November 16, 2019

VinUni liệu có cô đơn và tự do?

Tâm Don

Tập đoàn Vingroup của tỉ phú giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, đang bộc lộ rất nhiều tham vọng. Vào giữa tháng 11-2019, báo chí nhà nước truyền đi thông tin gây rúng động: đại học VinUni sẽ tuyển sinh trong năm học 2020- 2021 với mức học phí 35.000- 40-.000 USD/ năm học.  Bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, cho rằng “VinUni không phải là đại học của những người giàu. Đại học VinUni theo mô hình tinh hoa mới mà nội hàm của từ tinh hoa chính là tài năng”. Khát vọng của VinUni liệu có được thỏa mãn hay vỡ vụn?



Bài viết này không phân tích về mức học phí cao ngất mà VinUni đưa ra, chỉ đề cập đến nguồn gốc tạo nên giá trị của một trường đại học. Không như kỳ vọng của các nhà giáo dục đến từ Mỹ, Đại học Fulbright đã thất bại. Một sự thất bại vì sự áp đặt vô lý đến từ phía Việt Nam, và sự thất bại này có lẽ là bài học quý giá để VinUni soi chiếu cho các quyết định của mình. Vào tháng 5-2016, sau khi công bố chính thức thành  lập Đại học Fulbright Vietnam ( FUV), nhiều nguồn tin ở Việt Nam và nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho biết, FUV đã từ  chối các  môn  học  Marx-Lenin và tư tưởng Hồ  Chí Minh. Khóa học đầu tiên  của FUV khai  giảng vào tháng 9-2016 đã không có các môn học này. FUV với những nhà sáng lập người Mỹ vốn tôn trọng tự do học thuật không hề muốn các môn học vô bổ Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh xuất hiện trong FUV, làm mỏi mệt các sinh viên, qua đó nâng cao tư duy độc lập và khả năng sáng tạo của sinh viên. Nhưng ước muốn của những người sáng lập FUV đã nhanh chóng bị chặn đứng.
Trong hai ngày 04 và 05 tháng 8- 2017, nhiều tờ báo ở Việt Nam loan tải thông tin: Trường ĐH Fulbright( FUV) sẽ dạy triết học Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Báo Thanh Niên cho biết: “Ngày 4.8, phát biểu tại hội thảo về Giáo dục khai phóng ở TP.HCM, Chủ tịch Trường ĐH Fulbright VN Đàm Bích Thủy cho biết trường sẽ dạy triết học Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình học nhưng cách dạy sẽ khác biệt so với các trường khác.  Những nội dung này sẽ nằm chung trong lịch sử của triết học hoặc lịch sử, văn học VN.
Bà Thủy cho biết đặt Karl Marx cùng những nhà triết học khác của Đức để nhìn thấy sự phát triển tư tưởng triết học của Đức, để xem dòng chảy (tư tưởng) là như thế nào, tại sao đến lúc đó thì chủ nghĩa Marx xuất hiện. Đó là cách Trường ĐH Fulbright sẽ dạy”. 
Báo Thanh Niên dẫn tiếp lời bà Đàm  Bích Thủy:  “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một phần trong lịch sử VN, đặt tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong lịch sử VN hoặc văn học VN thì tôi hy vọng rằng trong vài năm tới, đó không còn là môn bắt buộc nữa mà sinh viên sẽ cảm thấy rất thú vị”.
VinUni liệu có biết FUV đã từ chối các môn học Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng sau đó đã buộc phải giảng dạy các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh? VinUni liệu có biết rằng, chỉ vì phải bắt buộc giảng dạy các môn này, uy tín của FUV đã giảm sút rất nhiều?
Điều gì tạo nên giá trị của một trường đại học? Có giáo viên giỏi và có sinh viên giỏi? Có giáo viên giỏi và sinh viên giỏi chỉ là một yếu tố của giá trị, điều làm nên tất cả các giá trị chính là tự do.
Hệ thống đại học của nước Đức vào cuối thế kỷ 18 đã trở nên quá thua kém hệ thống đại học Anh rất giàu tính nhân văn. Vào đầu thế kỷ 19, hai nhân cách lớn của nước Đức là hai anh em Wilhelm và Alexander von Humboldt đã xác lập một hướng đi mới cho đại học đức, đó là, CÔ ĐƠN VÀ TỰ DO. Giá trị của trường phái đại học Đức, hay còn gọi là đại học Humboldt có thể được tóm tắt như sau: “ Đó là một định chế trong đó những người giảng dạy và người đi học quy tụ lại như những người nghiên cứu bình đẳng trong sự thống nhất của nghiên cứu và giảng dạy để truy tìm khoa học thuần túy trong sự cô đơn và tự do, và qua quá trình này đạt tới sự hoàn thiện về tinh thần và đạo đức. Hai trụ cột chính của các nguyên lý là nghiên cứu và tự do học thuật. Khoa học trở thành hình thức của cuộc sống, triết lý sống và là nòng cốt của giáo dục”( Nguyễn Xuân Xanh, Đại học- định chế giáo dục cao thay đổi thế giới, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố HCM, năm 2019, trang 24).
Với nguyên tắc sống còn CÔ ĐƠN VÀ TỰ DO- được đi trên con đường mình lựa chọn, được dạy những điều mình muốn dạy, được học những điều mình muốn học, được tự do nghiên cứu, đại học Đức- đại học Humboldt đã nhanh chóng trưởng thành, qua đó góp phần tạo nên sự thịnh vượng của nước Đức. Vào đầu thế kỷ 20, các giải thưởng khoa học Nobel đa phần lọt vào tay các nhà khoa học Đức. Ngay từ giữa thế kỷ 19, sinh viên Anh, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác đã kêu gọi: Hãy học tiếng Đức và đến Berlin học đại học!
Ngay từ giữa thế kỷ 19, Mỹ và Anh đều nhận ra giá trị của đại học Đức là tự do và nghiên cứu, và nhận ra sự tụt hậu của hệ thống đại học của mình. Và cũng ngay lập tức, Mỹ và Anh đã áp dụng các nguyên tắc của đại học Đức vào hệ thống đại học của mình để tạo nên giá trị nhân văn và nghiên cứu của đại học Anh, giá trị nhân văn- nghiên cứu và dịch vụ của đại học Mỹ. Nhờ áp dụng các nguyên tắc của đại học Đức, các đại học Anh và đặc biệt là đại học Mỹ đã có được những giá trị sáng chói và tiếp tục giữ vững danh hiệu hai nền giáo dục đại học hàng đầu của thế giới.
Cũng ngay từ cuối thế kỷ 19, hai quốc gia ở Châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc đã áp dụng mô hình đại học Đức và cũng đã tạo được những thành tựu rực rỡ.
Không như các quốc gia khác đang rùng rùng chuyển mình về phía trước, Việt Nam vẫn đang tự bó buộc mình trong những điều cũ càng, bẩn thỉu. Nền đại học của Việt Nam cũng bị bó mình trong những điều cũ càng, bẩn thỉu ấy. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, người chuyên nghiên cứu về đại học, trong cuốn Đại học- định chế giáo dục cao thay đổi thế giới, có những dòng viết cay đắng: “ Nền đại học Việt Nam hiện nay đang thua thiệt so với đại học trong khu vực một cách “bất bình thường” và khó hiểu. Các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã rất bức xúc từ vài thập niên qua về tình trạng suy thoái của đại học Việt Nam. Có điều gì không ổn giữa tiềm năng trí tuệ và hiện thực đại học Việt Nam. Thiếu định hướng, thiếu mạnh dạn, quyết tâm, thiếu ý thức về sứ mạng và sức mạnh của đại học như chìa khóa trong việc canh tân đất nước, thiếu hiểu biết tổ chức một đại học nghiên cứu hiện đại, thiếu những đòn bẩy như một chế độ trọng đãi nhân tài, thêm vào đó một bộ máy hành chính nặng nề, sự quan tâm chưa đúng mức từ phía những người có trách nhiệm cao nhất, quản lý đại học thiếu tinh thần khai sáng, đó có lẽ là những cái đã ngăn chặn sự phát triển đại học Việt Nam mấy thập niên qua”( trang 142).

Từ nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học, nhiều giáo viên đại học đã cho rằng, nguyên nhân khiến đại học Việt Nam ngày càng lạc hậu chính là bị chính trị hóa nặng nề, không có tự do học thuật, không có quyền tự chủ. Chỉ riêng việc vào năm 2017 đại học Fulbright Việt Nam đã phải ngậm đắng nuốt cay giảng dạy các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh trước sức ép quá lớn của chính quyền Việt Nam, đã nói lên rằng,  không hề có tự do học thuật, tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy cho đại học Việt Nam dù đó là một trường đại học có yếu tố nước ngoài.
VinUni là một trường đại học của doanh nghiệp Việt Nam, liệu có can đảm tiếp thu tinh thần CÔ ĐƠN VÀ TỰ DO của đại học Đức? VinUni liệu có dám chối bỏ các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không cho dạy các môn này trong ngôi trường của mình? Nếu VinUni không có tinh thần cô đơn và tự do, nếu VinUni cho dạy các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, VinUni cũng chỉ là một đại học tự bó buộc mình trong những điều cũ càng và bẩn thỉu.
Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

No comments:

Post a Comment