April 6, 2011

Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?

Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.

Bài 12
  
Vadim Novikov: Có, nhưng cũng có thể nói như thế về gia đình

Phạm Nguyên Trường dịch

Tự do không phải là một giá trị không có xung đột, chỉ trong những trường hợp hãn hữu nó mới hoàn toàn hài hòa với những giá trị khác mà thôi. Có lúc thì nó mâu thuẫn với phúc lợi, có lúc nó lại mâu thuẫn với lẽ công bằng và đấy không phải là những mâu thuẫn duy nhất.


Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới đã có sẵn sự hài hòa, nơi mà các giá trị của chúng ta không mâu thuẫn với nhau, nơi mà việc thực hiện một cách trọn vẹn bất kì nguyên tắc nào của chúng ta cũng chì đòi hỏi một và chỉ một tập hợp các hành động mà thôi. Nhưng chúng ta không được hưởng niềm vui đó. Quan niệm về công bằng và từ bi, trung thực và nhân hậu, quan tâm tới người thân và tôn trọng họ thường lại đòi hỏi ta phải có những hành động khác nhau.

Tự do cũng như thế. Tự do không phải là một giá trị không có xung đột, chỉ trong những trường hợp hãn hữu nó mới hoàn toàn hài hòa với những giá trị khác mà thôi. Có lúc thì nó mâu thuẫn với phúc lợi, có lúc nó lại mâu thuẫn với lẽ công bằng và đấy không phải là những mâu thuẫn duy nhất. Nếu chúng ta phải lấy giá trị của tự do làm kim chỉ nam thì không phải là vì rằng cùng với nó, chúng ta sẽ nhận được tối đa các giá trị khác mà vì rằng sự hi sinh là cần thiết.
Tùy thuộc vào thế giới quan mà người ta coi cái gì là hi sinh và sự hi sinh đó nghiêm trọng đến mức nào. Cái mà người này coi là mất mát, hi sinh thì người khác lại coi là được. Vấn đề rắc rối là ở chỗ “thị trường tự do” chỉ là kí hiệu ngắn gọn, biểu thị cho rất nhiều quyết định và giao kèo mang tính cá nhân, cái chung ở đây chỉ là không bị ai ép buộc khi ta chọn giải pháp này hay giải pháp khác. Tất cả những quyết định khác nhau đó không thể có cùng hậu quả đối với đức hạnh.
Nhưng dù có quan niệm như thế nào về đạo được thì ta cũng dễ đồng ý với nhau rằng không phải lúc nào người ta cũng tuân theo các nguyên tắc của mình trong khi quyết định thực hiện một giao kèo nào đó, chứ chưa nói là tuân theo các nguyên tắc của chúng ta. Kết quả là không phải lúc nào người ta cũng khuyến khích những ngưới khác thể hiện những tính cách và thực hiện những hành vi mà họ cho là chân chính, và ngược lại, không phải lúc nào người ta cũng trừng phạt những tính cách và hành động xấu. Thế mà đúng ra là cần phải gọi những hoàn cảnh khi mà cái xấu không bị trừng phạt và cái tốt không được khen thưởng là “sự phá hoại các giá trị đạo đức”.
Tuy nhiên, cũng có thể nói như thế về gia đình. Sự gắn bó làm cho chúng ta trở thành thiên vị và đôi khi buộc chúng ta phải hành động trái với các nguyên tắc của mình. Kết quả là gia đình góp phần phá hoại các giá trị đạo đức. Không phải là phá hoại tất cả và không phải lúc nào cũng phá hoại, chỉ phá hoại một số và đôi khi mà thôi.
Giải thích không phải là khó – chúng ta tham gia vào việc buôn bán trên thương trường và tạo ra gia đình là vì quyền lợi và sự gắn bó của chính mình chứ không phải là vì các nguyên tắc. Các định chế được xây dựng cho mục đích này khó mà có thể có ích các mục đích khác một cách hoàn hảo. Điều làm ta ngạc nhiên là trên thực tế chúng có giúp ích, dù là không thật hoàn hảo. Quyền lợi cá nhân và tình yêu thường khi lại làm được những công việc mà chỉ có tinh thần trách nhiệm không thôi thì khó mà làm nổi. Cần phải tính đến cả chuyện đó trước khi đưa ra phán quyết về ảnh hưởng của thị trường tự do đối với các giá trị đạo đức.
Kết qủa: thị trường tự do tăng cường hay làm giảm đi những đặc điểm tiêu cực sẵn có trong mỗi người? Những cố gắng nhằm đưa ra câu trả lời bằng một từ chỉ làm cho vấn đề trở thành rối rắm thêm chứ không giải quyết được gì (mặc dù nhằm thể hiện rõ quan điểm của mình, xin nói rằng tôi nghiênh về phía cho rằng thị trường có ảnh hưởng tích cực). Giống như sự kiện là người ta sẽ chẳng bao giờ phải lựa chọn giữa việc mua tất cả nước hay mua tất cả kim cương trên thế giới, trong cuộc sống thường ngày chúng ta cũng không phải lựa chọn giữa thị trường hoàn toàn tự do với sự mất hoàn toàn tự do về mặt kinh tế. Vấn đề, như vậy là, có phải lúc nào những ý kiến hợp đạo lí và có lợi cho tự do cũng thắng được những ý kiến khác hay không.
Vadim Novikov là cộng tác viên khoa hoạc của Viện kinh tế quốc dân thuộc chính phủ Liên bang Nga và cộng tác viên Viện kinh tế giai đoạn chuyển đổi.

No comments:

Post a Comment