Hai ngày nữa là đúng 100 năm ngày sinh của HC
(22/2/1922), một tác giả tài danh được mến mộ rộng rãi của văn học Việt Nam hiện
đại.
Gia đình và thân hữu của cố tác giả đã đề ra và đang
thực hiện nhiều hoạt động, nằm trong dự án HC100.
Trong đó có việc xuất bản sách "Hoàng Cầm Về
Kinh Bắc" và ra mắt sách tại Viện Pháp Hà Nội 12/1/2022 là sự kiện mở đầu
hoạt động, "100 bài thơ Hoàng Cầm" (Nguyễn Thuỵ Kha, Lê Thiết Cương),
lịch ảnh Hoàng Cầm (Nguyễn Đình Toán, Lê Thiết Cương), kỉ niệm tại TP Bắc Ninh
và huyện Thuận Thành…
Vì sao chọn tái bản 'Về Kinh Bắc'?
Sự nghiệp mà ông để lại cho hậu thế khá phong phú,
bao gồm nhiều vở kịch thơ và tập thơ, trường thi, văn xuôi… Hoàng Cầm được biết
đến nhiều nhất là Nhà Thơ. Nhưng có thể nói, tác phẩm gắn chặt nhất với tên
Hoàng Cầm truyền lại cho hậu thế phải là Về Kinh Bắc. Và có thể khẳng định
"Về Kinh Bắc" là tập thơ tiêu biểu nhất của ông về tình ý, tâm sự, giọng
điệu, thi pháp; là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông vì gắn với
những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả.
Hoàn cảnh ra đời tối ưu cho một kiệt tác: tác giả bị
dồn đẩy vào tâm thế chìm đắm hoàn toàn trong thế giới hoài niệm với thơ là nơi
bấu víu, là nguồn sống, là năng lượng giải thoát độc nhất (“cô đơn là cứ phải
toàn phần mới sinh năng lượng” – Đặng Đình Hưng); tác giả đang ở độ chín tới của
tuổi tác và tài năng.
Về Kinh Bắc là tổ khúc tám nhịp hồi quang một vùng
văn hóa lịch sử.
Hồi quang Kinh Bắc đầy màu sắc. Với những chớp lóe ấn
tượng thật gợi cảm trong nhịp Một, cũng là khúc dạo (prelude) của một đại tổ
khúc, gồm năm đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - lướt nhanh một Kinh Bắc huyền tích
(Néo Đông Triều khép mở gió kỳ lân/ Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ…),
Kinh Bắc huê tình non tơ (Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Yếm may ba ngày mẹ vá lại…
Gió ra hồng da trinh nữ… ong bay vai áo tiểu thon mình), Kinh Bắc bi tráng (Chợt
mê thét giữa sân/ Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng), Kinh Bắc ma mị (Châu
chấu ma vờn cổ yếm xây…Trò chuyện gì ai đâu/, mồ tháng giêng mưa ướt sũng…),
Kinh Bắc của những sinh hoạt văn hóa dân gian giàu bản sắc (Hình nhân má điệp
tóc mực tàu/ Mắt nghiêng dựa liếp/ Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu… Kèn già lam ai
tập thổi/ Gió mất chồi xuân đay nghiến luỹ tre dầy… Đằm ca dao sáo diều chiều lịm
tím lưng trâu…). Với lịch sử bi hùng được kể trong ba nhịp Hai, Ba, Bốn. Với
chân dung những người con gái đa tình, đa truân trong nhịp Năm. Với phác họa những
hội hè trong nhịp Sáu. Có thể nói Về Kinh Bắc cùng với truyện thơ Tiếng hát
quan họ và nhiều bài thơ lẻ cuối đời cho thấy Hoàng Cầm là kết tinh vùng văn
hóa nghìn năm Kinh Bắc, là thi sĩ của đất quan họ, chẳng khác thi sĩ Tây Ban
Nha Federico Garcia Lorca với quê hương Andalusia qua những khúc cante hondo
(trầm ca) và romance.
Cái còn lại lâu dài của thơ HC chính là truyền lại
truyền thống văn hoá!
Trên nền ấy nổi lên nhịp Năm gửi gắm tâm sự của một
đứa “Em” (không) gửi tới “Chị”, người mà “Em” thầm yêu, cả tin, rồi vỡ mộng, nhưng
chẳng dám thốt ra lời gì hơn là nỗi lòng bơ vơ, ngậm ngùi, có chút hờn trách.
Về Kinh Bắc in đậm vào dư luận và sống trong lòng
công chúng phần nhiều ở chùm thơ đặc biệt trong nhịp Năm: bộ ba Cây, Lá, Quả
(Cây Tam cúc, lá Diêu bông, Quả vườn ổi), mở rộng là bộ bốn (Cây, Lá, Quả, Cỏ -
Cỏ Bồng thi). Không nói tới việc số phận đoạn trường của chùm thơ này kéo theo
số phận đoạn trường của tác giả đã góp phần không nhỏ làm cho chúng nổi tiếng
và được yêu mến, “đến hôm nay, thoát khỏi mọi vướng víu thời cuộc, bộ ba
cây-lá-quả vẫn cứ ngây ngây men erotic của những ẩn ức ấu thơ sực mùi ổ rơm tóc
ấm trộn với một liều lượng đắng cay của tuổi trẻ thất vọng đượm một nỗi u ẩn thế
sự, vẫn nguyên sức cám dỗ của thứ rượu lâu năm nhấp môi thì ngọt, nuốt vào thì
đắng, uống rồi thì chuếnh choáng ngậm ngùi.” (HH- Bài giới thiệu tập thơ Mưa
Thuận Thành, báo Lao Động 1991).
Ngoài chùm thơ trên, có Về với ta, một bài làm thanh
cả nhịp cuối, nhịp kết của tập thơ. Không nổi tiếng với công chúng rộng, nhưng
bài thơ được đánh giá cao trong giới bạn thơ của tác giả và cũng là một trong
những bài tâm đắc nhất của ông. Tôi nghĩ bài này chứa đựng những gì là Hoàng Cầm
nhất.
Về mặt thi pháp, Về Kinh Bắc nó rất riêng một lối
thơ Hoàng Cầm của thời kỳ này, cũng là lối thơ Hoàng Cầm nhất.
Trước tiên là một nhạc điệu Hoàng Cầm: dặt dìu, đón
đưa, dan díu, buông bắt. Có thể nhận ra tất cả hồn quan họ ngân nga trong ấy.
Thứ nhạc này khiến cho thơ tự do không vần của tác giả, trong khi theo sát diễn
biến của từng tâm trạng cụ thể, thậm chí còn du dương hơn lối thơ vần điệu (cuối
đời tác giả hay tự hát thơ của mình trong những cuộc gặp gỡ bỏ túi). Ta có thể
gọi nó là “điệu tâm hồn Hoàng Cầm”.
Rất rõ một lối tạo hình Hoàng Cầm: xen tả với gợi,
xen ấn tượng, biểu tượng với khắc hằn xuất biểu. Ở những bài thành công nhất,
việc sử dụng biểu tượng gửi gắm những tâm ý không nói ra được (có thể là “tàn
dư” của thủ pháp “biểu tượng hai mặt” thời Nhân Văn – Giai Phẩm nhưng đã từ tầng
lý trí chìm xuống tầng sâu tiềm thức, bộc phát, nên sức ám ảnh rất cao), kết với
sức gợi và ám của nhạc thơ, cho ta một Hoàng Cầm của thi pháp tượng trưng thời
mới – tôi tạm gọi là “tân tượng trưng”.
Hoàng Cầm cũng có một kiểu dắt dẫn tuyến thơ: Một
cách mở đầu hầu như bao giờ cũng tự phát từ sự mách bảo của tiềm thức, bản năng,
không từ sự lập ý (cho nên ông hay nói về tiếng người trong đêm đọc câu thơ mở
đầu cho bài thơ của mình), rồi phát triển bài thơ xen kể với tả, và cấu trúc
bài thơ không bao giờ thiếu kịch tính.
Ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm tài hoa óng chuốt bay bướm
nhưng vẫn tự nhiên, tuy cũng có những lúc hơi lạm phát vàng son song ít khi rơi
xuống sáo mòn.
Có một nét rất riêng Hoàng Cầm nữa: sự tạo dáng ký
thác tâm trạng trong các bài thơ. Ngay từ Bên kia sông Đuống, cái dáng nghiêng
nghiêng của con sông đã ám ảnh bao nhiêu người yêu thơ ông (có nhà nghiên cứu
còn ngây thơ thử đi đo độ nghiêng của sông Đuống thực!). Trong một lần chở xe đạp
nhà thơ trên phố dịp ông vào Sài Gòn lần đầu, tôi bỗng “phát hiện” cái thế
nghiêng nghiêng của con sông có lẽ là từ cái dáng nằm nghiêng nghiêng của chính
tác giả trong cai đêm trằn trọc nhớ về con sông quê sa vào tay giặc. Cái dáng
này cũng như tiên cảm sự chông chênh của đời ông! (Đứng không yên ổn, ngồi
không vững vàng – Kiều). Trong Về Kinh Bắc, ta gặp cái dáng bơ vơ Em đứng nhìn
theo em gọi đôi, lạc lõng Từ đấy em đi khắp sông khắp núi/ Gió quê vi vút gọi/
Diêu bông hời… ới diêu bông, lủi thủi Lẽo đẽo em đi vườn mai sau/ Cúi nhặt chiều
mưa dăm quả rụng, bị du đưa như trong cơn mộng du Chị đưa em đến chốn này/ Cheo
leo mỏm đá, chết đứng không trói mà không đi… em vọng ai đâu mà hóa đá… kìa rau
muống dại kín em rồi…
Bao trùm tất cả, Về Kinh Bắc dựng lên một không khí,
một thế giới Hoàng Cầm. “Thế giới thơ Hoàng Cầm như một cõi mơ giữ nguyên những
cái không hề có thật, cái “lá diêu bông” là cái lá gì, “cầu bà Sấm bến cô Mưa”
là ở đâu, nhưng cứ ngỡ như là thật; có những chất liệu bình dị của vùng quê
Kinh Bắc một thời vừa đủ xa để nhớ tiếc, cỗ bài tam cúc đôi cá đòng đong...
nhưng lại kết thành hư ảo hàm chứa một cái gì bí ẩn. Hoàng Cầm thuộc nòi thi sĩ
giao tiếp được với người âm, biết cách gọi về những gì đã mất, đẩy cái trước mắt
ra xa vời, nên thơ anh ám ảnh như mộng triệu đòi được giải mã.” (HH- Bài giới
thiệu tập thơ Mưa Thuận Thành, báo Lao Động 1991). (Tác giả rất tâm đắc ý cuối
này, ông lấy nó khi viết Chân dung tự thú năm 1994: “Gọi chiều xưa trở lại/ Đẩy
chiều nay về xa/ Thường trò chuyện với ma/ Như với người đang sống”).
Cuộc đời và thi nghiệp của Hoàng Cầm là một trường hợp
điển hình cho điều mà tôi coi là một trong những “bí quyết” thành công trong
văn giới Việt Nam đương đại. Đó là sự “nằm giữa”. Nằm giữa con người thi nhân
và con người chiến sĩ (dân tộc và dân chủ), con người Hoàng Cầm là một mẫu lý
tưởng ngấm ngầm cho một bộ phận trí thức văn nghệ sĩ; thất bại trong cuộc đời
tranh đấu phủ thêm hào quang cho thi nghiệp của ông. Nằm giữa lối sáng tác truyền
thống coi cảm hứng từ chính cuộc đời mình là động lực tự nhiên với ý thức về sự
làm mới bút pháp do ảnh hưởng của những người bạn mang tinh thần cách tân quyết
liệt. Nằm giữa một cái nôi văn hóa dân gian đậm đà tâm thức tập thể và một chân
trời tự do cá nhân hấp thụ từ văn minh phương Tây. Nằm giữa kể chuyện và giãi
lòng. Nằm giữa thực và mộng, lộ và ẩn, hình ảnh và biểu tượng, huyền thoại và
chuyện thật, văn chương và thế sự. Thơ Hoàng Cầm dễ lan truyền mà không bình
dân, đáp ứng tâm lý thưởng thức của công chúng trung lưu Việt Nam trong một
hoàn cảnh xã hội khá đặc biệt, khi văn nghệ đang chuyển mình từ công cụ chính
trị trở lại là chính nó; trong cảnh tranh tối tranh sáng, tiếng xì xào lắm khi
còn mạnh hơn lời bình chính thức.
Ngẫm lại một đời thơ ông, tôi thấy ngay từ thưở 20 đến
khi về cõi, ông như không thôi bị ám ảnh bởi cái nhu cầu nội tâm sâu xa đọng
trong một chữ NÍU.
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
Bao nhiêu tha thiết hàm chứa cái gì bất lực, tội
nghiệp trong câu thơ từ 70 năm cũ dự cảm một điều quý báu nhất sắp vuột khỏi
tay.
Đời ông là cả một đời nhớ tiếc những cái đã mất ấy
(“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/ sao xót xa như rụng bàn tay”), mà ông chỉ
hòng mong níu lại bằng thơ. Níu xuân xanh. Níu một mối tình ảo, níu một thời trầu
cay mà đỏ, níu màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp… Và có lẽ, thơ Hoàng Cầm
níu lòng ta cũng vì thế.
"Hoàng Cầm Về Kinh Bắc" là một ấn bản đặc
biệt, là một công trình tập hợp công sức của nhiều người, bao gồm những cái
chưa có trong các ấn bản trước đây của Hoàng Cầm: Văn bản Về Kinh Bắc với những
khảo dị qua những lần công bố, những bài viết quan trọng về Về Kinh Bắc và thơ
Hoàng Cầm chưa có trong các sách cũ, những tư liệu quí báu liên quan đến việc
sáng tác và công bố Về Kinh Bắc, những chân dung bằng tranh vẽ, ảnh chụp phong
phú của tác giả và các quan hệ thân thiết của ông, những ca khúc, minh hoạ đã có
và mới sáng tác dựa trên thơ Hoàng Cầm. Tác giả nhiều thế hệ từ cố nhạc sĩ Văn
Cao, Phạm Duy, cố hoạ sĩ Lưu Văn Xìn, Bùi Xuân Phái đến các hoạ sĩ trẻ thế hệ
8-9X.
Và với sự trình bày công phu, có thể gọi là một ấn bản
thơ-nghệ thuật sang trọng ít có xưa nay. Bìa thơ “Mắt thời gian” dựa trên ký hoạ
của chính HC (con mắt âm dương).
Lưu ý:
- Bìa sách dựa trên ký hoạ của HC (con mắt âm dương)
- Tư liệu hầu như ko ai biết: bản thảo đầu tiên VKB
được tác giả sửa chữa rất công phu, những trang đầu bản chép tay của HC năm
1982, thư từ trao đổi với cô Cần Thơ, ca khúc Phạm Duy…
đây là cuốn sách để đời
ReplyDelete