134. Dominant party – Đảng giữ thế thượng phong. Đảng giữ thế thượng phong là thuật ngữ để nói về đảng chính trị giữ thế thượng phong trong chính phủ của một nước trong nhiều thập kỷ, tự mình điều hành hoặc là đối tác hàng đầu trong các chính phủ liên minh. Ví dụ, Đảng Dân chủ Kitô giáo ở Italy, Đảng Dân chủ Tự do ở Nhật Bản và Đảng Quốc Đại ở Ấn Độ. Một trong những đặc điểm của đảng giữ thế thượng phong là trong đảng này thường có đường lối chính trị đối lập với lãnh đạo đương quyền, chứ không phải thông qua phe đối lập chính thức. Các đảng giữ thế thượng phong có xu hướng rất dễ chia thành các phe phái, việc lựa chọn các nhà lãnh đạo đảng trở thành cuộc cạnh tranh giữa các phe phái mạnh nhất.
135. Domino theory – Học thuyết Domino. Học thuyết này được tổng thống Mĩ, Dwight D. Eisenhower, trình bày ngày 7 tháng 4 năm 1954, nói rằng những sự kiện diễn ra trong một nước có thể kích hoạt những sự kiện tương tự như thế trong những nước láng giềng. Ông nói: “Bạn có một dãy quân bài domino dựng đứng, bạn xô đổ quân bài đầu tiên, và chắc chắn là chuyện xảy ra với quân cuối cùng sẽ diễn ra rất nhanh. Vì vậy, sự tan rã ban đầu sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu sắc nhất”. Thuyết này được sử dụng nhằm biện minh cho cuộc can thiệp quân sự vào Việt Nam, với tuyên bố nói rằng nếu cho phép thành lập chính phủ cộng sản ở Việt Nam thì nhiều nước sẽ đi theo. Học thuyết này thổi phồng ảnh hưởng của cộng sản, bỏ qua những tác nhân riêng biệt của từng nước và được sử dụng nhằm sự cản trợ phát triển của các chính phủ dân chủ xã hội. Mặc dù đã thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, trong những năm 1980, học thuyết Domino lại được tổng thống Ronald Reagan tái sử dụng nhằm biện hộ cho vụ can thiệp quân sự vào Nicaragua.
136. Donor fatigue – Sự mệt mỏi của các mạnh thường quân. Sự mệt mỏi của mạnh thường quân/nhà tài trợ nói đến việc người ta không còn muốn cung cấp nguồn lực hay hành động một cách vị tha vì bị đòi hỏi nhiều lần. Ở quy mô lớn hơn, thuật ngữ này ám chỉ sự chậm chạp trong hành động của cộng đồng quốc tế hoặc bất kì tổ chức tài trợ nào đó trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc kêu gọi hành động. Hiện tượng này xảy ra cũng có thể là do sự cạnh tranh giữa các tổ chức phi chính phủ (NGO), tất cả đều phụ thuộc vào các khoản tài trợ tự nguyện, tổ chức nào cũng cho rằng những vấn đề của mình là có lợi nhất và khẩn thiết nhất. Vì vấn đề nào cũng được các tổ chức này trình bày như là một cuộc khủng hoảng, thật khó mà biết được ở đâu/ai là người thực sự cần được giúp đỡ.
137. Due Process – Chuẩn mực tố tụng. Chuẩn mực tố tụng lả bảo đảm rằng người bị buộc tội có điều kiện chứng kiến lời buộc tội mình được xác định bằng các thủ tục pháp lý theo đúng thể thức, không thiên vị, và trong phiên tòa công khai. Khái niệm chuẩn mực tố tụng có thể coi là tương đương với khái niệm không thiên vị của toàn bộ quy trình điều tra và xét xử. Nguyên tắc từ thời cổ xưa này được thể hiện trong điều 39 của Đại Hiến chương Magna Carta (15/6/1215) như sau: “Không có bất cứ một người tự do nào có thể bị giam cầm hay bỏ tù, bị tước quyền hoặc tịch thu tài sản, bị đặt ngoài vòng pháp luật hoặc bị tước địa vị dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để ép buộc người đó hoặc khiến người khác làm như vậy, trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với người đó hoặc bởi pháp luật nơi người đó cư ngụ quy định như vậy”.
Mặc dù ở thời kỳ đầu, quy định trên chỉ áp dụng với tầng lớp lãnh chúa, quý tộc, song đây chính là tiền đề để sau này Nghị viện Anh ban hành các đạo luật bảo vệ các quyền và tự do của tất cả mọi người, trong đó bao gồm Luật cấm bắt giam người trái pháp luật (Habeas Corpus, hay còn gọi là Luật bảo thân), năm 1679 - quy định một người bị bắt có quyền được nhanh chóng đưa ra một toà án để xác định tính chất hợp pháp của việc bắt giữ họ và “pháp luật nơi người đó cư ngụ quy định như vậy” trở thành tương đương với chuẩn mực tố tụng.
138. Dyad – Đôi (các nước). Thuật ngữ này thường được sử dụng trong nghiên cứu quan hệ quốc tế (Những yếu tố tương thuộc của chiến tranh - Correlates of War) nhất là các công trình nghiên cứu về hòa bình, trong đó, tất cả các các nước đều phân thành các cặp để nghiên cứu nguyên nhân chiến tranh – phương pháp nghiên cứu do I. F. Reachardson khởi xướng. Kết quả tìm được là, hóa ra Thụy Sĩ và Nepal ít khi gây chiến với nhau.
139. Dyarchy – Lưỡng đầu chế. Hệ thống, trong đó các chức năng của chính quyền được chia cho hai cơ quan riêng biệt. Hệ thống này được áp dụng ở Ấn Độ từ năm 1919 đến năm 1935, khi chức năng của chính quyền được chia cho Hội đồng hàng tỉnh và Hội đồng Chấp hành của Thống đốc. Hệ thống này không hiệu quả và ít được sử dụng vì những tranh cãi về những chức năng chồng chéo và trách nhiệm giải trình không cao. Thời Lê-Trịnh ở nước ta cũng có thể được coi là lưỡng đầu chế.
bài rất hay
ReplyDelete