5. Kinh doanh tự do và thương mại tự do
Nền kinh tế thị trường tự do
Hệ thống kinh tế trong xã hội tự do là nền kinh tế thị trường tự do. Nó hoạt động thông qua quá trình trao đổi tự nguyện các món hàng hóa và dịch vụ giữa người với người - đôi khi trực tiếp nhưng thường là thông qua phương tiện trung gian là tiền. Các cá nhân được quyền tự do lựa chọn việc làm, tiêu pha, đầu tư, tiết kiệm và trao đổi như thế nào, khi nào, ở đâu và với ai. Không ai bị buộc phải tham gia vào những vụ giao dịch đó.
Luật lệ thúc đẩy hợp tác
Nền kinh tế thị trường tự do không phải là vô luật pháp, muốn làm gì cũng được, trong đó mọi người có thể làm tất cả những việc họ muốn, không cần biết tới hậu quả gây ra cho người khác. Nguyên tắc không gây hại vẫn giữ thế thượng phong. Và có một khuôn khổ pháp luật, bảo vệ cho việc thu thập, sở hữu và trao đổi tài sản, các quyền của người dân đối với lao động của mình và hiệu lực của hợp đồng. Những quy định này bảo vệ không chỉ những hành vi của cá nhân, mà còn của các nhóm như quan hệ đối tác, công ti và tổ chức từ thiện. Vai trò của chính phủ là duy trì luật lệ bảo vệ tài sản và quyền tự do của người dân, và buộc các bên phải thực thi hợp đồng.
Nhưng vai trò của chính phủ là có giới hạn. Luật lệ không chỉ đạo thương mại, mà tạo điều kiện cho nó. Luật lệ như là than hồng giữ lửa vậy. Và điều quan trọng là luật lệ và quy định không được bóp nghẹt năng lượng của nền kinh tế thị trường. Nhưng các luật lệ cơ bản về tài sản, trao đổi và hợp đồng tạo điều kiện cho người dân hợp tác, theo sự lựa chọn của họ, vì lợi ích chung, trên cơ sở tín nhiệm, niềm tin và an toàn. Điều đó sẽ khuyến khích hợp tác về kinh tế hơn nữa và làm gia tăng gấp nhiều lần lợi ích từ sự hợp tác như thế.
Lợi ích của trao đổi tự nguyện
Người ta dễ tưởng tượng rằng thương mại chỉ làm lợi cho người bán. Nói cho cùng, sau khi trao đổi, người bán bao giờ cũng có nhiều tiền hơn, trong khi người mua thì còn ít hơn. Điều đó làm cho một số người nghĩ rằng người bán tham lam và chỉ quan tâm đến lợi nhuận của chính mình, chứ không quan tâm tới những người khác. Nghĩ thế là sai. Nói cho cùng, tiền để làm gì? Trong giai đoạn, khi tiền là vàng và bạc, ít nhất nó còn có thể chế tác thành đồ trang sức và trang trí. Nhưng tiền làm bằng giấy và đồng hay nhôm thì ít được sử dụng vào việc khác. Điều có ích duy nhất mà bạn có thể làm với tiền là dùng nó để mua những hàng hóa và dịch vụ khác.
Nói cách khác, tiền là phương tiện trao đổi. Một người mua đổi nó lấy hàng hóa hay dịch vụ; sau đó người bán lại đổi nó lấy món hàng và dịch vụ do người khác cung cấp. Cả hai đều coi là mình được lợi từ vụ giao dịch này. Nếu không thì họ sẽ không đồng ý giao dịch.
Làm sao buôn bán lại tạo ra giá trị
Vì không ai đổi một thứ lấy một thứ gì đó có giá trị ít hơn, làm sao mà cả hai cùng cảm thấy có lợi được? Lí do là giá trị, cũng như vẻ đẹp, nằm trong mắt của người xem, người đánh giá. Nó không phải là chất lượng của đối tượng, được đánh giá một cách khoa học, như trọng lượng hay kích thước. Nó là cái mà mỗi người nghĩ về đối tượng đó. Người dân ở đất nước mưa nhiều không đánh giá cao một cốc nước; nhưng những người sống trong sa mạc có thể coi nó là vật quý giá. Một bộ thời trang mới có thể là món đồ mà thanh thiếu niên nhất định phải có, trong khi cha mẹ họ có thể nghĩ rằng trông rất kệch cỡm.
Chính bởi vì người ta khác nhau trong việc đánh giá các đồ vật và hiện tượng cho nên mọi người đều được lợi khi trao đổi. Người tiêu dùng mua con gà của người bán hàng trên thị trường cho rằng con gà có giá trị cao hơn số tiền đem ra mua nó. Nhưng người bán gà lại cho rằng món tiền đó giá trị hơn con gà. Sau đó người bán gà đem tiền để mua món hàng khác - ví dụ, bánh mì - thì điều tương tự cùng sẽ xảy ra. Người bán gà cho rằng cái bánh đó có giá trị hơn món tiền mà người thợ nướng bánh đòi. Cả ba người đều được lợi, đó là lí do vì sao cả ba người đó đều tự nguyện đồng ý trao đổi.
Trên thực tế, sự khác biệt về giá trị mà người ta gán cho con gà, cho bánh mì và cho số tiền mua gà hay mua bánh mì càng lớn thì mỗi người càng được lợi từ những vụ trao đổi này. Tất cả ba người này đều phải đồng ý chấp nhận các luật lệ làm nền tảng cho việc buôn bán - luật lệ về sở hữu, sự trung thực và hợp đồng, tức là những luật lệ tạo ra khuôn khổ cho nền kinh tế thị trường tự do. Ngoài ra, các đối tác trong mỗi thương vụ đều là những người hoàn toàn tư lợi: Mỗi người trao đổi đều vì lợi ích của mình chứ không phải nhằm đem lại lợi ích cho người khác.
Tuy nhiên, bằng cách tuân theo những luật lệ này, mỗi người đã vô tình làm lợi cho những người khác - như thể được “bàn tay vô hình” dẫn dắt vậy . Mặc dù động cơ là lợi ích cá nhân, nhưng họ sẵn sàng hợp tác với nhau.
Thông qua trung gian là tiền, mỗi người chúng ta bây giờ có thể mua bán - và hợp tác - không chỉ với những người khác trên cùng một khu chợ, mà còn mua bán và hợp tác với hàng triệu người khác ở những nước mà chúng ta sẽ không bao giờ tới, ngôn ngữ của họ chúng ta cũng không biết và thậm chí chúng ta không hiểu cả nền văn hóa và cũng như chính trị của họ. Mỗi bên đều được lợi trong vô số những giao dịch diễn ra hằng ngày như thế. Người ta hợp tác với nhau. Giá trị được tạo ra. Đời sống của con người được cải thiện. Loài người ngày càng thịnh vượng hơn.
Người nghèo được lợi nhất
Vì vậy, hệ thống trao đổi tự do lan tràn khắp nơi là hệ thống tự nhiên và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Thậm chí trong những nước. do ý thức hệ mà không công nhận thị trường tự do, hệ thống này vẫn tồn tại một cách bất hợp pháp hay được người ta lờ đi. Nhiều nước (trong đó có nhiều ở châu Á) chỉ cho công dân của mình một ít quyền tự do trong những vấn đề cá nhân nhưng xã hội lại vẫn cho phép họ khá nhiều quyền tự do kinh tế.
Thực tế, buôn bán và thương mại là những nhân tố quan trọng trong thời kì hình thành thế giới Hồi giáo và quá trình truyền bá diễn ra sau đó của tôn giáo này. Việc mở ra các tuyến giao thương của thế giới đã tạo ra những tài sản khổng lồ trong thời Phục hưng ở châu Âu, đến lượt mình, của cải lại làm cho nghệ thuật, văn hóa và giáo dục đơm hoa kết trái. Châu Mĩ thịnh vượng là do có những mối giao thương với châu Âu và sau đó là với Trung Quốc
Nhưng những người giàu có không phải là những người được ngọn triều đang lên của sự thịnh vượng đưa lên cao nhất. Ở những nơi mà tự do kinh tế đã lan tới, mức sống của người nghèo gia tăng nhanh nhất. Như nhà kinh tế học người Mĩ, Milton Friedman, nói, ở Đế chế Rome, nước do đường ống cung cấp tới tận nhà là món hàng xa xỉ không thể nào tưởng tượng được, nhưng vị thượng nghị sĩ ở Rome không cần bởi vì ông ta đã có người hầu mang nước đến nhà . Người nghèo ở Đế chế Rome sống trong cảnh nghèo khó, bẩn thỉu; nhưng người nghèo ở thành Rome hiện đại hiện nay coi món hàng xa xỉ phẩm là nước nóng và nước lạnh được cung cấp tới tận nhà là chuyện đương nhiên.
Hiệu ứng này có thể được nhìn thấy một cách sống động trong quá trình mở rộng thương mại quốc tế và lan truyền những nguyên tắc của thị trường vào những nước như Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả là, chỉ trong vòng ba thập niên, khoảng một tỉ hoặc hơn một tỉ người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Hàng triệu người khác hiện đang mong muốn trở thành tầng lớp trung lưu và hưởng thụ những món hàng xa xỉ như điện thoại di động, tivi và đi lại bằng ô tô - và làm việc trong các văn phòng và nhà máy có điều hòa, khô ráo, thoải mái chứ không muốn làm trên đồng ruộng trong nắng, mưa, gió, rét nữa.
Muốn giàu có thì phải làm thế nào?
Người sản xuất phải phục vụ khách hàng
Trong xã hội tự do, khách hàng có quyền lựa chọn. Họ không bị buộc phải mua hàng của nhà sản xuất đặc biệt nào, ví dụ, các công ti độc quyền của chính phủ hay được chính phủ bảo trợ. Các nhà cung cấp có thể tìm cách thông đồng nhằm nâng giá, nhưng những vụ thông đồng như thế khó mà bền vững, vì người nào trong số họ cũng có thể ăn gian bằng cách giảm giá nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn. Trong khi đó, các nhà cung cấp khác có quyền tự do tham gia thị trường và cạnh tranh với các công ti đang tìm cách giữ giá cao.
Do đó, trong nền kinh tế thị trường tự do, cạnh tranh thực sự, các nhà sản xuất không có quyền bóc lột khách hàng. Nếu không sản xuất được những sản phẩm có chất lượng đáp ứng được kì vọng của khách hàng và có mức giá rất hấp dẫn, thì chẳng bao lâu sau họ sẽ bị bật ra khỏi thương trường. Khách hàng không phải là tù nhân của các tập đoàn. Ngược lại, các nhà sản xuất chỉ sống sót khi đáp ứng được nhu cầu luôn luôn thay đổi của công chúng.
Công ti dù lớn đến đâu cũng vẫn phải cạnh tranh. Công ti lớn có thể làm ra nhiều loại sản phẩm khác nhau và tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Nhưng nó không chỉ có thể bị các công ti lớn khác cạnh tranh, mà còn bị nhiều công ti nhỏ hơn cạnh tranh để giành thị phần trong những lĩnh vực cụ thể nào đó. Những công ti nhỏ hơn, với chi phí ít hơn, có thể sản xuất một số sản phẩm mà công ti lớn hơn đang sản xuất với chất lượng cao hơn hoặc rẻ hơn. Các công ti mới và có tính sáng tạo có thể làm ra những sản phẩm mới khiến cho một hoặc nhiều sản phẩm của công ti lớn trở nên lỗi thời.
Do đó, nói rằng chủ nghĩa tư bản - do theo đuổi nền sản xuất quy mô lớn - sẽ dẫn tới hiện tượng là các công ti ngày càng trở nên to lớn hơn và cuối cùng, trở thành các công độc quyền chỉ là huyền thoại mà thôi. Quy mô cũng có giá của nó: Khó quản lí các tổ chức lớn và những tổ chức này thường xoay chuyển chậm. Xem bất cứ tạp chí ở phương Tây nào, ví dụ, cách đây năm mươi năm sẽ cho ta một bài học. Rất ít các công ti được quảng cáo vào thời gian đó hiện vẫn còn hoạt động. Tất cả những công ti này đều bị đối thủ cạnh tranh qua mặt; đấy là những công ti ban đầu còn nhỏ, nhưng sáng tạo hơn hay có lời hơn.
Câu hỏi: Có phải cạnh tranh, lợi nhuận và quảng cáo là lãng phí?
Trả lời: Không. Lợi nhuận khuyến khích mọi người làm việc, tìm kiếm cơ hội và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mà những người khác sẵn sàng mua. Lợi nhuận cũng chứng tỏ rằng các nguồn lực được sử dụng để sản xuất ra những hàng hóa hoặc dịch vụ được cộng đồng đánh giá cao hơn là các nguồn nguyên liệu thô. Quảng cáo quan trọng vì nó nói cho người ta biết về sản phẩm mới và những cải tiến đối với sản phẩm hiện có. Cạnh tranh tạo điều kiện cho người dân lựa chọn giữa những sản phẩm khác nhau, thúc đẩy các nhà cung cấp đổi mới và đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng tốt hơn, rẻ hơn. Nếu không có cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ trở nên bất lực. Họ sẽ phải mua những món hàng mà các nhà cung cấp độc quyền hạ cố cung cấp - hoặc về tay không.
Không ai nắm giữ mãi quyền lực kinh tế
Vì vậy, các công ti cũng như những người quản lí công ti không chuyển giao quyền lực kinh tế từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Trong nền kinh tế tự do, người ta có thể trở nên giàu có với điều kiện là họ phải tiếp tục phục vụ công chúng và thu hút được khách hàng. Thật vậy, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là hiện tượng phổ biến ở những xã hội có nhiều quyền tự do hơn: Người ta thành lập công ti và kiếm tiền cho gia đình mình, nhưng đến lúc cháu họ tham gia kinh doanh thì các công ti khác bắt đầu đẩy họ ra khỏi thương trường.
Hệ thống này công bằng hơn hẳn hệ thống, nơi mà giới ăn trên ngồi trốc kiểm soát việc tiếp quản cả quyền lực chính trị lẫn quyền lực kinh tế, và tìm cách bảo đảm rằng họ và gia đình họ sẽ nắm giữ mãi. Trong nền kinh tế tự do, bất cứ người có tài và có quyết tâm nào cũng đều có thể ước mơ làm giàu - với điều kiện là họ phải phục vụ những người khác. Cơ hội trở thành người giàu có không chỉ được dành cho bạn bè, gia đình hay đảng của những người có chức có quyền, cũng không phải chỉ dành cho những người nằm trong nhóm sắc tộc hay tôn giáo đặc biệt nào đó. Thật vậy, trong số những người dân giàu nhất trong xã hội tự do có cả người nhập cư, những người mang theo kinh nghiệm và ý tưởng khác với dân bản địa và làm ra những sản phẩm hoặc dịch vụ mới mà mọi người rất muốn mua.
Nhưng, ở những nước với chính phủ có nhiều quyền lực, có thể ưu ái bạn bè và người thân của họ, thì các doanh nhân sẽ tìm cách sử dụng quyền lực của chính phủ để làm lợi cho mình. Họ có thể tìm cách đưa ra những quy định để loại bỏ những đối thủ cạnh tranh hoặc thậm chí là trở thành công ti độc quyền hoàn toàn trong lĩnh vực đó. Mặc dù họ có thể tìm cách biện minh bằng cách nói rằng làm thế là để bảo vệ công chúng, không để hàng hóa kém chất lượng lọt vào thị trường, nhưng động lực thực sự của họ là lũng đoạn thị trường. Nhưng làm thế là trao cho họ sức mạnh cưỡng chế, tức là không tương thích với xã hội tự do. Chính phủ không được quyền bóp méo thương trường và tạo ra những công ti độc quyền; hơn thế nữa, vai trò của họ phải là mở rộng tự do và cạnh tranh.
Làm chủ doanh nghiệp
Thành công trong nền kinh tế tự do không phải chỉ là cần cù lao động - mặc dù đấy thường là một trong những điều kiện. Bạn phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà những người khác muốn và sẵn sàng mua. Điều đó có thể tạo ra rủi ro - dự đoán xem dân chúng sẽ cần những sản phẩm mới nào - và tổ chức dây chuyền sản xuất có nhiều nhà cung cấp, nhiều công nhân và nhà phân phối tham gia. Ít người sẵn sàng chấp nhận những rủi ro và trách nhiệm như thế; nhưng dự đoán thành công nhu cầu và tổ chức hệ thống sản xuất, mạng lưới phân phối và nỗ lực là đóng góp thực tế của các doanh nhân. Họ chấp nhận rủi ro lớn, và nếu công chúng mua sản phẩm của họ, họ sẽ được tưởng thưởng lớn.
Đến lượt nó, điều này sẽ khuyến khích tăng năng suất và đổi mới. Nó khuyến khích người ta tạo ra các sản phẩm và quy trình mới và tốt hơn, với hi vọng rằng họ cũng có nhiều của cải như những doanh nhân trong quá khứ đã từng có. Và quá trình cải tiến và phát minh liên tục như thế làm lợi cho người tiêu dùng và do đó, làm lợi cho toàn bộ xã hội. Những sáng chế nhằm tiết kiệm sức lao động của con người hay cải thiện điều kiện sống của họ làm gia tăng sự thịnh vượng và làm cho của cải lan rộng nhanh hơn hẳn bất kì chương trình phúc lợi nào của chính phủ.
Khách hàng được lợi từ những hàng hóa và dịch vụ mà họ có thể không bao giờ tìm được hoặc tự sản xuất được. Ví dụ, phải có nhiều nghiên cứu và giỏi chuyên môn thì mới sản xuất và cung cấp được một loại dược phẩm hiệu quả. Các cá nhân thường không có chuyên môn về hóa học, sinh học và khả năng sản xuất cần thiết - nhưng công ti sản xuất dược phẩm thì có. Ngay cả dược sĩ địa phương cũng có thể tích luỹ được kiến thức chuyên môn về cách dùng, hiệu quả và hiệu ứng phụ của khoảng năm trăm hoặc hơn năm trăm dược phẩm trong kho của họ. Khách hàng có thể không có kiến thức chuyên môn như vậy - chắc chắn không, khi họ còn phải trở thành chuyên gia về thực phẩm, nước uống, quần áo, giày dép và tất cả những thứ khác, tức là những thứ mà họ cần trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Các doanh nhân có thể tích lũy được của cải. Nhưng họ không sống bám vào người khác. Số tiền mà họ kiếm được là do khách hàng tự nguyện trả cho họ. Họ giàu lên bằng cách giúp đỡ người khác, chứ không phải bằng cách thu thuế hay bóc lột nhân dân. Và họ chỉ giữ được của cải nếu tiếp tục phục vụ cộng đồng. Muốn giữ được thu nhập, họ phải hiểu khách hàng và dự đoán được nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, họ luôn luôn tìm kiếm thị phần còn bỏ ngỏ và tìm cách lấp đầy nó. Đấy là quá trình liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Lợi nhuận và đầu cơ
Như vậy là, triển vọng lợi nhuận khuyến khích các nhà sản xuất - cả lớn lẫn nhỏ - chấp nhận rủi ro, đổi mới, tổ chức và hoạt động nhằm phục vụ người khác. Nhiều người phê phán kinh tế tự do miệt thị ý tưởng về “lợi nhuận” - nhưng trên thực tế, tất cả chúng ta đều là những người tìm kiếm lợi nhuận. Chúng ta hi sinh một số thứ để thu được một thứ mà chúng ta đánh giá cao hơn. Ví dụ, chúng ta dành thời gian và sức lực dọn dẹp để có ngôi nhà gọn gàng và ngăn nắp. Chúng ta đánh giá ngôi nhà sạch sẽ cao hơn nỗ lực dọn dẹp: Sự khác biệt là lợi nhuận mà chúng ta vừa thu được. Đấy không phải là lợi nhuận bằng tiền, nhưng nó cũng tương tự như doanh nhân mua nguyên vật liệu và làm ra vật phẩm có giá trị cao hơn chi phí đầu vào. Ngay cả khi chúng ta tham gia vào dự án của cộng đồng hay từ thiện - ví dụ, tham gia hội đồng nhà trường - chúng ta làm điều đó vì mục đích của chính chúng ta, thậm chí mục tiêu có thể là chúng ta muốn tất cả trẻ em trong khu vực đều học giỏi. Đó cũng là lợi nhuận (phi tài chính) của chúng ta. Nhưng dường như những người phê phán chỉ nhận thấy và không thích những khoản lợi nhuận bằng tiền mà thôi. Thật vô lí và thiếu nhất quán.
Cũng có thể nói như thế khi người ta phê phán hiện tượng đầu cơ. Trên thực tế, không phải chỉ trong thị trường tài chính mới có hiện tượng đầu cơ. Tất cả chúng ta đều là những người đầu cơ. Người nông dân trồng cây với hi vọng có sản phẩm để bán. Chúng ta đi học để có trình độ mà chúng ta hi vọng sẽ làm cho chúng ta dễ kiếm việc làm hơn. Đây cũng là đầu cơ.
Trong thế giới tài chính, đầu cơ là vô cùng quan trọng. Tàu thuyền sẽ không bao giờ ra khơi nếu các công ti bảo hiểm và bảo lãnh phát hành không sẵn sàng đầu cơ và chấp nhận rủi ro để bản đảm về sự an toàn của chúng. Nền sản xuất hiện đại phụ thuộc vào các hợp đồng lớn và dài hạn - ví dụ, các thỏa thuận về cung cấp vật tư thiết bị, hay các hợp đồng xây dựng và bảo trì nhà máy. Những nhà sản xuất đơn lẻ không thể chịu được toàn bộ rủi ro. Vì vậy, họ mời những người khác mua cổ phần trong doanh nghiệp của mình. Đó là hình thức đầu cơ khác. Trên các thị trường chứng khoán, các nhà đầu cơ mua và bán với hi vọng thu được lợi nhuận; nhưng muốn làm như thế, họ cần các chuyên gia có hiểu biết về những công ti mà họ đang mua bán cổ phiếu và triển vọng của những công ti này. Ý kiến chuyên môn đó mang lại thông tin hữu ích cho thị trường và giúp đưa giá cả đạt mức phù hợp nhanh chóng hơn là không có các chuyên gia, làm cho toàn bộ thị trường phản ứng nhanh hơn và hiệu quả.
Tạo ra lợi nhuận không phải là tham lam. Người ta theo đuổi lợi nhuận vì lợi ích cá nhân của mình, nhưng đấy không phải là tham lam. Nếu chúng ta muốn tồn tại, muốn tránh bị tổn thương và nuôi dưỡng cơ thể của mình thì tư lợi, ở mức độ nào đó, là yếu tố cực kì quan trọng. Nhưng tham lam là khái niệm đạo đức, để nói rằng một người nào đó quá tự tư tự lợi, làm hại những người khác. Trong xã hội tự do, các nhà sản xuất chỉ có thể thỏa mãn tính tư lợi của mình bằng cách giúp đỡ những người khác.
Kinh doanh và các mối quan hệ
Nhưng quan trọng là, kinh doanh không phải là toàn bộ cuộc đời. Những doanh nhân làm việc chăm chỉ nhất trong xã hội tự do cũng có gia đình và những mối quan tâm khác, như thể thao hay những sở thích khác, hay các nhóm và các hiệp hội với những mối quan tâm chung. Ta chỉ cần nhìn vào các nước tư bản chủ nghĩa như Italy, nơi quan hệ gia đình rất gắn bó, là nhận ra rằng gia đình và kinh tế thị trường dễ dàng song hành với nhau.
Kinh doanh không cho phép đối xử với những người khác một cách tàn nhẫn và chắc chắn là không được làm hại người khác - đấy là do nguyên tắc không làm hại mà ra. Và những mối quan hệ được tưởng thưởng nhiều nhất chính là quan hệ với các đồng nghiệp tại nơi làm việc. Nền kinh tế thị trường tự do còn thúc đẩy các mối quan hệ xã hội theo những cách khác nữa. Nó cho người ta của cải và thời gian để cống hiến cho những mối quan tâm khác, ví dụ, các tổ chức tôn giáo, tổ chức cộng đồng và từ thiện.
Thị trường hoạt động như thế nào
Hệ thống thông tin về giá cả
Hầu hết các thị trường hoạt động thông qua trung gian là tiền. Có thể có những vụ trao đổi trực tiếp - hàng đổi hàng - không dùng tiền; nhưng tiền tiện lợi hơn. Người bán có thể bán hàng hay dịch vụ lấy tiền, sau đó tìm mua những thứ mà anh ta cho là có giá trị nhất để mang tiền ra mua. Có nghĩa là người thợ cắt tóc đói không phải tìm người nướng bánh cần cắt tóc.
Giá thường được thể hiện bằng tiền. Giá cả không phải là tiêu chuẩn của giá trị, bởi vì giá trị nằm trong đầu của những người tham gia trao đổi và cùng một đồ vật, nhưng những người khác nhau lại đánh giá khác nhau. Nhưng giá cả cho ta biết một điều gì đó về nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm và sự khan hiếm của những sản phẩm đó. Giá cả phản ánh tỉ lệ mà người ta sẵn sàng để trao đổi vật này lấy vật khác.
Giá cả là chỉ dấu về sự khan hiếm không gì thay thế được . Giá cao không chỉ cho ta biết cầu ở đâu đang mạnh. Giá cao còn khuyến khích những người cung cấp tìm cách đáp ứng nhu cầu đó. Nhìn thấy giá cao, những người sản xuất bước vào thị trường nhằm giành lấy những khoản lợi nhuận tiềm tàng, hướng những nguồn lực như lao động và vốn vào những lĩnh vực đó để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Tương tự, giá thấp cho thấy cầu yếu và các nguồn lực nên được chuyển sang lĩnh vực khác.
Bằng cách đó, giá cả đóng vai trò quan trọng sống còn trong nền kinh tế tự do, nó giúp chuyển nguồn lực đến những nơi có nhu cầu cao nhất và đưa nguồn lực ra khỏi nơi dư thừa. Giá cả còn giúp giảm thiểu lãng phí: Muốn có lợi nhuận cao nhất, người cung cấp cần phải tìm ra biện pháp sử dụng đầu vào với hiệu quả cao nhất. Điều đó sẽ giúp bảo tồn các nguồn lực và đảm bảo rằng nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất có thể.
Hiệu ứng này lan từ thị trường này sang thị trường khác, trong toàn bộ nền kinh tế, và thực ra là lan tràn trên khắp thế giới. Ví dụ, giả sử rằng thiếc vừa được sử dụng vào lĩnh vực mới nào đó. Lúc đó, nhà sản xuất bắt đầu cần nhiều thiếc hơn. Họ sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn trước. Giá cao sẽ khuyến khích các công ti khai thác mỏ sản xuất thêm thiếc, và những người bán bán ra nhiều hơn. Nhưng đồng thời, những người sử dụng thiếc sẽ bắt đầu tìm kiếm kim loại thay thế, chứ không muốn mua với giá cao hơn. Họ sẽ cần nhiều hơn những sản phẩm thay thế, và giá của những sản phẩm này sẽ tăng lên. Việc đó sẽ khuyến khích người ta làm ra nhiều sản phẩm thay thế hơn và thúc đẩy người sử dụng tìm những sản phẩm thay thế cho những sản phẩm đã dùng để thay thế cho thiếc.
Bằng cách này, giá chuyển tải thông tin về tình trạng khan hiếm ra toàn bộ hệ thống kinh tế. Nhà kinh tế học F. A. Hayek, giải thưởng Nobel về kinh tế, gọi đây là “hệ thống thông tin lớn” của thị trường, nó liên tục nói cho ta biết ở đâu thừa, còn ở đâu thì thiếu và nên đưa sức lao động và nguồn lực vào lĩnh vực nào.
Thị trường không thể hoàn hảo
Đọc một cuốn sách giáo khoa kinh tế, người ta có thể có ấn tượng rằng thị trường là “cạnh tranh hoàn hảo” giữa rất nhiều người cung cấp giống hệt nhau, bán những sản phẩm giống hệt nhau cho những khách hàng cũng giống hệt nhau. Nhưng không phải như thế. Đấy chỉ là những khái niệm lí thuyết trừu tượng. Trên thực tế, thị trường hoạt động - và chỉ có thể hoạt động - bởi vì con người không ai giống ai và sản phẩm cũng chẳng cái nào giống cái nào.
Nếu tất cả mọi người cùng chia sẻ những giá trị giống nhau thì chẳng ai có thể mua bán được bất cứ thứ gì. Lúc đó cả hai bên đều có những món háng giá trị giống nhau, do đó họ sẽ chẳng cần trao đổi làm gì. Trao đổi chỉ diễn ra vì chúng ta có ý kiến khác nhau về giá trị. Và, một lần nữa, nếu tất cả các nhà cung cấp đều đưa ra những sản phẩm giống hệt nhau, giá cả như nhau, thì khách hàng sẽ chẳng có gì để lựa chọn. Không có nhà cung cấp nào có thể đánh bại được đối thủ cạnh tranh và kiếm được lợi nhuận cao hơn.
Nhưng lợi nhuận cao hơn là động cơ để doanh nhân tìm cách vượt qua đối thủ. Họ làm điều đó bằng cách làm cho sản phẩm của mình rẻ hơn - ví dụ, bằng cách hợp lí hóa quá trình sản xuất. Nhưng, quan trọng hơn, họ làm điều đó bằng cách làm cho sản phẩm của chính mình trở nên tốt hơn. Họ sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm. Họ cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm mới và tốt hơn so với những món hàng cũ mà họ đã quen. Và họ nêu bật những thay đổi với hi vọng là khách hàng sẽ thích sản phẩm của họ hơn là sản phẩm của những người khác.
Nó làm cho thị trường tự do trở nên năng động đến bất ngờ - không phải là tình trạng tĩnh, đông cứng và bất động như những đồ thị cung cầu trong các cuốn sách giáo khoa. Các nhà cung cấp liên tục cải tiến để làm ra những sản phẩm hấp dẫn hơn, còn khách hàng thì cũng liên tục tìm những cải tiến như thế.
Kế hoạch hóa tập trung là bất khả thi
Những cố gắng của chính phủ nhằm chỉ đạo nền kinh tế và sản xuất ra những món hàng hóa mà mọi người muốn không thể so sánh được với sự năng động của hệ thống thị trường.
Chẳng có mấy áp lực để buộc các công ti độc quyền của chính phủ phải đổi mới. Các quan chức của chính phủ cũng không biết công chúng thực sự muốn và coi cái gì là có giá trị. Thỉnh thoảng họ cũng có thể tiến hành các cuộc thăm dò ý kiến, nhưng không thể nào so sánh được với cạnh tranh của thị trường, trong đó, lựa chọn của người tiêu dùng liên tục được cập nhật cho các nhà sản xuất thông tin về nhu cầu của mình.
Muốn thành công, các doanh nhân phải hiểu khách hàng của mình. Họ không thể chờ đợi nhiều năm mới nắm được ý kiến khách hàng đối với toàn bộ gói sản phẩm, như các chính phủ vẫn làm tại các cuộc bầu cử. Họ phải luôn luôn tỉnh táo trước nhu cầu của khách hàng, và trước giá cả cũng như khả năng cung ứng vật tư và nguyên liệu đầu vào. Ví dụ, người buôn bán bất động sản cần biết những sự kiện đang diễn ra trên thị trường bất động sản địa phương - ví dụ, khách hàng tiềm năng nào đang quan tâm đến một số loại nhà ở nào - không phải hằng tháng mà là hằng ngày, thậm chí hàng giờ. Không chính quyền trung ương nào có thể thu thập được thông tin thay đổi nhanh chóng đến như thế, chính quyền không bao giờ nghĩ tới việc hành động trước khi tất cả đã thay đổi thêm một lần nữa.
Câu hỏi: Thị trường tự do đã thất bại trong việc bảo vệ được môi trường?
Trả lời: Không. Thị trường không thất bại. Đơn giản là không có thị trường đối với nhiều loại hàng hóa thuộc về lĩnh vực môi trường. Thị trường hoạt động tốt khi có những thứ khan hiếm và khi có thể không cho người không trả tiền thụ hưởng, chứ không phải khi có nhiều người thụ hưởng hoặc không thể đẩy những người không trả tiền ra ngoài.
Tuy nhiên, mọi người bắt đầu nhận ra rằng có thể có thị trường cho hàng hóa thuộc lĩnh vực môi trường. Ví dụ, không cho phép đánh bắt cá biển theo kiểu hủy diệt, một số nước hiện đã đặt ra giới hạn đánh bắt để giữ được sự bền vững và cấp phép đánh bắt một phần số tôm cá trên biển. Có thể chuyển nhượng các loại giấy phép này và thị trường đã nhanh chóng xuất hiện, làm gia tăng hiệu quả trong khi vẫn giữ gìn được tài nguyên.
Và khi người dân giàu lên - nhờ nền kinh tế thị trường tự do - họ có thể có đủ khả năng để chăm sóc môi trường xung quanh tốt hơn. Trung Quốc bị các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng người dân ở đây đánh giá cao phát triển kinh tế hơn là không khí trong sạch. Khi họ giàu hơn, tương tự như tất cả các nước giàu có trước đó, các tiêu chuẩn sẽ thay đổi và họ sẽ có thể đủ khả năng chi trả cho các quy trình công nghiệp sạch hơn, ít gây ô nhiễm hơn hẳn.
Một số người nghĩ rằng bởi vì kinh tế tự do không do trung ương lập kế hoạch cho nên chắc chắn là đầy may rủi và bất hợp lí. Trên thực tế, thị trường rất trật tự. Bằng cách tuân theo luật lệ về sở hữu và trao đổi đã được mọi người chấp thuận, người ta có thể trao đổi và hợp tác, và dự đoán hành động của người khác, với mức độ chắc chắn rất cao. Thị trường cũng hoạt động một cách hợp lí. Thị trường sử dụng kiến thức ở địa phương và kiến thức của hàng triệu cá nhân, tất cả những người đó đều đang thực hiện kế hoạch của riêng mình và đang điều chỉnh kế hoạch theo những kế hoạch đang thay đổi của những người khác. Trong nền kinh tế tự do, nhiều kế hoạch được lập hơn là một kế hoạch do trung ương quản lí - việc lập kế hoạch diễn ra ở tầm cá nhân chứ không phải ở tầm nhà nước.
Doanh nghiệp do nhà nước bảo trợ
Rất ít quốc gia ngày nay còn tin rằng họ có thể sở hữu và quản lí một cách hiệu quả toàn bộ hoạt động sản xuất của đất nước. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới là nền kinh tế “hỗn hợp”, trong đó, các chính phủ chỉ sở hữu một số ngành và tìm cách chỉ đạo và quản lí đầu ra của những ngành khác, thông qua việc lập kế hoạch, ban hành quy định, các khoản trợ cấp, thuế và nhà nước nắm cổ phần
Thế kỉ XX đã chứng kiến nhiều nước quốc hữu hoá lĩnh vực công nghiệp mà người ta nói là có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, hiện nay nhiều nước tiếp tục sở hữu và kiểm soát những ngành này - trong đó có viễn thông, vận tải, ngân hàng, những ngành dịch vụ công cộng, khai thác mỏ và nhiều ngành khác nữa.
Đáng tiếc là, việc nhà nước sở hữu những ngành đó hầu như bao giờ cũng tạo ra những công ti độc quyền của chính phủ. Những công ti độc quyền như vậy là quá lớn, không ai có thể quản lí hiệu quả được. Công ti độc quyền của nhà nước hay tư nhân không phải là vấn đề; bao giờ nó cũng trở thành những công ti quá cồng kềnh và lười biếng, dịch vụ thì kém mà giá lại cao.
Tầm quan trọng chiến lược của những ngành này không phải là lí do để nhà nước phải sở hữu chúng. Ngân hàng của hầu hết những nước giàu nhất nằm trong tay tư nhân: Biến chúng thành công ti độc quyền của nhà nước thì chẳng mấy chốc sẽ làm cho cả ngân hàng lẫn các doanh nghiệp và những gia đình sống dựa vào những hoạt động đó phá sản. Các công ti thương mại, hoạt động như các nhà cung cấp cho chính phủ hoặc làm việc trực tiếp với người tiêu dùng, hiện nay cung cấp phần lớn dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ công cộng trên thế giới. Nhiều nước đã tư nhân hóa các công ti quốc doanh, họ công nhận rằng để những dịch vụ quan trọng cho các doanh nghiệp cạnh tranh - có trình độ quản lí và nguồn vốn tư nhân - làm thì tốt hơn.
Nhưng các chính phủ đã học được rằng họ có thể kiểm soát một số ngành mà không cần sở hữu chúng. Đơn giản là họ có thể mua cổ phần của các công ti quan trọng (và về danh nghĩa là sở hữu tư nhân) và sử dụng quyền của mình, trong vai trò cổ đông, để kiểm soát những việc công ti làm và những người được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị. Đôi khi họ còn mua “cổ phiếu ưu tiên” (golden share) tạo điều kiện cho họ có tiếng nói cuối cùng về những vấn đề chủ chốt.
Xã hội tự do không chấp nhận sự can thiệp theo lối tằm ăn rỗi như vậy. Nó sẽ dẫn tới quyền sở hữu nhà nước và sung công, cho phép các chính phủ quyết định mà không cần phải mua công ti. Các chủ sở hữu - trong đó có những người bình thường có thể đầu tư tiền tiết kiệm và lương hưu của họ vào những công ti blue-chip (blue-chip là cổ phiếu của các công ty lớn. Bởi vậy, loại cổ phiếu này có thể coi như rất an toàn cho việc đầu tư – ND) - có thể bị cướp trắng tài sản theo cách đó. Và cơ hội cho tham nhũng gia tăng - những người thân cận có thể được tưởng thưởng bằng những vị trí béo bở trong các hội đồng quản trị, nhà máy có thể được đặt ở những khu vực thuận lợi và sản phẩm có thể được sử dụng nhằm mang lại lợi ích cho những người ủng hộ chính phủ.
Chính phủ cũng có thể kiểm soát công ti tư nhân bằng các quy định. Quy định có thể đặt ra giới hạn, buộc các công ti phải hoạt động như thế nào, sản xuất cái gì, giá bao nhiêu, đầu tư và tạo công ăn việc làm ở đâu, lương công nhân là bao nhiêu - và nhiều thứ khác. Các nhà nước, ngay cả các nước tự gọi là tự do, thường kiểm soát các nguồn lực tư nhân bằng cách đó - nhưng nó hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc sở hữu nhân, một trong những nền tảng thiết yếu của xã hội thực sự tự do.
Thương mại quốc tế
Giao thương hay bảo hộ
Buôn bán qua biên giới quốc gia cũng tạo ra những lợi ích hệt như những lợi ích hình thành trong quá trình buôn bán giữa những người trong cùng một nước. Buôn bán tạo điều kiện cho các nước chuyên sản xuất những món hàng mà họ làm tốt nhất và đưa số chưa tiêu thụ hết sang những nước có thể sản xuất những món hàng khác. Ví dụ, khá nhiều hoa trên thế giới có xuất xứ từ Kenya, đất đai và khí hậu ở đây rất thuận lợi cho việc trồng hoa; trong khi Chile, Australia và Pháp được coi là những nhà sản xuất rượu vang hàng đầu nhờ đất đai cũng như điều kiện khí hậu và kiến thức của họ. Ấn Độ, với lực lượng lao động tương đối rẻ, nhưng được học hành đến nơi đến chốn, đã trở thành một trong những nước quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thương mại quốc tế tạo điều kiện cho người ta chuyên môn hóa và tạo vốn, ví dụ như công cụ và thiết bị, làm cho sản xuất hiệu quả hơn.
Và vì có khả năng là những giá trị mà người dân ở các nước khác coi trọng còn khác hẳn với những giá trị mà người dân trong cùng một nước coi trọng, cơ hội làm cho cả hai bên cùng có lợi nhờ thương mại còn lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, thời Trung cổ, khách du lịch châu Âu phải trả giá rất cao cho những sản phẩm như trà, vốn là thứ mọc đầy ở Ấn Độ và Trung Quốc hay các loại gia vị mà ở Trung Đông là thứ hàng phổ biến và khá rẻ. Ngày nay, người ta bay nửa vòng trái đất để đến thăm quan nền kiến trúc ở Venice hay văn hóa của Thái Lan, và lấy làm ngạc nhiên là làm sao mọi thứ lại khác với nước mình đến như thế.
Xã hội tự do mở cửa cho các sản phẩm từ tất cả các nước trên thế giới tràn vào. Nó nhận ra những lợi ích có tính năng động do thương mại mang lại và cách thức mà thương mại giúp lan tỏa thịnh vượng. Chính sách khác là chủ nghĩa bảo hộ, đấy là các nước tìm cách bảo vệ các nhà cung cấp nội địa bằng cách không cho nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác. Chính sách này làm cho các nhà cung cấp nội địa dễ thở. Nhưng nó cũng có nghĩa là người tiêu dùng trong nước không được sử dụng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn hoặc rẻ hơn được nhập khẩu từ nước ngoài. Họ phải trả giá cao hơn cho các nhà sản xuất được bảo hộ ở trong nước, họ có ít lựa chọn hơn và phải chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng hơn.
Chủ nghĩa bảo hộ là lãng phí
Khi một nước sản xuất ra món hàng có thể được sản xuất ở nước ngoài với chất lượng tốt hơn hay rẻ hơn thì có nghĩa là nước đó đã lãng phí nguồn lực (trong đó có tài nguyên môi trường). Adam Smith đã chỉ ra rằng, nho có thể được trồng trong nhà kính ở xứ sở lạnh lẽo và mưa nhiều như Scotland - nhưng với chi phí gấp khoảng ba mươi lần chi phí khi trồng ở nước Pháp đầy nắng. Vì sao lại lãng phí các nguồn lực - thời gian, tiền bạc và công sức của bạn - để tìm cách tự mình làm cái mà người khác làm tốt hơn hay rẻ hơn ?
Không ngạc nhiên khi các nhà sản xuất hiệu quả bực bội vì các nước khác tìm cách ngăn chặn sản phẩm của họ bằng những biện pháp cấm đoán, bằng hạn ngạch và thuế quan. Họ cũng có thể trả đũa bằng cách tăng các rào cản mà họ sở hữu. Cuộc chiến tranh thương mại như vậy chẳng mang lại lợi ích cho ai hết. Tốt hơn hẳn - đặc biệt là cho những người dân nghèo nhất ở cả hai nước, những người được lợi nhất vì được mua hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn - nếu tất cả các rào cản đều được loại bỏ và người dân được phép kinh doanh theo ý mình.
Nhập cư thì cũng thế. Trong xã hội tự do, chính phủ sẽ không cản trở người ta đi lại giữa các nước. Người nhập cư mang theo nghị lực và ý tưởng mới, làm lợi cho đất nước mà họ chuyển đến. Ví dụ, làn sóng nhập cư ở châu Âu và Bắc Mĩ đã mang đến thịnh vượng cho những khu vực này. Dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát nhập cư đã tồn tại trong nhiều thập kỉ có thể là việc không dễ dàng và có thể gây ra những vấn đề lớn trong ngắn hạn: Nhưng nó phải mục tiêu cơ bản của những tín đồ của xã hội tự do.
Thương mại tự do trên thực tế
Những nước có chính sách thương mại cởi mở phát triển nhanh hơn và trở nên thịnh vượng hơn những nước không cởi mở. Xin xem xét những thành phố thương mại nhỏ bé như Hồng Kông và Singapore - không thành phố nào trong hai thành phố này có nhiều tài nguyên thiên nhiên để có thể trông cậy vào. Trong những năm 1960, đây là những nước nghèo chẳng khác gì nhiều nước nghèo ở châu Phi và vùng Caribbe, vốn có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, nhờ thương mại và tự do kinh tế, họ là những nước giàu hơn gấp nhiều lần những nước có nhiều tài nguyên kia.
Thương mại lan tràn đã làm giảm đáng kể số người nghèo trên thế giới. Một số người sợ rằng cho phép nhập khẩu và đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến việc bóc lột người dân địa phương - ví dụ như “công xưởng vắt kiệt mồ hội” chuyên sản xuất giày hay quần áo. Sự thật là, không có ai buộc bất cứ người nào phải làm việc trong các nhà máy; nhưng hầu hết mọi người đều thích làm việc trong các nhà máy để được thường xuyên nhận lương hơn là lao động vất vả trên đồng ruộng dưới trời nắng nóng mà tưởng thưởng lại thấp và không chắc chắn bằng. Ở các nước như Việt Nam, nơi đã có những khoản đầu tư nước ngoài, bây giờ những người công nhân làm việc trong nhà máy đã có thể ước mơ mua xe máy, mua tivi và những món hàng xa xỉ khác mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới.
Hiện nay, hầu như bất kì sản phẩm phức tạp nào - điện thoại di động hay máy tính bảng - cũng đều bao gồm nguồn lực, kĩ năng và kiến thức chuyên môn được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà thiết kế có thể sống ở California, nhưng lại do những người ở Hồng Kông quản lí, còn những người ở Trung Quốc thì sản xuất. Kim loại và những vật liệu khác được sử dụng trong sản phẩm lại có thể được khai thác từ châu Á, Australia hay Nam Mĩ. Sản phẩm có thể được vận chuyển bởi các hãng tàu biển có trụ sở ở Hi Lạp hay các hãng hàng không có trụ sở ở Hà Lan. Và tất nhiên là người sử dụng có mặt ở tất cả các nước trên thế giới.
Khi người ta buôn bán với người dân ở các nước khác, thì họ sẽ hiểu hay chí ít là tôn trọng những người đó hơn. Các thương nhân không thể đủ sức tưởng tượng mình ưu việt hơn những người ở các nước khác hay chủng tộc khác. Muốn cho mình được lợi, người ta phải trao đổi một cách hòa bình với những người khác - người cung cấp, cộng tác viên hay người tiêu dùng. Thương mại quốc tế tạo ra hiểu biết và hòa bình, mà hiểu biết và hòa bình lại có những lợi ích riêng, rộng lớn hơn. Không có gì ngạc nhiên là những xã hội tự do và cởi mở nhất cũng là những xã hội có nền thương mại tự do và cởi mở nhất.
bài viết rất hấp dẫn
ReplyDelete