February 27, 2021

Thuật ngữ chính trị (133)


 323. Market – Thị trường. Các nhà tư tưởng đã nghĩ tới sự tương đồng giữa trao đổi trong lĩnh vực chính trị và trao đổi trên thương trường suốt nhiều thế kỉ, nhưng hiện tượng này mới được chính thức hóa trong một trăm năm gần đây mà thôi. Hoạt động chính trị được tiến hành trên những khu chợ ít nhất là ngay từ thời Hy Lạp cổ đại. Khi so sánh với thị trường, cử tri tương đương với người tiêu dùng, lợi ích có tổ chức tương đương với người sản xuất hàng hóa, còn chính trị gia thì tương đương với doanh nhân hay chủ cửa hàng. Giống như mọi sự tương đồng khác, tuân theo một cách mù quáng so sánh giữa thị trường và chính trị có thể dẫn tới những kết luận nguy hiểm. 

324. Market Socialism – Chủ nghĩa xã hội thị trường. Chủ nghĩa xã hội thị trường là hệ thống kinh tế bao gồm sở hữu công cộng và sở hữu tập thể tư liệu sản xuất hoạt động trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường. Chủ nghĩa xã hội thị trường khác với chủ nghĩa xã hội phi thị trường ở chỗ cơ chế thị trường được sử dụng để phân bổ hàng hóa vốn và tư liệu sản xuất. Tùy thuộc vào mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội thị trường mà lợi nhuận do các doanh nghiệp thuộc sở hữu công cộng tạo ra có thể được sử dụng để trả công trực tiếp cho người lao động, tích lũy cho xã hội hoặc được phân phối cho dân chúng. 

Chủ nghĩa xã hội thị trường khác với khái niệm nền kinh tế hỗn hợp, vì, khác với nền kinh tế hỗn hợp, mô hình của chủ nghĩa xã hội thị trường là hệ thống hoàn chỉnh và tự điều chỉnh. Chủ nghĩa xã hội thị trường cũng khác với các chính sách của chế độ dân chủ xã hội được thực hiện trong các nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Trong khi chế độ dân chủ xã hội nhằm tới mục tiêu là ổn định và bình đẳng hơn về kinh tế bằng các chính sách như thuế, trợ cấp và các chương trình phúc lợi xã hội, thì chủ nghĩa xã hội thị trường nhằm tới các mục tiêu tương tự bằng cách thay đổi mô hình quản lý và sở hữu doanh nghiệp. 

Mặc dù các đề xuất kinh tế về quyền sở hữu xã hội song hành với thị trường đã có từ đầu thế kỷ XIX, thuật ngữ chủ nghĩa xã hội thị trường chỉ xuất hiện trong những năm 1920 khi người ta tranh luận về tính toán trong chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội thị trường xuất hiện trong cuộc tranh luận về tính toán trong chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn kéo dài từ đầu đến giữa thế kỷ XX, giữa các nhà kinh tế học theo trường phái xã hội chủ nghĩa, những người tin rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể hoạt động dựa trên tính toán theo các đơn vị tự nhiên hoặc bằng cách giải hệ phương trình về phối hợp kinh tế, và thị trường kinh tế mà nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cần phải có. 

Các mô hình đầu tiên của chủ nghĩa xã hội thị trường có xuất xừ từ công trình của Adam Smith và các lý thuyết của kinh tế học cổ điển, trong đó có những đề xuất về hợp tác xã, hoạt động trong nền kinh tế thị trường tự do. Mục đích của những đề xuất này là nhằm loại bỏ hiện tượng người bóc lột người: Tạo điều kiện cho người lao động nhận được toàn bộ sản phẩm lao động của mình, loại bỏ các tác động làm méo mó thị trường khi quyền sở hữu và của cải tập trung trong tay các chủ sở hữu tư nhân. 

325. Marshall Plan - Kế hoạch Marshall. Kế hoạch Marshall là kế hoạch quan trọng của Hoa Kỳ nhằm tái thiết và thiết lập nền tảng vững chắc hơn cho các nước Tây Âu, với mục đích chống cộng sau Thế chiến II. Tên chính thức là “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (European Recovery Program - ERP), nhưng Kế hoạch Marshall thường được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và ban hành kế hoạch này. Kế hoạch Marshall là thành quả lao động của các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó có đóng góp đặc biệt của William L. Clayton và George F. Kennan. 

Kế hoạch tái thiết được hình thành tại cuộc hội nghị đại diện của các nước Châu Âu, ngày 12 tháng 7 năm 1947. Kế hoạch Marshall đề xuất gói viện trợ tương đương cho Liên Xô và đồng minh của nước này, nhưng không được chấp nhận. Kế hoạch này được tiến hành trong vòng 4 năm, kể từ tháng 7 năm 1947. Trong thời gian đó, có khoảng 17 tỷ đô la Mỹ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp khôi phục các quốc gia châu Âu tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD. Nhiều nước châu Âu đã nhận được viện trợ trước khi Kế hoạch Marshall được khởi động – từ năm 1945 – có kèm theo các điều kiện chính trị. 

Trước khi kết thúc dự án, kinh tế của các nước nằm trong Kế hoạch, trừ Tây Đức, đã phát triển vượt mức trước chiến tranh. Trong vòng hai thập kỷ tiếp theo, nhiều vùng ở Tây Âu tiếp tục đạt được mức tăng trưởng chưa từng có trước đó. Kế hoạch Marshall cũng được xem là một trong các thành tố của quá trình hội nhập châu Âu, vì nó xóa bỏ hàng rào thuế quan và thiết lập các cơ quan điều phối kinh tế trên lục địa này.

 

Trong những năm gần đây, các nhà sử học tỏ ra nghi ngờ về cả động cơ bên trong cũng như hiệu quả của Kế hoạch Marshall. Một số nhà sử học cho rằng hiệu quả của Kế hoạch Marshall thực ra là từ chính sách laissez-faire (thị trường tự do) tạo điểu kiện cho thị trường tự cân bằng thông qua phát triển kinh tế.

1 comment: