March 6, 2023

Tóm tắt tác phẩm Scribsheet

 Giới thiệu chung

 


Có thể đọc tại đây: https://tiasach.com/sach/gioithieu/cribsheet

Cribsheet (2019) trình bày quan điểm độc đáo và thấu triệt về nuôi dạy con từ thuở ấu thơ – đây là quan điểm của một nhà kinh tế học. Tập trung vào việc ra quyết định, phân tích chi phí và lợi ích, đánh giá rủi ro và giải thích dữ liệu, môn kinh tế học cung cấp khuôn khổ hữu ích đáng ngạc nhiên để suy nghĩ về những quyết định khó khăn mà những người mới làm cha mẹ phải đưa ra trong quá trình nuôi dạy những đứa con bé bỏng của mình.

Về tác giả

Emily Oster là giáo sư kinh tế tại Đại học Brown, với bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard. Bà là tác giả của cuốn sách có tính khiêu khích và gây tranh cãi Expecting Better: Why the Conventional Pregnancy Wisdom is Wrong – and What You Really Need to Know. (Tạm dịch: Mong đợi tốt hơn: Tại sao trí tuệ khi mang thai thông thường là sai – và những gì bạn thực sự cần biết). Bà đã và đang viết cho The New York Times, The Wall Street Journal, Forbes và Esquire, và là diễn giả tại hội nghị TED (Technology, Entertainment, Design) năm 2007.

Tôi học được gì? Bạn sẽ nhận được một bản tham khảo nhanh, giúp vượt qua một trong những bài kiểm tra quan trọng nhất của cuộc đời trưởng thành: sinh con.

 

Để khỏi phải học thuộc lòng quá vất vả, nhiều sinh viên sử dụng cribsheet: một mảnh giấy nhỏ ghi thông tin hữu ích cho kỳ thi. Thông tin có thể bao gồm các sự kiện cụ thể cho đến các nguyên tắc chung về chủ đề mà họ phải vượt qua trong kỳ kiểm tra. Dấu trong tay, cribsheet cung cấp cho sinh viên kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả, giúp họ thu được thành công – theo lối gian lận – trên con đường học vấn. Để đạo đức sang một bên, thì đó là một thủ thuật hữu ích.

Giá sử như chúng ta có thể dễ dàng vượt qua những thử thách mà cuộc đời trưởng thành buộc chúng ta phải đi qua – đặc biệt là những thử thách khó khăn nhất, chẳng hạn như sinh con và nuôi dạy chúng trong những năm đầu đời. Cribsheet dành cho việc nuôi dạy con cái – lúc này sẽ hữu ích! Hãy tưởng tượng bạn có một bộ nguyên tắc hướng dẫn trong tầm tay, sẵn sàng được áp dụng cho bất kỳ quyết định khó khăn nào trong việc nuôi dạy con mà bạn cần.

Vâng, nhà kinh tế học Emily Oster có chính cái đó, và những tia sách này sẽ cung cấp cho bạn cribsheet của bà ấy! Nhưng xin đợi một chút – cribsheet về cách nuôi dạy con dựa trên ý tưởng của một nhà kinh tế học ư? Không phải là bác sĩ nhi khoa hay nhà tâm lý học trẻ em ư? Nghe có vẻ như là một sự kết hợp kỳ quặc. Nhưng nó thực sự có nhiều ý nghĩa hơn là bạn nghĩ.

Trong những tia sách này, bạn sẽ học được

  • làm sao mà tư duy kinh tế có thể giúp bạn đưa ra những quyết định khó khăn trong việc nuôi dạy con;
  • vì sao nghiên cứu đáng ngờ lại đưa ra những lời khuyên về nuôi dạy con; và
  • cần nhìn vào đâu trong quá trình tìm kiếm nghiên cứu đáng tin cậy nhất.

Tia sách 1

Quyết định trong quá trình nuôi dạy con là công việc khó khăn.

 

Thế giới của những lời khuyên về nuôi dạy con là nơi vô cùng khó hiểu, đầy những ý kiến trái ngược nhau về việc làm gì và làm như thế nào.

Nếu bạn là những ông bố, bà mẹ trẻ, điều đó càng đúng ngay trong những bước đầu tiên, khi bạn đứng trước những câu hỏi và quyết định quan trọng khi em bé vừa chào đời. Ví dụ, nếu em bé mới sinh là con trai, bạn có nên cắt bao quy đầu cho bé? Và nếu bạn là mẹ, bạn có nên ở “chung phòng” với bé ngay sau khi sinh – nghĩa là để bé ngủ cùng bạn trong phòng bệnh viện của bạn? Hay nên đưa bé tới nhà trẻ của bệnh viện?

Bạn có thể nhận được những câu trả lời hoàn toàn trái ngược nhau cho những câu hỏi kiểu như thế, nó phụ thuộc vào việc bạn đã hỏi những bạn bè, thành viên gia đình, bác sĩ, nhà báo hoặc diễn đàn trực tuyến nào. Ví dụ, một số người sẽ nói rằng bạn nhất định phải cắt bao quy đầu; nó sẽ có lợi về mặt y tế. Nhưng một số người khác lại bảo rằng, nguy hiểm và không cần thiết.

Sự kiện càng làm cho vấn đề rắc rối thêm là cả hai bên thường có đủ kiểu bằng chứng ủng hộ cho lập trường của mình, từ các nghiên cứu khoa học được các chuyên gia đánh giá và các sự kiện sinh học đã được xác minh cho tới các giai thoại cá nhân và bài báo mà dì của bạn đã lờ mờ nhớ là đọc cách đây mấy năm.

Tệ hơn nữa, người ta không chỉ đưa ra lời khuyên một cách cách trung lập, có thể chấp nhận hoặc bỏ qua. Mà thay vào đó, họ đưa ra với những phán xét đạo đức như chém đinh chặt sắt. Ví dụ, nếu bạn là mẹ, thì không chỉ một số người nghĩ rằng bạn nên nuôi con bằng sữa mẹ vì những lợi ích thực sự cao hơn hẳn bất lợi; nhiều người còn cho rằng bạn là người mẹ quá tồi nếu bạn cho con mình bú sữa ngoài.

Lúc này, nó sẽ tạo ra rất nhiều bối rối và áp lực mà bạn phải giải quyết, đấy là nói ngay cả trong những trường hợp bình thường – nhưng sau khi bạn hoặc bạn đời của bạn sinh con, bạn có thể thiếu ngủ, căng thẳng và kiệt sức. Trong khi đó, bạn sẽ cảm thấy cổ phần quá cao. Xét cho cùng, bạn đang cố gắng đảm bảo sự sống còn và phúc lợi của một sinh linh nhỏ bé mong manh đột nhiên trở thành con người quan trọng nhất trong cuộc đời mình.

Vì vậy, khi bạn đứng trước những câu hỏi như có nên cho con bú hay không, cắt bao quy đầu hoặc ở chung phòng với em bé, làm sao tâm trí mệt mỏi của bạn tìm được câu trả lời nào là đúng?

Vâng, nếu bạn tiếp cận những câu hỏi kiểu này với tư cách là một nhà kinh tế học, bạn sẽ thấy rằng câu trả lời ngắn gọn là không bao giờ có bất kỳ câu trả lời “đúng” nào hết. Hay, nói chính xác hơn, đơn giản là câu hỏi đã bị đặt sai ngay từ đầu!

Tia sách 2

Kinh tế học có thể giúp chúng ta nhận thức được rằng quyết định trong quá trình nuôi dạy con là mang tính cá nhân.

 

Mới nhìn, dường như không có nhiều điểm chung giữa bộ môn kinh tế học hàn lâm khô khan và nhiệm vụ thực tế, hoàn toàn mang tính cá nhân là nuôi dạy con. Nhưng trên thực tế, hai lĩnh vực này có khá nhiều phần chồng chéo lên nhau.

Nuôi dạy con là đưa ra những quyết định khó khăn, và ra quyết định là một trong những khía cạnh chính của môn kinh tế học hiện đại. Ví dụ, các nhà kinh tế học đặt câu hỏi: Giả dụ được lựa chọn giữa hai dịch vụ, làm sao quyết định được sẽ mua dịch vụ nào?

Đối với nhà kinh tế học, quyết định phụ thuộc vào một vài yếu tố. Trước hết, có những chi phí và lợi ích của các lựa chọn liên quan, các nhà kinh tế học gọi là “đầu vào”. Đầu vào gồm bằng tiền và không bằng tiền, nhưng xin bắt đầu với đầu vào bằng tiền, vì chúng là những biến số đơn giản, dễ nắm bắt và định lượng.

Hãy tưởng tượng bạn có đủ khả năng để thuê bảo mẫu và bạn đang cố gắng quyết định giữa việc thuê bảo mẫu và gửi con vào nhà trẻ. Bạn nên chọn phương án nào? Vâng, bảo mẫu có lẽ đắt hơn nhà trẻ, vì vậy về tài chính, nhà trẻ có thể là lựa chọn tốt hơn.

Nhưng vấn đề ở đây là: tiền có quan trọng với bạn hay không và quan trọng tới mức nào lại phụ thuộc vào hoàn cảnh và sở thích của bạn. Nếu bạn là một người trung lưu không có nhiều thu nhập sau thuế, sự khác biệt về giá giữa hai lựa chọn có thể là quan trọng đối với bạn – trong khi nếu bạn là người giàu, điều đó có thể không đáng kể.

Nhưng còn đầu vào không phải bằng tiền thì sao? Vâng, nếu bạn là người thuộc tầng lớp trung lưu, những người thực sự thích dịch vụ bảo mẫu riêng chứ không thích gửi nhà trẻ, thì đối với bạn, việc không thuê bảo mẫu là chi phí không phải bằng tiền. Hoặc có thể các cơ hội xã hội mà nhà trẻ có thể mang lại cho con bạn là quan trọng đối với bạn – thì việc từ bỏ nhà trẻ là một trong những chi phí cho việc thuê bảo mẫu.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta giả định rằng các yếu tố đầu vào bằng tiền và không bằng tiền là giống nhau đối với bất kỳ ông bố/bà mẹ nào quyết định giữa nhà trẻ và bảo mẫu? Vâng, ngay cả khi những thông tin đầu vào giống nhau, những người khác nhau có thể, sẽ và nên đưa ra các quyết định khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh và sở thích của họ làm cho họ cân nhắc mọi thứ như thế nào.

Nói cách khác, từ quan điểm kinh tế học, không có quyết định nào đúng cho tất cả mọi người. Một quyết định có thể đúng với người này và sai với người khác, trong khi đối với quyết định ngược lại thì cũng thế. Tất cả phụ thuộc vào sở thích và hoàn cảnh cá nhân của người ta, cùng với cách thức những thứ đó kết hợp với các lựa chọn mà người ta có thể đưa ra.

Tia sách 3

Lập luận kinh tế học có thể cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ hữu ích cho việc ra quyết định trong quá trình nuôi dạy con.

 

Nếu kinh tế học hiện đại là đúng, thì sẽ không có câu trả lời đúng duy nhất khi bạn đưa ra quyết định dựa trên sở thích và hoàn cảnh của mình. Nhưng, làm sao có cribsheet để nuôi dạy con?

Vâng, bạn có thể không có sẵn tất cả các câu trả lời khi thực tại thử thách bạn với tư cách là cha mẹ, nhưng bạn có thể trang bị cho mình một khuôn khổ chung để đưa ra quyết định, mà vai trò làm cha mẹ buộc bạn phải làm. Khuôn khổ này có thể được chia thành một vài bước.

Để bắt đầu, hãy xác định chi phí và lợi ích liên quan đến những lựa chọn mà bạn đang gặp. Ví dụ, giả sử bạn đang cố gắng quyết định giữa việc quay lại làm việc hay ở nhà chăm con sau khi sinh. Chi phí và lợi ích của hai lựa chọn này là gì?

Vâng, điều đó phụ thuộc vào các ưu tiên của bạn. Nếu bạn nghĩ trước hết đến con mình, thì có lẽ bạn đang băn khoăn về tác động của quyết định đối với sự phát triển trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành sau này của con. Lựa chọn nào sẽ làm cho bé hạnh phúc hơn hoặc thành công hơn trong dài hạn? Đây là một câu hỏi mang tính thực nghiệm; câu trả lời có thể được xác minh bằng cách xem các công trình nghiên cứu khoa học theo dõi kết quả phát triển của trẻ khi cha mẹ ở nhà so với việc họ đi làm.

Còn nếu bạn đang nghĩ đến mình, thì có lẽ bạn đang tự hỏi về tác động của hai lựa chọn này đối với hạnh phúc và thành công của mình. Ở nhà sẽ làm suy yếu sự nghiệp của bạn hoặc khiến bạn cảm thấy chán con? Hay quay trở lại làm việc sẽ khiến bạn cảm thấy như đang bỏ lỡ trải nghiệm làm cha mẹ một cách trọn vẹn? Đây là những câu hỏi phần nào đó mang tính kinh nghiệm, nhưng chúng cũng mang tính chủ quan; câu trả lời tùy thuộc vào cảm nhận của bạn về việc làm cha mẹ và bạn muốn dành thời gian cho con mình tới mức độ nào.

Cuối cùng, nếu bạn nghĩ đến ngân sách của gia đình, thì bạn đang cố gắng xác định điểm mấu chốt. Đây là câu hỏi kinh tế học; câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào các tính toán bằng tiền. Ví dụ, bạn sẽ kiếm được bao nhiêu thu nhập nếu quay lại làm việc?

Sau khi xác định câu trả lời cho từng phiên bản khác nhau của câu hỏi ban đầu, bạn phải tính đến sở thích và hoàn cảnh của mình khi cân nhắc. Sau đó, bạn có thể đưa ra quyết định. Nhưng tất cả những cái này, nói dễ hơn làm, vì những lý do mà chúng ta sẽ xem xét trong tia sách tiếp theo.

Tia sách 4

Áp dụng khuôn khổ ra quyết định kinh tế vào việc nuôi dạy con liên quan đến việc đánh giá được và mất.

 

Khi áp dụng khuôn khổ ra quyết định của một nhà kinh tế học cho những lựa chọn khó khăn mà cha mẹ cần đưa ra, không có chủ đề nào có vẻ khô khan hơn là tài chính. Lựa chọn nào sẽ mang lại nhiều tiền hơn trong tài khoản ngân hàng của bạn – quay trở lại làm việc hay ở nhà với con? Một số tính toán đơn giản có thể trả lời câu hỏi đó một cách khá dễ dàng.

Nhưng ngay cả ở đây, bản chất và tầm quan trọng của câu trả lời sẽ thay đổi rất nhiều, tùy thuộc vào hoàn cảnh và sở thích của bạn, nó sẽ định hình những được-mất của bạn. Đến lượt mình, những được-mất đó sẽ phụ thuộc vào một cặp khái niệm kinh tế học, gọi là chi phí cơ hội và giá trị biên. Xin minh họa những ý tưởng này thông qua một ví dụ giả định.

Hãy tưởng tượng bạn không có người thân chăm sóc em bé và bạn sống ở một đất nước không có dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí. Muốn quay trở lại làm việc, bạn sẽ phải trả tiền cho nhà trẻ hoặc bảo mẫu.

Có nghĩa là nếu lương của bạn thấp và chi phí chăm sóc trẻ em trong khu vực của bạn cao, bạn thực sự có thể mất tiền khi quay lại làm việc. Ngược lại, nếu thu nhập của bạn lớn hơn chi phí chăm sóc con, việc quay trở lại làm việc sẽ cải thiện tình hình tài chính của bạn – nhưng có lẽ không nhiều. Ví dụ, nếu bạn kiếm được 25.000 đôla một năm khi đi làm trở lại và chăm sóc trẻ em sẽ lấy mất của bạn 18.000 đôla một năm, thì bạn sẽ chỉ kiếm được 7.000 đôla.

Nếu bạn cần khoản 7.000 đôla đó, hoặc bạn yêu thích công việc của mình hoặc bạn chỉ muốn có thời gian để trở thành một người trưởng thành độc lập, không phải ở bên cạnh con, thì bạn nên quay lại làm việc. Nhưng nếu bạn không cần khoản tiền đó và bạn đánh giá cao việc dành càng nhiều thời gian cho con mình càng tốt, thì 7.000 đôla có lẽ là không đáng kể. Chi phí cơ hội của việc dành thời gian cho con sẽ cao hơn giá trị biên của khoản tiền 7.000 đôla bổ sung mà bạn kiếm được khi quay lại làm việc.

Nhưng, một lần nữa, có lẽ bạn có thể sử dụng 7.000 đôla đó để đi nghỉ hoặc tiết kiệm để nghỉ hưu. Tùy thuộc vào mức độ bạn coi trọng những thứ đó so với việc dành thời gian cho con, lợi ích cũng có thể lớn hơn chi phí.

Như chúng ta sẽ thấy trong tia sách tiếp theo, lý do tương tự như thế cũng có thể được áp dụng cho những được-mất không tính bằng tiền.

Tia sách 5

Áp dụng khuôn khổ ra quyết định kinh tế vào việc nuôi dạy con cũng liên quan đến đánh giá rủi ro.

 

Với nhiều quyết định nuôi dạy con, việc cân nhắc những rủi ro và lợi thế tiềm tàng của lựa chọn này so với lựa chọn khác, theo lý thuyết, là quá trình rất duy lý. Bạn chỉ cần đặt những rủi ro ở một bên trong thang đo trong tâm trí của mình và bên kia là lợi thế, sau đó xem bên nào nặng hơn, thì, quyết định đã được đưa ra rồi!

Tuy nhiên, trong thực tế, cảm xúc của chúng ta có thể dễ dàng xáo tung mọi suy nghĩ của chúng ta. Đó là do, đặt con cái của chúng ta vào bất kỳ rủi ro nào cũng có xu hướng gây ra phản ứng hoảng sợ, giật mình trong tâm trí chúng ta.

Cân nhắc quyết định có nên ngủ chung giường với con hay không. Nếu làm như thế, bạn đang đặt con mình vào tình thế nguy hiểm. Bạn có thể lăn lên người bé và đè bẹp cơ thể nhỏ bé của bé, hoặc bé có thể vướng vào ga trải giường của bạn và chết ngạt. Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng trẻ sẽ có nguy cơ mắc Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, hay SIDS là khá cao – đây là hiện tượng bi thảm. trẻ sơ sinh chết một cách bất ngờ mà không tìm được lý do rõ ràng.

Khi nghe về rủi ro này, bạn có thể nghĩ, “Được rồi, có vẻ khá rõ ràng rồi; tôi không nên ngủ chung giường với con”. Nhưng liệu bạn có nói như vậy về việc lái xe ô tô có mang theo em bé? Có lẽ là không – nhưng nguy cơ trẻ sơ sinh tử vong do tai nạn xe hơi cao hơn đáng kể so với trẻ ngủ chung giường: tương ứng là 0,20 so với 0,14 trên 1.000 ca sinh.

Tuy nhiên, 0,14 trên 1.000 ca sinh là rủi ro – nhưng cuộc sống thì không thể tránh khỏi rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên tránh nó. Câu hỏi đặt ra là liệu đó có phải là một rủi ro đáng để chấp nhận hay không. Và bây giờ, bạn có thể dự đoán câu trả lời: điều đó phụ thuộc vào sở thích của bạn và cách chúng khiến bạn cân nhắc giữa lợi ích và chi phí (tiềm tàng) mà rủi ro gây ra.

Lợi ích của việc ngủ chung giường là gì? Vâng, cái chính không dành cho em bé của bạn; nó dành cho bạn, những người làm cha mẹ. Nếu bạn là một bà mẹ đang cho con bú và con bạn thức dậy vào nửa đêm, bạn không cần phải thức dậy để cho bé bú. Bạn chỉ cần lăn qua, chăm sóc bé và để bé ngủ tiếp. Kết quả là chính bạn có thể sẽ ngủ được nhiều hơn.

Thiếu ngủ là vấn đề rất phổ biến ở những người làm cha mẹ và nó có thể dẫn đến trầm cảm, vì vậy, đó là lợi ích đáng kể. Nhưng liệu nó có lớn hơn những rủi ro của việc ngủ chung hay không còn tùy thuộc vào mức độ bạn coi trọng sự thuận tiện, giấc ngủ và sức khỏe của bạn so với sự an toàn của em bé.

Tia sách 6

Công trình nghiên cứu cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định của cha mẹ rất phức tạp vì có nhiều biến số gây nhiễu.

 

Các biến số trong quá trình ra quyết định của cha mẹ có thể được chia thành hai cột. Trong cột mang tính chủ quan hơn, cá nhân hơn: sở thích và hoàn cảnh. Rồi đến cột thực tế, mang tính kinh nghiệm hơn: chi phí và lợi ích của các tùy chọn mà bạn đang chọn.

Bạn sẽ nghĩ rằng nhóm thứ nhất sẽ mơ hồ hơn, trong khi nhóm thứ hai sẽ rõ ràng hơn. Nhưng trên thực tế, mọi thứ thường diễn ra theo chiều ngược lại. Việc xác định sự kiện có thực về những rủi ro và lợi ích tiềm tàng của việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể là khá khó. Và đó không phải là bất chấp thực tế, mà vì thực tế là có rất nhiều nghiên cứu khoa học nói về chủ đề này.

Đây là vấn đề: phần lớn các công trình nghiên cứu đó tập trung vào việc thu thập dữ liệu về cách nuôi dạy con tương quan với kết quả mà chúng tạo được ảnh hưởng lên những đứa trẻ. Ví dụ, có nhiều nghiên cứu cho thấy tương quan giữa việc cho con bú với chỉ số IQ của trẻ. Những nghiên cứu này phát hiện ra rằng trẻ bú sữa mẹ có xu hướng có chỉ số IQ cao hơn trẻ không bú mẹ - chính xác là cao hơn trung bình 7 điểm.

Nhưng, như người ta vẫn nói, tương quan không nhất thiết là quan hệ nhân quả. Chỉ vì hai sự kiện như cho con bú và chỉ số IQ cao hơn thường được tìm thấy trong cùng một đứa trẻ không có nghĩa là cái này là nguyên nhân của cái kia. Có thể có thêm các biến gây nhiễu liên quan – các biến chung cho cả việc cho con bú và chỉ số IQ, đồng thời cung cấp mối liên hệ nhân quả thực sự giữa hai sự kiện này. Ví dụ, ở hầu hết các xã hội phát triển, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ thường có chỉ số IQ, thu nhập và trình độ học vấn cao hơn những phụ nữ không nuôi con bằng sữa mẹ. Mỗi biến số đó cũng liên quan đến chỉ số IQ cao hơn ở trẻ em.

Bây giờ, nếu bạn là nhà nghiên cứu, bạn có thể cố gắng điều chỉnh các biến này khi phân tích dữ liệu của mình. Chẳng hạn, để điều chỉnh biến giáo dục, bạn chỉ có thể so sánh con của những bà mẹ có cùng trình độ học vấn. Các nhà nghiên cứu càng điều chỉnh nhiều biến số, họ càng tìm thấy ít tương quan giữa việc cho con bú và chỉ số IQ cao hơn.

Sau khi điều chỉnh tất cả các biến số mà họ có thể xác định được, một số nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy tương quan mong manh giữa hai sự kiện này – nhưng một số hoài nghi đã được đưa ra.

Thực tại là vô cùng phức tạp, với vô số biến số liên quan trong bất kỳ một loạt hiện tượng nào đó. Nếu tương quan giữa việc cho con bú và chỉ số IQ giảm đi với mỗi biến số bổ sung mà bạn điều chỉnh, thì nhiều khả năng là – khả năng bạn đã điều chỉnh cho mọi biến số có thể hiểu được và thực sự có liên hệ nhân quả giữa hai yếu tố này hoặc khả năng đơn giản là có nhiều biến số hơn là bạn có thể nghĩ đến và điều đó sẽ làm giảm tương quan hơn nữa, đến mức cuối cùng nó biến mất hoặc trở nên không đáng kể?

Có lẽ tương quan là không đáng kể.

Tia sách 7

Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trên quy mô lớn cung cấp dữ liệu đáng tin cậy nhất cho việc ra quyết định của cha mẹ.

 

Nếu bạn muốn quy trình ra quyết định nuôi dạy con dựa trên bằng chứng, bạn nên xem xét những công trình nghiên cứu khoa học hiện có về các lựa chọn mà bạn đang cân nhắc – nhưng khi làm như thế, bạn nên nhớ rằng không phải tất cả các công trình nghiên cứu đều có giá trị như nhau. Cách làm này dẫn chúng ta đến sự kiện quan trọng khác trong việc áp dụng lập luận kinh tế vào quá trình ra quyết định nuôi dạy con: cân nhắc không chỉ các lựa chọn của bạn mà còn cân nhắc cả những bằng chứng cung cấp thông tin cho những lựa chọn đó.

Như chúng ta vừa thấy, tất cả các công trình nghiên cứu đều lộn xộn vì có các biến số gây nhiễu và có khả năng là có những biến số mà các nhà nghiên cứu đơn giản là không xác định được và không đặt đúng vị trí. Nhưng một số công trình nghiên cứu giải quyết vấn đề này tốt hơn những công trình nghiên cứu khác.

Nếu họ cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học chẳng khác gì Thế vận hội, những thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát trên quy mô lớn sẽ giành được huy chương vàng. Muốn tiến hành thử nghiệm như thế khi nghiên cứu về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cần tuyển dụng một số lượng lớn các bà mẹ và chia ngẫu nhiên họ thành hai nhóm: nhóm nghiên cứu gồm các bà mẹ cho con bú và nhóm đối chứng gồm các bà mẹ không cho con bú.

Vì bạn đã chọn ngẫu nhiên các bà mẹ, các bà mẹ của nhóm nghiên cứu sẽ có xu hướng có các đặc điểm trung bình giống như các bà mẹ của nhóm đối chứng. Sự khác biệt duy nhất là họ có cho con bú hay không. Do đó, bạn có thể kiểm tra biến này và chỉ kiểm tra biến này mà thôi. Sau đó, nếu bạn phát hiện được tương quan giữa việc cho con bú và kết quả cụ thể nào đó, chẳng hạn như giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa, thì bạn có thể tin một cách chừng mực rằng có quan hệ nhân quả thực sự giữa hai hiện tượng này.

Các nhóm càng lớn, quan hệ hệ nhân quả sẽ càng đúng. Và nếu, ngoài tương quan giữa hai hiện tượng, bạn cũng có thể thiết lập một cơ chế nhân quả giải thích liên hệ giữa chúng với nhau, lúc đó bạn có thể cảm thấy tin tưởng hơn nữa về quan hệ nhân quả của vấn đề đang khảo sát. Ví dụ, cho con bú có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú ở bà mẹ – và liên hệ này có thể được giải thích theo lối nhân quả, vì thực tế là, cho con bú làm cho mẹ sản xuất ít estrogen hơn, mà estrogen là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Cho đến nay, người ta mới thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trên quy mô lớn về việc cho con bú. Thử nghiệm này chỉ thiết lập được hai liên hệ quan trọng giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và sức khỏe của em bé: giảm 4% tiêu chảy và 3% phát ban da, chẳng hạn như bệnh chàm. Thử nghiệm này cũng xem xét một loạt các tác động khác, trong đó có gia tăng chỉ số IQ của trẻ em, nhưng không phát hiện được bất kỳ tương quan đáng kể nào.

Tia sách 8

Những công trình nghiên cứu theo lối quan sát được tiến hành cẩn thận cũng có thể cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho quá trình quyết định của cha mẹ.

 

Nếu huy chương vàng là dành cho công trình nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát, thì nghiên cứu nào sẽ được huy chương bạc?

