June 19, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (3)

                                                         (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch



CHƯƠNG 2

THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN CỦA CON NGƯỜI

Dẫn nhập

Thời đại này được gọi là Thời đại Thông tin, trong đó những khám phá mới diễn ra liên tục và nhanh chóng trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của con người. Khoa học và công nghệ là chất xúc tác góp phần đẩy nhanh những ứng dụng thực tiễn. Những sự kiện này lại tạo điều kiện cho sự xuất hiện một loạt sự bành trướng bất tận, đòi hỏi phải phát triển những sơ đồ mang tính khái niệm và cơ cấu trí tuệ mới. Kết quả là, xuất hiện nhiều tài liệu mới, có liên quan với nhau, giúp cho quá trình nghiên cứu và phát triển sâu hơn, và một lần nữa, lại tạo ra chu kỳ khám phá tiếp theo.

 

Căng thẳng của quá trình tiến hòa

Quá trình tiến hóa của trí tuệ của con người là sự thể hiện liên tục của tiềm năng đang xuất hiện, sau đó tiềm năng lại tạo điều kiện cho sự xuất hiện của tầng năng lực đã được nâng cao thêm. Khả năng trí tuệ vốn có là hệ quả của ánh sáng bên trong của chính ý thức. Khả năng tiến hóa dần dần này là độc nhất vô nhị của loài Homo sapiens, trái ngược với các dạng sống khác, chỉ tiến hóa tới những biểu hiện cố định của số phận và tiềm năng sinh học của chúng mà thôi.

Hậu quả của quá trình tiến hóa không ngừng là nhân loại vừa có năng khiếu vừa đồng thời bị căng thẳng do sự thay đổi liên tục và dẫn tới hỗn loạn xã hội. Do đó, mất cân bằng, bất hòa và xung đột là đặc hữu của giống người, được thể hiện bằng sự kiện là loài người đã ở trong tình trạng chiến tranh trong suốt 93% thời gian của lịch sử thành văn.

Sự thay đổi mang tính tiến hóa dẫn đến những đặc điểm thường gặp của con người là “cảm giác lo lắng về cuộc hiện sinh” và sự không chắc chắn, đấy là do khiếm khuyết di truyền to lớn: tâm trí con người, nếu không được trợ giúp, về bản chất là không có khả năng phân biệt thật giả. Hạn chế này lớn đến mức tâm trí tập thể của nhân loại không nhân ra con voi ở trong phòng (the elephant in the room - được khảo sát kỹ trong Truth vs. Falsehood). Hạn chế này là do “vô minh” ngây thơ, bẩm sinh cũng như sự phù phiếm của cốt lõi ái kỷ của bản ngã. Trong tuyệt vọng, bản ngã bám vào niềm tin có được cảm giác chắc chắn nào đó và là cơ sở cho việc ra quyết định và hành động đã được hợp lý hóa.

Người thông thái nhận ra rằng, tất cả kiến thức của con người, trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ là dự kiến, giả định và sau đó cần phải được sửa chữa. Ngay cả cái gọi là “sự kiện” cũng chỉ là những tuyên bố nhất thời, vì việc giải thích dữ liệu phụ thuộc vào bối cảnh và do đó, sau này có thể được giải thích lại. Quá trình tích lũy dữ liệu mới diễn ra liên tục sẽ làm thay đổi trường ảnh hưởng gần nhất và kết quả là cần phải thay đổi liên tục và đánh giá lại ý nghĩa và tầm quan trọng để sống còn trở thành vừa là nghệ thuật vừa là khoa học.

Quá trình phát triển của nghiên cứu ý thức

Một nhánh kiến thức mới của nhân loại xuất hiện từ cây tiến hóa cùng với việc khám phá ra phương pháp lâm sàng có tính thực dụng trong nghiên cứu ý thức (điểm hiệu chỉnh 605) lần đầu tiên làm sáng tỏ cả khả năng lẫn những hạn chế của tình trạng cơ bản của con người. Phát hiện này xuất hiện một cách ngẫu nhiên khi người ta vô tình nhận ra rằng, những kích thích tiêu cực làm cho những người “bình thường” trở thành yếu đuối, lại không làm suy yếu về thể chất của những người đã tiến hóa về mặt tâm linh, và những phản ứng về sinh lý của những người chính trực cũng hòa điệu với tầng sự thật hoặc ý thức của kích thích. Lần đầu tiên hiện tượng này được trình bày trong tác phẩm xuất bản năm 1995, Qualitative and Quantitative Analysis antd Calibration of the Levels of Human Consciousness rồi sau đó, trong tác phẩm  Power vs. Force, được nhiều người biết nhờ những đánh giá rất tích cực (ví dụ, Brain-Mind Bulletin), cũng như khẳng định của các Khôi nguyên Nobel và những người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như tiếp thị, kinh doanh và thiết kế kỹ thuật, cũng như xác nhận của các bậc thầy tâm linh và các tổ chức kết hợp giáo lý này vào các chương trình của họ. Sự phổ biến và ứng dụng nhanh chóng những thông tin này trong các lĩnh vực khác nhau là biểu hiện của sự sẵn sàng và khả năng đáp ứng của ý thức của con người để tiến hóa, đấy là do phẩm chất của trí thông minh bẩm sinh.

Thông tin thu được từ nghiên cứu ý thức cũng được đưa vào y học lâm sàng, nó đã trở thành biện pháp thực hành tâm thần lớn nhất ở Hoa Kỳ nhằm giúp chẩn đoán và điều trị những bệnh nhân khó chữa và được coi là vô vọng (Hawkins và Pauling 1973). Từ tâm lý học, triết học, lý thuyết phân tâm học và “chuỗi tồn tại[1]” kinh điển (Lovejoy 1936) đã rút ra được thang đo tầng ý thức và nó cũng phù hợp với lịch sử của con người và triết lý thường hằng (Huxley 1945; Wilber 1997). Từ thang đo với điểm số từ 1 đến 1.000, có thể khảo sát toàn bộ lĩnh vực đời sống của con người, từ đó sẽ có hiểu biết toàn diện hơn về thân phận của con người và quá trình tiến hóa của nó.

Nghiên cứu xác nhận rằng, tình thế tiến thoái lưỡng nan của con người hiện đại mang tính hai mặt. Trước hết, tâm trí của con người, do thiết kế và cấu tạo bẩm sinh, không thể phân biệt được thật giả (ý kiến với sự thật), vọng tưởng với thực tại, hoặc tri giác/biểu hiện bên ngoài với bản chất. Thứ hai, tâm trí hiện đại, được giáo dục theo lối khoa học, thường không thể hiểu được những thực tại tâm linh phi tuyến tính hoặc những giáo lý tôn giáo và do đó, chỉ chấp nhận một phần sự thật đáng tin hoặc có thể xảy ra.

Do đó, trong con người hiện đại, đức tin và lý trí trở thành những thứ tách biệt nhau, đấy là để tránh những vụ xung đột, được thể hiện rõ ràng trong phiên tòa Scopes, diễn ra vào năm 1925. Những câu hỏi xuất phát từ cuộc xung đột đó vẫn chưa có câu trả lời. Lý do của việc không có giải pháp là vì những vấn đề này thực sự là không thể giải quyết được, như đã trình bày, vì chỉ có thể siêu việt được chúng lên bối cảnh lớn hơn, đại diện cho hệ hình thực tại mở rộng và toàn diện hơn, bao gồm cả lĩnh vực tuyến tính và phi tuyến tính.

Biểu hiện về mặt chính trị của cuộc xung đột, chẳng hạn như giải thích “có bức tường cao giữa Giáo hội và Nhà nước”, là bãi chiến trường đầy căng thẳng mà cả hai bên đều không có thỏa hiệp. Một bên tuyên bố tin vào chính đức tin, trong khi bên kia tuyên bố một cách ngược đời là tin vào bất tín thế tục (secular nonfaith – chơi chữ hơi khó dịch).

Khoa học về bối cảnh

Giải thích sâu hơn sẽ làm rõ rằng, khoa học, lý trí và diễn ngôn xã hội hoạt động chủ yếu ở tầng nội dung (tuyến tính), trong khi ý nghĩa là trừu tượng và là hệ quả của bối cảnh thông qua lĩnh hội (phi tuyến tính). Mặc dù gắn bó một cách bẩm sinh với ý thức, nhưng bối cảnh thường không được nói rõ, không được nhận dạng hay định nghĩa. Do đó, trước đây chưa hề có môn khoa học nào về chính sự thật, càng không có phương tiện xác minh hay xác nhận sự thật. Do đó, việc nhân loại lúng túng và liên tục rơi vào những thảm họa bất tận là không thể tránh được (ví dụ, lặp đi lặp lại cùng một sai lầm, nhưng lại hy vọng sẽ có kết quả khác).

Mở rộng bối cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết xung đột, như sẽ được giải thích kỹ hơn trong chương sau. Ví dụ, thế giới vật lý có thể được mô tả là núi non, đại dương, núi lửa, rừng rậm hoặc khô cằn với những vùng sa mạc đầy cát. Ở Xích đạo thì nóng, còn hai cực thì đầy băng tuyết. Do đó, những thuật ngữ này, do sự khác biệt của chúng, không mô tả những thế giới khác nhau hay tách biệt với nhau, vì chúng chỉ là những thuật ngữ có tính mô tả thể hiện những địa điểm quan sát đã được người ta lựa chọn. Từ độ cao lớn hơn hẳn, chẳng hạn như độ cao của vệ tinh, người ta có thể quan sát cùng một lúc tất cả các đặc điểm trên bề mặt trái đất. Chúng ta không chia tách chúng ra và không tuyên bố rằng chúng đại diện cho cuộc “xung đột”. Như vậy là, chúng ta thấy rằng các thuật ngữ mang tính mô tả chỉ nói tới các khu vực, các quan điểm hạn chế, chứ không nói đến tổng thể.

Mở rộng bối cảnh từ định vị hạn chế sang tổng thể bao trùm sẽ tự động giải quyết được những mơ hồ đó. Trong quá khứ, trái đất tròn hay vuông, nó quay quanh mặt trời hay ngược lại đã gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa. Hiện nay khoa học/lý trí hay sự thật và đức tin tôn giáo/tâm linh cũng đang lặp lại những tình huống tiến thoái lưỡng nan giả tạo tương tự như thế. Tuy nhiên, bằng cách mở rộng bối cảnh, sẽ dễ dàng nhận thấy rằng không thể có xung đột thực tế nào như thế trong thực tại và dường như xung đột chỉ là hệ quả nhân tạo của tư duy từ một quan điểm và quan sát tùy tiện và hạn chế (“tạo tác”). Do đó, hạn chế của hệ hình là hệ quả của sự thống trị của cốt lõi ái kỷ của bản ngã, nó hy sinh sự thật và tính chính trực để thấy mình là người chiến thắng. (Khoa học bị giới hạn ở các tầng ý thức từ 400 tới 499; bối cảnh phi tuyến tính, hay thực tại tâm linh, có điểm hiệu chỉnh từ tầng 500 trở lên). Sự hạn chế như thế về tầm nhìn là cực kỳ bất lợi đối với hòa bình và sự tiến bộ của con người, cũng là trở ngại đối với trí huệ và hạnh phúc.

Mong muốn chiến thắng cũng làm mất tính chính trực, như chúng ta có thể thấy trong phiên tòa xét xử Scopes được tính toán và dàn dựng một cách giả tạo, trong đó Clarence Darrow sa vào cuộc tấn công cá nhân William Jennings Bryan chứ không trực tiếp giải quyết các vấn đề cốt lõi, được thảo luận một cách có mục đích (Sears và Osten 2005). Trên thực tế, như chúng ta sẽ thấy, tiến hóa và sáng tạo là một và như nhau (điểm hiệu chỉnh 1.000). Sự khác biệt duy nhất là quan điểm của các mô tả của họ, những quan điểm này chỉ đơn giản là những hạn chế của hệ hình.

Xa rời sự thật thường xuyên gây ra những hậu quả thảm khốc và do đó, không thể coi nó chỉ là sự tò mò về mặt trí tuệ mà thôi. Bản chất bên trong của những xung đột trong phiên tòa Scopes chính là những yếu tố tạo ra những đau khổ của nhân loại trong suốt các thời đại. Dối trá được người ta tuyên truyền dẫn đến những cuộc chiến tranh, chết chóc và hủy diệt trên diện rộng; do đó, hiểu biết về hệ hình và bối cảnh là cực kỳ cấp bách, vì thế giới, một lần nữa, đang đứng trước bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân.

Sự phù phiếm của cốt lõi ái kỷ của bản ngã con người là vô hạn và không có biên giới, thậm chí có thể dẫn đến những vụ diệt chủng rất nhiều người hoặc tự sát. Mặc cho những ảo tưởng ngược lại của bản ngã, nguồn gốc của đau khổ xuất phát từ bên trong cốt lõi mù quáng này của chính bản ngã ái kỷ, nó là nơi đặt quả bom hẹn giờ phát nổ định kỳ và xóa sổ toàn bộ dân cư trên toàn bộ các châu lục. Nếu “vô minh”, như Chúa Jesus, Đức Phật và các đại giác giả mô tả, là nền tảng của tội lỗi và đau khổ, thì khả năng nhận diện và xác nhận sự thật không chỉ là chìa khóa dẫn đến việc cứu rỗi nhân loại mà còn là thách thức cấp bách nhất của con người.

