277. Geat Leap Forward – Đại nhảy vọt. Đại nhảy vọt là
tên thường được dung trong sách báo tiếng Việt để nói về kế hoạch xã hội và
kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ năm 1958 đến năm 1962, nhằm sử dụng
dân số khổng lồ của Trung Quốc để chuyển tiếp nhanh chóng Trung Quốc đại lục từ
nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp lạc hậu, dựa vào nông dân là chính sang xã hội
công nghiệp cộng sản hiện đại. Đại nhảy vọt ngày nay được đa số mọi người, cả
trong và ngoài Trung Quốc, coi là thất bại nặng nề. Sự thất bại của kế hoạch
này làm đình trệ sản xuất, kết hợp với thiên tai đã gây ra nạn đói, làm cho khoảng
20 triệu mà cũng có thể là 40 triệu người chết (dân số Trung Quốc lúc đó khoảng
600 triệu người).
Tháng 10 năm
1949, sau khu Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm được
quyền lực trên toàn lãnh thổ Hoa Lục. Một trong những chính sách đầu tiên và
quan trọng nhất là cải cách ruộng đất, trong đó, đất của địa chủ và những người
nông dân giàu có hơn bị tịch thu và phân phát lại cho nông dân nghèo hơn. Trong
hàng ngũ Đảng, đã xảy ra cuộc tranh luận lớn về việc cải cách ruộng đất nên được
thực hiện như thế nào và với mức độ nào. Phe ôn hòa gồm có thành viên Bộ chính
trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ cho rằng, thay đổi nên được thực hiện
từng bước một và tập thể hóa nông nghiệp nên được thực hiện sau khi đã công
nghiệp hóa xong. Phe cấp tiến do Mao Trạch Đông lãnh đạo cho rằng cách tốt nhất
để tài trợ cho công nghiệp hóa là chính phủ nắm nông nghiệp, thiết lập độc quyền
đối với việc phân phối và cung cấp lương thực. Điều này sẽ cho phép chính phủ
mua ở giá thấp và bán với giá cao hơn, từ đó tích lũy vốn cần thiết cho công
nghiệp hóa đất nước. Khi nhận ra rằng chính sách này không được quần chúng nông
dân ưa chuộng, có người đề nghị nông dân nên bị ép buộc nằm dưới quyền kiểm
soát của chính phủ bằng việc thiết lập các nông trường tập thể, cùng chia sẻ dụng
cụ và trâu bò cày kéo.
Giai đoạn đầu của
tập thể hóa không thành công, xảy ra nạn đói trên diện rộng năm 1956, mặc dù bộ
máy tuyên truyền của Đảng tiếp tục thông báo có những vụ mùa tăng năng suất
cao. Những người ôn hòa trong Đảng, gồm có Chu Ân Lai, kêu gọi bãi bỏ tập thể
hóa. Lập trường của phe ôn hòa được củng cố bởi bài diễn văn bí mật năm 1956 của
Nikita Khrushchev đọc tại Đại hội Đảng lần thứ XX, trong đó chỉ trích những sai
lầm của Joseph Stalin và chỉ rõ sự thất bại của các chính sách nông nghiệp của
ông ta, trong đó có tập thể hóa ở Liên Xô.
Đại nhảy vọt là
tên đặt cho Kế hoạch Năm năm lần thứ hai, giai đoạn 1958-1963. Mao tiết lộ Đại
nhảy vọt tại một cuộc họp vào tháng 1 năm 1958 tại Nam Kinh. Ý tưởng trung tâm
đằng sau Đại nhảy vọt là Trung Quốc phải phát triển đồng thời cả công nghiệp lẫn
nông nghiệp. Họ hy vọng thực hiện công nghiệp hóa bằng cách lợi dụng lực lượng lao
động giá rẻ khổng lồ và không cần nhập cảng các thiết bị, máy móc công suất lớn.
Để làm được như thế, Mao chủ trương biến các hợp tác xã hiện hành thành các
Công xã nhân dân khổng lồ. Tại các cuộc họp của Bộ chính trị vào tháng 8 năm
1958, quyết định được đưa ra là những công xã nhân dân này sẽ trở thành hình thức
tổ chức chính trị và kinh tế mới trên khắp đất nước Trung Quốc. Cuối năm, khoảng
25.000 công xã được thiết lập, mỗi công xã thường bao gồm 5.000 gia đình. Ở các
công xã tự cung tự cấp này, lương và tiền được thay thế bằng công điểm. Ngoài
nông nghiệp, các công xã còn thực hiện một vài dự án xây dựng và công nghiệp nhẹ.
Mao cho rằng lúa
gạo và thép là cột trụ chính của phát triển kinh tế. Ông ta dự đoán rằng trong
vòng 15 năm kể từ Đại nhảy vọt, sản lượng thép của Trung Quốc sẽ vượt sản lượng
thép của Vương quốc Anh. Mao khuyến khích việc thiết lập các lò nung thép sân
vườn loại nhỏ tại từng xã và từng khu phố. Để cung cấp nhiên liệu cho các lò
nung, cây rừng bị chặt bừa bãi, gây thiệt hại lớn cho môi trường thiên nhiên.
Tình trạng phá cửa nhà và bàn ghế đồ đạc để lấy củi đốt lò nung cũng xảy ra khắp
nơi. Nồi, xoong, chảo, và các thứ vật dụng kim loại khác được trưng dụng để
cung cấp “sắt vụn” cho các lò nung để có thể đạt được mục tiêu sản xuất. Những người
có chút kinh nghiệm về sản xuất thép hoặc có hiểu biết cơ bản về luyện kim cũng
có thể đoán được rằng sản phẩm từ các lò nung này là những đống sắt phẩm chất
thấp và chẳng có chút giá trị kinh tế nào. Tuy nhiên, chính sự ngờ vực sâu đậm
của Mao đối với giới trí thức, và niềm tin vào sức mạnh huy động khổng lồ của
giới nông dân đã khiến ông ra lệnh thực hiện nỗ lực khổng lồ này trên toàn quốc
mà không cần hỏi ý kiến của các chuyên gia. Hơn nữa, kinh nghiệm của các tầng lớp
trí thức theo sau Chiến dịch trăm hoa đua nở đã khiến những ai biết được kế hoạch
như thế là một chuyện điên rồ cũng chẳng dám chỉ trích.
Tác động ban đầu
của Đại nhảy vọt đã được thảo luận tại Hội nghị Lư Sơn vào tháng 7/8 năm 1959.
Mặc dù nhiều người trong số các lãnh đạo ôn hòa hơn tỏ ra nghi ngờ chính sách mới,
nhưng người lãnh đạo cao cấp duy nhất công khai nói thẳng là nguyên soái Bành Đức
Hoài. Mao dùng hội nghị để gạt bỏ Bành ra khỏi chức Bộ trưởng Quốc phòng và lên
án cả Bành (người xuất thân từ một gia đình nông dân) và những người ủng hộ ông
như những người tư sản và mở chiến dịch toàn quốc chống “chủ nghĩa cơ hội hữu
khuynh”. Bành bị Lâm Bưu thay thế và Lâm Bưu bắt đầu chiến dịch thanh trừng có
hệ thống những người ủng hộ Bành ra khỏi quân đội.
Chính sách kinh
tế sai lầm dẫn đến nạn đói trên toàn quốc. Mặc dù thời tiết năm 1958 rất thuận
lợi nhưng không may là rất nhiều lao động đã chuyển qua sản xuất thép và các dự
án xây dựng, có nghĩa là mùa vụ ở nhiều nơi không được thu hoạch. Một lý do
khác là kết quả của Chiến dịch diệt chim sẻ. Mặc dù thu hoạch giảm sút, các
quan chức địa phương, dưới áp lực kinh khủng của chính phủ trung ương đua nhau
báo cáo láo. Những con số này được dùng để tính số lượng lúa gạo mà nhà nước thu
nhằm cung cấp cho thành thị và xuất khẩu. Những khác biệt quá lớn giữa báo cáo
và thực tế làm cho nhiều nông dân không còn đủ lương thực để cầm hơi, và ở một
số nơi, nạn đói bắt đầu lan ra. Trong những năm 1958-1960, Trung Quốc vẫn tiếp
tục là nước xuất khẩu lúa gạo đáng kể, nạn đói lan rộng nhưng được Mao giữ kín,
vì ông ta muốn giữ thể diện và thuyết phục thế giới bên ngoài thành công của những
kế hoạch hão huyền của ông ta.
Năm 1959 và
1960, thời tiết ít thuận lợi hơn và tình hình trở nên khá nghiêm trọng, với nhiều
tỉnh của Trung Quốc gặp phải nạn đói trầm trọng. Hạn hán, lụt lội, và thời tiết
xấu làm cho Trung Quốc hoàn toàn trở tay không kịp. Sông Hoàng Hà gây lụt miền
Đông Trung Quốc vào tháng 7 năm 1959. Năm 1960, ảnh hưởng của hạn hán và các điều
kiện thời tiết xấu khác đã làm ảnh hưởng đến 55% đất canh tác. Khoảng 60% đất
nông nghiệp ở miền bắc không có một hạt mưa nào.
Với năng suất giảm
kỷ lục, thậm chí các khu vực thành thị cũng bị cắt giảm khẩu phần lương thực;
tuy nhiên, nạn đói hàng loạt phần lớn chỉ xảy ở nông thôn, nơi các con số thống
kê sản xuất bị thổi phồng khủng khiếp. Chính sách nông nghiệp của Đại nhảy vọt
vẫn tiếp tục cho đến tháng 1 năm 1961, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung
ương lần thứ 9, việc phục hồi sản xuất nông nghiệp bằng việc lật ngược các
chính sách của Đại nhảy vọt mới bắt đầu.
Đại nhảy vọt
ngày nay được đa số mọi người, cả trong và ngoài Trung Quốc, coi là đại thảm họa,
còn ảnh hưởng đến Trung Quốc trong nhiều năm sau đó. Con số người chết chính thức
được ghi nhận tại Trung Quốc trong những năm của Đại nhảy vọt là 14 triệu,
nhưng các học giả ước tính rằng con số nạn nhân chết đói là từ 20 đến 43 triệu.
Mặc dù đối mặt với
những nguy cơ đánh mất sự nghiệp của họ, một số đảng viên cộng sản công khai đổ
lỗi thảm họa này là do giới lãnh đạo Đảng gây ra và cho rằng đấy là bằng chứng
Trung Quốc cần phải dựa nhiều vào giáo dục, tích lũy thành thạo kỹ thuật và áp
dụng các phương thức tư sản trong việc phát triển kinh tế. Trong một bài diễn
văn của Lưu Thiếu Kỳ trước 3.000 người trong Đại hội Đại biểu Nhân dân năm
1962, ông nói rằng “thảm họa kinh tế có 30% lỗi do tự nhiên, 70% là do con người”.
Đây là lý do chính cho sự đàn áp chống đối mà Mao đã tung ra trong cuộc Cách mạng
Văn hóa đầu năm 1966.
278. Greek Political Thought – Tư tưởng chính trị Hy
Lạp cổ đại.
Tư tưởng
chính trị Hy Lạp cổ đại là những câu hỏi được nhiều nhà thơ và tư tưởng gia Hy
Lạp thời tiền cổ điển, từ những tư tưởng của Homer về vương quốc (có thể là hậu
bán thế kỉ VIII trước Công nguyên (TCN), cho tới nhà làm luật và nhà thơ Solon
người Athens (khoảng năm 600 TCN). Tuy nhiên, phải đến giữa thế kỉ V TCN, khi
các nhà ngụy biện như Protagoras và Antiphon giới thiệu một cách hệ thống lý
thuyết chính trị, được chống lưng bằng những luận cứ duy lí, mà mối quan tâm
chính là quan hệ giữa “tự nhiên” và “quy tắc” và vấn đề liệu việc tuân thủ các
đạo luật và quy tắc của nhà nước có lợi cho cá nhân hay là không. Mối quan tâm
sâu sắc về những vấn đề này và những vấn đề chính trị khác trong giai đoạn này
còn được thể hiện trong trước tác của nhà soạn kịch và sử học Herodotus và nhà
sử học Thucydides. Phương pháp phân tích chính trị đã được phát triển trong các
trước tác của Socrates, và đạt cực thịnh vào thế kỷ V trước Công nguyên (TCN) với
tên tuổi của Platon và Aristotle.
Một loạt nguyên
nhân mang tính lịch sử giúp chúng ta giải thích vì sao tư tưởng chính trị mang
tính thực tiễn và có hệ thống lại nở rộ trong giai đoạn vừa nói. Đến giữa thế kỉ
V TCN, thành bang hay polis (từ chính
trị - politics – có xuất xứ từ đây) đã được thiết lập như là đơn vị căn bản của
tổ chức chính trị ở Hy Lạp, và nhiều hình thức khác nhau của các thành bang – từ chế độ quân sự và quả đầu
ở Sparta tới chế độ dân chủ tham gia cấp tiến ở Athens – thúc giục người ta so
sánh và nêu ra câu hỏi, hình thức nào là tốt nhất. Giao lưu giữa các vùng ngày
càng giai tăng và những ngành học như lịch sử và nhân chủng học vừa xuất hiện
cung cấp thêm cho người ta dữ liệu để so sánh, và việc tiếp tục quá trình xâm
chiếm thuộc địa trong khu vực Địa Trung Hải lại càng thúc giục người ta phải hỏi,
thành bang phải có cơ cấu như thế nào,
và cung cấp cho người ta lĩnh vực thực nghiệm và lý thuyết hóa. Cũng không phải
là vô tình mà việc lý thuyết hóa xuất hiện ở Athens: chế độ dân chủ tham gia (mặc
dù chỉ dành cho đàn ông đã trưởng thành) vừa khuyến khích những cuộc thảo luận
chính trị, vừa cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cho những cuộc thảo luận này. Hơn
nữa, mặc dù chế độ dân chủ là hiện tượng
đang lên ở Athens, nhưng các nhóm quả đầu
vẫn còn mạnh và căng thẳng giữa hai phe buộc mỗi phe đều phải tạo ra lý thuyết
chính trị chống lưng cho mình. Những người trẻ tuổi thuộc cả hai phe muốn tạo
được ảnh hưởng chính trị đều cần rèn luyện về thuật hùng biện và lập luận; các
nhà ngụy biện sinh sôi nảy nở một phần là để đáp ứng nhu cầu này.
Cho nên, sau khi
Philip of Macedonia và con của ông ta, Alexander Đại Đế, phá hủy sự tự chủ của
các thành bang, 40 năm cuối cùng của
thế kỉ IV TCN, thì đóng góp có ý nghĩa vào tư tưởng triết học Hy Lạp hầu như chấm
dứt. Sau đó, nền triết học ở đây có xu hướng tập trung vào cá nhân trong tình
trạng cách li (ví dụ, triết học của Epicurus) chứ không tập trung vào quan hệ
giữa cá nhân và nhà nước như trước nữa. Khái niệm hấp dẫn của phái khắc kỉ về
thành bang quốc tế (cosmopolis) [có thể bị ảnh hưởng bởi tham vọng của chính Alexander
Đại Đế về việc thiết lập nhà nước toàn cầu] không được coi là tuyên ngôn cho cải
cách. Đúng hơn, đấy là tầm nhìn không tưởng, trong đó, tất cả các nhà nước, các
thiết chế chính trị và kinh tế đã và đang sụp đổ, các cá nhân chỉ liên kết với
nhau bằng tình hữu nghị và lòng nhân ái chung chung mà thôi.
Hoàn cảnh chính
trị cũng có vai trò đối với nhiều vấn đề từng giữ thế thượng phong trong lý
thuyết chính trị Hy Lạp: phạm vi rộng lớn của các dữ liệu lúc đó góp phần tạo
ra nhiều bản hiến pháp khác nhau, cũng như xu hướng tạo ra những nhà nước lý tưởng
mang tính hư cấu (chống lại cộng đồng toàn cầu của phái khắc kỉ), được coi là bản
thiết kế cho những khác biệt đó: hai tác phẩm Cộng hòa và Luật pháp của
Plato, cũng như hai cuốn sách cuối cùng trong tác phẩm Chính trị của Aristotle là những ví dụ nổi bật. Những tiêu chí khác
nhau về quyền công dân được các nước khác nhau áp dụng cũng thúc giục người ta
giải quyết vấn đề quyền công dân có nghĩa là gì và ai là người đủ tư cách hưởng
quyền đó. Kết quả của quan hệ căng thẳng giữa hai phái quả đầu và dân chủ là, vấn
đề ổn định là cực kì quan trọng đồi với Plato và Arostotle, ngược lại, chế độ
dân chủ Athens nhấn mạnh sự tham gia của cá nhân, tức là nhấn mạnh vai trò quan
trọng của cá nhân và vấn đề quan hệ giữa cá nhân với nhà nước.
Bản chất của thành bang là vấn đề có ý nghĩa quyết định
nhất đối với các chủ đề của lý thuyết chính trị Hy Lạp. Thực vậy, Aristotle
tuyên bố rằng “người là con vật chính trị”, nghĩa là con người là một loài động
vật sống trong thành bang; hàm ý rằng,
lý thuyết chính trị chỉ có vai trò trong bối cảnh đó mà thôi; ông cũng có thể
ám chỉ rằng lý thuyết chính trị rõ ràng là của Hy Lạp. Đặc điểm nổi bật nhất của
thành bang là nó được người ta nhận
thức như thể đây là hợp quần của những con người được liên kết với nhau bằng một
lối sống chung và nền đạo được được mọi người cùng chia sẻ. Cái toàn thể quan
trọng hơn bất kì bộ phận nào của nó, và nó còn nguyên vẹn là nhờ ảnh hưởng mang
tính cố kết của hệ thống giáo dục, với mục đích là đào luyện thế hệ trẻ thành
những người công dân tốt, những người chia sẽ tập hợp các chuẩn mực đạo đức của
nhà nước.
Vai trò của nhà
nước lớn như thế cung cấp nhiều ý tưởng cho những nhà ngụy biện, ví dụ,
Antiphon, những người tin rằng nhà nước hoạt động nhằm kiềm chế bản chất thật sự
và quyền tự do của cá nhân. Đối với các nhà tư tưởng như Plato và Aristotle, những
người coi thành bang là tự nhiên và bối
cảnh tốt nhất đối với con người (mặc dù không hoàn toàn hài lòng với bất cứ mô
hình nào và đặc biệt là nền dân chủ Athens), điều đó có nghĩa là lý thuyết
chính trị mang trong mình nó sắc thái đạo đức khá mạnh và giáo dục có vai trò rất
quan trọng, trong khi những khẩu hiệu thời nay như đại diện và bảo vệ các quyền
hầu như không được xem xét tới. Việc họ nhấn mạnh quá trình huấn luyện các các
nhân để công dân có thể hoạt động một cách đúng đắn trong cái toàn thể dẫn trực
tiếp tới xu hướng toàn trị, mặc dù họ có những quan điểm rất khác nhau về chính
cái toàn thể đó.
bài viết rất hấp dẫn
ReplyDelete