September 14, 2020

Những nền tảng của xã hội tự do (4)

 


4.         Bình đẳng và bất bình đẳng

 

Bình đẳng trong xã hội tự do

Nhiều người tưởng tượng rằng xã hội tự do phải rất mất bình đẳng. Nói cho cùng, xã hội tự do tạo điều kiện cho mọi người theo đuổi và tích lũy những khoản tài sản rất lớn. Điều đó (họ lập luận như thế) nhất định sẽ tạo ra bất bình đẳng về kinh tế.

Nhưng đây là lập luận là sai. Như chúng ta đã thấy, sự chênh lệch về thu nhập giữa các nước tự do và phi tự do cũng gần như thế. Dù sao mặc lòng, những xã hội tự do nhất bình đẳng hơn một chút.

Hơn nữa, những xã hội phi tự do có những bất bình đẳng không thuộc lĩnh vực tài chính mà các xã hội tự do hơn không có. Tất cả công dân của xã hội tự do đều có thể khát khao gia tăng của cải và thu nhập bằng cách tìm việc làm tốt hơn hoặc tham gia buôn bán kiếm lời. Trong các xã hội phi tự do, không phải lúc nào cũng có thể làm được như thế. Công việc trong các cơ quan chính phủ có thể chỉ dành cho những người ủng hộ đảng cầm quyền hoặc cho bạn bè và cộng sự của những người nắm quyền. Luật hay định kiến có thể cấm phụ nữ, cấm người dân tộc thiểu số hoặc các nhóm người khác nhau làm việc trong một số ngành nghề nhất định. Người thuộc những chủng tộc hay đẳng cấp nào đó có thể chỉ được làm những công việc hèn hạ nhất. Những người nhập cư có thể bị cấm thành lập và sở hữu doanh nghiệp hay thậm chí là có tài khoản ngân hàng.

Ngay cả những người có việc làm cũng không được bình đẳng với nhau. Ví dụ, ở Moskva dưới thời chính quyền Xô Viết, cửa hàng bách hóa tổng hợp (GUM) ở gần Quảng trường Đỏ có những gian hàng chỉ dành cho khách du lịch có nhiều ngoại tệ và các quan chức cấp cao của Đảng. Chỉ các quan chức cấp cao mới có thể hi vọng được được đi xe Zil hạng sang - các xe khác phải dừng lại để nhường đường cho họ - hoặc những kì nghỉ kéo dài cả tháng trời ở những khu suối nước khoáng có lợi cho sức khỏe ở trong rừng. Các quan chức nắm quyền phân phối căn hộ và nhà nghỉ cuối tuần ở ngoại ô, những người này dành cho bạn bè của họ những ngôi nhà tốt hơn.

Đây là những bất bình đẳng mà người ta không thể nào thoát ra được: Những người bị thiệt thòi thậm chí có thể không có quyền bỏ phiếu hoặc vận động luật pháp. Ngược lại, tất cả các thành viên của xã hội tự do, chí ít, cũng có thể hi vọng tìm được việc làm tốt hoặc thành lập doanh nghiệp và có được của cải và thu nhập. Có thể không phải tất cả mọi người đều thành công, nhưng không ai ngăn cản họ.

Các hình thức bình đẳng

Bình đẳng trong xã hội tự do không phải là cho tất cả mọi người số tài sản hoặc thu nhập hay mức sống như nhau. Mà bảo đảm rằng mọi người đều được đối xử như nhau.

Bình đẳng được thể hiện dưới bốn hình thức quan trọng . Công dân của xã hội tự do có quyền bình đẳng về phương diện đạo đức: Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn cách sống của mình và được người khác tôn trọng. Quyền bình đẳng trước pháp luật: luật pháp bảo vệ và coi các công dân là những người giống hệt nhau, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, của cải hay quan hệ gia đình. Công dân có quyền bình đẳng về chính trị: tất cả mọi người đều có quyền bầu cử và giữ chức vụ trong chính quyền. Và công dân có quyền bình đẳng về cơ hội: không có rào cản độc đoán nào đối với việc làm, học tập hay bất cứ rào cản nào khác trên đường hoạn lộ.

Bình đẳng về phương diện đạo đức

Trong xã hội tự do, người ta cho rằng mọi người đều đáng được tôn trọng như nhau. Tất cả đều có quyền lựa chọn cách sống riêng của mình, miễn là không gây hại cho người khác.

Quan điểm này dựa trên niềm tin sâu sắc về bản chất của con người, mà tất cả chúng ta đều có. Tất cả chúng ta đều muốn tự lựa chọn cách sống của mình - không phân biệt dân tộc, tôn giáo hay giới tính - và tất cả chúng ta đều muốn người khác tôn trọng quyền được làm như vậy của chúng ta. Quy tắc trong xã hội tự do là “hãy xử sự với người khác như anh muốn người ta xử sự với mình”.

Nói thế không có nghĩa là mọi người đều hành động một cách đạo đức như nhau. Tấn công hoặc cướp bóc người khác là những hành động vô đạo đức. Một số người còn có thể cố tình coi thường những quy ước của xã hội hay những quy ước về tình dục. Nhưng cuộc sống của họ vẫn có giá trị. Những hành động vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức làm cho họ phải nhận những biện pháp trừng phạt hay những lời phê phán tương xứng với tội lỗi của mình. Nhưng họ không bị trừng phạt một cách tùy tiện hoặc quá tàn bạo và nhục nhã.

Bình đẳng trước pháp luật

Luật pháp trong xã hội tự do bảo vệ và trừng phạt một cách không thiên vị. Một số đặc điểm cá nhân không liên quan đến tội phạm, ví dụ như tài sản, các mối liên hệ, đẳng cấp, giới tính, tôn giáo hay chủng tộc của người phạm tội không phải là lí do để cảnh sát, toà án hoặc nhà tù đối xử một cách thiên vị. Công dân không thể bị bắt giữ hoặc sách nhiễu một cách tùy tiện chỉ vì những người có chức có quyền không thích họ. Mọi người đều có quyền như nhau trong việc tiếp cận với công lí, nếu họ bị người khác làm hại hay cướp đoạt tài sản, không phụ thuộc vào việc họ là ai và những người mà họ tố cáo có địa vị gì.

Tượng Thần Công lí trên các tòa nhà dùng làm tòa án trên thế giới là người, một tay giữ cân, còn tay kia giữ thanh kiếm. Những quan trọng nhất: Thần công lí là người mù. Trong xã hội tự do, công lí chỉ nhìn thấy các sự kiện có liên quan tới vụ án, ngoài ra, không nhìn thấy gì khác.

Bình đẳng về chính trị

Một hình thức bình đẳng khác cũng xuất phát từ bản chất của con người: Bình đẳng về chính trị. Quyền lợi và ý kiến của tất cả mọi người đều xứng đáng được coi trọng. Vì vậy, tất cả mọi người trong xã hội tự do đều có quyền tham gia bầu cử hoặc trưng cầu dân ý và ai cũng chỉ có một lá phiếu. Điều này đảm bảo rằng quyền lợi của tất cả mọi người đều được các ứng cử viên và các chính khách dân cử quan tâm.

Có rất ít ngoại lệ. Chúng ta thường không cho phép trẻ em bỏ phiếu, vì tin rằng chúng chưa đủ trưởng thành để có thể thể hiện quan điểm có cân nhắc về việc chúng và những người khác phải được cai trị như thế nào. Tương tự, người bị thiểu năng nghiêm trọng về mặt trí tuệ cũng có thể không được tham gia bầu cử; nhưng phải được đánh giá độc lập, mục đích là không để cho những kẻ ăn trên ngồi trốc đang nắm quyền loại bỏ đối thủ bằng cách này.

Người ta còn chưa tìm được tiếng nói chung về việc những người đã bị kết án có được tham gia bầu cử hay không. Ở một số nước, tù nhân không có quyền tham gia bầu cử, với lí do là những người vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng thì không được tham gia vào quá trình ban hành luật pháp. Trong khi ở những nước khác, chỉ có những người bị tù vì các tội nghiêm trọng nhất mới không được quyền bầu cử. Trong khi ở một số nước khác, phạm nhân được coi là có quyền tham gia bầu cử vì về bản chất tất cả chúng ta đều là người.

Nguyên tắc bình đẳng về chính trị có nghĩa là phụ nữ cũng có quyền tham gia bỏ phiếu như đàn ông - mặc dù, ngay cả trong những xã hội tương đối tự do, quyền này mới được công nhận chưa đến một trăm măm nay. New Zealand là nước đầu tiên cho phụ nữ trưởng thành quyền bỏ phiếu vào năm 1893. Austarlia cũng làm thế vào năm 1902, nhưng phụ nữ thổ dân thì mãi đến năm 1962 mới được hưởng quyền này. Ngay sau Thế chiến I, hầu hết các nước châu Âu đã cho phụ nữ quyền tham gia bầu cử, nhưng ở Pháp thì năm 1944 và ở Thụy Sĩ thì mãi tới năm 1971 phụ nữ mới được hưởng quyền này.

Việc tước quyền bầu cử phải được giới hạn một cách cực kì chặt chẽ. Chính quyền ở những nước phi tự do dễ dàng phủ nhận quyền bầu cử của những người chống đối họ bằng cách tống vào tù hay tuyên bố rằng đấy là những người thiểu năng trí tuệ và nhiều lí do khác nữa. Đấy là lạm dụng quyền lực.

Khi có điều kiện, lá phiếu của mọi người đều có giá trị như nhau. Ví dụ, số cử tri ở mỗi khu vực bầu cử người đại diện phải gần bằng nhau. Khu vực bầu cử lớn hơn có nghĩa là mỗi cử tri đóng góp ít hơn vào kết quả bầu cử. Lí do duy nhất để các khu vực bầu cử có quy mô khác nhau là địa hình quá phức tạp. Ranh giới khu vực bầu cử phải do các cơ quan độc lập quyết định, mục đích là không thiên vị nhóm đang cầm quyền.

Cùng với quyền bầu cử, mọi người đều có quyền bình đẳng trong việc tranh và giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Không có ghế nào trong cơ quan lập pháp được dành riêng cho giới tính, chủng tộc hay tôn giáo cụ thể nào. Hệ thống bầu cử phải bảo vệ quyền bình đẳng này, ví dụ, bảo đảm rằng công dân nào cũng có thể tranh chức mà không sợ bị bị đe dọa hay dọa nạt - đặc biệt là bởi chính quyền đương nhiệm. Điều đó có nghĩa là họ phải được tự do vận động và phát ngôn, xuất bản và phát sóng quan điểm và phê phán các ứng cử viên khác và phê phán cả luật pháp và hiến pháp. Bầu cử được coi là cuộc thi ý tưởng, và nếu ý tưởng và tự do ngôn luận bị đàn áp thì đấy không phải là bầu cử tự do. Ở một số nước phi tự do, chỉ trích chính phủ là tội hình sự, còn trong các xã hội tự do hơn, phê phán là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong tranh luận chính trị.

Bình đẳng về cơ hội

Bình đẳng về cơ hội có nghĩa là cá nhân không bị những rào cản tùy tiện, cản trở họ trong việc theo đuổi những tham vọng riêng, trong giáo dục, trong việc làm hoặc bất kì lĩnh vực nào khác trong cuộc sống. Ví dụ, thành phần dân tộc không phải là rào cản, không cho họ học tập hay tham gia đội thể thao. Quan điểm chính trị hay giới tính không phải là cơ sở để phủ nhận quyền có công ăn việc làm của người dân. Tình trạng nghèo đói hay tầng lớp xã hội cũng không phải là rào cản, không cho họ kết hôn với người thuộc tầng lớp xã hội khác hay có gia cảnh khác với họ.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trường học hoặc người sử dụng lao động hay bất kì ai khác bắt buộc phải nhận một người nào đó, bất kể trình độ. Trường học cũng có thể chỉ nhận những người thi đỗ, còn người sử dụng lao động thì đòi có người giới thiệu và kinh nghiệm. Người phụ nữ không có chồng không phải kết hôn với người đàn ông chỉ vì ông ta yêu mình. Bình đẳng về cơ hội chỉ có nghĩa là không có những trở ngại tùy tiện và không ai bị ép buộc làm việc mà họ không muốn làm. Ví dụ, những cuộc hôn nhân do bố mẹ sắp đặt là hiện tượng khá phổ biến trong một số nền văn hóa và cũng được chấp nhận trong xã hội tự do, với điều kiện là cả hai người đều đồng ý. Nhưng người ta không bị buộc phải kết hôn trái với mong muốn của mình, ngay cả khi cha mẹ hai bên muốn họ lấy nhau. Trong xã hội tự do, người đủ tuổi kết hôn được coi là đủ tuổi để tự lựa chọn người bạn đời. Tương tự như tất cả các hợp đồng khác, hôn nhân là vô giá trị nếu một trong hai bên bị buộc phải kết hôn.

Mặc dù, trong đời sống, người ta không gặp rào cản mang tính xã hội, nhưng đương nhiên là có những bất bình đẳng do tự nhiên gây ra. Người sinh ra đã bị điếc thì không thể trở thành nhạc sĩ hay nhạc trưởng (mặc dù về cuối đời Beethoven đã làm được như thế). Một người không có chân thì không thể ước mong leo núi. Còn trẻ em thì có xuất phát điểm khác nhau. Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của chúng: Cha mẹ của em này có thể mua sách và giúp chúng học hành, trong khi cha mẹ của em khác có thể thờ ơ với con cái.

Một số người phương Tây khẳng định rằng, mặc dù trẻ con có khởi đầu khác nhau, trường học nên hướng đến mục tiêu là đảm bảo rằng chúng có trình độ như nhau khi đến tuổi trưởng thành và tham gia vào lực lượng lao động. Theo đó, nhà trường phải tập trung nguồn lực rất lớn cho giáo dục những trẻ em chậm tiến và “hãm bớt” những đứa trẻ thông minh nhất chứ không phải là thúc đẩy để chúng thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình. Nhưng trên thực tế, chúng ta không thể bổ khuyết những khác biệt tự nhiên - và cách bổ khuyết duy nhất cho những khác biệt xã hội sẽ là viễn cảnh đầy ác mộng: Nhà nước gom trẻ em ngay từ khi mới lọt lòng và nuôi dạy chúng y như nhau.

Câu hỏi: Người nghèo không được tự do mua xe limousine, có đúng thế không?

Trả lời: Vâng, đúng thế. Trong xã hội tự do, mọi người đều được tự do mua những món hàng xa xỉ phẩm, ngay cả khi chỉ có ít người có đủ tiền để làm như thế. Đó là một câu hỏi về khả năng chứ không phải về tự do; người nghèo không đủ tiền mua một chiếc xe lớn; nhưng không có ai hoặc cơ quan nào ngăn cản họ. Ai cũng có thể ước muốn những món hàng xa xỉ phẩm, bằng cách làm việc chăm chỉ, bằng cách tiết kiệm hoặc thậm chí là đi vay.

Nên nhớ rằng ngay cả những gia đình nghèo trong những xã hội giàu có nhất và tự do nhất hiện nay cũng được sử dụng những thứ như lò sưởi trung tâm, đèn điện, điện và nước sạch mà cách đây vài thập kỉ từng là những thứ xa xỉ phẩm. Ngược lại, trong những xã hội phi tự do, người ta thậm chí không thể mơ những thứ như ngôi nhà lớn hơn hay trang trại màu mỡ hơn, nếu không được chính quyền ưu ái cấp cho họ.

Phân biệt đối xử tích cực

Một số nước đã có những cố gắng nhằm bổ khuyết cho những khác biệt tự nhiên và phá vỡ định kiến, bằng những chương trình phân biệt đối xử mang tính tích cực. Đấy có thể đơn giản chỉ là tiếp cận với những nhóm thiểu số, những người không thể tưởng tượng được rằng có những cơ hội trong tầm tay - ví dụ, những đứa trẻ thông minh nhưng nghèo, có thể không bao giờ nghĩ tới việc thi vào trường đại học hàng đầu - và động viên họ. Không có ai phản đối việc tiếp xúc và khuyến khích như thế, vì việc đó đơn giản là gia tăng những lựa chọn cho những nhóm người đó.

Nhưng phân biệt đối xử tích cực cũng có thể diễn ra dưới hình thức: Ưu tiên cho các nhóm thiểu số - ví dụ, áp đặt hạn ngạch đối với các nhà trường và người sử dụng lao động, buộc họ phải nhận tỉ lệ lớn hơn các ứng cử viên thuộc các nhóm thiểu số. Ở mức độ nào đó, cách làm như thế có hiệu quả tích cực: Nhiều người cho rằng, phân biệt đối xử tích cực ở Mĩ được tiến hành từ năm 1960 trở đi đã tạo điều kiện cho người da đen thể hiện khả năng của họ trong nhà trường và nơi làm việc, và vì vậy mà đã giúp phá vỡ định kiến của người da trắng đối với người da đen. Nhưng phân biệt đối xử tích cực không thích hợp với xã hội tự do. Trong khi nó có thể giúp phá vỡ định kiến và do đó thúc đẩy tự do, thì nó lại ưu ái những nhóm người cụ thể chứ không đối xử với họ một cách bình đẳng.

Một số người bảo vệ ưu tiên ưu đãi và hạn ngạch trên cơ sở bù đắp hiện tượng phân biệt đối xử mang tính tiêu cực trong quá khứ đối với những nhóm thiểu số. Nhưng quá khứ là quá khứ: Phân biệt đối xử tích cực, ưu tiên ưu đãi một số người hiện nay không thể khắc phục được những bất công đã gây ra cho người khác trong nhóm thiểu số, từng bị tổn thương trong quá khứ. Chính sách như thế cũng có thể được coi là bất công đối với đa số, những người phải có trình độ cao hơn thì mới có cơ hội vào học cùng một trường hoặc vào làm tại cùng cơ sở. Các nhóm thiểu số có thể bị coi là giai cấp đặc quyền đặc lợi mới, và do oán hận mà có thể xảy ra những phản ứng dữ dội, thậm chí bạo lực nhằm chống lại chính sách đó, cũng như chống lại các nhóm thiểu số được ưu tiên ưu đãi khác.

Phân biệt đối xử tiêu cực

Dĩ nhiên là, phân biệt đối xử không phải lúc nào cũng có ý giúp đỡ các nhóm thiểu số. Thường xảy ra là, phân biệt đối xử là đa số tự cho mình quyền, đặc quyền và ưu tiên mà các nhóm thiểu số không được hưởng. Malaysia và Nam Phi là hai ví dụ dễ thấy nhất, nhưng thế giới đầy rẫy những trường hợp, trong đó, luật pháp phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số trên cơ sở chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, xu hướng tình dục hoặc quan điểm chính trị.

Một lần nữa, xã hội tự do không chấp nhận phân biệt đối xử như thế: Trong xã hội tự do, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không có nhóm nào có thể tự dành cho mình ưu tiên ưu đãi đặc biệt. Thường thì, hình thức phân biệt đối xử này chuyển thành đàn áp công khai các nhóm thiểu số. Bị tước những quyền mà đa số được hưởng, các nhóm thiểu số không thể nào cải thiện được địa vị của mình. Họ có thể bị coi là bọn hạ đẳng, thậm chí bất thành nhân. Và khi tính người của họ đã bị tước đoạt thì sự sỉ nhục và ngược đãi sẽ không còn giới hạn nào nữa.

Bình đẳng về kết quả

Nhưng khi mọi người nói về bình đẳng, họ không có ý nói đến quyền được đối xử một cách bình đẳng, theo nguyên tắc bình đẳng về đạo đức, bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về chính trị và bình đẳng về cơ hội.

Họ muốn nói về bình đẳng trong tưởng thưởng vật chất, của cải, thu nhập và mức sống. Và nhiều người ủng hộ một số hình thức tái phân phối của cải từ người giàu sang cho người nghèo, nhằm cào bằng những khoản tưởng thưởng đó.

Thống kê bất bình đẳng về thu nhập

Những người chủ trương bình đẳng về kết quả thường trích dẫn con số thống kê được gọi là hệ số Gini, đặt theo tên nhà thống kê học và xã hội học người Italy, Corrado Gini. Đây là chỉ số về bất bình đẳng trong thu nhập. Hệ số Gini bằng 0 có nghĩa là bình đẳng hoàn toàn, hệ số bằng 1 nghĩa là bất bình đẳng tuyệt đối (khi một người chiếm tất cả thu nhập).

Những tổ chức khác nhau như Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Tình báo Trung ương Mĩ (CIA) đã tìm cách đo hệ số Gini của các nước khác nhau và sau đó xếp hạng những nước này theo thang bất bình đẳng. Bảng xếp hạng cho thấy, hầu hết các nước tiên tiến có hệ số nằm trong khoảng từ  0.25 đến 0.5 - nghĩa là mức độ bình đẳng khá cao. Bất bình đẳng lớn nhất là các nước châu Phi, đứng đầu là Nam Phi, với hệ số khoảng 0.7.

Chúng ta phải thận trọng với những tính toán như thế, và thậm chí còn phải thận trọng hơn trước những ý kiến cho rằng cần phải cào bằng thu nhập trong các nước có hệ số Gini cao. Trước hết, ít nước có dữ liệu đáng tin cậy về thu nhập, làm cho hệ số Gini trở thành thước đo cũng không đáng tin (có thể đấy là lí do vì sao các tổ chức khác nhau tiến hành tính toán hệ số này lại cho ra những số liệu khác nhau). Thứ hai, chênh lệch lớn về thu nhập có thể phản ánh xu hướng xã hội mang tính thực sự tích cực. Chênh lệch có thể phản ánh sự phát triển nhanh chóng trong công nghệ mới, hay gia tăng sự thịnh vượng trong các thành phố, nhưng chưa lan tỏa tới vùng nông thôn. Bóp nghẹt sự thịnh vượng đang gia tăng của những người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) trong thành phố bằng cách cắt giảm thu nhập của họ để chuyển về cho nông dân là việc làm vô nghĩa. Không những thế, chúng ta nên tạo điều kiện cho những người nghèo hơn được chia sẻ sự thịnh vượng bằng cách loại bỏ các rào cản (những cản trở về quyền tự do đi lại), không cho họ được làm như vậy.

Một vấn đề khác liên quan tới số liệu thống kê là chỉ so sánh thu nhập “thô”, trong đó, bỏ qua các loại thuế mà người dân phải nộp và những khoản phúc lợi của chính phủ (phúc lợi, trợ cấp hưu bổng, chữa bệnh miễn phí và v.v.). Xin lấy một cách đo lường hơi khác nhau một chút ở Vương quốc Anh: Thu nhập thô của 10% những người giàu nhất gấp khoảng 30 lần thu nhập của 10% những người nghèo nhất, dường như bất bình đẳng là rất lớn. Tuy nhiên, sau khi mọi người đã nộp thuế và nhận các khoản trợ cấp của chính phủ, mức độ chênh lệch chỉ còn là 6 lần. Nhưng người ta vẫn trích dẫn các số trước (30 lần) nhằm biện minh cho việc tiếp tục phân phối lại, nhưng đây là sử dụng gian lận số liệu thống kê.

Bình đẳng về thu nhập hay bình đẳng về tài sản?

Ý tưởng cho rằng mọi người phải được hưởng những khoản tưởng thưởng như nhau vì họ tham gia hoạt động trong xã hội được gọi là chủ nghĩa bình quân. Nhưng có thể khó nói chính xác ý nghĩa của thuật ngữ này, một phần là do bản thân nó có mâu thuẫn.

Những người theo chủ nghĩa bình quân có thể không hiểu rõ họ muốn bình đẳng về thu nhập - hay bình đẳng về tài sản. Nếu họ có ý nói rằng thu nhập phải bình đẳng, thì họ sẽ phải chấp nhận rằng sự khác biệt lớn về tài sản hầu như chắc chắn sẽ vẫn còn. Một người có thể tiết kiệm và đầu tư khoản thu nhập của mình một cách khôn ngoan và tích luỹ được vốn liếng và tài sản, trong khi người khác, cũng với thu nhập tương tự có thể đánh bạc, rồi mất hết hoặc chi ngay lập tức cho thú vui nào đó. Chẳng bao lâu sau, tài sản của họ sẽ khác nhau một trời một vực.

Ngoài ra, nếu tất cả các công việc đều được trả tiền bằng nhau, sẽ có nhiều người thích làm những công việc dễ dàng và dễ chịu; và sẽ rất ít người sẵn sàng làm công việc khó khăn và khó chịu. Tại sao ai đó phải làm việc vất vả nếu họ được tưởng thưởng chẳng khác gì những đồng nghiệp lười biếng kia?

Ngoài ra, công việc không chỉ là thu nhập vật chất. Đây là cái mà các nhà kinh tế học gọi thu nhập về mặt tâm lí - ví dụ, có những đồng nghiệp dễ chịu hoặc làm việc trong vùng tốt đẹp hay khu vực thuận tiện và có cơ sở hạ tầng tốt của thành phố. Những phẩm chất đó có thể có giá trị rất lớn đối với những người được hưởng, nhưng không thể nào chia đều cho mọi người được.

Mặt khác, nếu những người theo chủ nghĩa bình quân có ý nói của cải phải được cào bằng thì có thể sẽ có sự khác biệt lớn về thu nhập, tùy thuộc vào kĩ xảo và tài năng của người dân và yêu cầu của người sử dụng lao động. Và nếu một số người tiết kiệm và làm gia tăng tài sản của họ, trong khi những người khác lại chi tiêu và làm mất đi, thì chẳng mấy chốc tài sản của họ sẽ khác nhau một trời một vực. Phải làm sao đây? Wilfred Pickles, người dẫn chương trình đố vui trên đài phát thanh được nhiều người yêu thích ở Anh, hồi những năm 1950, có tên là Have a Go, bắt đầu bằng cách hỏi những người dự thi về bản thân và tham vọng của họ. Một người nói: “Tham vọng của tôi là thu gom toàn bộ tiền trên toàn thế giới và chia đều cho tất cả mọi người”. Mọi người nhiệt liệt vỗ tay hoan hô tình cảm đó. Đáng tiếc, thí sinh này đã làm hỏng ấn tượng vì nói thêm: “Nhưng khi tôi đã tiêu hết phần của mình, chúng ta sẽ làm lại một lần nữa”. Trong thế giới đang thay đổi, khó mà giữ được của cải bằng nhau.

Bình đằng về kết quả, dù là thu nhập hay của cải, đều là phi tự nhiên và không ổn định. Muốn cào bằng hoặc/và giữ cho thu nhập/tài sản bằng nhau, cần tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào quyền tự do và tài sản. Cần phải sử dụng vũ lực để tịch thu của cải của một số người và ban phát cho một số người khác - và phải thường xuyên làm như vậy thì mới giữ được bình đẳng ở khắp mọi nơi.

Một số tài sản là không thể chia nhỏ ra và tái phân phối: Nhà máy phức tạp, đang hoạt động, đang tạo ra của cải có thể bị đập ra thành những viên gạch và chia máy ra, nhưng lúc đó sẽ chẳng làm được gì nữa. Cũng thể bán để lấy tiền rồi đem phân phối lại - trong thế giới bình đẳng về của cải, chẳng ai có đủ nguồn lực để mua nó.

Tái phân phối như vậy sẽ là chính sách có tính cưỡng chế và không hiệu quả. Nó không cho người dân hưởng thành quả lao động của mình và gặm nhấm dần tất cả các động cơ lao động và tiết kiệm. Chính sách như thế sẽ phá hoại chứ không tái phân phối được của cải. Cần phải có quyền lực chính trị cực kì mạnh thì mới làm được - nhưng quyền lực đó lại không phù hợp với xã hội tự do.

Cơ chế tái phân phối

Một vấn đề khác là quyết định ai được tham gia vào quá trình tái phân phối. Thường thì, những người theo phái bình quân chủ nghĩa ở những nước giàu chỉ giới hạn đề xuất của mình cho cư dân của đất nước mình hoặc nhiều nhất là cư dân một nhóm những nước giống nhau tham gia tái phân phối tài sản mà thôi. Đấy là do chia sẻ thu nhập hay của cải một cách bình đẳng với các nước khác sẽ có nghĩa là (ngay cả khi nếu đấy là những đề nghị có thể thực hiện được) mức sống của người dân trong các nước giàu sẽ giảm đi trông thấy. Đấy không phải là chính sách sẽ được mọi người bình thản chấp nhận.

Ngược lại, những người theo phái bình quân chủ nghĩa ở những nước nghèo thường quan niệm về bình đẳng trên toàn thế giới rằng: chia của cải của các nước giàu, họ lập luận, có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với quần chúng nhân dân bị bần cùng hóa ở nước họ. Nhưng đây là giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực vì các nước giàu sẽ không bao giờ đồng ý.

Tái phân phối cũng không đảm bảo được rằng của cải của người nghèo sẽ tồn tại mãi. Của cải không phải là “trò chơi có tổng bằng không”. Tài sản không phải là một đống cố định, người này chỉ có thể giàu lên nếu người khác nghèo đi. Tài sản được tạo ra nhờ đổi mới, kinh doanh, buôn bán và tích lũy vốn liếng. Phá hoại đồng vốn đang được sử dụng một cách hiệu quả của những người có vốn chẳng giúp được gì cho những người không có vốn. Chính sách đúng đắn hơn phải là giải quyết những trở ngại, như chiến tranh và trộm cắp, làm nản lòng dân chúng ở các nước nghèo trong việc tích lũy của cải.

Những câu hỏi như thế về tài sản được tái phân phối, phân phối cho ai và lấy của ai để phân phối, cho ta thấy rõ rằng không bao giờ có thể tìm được đồng thuận về chính sách phân phối. Tuy nhiên, muốn tái phân phối thì phải có kế hoạch rõ ràng, để tất cả mọi người cùng thực hiện. Nếu không thỏa thuận được thì biện pháp duy nhất là vũ lực.

Buộc người ta phải chấp nhận bình đẳng về vật chất sẽ giết chết những cố gắng nhằm cải thiện một cái gì đó của người dân. Vì những lợi ích vật chất mà người ta giành được nhờ cải tiến, kinh doanh hay làm lụng vất vả sẽ bị tước đoạt, cố gắng để làm gì? Nhân tính còn bị mất mát nhiều hơn. Kinh doanh là sáng tạo: người cố gắng sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ tốt hơn sẽ tìm được các sản phẩm, quy trình và công nghệ mới nhằm cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người. Bóp nghẹt tinh thần dám nghĩ dám làm và sáng tạo, chủ nghĩa bình quân cắt đứt triển vọng cải tiến liên tục đời sống vật chất trên toàn thế giới.

Bình đẳng và công lí

Hai nghĩa của từ công lí

Nhiều người ủng hộ tái phân phối của cải hoặc thu nhập lập luận rằng một số người giàu hơn một số người khác - và một số ít có thể giàu hơn hẳn những người rất nghèo là “bất công”. “Xã hội bất công” được xây dựng trên sự kiện là tài sản của dân chúng chưa chắc đã phản ánh được “giá trị của họ đối với xã hội”.

Lập luận này tấn công vào từ “công lí”, tức là tấn công vào cái mà tất cả chúng ta đều coi là tốt và đáng mong muốn, và mỗi người chúng ta, như những con người, đều đáng được hưởng - nhưng lại có hai nghĩa hoàn toàn khác nhau: bình đẳng hay công bằng.

Ý nghĩa gốc của từ công lí liên quan tới hành vi mà chúng ta hi vọng là người ta sẽ làm với nhau. Nếu một người nào đó vi phạm hợp đồng hay ăn cắp, chúng ta nói rằng người đó đã hành động một cách bất công, bởi vì nguyên tắc không làm hại cũng như luật và quy tắc đạo đức của chúng ta cấm những hành động như vậy. Nói cách khác, nghĩa này của từ công lí, gọi là công lí giao hoán (commutative justice), là nói về cách cư xử của con người. Nó chỉ được áp dụng khi người ta hành động một cách cố ý. Nếu người kí hợp đồng bị cúm hoặc bị thương, thì đấy là không may, chứ không phải là bất công, vì không ai có hành động một cách bất công ở đây.

Nghĩa thứ hai của từ “công lí”, đôi khi được gọi là công lí phân phối (distributive justice), không phải nói về ứng xử giữa các cá nhân, mà nói về phân bố của cải giữa họ. Nhưng, trong xã hội tự do, phân phối tài sản hay thu nhập đơn giản chỉ là kết quả của hoạt động kinh tế mang tính tự nguyện, mọi người đều tuân theo quy tắc pháp lí và đạo đức. Nó không thể là “bất công” vì không ai hành động một cách bất công. Không ai cố tình tạo ra kết quả đặc biệt như thế; nó chỉ là sự kiện của đời sống .

“Giá trị đối với xã hội”

Thuật ngữ “công bằng xã hội” làm cho người ta lầm tưởng rằng xã hội cũng là người quyết định mô thức phân bố của cải và thu nhập. Nhưng “xã hội” không có ý chí riêng: Chỉ có cá nhân mới có thể đưa ra quyết định và hành động phù hợp với quyết định của mình. Mà các cá nhân lại không đồng thuận về các chính sách xã hội và kinh tế. Một trong những lí do vì sao ý tưởng về “công bằng xã hội” thu hút được rất nhiều người là nó cực kì mơ hồ về việc sẽ dẫn đến kết quả cụ thể nào và che dấu những bất đồng giữa họ.

Khi chúng ta tìm cách nói rõ phân phối các khoản tưởng thưởng một cách “công bằng về mặt xã hội” là như thế nào, thì mới rõ là không thể nào có đồng thuận được. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng hoàn toàn bình đẳng về thu nhập không phải là mục tiêu đúng đắn, bởi vì lúc đó mọi người sẽ được tưởng thưởng như nhau, dù họ có lười biếng hay gây cản trở cho công việc như thế nào. Rõ ràng là, tưởng thưởng phải tính tới nỗ lực hay thành tích. Do đó, quan điểm chung là không hoàn toàn bình đẳng, mà tưởng thưởng phù hợp với “giá trị của người ta đối với xã hội”.

Nhưng lúc đó sẽ lại xuất hiện câu hỏi: Ai là người quyết định “giá trị của một người đối với xã hội”? Xã hội không phải là người và không có những giá trị riêng. Người ta không thể gán “giá trị” cho một cái gì đó mà tự nó không có những giá trị của riêng. Chỉ có các cá nhân mới có đánh giá về giá trị, mà đây lại là những giá trị rất khác nhau và thường là xung đột với nhau. Một nhóm người có thể đánh giá cao thành tích của một võ sĩ quyền Anh, trong khi những người khác có thể đánh giá cao thành tích người chơi vĩ cầm; không thể nói người nào tạo ra “giá trị cao hơn cho xã hội” vì không thể so sánh được niềm vui hưởng thụ của những nhóm người khác nhau đó. Làm sao chúng ta có thể quyết định được “giá trị đối với xã hội” của người y tá, người bán thịt, công nhân mỏ than, thẩm phán, thợ lặn trên biển, thanh tra thuế vụ, người phát minh ra dược phẩm cứu người hay giáo sư toán học?

Phân phối theo công đức

Những người theo phái bình quân chủ nghĩa còn có đề nghị khác là phần thưởng phải theo “công đức”. Nhưng một lần nữa, không thể quyết định một cách vô tư “đức” của những người khác nhau và tưởng thưởng như thế nào. Những người khác nhau có thể có những quan điểm rất khác nhau về những phẩm chất đáng được ca ngợi.

Thậm chí lúc đó sẽ xuất hiện những vấn đề thực tiễn: Cần phải tính tới bao nhiêu công đức. Một người làm việc vất vả nhiều năm nhưng thất bại có được tưởng thưởng, trong khi một người tạo ra giá trị cho hàng triệu người có bị phạt vì đấy chỉ là kết quả của sự ngẫu nhiên? Chúng ta không muốn khuyến khích công việc vất vả nhưng không có kết quả: Phát triển kinh tế là nâng cao giá trị của những món hàng mà chúng ta sản xuất và giảm phí tổn dùng để sản xuất những món hàng đó. Tưởng thưởng cho những hi sinh cá nhân chỉ khuyến khích hi sinh, chứ không phải là tưởng thưởng cho việc phục vụ người khác. Không có nền kinh tế nào có thể hoạt động theo nguyên tắc đó.

Tưởng thưởng của thị trường không phản ánh những giá trị đạo đức và công đức cá nhân của người sản xuất, cũng không phải là thời gian và công sức họ bỏ ra nhằm đưa hàng hóa và dịch vụ ra thị trường. Sản phẩm của họ đòi hỏi phải làm việc vất vả và đầu tư trong nhiều năm hay đấy là kết quả của một sự tình cờ không phải là vấn đề. Tưởng thưởng của thị trường phản ánh niềm vui hưởng thụ và giá trị mà người ta cung cấp cho những người khác. Khách hàng trả tiền cho hàng hóa và dịch vụ mà người sản xuất cung cấp vì họ đánh giá cao những sản phẩm đó. Và, trong ý nghĩa thực tế này, tưởng thưởng của thị trường phụ thuộc vào giá trị mà người ta cung cấp cho những thành viên khác của xã hội. Tưởng thưởng còn phản ánh sự khan hiếm và tài năng của người sản xuất, số khách hàng muốn mua dịch vụ và tính khẩn cấp hay tầm quan trọng mà người mua gán cho việc sở hữu nó.

Phân phối theo nhu cầu

Một đề xuất nữa của những người theo phái bình quân là cần phải phân phối nguồn lực theo “nhu cầu”. Nhưng một lần nữa, ai sẽ là người quyết định “nhu cầu” là gì? Không có đường phân giới rõ ràng giữa người cần và người không cần. Hoàn cảnh của người dân rất đa dạng; người ta có của cải và thu nhập khác nhau, nhưng tài sản và thu nhập có thể thay đổi cực kì nhanh. Người ta còn sống ở những chỗ đẹp đẽ hơn hay bẩn thỉu hơn, có những khả năng về thể chất và tinh thần khác nhau, và làm với những người khác nhau trong những công việc khác nhau. Không thể nào tính toán được những lợi ích không thể thể hiện được bằng tiền, như có công việc dễ chịu, làm việc với những đồng nghiệp thân thiện.

Do đó, người “có nhu cầu” hay không là vấn đề đánh giá và những người khác nhau sẽ đánh giá khác nhau. Tái phân phối trên cơ sở nhu cầu sẽ chỉ khả thi nếu chính quyền được trao quyền quyết định “nhu cầu” và hành động theo quyết định của mình. Nhưng người dân trong xã hội tự do không bao giờ đồng ý trao cho bất kì cơ quan nào quyền lực như thế. Cơ quan đó sẽ có toàn quyền đối với đời sống của họ. Họ sẽ không còn là những người tự do nữa. Họ sẽ trở thành nô lệ của chính quyền.

Nhu cầu của người này không phải là nghĩa vụ cho người khác. Một người bị suy thận có thể cần quả thận mới. Nhưng không ai phải tặng thận cho người đó. Người thân có thể tặng vì trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm gia đình, thậm chí người lạ có thể tặng vì lòng từ bi. Nhưng đấy là lựa chọn của họ. Chúng ta có thể khuyến khích và hoan nghênh những hành động như thế, nhưng xã hội tự do không thể bắt buộc các cá nhân phải hi sinh để giúp đỡ người khác.

Nền kinh tế tự do phân phối vật phẩm không phải do ép buộc, mà thông qua giá trị mà người mua gán cho các món hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế thị trường tạo ra. Ví dụ, nếu người ta thích cá sông hơn cá nuôi, hay thích giày hơn dép, thì ngư dân sẽ đánh bắt cá sông, còn nhà máy đóng giày dép sẽ sản xuất nhiều giày hơn dép. Và thị trường cũng phân phối các nguồn lực thông qua các giá trị mà người ta thể hiện trong những món quà tặng cho người khác. Đấy là những quyết định do các cá nhân đưa ra: Trong xã hội tự do, người ta không chấp nhận ý tưởng cho rằng chỉ có nhà nước mới có thể biết cần hỗ trợ cái gì.

Những thiệt hại khác của chủ nghĩa quân bình

Việc những người theo chủ quân bình chú mục vào “công bằng xã hội” có thể gây ra thiệt hại nữa là nó làm lu mờ tư tưởng và thực tiễn của công lí giao hoán chân chính. Những nguyên tắc cơ bản tạo ra xã hội tự do - như bình đẳng trước pháp luật - sẽ bị điều khoản mới này làm cho lu mờ và mất giá. Tái phân phối thì không còn đối xử bình đẳng nữa: Đáng lẽ phải đối xử với mọi người như nhau thì chúng ta lại lấy từ mỗi người có đóng góp số lượng khác nhau và cho mỗi người nhận số lượng khác nhau.

Ham muốn vật chất bao giờ cũng có

Trong khi công lí thực sự là để giải quyết xung đột, thì “công bằng xã hội” lại tạo ra xung đột. Khi tìm cách tái phân phối thu nhập trên cơ sở công đức, hay nhu cầu, hay giá trị cho xã hội, thì chính phủ sẽ nhận ra rằng họ đang bị nhiều nhóm khác nhau tác động, tất cả những nhóm này đều tuyên bố rằng họ phải được tưởng thưởng nhiều hơn. Vì không có biện pháp thực tế nào để có thể quyết định nhóm nào xứng đáng hơn, cuộc xung đột chính trị này nhanh chóng dẫn tới những quyết định tùy tiện. Sức mạnh hung bạo cuối cùng sẽ quyết định tất cả và đấy là biện pháp không phù hợp với xã hội tự do.

Và các cá nhân sẽ tìm cách vượt qua hệ thống để tìm lợi ích cho mình và gia đình mình. Đây là kinh nghiệm có thật ở Liên Xô, quốc gia mà có lẽ đa số dân chúng từng có những hoạt động bất hợp pháp nhằm cải thiện đời sống của mình. Bình đẳng ép buộc về vật chất đơn giản là sẽ biến tất cả mọi người - nếu trong những điều kiện khác thì sẽ là những người tuân thủ pháp luật -  thành đất nước của bọn tội phạm.

Vai trò của người giàu

Bất bình đẳng về thu nhập và của cải cũng có chức năng tích cực. Ước muốn kiếm được nhiều hơn và có thể trở nên giàu có là động cơ đầy sức mạnh. Nó khuyến kích người ta tìm việc làm tốt hơn, khuyến khích phát minh, sản xuất và phân phối các sản phẩm tốt hơn nhằm cải thiện cuộc sống của người khác. Người giàu có vai trò quan trọng trong quá trình này, họ chính là những người kiểm tra các mặt hàng mới.

Hầu hết các sản phẩm mới tung ra thị trường đều là hàng xa xỉ phẩm - chưa bán hàng loạt, được sản xuất với số lượng nhỏ, giá cao. Chỉ có người giàu mới mua và dùng thử. Phản hồi của những người đó tạo điều kiện cho các nhà sản xuất xác định nhu cầu đối với sản phẩm, cần cải thiện bộ phận nào và cải thiện như thế nào. Nó giúp họ bỏ sản phẩm lỗi trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ tung ra thị trường dành cho đại chúng. Bằng cách này, trải nghiệm của những người giàu có, những khách hàng đi đầu mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Những người giàu và có thu nhập cao còn có vai trò xã hội quan trọng khác. Họ có nguồn lực để tiến hành các thử nghiệm trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ mới, mở rộng sự lựa chọn và nuôi dưỡng công cuộc cải tiến. Họ còn có thể tài trợ cho nghệ thuật, giáo dục và các dự án nghiên cứu mà họ tin rằng chính phủ đã bỏ qua. Họ có sự ủng hộ về tài chính nhằm thách thức chính quyền áp bức bằng cách tuyên truyền những tư tưởng chính trị mới mà các quan chức chính phủ cho rằng có thể đe dọa họ. Đây là những lưu ý quan trọng, nếu muốn bảo vệ xã hội tự do.

Phá hoại vốn liếng

Không phải ai cũng biết cách quản lí nguồn lực sản xuất. Những người muốn trở thành doanh nhân phải: Muốn thu được lợi nhuận từ những khoản đầu tư họ cần phải biết cách quản lí rủi ro và kết hợp các nguồn lực sản xuất để làm ra hàng hóa tốt hơn và rẻ hơn. Nhưng tái phân phối của cải sẽ tước nguồn lực của những người có tay nghề cao và chuyển cho những người khác. Có nghĩa là mất vốn và không tích lũy được vốn. Nhưng vốn là cái làm cho nền kinh tế trở nên có năng suất cao; ít vốn được tạo ra, và nhiều nguồn lực đơn giản là bị ăn hết, chắc chắn là sự thịnh vượng trong dài hạn của xã hội sẽ giảm.

Bất bình đẳng cũng là động lực giúp cải thiện hoạt động kinh tế. Lợi nhuận cao do nhà sản xuất thành công thu được sẽ như cục nam châm, lôi kéo người và nguồn lực vào những lĩnh vực có thể tạo ra giá trị lớn nhất, và kéo người và nguồn lực khỏi những lĩnh kém hiệu quả và ít giá trị hơn. Vì vậy, nhân lực và vật lực được lôi kéo vào những lĩnh vực sẽ làm cho thu nhập trong tương lai gia tăng nhiều nhất. Đấy là quá trình liên tục, năng động, và ngày càng gia tăng. Hiện tượng bất bình đẳng làm nhiều người phẫn nộ, trên thực tế, lại là lực hút hướng con người và nguồn lực vào những lĩnh vực được sử dụng hiệu quả nhất, làm cho thịnh vượng ở đâu cũng gia tăng. Tái phân phối thu nhập để có bình đẳng, là ngăn chặn sức hấp dẫn này, và làm mất những giá trị, sản lượng và tăng trưởng mà nó có thể tạo ra trong tương lai. Rất nhiều người nghèo phụ thuộc vào nền kinh tế đang phát triển, họ là người sẽ phải chịu nhiều đau khổ nhất. Sao có thể gọi đấy là “công bằng xã hội”?

Thuế và phúc lợi

Bình đẳng hoàn toàn về tài sản hay thu nhập có thể là mục tiêu bất khả thi, nhưng nhiều chính phủ vẫn tìm cách tiến gần tới trạng thái như thế, bằng cách đánh thuế lũy tiến, áp đặt cho những người giàu hơn thuế suất cao. Nhưng các khoản thuế này có thể gây ra những thiệt hại to lớn. Giảm những khoản tưởng thưởng cho tinh thần dám nghĩ dám làm và nỗ lực, chính phủ không khuyến khích những hoạt động hữu ích - đồng thời làm giảm công ăn việc làm và sự cải thiện mà những hoạt động đó tạo ra.

Tệ hơn nữa, những khoản thuế này thường đánh vào tiền tiết kiệm và vốn. Thuế đánh vào tiền tiết kiệm làm cho người ta có ít tiền để đầu tư vào những dự án kinh doanh có tác dụng làm gia tăng thịnh vượng của toàn xã hội. Thuế đánh vào vốn có nghĩa là sẽ có ít nguồn lực được đưa vào vốn sản xuất, làm giảm sự thịnh vượng trong tương lai của toàn bộ cộng đồng.

Trong xã hội tự do, buôn bán và trao đổi là công việc hoàn toàn tự nguyện. Những người sản xuất chỉ kiếm được tiền bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mà người khác muốn và sẵn sàng mua. Người giàu có không cướp bóc ai. Họ không phạm tội gây ra bất công. Chúng ta sẽ không cho phép kẻ cướp tước đoạt họ trên cơ sở cho rằng việc đó sẽ làm giảm bất bình đẳng về vật chất: Thế thì tại sao chúng ta lại cho phép chính quyền làm việc đó?

1 comment: