December 17, 2020

Thuật ngữ chính trị (102)

 


325. Industrial Democracy - Dân chủ trong công nghiệp. Dân chủ trong công nghiệp là khái niệm để chỉ sự tham gia rộng rãi của người lao vào quá trình ban hành quyết định ở doanh nghiệp, chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn tại nơi làm việc.

Trong luật công ty ở Đức, các công ty có hơn 2.000 nhân viên (hoặc hơn 1.000 nhân viên trong các ngành công nghiệp than và thép) một nửa ban kiểm soát (bầu chọn ban quản lý) do các cổ đông bầu, còn một nửa do người lao động bầu.

Mặc dù dân chủ công nghiệp thường ám chỉ mô hình tổ chức, trong đó nhà máy do người lao động tự quản lí, chứ không phải tư nhân hoặc nhà nước làm chủ tư liệu sản xuất, nhưng cũng có hình thức dân chủ đại diện. Hình thức đại diện bao gồm các cơ cấu ban hành quyết định, ví dụ các ủy ban và các cơ quan tư vấn để tạo điều kiện cho việc giao tiếp giữa cơ quan quản lý, công đoàn và nhân viên.

326. Industrial Relation – Quan hệ trong công nghiệp. Quan hệ trong công nghiệp là lĩnh vực nghiên cứu đa ngành về những tương tác phức tạp giữa người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ, các thiết chế và các tổ chức. Chính phủ liên quan trực tiếp tới quan hệ trong công nghiệp, nhất là ở những nước có tỉ lệ quốc hữu hóa cao, chính phủ cũng đồng thời là người sử dụng lao động. Chính phủ còn có vai trò gián tiếp, thông qua những quy định về quản lí kinh tế và quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn.

326. Industrial Society – Xã hội công nghiệp. Xã hội công nghiệp là xã hội với phân công lao động rộng khắp, sản xuất trên quy mô lớn và máy móc chạy bằng động cơ. Không nói đến thị trường, nghĩa là cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản hiện đại đều là xã hội công nghiệp. Saint Simon (1760-1825) sử dụng thuật ngữ này nhằm phân biệt với xã hội kĩ trị trong tương lai. Những người cầm bút khác nhận thức được sự xuất hiện của hình thức mới của xã hội thị trường, nhấn mạnh những đặc điểm như nhiều người tham gia vào thị trường lao động, sự tham gia có giới hạn của người sản xuất vào thị trường hàng hóa. Marx coi đó là một trong những đặc điểm của xã hội công nghiệp trong giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Một số người cho rằng hiện nay thế giới đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp. Trong xã hội hậu công nghiệp, phân công lao động có thể không rõ ràng như trong xã hội công nghiệp vì người dân  có những kĩ năng có thể chuyển đổi.

1 comment: