August 8, 2020

Thuật ngữ chính trị (46)

 

 Political Dictionary – The Bridge

Chữ cái E

140. Ecocentrism – Chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung. Ecocentrism, từ hai từ Hi lạp: oikos, “nhà” và kentron, “trung tâm” là thuật ngữ được sử dụng trong triết học chính trị sinh thái ám chỉ hệ thống các giá trị lấy thiên nhiên làm trung tâm (chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung), tương phản với hệ thống các giá trị với lấy con người làm trung tâm (xem mục Anthropocentrism - Chủ nghĩa duy con người). Người ta thường dùng niềm tin mang tính bản thể luận và tuyên bố đạo đức để biện minh cho hệ thống các giá trị lấy thiên nhiên làm trung tâm. Niềm tin mang tính bản thể luận cho rằng không có bất kỳ sự phân chia thực sự nào giữa con người và tự nhiên-không-có-con-người để khẳng định rằng con người hoặc (a) là hữu thể duy nhất có giá trị nội tại hoặc (b) có giá trị nội tại lớn hơn tự nhiên-không-có-con-người. Do đó, tuyên bố đạo đức là sự bình đẳng về giá trị nội tại giữa con người và tự nhiên-không-có-con-người, hay “chủ nghĩa quân bình sinh quyển”.

Những người ủng hộ coi chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung là thách thức quyết liệt thái độ duy con người tồn tại từ lâu và đã ăn sâu bén rễ trong văn hóa, khoa học và chính trị phương Tây. Chủ nghĩa duy con người cho rằng tự nhiên phải phục vụ cho tiện ích của con người, và do đó, chỉ để đáp ứng nhu cầu của con người mà thôi. Ngược lại, những người ủng hộ chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung tin rằng phải có nền đạo đức lấy tự nhiên làm trung tâm để bảo vệ thế giới tự nhiên. Những người phê phán chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung khẳng định rằng quan điểm này mở cửa cho nền đạo đức chống lại con người, tạo ra nguy cơ hi sinh phúc lợi của con người nhân danh “điều tốt đẹp hơn” nhưng không được định nghĩa một cách rõ ràng.

141. Ecology – Sinh thái học.  Thuật ngữ oekologie được nhà sinh học người Đức, Ernst Haeckel, nghĩ ra vào năm 1866 dựa trên từ gốc Hy Lạp là oikos “trong nhà” và logos “môn khoa học” hay “môn khoa học nghiên cứu ngôi nhà tự nhiên”. Ernst Haeckel cũng định nghĩa sinh thái học là “khoa học nghiên cứu quan hệ giữa sinh vật và môi trường của chúng”, hiện vẫn được nhiều người chấp nhận.

Các chủ đề mà các nhà sinh thái học quan tâm thường là đa dạng sinh học, phân bố của các sinh vật, cũng như sự cạnh tranh giữa chúng bên trong và giữa các hệ sinh thái.

Các hệ sinh thái thường được nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau từ cá thể và các quần thể cho đến các hệ sinh thái và sinh quyển. Sinh thái học là môn khoa học đa ngành, nghĩa là dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau.

142. Economic and Monetary Union - Liên minh kinh tế và tiền tệ. Liên minh kinh tế và tiền tệ là thuật ngữ chỉ một nhóm chính sách với mục đích hội tụ nền kinh tế của các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu trong ba giai đoạn.

Mỗi giai đoạn lại làm cho quá trình hội nhập kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Một nước nào đó phải tham gia vào giai đoạn thứ ba thì mới được phép sử dụng đồng euro làm đồng tiền chính thức của nước mình. Như vậy, giai đoạn thứ ba đồng nghĩa với khu vực đồng euro. Tiêu chí hội tụ đồng euro là tập hợp các yêu cầu mà quốc gia phải đáp ứng thì mới được tham gia khu vực đồng euro. Yếu tố quan trọng là tham gia ít nhất là hai năm Cơ chế Tỷ giá hối đoái Châu Âu ("ERM II"), trong đó các đồng tiền của nước ứng cử viên chứng minh được khả hội tụ kinh tế bằng cách giữ độ lệch được giới hạn so với tỷ giá được đặt ra so với đồng euro.

143. Economic man – Con người kinh tế. Theo nghĩa hẹp, con người kinh tế là người duy lí và ích kỉ, nhưng theo nghĩa rộng thì đấy là người duy lí, nhưng không nhất thiết phải là người ích kỉ. Theo nghĩa rộng, con người kinh tế luôn luôn tuân theo các tiên đề hành động trong lí thuyết kinh tế học dòng chính. Ở mức sâu nhất, đấy là các quy tắc về tính truyền ứng (transitivity), kiên định, trọn vẹn (completeness) của lựa chọn. Truyền ứng nghĩa là nếu tôi tích A hơn B và thích B hơn C thì tôi phải thích A hơn C. Kiên định nghĩa là nếu tôi chọn A chứ không phải B thì tôi sẽ tiếp tục chọn A chứ không chọn B mỗi khi tôi đứng trước sự lựa chọn giống hệt như thế, trong những hoàn cảnh giống hệt như thế. Trọn vẹn (completeness) nghĩa là với bất kì món hàng hóa A và B (dịch vụ, cơ hội) nào, tôi đều có thể có ba lựa chọn: thích A hơn, thích B hơn và bàng quan với cả hai. Ở mức độ ít trừu tượng hơn, con người kinh tế được cho là người bao giờ cũng thích có nhiều hơn, bất kể đấy là món hàng gì, với lợi ích biên ngày càng giảm.  

Những tiên đề này vẫn còn đang tranh cãi. Các nhà tâm lí học đã chứng minh rằng người ta thường không tuân theo tính truyền ứng (transitivity) và kiên định trong khi lựa chọn nếu “khuôn khổ” lựa chọn đã thay đổi. (Ví dụ, người ta có thể chấp nhận trò chơi khi họ được bảo rằng có hai lựa chọn: không mất gì và được; nhưng không chấp nhận trò chơi khi họ được bảo rằng có hai lựa chọn: không mất gì và mất). Trọn vẹn (completeness) là đòi hỏi phi thực tế. Không phải lợi ích biên lúc nào cũng giảm. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích thuật ngữ con người kinh tế vì người ta giả định rằng đấy là con người ích kỉ, nhưng thực ra tiên đề lí thuyết kinh tế không ám chỉ như thế. Con người kinh tế rộng rãi tối đa hóa lợi ích của mình, nhưng nếu ủng hộ tiền cứu đói làm cho anh ta cảm thấy hạnh phúc hơn bất kì cái gì khác thì anh sẽ ủng hộ cứu đói. Con người kinh tế hẹp hòi tối đa hóa của cải của anh ta. Nói chung, kinh tế học bị tấn công vì cho rằng phần lớn dân chúng là (thậm chí tệ hơn, nên là) những con người kinh tế hẹp hòi, các nhà kinh tế học tự bảo vệ mình bằng cách tuyên bố rằng con người kinh tế thực ra là con người kinh tế rộng rãi. Tuy nhiên, cả hai bên đều không nhất quán khi sử dụng thuật ngữ này.   

 

1 comment: