty], ảnh hưởng rất tiêu cực đến các khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài và do đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế[8]. Những sửa đổi khác mà tôi đề nghị liên quan đến hệ thống đại nghị, nhưng tôi đã không đưa ra vì phải cần thời gian để mọi người chấp nhận việc họ sẽ không trực tiếp bầu tổng thống. Chúng tôi đã chỉ ra rằng, trong khi Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống, nhưng họ không đếm phiếu từng người một để quyết định ai sẽ thắng; mà cử tri đoàn làm việc đó. Bây giờ chúng tôi phải điều chỉnh lại các suy nghĩ của nhân dân và để họ chấp nhận hệ thống quản trị tạo ra quyền đại diện công bằng, thậm chí nếu không phải là bầu cử trực tiếp.

Tu chính khác mà tôi đã thực sự đấu tranh cho nó là chống lại các triều đại. Hiến pháp hiện nay đã có điều khoản: Triều đại chính trị bị cấm theo quy định của pháp luật. Nhưng pháp luật nào? Những người người hưởng lợi từ triều đại chính trị lại chính là những người trong quốc hội và từ năm 1987 đến nay đã không thông qua đạo luật mặc dù đã có một số nỗ lực. Vì vậy, tôi đề nghị, rất đơn giản, sửa đổi hiến pháp để điều khoản cấm nằm ngay trong hiến pháp và không phụ thuộc vào một đạo luật nào khác. Ở đâu có chuyện đó? Đó là trong những điều khoản khác của chính bản hiến pháp đó. Điều này nói rằng tổng thống của Philippines không thể bổ nhiệm bất kì quan chức nào trong nhánh hành pháp là họ hàng trong vòng bốn đời tính theo trực huyết hay kết hôn*. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng cách nói như thế để cấm bầu vào cơ quan công quyền những người có thể tạo ra các triều đại chính trị. Chỉ có thế thôi – rất đơn giản.

Các đảng chính trị

Khía cạnh khác của hiến pháp, vì chúng có liên quan với nhau, là chạy từ đảng này sang đảng kia. Vì nếu được chạy từ đảng này sang đảng kia một cách dễ dàng, thì đấy chính là hạt giống ươm mầm cho các triều đại chính trị. Tôi đã có thể tạo ra một triều đại. Cha tôi là một chính trị gia, nhưng ông chết trước khi tôi trở thành chính trị gia. Tôi chỉ vận động tranh cử có một lần và chỉ có thế thôi. Tôi không muốn thất bại như một chính trị gia. Em gái tôi là thượng nghị sĩ trước khi tôi tranh cử tổng thống. Cô ta là nhà giáo dục, nhà ngoại giao, nhưng cô ấy đã thực hiện tốt quyền của mình và sau đó cô nghỉ hưu [sau đó cô không vận động tranh cử nữa]. Cô ấy có một con trai, nhưng cháu tranh cử ở cấp tỉnh, do đó, đấy không phải là triều đại, theo ý nghĩa thực sự của từ này. Thượng viện Philippines chỉ có 24 thành viên và trong cuộc bầu cử năm 2013 chỉ có một nửa số ghế được đem ra bầu, vì nửa còn lại được bầu đến năm 2016. Vì vậy, cử tri có rất ít lựa chọn từ vì các ứng cử viên tiềm năng phần lớn là từ các triều đại chính trị. Vậy, dân chủ ở đâu? Hiện tượng triều đại phải được sửa chữa ngay trong ngôn từ của chính hiến pháp; luật sẽ không bao giờ được quốc hội thông qua vì làm thế là lấy đá ghè chân mình.

* Điều XII Mục 13 hiến pháp năm 1987 của Philippines nói rằng người phối ngẫu và họ hàng cùng huyết thống hay bên vợ bên chồng tính trong bốn đời của tổng thống - khi còn tại nhiệm – đều không được bổ nhiệm làm thành viên của Ủỷ ban Hiến pháp hoặc Văn phòng Thanh Tra, hay bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, hay trưởng các văn phòng, các tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước hay do nhà nước kiểm soát và các công ty của những công ty này.

Có chuyển động, lần này là do Chủ tịch Hạ viện, Feliciano Belmonte và Chủ tịch Thượng viện, Juan Ponce Enrile, đề xuất nhằm cải cách hiến pháp từng bước một, bắt đầu với điều khoản 60/40, rồi sau đó, trong quá trình làm họ có thể tung ra một số định nghĩa nữa. Tu chính lớn thực sự lớn là hình thức chính phủ. Hiện nay, hiến pháp năm 1987 xác định hệ thống tổng thống và hệ thống đa đảng. Hai tính chất này không hợp nhau. Ngay lúc này, chúng tôi có khoảng 272 đảng-nhóm chính trị đã đăng kí trong hệ thống tổng thống, vì vậy nhân dân cảm thấy bối rối.

Philippines có quá nhiều đảng chính trị, và ông cũng thành lập đảng riêng của mỉnh, Đảng Lakas, khi ông tranh cử tổng thống. Ông có nghĩ rằng có quá nhiều đảng là vấn đề đối với chế độ dân chủ ở Philippines?

Chúng tôi khởi động Lakas (Liên minh toàn quốc dân chủ cơ đốc-Đảng dân chủ Hồi giáo thống nhất) với bảy thành viên vào tháng 12 năm 1991, và tháng 2 năm 1992 là thời hạn phải đăng kí ứng cử viên, chúng tôi đã có khoảng 1.000 đảng viên. Chúng tôi phát triển nhanh như thế thế chỉ trong một thời gian ngắn.

Có người hỏi làm sao tôi thắng. Tôi giải thích rằng tương tự như cái mà chúng ta gọi là lí thuyết giọt dầu. Một giọt dầu sẽ lan rộng trên mặt hồ, vài trăm giọt sẽ có ý nghĩa to lớn. Tôi có 10.000 tổ chức NGO trợ giúp. Đấy không phải là đảng phái chính trị, mà là các phong trào, các hiệp hội, các tổ chức. Tôi đã có những người cộng tác khắp mọi nơi vì tôi là bạn của nhiều người trong số những người này ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, vì chúng tôi làm việc để phát triển cộng đồng.

Hiện nay, số lượng các đảng chính trị là vấn đề lớn, và tổng thống ở đây phải chú ý tới vấn đề này. Năm 2012, quốc hội nói rằng chúng ta phải có một vài tu chính, còn tổng thống nói chưa phải lúc, và họ vẫn đang cãi nhau trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các đảng chính trị không ổn định; họ dựa vào các cá nhân, vì vậy mà không có “tính liên tục trong chính sách công”[9]. Một biện pháp có thể giúp tạo ra các đảng ổn định là xây dựng hệ thống tài trợ của nhà nước[10]. Cải cách hiến pháp sang hệ thống đại nghị cũng sẽ củng cố các đảng phái và làm giảm vai trò của “các nhà lãnh đạo chính trị cá nhân”[11].

Xây dựng liên minh

Nếu trong thời gian ông làm tổng thống, nhiều đảng phải chính trị không phải là vấn đề, tại sao bây giờ nó lại là vấn đề?

Tôi không gặp vấn đề, vì theo cơ chế pháp lý gọi là LEDAC (Hội đồng Tư vấn Phát triển Hành pháp Lập pháp) bữa sáng thứ tư nào các nhà lãnh đạo chúng tôi cũng bàn những thách thức mà mình đang gặp, trong khi quốc hội đã họp, cho nên chúng tôi có sự hợp tác hiệu quả giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và khu vực tư nhân[12]. Có nghĩa là 35 ngày thứ tư trong suốt một năm, chúng tôi đều gặp nhau như một gia đình. Tổng thống, chủ tịch thượng viện và có lẽ năm thành viên nội các, phụ thuộc vào chương trình nghị sự, cùng họp với các nhà lãnh đạo phe đa số và phe thiểu số trong Thượng và Hạ viện, còn có các NGO, các nhà lãnh đạo ngành, phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, cựu chiến binh, giới hàn lâm, giới lao động, ngư dân, người lao động ở nước ngoài, và chúng tôi nói chuyện như một gia đình. Bằng cách này, chúng tôi tìm cách phát triển quá trình tham vấn lập pháp-hành pháp và sự đồng thuận.

Tôi còn tổ chức họp nội các ngay tại hiện trường. Ví dụ, nếu chủ đề chính là năng lượng ở Mindanao, tôi sẽ gửi năm đội đi trước, do một thứ trưởng dẫn đầu - công trình công cộng, năng lượng, chính quyền địa phương, có thể là quốc phòng và có thể là khoa học và công nghệ. Bạn là một đội. Bạn đi theo cách đó. Bạn đi theo đường bộ. Bạn đi phà tới Davao. Tôi mang theo đội gồm toàn các thứ trưởng - có thể giáo dục, vận tải - chúng tôi đi bằng máy bay qua các đảo. Bây giờ, trong khi bạn đang đi, đội phải kiểm tra các dự án và gặp gỡ người dân trong thị xã, hay tòa thị chính và đối thoại. Tôi có thể cho họ ba ngày để đi đến nơi mà chúng tôi sẽ tổ chức họp nội các. Tôi sẽ họp với họ vào buổi sáng. Tôi học hỏi họ, cùng với một số thành viên nội các, có thể có cả thư kí điều hành và có thể là cả phó tổng thống. Chúng tôi tìm hiểu những sự kiện xảy ra trong chuyến điền dã của các đội. Tôi nhận được năm báo cáo khác nhau, rồi sau bữa ăn trưa chúng tôi họp nội các. Thống đốc bang và thị trưởng thành phố tham gia. Họ sẽ tham gia thảo luận khi bàn tới vấn đề của họ trong chương trình nghị sự. Và sau đó, trước khi rời cơ sở, có lẽ vào lúc năm giờ chiều, tôi sẽ đưa ra quyết định, và những người ở đó phải tìm hiểu quyết định, theo nghĩa nó có tác động gì đối với tỉnh của họ, đối với khu vực của họ, đối với hòn đảo của họ. Và sau đó, chiều tối chúng tôi ra đi, đôi khi rất nguy hiểm vì nhiều nơi không có sân bay tốt, còn chúng tôi thì cất cánh vào ban đêm. Vì vậy, đây là cách chúng tôi điều hành chính phủ - “tại trận”.

Những cuộc họp thường xuyên giữa hành pháp, lập pháp và các nhà lãnh đạo ngành chỉ được tiến hành trong chính phủ của ông? Trong chính quyền Aquino việc quản lí được tổ chức như thế nào?

Vâng, nó chỉ diễn ra trong giai đoạn của tôi. Trong thời gian Tổng thống Cory Aquino cầm quyền, một đạo luật đã được thông qua, luật này thành lập Hội đồng Tư vấn Phát triển Hành pháp Lập pháp, nhưng bà phủ quyết, mà người ta cho là vì anh trai bà là phó chủ tịch Hạ viện, và bà giải quyết với Hạ viện, có 250 thành viên, thông qua mỗi người anh trai. Ở Thượng viện, bà có người em rể, Butz Aquino, và bà giải quyết với ông ta. Bà ấy không muốn chia sẻ quyền lực. Năm 1991, khi tôi nghe nói về chuyện này, tôi đã hoàn toàn không biết hoạt động bên trong. Tôi đề nghị phục hồi dự luật đã bị phủ quyết và đây là luật đầu tiên được thông qua dưới thời của tôi. Đây chính là luật đầu tiên mà tôi đã kí, tháng 12 năm 1992.

Tôi muốn có tư vấn và đồng thuận, và đó là những việc đã xảy ra trong sáu năm tôi làm tổng thống. Và chúng tôi đã thông qua 229 cuộc cải cách hay luật về cơ cấu trong 6 năm đó. Đó là chín ngày một bộ luật trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lực lượng vũ trang, cảnh sát quốc gia, giáo dục, trao quyền, khu vực kinh tế, đầu tư, ngân hàng, mọi thứ. Bây giờ chúng tôi có luật về sức khỏe sinh sản, chưa được thông qua [kí thành luật tháng 12 năm 2012], nhưng vấn đề được gắn kết hữu cơ với môi trường và phát triển bền vững[13]. Dự luật về Tự do Thông tin đã được thảo luận trong 12 năm, và tổng thống vẫn chưa hành động. Trong thời gian tôi làm tổng thống, chúng tôi có thặng dư về tài chính trong bốn năm, vì chúng tôi đã mở cửa nền kinh tế. Điều này đưa chúng ta quay trở lại những điều tôi đã nói ban đầu: nền quản trị tốt và ban lãnh đạo đã khai minh không thể thuê từ bên ngoài; nó phải là cây nhà lá vườn.

Còn tiếp

1 comment: