November 19, 2018

NHỜ GS CHU HẢO, NGỘ ĐƯỢC PHẬT PHÁP

Phạm Nguyên Trường

1. Nhất thiết duy tâm tạo

Đọc sách thấy: “Nhất Thiết Duy Tâm Tạo” hoặc: “Tâm như họa sĩ khéo/vẽ thế giới muôn màu”, không sao “ngộ” được, vì hàng cây này, dãy núi kia… là hoàn toàn có thực, làm sao tâm có thể tạo ra được? Rồi lại nghe nói: “Đời là một giấc mơ”, cũng khó hiểu không kém. Những bài giảng mà mình đọc được dường như không “tới”.

Thế rồi xảy ra sự kiện GS Chu Hảo

Tác giả và GS Chu Hảo
Sự kiện:

Cụ Chu Đình Xương (1913- 1985) là cán bộ cao cấp của chế độ hiện nay. GS Chu Hảo từng được coi là “hạt giống” đỏ, được gửi đi đào tạo ở những nơi danh giá nhất và đã có bằng tiến sĩ, được phong giáo sư, rồi làm tới chức thứ trưởng. Đùng một cái, sau khi nghỉ hưu, năm 2005, GS Chu Hảo đứng ra thành lập NXB Tri Thức và cho in những tác phẩm trái ngược với đường lối chính thức… Chuyện này người ta nói nhiều rồi, xin không nhắc lại.

Sự kiện trên dẫn tới hai luổng ý kiến

1. Đúng là một sĩ phu không màng danh lợi, luôn luôn đau đáu với vận nước, với việc khai dân trí, sẵn sàng từ bỏ mọi bổng lộc. Một người rất đáng kính trọng, ngưỡng mộ…
2. Gia đình như thế, chế độ ưu ái như thế, mà bây giời lại ăn cháo đá bát, kỉ luật bây giời là quá muộn….
Đại khái thế.

Ngộ:
Sự kiện GS Chu Hảo là thật. Nhưng lại có ít nhất 2 luồng ý kiến. Người theo luồng ý kiến 2 có thể mạt sát, chửi bới, thậm chí sẵn sàng dùng vũ lực với người theo luồng ý kiến 1 và ngược lại. Thế là, thực ra ta không sống trong thế giới với sự kiện GS Chu Hảo như nó đang là, mà sống trong cảnh giới do tâm ta tự tạo ra. Ta hành động trong và theo cảnh giới do chính tâm mình tạo ra. Tất cả những sự kiện khác cũng đều như thế hết. Thế giới ngoài kia là thực, nhưng ta lại suy nghĩ, hành động trong và theo cái thế giới do tâm mình tự sẽ ra. Thế giới không còn là thật nữa, ta hành động như đang ngủ mơ.


Đạo lí: Mỗi người luôn luôn tạo ra cảnh giới của chính mình rồi hành động trong và theo cảnh giới đó, nhưng không ý thức rõ rằng người bên cạnh mình cũng đang tạo ra và hành động trong và theo cảnh giới của người đó. Nếu ý thức rõ thì mỗi người đều sẽ có lòng khoan dung hơn với người khác.

Nhất thiết duy tâm tạo cũng có nghĩa là khoan dung hơn.

2. Các thày bói mù sờ voi

Như đã nói trong phần trước, hàng cây này, dãy núi kia, đám mây nọ… hay nói một cách tổng quát hơn: tất cả những gì lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của ta tiếp xúc được đều là thực, đấy chính là thế giới khách quan; nhưng chúng ta không sống trong thế giới khách quan mà sống trong và hoạt động theo tâm cảnh, tức cảnh giới cho chính mình tạo ra. Không thể nào khác được. Muốn suy nghĩ và hành động ta phải dựa vào ý kiến/khái niệm/tư tưởng/lí thuyết/chủ nghĩa nào đó, mà thường là ý kiến/khái niệm/tư tưởng/lí thuyết/chủ nghĩa nghe được/học được trong sách vở của người khác/do người khác đưa ra. Đấy cũng đều là do tâm của họ “vẽ” ra cả, không phải là thực và chỉ thể hiện được một phần thế giới khách quan mà thôi.


Tóm lại, Adam Smith, John Locke, John Stuart Mill, Karl Marx, Engels, Lenin, Mises, Hayek… và tất cả các lí thuyết gia khác cũng chỉ là những anh thày bói mù sờ voi. Có những anh thày bói, ví dụ, Hitler hay Mussolini, nói quàng xiên ngay từ đầu. Nhưng cũng có anh sờ trúng được phần nào đó: “Tai voi rất to/Luôn luôn phe phẩy” hoặc “Cái vòi đi trước/Hai chân trước đi trước/Hai chân sau đi sau…”. Đại loại thế. Nhưng, con người là sinh vật không hoàn hảo, con người chỉ là một phần của cuộc đời, một phần của vũ trụ bao la, cho nên không có người nào có thể mô tả đầy đủ được toàn thể con-voi-cuộc-đời/toàn thể con-voi-vũ-trụ. Vì vậy mà, chẳng có lí thuyết nào là hoàn toàn đúng, chẳng có lí thuyết gia nào là toàn trí toàn năng. Cho nên, ví dụ, trong lúc này, ở đất nước này, đang quá thiếu dân chủ thì phải nói về dân chủ tự do; nhà nước đang nắm quá nhiều doanh nghiệp thì phải nói về tư nhân hóa/cổ phần hóa. Sau đây vài chục năm nữa, có thể sẽ phải nói khác, thậm chí nói hoàn toàn ngược lại. Tuyệt đối trung thành với lí thuyết/đảng phái nào đó là ngu, là tự biến mình thành nô lệ của cái cảnh giới do tâm trí kẻ khác vẽ ra.

Nhất thiết duy tâm tạo có nghĩa là khoan dung và còn có nghĩa là tự chủ, không cố chấp vào bất cứ thứ gì, không làm nô lệ cho bất cứ ai.

3. Nhất thiết duy tâm tạo: Con đường tu tập theo Phật pháp

Nếu chúng ta không sống trong thế giới khách quan mà sống trong và hoạt động theo tâm cảnh, tức cảnh giới cho chính mình tạo ra, thì, về nguyên tắc, ta có thể điều phục cái tâm của mình cho nó không còn lăng xăng liên tục tạo ra cảnh giới nữa. Đấy gọi là tu và các thiền sư nói rằng khi tâm không còn tạo ra cảnh giới nữa thì đấy chính là niết bàn.


Có nhiều cách tu. Nhưng chung qui lại vẫn là, như Kinh Kim Cang nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm”, tức là tâm không trụ vào cái gì hết thì sẽ là kì tâm, nôm na là tâm Phật. Muốn thế, cũng theo kinh Kim Cang: “Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào Vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó”. Thiền sư Thích Thanh Từ giảng: “Mỗi một dấy niệm về người thì đó là một chúng sanh thai sanh, một dấy niệm về chim chóc thì đó là chúng sanh noãn sanh, một dấy niệm về con bướm, con ong thì đó là hóa sanh, một dấy niệm về con đom đóm đó là thấp sanh, nghĩ đến hư không đó là chúng sanh vô sắc, dấy niệm về con người có tưởng, đó là chúng sanh có tưởng, dấy niệm buông hết vọng tưởng, buông hết cả những tâm tưởng đó là chúng sanh vô tưởng… dấy niệm là sanh. Tại sao? Bởi vì khi lặng thì không có niệm, mà niệm dấy lên là do duyên với cảnh hoặc người, hoặc vật. Vọng thức bên trong duyên theo bóng dáng của vọng trần, cả hai phối hợp nhau mà sanh nên gọi là chúng sanh. Mỗi một niệm dấy lên như vậy là một chúng sanh. Những chúng sanh do niệm vừa dấy lên đó chúng ta liền độ vào Vô dư Niết-bàn. Làm sao độ? Chúng sanh đó dấy lên, ta biết chúng sanh này giả tức nhiên nó lặng xuống chỗ không sanh và khi nó lặng xuống không còn thấy tăm dạng nên gọi là Vô dư Niết-bàn”.

Tóm lại: Mỗi vọng tưởng dấy lên ta đều nhận ra và đưa nó vào “vô dư niết bàn cho nó được diệt độ”, tức là “quên” ngay vọng tưởng đó. Muốn thế ta phải thường xuyên tỉnh giác để nhận ra vọng tưởng đang dấy trong tâm mình và nắm ngay lấy hơi thở. Hơi thở, như sư ông Thích Nhất Hạnh nói: “Là cầu nối giữa thân và tâm”, nắm ngay lấy hơi thở thì tâm không còn loạn động nữa.

Tu tập: Niêm Nam-Mô-A-Di-Đà-Phật thật chậm rãi, không để bất kì ý nghĩ nào xen nào hay ngồi bán già hoặc kiết già, theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào, nếu thấy khó thì áp dụng biện pháp sổ tức (đếm từ 1 đến 10 rối quay lại từ 10 tới 1) một lúc sau tâm sẽ lặng xuống, đầu óc trong sáng lạ kì, hầu như không còn ý nghĩ nào xuất hiện nữa.

Thực hành trong công việc hàng ngày: Làm việc gì chỉ chú tâm vào việc đó, không làm việc này mà lại để đầu óc nghĩ sang chuyện khác, rửa bát chỉ chú tâm vào rửa bát, quét nhà chỉ quét nhà, tập thể dục thì chú tâm vào động tác mình đang làm..v.v..


Các thiền sư nói rằng tu tập như thế lâu ngày thì sẽ đạt tới cảnh giới là tâm luôn bình lặng như mặt nước hồ thu, đàn chim bay qua thì có bóng đàn chim soi dưới mặt nước hồ, bay qua rồi thôi, không chút vấn vương nào. Đấy là niết bàn. Không rõ có phải thế hay không, và tu tập bao lâu thì đạt cảnh giới đó; nhưng chú tâm vào việc mình làm, niệm Phật hoặc ngồi thiền chắc chắn là có nhiều ảnh hưởng tích cực. Trước hết, khi một niệm tiêu cực như tham lam, bực bội, ghen tị, cáu giận…dấy lên, liền biết là mình đang bực bội, ghen tị… liền chú ý ngay tới hơi thở và chỉ vài giây sau niệm này đã biến mất, lòng thanh thản hơn hẳn. Cả niệm tích cực cũng làm như thế. Đầu óc không còn nghĩ ngợi lung tung. Nghe nói những ý nghĩ vẩn vơ chiếm tới 24-25% năng lượng tiêu hao hàng ngày, bớt nghĩ lung tung còn làm cho đầu óc thanh thản, không còn đau đầu và làm việc rất hiệu quả.

Nói thì dễ, nhưng sống thiền là công việc cự kì khó vì tâm trí ta từ muôn kiếp đã luôn luôn lăng xăng, nhà Phật gọi là “tâm viên ý mã”, tức như con khỉ con ngựa, chạy lung tung suốt ngày. Mà khi làm như thế ta lại không bị bất cứ áp lực nào, kết quả lại không rõ ràng, chỉ ta biết với ta mà thôi.

Nhưng, tôi biết, vi tôi đã thực hành. Lợi lạc là vô cùng to lớn.

HẾT!




1 comment:

  1. Ngay cả thế giới bên ngoài mà ta cho là thực. "Nó" chẳng phải là thực (như ta nghĩ), cũng chẳng phải là không thực (cũng như ta nghĩ). Chỉ là: "nó" là như thế. "Như thị". Thế thôi. Chẳng nghĩ thực hay không làm gì.

    ReplyDelete