January 15, 2020

GIẢI ẢO

Cuộc đối thoại của một tiền bối và một nhà báo không còn trẻ nhân sự kiện Đồng Tâm


TIỀN BỐI: Ngày xưa, đảng viên là những người cực kì tốt, họ là những người sẵn sàng hi sinh tính mạng vì sự nghiệp chung, chứ đâu phải những kẻ thoái hóa biến chất chỉ nghĩ đến quyền và tiền như hiện nay.

NHÀ BÁO: Em không nghĩ thế. Xin hãy xem xét trường hợp viên tướng Qassem Soleimani của Iran vừa bị Mĩ hạ sát. Chắc chắn là, khi còn là một chiến binh bình thường, ông ta là người luôn luôn chia ngọt sẻ bùi với các chiến hữu, thậm chí sẵn sàng hi sinh tính mạng vì chiến hữu, còn khi leo lên các chức vụ cao hơn thì ông ta là lãnh tụ, là thần tượng của thánh chiến; nhưng trước mắt toàn thể nhân loại tiến bộ, ông ta là một tên khủng bố tàn ác, đáng ghét và đáng bị giết.

Những người cộng sản tiền bối mà anh nói tới thì cũng thế. Trong gian khổ, lao tù, họ sẵn sàng nhường bát cơm cuối cùng, thậm chí sẵn sàng giơ lưng chịu đòn, chịu chết cho đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng… Vâng, nhưng họ sẵn sàng xuống tay sát hại ngay người vừa mới hôm qua còn là đồng chí, còn là người cưu mang họ, nếu cấp trên ra lệnh cho họ làm như thế vì mục đích của cách mạng. Bà Cat Hanh Long (Nguyễn Thị Năm) trong cải cách ruộng đất là ví dụ điển hình. Có rất nhiều người tương tự như bà Nguyễn Thị Năm đã bị giết, bị đấu tố như thế. Sau này họ được gọi là Địa chủ Kháng chiến. Đấy có thể cũng là lí do vì sao những người bị “tổ chức” xử lí thường im lặng chịu nhục mà không dám lên tiếng. Họ biết rằng im lặng, nhẫn nhục thì được sống, chống lại chắc chắn là sẽ bị xử lí bằng những biện pháp khốc liệt hơn nhiều, thậm chí là chết.


Tóm lại, tất cả những người lấy mục đích – mục đích có thể là thiên đường cộng sản, mục đích có thể là nhà nước quốc xã, mà cũng có thể luật Sharia của đạo Hồi - biện minh cho phương tiện – giết người, cướp của, tuyên truyền dối trá – có thể là những người tốt, là thiên thần theo tiêu chuẩn của đảng phái, của tôn giá của họ; nhưng theo tiêu chuẩn đạo đức chung của nhân loại – không giết người, không trộm cắp, không nói dối – thì đều là những kẻ vô đạo đức. Những người CS thời kì đầu mà anh nói tới thì cũng thế.

TIỀN BỐI: Đúng là tuổi trẻ tài cao, cậu đã giải ảo giúp mình. Cám ơn.

Câu chuyện tiếp theo vào ngày hôm sau.

TIỀN BỐI: Nghe bạn nói, mình đã vỡ ra chút ít. Nhưng vẫn thấy rối rắm quá. Có thể ngắn gọn hơn được không?

NHÀ BÁO: Vâng, xin nói ngắn như thế này. Nếu xét theo tiêu chuẩn của đảng của các anh thì những đảng viên thời kì đầu là những người rất có đạo đức vì họ sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng, sẵn sàng chết vì sự nghiệp, sẵn sàng chết vì đồng đội… Nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn đạo đức phổ quát, với 3 tiêu chí cụ thể nhất, không ai bác bỏ được: Không giết người, không tham của cải của người khác và không nói dối, thì ngay cả những đảng viên thời kì đầu cũng là những kẻ vô đạo đức, thậm chí rất vô đạo đức. Anh có đồng ý không?

TIỀN BỐI: Đúng thế. Không thể ngờ được rằng muốn làm điều thiện, mà hóa ra trên thực tế lại là làm điều ác.

NHÀ BÁO: Và, trong số những kẻ vô đạo đức đó, đấy là em nói nếu xét theo tiêu chuẩn đạo đức phổ quát, thì như Hayek viết trong cuốn Đường Về Nô Lê: “Những kẻ xấu xa nhất lại leo lên cao nhất”. Đấy là lý do vì sao có người nói: “Trong CNXH đạo đức còn ít hơn cả bánh mì”, nhưng em nói: “Trong CNXH đạo đức còn hiếm hơn cả kim cương”.


TIẾN BỐI: Thật không ngờ, cái thế hệ của mình:

“Tuổi hai mươi xung phong lên Tây Bắc
Lại xung phong vào Nam đánh giặc”

lại xây dựng lên cái xã hội mà:
“Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”

NHÀ BÁO: Vâng, nhưng trong bài thơ đó anh vẫn nhắc tới những người Tháng Tám:

“Các anh – những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi? Thấm mệt rồi chăng?”

Họ không thấm mệt đâu anh, đây là kết quả tất yếu anh ạ. Không thể khác được. Con đường đầy máu và nước mắt, hai bên là những khẩu hiệu tuyên truyền dối trá, không thể dẫn tới mục tiêu tốt đẹp. Những bàn tay nhuốm máu, những bàn chân lội trong máu và nước mắt làm sao có thể đưa chúng ta tới được thiên đường?

TIỀN BỐI: Giải ảo quả là đau đớn thật. Buồn quá!

NHÀ BÁO: Vâng, buồn thật.

Câu chuyện thứ ba, sau tết nguyên đán.

TIỀN BỐI: Nhưng chắc chắn là ngày xưa đã từng có những người có thể gọi là “người cộng sản chân chính”, chỉ sau này họ mới thoái hóa, biến chất đi thôi.

NHÀ BÁO: Em lại phải nói thêm như sau. Đúng là thời kì đầu đã từng có những người rất tốt tham gia đảng cộng sản. Nhưng anh nên để ý rằng, những người này, khi không đóng vai đảng viên, họ có thể là những người rất tốt với bạn bè, người thân; nhưng trong vai trò dảng viên, ví dụ, khi họp chi bộ, họp đảng ủy, họp ban chấp hành… thì họ chỉ còn nghe theo số đông, nghe theo nghị quyết thôi. Nếu tổ chức của họ bảo phải xử, thì người thân, bạn bè cũng chẳng là cái gì. Thậm chí, nếu nghi ngờ, họ có thể nhận xét rất tiêu cực về người thân và bạn bè của mình, và sẵn sàng nộp họ cho tổ chức ngay lập tức.

Những người mà anh cho là “người cộng sản chân chính”, em nghĩ là một số đảng viên trước năm 1975, tạm gọi là thế hệ HCM, nếu đúng là “cộng sản chân chính” thì đấy là những người có hai đặc điểm chủ yếu, CUỒNG TÍN và HÁM QUYỀN. Sau năm 1954, những người thực sự tin tưởng vào lý tưởng cộng sản thường là bị đẩy ra ngoài. Ví dụ, nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Chỉ còn những người hoặc là chẳng hiểu gì hoặc là bọn cuồng tín và hám quyền mà thôi.

Còn sau năm 1975 thì gần như không còn “người cộng sản chân chính” nữa. Có thể tạm gọi là thế hệ NPT. Phần lớn đấy là những kẻ tham hai thứ, QUYỀN và TIỀN. Có quyền để có tiền và có tiền để có thêm nhiều quyền hơn nữa. Vòng xoáy cứ thế tiếp tục và ngày càng bị đẩy nhanh hơn nữa. Đây không phải là bọn “thoái hóa, biến chất” mà mục đích của việc vào đảng đã là như thế rồi. Đối với họ, lý tưởng chẳng là gì, chỉ có quyền và tiền mà thôi.

Một số người đã phát hiện ra điều đó. Ví dụ như Trung tướng Trần Độ, ông Nguyễn Hộ, nhà văn Nguyên Ngọc hay các nhà báo Tống Văn Công, Phạm Đình Trọng… và nhiều người nữa, em chỉ nhắc tên một số người tiêu biểu thôi.

Họ không phải là những người “tự diễn biến, tự chuyển hóa…” như người ta gán cho họ, mà họ đã bị lừa, đã tin vào lý tưởng CS. Nhưng lý tưởng chỉ là ảo mộng, là utopia, còn biện pháp mà CS thi hành thì lại là BẠO LỰC và LỪA DỐI. Em xin nhắc lại: “Con đường đầy máu và nước mắt, hai bên là những khẩu hiệu tuyên truyền dối trá, không thể dẫn tới mục tiêu tốt đẹp. Những bàn tay nhuốm máu, những bàn chân lội trong máu và nước mắt làm sao có thể đưa chúng ta tới được thiên đường?”. Và đảng đã đẩy những người này ra, đã gán cho họ mọi thứ tội lỗi. Thực ra “tội lỗi” của họ chỉ là đã nhận ra chân tướng của con đường mình đã đi qua và đoạn tuyệt với nó. Em nghĩ rằng có nhiều người đã nhận ra và sẽ còn nhiều người sẽ nhận ra, nhưng số đoạn tuyệt đến nay vẫn không nhiều vì có biết bao lý do: tiếc nuối “những ngày xưa thân ái”, rồi còn quyền lợi, của mình và gia đình và cả danh vọng hão nữa…

Nhưng, sau vụ đảng giết hại dã man ông Lê Đình Kình, một lão nông 84 tuổi, đến phút chót vẫn là đảng viên, nhưng kiên quyết đứng về phía nhân dân thì sẽ có nhiều người hơn nữa nhận ra mặt thật của CS, và ly khai với tổ chức này.

Điều quan trọng là hiện nay theo em, có rất nhiều bạn trẻ đã nhận ra vấn đề. Đối với thế hệ các anh thì đây là quá trình giải áo đầy khó khăn và đau khở, nhưng đối với các bạn trẻ thì chỉ như vứt cái khăn mùi xoa thôi.
TIỀN BỐI: Hi vọng thế!

NHÀ BÁO: Em tuyệt đối tin tưởng như thế.

TỰ RĂN CỦA NGƯỜI CHÉP CHUYỆN: Phải rất thận trọng!

No comments:

Post a Comment