Phạm Thị Hoài dịch
Cách đây vài ngày, một số kẻ ngu xuẩn chết
tiệt vừa ra một bản án mười bảy năm tù cải tạo cho một thanh niên mười bảy
tuổi, vì chàng trai này đã công khai và thành thực tuyên bố: “Tôi không thừa
nhận Chính quyền Xô-viết”.
Tôi không nói tới việc có hàng triệu người
đang sống tại Nga không thừa nhận quyền lực của các vị dân ủy và vì thế không
tài nào mà giết hết được; song tôi thấy cần phải nhắc để những thẩm phán khắc
nghiệt nhưng thiếu lí trí kia nhớ đến một điều: chàng thanh niên bị họ tròng
vào cổ bản án tàn nhẫn và phi lí đó từ đâu mà ra.
Chàng trai đó là máu thịt của chính những con
người cương trực và can trường suốt mấy chục năm trời trong một môi trường đầy
phản trắc, mật thám và cảnh sát vây bủa đã bền bỉ góp phần phá tan cái nhà tù
nghẹt thở của chế độ quân chủ Sa hoàng, bằng cách đặt cược cả tự do và tính
mạng mình để truyền bá những ý tưởng về tự do, luật pháp và chủ nghĩa xã hội
trong quần chúng công nông thất học. Chàng trai đó là hậu duệ tinh thần của
những con người nếu bị bắt và rục xương trong tù thì đầy khinh bỉ cự tuyệt kẻ
thù đang đắc thắng và không thèm nghe cảnh sát hỏi cung.
Chàng trai đó được nuôi dưỡng bằng tấm gương
vĩ đại của những người Nga kiệt xuất nhất, những người đã bỏ xác ở chốn lưu
đày, trong các nhà tù và trại cải tạo, hàng trăm và hàng nghìn người, và xương
cốt của họ là nền móng cho chúng ta hôm nay dựng xây một nước Nga mới.
Chàng trai đó là một tâm hồn lãng mạn, một con
người sống vì lí tưởng, ghê tởm tột độ nền “chính trị thực tế” của bạo lực và
lừa gạt, nền chính trị của những kẻ cuồng tín giáo điều. Mà chính những kẻ này
cũng phải thừa nhận rằng xung quanh họ rặt một lũ lang băm và lừa đảo.
Trong những điều kiện
bỉ ổi của cuộc sống ở Nga, phải bỏ ra một công sức phi thường và mất gần một
thế kỉ nỗ lực mới có thể nuôi dưỡng nên một thanh niên tử tế và dũng cảm. Vậy
mà bây giờ, những kẻ đang thụ hưởng thành quả của công sức ấy lại không hiểu ra
rằng một kẻ thù ngay thẳng tốt hơn một người bạn lèo lá, và họ kết án chàng
thanh niên đó, vì anh, theo lẽ đương nhiên, không chịu thừa nhận một chính thể
đàn áp tự do. Có một truyện ngụ ngôn rất thông minh về một con lợn và một cây
sồi cổ thụ[1] – hi vọng những thẩm
phán thông thái kia có dịp đọc. Họ rất nên rút ra bài học từ đó.
Nguồn: Новая Жизнь (Đời sống mới)
số 82 (297) ngày 3-5-1918. Dịch từ bản tiếng Đức: Maxim Gorkij: Unzeitgemäße
Gedanken über Kultur und Revolution. Suhrkamp 1974. Tr. 180-181. Nhan đề do
người dịch đặt.
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra
[1] Đó là ngụ ngôn “Con lợn
và cây sồi” của nhà văn Nga Ivan Krylov (1769-1844): Một con lợn chén kễnh bụng
những quả sồi non, lăn ra ngủ dưới gốc sồi râm mát rồi duỗi cẳng bới tứ tung,
bật cả rễ sồi.
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete