November 5, 2020

Thuật ngữ chính trị (84)

 


268. Globalization – Toàn cầu hóa. Đầu thế kỷ XXI, hiếm có khái niệm khoa học xã hội nào xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng bằng khái niệm toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa hàm ý các quan hệ kinh tế giờ đây đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Các tập đoàn kinh tế lớn hiện diện ở một số nước khác nhau, sản xuất thiết bị của một sản phẩm hoàn chỉnh ở một số nước khác, bán sản phẩm ở nhiều nước khác, nhưng lại huy động nguồn lực tài chính ở những nước khác. Tất nhiên, người ta đã biết hiện tượng này từ khá lâu rồi, và vấn đề của cái gọi là “các công ty đa quốc gia” đã được các chính trị gia và các nhà chính trị học quan tâm trong suốt mấy chục năm qua. Nhưng, toàn cầu hóa hàm ý sự liên kết mang tính cơ bản hơn hẳn. Toàn bộ các nền kinh tế quốc gia hiện nay liên kết mật thiết với nhau; sự trượt dốc của một ngành sản xuất trong một khu vực có thể có tác động rất nhanh chóng và lan xa hàng ngàn dặm trong một số lĩnh vực khác nhau. Theo một số khía cạnh nào đó, nó tương t như hiện tượng mà các nhà vật lý học và toán học nói về sự không ổn định của các hệ thống được cho là xác định. Như người ta nói, con bướm vỗ cánh ở Ấn Độ có thể gây ra trận cuồng phong ở Delaware. Toàn cầu hóa có thể có nghĩa là vụ sụp đổ của một ngân hàng Nhật Bản vì cho vay quá mức trên cơ sở định giá đất quá cao ở Tokyo có thể gây ra tình trạng thất nghiệp tràn lan trong ngành sản xuất ô tô ở xứ Wales.

Nếu toàn cầu hóa chỉ có nghĩa như thế, thì nó sẽ là hiện tượng quan trọng, nhưng đấy cũng chỉ  là sự dịch chuyển về quy mô những sự kiện mà chúng ta đã từng trải qua mà thôi. Tuy nhiên, toàn cầu hóa có ý nghĩa quan trọng hơn hẳn, vì bản chất của nền kinh tế hiện đại - phụ thuộc trước hết vào việc sản xuất và phổ biến thông tin – làm cho ranh giới quốc gia trở thành không còn quan trọng như trước nữa. Điều này được thể hiện trong khuôn khổ thiết chế và luật pháp. Gần như không nước nào kiểm soát được phim ảnh khiêu dâm trên mạng Internet toàn cầu là ví dụ bất như ý của toàn cầu hóa. Nếu chỉ coi toàn cầu hóa như là sự tương thuộc về kinh tế giữa các nước với nhau là chưa đủ, vì hai lý do sau đây. Thứ nhất, các tổ chức xuyên quốc gia phát triển quá nhanh. Hiện nay đã có hơn 25.000 tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc tế, trong khi trước đây một thế kỷ chỉ có một vài tổ chức mà thôi. Các học thuyết về chủ quyền quốc gia đang bị phá sản và thậm chí các tổ chức chính trị từng bị chế giễu, ví dụ Liên Hiệp Quốc đang bắt đầu giành được thẩm quyền thực sự. Cùng với đó là sự tan rã bản sắc dân tộc của giới tinh hoa nắm quyền quản lý các thiết chế kinh tế và chính trị quốc tế. Dường như thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Chúng ta có xu hướng quên rằng quốc gia-dân tộc là hiện tượng tương đối mới và vừa mới đây thôi, người ta cảm thấy mình là thành viên của các cộng đồng rộng lớn hơn nhiều. Giờ đây, khi công nghệ truyền thông và phân phối đã làm cho khoảng cách trở nên không còn nhiều ý nghĩa, các quốc gia - với vai trò là cơ quan quản lý – không còn quan trọng nữa, bản sắc hoặc tham vọng của quốc gia thì cũng thế.

 269. Global Warming - Ấm nóng toàn cầu (xem Climate Change).

 270. Glorious Revolution – Cuộc cách mạng Vinh quang (xem House of Commons).

 271. GNP – Tổng sản phẩm quốc gia. Tổng sản phẩm quốc gia bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cộng với thu nhập ròng ở nước ngoài.

 272. Golden Rule – Nguyên tắc vàng. Nguyên tắc chi tiêu công ở Vương quốc Anh, áp dụng từ năm 1997, nói rằng trong chu kì kinh tế, chính phủ chỉ được dùng các khoản vay mượn để đầu tư chứ không được dùng cho các khoản chi tiêu hàng ngày.

 273. Governability – Có thể quản lý được. Thuật ngữ này xuất hiện trong những năm 1970, ám chỉ nhiều nước công nghiệp tiên tiến, nhất là Vương quốc Anh, đã trở nên không thể quản lý được, hay ít nhất là khó quản lý hơn trước. Khái niệm này không được định nghĩa một cách rõ ràng, nhưng nó châu tuần xung quanh ý tưởng cho rằng những vấn đề mà người ta kì vọng là chính phủ có trách nhiệm giải quyết đã gia tăng, trong khi khả năng giải quyết của chính phủ lại suy giảm. Chính phủ đã trở thành thiếu hiệu quả vì khả năng buộc người ta phải tuân thủ chính sách đã giảm. Đấy một phần là do các vấn đề mà chính phủ đối mặt ngày càng khó khăn hơn, trong khi các công dân lại sự kì vọng quá cao; mà còn thể hiện sự chống đối quyền lực của chính phủ từ các nhóm khác nhau, đặc biệt là công đoàn. Những người phê phán quan điểm này khẳng định rằng hầu hết các chính thể ở châu Âu không được thiết kế để bị cai trị theo nghĩa là phải có một chính quyền trung ương, không thể bị thách thức, mà là hình thức thỏa hiệp giữa các nhóm cạnh tranh với nhau trong xã hội. Trong những năm 1980, thuật ngữ này đã không còn được nhiều người nhắc tới nữa, đấy là khi các chính phủ cánh Hữu thể hiện sẵn sàng giảm thiểu chức năng của chính phủ, đồng thời tái khẳng định uy quyền của mình.

1 comment: