October 2, 2012

Shailendra Raj Mehta – Bí mật của Harvard




Phạm Nguyên Trường dịch

Kể từ năm 1865, Ban giám hiệu Harvard (Harvard Board of Overseers) hoàn toàn nằm trong tay các cựu sinh viên của trường – và đó là mô hình quản lí sáng tạo quyết định vị thế hàng đầu của đại học này từ bấy lâu nay.



Không có nước nào nắm được vị trí áp đảo trong bất cứ lĩnh vực nào so với vị thế của Mĩ trong lĩnh vực giáo dục đại học. Thí dụ, theo bảng xếp hạng các trường đại học đứng đầu thế giới của trường đại học Jiao-Tong Thượng Hải, trong số 20 trường đại học hàng đầu thế giới, Mĩ chiếm tới 17 vị trí. Harvard đứng đầu bảng với khỏang cách khá xa những trường còn lại.
Trước đây người ta thưởng giải thích là do Mĩ giàu, đông dân, tài trợ hào phóng cho lĩnh vực nghiên cứu, các tổ chức từ thiện tư nhân có  mặt khắp nơi và khả năng lôi kéo các học giả từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ có thế thôi. Mặc dù Mĩ thường khoe là có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng kinh tế của họ chỉ chiếm một phần tư GDP tòan cầu, dân số cũng chỉ chiếm một phần hai mươi dân số thế giới mà thôi. Còn sự ủng hộ của họ đối với công việc nghiên cứu cũng không phải độc nhất vô nhị.


Hơn nữa, cứ theo cách giải thích như thế thì những nước như Pháp, Đức, Nhật, thậm chí là Trung Quốc hay Ấn Độ cũng phải có những trường đại học đứng đầu bảng xếp hạng. Nhưng các trường của họ chỉ nằm rải rác trong bảng xếp hạng, nếu quả thật có rơi được vào đấy.
Trên thực tế, các nước này không có yếu tố quyết định nhất: mô hình quản lí mang tính sáng tạo của các trường đại học Mĩ.
Harvard được chính quyền lãnh thổ Vịnh Massachusetts (Massachusetts Bay Colony) thành lập vào năm 1636. Giá trị của nó đối với Massachusetts được thể hiện trong hiến pháp bang sau khi giành được độc lập, được thông qua vào năm 1780, trong đó có hẳn phần nói về chức năng và giới hạn của trường đại học này.
Khi những sinh viên cũ của Harvard giữ thế thượng phong trong cơ quan lập pháp bang Massachusetts, trường đại học này đã được ưu đãi và tài trợ. Nhưng trong những năm 1840, cuộc di cư ồ ạt diễn ra cùng với nạn đói ở Ireland đã làm thay đổi cán cân nhân khẩu học ở bang này và tạo điều kiện cho những kẻ mị dân kiểm soát được cơ quan lập pháp bang.
Ngay sau đó, Harvard đã bị người ta tấn công vì chỉ giành cho giới tinh hoa, quá chọn lọc và học phí quá đắt. Ngay chương trình học tập cũng bị nghi ngờ. Trong hai thập kỉ sau đó, họat động của nhà trường đã bị chính quyền bang cản trở bằng cách không chịu giải ngân và gây khó khăn trong việc bổ nhiệm các giáo sư. Đỉnh điểm là vào năm 1862, đấy là khi cơ quan lập pháp bang ngăn chặn việc bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường.
Đáp lại, Harvard đòi đưa họ “ra ngòai những tranh chấp và thay đổi chính trị thông thường” và đưa vào “tay những cựu sinh viên, tức là những người quan tâm nhất tới công tác giáo dục”. Ngày 29 tháng 4 năm 1865, đề nghị cấp tiến này - được những cựu sinh viên Harvard có đóng góp xuất sắc cho Hợp chủng quốc trong thời nội chiến ủng hội - được đưa ra thảo luận tại cơ quan lập pháp tiểu bang Massachusetts. Từ đó trở đi, Ban giám hiệu Harvard (Harvard’s Board of Overseers) hòan tòan nằm trong tay các cựu sinh viên của trường.
Được thắng lợi của Harvard cổ vũ, các trường khác – bắt đầu là đại học Yale (Yale University) và College of William và Mary – cũng có hành động tương tự. “Phương pháp Mĩ chính cống này”, như ông Charles William Eliot, người giữ chức hiệu trưởng lâu nhất tại Harvard gọi như thế, đã trở thành tiêu chuẩn không chỉ cho các đại học tư thục mà còn cho các các đại học công lập như đại học Michigan (University of Michigan) và đại học Purdue (Purdue University), thậm chí là đại học tôn giáo như đại học Notre Dame (University of Notre Dame) và đại học Duke (Duke University) nữa.
Hiện nay 19 trong số 20 trường đại học hàng đầu của Mĩ, theo bảng xếp hạng của tờ US News and World Report, nằm dưới quyền kiểm sóat của các cựu sinh viên (được định nghĩa là khi có từ 50% trở lên các cựu sinh viên nằm trong ban giám hiệu). Ngọai lệ duy nhất là trường đại học công nghệ California (California Institute of Technology), nơi chỉ có 40% cựu sinh viên nằm trong ban giám hiệu mà thôi. Trong nhóm năm trường đứng đầu thì ba trường (Harvard, Yale và Columbia) hòan tòan do các cựu sinh viên lãnh đạo, hai trường còn lại (Princeton và Stanford) có tới 90% cựu sinh viên nằm trong ban lãnh đạo. Các cựu sinh viên còn nắm hầu hết các vị trí lãnh đạo tại các trường công lập như Purdue (90%) và Michigan (63%). Trung bình, các cựu sinh viên chiếm tới 63% thành viên ban lãnh đạo của 100 đại học hàng đầu của Mĩ, cả công lập lẫn tư thục.
Nói chung, tỉ lệ cựu sinh viên trong ban giám hiệu càng nhiều thì trường càng giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng, mức độ chọn lọc càng cao và sự ủng hộ cũng càng lớn. Nói cho cùng, không có nhóm người nào quan tâm tới uy tín của trường bằng các cựu sinh viên, những người sẽ được tôn trọng khi vị trí trường cũ của họ trong bảng xếp hạng được nâng lên và ngược lại.
Thực vậy, các cựu sinh viên là những người hăng hái nhất trong việc ủng hộ về mặt vật chất và quản lí trường một cách hiệu quả. Với kiến thức sâu sắc về ngôi trường mình đã học, các cựu sinh viên còn là những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất. Thông qua mạng lưới của các cựu sinh viên, thành viên ban giám hiệu có thể thu được thông tin một cách nhanh chóng và hành động ngay lập tức.
Những trường đại học lớn là những tổ chức phi lợi nhận, được xây dựng lên nhằm thực thi việc giáo dục đại học vì lợi ích của tòan xã hội. Nhưng các trường đại học Mĩ lại tìm được cách liên kết lợi ích của cạnh tranh vào khái niệm phi lợi nhuận của châu Âu. Không có lợi nhuận không thui chột tinh thần cạnh tranh giành uy tín của các ban giám hiệu do các cựu sinh viên chiếm đa số, thí dụ thông qua việc thuê những giáo sư có tài, nhận những sinh viên có năng khiếu và thành công trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao.
Sử dụng các cựu sinh viên chính là cách đưa lợi ích của cạnh tranh vào những định chế phi lợi nhuận là thí dụ của cách thích nghi điển hình của Mĩ. Những nước muốn cạch tranh với các trường đại học Mĩ cần phải nhớ điều đó.
Đã đăng trên tiasang.org.vn

Shailendra Raj Mehta là giáo sư thỉnh giảng của trường đại học quản trị Ahmedabad và là giám đốc kho học của Duke Corporate Education thuộc đại học Duke (Duke University).


No comments:

Post a Comment