Linh hồn con người suy yếu là do nó phụ thuộc vào cốt lõi ái kỷ. Người ta phủ nhận, kìm nén khiếm khuyết này và giữ một cách lịch sự, cách xa khỏi nhận thức. Tuy nhiên, khiếm khuyết này thể hiện rõ ràng và công khai trong tình trạng gọi là “chứng cuồng ái kỷ mang tính cứu thế”, tầng ý thức 30 (xem Truth vs. Falsehood, Chương 15).

Dối tra là hấp dẫn[2]

Thế giới say mê với những “nguyên nhân” được trình bày một cách màu mè thực ra là dựa trên dối trá. Điển hình cho xu hướng này là sức hấp dẫn quần chúng của các nhà độc tài trên khắp thế giới, tất cả bọn họ, trong quá khứ cũng như hiện nay, có tầng ý thức từ 80 đến 180 (cũng là tầng của tội phạm và tù nhân). Do đó, chế độ độc tài thực ra sự là tội phạm chính trị, được thể hiện một cách rõ ràng bằng việc giết hại bừa bãi tất cả những người đối lập, ngay cả khi họ là người trong cùng gia đình với nhà độc tài. Cơ sở lý luận được đưa ra, trong trường hợp tốt nhất, cũng rất mong manh, chẳng hạn như “kẻ thù của Nhà nước”, “phản đảng”, “không có niềm tin” hoặc bị nghi là trung thành với đảng chính trị hoặc hệ thống tín ngưỡng đối lập. “Lãnh tụ vĩ đại” thế chỗ của Chúa và được tôn thờ theo kiểu sùng bái ngay cả khi ông ta tàn sát dân chúng đang chết đói và làm ra những vụ suy sụp và hủy diệt hàng loạt cho chính dân tộc mình. Vì vậy, không thể phân biệt thật giả là hành động tự sát ở tầng quốc gia và quốc tế.

Xu hướng dễ mắc sai lầm của bản ngã

Vì cảm giác lo lắng về cuộc hiện sinh, tâm trí con người nắm bắt một cách điên cuồng và bừa bãi bất kỳ mẩu thông tin gây tranh cãi nào (ví dụ, các trang blog có điểm hiệu chỉnh ở tầng 180). Tất cả những cái mà người ta cần là ý tưởng hay khẩu hiệu (“meme”), dù nó có ngu ngốc, kỳ quái hay ngụy biện tới mức nào, chỉ cần tạo ra nó rồi sau đó lan truyền bằng bất kỳ hình thức giao tiếp nào. Tốc độ lan truyền tăng lên khi đưa thêm vào cảm xúc và những thứ giật gân, cũng như cường điệu và bóp méo có chủ đích (McGowan 2001). Nếu không có bối cảnh, tầm quan trọng hoặc ý nghĩa sẽ thuộc về người quan sát, cho nên thường thì cùng một thông tin sẽ được người ta diễn giải hoàn toàn trái ngược nhau.

Tác động tai hại của dối trá còn được Internet đẩy đi xa hơn và các phương tiện truyền thông khai thác câu châm ngôn thời thượng, bị thổi phồng về “ngôn luận tự do”, coi đấy là báo cáo “công bằng và bình đẳng”, mà qua đó, ngược đời là dối trá và thù hận lại được coi là đáng tin và có giá trị ngang với sự thật (tương đối luận đạo đức). Nó sẽ làm cho toàn bộ xã hội trở thành “ngu ngốc” (Mosly, 2000; Lasch,1991). Từng cá nhân người nghe hoặc người xem phải sáng suốt (tuy nhiên, 55% người dân Hoa Kỳ và 85% người dân trên thế giới không có năng lực đó).

Tâm trí điên cuồng tìm cách sinh tồn, nó rất dễ bám víu vào cọng rơm chứ không chịu thừa nhận rằng tất các ý kiến chỉ là giả tạm, có tính thăm dò và nhất thời. Bằng cách nhắc đi nhắc lại, các meme lan truyền nhanh chóng chẳng khác gì bệnh truyền nhiễm, và những sai lệch nghiêm trọng, cách xa sự thật sẽ tự lan truyền và tự nó có đã có tính hủy diệt (McGrath, 2006). Dối trá rất nghiêm trọng thường lan truyền không ngừng qua suốt nhiều thế kỷ và có xu hướng xuất hiện trở lại trong những bộ trang phục mới.

Một trong những ví dụ nổi bật nhất là lịch sử của Biên bản của những người cao tuổi có học của Zion (Protocol of the Elders of Zion[3] - Nilus 1897; điểm hiệu chỉnh 90),  trong đó dối trá rất nghiêm trọng dẫn đến thái độ bài Do Thái lan rộng và trở thành nền tảng tuyên truyền của Đức Quốc xã. Nó xuất hiện trở lại dưới dạng những giáo lý sai lầm ở nhiều nước khác nhau, làm cho ngay cả Henry Ford cũng bị ô nhiễm. Đáng kinh ngạc là toàn bộ cuốn sách này đều dựa trên một tác phẩm hư cấu, có tính châm biếm viết bằng tiếng Pháp; tuy nhiên, hiện nay, những giáo lý dối trá tương tự như thế đang được dạy như là “sự thật” thực sự cho học sinh trên khắp vùng Ả Rập (ví dụ, đài truyền hình Hamas) và nó tiếp tục là nguồn gốc của hận thù và chiến tranh (Shea và Hoffman, 2006; “Nỗi ám ảnh”, Fox News, tháng 11 năm 2006).

Biểu hiện cùng với nó là sự tái xuất hiện thường xuyên chủ nghĩa duy vật biện chứng (Marxian) trong vỏ bọc ngụy trang có tính triết học, tu từ học mới (ví dụ, “tiến bộ thế tục”, “Cánh tả mới”), rồi chúng lôi kéo những cơ sở giáo dục, coi thường những yêu cầu cơ bản tối thiểu của logic hay lý trí để trông có vẻ “hậu hiện đại” và tương đối luận hợp thời trang (Goshgarian, 2007; Horowitz, 2006). Horowitz đã bị “Những tên phát xít cánh tả” tước quyền tự do ngôn luận ở Đại học Emory (Fox News, tháng 10 năm 2007). Có những biện pháp cấm đoán mang tính đàn áp đối với quyền tự do ngôn luận (ví dụ, các nhóm sinh viên bảo thủ) trong khuôn viên nhà trường, đây là hậu quả của các lý thuyết triết học của Marcuse và “Lý thuyết phê phán” của ông ta (điểm hiệu chỉnh 150).

Dường như kỳ lạ là, trong khi các hệ tư tưởng lâu đời, có điểm hiệu chỉnh ở các tầng từ 450 đến 499, các trường đại học danh tiếng mời các giáo sư thỉnh giảng, chỉ có điểm hiệu chỉnh tầng ý thức 90 và rao giảng lòng hận thù, thái độ bất dung và ảo tưởng của bệnh hoang tưởng được gói trong các thuyết âm mưu có điểm hiệu chỉnh ý thức ở tầng 90 và đôi khi, thậm chí còn thấp hơn (ví dụ, người ta nói rằng “Hoa Kỳ dàn dựng vụ 11/9” và “Holocaust là huyền thoại”). Vì vậy, ở Đại học Yale, một dàn hợp xướng đến thăm đã bị người ta tấn công về mặt thể xác vì đã hát bài:“God Bless America”, còn trong giới học hàn lâm, người ta đã cấm hát Quốc ca (chính giới hàn đã hạ xuống tầng ý thức 190). Đại học Emory dạy sinh viên rằng, “tất cả người da trắng đều là những kẻ phân biệt chủng tộc và do đó, cần được cải tạo” (Horowitz, 2007).

Mặc dù dối trá dường như có thể được hợp lý hóa, đấy là khi nó xuất hiện như là thuyết âm mưu (điểm hiệu chỉnh 160), nhưng trên thực tế, không ai trong số những người ủng hộ nó một cách mạnh mẽ sẵn sàng chấp nhận tiền giả (giả dối) thay cho tiền hợp pháp (sự thật). Ngược lại, những vị “giáo sư gàn dở”, ảo tưởng chơi trò chơi tài chính (ví dụ, mức lương là 100.000 USD mỗi năm) tương tự như bất kỳ doanh nhân tham lam nào khác (Horowitz 2006, 2007).

Tôn trọng sự thật chính trực, cộng với khả năng nhận biết và xác định dối trá, là mấu chốt trong quá trình tiến hóa của ý thức, cũng như của chính quá trình tiến hóa tâm linh. Những khám phá lớn đã mang lại những cải thiện to lớn trong đời sống của con người. Chỉ trong kiếp này, những căn bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch từng giết chết hàng triệu người trong quá khứ đã hoàn toàn biến mất, đấy là nhờ phát minh ra thuốc kháng sinh và tiêm chủng.

Những cơn rối loạn tâm thần và hoang tưởng mà trong quá khứ được coi là đặc điểm của bệnh tâm thần, bệnh giang mai não hoặc bệnh tâm thần nghiêm trọng, nhưng giờ đây chúng kết hợp thành căn bệnh lan tràn của bản ngã con người và của chính các phương tiện truyền thông, chúng nuôi dưỡng mầm mống của dối trá được truyền bá công khai. Hậu quả của căn bệnh mới cũng nghiêm trọng như căn bệnh cũ, ở chỗ, nó gây ra tai họa cho rất nhiều người vô tội, những người mà bản thân họ không thể phân biệt được thật giả, cho nên đã mù quáng đi theo những lãnh tụ giả mạo. Trong tất cả các cuộc chiến tranh, dân thường là những người bị thiệt hại nhiều nhất; dối trá dẫn đến nạn đói, tàn phá, thống khổ, đau khổ, diệt chủng và tử vong trên diện rộng.

Bản ngã ngây thơ cũng dễ bị những lời nói vô vị (điểm hiệu chỉnh 185) đánh lừa và những ảo tưởng viển vông về cái gì là vấn đề thực sự nghiêm trọng, chẳng hạn như chiến tranh. Thế giới ngây thơ dựa vào những câu chuyện hư cấu và giải pháp giả mạo có tính ý thức hệ, chẳng hạn như Liên Hợp Quốc (điểm hiệu chỉnh 180), cũng như những lời nói tẻ nhạt đến mức “tổ chức thế giới” bị thổi phồng về mặt ý thức hệ thậm chí không thể tự mình lên án cuộc chiến tranh công khai hay nạn diệt chủng công khai. Một nhược điểm khác của những giải pháp giả là chúng chặn trước và ngăn cản quá trình tìm kiếm những giải pháp thực tế dựa trên sự thật có thể kiểm chứng được. Bằng những lời lẽ ngụy biện về “sự tương đương về mặt đạo đức” (điểm hiệu chỉnh 170), bất kỳ hành động nào cũng có thể được biện minh và thúc đẩy bằng cách bóp méo theo lối dối trá không chỉ sự kiện, mà quan trọng hơn, bóp méo bối cảnh.

Hiệu ứng mang tính thôi miên của hình ảnh

Tất cả những nhà cai độc tài hiện nay trên thế giới cũng như những người đứng đầu các quốc gia bất hảo đều có điểm hiệu chỉnh trong khoảng gần đúng từ 80 đến 180. Tất cả những thứ bất lợi đối với xã hội, gây tổn hại về văn hóa và thoái hóa đều có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200. Những xu hướng như vậy được thúc đẩy là do kết quả của những hình ảnh làm gia tăng động lực bằng cách phổ biến thông qua các nhân vật nổi tiếng, những người điên cuồng chạy tới để được chụp ảnh, còn mình thì ôm hôn những kẻ độc tài.

Không có hiệu chỉnh ý thức, rất khó phân biệt tự do (freedom) và tự do (liberty) với cám dỗ của phóng túng. Bất kỳ ham mê và tất cả ham mê khoái lạc của các giác quan, dù thô thiển đến mức nào, ví dụ, bài giảng cho sinh viên ở Colorado (điểm hiệu chỉnh 180) về đề tài “Dùng ma túy và quan hệ tình dục không an toàn” (tháng 6 năm 2007) có thể được hợp lý hóa bằng cách phổ biến rộng rãi hoặc tình trạng thất thường của tòa án (Flynn, 2004).

Nếu không được trợ giúp, tâm trí của con người không thể phân biệt được thật giả, vì nó rất dễ bị vẻ ngoài giả nhân giả nghĩa, được chế tác một cách khéo léo với vẻ hào nhoáng của hình ảnh và cách thể hiện đánh lừa. (Thú vị, “con sói đội lốt cừu” có điểm hiệu chỉnh đáng ngại là 120). Nhiều nhà lãnh đạo khác nhau đã xây dựng được hình ảnh (tri giác) và danh tiếng trước công chúng, không cho người ta nhận biết thực tại ở phía sau (bản chất). Ngoài ra, để làm cho tình hình thêm phức tạp, nhiều nhân vật của công chúng ban đầu là những người chính trực, nhưng sau đó không thể đứng vững trước danh tiếng và chứng hoang tưởng, làm cho tầng ý thức rơi xuống mà công chúng không hề hay biết.

Việc “quyền lực làm tha hóa” là sự thật hiển nhiên có thể kiểm chứng được, và tầng ý thức của nhiều nhân vật dường như là vĩ đại trên thế giới đã suy giảm rất nghiêm trọng. Từ Napoléon đến Hitler cho đến những nhà độc tài trong giai đoạn hiện nay và những người được cho là “những chiến sỹ giải phóng” và những nhà lãnh đạo nổi tiếng trong giai đoạn hiện nay, tất cả đều đã trở thành những người đối lập với chính họ. Trong quá khứ, người giải phóng trong ngày hôm nay sẽ là kẻ cai trị độc tài của ngày mai. Đặc biệt là, ngay từ đầu sự nghiệp, nhiều người trong số họ có điểm hiệu chỉnh cao tới mức 400, nhưng sau đó giảm xuống bên dưới tầng 200. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trong các nền văn hóa cổ đại, cũng như trong những giai đoạn gần đây - thoái hóa thành vô số vụ bê bối công khai.

Có những nền văn hóa, trong đó bắt chước sự uyên bác và tiến bộ về tâm linh hoàn hảo đến mức phải có chuyên môn trong kỹ thuật hiệu chỉnh ý thức thì mới phát hiện được sự khác biệt. Internet cũng tung ra những lời gạ gẫm bất tận để mời người ta tham gia nhiều chương trình tự nhận là tâm linh với những lời hứa hẹn vô căn cứ về chứng ngộ ngay lập tức. Lưu ý rằng tất cả những hiện tượng này đều đòi khoản phí khá lớn, với những “phước lành” hoặc “quyền hạn” rất đặc biệt được bán với giá từ 5.000 đôla trở lên. Những lời dụ dỗ như thế phục vụ cho ái kỷ của bản ngã tâm linh là khá rõ ràng và do đó, thực sự sẽ làm người ta tự chuốc lấy thất bại.

Đối với bản ngã ngây thơ, dễ bị ấn tượng, chỉ cần sự kiện là một người nào đó hoặc một cách tư duy nào đó nổi lên hoặc được chú ý hoặc tin tức mang tới bầu không khí đáng tin cậy, huyền bí, kỳ diệu, quyến rũ, có lẽ được củng cố thêm bằng danh hiệu nghe có vẻ quan trọng là đủ.

Những biện pháp bảo vệ

Bằng thái độ khiêm tốn ở bên trong cộng với trí tuệ, người tìm kiếm sự thật nhận thức được những hạn chế cố hữu của tâm hồn con người và không còn dựa vào cái tôi cá nhân dễ bị ảnh hưởng, không coi nó là trọng tài duy nhất của sự thật nữa. Sự kiện là thái độ được xây dựng trên thực tại có thể xác nhận được là bằng chứng rõ ràng rằng người đó nhận ra, như đã nói bên trên, khoảng 85% người dân trên thế giới có điểm chỉnh dưới tầng 200. Nó tạo ra 92% những vấn đề của con người nói chung. Ở Mỹ, 55% người dân nằm ở tầng dưới 200; họ đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực với tỷ lệ tương tự đối với xã hội.

Nói chung, các nhóm dân cư có xu hướng phân tầng trong xã hội, còn nhóm văn hóa có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200 được định nghĩa là đang sống trong một “thực tại thay thế” (Pitts, 2004) của “thực tại khiếm khuyết” (Marzeles, 2007). Thậm chí những tổ chức chính trực cũng có thể có những người không chính trực và những lĩnh vực hoạt động có khiếm khuyết. Tuy nhiên, các tổ chức có trách nhiệm và chính trực thực sự có xu hướng tự sửa chữa; do đó, không nhất thiết phải lúc nào cũng hoàn hảo mà cần phải đáp ứng. Trung thực thừa nhận sai lầm và nhận trách nhiệm sửa chữa. Toàn thể nhân loại và các tổ chức của nó đang trong quá trình học tập để thái độ khoan dung trước lỗi lầm của con người là phù hợp hơn chứ không phải là tố cáo. (Trong thần học Kitô giáo, “tội lỗi” thực ra là lỗi kỹ thuật).

Giải pháp

Trong khi những chủng tử của tự lừa dối ẩn sâu trong tâm trí của con người thì lại có những chủng tử của cứu rỗi không nhìn thấy được, nhưng là bẩm sinh trong chính trường ý thức. Bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu ý thức, giờ đây có thể vượt qua những hạn chế cố hữu của tâm trí và phân biệt được bản chất với hình thức bên ngoài. Sau đó, nó cung cấp cho chúng ta những phương tiện để có thể giải quyết những bí ẩn của tâm trí con người, từng được Socrates và Descartes phát biểu một cách chính xác và theo lối kinh điển và được thể hiện rõ trong phiên tòa Scopes. Thời đại Thông tin, mặc dù đang có xu hướng truyền bá những thông tin sai lầm, nhưng đáng ngạc nhiên là, nó cũng cung cấp phương tiện phân biệt sự thật (bản chất) với vẻ ngoài (giả dối), với hàm ý rõ ràng và sâu sắc, lợi ích tiềm tàng cho mọi khía cạnh của đời sống con người, trong đó có hạnh phúc cá nhân.

Kiến thức của con người đã có nhiều tiến bộ trong suốt những thời đại đã qua đã tạo ra thái độ hoài nghi ban đầu hay thậm chí là chế giễu.

Vì vậy, linh hồn con người luôn ở trong tình trạng nước đôi trước bất kỳ khám phá mới nào, vì nó đòi hỏi phải thay đổi quan điểm và thách thức những quan điểm mà người ta ấp ủ trong lòng.



[1] Chuỗi sinh vật vĩ đại là một cấu trúc theo bậc của mọi vật chất và sự sống, mà Kitô giáo thời Trung cổ cho là do Chúa ban hành. Chuỗi bắt đầu từ Chúa và đi xuống qua các thiên thần, con người, động vật và thực vật tới khoáng sản - ND.

[2] Dịch thoát ý từ Pied Piper. Pied Piper là chàng thổi sáo xứ Hameln: Truyền thuyết thời Trung đại, kể rằng năm 1284, thị trấn Hameln trải qua một trận dịch chuột, do không thể chống lại bọn chuột nên thị trưởng đã treo thưởng một nghìn đồng vàng cho ai đuổi được chuột. Ngày hôm sau có một chàng trai đến và thổi sáo dẫn dụ lũ chuột lần lượt nhảy xuống dòng sông Weser. Khi làm xong, chàng trai đến nhận thưởng thì chỉ được đưa 50 đồng vàng. Quá tức giận, vào ngày lễ thánh John và Paul, người lớn đều tập trung ở nhà thờ Hamelin, chàng trai đã thổi sáo dẫn dụ tất cả trẻ em trong làng đi theo ra sau núi rồi biến mất. Chỉ còn ba đứa trẻ bị điếc, què và câm là ở lại. Nguyên nhân những đứa trẻ mất tích có thể là do bão hoặc giống như đàn chuột lúc trước - ND.

[3] The Protocols of the Elders of Zion - Biên bản của những người cao tuổi có học của Zion - là ấn phẩm bài Do Thái khét tiếng nhất và được truyền bá rộng rãi nhất trong thời hiện đại. Những lời nói dối của nó về người Do Thái, bịa ra kế hoạch thống trị toàn cầu của người Do Thái đã bị mất uy tín nhưng vẫn tiếp tục lan truyền, đặc biệt là trên Internet. Các cá nhân và nhóm đã sử dụng các Giao thức này đều liên kết với nhau bởi một mục đích chung: gieo rắc lòng căm thù người Do Thái - ND


2 comments:

  1. Wow, chương này hay quá bác Trường ơi. Đoạn nào trong chương đọc cũng thẩm thấu hết là cũng nhờ bác Trường dịch rất là dễ hiểu, dễ vô đầu và dễ thẩm thấu nữa. Cháu thật sự vui vì mỗi ngày đầu giờ đều được mở blog của bác xem bài dịch mới của tiến sĩ Hawkins, có lẽ trường năng lượng các đầu sách của tiến sĩ đã thấm vào con người cháu nên cháu rất mê đọc và trình độ cũng được tự nâng lên để có thể đọc được nhiều tác phẩm của ngài ạ. Cháu cảm ơn bác Trường.

    ReplyDelete