Clarence B. Carson
Chủ nghĩa cá nhân đối đầu với chủ nghĩa cộng
sản
Phạm Nguyên Trường dịch
Hiện nay người ta dễ dàng đồng ý
rằng chủ nghĩa cá nhân ở Mĩ đã gặp chuyện gì đó chẳng lành. Mọi người đều nói
rằng thái độ phục tùng đã trở thành đức hạnh cao nhất và cá nhân bị hi sinh cho
tập thể. Từ sau Thế chiến II đã có một đống sách vở trình bày chi tiết luận đề
nay. William H. Whyte, trong tác phẩm The Organization Man[1], khẳng định rằng ngay cả người phát ngôn quyền lực
nhất của chủ nghĩa cá nhân cũng sử dụng ngôn từ của chủ nghĩa tập thể nhằm
“ngăn chặn ý nghĩ cho rằng chính anh ta cũng ở trong cái tập thể đang lan tràn
khắp nơi mà những nhà cải cách, các nhà trí thức từng mơ ước và những quan niệm
không tưởng mà anh ta từng cảnh báo”. David Riesman và các cộng sự, trong tác phẩm The Lonely Crowd, kể lại chi tiết quá trình đánh mất tính tự
chủ của người Mĩ và cho rằng đấy là do sự thay đổi trong tính cách của người
Mĩ, từ “hướng nội” sang “hướng về người khác”. Erich Kahler, trong tác
phẩm gần đây, tuyên bố: “Hiện nay chúng ta đang chứng kiến và dấn sâu vào quá
trình chuyển hóa con người vô cùng to lớn. Quá trình chuyển hóa này dường như
có xu hướng tạo ra con người vượt ra ngòai cá nhân. Tuy nhiên, dễ nhận thấy những
quá trình khác nhau của sự đổ vỡ hay mất giá của con người cá nhân”[2].
Có rất nhiều sách báo chỉ ra sự
tồn tại và phân tích thái độ phục tùng rồi. Có tất cả các cung bậc, từ tiểu
thuyết tới chuyên luận dành cho đại chúng, từ nghiên cứu tâm lí học tới những
tác phẩm chuyên khảo về xã hội học, từ Người
mặc áo vét xám (The Man in the Gray Flannel Suit) tới Những người sống trong khu biệt thự ngọai ô (The Exurbanites) tới Người
thuyết phục dấu mặt (The Hidden Persuaders) tới Dân tộc của bầy cừu (A Nation of Sheep). Các bản báo cáo nói rằng sinh viên là những
người thụ động, rằng thanh niên tìm những vị trí an tòan trong các công ty lớn,
rằng người mua tìm nhà trong những khu ngọai ô với những dãy nhà giống hệt
nhau, rằng người ta thích được xã hội giúp đỡ hơn là di cư để tìm công việc
mới.
Bất kì người quan sát nhạy cảm
nào cũng thấy quần chúng ở Mĩ dễ bị
lôi kéo, thao túng đến mức nào. Hàng chục năm nay người Mĩ có xu hướng bị lôi
cuốn vào những sự cuồng lọan của đám đông, từ trò chơi MahJong tới lắc vòng (hula hoops),
từ sung bái những người hùng như Charles A. Lindbergh tới Elvis Presley, những
bài hát và ngôi sao ca nhạc rẻ tiền và đủ lọai mode sớm nở tối tàn khác. Trong
hai mươi năm gần đây, bộ máy tuyên truyền quốc gia rõ rang là có thể làm cho
chúng ta căm thù người Đức và người Ý, khinh người Nga, yêu người Phần Lan,
kinh tởm người Nhật, ôm chặt người Nga, coi thường người Phần Lan, hâm mộ người
Đức, người Ý, người Nhật và nghi ngờ người Nga…
Như tôi đã nói, nhiều người đồng
ý là ở Mĩ, chủ nghĩa cá nhân đã suy giảm một cách nhanh chóng. Nhưng sự đồng
thuận cũng chấm dứt ngay ở đây. Lí giải hiện tượng này cũng nhiều như số sách
báo viết về nó vậy. Một số người đưa ra giải thích được nhiều người công nhận,
thí dụ như công nghiệp hóa, đô thị hóa, không còn khu vực ngọai biên, và gia
tăng dân số. Một số khác thì nói rằng đấy là do sự phát triển của quảng cáo,
của tuyên truyền, của các phương tiện thông tin đại chúng, phương pháp giáo dục
tiên tiến, sự phát triển của các tập đòan, của chủ nghĩa công đòan, của quyền
phổ thong đầu phiếu, hay tình hình quốc tế căng thẳng. Chúng ta thường tỏ ra
quá thận trọng và chấp nhận ngay những chuyện khó tin. Những hiện tượng bên
trên chắc chắn là có ảnh hưởng tới thực tiễn của chủ nghĩa cá nhân ở Mĩ. Nhưng
dù có xem xét chúng một cách tách biệt hay phối hợp thì chúng cũng chỉ là triệu
chứng chứ không phải là nguyên nhân đủ sức gây ra hiện tượng đó. Chúng là phương tiện làm lật nhào chủ nghĩa cá
nhân chứ không phải mục đích mà thay
đổi gây ra.
Thuật ngữ làm người ra rối trí
Nguyên nhân chính làm chúng ta không
nhận ra được nguồn gốc của sự quay lưng lại với chủ nghĩa cá nhân ở Mĩ là do
chúng được xác định không dưới dạng chủ nghĩa cá nhân. Nhiều người tìm cách phá
họai cơ ngơi của chủ nghĩa cá nhân và thiết lập những cách hành xử phi cá nhân
chủ nghĩa lại làm điều đó dưới danh nghĩa người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa.
Họ có thể làm được chuyện đó một phần là vì họ là những người quảng bá và có
thể họat động trong bối cảnh của chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa phi lí và chủ
nghĩa lãng mạn đã bị rút hết ruột. Họ có thể sử dụng ngôn ngữ tù mù và không
thấy cần phải xác định rõ ràng mục đích của mình. Kết quả là họ có thể đánh bật
được hầu hết khuôn khổ của chủ nghĩa cá nhân mà chỉ gặp sự chống trả không đáng
kể của những người bảo vệ nó.
Nhiệm vụ tôi đặt ra ở đây là xác
định cả chủ nghĩa cá nhân lẫn những điều làm suy yếu nó. Đấy chỉ là bước đầu
trên con đường tìm hiểu những diễn biến đã từng xảy ra với chủ nghĩa cá nhân
trong lịch sử, nhưng là bước đi cần thiết. Sự diễn giải được rút ra từ sự phát
triển trong suốt chiều dài của lịch sử những tư tưởng này ở nước Mĩ.
Cá nhân như là đơn vị cơ bản
Chủ nghĩa cá nhân là tư tưởng
hoặc là tập hợp những tín điều về vai trò quan trọng tối thượng và chung cuộc
của cá nhân con người. Nghĩa là đấy là niềm tin cho rằng cá nhân là đơn vị quan
trọng nhất, từ đó mới sinh ra tất cả những đơn vị khác, dù đấy có là những
nhóm, những tập thể, những xã hội, nhà nước hay nền văn minh thì cũng thế.
Những người theo trường phái cá nhân chủ nghĩa thường cho rằng vì những nhóm
này đều là tập hợp của những cá nhân cho nên chúng tồn tại vì cá nhân con
người. Cá nhân là đơn vị chung cuộc theo nghĩa là những tập hợp này tồn tại là
để đáp ứng những khát vọng của cá nhân. Theo thần học, cá nhân là đơn vị cơ
bản, chính nó sẽ sống đời đời chứ không phải bất kì nhóm nào khác. Nhưng đơn vị
chung cuộc có thể là cụm từ phù hợp hơn bởi vì có cả những người cá nhân chủ
nghĩa theo phái nhân đạo hướng đến đời sống thế tục lẫn những người tin vào
cuộc đời bên kia thế giới này.
Tư tưởng hiện đại (hậu-Trung cổ)
về chủ nghĩa cá nhân tập trung sự chú ý vào tính độc nhất của cá nhân. Nguyên
lí quan trọng nhất của chủ nghĩa cá nhân là sự khác biệt, tính độc nhất của cá
nhân này so với cá nhân kia, và đấy chính là giá trị thật sự của từng cá nhân.
Tài năng, nhu cầu, quyền lợi, mục tiêu, tài sản đặc biệt của từng người là cái
làm cho người đó khác biệt với những người khác và làm cho anh ta trở thành có
giá trị đến như thế. Tất cả những gì chung với những người khác chỉ có thể giúp
làm cho anh ta lẫn vào đám đông vô bản sắc mà thôi. Con người riêng biệt của
anh ta, khả năng sáng tạo của anh ta, cuộc sống đầy ý nghĩa của anh ta, tất cả
những điều đó đều có nguồn gốc và xuất phát từ sự độc đáo của anh ta.
Không gian cho sự phát triển
Không gian cho sự phát triển tính
độc đáo của cá nhân là yêu cầu xã hội quan trọng nhất của chủ nghĩa cá nhân.
Nhiều tư tưởng liên quan đến chủ nghĩa cá nhân có xuất xứ từ nhu cầu này. Ví
dụ, tự do là điều kiện thiết yếu (sine
qua non) của chủ nghĩa cá nhân,
cũng như cưỡng bức là kẻ thù không đội trời chung của nó. Cá nhân phải được tự
do quyết định mục đích của mình, tự do tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình, tự
do kết hợp hoặc không kết hợp với những người khác trong khi theo đuổi mục tiêu
của mình.
Điều đó không có nghĩa là người
ta phải lát đường cho anh ta đi hay anh ta sẽ được thỏa mãn nếu những người
khác quan tâm giúp đỡ anh ta. Đúng hơn, cá nhân cần xã hội; trong xã hội đó,
anh ta phải tự mình lo liệu cho nhu cầu của mình, tự do theo đuổi những mục
tiêu của mình, có cơ hội được tưởng thưởng khi thể hiện tiềm năng của mình, các
mối quan hệ trong đó đều tự nguyện và vũ lực được giữ ở mức tối thiểu. Đấy là
quyền tự do mà những người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa thế kỉ XIX nghĩ là
thích hợp cho sự phát triển của họ.
Trách nhiệm tương ứng
Quyền tự do như thế sẽ làm cho xã
hội trở thành khó khăn nếu không có sự phát triển tương ứng trách nhiệm của cá nhân. Chủ nghĩa cá
nhân là lí thuyết xã hội và nhiều người biện hộ cho nó cho
rằng trách nhiệm cá nhân là yêu cầu chủ yếu cho việc thực thi nó trong xã hội.
Sẽ hợp lí, nếu cá nhân được tự do phát triển khả năng của mình thì anh ta cũng
phải có trách nhiệm trước những hậu quả của sự phát triển đó và phải chịu trách
nhiệm về họat động của mình.
Hệ quả tất yếu khác là quyền tự
do của cá nhân chấm dứt nơi quyền tự do của cá nhân khác bắt đầu. Khi nguyên
tắc này được áp dụng cho quyền sở hữu thì nó có nghĩa là luật bảo vệ tài sản
của một người khỏi sự xâm phạm của người khác cũng ngăn chặn, không cho anh ta
xâm phạm tài sản của người khác. Nói một cách lí tưởng, sẽ là tốt hơn nếu cá
nhân có nhận thức vững chắc về trách nhiệm trước những hành động của mình.
Nhưng nếu cá nhân không làm được như thế, đã có thời người ta cho rằng xã hội
phải thực hiện chức năng có ích, đấy là buộc cá nhân phải chịu trách nhiệm khi
anh ta vi phạm quyền của những cá nhân khác. Trừng phạt một người vì xâm phạm
vào lĩnh vực của người khác vẫn thuộc về chủ nghĩa cá nhân. Nhưng mặt khác,
lọai bỏ cơ hội cho sự xâm phạm như thế không còn thuộc về chủ nghĩa cá nhân
nữa, đấy dường như là kết quả của sự hạn chế tự do.
Tự do lựa chọn
Chủ nghĩa cá nhân, tự do, trách
nhiệm là những tiền đề nền tảng triết lí của niềm tin vào quyền tự do ý chí, và niềm tin vào tự do lựa chọn là việc làm khả
thi. Buộc cá nhân phải chịu trách nhiệm cho hành
vi mà anh ta không khởi sự là sai. Nói theo lối tích
cực thì đấy là tiền đề cho rằng người khởi xướng hành động phải chịu trách
nhiệm trước những hậu quả của nó. Sự kiên định mang tính logic đòi hỏi rằng nếu
một người phải chịu trách nhiệm vì một hành động nào đó thì anh ta phải khởi sự
hành động đó bằng cách hoặc là lựa chọn, không lựa chọn do lơ là hoặc ít nhất
là trong trường hợp đó lựa chọn là khả thi. Một khi đã công nhận quy luật tất yếu hay thuyết định mệnh thì nền
tảng của trách nhiệm cá nhân đã không còn và đối trọng của tự do (tức là trách
nhiệm – ND) đã bị phá hủy.
Niềm tin vào chủ nghĩa cá nhân,
tức là tư tưởng phát triển trong thế kỉ XIX, được xây dựng trên nền tảng cho
rằng lựa chọn đóng vai trò trong qúa trình phát triển của con người thì không
được rõ ràng như thế. Theo cách giải thích này, tính độc đáo của cá nhân là kết
quả của những lựa chọn anh ta làm mỗi ngày, chính những lựa chọn đó dẫn tới
hoặc là sự thể hiện của con người cá nhân hay sự thất bại của anh ta. Vì vậy mà
điều kiện chung cuộc hay điều kiện căn bản cho sự hình thành cá nhân phụ thuộc
vào những lựa chọn của anh ta.
Một khi lựa chọn tự do không còn
là tác nhân đầu tiên để người ta đánh giá vị trí hay hành động của một người
thì sẽ khó bảo vệ được quyền tự do trên thực tế. Nếu, thí dụ, lựa chọn không
còn đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo ra sự bất bình đẳng giữa người với
người thì khó hóa giải những bất bình đẳng đó với ý thức về sự công bằng của
chúng ta. Những người được nhận ít không phải họ thất bại mà do sự sắp đặt từ
trước. Ngòai ra, nếu người ta phải hành động do quy luật tất yếu thì tự do
không còn có ý nghĩa tối thượng nữa; nó chỉ còn có vai trò chủ yếu là giữ một
phần dân chúng bên ngòai nhà tù mà thôi, vì người ta không thể hành động khác
với những hành động mà họ đang làm. Đấy là tự do do xã hội cho phép, có khả
năng là nó dựa trên tính tóan về ước muốn của con người và khả năng thực tế của
việc ngăn cản một số người trong số họ, không cho những người này cơ hội thực
hiện ước mơ của mình. Nói ngắn, tự do rút lại chỉ còn là cho phép làm điều có
thể làm.
Tóm lại, những nguyên lí cơ bản
của chủ nghĩa cá nhân là: tin vào giá trị tối
thượng và chung cuộc của cá nhân
con người, nhấn mạnh tính duy nhất trong mỗi con người, khẳng định quyền tự do
cho sự thể hiện của mỗi cá nhân, trách nhiệm cá nhân và tự do ý chí. Những
nguyên lí đó tạo thành nền tảng của những tư tưởng thiết yếu của chủ nghĩa cá
nhân. Trong thời hiện đại, chúng được những tư tưởng khác nhau như chủ nghĩa
duy danh, chủ nghĩa duy lí, ý chí luận và chủ nghĩa lí tưởng ủng hộ. Trong xã
hội Mĩ (và một số nước châu Âu), những tư tưởng đi kèm với chủ nghĩa cá nhân đã
được khớp nối với những định chế và thực tiễn như chính phủ hiến định, còn Luật
nhân quyền (Bill of Rights) thì thiết lập khu vực tư bằng cách hạn chế những
hành động của chính phủ, quyền sở hữu tư nhân, bãi bỏ những qui định của xã hội
về quyền thừa kế (bãi bỏ quyền trưởng nam và theo thứ tự), thương mại tự do, tự
do tham gia tôn giáo, tự do lựa chọn bạn đời, hiệp hội tư nhân hoặc hiệp hội tự
nguyện để làm công việc từ thiện..v.v…
Trong vòng 70 đến 80 năm qua, chủ
nghĩa cá nhân đã và đang đánh mất dần ảnh hưởng đối với người Mĩ – lúc nhanh
lúc chậm khác nhau. Sự mất mát này được thể hiện một cách đơn giản như là nhu
cầu thành lập ủy ban, thiết lập các qũy hay định chế, công ty, tổ chức câu lạc
bộ hay phong trào - khi khởi động bất kì công việc gì, không phụ thuộc vào tính
chất và sự phức tạp của nó. Nó biểu hiện rõ trong việc giao cho chính phủ quá
nhiều trách nhiệm và sự gia tăng đáng kể các luật lệ và qui định nhằm quản lí
đời sống của chúng ta. Nó còn thể hiện trong việc cắt xén quyền kiểm soát của
cá nhân đối với công việc của anh ta (người sử dụng lạo động buộc nhân viên
phải đóng bảo hiểm y tế, còn chính phủ thì buộc phải đóng bảo hiểm xã hội),
trong việc cha mẹ mất trách nhiệm và kiểm soát con cái, trong việc tuyên truyền
và kiểm tra tín ngưỡng của chính phủ.
Con người và tư tưởng
Đương nhiên là hòan cảnh có tạo
điều kiện cho người ta xa lánh chủ nghĩa cá nhân, nhưng hòan cảnh không thể quyết
định phương hướng hay dẫn chúng ta đi theo hướng mà chúng tự đặt ra cho mình.
Đấy là vai trò của con người và tư tưởng, hay của những người chịu ảnh hưởng
của tư tưởng. Đấy là xu hướng xác định và được hình thành trên cơ sở của những
tư tưởng hòan tòan xác định. Chúng ta khó nhận ra chúng vì những người ủng hộ
cho những thay đổi này dùng những cái tên khác nhau, và những phương tiện mà họ
đề xuất nhằm tiến đến mục đích chung cũng khác nhau. Những người này đã và đang
triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân và cấy một đặc tính khác vào nước Mĩ. Sau đây là
những từ thường được sử dụng theo nghĩa trái ngược với chủ nghĩa cá nhân: chủ
nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và tôi ngờ rằng cả từ chế
độ dân chủ nữa, mặc dù việc đưa từ này vào sẽ bị nhiều người phản đối một cách
dữ dội. Lester Frank Ward đề xuất từ chính quyền xã hội (sociocracy) nhưng
không được nhiều người chấp nhận. Những từ thường được sử dụng hoặc là quá mù
mờ, quá chuyên môn hay mang nặng cảm tính. Tôi muốn sử dụng một từ đã được
nhiều người chấp nhận nhằm mô tả đặc tính được dùng thay cho chủ nghĩa cá nhân.
Đấy là từ cộng đồng chủ nghĩa (communism).
Cộng đồng chủ nghĩa (communism)
chỉ khác từ cộng sản chủ nghĩa (communism) có một chữ, tuy nhiên nó khá thích
hợp đối với mục đích mô tả của chúng ta. Nó hàm ý mục đích hay mục tiêu của đặc
tính này, trái ngược hẳn với chủ nghĩa cá nhân và thể hiện được những phương
tiện nhắm tới mục đích này. Chủ nghĩa cộng đồng tập trung chú ý vào nhu cầu
chung, quyền lợi chung và mục tiêu chung của nhân lọai, chứ không chú ý vào
những khác biệt giữa người nọ và người kia. Thí dụ, tất cả mọi người đều có
chung một số ham muốn như thức ăn, sự ấm áp và được người ta chú ý. Những người
theo phái cộng đồng muốn tổ chức xã hội để có thể cung cấp tất cả những thứ đó
cho mọi người một cách hiệu quả.
Chủ nghĩa cộng đồng là niềm tin
rằng cá nhân tìm thấy tính cách của mình từ sự tương đồng, tìm thấy lẽ sống của
mình từ trong xã hội. Chủ nghĩa cộng đồng ngấm ngầm, nhưng đôi khi công khai,
là quan niệm cho rằng cá nhân sống vì xã hội. Người theo chủ nghĩa cộng đồng
cảm thấy thỏai mái với những thuật ngữ và mạnh đề như lòai người, phúc lợi chung,
nhân lọai, nhân dân, lợi ích chung
và tình huynh đệ giữa người với người,
anh ta có xu hướng giải thích tất cả những thuật ngữ này theo kiểu các nhu cầu
và ước muốn được mọi người chia sẻ. Đối với người theo phái cộng đồng thì nhóm,
tập thể, nhà nước, xã hội và nhân lọai sẽ tồn tại mãi, trong khi cá nhân chấm
dứt cùng với cái chết. Cá nhân chỉ có ý nghĩa khi là thành viên của tập thể mà
thôi. Những quyền và đặc quyền mà anh ta có là từ tập thể và chỉ tồn tại khi
anh ta còn thành viên của tập thể. Người theo chủ nghĩa cộng đồng đương đại
thường không công nhận bất cứ thứ gì bên ngòai tập thể - nhân lọai, lòai người,
thịnh vượng chung – mà anh ta hướng tới. Khi nhân dân nói thì đấy chính là
tiếng nói cuối cùng.
Người theo phái cộng đồng có thể
không phải là người tin hòan tòan vào thuyết định mệnh, mặc dù anh ta thường là
người như thế, nhưng anh ta thường coi di truyền và môi trường có vai trò ưu
trội trong việc giải thích hành vi và sự khác biệt giữa người với người. Thuật
ngữ mà anh ta dùng để định danh quan điểm của mình có thể khác nhau – thuyết
định mệnh về kinh tế, môi trường luận, định mệnh về tâm lí – nhưng tin rằng
không cần tính đến lựa chọn trong việc giải thích hành vi của con người là điều
không hề xa lạ với anh ta. Anh ta công nhận trách nhiệm chung cho tất cả những
việc xảy ra và tuyên bố rằng mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm cho tất cả
mọi người chúng ta.
Hai điểm nhìn tham chiếu
Chủ nghĩa cá nhân đối đầu với chủ
nghĩa cộng đồng – có thể xem xét những thay đổi và xung đột trong lịch sử gần
đây của nước Mĩ giữa thái hai cực mà hai thuật ngữ này đại diện. Hai thuật ngữ
này có thể không bao trùm tất cả những sự kiện đã xảy ra, nhưng chúng bao trùm
lên nhiều sự kiện đủ để thấy rõ sự phát triển trong những năm gần đây. Nó thể
hiện những xung đột trong quốc hội, trong những quyết định đầy khó khăn của
tổng thống, trong việc đưa xu hướng hành động của tòa án vào bối cảnh. Sẽ không
quá khi nói rằng những cuộc tranh cãi chủ yếu của các cơ quan lập pháp và luật
pháp trong suốt 70 năm qua – tranh cãi về luật chống độc quyền, thành lập cơ
quan thi hành luật pháp, luật chống gián điệp và bạo lọan, động viên cho chiến
tranh, phương tiện chống suy thóai, quy định về lao động có tổ chức – là những
biểu hiện của cuộc xung đột giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng.
Cuộc chiến giữa những người cải
cách và những người bảo thủ cũng có thể được xem xét dưới anh sáng của cuộc
xung đột này. Những người cải cách muốn định chế hóa chủ nghĩa cộng đồng, còn
những người bảo thủ thì thường bảo vệ những định chế mang tính cá nhân chủ
nghĩa trước đây – dù nhà cải cách có là Theodore Roosevelt hay nhân vật bảo thủ
là Robert A. Taft thì cũng thế. Dĩ nhiên là vấn đề không phải lúc nào cũng thật
sự rõ ràng, phương án thay thế không phải lúc nào cũng được nói tọac ra, nhưng
thường thì đấy chỉ là lựa chọn giữa những phương tiện nhằm đạt đến cùng một mục
tiêu mà thôi.
Sự lan tỏa của chủ nghĩa công đòan,
sự phát triển của các tập đòan và công ty, sự tập quyền hóa quyền lực ở
Washington, bộ máy hành chính có mặt khắp nơi, việc gia tăng những chương trình
phúc lợi, quan niệm cho rằng xã hội phải chịu trách nhiệm về mọi thứ, từ giáo
dục cho tới nhà ở, chiến thắng của “học thuyết nguy hiểm rõ ràng và hiện tại”
của các tòa án, giao cho cảnh sát quyền hạn chế một số quyền tự do và dễ dàng
luật hóa những họat động được cho là nhắm đến phúc lợi chung của chính phủ là
chỉ dấu của thắng lợi của chủ nghĩa cộng đồng. Những người theo thuyết cá nhân
chủ nghĩa thực hiện những hành động khi tinh thần tự nguyện được bảo tòan, khi
tự do cá nhân được giữ lại, khi quyền sở hữu tư nhân được bảo tồn (mặc dù cuộc
tấn công chống lại quyền sở hữu tư nhân không trực tiếp bằng cuộc tấn công vào
quyền tự do cá nhân), khi hành động của chính phủ bị ngăn chặn, khi họ duy trì
được trách nhiệm và chức năng cho cá nhân.
Bước ngoặt
Trong nửa sau thế kỉ XIX, chủ
nghĩa cộng đồng bắt đầu có hình thù trong tư duy và trước tác của một số học giả
Mĩ. Có thể tìm thấy tư tưởng chủ đạo của nó trong tác phẩm xuất bản năm 1893
của nhà xã hội học tên Lester Frank Ward:
“Cá nhân đã trị vì quá lâu rồi. Đã đến lúc xã hội phải nắm lấy
công việc của mình và định hình số phận của mình. Con người cá nhân đã hành
động tốt nhất theo khả năng của anh ta. Anh ta chỉ có thể hành động theo cách
của mình. Với ý thức, ý chí và trí tuệ của mình, anh ra không thể làm gì khác
hơn là theo đuổi những mục đích tự nhiên của mình. Không thể tố cáo anh ta hay
gọi bằng cái tên nào khác. Không thể phê phán anh ta. Cũng không thể ca ngợi
hay bắt chước anh ta. Xã hội nên học học bài học lớn của mình từ anh ta, nên đi
theo con đường mà anh ta đã làm để dẫn tới thành công. Xã hội nên coi mình như
một cá nhân, với tất cả những quyền lợi của một cá nhân; và khi nhận thức rõ những quyền lợi đó, nó phải
theo đuổi quyền lợi với ý chí không gì lay chuyển được như thể cá nhân theo
đuổi quyền lợi của mình. Không chỉ có thế, xã hội phải được hướng dẫn, như cá
nhân được hướng dẫn, bởi trí thức xã hội,
được trang bị bằng tất cả kiến thức do tất cả các cá nhân tập hợp lại, với sức
lao động, lòng nhiệt tình và tài năng, tức là tất trí thông minh mà xã hội có”[3].
Henry George, Richard Ely, Henry Demarest Lloyd, Edward Bellamy,
Daniel De Leon, Eugene Debs, Thorstein Veblen, Jack London và nhiều người khác
phải được đưa vào danh sách những người khởi xướng và truyền bá chủ nghĩa cộng
đồng. Nó lại được những người xã hội, cộng sản, các nhà báo của những tạp chí
bình dân, những người thuyết giảng Phúc âm xã hội, những người dân tộc chủ
nghĩa, những nhà giáo dục và những người cấp tiến đủ mọi lọai quảng bá nữa. Nó
được phong trào “lương tâm xã hội” khuyến khích và những người tự coi là người
tự do tạo thành những định chế.
Dĩ nhiên là trong đa số trường
hợp những người theo phái cá nhân chủ nghĩa là nguyên nhân của xung đột rồi.
Đầu thế kỉ XX họ là những người nắm được quyền lực và có ảnh hưởng. Họ đã có
thể tố cáo, phỉnh phờ, chế nhạo và còn có thể ngược đãi những người đề xướng
chủ nghĩa cộng đồng nữa. Thậm chí như thế, ngọn triều vẫn quay sang hướng khác;
nhiều người sử dụng ngôn ngữ của chủ nghĩa tự do nhưng lại tham gia vào việc
bảo vệ các tập đòan, khuyến khích những dự án mang tính đế quốc chủ nghĩa, để
vệ binh quốc gia giải tán các công đòan và yêu cầu chính phủ giải quyết các vấn
đề phát sinh. Những đòn trí mạng của các cuộc chiến tranh và suy thóai trong
thế kỉ XX đã làm nhiều người không nhận ra được bản chất của những vụ xung đột
về tư tưởng và những người theo phái cộng đồng đã có sẵn những chương trình của
họ rồi.
Chúng ta còn đang trong giai đọan
chuyển tiếp ồ ạt từ chủ nghĩa cá nhân sang chủ nghĩa cộng đồng – đấy là nói về
những định chế và thực tiễn. Nhưng sự thay đổi to lớn cho nó trong lĩnh vực tư
tưởng và niềm tin thì đã diễn ra rồi – nói về quần chúng thì điều này đã xảy ra
trong ba bốn thập kỉ đầu của thế kỉ này. Những tư tưởng của chủ nghĩa cộng đồng
đã trở thành sở hữu chung của người Mĩ vì chúng đã thấm vào văn học, ngôn ngữ,
bài thuyết giáo, bài giảng và tư tưởng của người tạo ra dư luận rồi.
Dr. Carson là giáo sư lịch sữ Mĩ tại Grove
City College, Pennsylvania.
[1] William H. Whyte, Jr., The
Organization Man (Garden City, N. Y.: George Braziller, 1957), p. 6.
[2] Erich
Kahler, The Tower and the Abyss (New York: George Braziller, 1957), p.
xiii.
[3] Lester F. Ward, "Sociocracy," American Thought:
Civil War to World War I, intro. by Perry Miller (New York: Holt, Rinehart
& Winston, Inc., 1957), pp. 11314
No comments:
Post a Comment