Vị trí thứ hai thuộc về nghiên cứu theo lối quan sát. Muốn thực hiện công trình nghiên cứu như thế đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ, về cơ bản, bạn chỉ cần thu thập một loạt dữ liệu về cả các bà mẹ cho con bú và không cho con bú cũng như con cái của họ, sau đó so sánh hai nhóm và xem xét xem bạn phát hiện được kết quả nào là khác nhau.

Các nhóm càng lớn, thì sự khác biệt giữa các thành viên tương ứng, tính trung bình, càng ít. Và bạn càng kiểm soát được các biến số gây nhiễu, bạn càng có thể tiến gần hơn đến công trình nghiên cứu khoa học lý tưởng, trong đó tất cả các biến số đều được kiểm soát - ngoại trừ biến số mà bạn đang kiểm tra.

Do đó, quy mô của công trình nghiên cứu theo lối quan sát càng lớn và càng kiểm soát được nhiều biến số gây nhiễu thì bạn càng cảm thấy tin tưởng hơn vào kết quả. Ngược lại, quy mô càng nhỏ và càng ít kiểm soát các biến số đó thì bạn càng cảm thấy ít tin tưởng hơn vào kết luận của nó. Nếu quy mô thực sự nhỏ, thì chắc chắn bạn sẽ hoài nghi về kết quả.

Những công trình nghiên cứu theo lối quan sát hiệu quả nhất có thể là những công trình nghiên cứu so sánh anh chị em trong cùng một gia đình – ví dụ, đứa con đầu lòng được bú sữa mẹ và đứa con thứ hai thì không. Vì những đứa trẻ này lớn lên trong cùng một gia đình có cùng hoàn cảnh kinh tế xã hội, cho nên nhiều biến số gây nhiễu có thể gây ra vấn đề khi so sánh trẻ được bú sữa mẹ với trẻ không được bú mẹ phần nào đã được kiểm soát trong những công trình nghiên cứu này.

Những công trình nghiên cứu theo lối quan sát kém hơn một bậc là những công trình nghiên cứu thu thập nhiều dữ liệu về hoàn cảnh gia đình và kinh tế xã hội của trẻ em. Lúc đó, những biến số gây nhiễu này sau đó có thể được kiểm soát một cách chặt chẽ – mặc dù, như chúng ta đã thấy, sẽ luôn luôn có những câu hỏi khó chịu về việc liệu còn những biến số nào bị bỏ qua hay không.

Nếu một số công trình nghiên cứu theo quan sát quy mô lớn, được kiểm soát tốt cũng có kết luận tương tự, thì bạn có thể tin tưởng vào kết quả. Trong trường hợp cho con bú, những công trình nghiên cứu này dường như chứng minh rằng cho con bú làm giảm nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng tai – và chỉ có vậy mà thôi.

Trong trí tưởng tượng và diễn ngôn của nhiều người, việc nuôi con bằng sữa mẹ được cho là mang lại nhiều lợi ích khác cho trẻ em, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp ở trẻ vị thành niên, viêm màng não, béo phì, viêm phổi và ung thư. Đáng tiếc là, không có đủ dữ liệu đáng tin cậy từ các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên hoặc nghiên cứu theo lối quan sát chống lưng cho những tuyên bố như thế. Điều đó không có nghĩa là chúng chắc chắn là sai; nó chỉ có nghĩa là hiện nay chúng ta không có lý do thuyết phục nào để tin vào trí tưởng tượng và diễn ngôn như thế.

Tia sách 9

Khi tìm thông tin cho các quyết định của mình với tư cách là cha mẹ, bạn nên nghi ngờ các công trình nghiên cứu bệnh chứng.

 

Cuối cùng, đã đến lúc trao huy chương đồng cho nghiên cứu khoa học về những rủi ro và lợi ích tiềm tàng của một số phương pháp nuôi dạy con. Vị trí thứ ba thuộc về loại nghiên cứu liên quan đến nghiên cứu bênh chứng.

Muốn thực hiện nghiên cứu bệnh chứng, về cơ bản, bạn phải đi ra ngoài và tìm kiếm những đứa trẻ có biểu hiện hoặc triệu chứng giống nhau. Sau đó, bạn cố gắng tìm cho ra tất cả những điểm chung của chúng. Sau khi điều chỉnh các biến gây nhiễu, bạn sẽ thấy những thứ còn lại, và lúc đó bạn cố gắng xác định mối quan hệ nhân quả giữa những thứ còn lại với biểu hiện hoặc triệu chứng đang được khảo sát.

Ví dụ, vào năm 1998, một bác sĩ tên là Andrew Wakefield đã thực hiện công trình nghiên cứu bệnh chứng với 12 trẻ em có các triệu chứng của bệnh tự kỷ. Mỗi đứa trẻ đều được tiêm vắc-xin sởi, quai bị và rubella. Ông ta ngờ rằng có mối liên hệ nhân quả giữa các triệu chứng tự kỷ và vắc-xin, liên quan đến tiêu hóa. Nghiên cứu này đã giúp châm ngòi cho phong trào phản đối vắc-xin, và ngày càng có nhiều phụ huynh từ chối tiêm vắc-xin cho con em mình.

Đáng tiếc là, các công trình nghiên cứu bệnh chứng có nhiều vấn đề hơn hẳn so với các công trình nghiên cứu theo lối quan sát trong phạm vi nhỏ. Tương tự như các công trình nghiên cứu theo lối quan sát, dữ liệu của các công trình nghiên cứu bệnh chứng có thể bị các biến số gây nhiễu không được tính đến và sự khác biệt cơ bản giữa những người được nghiên cứu gây ra rắc rối. Quy mô mẫu càng lớn, thì sự khác biệt, tính trung bình, càng ít. Nếu chúng ta đang nói về quy mô mẫu là hàng nghìn bà mẹ hoặc trẻ sơ sinh, thì chúng ta không phải lo lắng quá nhiều về sự khác biệt giữa họ với nhau.

Nhưng, quy mô mẫu chỉ là 12 đứa trẻ? Vâng, quá nhỏ. Và trong công trình nghiên cứu của Wakefield, nó nhỏ vì lý do: lạm dụng khoa học. Trong quá trình lấy mẫu, Wakefield đã cố tình chọn những đứa trẻ có hoàn cảnh phù hợp với kết luận của ông ta và loại bỏ những đứa trẻ không phù hợp. Ông ta cũng làm sai lệch dữ liệu, thay đổi ngày bắt đầu các triệu chứng tự kỷ của trẻ để chúng dường như xuất hiện gần với thời điểm trẻ được tiêm phòng.

Nhưng không phải lúc nào người ta cũng cố ý tạo ra kết quả giả mạo. Ví dụ, các công trình nghiên cứu bệnh chứng thường liên quan đến việc yêu cầu cha mẹ nhớ lại những hành động mà họ đã làm trong quá khứ xa xôi. Giả sử con bạn biết đọc từ khá sớm và một số nhà nghiên cứu muốn tìm nguyên nhân bằng cách thực hiện công trình nghiên cứu chuyên đề. Họ có thể hỏi bạn bắt đầu đọc sách cho con mình nghe từ khi nào và có đọc thường xuyên hay khong. Nhưng đó có thể là nhiều năm về trước, và trí nhớ của bạn có thể sai hoặc bị những sự kiện tiếp theo tô màu.

Vì vậy, tóm lại: Hãy tin tưởng vào kết quả của các công trình nghiên cứu theo lối quan sát và thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên được thực hiện một cách cẩn thận, đồng thời tiếp cận với các công trình nghiên cứu khác với thái độ hoài nghi hợp lý.

Kết luận

Tóm tắt cuối cùng

 

Thông điệp chính trong các tia sách này:

Khi đưa ra quyết định trong quá trình nuôi dạy con trong những năm đầu đời của bé, bạn cần cân nhắc hai nhóm yếu tố. Nhóm đầu tiên bao gồm các sở thích và hoàn cảnh cá nhân của mình. Nhóm thứ hai bao gồm các chi phí và lợi ích tiềm tàng của những lựa chọn của bạn đối với con, của bạn và gia đình bạn. Khi cân nhắc những yếu tố này, bạn có thể tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học, có độ tin cậy khác nhau. Bạn có thể tự tin với những công trình nghiên cứu theo lối quan sát và thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên được thực hiện một cách thận trọng, nhưng bạn nên hoài nghi các nghiên cứu bệnh chứng.

Lời khuyên khả thi:

Hãy thư giãn.

Lo lắng về khả năng con mình bị ong đốt trong chuyến đi nghỉ đầu tiên được lên kế hoạch, tác giả cuốn sách này đã nhận được lời khuyên sau đây từ bác sĩ riêng: “Có lẽ tôi cố gắng không nghĩ về chuyện đó”. Tác giả coi đây là lời khuyên nuôi dạy con tốt nhất mà mình từng gặp. Có hàng triệu thứ có thể xảy ra với con bạn, và hầu hết đều khó xảy ra. Nếu bạn cố gắng lường trước và chuẩn bị đón nhận tất cả, bạn sẽ chỉ làm cho mình lo lắng mà thôi, và trớ trêu là, nó có thể làm cho bạn trở thành những vị phụ huynh tệ hại hơn, vì bạn sẽ quá mệt mỏi, không thể suy nghĩ đúng đắn về những quyết định của mình. Vì vậy, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ: Cố gắng tránh suy nghĩ về mọi thứ có thể xảy ra với con bạn và thay vào đó, hãy cố gắng tận hưởng thời gian ở bên con.

 

 

1 comment: