June 20, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (4)

                                                     (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 3

HỆ HÌNH CỦA THỰC TẠI

Có nhận xét chung rằng, mở rộng bối cảnh sẽ dẫn đến việc giải quyết xung đột giữa những quan điểm dường như khác biệt. Nó cũng được áp dụng cho vụ đối đầu giữa lý trí/khoa học và đức tin/tôn giáo. Từ “hệ hình” ám chỉ miền, khu vực, lĩnh vực, lãnh thổ, phạm vi hoặc vương quốc mà trong đời sống hàng ngày được tham chiếu tới bằng cách sử dụng các khái niệm trừu tượng, ví dụ như sự phân tầng kinh điển của những tầng của tồn tại được ám chỉ bằng các thuật ngữ “vương quốc, ngành (trong sinh vật học), giai cấp, trật tự, gia đình, giống và loài”. Do đó, hệ hình hàm ý miền tổng thể hay lĩnh vực hiểu biết, tham khảo và quan điểm. 

Hiện tượng mù hệ hình

Mỗi người tri giác, trải nghiệm và giải thích thế giới cũng như các sự kiện của nó phù hợp với tẩng ý thức đang giữ thế thượng phong của họ. Nó càng được củng cố bởi thiên hướng giải thích của tâm trí thông qua suy nghĩ và những cách giải thích đã được hợp lý hóa các dữ liệu mà người đó tri giác được. Vì vậy, mỗi tầng ý thức đều có xu hướng tự củng cố. Quá trình này dẫn đến kết quả được mô tả chính xác nhất là “trung thành với hệ hình” (Hawkins, 2006) hoặc giả định rằng thế giới được cá nhân trải nghiệm/tri giác là “thực tại” (sai lầm của Protagoras như Plato đã chỉ ra). 

Do cấu trúc bẩm sinh của nó, tâm trí không thể phân biệt tri giác với bản chất hoặc res cogitans (bên trong) với res externa (bên ngoài), như René Descartes đã nhận xét, cho nên nó đưa ra giả định ngây thơ rằng nó trải nghiệm và do đó “nó biết thực tại”, và do đó, những quan điểm khác chắc chắn là “sai”. Hiện tượng này tạo thành vọng tưởng, hậu quả tự động của giới hạn xuất phát từ cơ cấu của các quá trình diễn ra trong tâm trí của bản ngã, làm cho nó xác định sai, coi quan điểm là sự thật và là thực tại chân thực (ví dụ, thuyết duy ngã). 

Muốn được an ủi và củng cố những suy nghĩ của mình, mọi người đều tìm kiếm sự đồng thuận và do đó, có xu hướng tụ tập với những người có cùng hệ hình hay thế giới quan với mình (ví dụ, trang blog). Hệ hình còn được ám chỉ là “chiều kích” và rõ ràng hơn là “bối cảnh” hoặc “trường tổng thể”. Vấn đề được giải quyết về mặt triết học bằng môn siêu hình học, nghĩa đen là “vượt ra ngoài vật chất”, nhờ đó tâm trí rút ra các tầng và phạm trù trừu tượng và ý nghĩa, hay thậm chí là những đặc điểm chung cơ bản, chẳng hạn như sống động so với trơ lỳ, hữu cơ so với vô cơ. 

Bối cảnh quyết định các tham số với những phẩm chất hay giới hạn được nói rõ hoặc ám chỉ, cũng như các yêu cầu và chi tiết cụ thể, xác định mức độ trừu tượng, đến lượt mình, tầng trừu tượng thay đổi hay thậm chí xác định ý nghĩa (thông diễn học) phù hợp với đánh giá về giá trị, hoặc ý nghĩa. Hệ hình hòa điệu với định hướng, kỳ vọng và cả ý định, như được thể hiện bằng những công cụ tìm kiếm trên Internet - chọn trước phạm vi khám phá bằng cách đưa ra một từ hoặc cụm từ khóa ban đầu. Do đó, hệ hình xác định trước phạm vi của những trải nghiệm hay khám phá có thể xảy ra và là yếu tố mà ý thức thông thường không nhận thức được. Hệ hình hiếm khi được xác định một cách trực tiếp và thường bị bỏ qua hoặc được giả định một cách ngây thơ. Thực tại mà khoa học tri giác được là rời rạc, có thể xác định được, có thể chứng minh được, có căn cứ và tuyến tính, cũng như bị giới hạn trong các chiều thời gian, không gian và địa điểm (đo lường). Các cơ chế của nó được cho là hoạt động thông qua các khái niệm của vật lý học Newton về quan hệ nhân quả và các giả định về nguyên nhân và hậu quả (lực lượng bên ngoài). 

Ngược lại, thực tại của tình yêu, đức tin, cảm hứng và các tiền đề vô hình căn bản của sự thật trừu tượng, tâm linh và tôn giáo là phi tuyến tính và hoạt động thông qua các nguyên tắc sức mạnh bên trong bắng cách xếp các tầng giữ thế thượng phong của những trường năng lượng của ý thức có ảnh hưởng. Những trường này được sắp đặt và thậm chí được xác định bởi “bộ tập hợp có chú ý” (Medina, 2006), đến lượt mình, nó lại là kết quả của ý định, lựa chọn và quyết định. 

Khoa học xử lý nội dung (sự kiện), trong khi thực tại trừu tượng và tâm linh là bối cảnh (sự thật). Các hệ hình thực tại của khoa học hoàn toàn khác với các hệ hình thực tại tâm linh. Sự kiện là tuyến tính, có thể quan sát được và có thể chứng minh được. Tuy nhiên, sự thật là phi tuyến tính, nhưng có thể xác nhận được. Sự kiện là có giới hạn, trong khi sự thật bao gồm ý nghĩa, tầm quan trọng, và giá trị. 

Giải quyết vấn đề giới hạn của hệ hình 

Tuyến tính và phi tuyến tính là những tầng tham chiếu và hệ hình hoàn toàn khác nhau. Chúng không có cùng những thuật ngữ hay cơ cấu mang tính khái niệm. Khoa học bị hạn cuộc trong chiều kích của vật lý học Newton tuyến tính, có thể quan sát được, có thể xác định được và chủ yếu có cấu trúc và mang tính cơ học (sau này mở rộng sang vật lý hạt hạ nguyên tử và cơ học lượng tử) và phép biện chứng của logic, lý trí và các giả thuyết có thể chứng minh được (“sự kiện”). Do đó, do hạn chế vốn có của nó, khoa học không thể tạo được cây cầu giữa res interna (suy nghĩ) của Descartes và res externa (thực tại hiện sinh như là bản chất). 

Tâm trí mở rộng ra thông qua siêu hình học, nhận thức luận, thần học, bản thể học và hiểu biết trong những nỗ lực vô ích nhằm vượt qua rào cản không được công nhận (ví dụ, câu nói nổi tiếng của Hayakawa, “Bản đồ không phải là lãnh thổ”). Vì vậy, những nỗ lực trí tuệ mãnh liệt cũng tương tự như việc chỉ tìm chìa khóa bị mất dưới ánh đèn đường vì “ở đó sáng hơn”. Hạn chế này còn được thể hiện rất rõ qua các luận văn và bài thuyết trình trí tuệ trong những ấn phẩm như Zygon, Science and Religion, Science and Theology, Science and Consciousness Review, the Journal of Consciousness Studies (Zygon, Khoa học và Tôn giáo, Khoa học và Thần học, Tạp chí Khoa học và Ý thức, Tạp chí Nghiên cứu Ý thức) và những ấn phẩm khác, tất cả đều có điểm hiệu chỉnh từ 300 tới 400. Những ấn phẩm này chứng tỏ tinh thần dũng cảm và hiếu học nhằm vượt qua Rubicon (giới hạn) nhưng không đạt được mục tiêu đề ra, đấy là do hạn chế của hiện tượng mù hệ hình. Nói một cách đơn giản, phi tuyến tính không tuân theo logic tuyến tính; logic tuyến tính không thể hiểu được, không thể mô tả được phi tuyến tính. Chúng là những hệ hình khác nhau, muốn hiểu chúng thì phải có ngôn ngữ và yêu cầu khác.

 Tuyến tính có thể xác định được, có giới hạn, mang tính khái niệm, tự cho là “khách quan” và có thể định vị được trong thời gian và không gian. Ngược lại, phi tuyến tính là phi định xứ, lan tỏa, vượt ra ngoài các chiều kich và tạo được ảnh hưởng, chủ quan và mang tính trải nghiệm. Nhận thức và hiểu biết những thực tại tâm linh phi tuyến tính là lĩnh vực của nhà huyền môn. Tâm linh là bối cảnh, trong khi tuyến tính là nội dung. Trường tâm linh bao hàm tất cả, nhưng vượt trên mô tả bằng những thuật ngữ ám chỉ thời gian hay không gian. 

Siêu việt hạn chế của hệ hình 

Từ thang đo đã được hiệu chỉnh của các tầng ý thức, rõ ràng là lĩnh vực khoa học có điểm hiệu chỉnh từ 400 tới 499 điểm, trong khi các thực tại tâm linh bắt đầu xuất hiện ở những tầng trên 450 nhưng chỉ giữ thế thượng phong từ tầng 500 trở lên. Khoa học nghiên cứu ý thức (điểm hiệu chỉnh 605) tạo điều kiện cho chúng ta phân biệt những tầng này bằng cách sử dụng năng lượng đặc biệt vốn có như là bản chất của mỗi tầng tiến hóa. Xin nhắc lại, trên thang đo từ 1 đến 1.000, các tầng dưới 200 thể hiện sự dối trá còn từ 200 trở lên thể hiện sự thật. Các tầng Chứng ngộ là từ 600 đến 1.000, trong đó 1.000 là tầng ý thức tối đa có thể có trong cõi người.

Trong khi khoa học và logic được mô tả là “có thể chứng minh được”, “có thể xác định được” và “khách quan”, còn các thực tại tâm linh thì nhất thiết phải có tính chủ quan (trải nghiệm). Do đó, không thể “chứng minh” sự thật tâm linh thông qua logic tuyến tính hay khoa học, tương tự như có người đã chỉ ra rằng không thể “chứng minh” tình yêu, tầm quan trọng, hạnh phúc, ý nghĩa, giá trị, nguồn cảm hứng và những khái niệm trừu tượng định tính khác. Do đó, không thể “chứng minh” hay “bác bỏ” thực tại của Thần tính hay chiều kích phi tuyến tính, trong đó có những đặc điểm của chính ý thức (ví dụ, cạm bẫy của người hoài nghi). 

Đáng chú ý là, toàn bộ trường trong các ấn phẩm, tổ chức và nỗ lực đề cập đến “khoa học và tôn giáo” đều nằm dưới sự thống trị của các trí thức hàn lâm. Không có các học giả cao cấp, đã chứng ngộ (điểm hiệu chỉnh trên 600). Đặc điểm là, ​​nhà huyền môn tự động nhận thức, hiểu rõ và “trở thành”, trong khi nhà khoa học lý luận và “nghĩ về”. Do đó, do những hạn chế và giới hạn của khoa học hàn lâm (tầng ý thức nằm trong khoảng 400-499), những thiên tài tâm linh vĩ đại nhất thế giới và những giáo lý đã chứng ngộ thuộc mọi thời đại (điểm hiệu chỉnh từ 500 đến 1.000) đã bị những nhóm người có trí tuệ nghi ngờ tính xác thực của “tính chủ quan của chính người nói” loại bỏ. Làm sao tổ chức được hội nghị về “khoa học và tâm linh” (tất cả đều có điểm hiệu chỉnh trong những tầng 400) khi người ta loại bỏ hoàn toàn nguồn thông tin tâm linh thực tế duy nhất, chủ yếu thông qua báo cáo và lời chứng của người kể lại những trải nghiệm chủ quan của chính mình? (mời đọc tác phẩm I: Reality and Subjectivity). Ngược đời là, tất cả trí tuệ chỉ đơn giản là “người đó nói về mình hoặc người khác” do suy nghĩ chủ quan tạo ra mà thôi. 

Chiều kích tuyến tính là phạm vi của những thứ có thể chứng minh được theo lối khách quan, trong khi đó, ngược lại, chiều kích phi tuyến tính là có thể khẳng định, có thể chứng tỏ và có thể xác nhận, nhưng chủ yếu là ở bên trong và có tính chủ quan. Phi tuyến tính không phải là đối tượng của tuyến tính, tuyến tính không thể định nghĩa hay mô tả được nó, đấy là do những khác biệt to lớn giữa hai hệ hình. 

Những tương phản này của hệ hình được ghi nhận theo lối kinh điển, chẳng hạn, bằng sự phân biệt giữa khoa học “hàn lâm” (điểm hiệu chỉnh 440) và “lâm sàng” (điểm hiệu chỉnh 445). Trong khi khoa học hàn lâm bị hạn cuộc trong các quy trình trí tuệ mang tính thống kê, thì khoa học lâm sàng bao gồm ảnh hưởng của bối cảnh, chẳng hạn như ý định, tính chính trực của mục đích và tầng hiệu chỉnh của những người tham gia. Do đó, trong y học, bác sĩ lâm sàng dày dạn kinh nghiệm không chỉ sử dụng khoa học mà còn cả nghệ thuật chữa trị và tất cả các phương pháp thích hợp mà kinh nghiệm chứng tỏ là có lợi, trong đó có áp dụng cái gọi là phương pháp phi truyền thống, thường mang lại kết quả tích cực (“Mù hệ hình” Hawkins, 2006).

Căn bệnh loét tá tràng, không cách nào chữa được, đe dọa tính mạng của tác giả đã được chữa khỏi vĩnh viễn chỉ sau ba lần châm cứu “không khoa học” (như đã trình bày trong bài giảng “Bệnh tật và Tự chữa lành”, Hawkins, 1986). Lĩnh vực hàn lâm giải quyết những vấn đề có thể dự đoán được và mang tính thống kê. Bác sĩ lâm sàng giải quyết kết quả. Vì vậy, “có tâm” là điều kiện tiên quyết để bác sĩ lâm sàng thành công, nhưng nó không phải là yếu tố có thể đo lường được trong lĩnh vực hàn lâm. Ngược đời là, thành công trong lĩnh vực lâm sàng và kinh nghiệm của những người chữa bệnh dày dạn thường chủ yếu là những người không đáp ứng một cách nhiệt tình với giới khoa học hàn lâm. Yếu tố này là khám phá quan trọng nhất của phương pháp điều trị tâm thần lớn nhất ở Hoa Kỳ trong khoảng 25 năm qua (Hawkins và Pauling, 1973). 

Trong khi khoa học hàn lâm không thừa nhận giá trị của hệ tư tưởng hay các phương pháp “phi khoa học”, hay thậm chí bôi nhọ những phương pháp này, thì bác sĩ lâm sàng lại linh hoạt hơn, khiêm tốn hơn về mặt trí tuệ và do đó, quan tâm đến những thứ thực sự có tác dụng. Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất và được nhiều người công nhận nhất là tổ chức Những người nghiện rượu ẩn danh (Alcoholics Anonymous), thông qua nó mà hàng triệu người hoàn toàn tuyệt vọng đã hồi phục một cách đáng kinh ngạc, trong đó có nhiều nhân vật cao cấp và người nổi tiếng. Trong số những người hồi phục dựa trên hoạt động tâm linh còn có hàng ngàn bác sĩ và chuyên gia trong những lĩnh vực khác. Yêu cầu duy nhất để hồi phục, để chữa lành những căn bệnh nghiện ngập vô vọng và tàn khốc là thái độ tâm linh khiêm nhường và quy thuận trước một quyền lực cao hơn (Tiebou, 1999). Do đó, sức mạnh và hiệu quả của các tiền đề tâm linh đã được chứng minh một cách cực kỳ rõ ràng và đầy ấn tượng (điểm hiệu chính của các nhóm 12 bước là 540). 

Giá trị của công trình nghiên cứu hiệu chỉnh ý thức (chính phương pháp này có điểm hiệu chỉnh 605) là nó bao gồm cả hai lĩnh vực tuyến tính và phi tuyến tính, cũng như các hệ hình về thực tại tương ứng với chúng. Nó cung cấp sự liên tục với vùng giao nhau của hai hệ hình, có thể kiểm chứng được. Đáng chú ý nhất trong phạm vi các tầng hiệu chỉnh trên 450 và sau đó tiếp tục tăng lên đến 500 và lên các tầng cao hơn, trong đó có các vị thánh (điểm hiệu chỉnh 570-700), rồi đến các thánh thần giáng thế vĩ đại, chẳng hạn như Chúa Jesus Christ, Zoroaster, Buddha và Krishna (tất cả đều ở tầng 1.000), tất cả những thánh thần giáng thế này đều đưa đời sống con người trong nhiều thế kỷ vào bối cảnh mới. 

Nội lực của các tầng ý thức từ 400 đến 499 được thể hiện bởi những người khổng lồ trong khoa học, như Steinmetz, Edison, Galileo, Kepler, Newton, Einstein, Heisenberg và Freud (xem Chương 5). Như có thể thấy, bằng cách đối chiếu tầng hiệu chỉnh của các nhà khoa học nổi tiếng với tầng của các bậc thầy tâm linh nổi tiếng, các tầng từ 400 đến 499 là vùng giao thoa, thực tại tâm linh chính thức bắt đầu ở tầng 500 trở lên. 

Mỗi tầng ý thức trên 200 đều góp phần vào sự tiến bộ và viên mãn tiềm năng của con người. Những kim tự tháp vĩ đại ở Ai Cập là do các pharaoh xây dựng, được hình thành bằng sức lao động của con người và kỹ thuật tuyến tính, nhưng thực ra đấy là kết quả của các yếu tố phi tuyến tính của cảm hứng và ý định, các thánh đường lớn ở Châu Âu (có điểm hiệu chỉnh 700 trở lên) thì  cũng thế. 

Đáng chú ý là cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ trong những năm gần đây là Purpose-Driven Life (Sống theo mục đích) của mục sư Rick Warren. Nó được phổ biến rộng rãi đến mức tất các các điểm dừng xe tải ở Mỹ đều có. Mục tiêu cũng như sự hấp dẫn của nó tạo ra ý nghĩa, giá trị tâm linh và ý nghĩa cho cuộc sống, và do đó, tương tự như khoa học, có đóng góp to lớn cho xã hội và giá trị của đời sống con người.

 Không có khoa học, thì hàng triệu người đã chết vì bệnh tật, nhưng không tuân theo các giá trị tâm linh, hàng triệu người cũng sẽ chết vì chất nổ và vũ khí hạt nhân được phát triển một cách khoa học. Do đó mới nói rằng khoa học mà không có đức tin thì trống rỗng và khinh suất, đức tin mà không làm được việc làm tốt thì giá trị xã hội sẽ bị hạn chế. Trí tuệ kết hợp cả hai, vì con người sống đồng thời trong cả hai miền tuyến tính và phi tuyến tính. 

Trong khi đức tin là có thể được xác nhận thì sự thật lại mang tới cho nhân loại những lợi ích không thể kể xiết. Tin vào dối trá là nguy hiểm nhất, như có thể thấy qua các cuộc chiến tranh thảm khốc trong lịch sử và thậm chí cả chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thời mạt pháp hiện nay, những khái niệm như “tôn thờ cái chết” chứ không phải sự sống (theo bin Laden), và có điểm hiệu chỉnh ở tầng 20, rất đáng lo ngại. Sự thật có thể kiểm chứng được trong cả khoa học và đức tin là tối quan trọng đối với sự sống còn, cũng như hạnh phúc và và viên mãn của con người. 

Nội dung và bối cảnh

Bối cảnh nói đến trường tổng thể bao gồm cả nội dung. Nội dung nói đến các chi tiết cụ thể, trong khi bối cảnh nói đến những điều kiện phổ biến, hệt như thảm thực vật biến động theo các mùa trong năm. Thường thì người ta không xác định, không biết hay thậm chí nghi ngờ bối cảnh. Do đóm, gần đây người ta đã phát hiện các hiện tượng sinh học (chẳng hạn như quá trình thụ tinh của trứng) là khá khác biệt nếu nó diễn ra trong điều kiện không trọng lực, chẳng hạn như trên tàu con thoi. Trước đây người ta không hề nghĩ như thế. Không có gì lạ nếu quá trình chữa lành và thậm chí cả những sự kiện kỳ ​​diệu có thể xảy ra trong trường tâm linh năng lượng cao (ví dụ, như ở các vị thánh). Một số người trị liệu đồng thời là người chữa lành và có tỷ lệ hồi phục khá cao. Ảnh hưởng vượt trội của trường bối cảnh cũng được thể hiện bằng các mô thức di cư hoặc hoạt động sinh học liên quan đến chu kỳ của mặt trăng của các loài giáp xác sống rất sâu dưới đáy biển (như được thể hiện trong bộ phim tài liệu truyền hình Blue Planet (điểm hiệu chỉnh 480), nó còn tiết lộ tính thẩm mỹ tinh tế của quá trình tiến hóa cũng là quá trình sáng tạo). 

Do đó, ý định là yếu tố tiềm ẩn nhưng thường là rất quan trọng trong việc xác định kết quả (“hiệu ứng Heisenberg”). Như đã nhận xét, ngay cả bài kiểm tra cơ bắp đơn giản nhằm xác định tầng ý thức/sự thật cũng không hiệu quả, trừ khi được thực hiện trong trường tổng thể từ tầng 200 trở lên. Vì vậy, đức tin cộng với ý định tạo điều kiện thuận lợi cho hiểu biết và khám phá tâm linh. Dâng hiến cho sự thật chứ không phải phục vụ ý kiến ​​của bản ngã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mặc khải sự thật. Vì vậy mới nói: “Đức hạnh chính là phần thưởng” theo nghĩa là nó mang lại nhiều kết quả có lợi hơn mà lại cần ít nỗ lực hơn. “Những điều chúng ta lưu giữ trong tâm trí sẽ có xu hướng tự hiển lộ” cũng là sự hiển lộ của trường bối cảnh. 

Do đó, hiển lộ thông qua xuất hiện không chỉ là chức năng của quan hệ nhân quả tuyến tính mà còn là xác suất, phụ thuộc vào các điều kiện tổng thể cũng như cục bộ, trong đó có ý thức của con người. Vì sức mạnh bên trong của Thần tính là vô biên vô tế, cho nên toàn bộ Sáng tạo là quá trình hiển lộ liên tục của tiềm năng, xuất hiện trong thực tại của chính tồn tại. Cái có tiềm năng xảy ra trong trường yếu sẽ trở thành khả năng xảy trong trường mạnh hơn và chắc chắn sẽ xảy ra trong trường có Sức mạnh Vô biên Vô tế (ví dụ, Thần tính). 

Trong chiều kích của con người, khả năng cũng là biểu hiện của “ý chí”, nó là biểu hiện của ý định. Những giới hạn thông thường thường được khắc phục bằng ý chí mạnh mẽ, nó được thể hiện ngay cả trong những vụ thảm họa, kết quả thường là rất khác nhau, đấy là do các khuynh hướng sẵn có (nghiệp), nó cũng tạo ra ảnh hưởng như những nhân tố không nhìn thấy được. 

Các sự kiện có thể phục vụ cho Đại ngã không phải lúc nào cũng trùng khớp với mong muốn của bản ngã/tự ngã mà phục vụ mục đích cao hơn, không nhìn thấy được của Đại ngã thực sự. Các sự kiện của con người đại diện cho kết quả của vô số nhân tố mà chúng ta không biết, như thể chúng là kết quả cuối cùng của một loạt các trường ảnh hưởng, tương tự như dãy máy biến áp giảm dần. Do đó, nếu không có Ân sủng Thiêng liêng, thì đời sống sẽ rơi vào bế tắc toàn diện (được hiểu chỉnh là đúng, với điểm chỉnh 1.000).

 Thực tại lượng tử: Nghiên cứu ý thức 

Như đã giải thích ở những chỗ khác, vượt trên chiều kích của vật lý học Newton là trường ý thức vô biên vô tế, trong đó không có “ở đây” và “ở đó”, cũng không có “lúc đó” và “bây giờ”, cũng không có chuỗi các sự kiện tuyến tính. Nó là toàn trí toàn thức và bao gồm tất cả những gì đã từng tồn tại. Ngay khi một câu hỏi được đặt ra, câu trả lời cũng xuất hiện ngay lập tức. Chỉ những gì thực sự tồn tại mới là đối tượng để hỏi, nhưng nó không tồn tại cho đến khi câu hỏi được đặt ra. 

Trong toán học của Nguyên lý bất định Heisenberg, năng lượng của một câu hỏi thực tế tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ khả năng thành biểu hiện bên ngoài như là thực tại. Tương tự như sương đọng lại khi nhiệt độ giảm và vượt qua “điểm tạo sương” - phụ thuộc vào độ ẩm. 

Tầng ý thức của người hỏi/người quan sát càng cao thì khả năng xảy ra “sự sụp đổ của hàm sóng” (tiềm năng) thành hiển lộ, như là thực tại, càng cao. Đây là cơ chế cơ bản của phương pháp hiệu chỉnh ý thức, trong đó mức độ chính xác tăng lên tương ứng với tầng ý thức của người hỏi (Jeffrey và Colyer, 2007).



No comments:

Post a Comment