October 22, 2020

Thuật ngữ chính trị (78)

 


249. Garden city movement – Phong trào thành phố vườn. Phong trào thành phố vườn là một trong những cuộc vận động lớn trong thời Victoria ở Vương quốc Anh. Mục tiêu của phong trào này được Ebenezer Howard (1850-1928) trình bày trong tác phẩm Tomorrow: a Peaceful Path to Real Reform (tạm dịch, Ngày mai: Hướng tới cải cách thực sự bằng đường lối hòa bình - 1898). Howard là người theo phái quyết định bởi môi trường (environmental determinism - cho rằng môi trường xung quanh là yếu tố gây ra suy thoái về xã hội và đạo đức của đời sống đô thị) và đề nghị mỗi thành phố chỉ nên có khoảng 30.000 người, với nhiểu công viên, xung quanh là các trang trại gia đình, mỗi nhà trong thành phố đều có vườn. 

Khái niệm và ý tưởng về các thành phố vườn được nhiệt liệt hoan nghênh ở Hoa Kì với hàng chục thành phố xây dựng theo mô hình này như Newport News, Virginia's Hilton Village; Pittsburgh's Chatham Village; Sunnyside, Queens; Radburn, New Jersey; Jackson Heights... Ở Canada, Argentina, Đức... đều có nhiều thành phố vườn.

 Ổ châu Á, thành phố vườn được biết đến khá muộn và Kuala Lumpur, Khu phố Đông (Thượng Hải)... chính là những thành phố đầu tiên thực hiện được ý tưởng này một cách khá hoàn chỉnh. Kuala Lumpur có được gương mặt đô thị hiện đại với đầy đủ sắc thái, tinh thần metropolis nhưng lại lưu giữ và tôn tạo được vẻ đẹp của thiên nhiên trong thành phố.

 Thành phố vườn là một khái niệm hay và đầy tính nhân văn. Từ khái niệm này, đã xuất hiện loại hình đô thị sinh thái, một khái niệm mới về đô thị gần gũi thiên nhiên và phổ biến khắp toàn cầu hiện nay.

250. GATS - Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (tiếng Anh: General Agreement on Trade in Services) là một hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định được ký kết sau khi kết thúc Vòng đàm phán Uruguay và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1995. Hiệp định được kí kết nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ, chứ không chỉ điều chỉnh một mình lĩnh vực thương mại hàng hóa như trước đó. GATS nằm dưới sự bảo trợ của WTO (World Trade Organization), thay thế cho GATT (General Agreement on Tarriffs and Trade), cốt lõi của nền thương mại đa phương.  

251. GATT - Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (General Agreement on Tarriffs and Trade). Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), được ký kết ở Geneva năm 1947, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1948; và hoạt động như một cơ quan của Liên Hợp Quốc - là một trong một loạt nỗ lực nhằm cải cách nền kinh tế quốc tế sau Thế chiến II, khởi đầu bằng hiệp định Bretton Woods, năm 1944. Mục tiêu của GATT là dần dần giảm thuế nhập khẩu trong tất cả các nước tham gia kí kết, và cuối cùng, hướng tới nền thương mại tự do trên toàn thế giới. Một loạt các “vòng” đàm phán đã giảm liên tục thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm chế tạo, do đó, kết thúc vòng thứ bảy, gọi là vòng đàm phán Tokyo, năm 1979, thuế nhập khẩu hàng hóa sản xuất bình quân trên thế giới chỉ còn chưa tới 5%. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đánh vào hàng nông sản và dệt may không chỉ vẫn giữ ở mức cao, mà còn là mối quan tâm đặc biệt của các nước thuộc Thế giới Thứ ba, những quốc gia cần xuất khẩu những sản phẩm này sang các nền kinh tế phát triển của Thế giới Thứ nhất nhằm kiếm ngoại tệ mạnh và cân đối với lượng hàng hóa mà họ phải nhập khẩu. Thuế nhập khẩu đánh vào nông sản là vấn đề cực kì nhạy cản về mặt chính trị, vì hai thị trường xuất khẩu thực nông sản lớn nhất do các nền kinh tế thuộc Thế giới Thứ ba cung cấp (và một số nền kinh tế phát triển, nhưng mạnh về nông nghiệp như New Zealand) là Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kì. Chính sách nông nghiệp của EU và truyền thống trợ cấp nông nghiệp có từ cuộc suy thoái trong những năm 1930 ở Hoa Kì, nhằm bảo vệ nông dân trong nước khỏi sự cạnh tranh là những chính sách lâu dài và rất khó thay đổi về mặt chính trị. Vòng đàm phán GATT cuối cùng, bắt đầu tại Uruguay năm 1986, vẫn chưa đạt được tiến bộ thực sự trong việc giảm nhựng sắc thuế này vào đầu những năm 1990, và thậm chí đe dọa dẫn tới chiến tranh thương mại. Vấn đề vẫn gây rắc rối trong những năm mới thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong các nước EU và Hoa Kì, việc cắt giảm hệ thống bảo hộ sản phẩm nông nghiệp sẽ vẫn không được lòng quần chúng, và không rõ là tương lai sẽ đạt được những tiến bộ như thế nào. Đương nhiên, sự kiện này sẽ dẫn tuyên bố của Thế giới Thứ ba rằng các nền kinh tế hàng đầu hàng đầu chỉ ủng hộ thương mại tự do khi có lợi cho mình, và không ủng hộ ngay khi nó có thể có tác hại đối với các nhà sản xuất của chính họ. Sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế thuộc Thế giới Thứ nhất, đặc biệt là Hoa Kì và EU, cũng như giữa Hoa Kì và Trung Quốc đang diễn ra ở WTO có thể làm suy yếu vai trò của tổ chức này, cũng như có thể dẫn tới chiến tranh thương mại trên diện rộng.

1 comment: