September 6, 2019

Những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ( Phần 2)

Phạm Nguyên Trường dịch

GIẤC MƠ TRUNG HOA


Diễn ngôn chính thức được nhắc đi nhắc lại của Trung Quốc về vai trò toàn cầu của nước này là quan niệm về uốn nắn sự bất công mà thời hiện đại đã gây ra cho họ, cả về văn hóa, đất nước cũng như kinh tế. Vì thế, tất cả các cuộc thảo luận của Trung Quốc về tư duy chiến lược dài hạn và thái độ hợp lý và thận trọng thường đan xen với những cảm xúc có tính bốc đồng. Những vấn đề chính liên quan đến danh dự, niềm tự hào và ý thức về giá trị của Trung Quốc; bản chất của cảm xúc bốc đồng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc được thể hiện rõ nhất qua ngôn từ chuyển tải nó, những thuật ngữ được sử dụng nhằm tấn công những người phá hoại uy tín và danh dự của đất nước, “xúc phạm tình cảm của nhân dân Trung Quốc” là cụm từ thường được sử dụng. Các nước như Nhật Bản (như nói trong Chương 4) được đặc biệt được chú ý vì theo người Trung Quốc, họ không chịu xin lỗi đúng cách về những tội lỗi mà đế quốc Nhật Bản đã phạm trong Thế chiến II và thái độ thờ ơ họ đối trước nhu cầu tình cảm và sự tổn thương của Trung Quốc sau chiến tranh.

Nhiều tác phẩm về chính sách đối ngoại của Trung Quốc không quan tâm tới khía cạnh tình cảm này. Đây có lẽ là vì quá nhiều người là quan chức trong bộ máy hành chính quan liêu liên quan đến đến vấn đề này (phần sau của chương này sẽ trình bày) và khoa trương khi phát ngôn viên Trung Quốc nói về các vấn đề quốc tế - trừ trường hợp khi họ được phép thể hiện sự phẫn nộ đối với Hong Kong hoặc Đài Loan. Có những công thức và điệu bộ rõ rang được thể hiện: Lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đặc biệt là câu thần chú không can thiệp vào công việc của nước khác. Cách kết hợp này tạo ra ấn tượng cho rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc là do bộ máy duy lý và tính toán lạnh lùng đưa ra, cùng với ngôn từ miễn nhiễm với cảm xúc của con người.

Các chính trị gia luôn luôn khai thác những mối quan hệ lịch sử đầy cảm xúc này. Ở Trung Quốc, sức hấp dẫn của hệ tư tưởng Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông đã suy giảm, ít nhất là đối với dân chúng nói chung. Đảng Cộng sản đang tìm kiếm cơ sở mới cho tính chính danh, và một trong những cơ sở mạnh mẽ nhất - bên cạnh việc cải điều kiện sống và phúc lợi kinh tế của nhân dân - là quan niệm về việc Trung Quốc đang giành lại địa vị là trung tâm của thế giới, một Vương quốc Trung Hoa mới, trên tuyến đầu của thời hiện đại, được những người khác ngưỡng mộ, kính trọng và đi theo.

Cách làm như thế được thể hiện một phần sau thuật ngữ mà Tập Cận Bình bắt đầu sử dụng vào năm 2013: Giấc mơ Trung Hoa. Như với nhiều phát biểu khác của Tập [Cận Bình], nó chứa đựng sự mơ hồ làm người ta hài lòng. Mọi người đều bám vào cụm từ này. Đối với một số người, nó có nghĩa là không khí trong lành hơn, điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn; còn đối với những người khác thì đấy là tự do hơn để sáng tạo, đổi mới và trở thành tự chủ hơn. Đối với những người quan tâm nhiều hơn đến vai trò của Trung Quốc trong thế giới rộng lớn hơn, giấc mơ này liên quan tới những tư tưởng đã xuất hiện trong suốt thế kỷ trước. Trong những năm cuối cùng của nhà Thanh, khi đất nước bị bủa vây bởi chia rẽ, áp bức của nước ngoài và tai họa kinh tế, một nhóm thanh niên Trung Quốc, nhiều người trong số đó đang sống ở nước ngoài, đề xuất cái mà họ gọi là “những cuộc cải cách nhỏ”. Hai trong số những người nổi tiếng nhất là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Hai người đều ở nước ngoài và đã đem về nước những tư tưởng về con đường hiện đại hóa nhà Thanh. Đòi hỏi của họ chỉ đơn giản là thông qua công nghệ và khoa học, Trung Quốc, một lần nữa có thể trở thành đất nước vĩ đại – “giàu có và mạnh mẽ”. Lý tưởng này có thể trở thành hiện thực, nhưng đề nghị của họ đàn áp khốc liệt. Vị hoàng đế ủng hộ sáng kiến ​​của họ đã bị bà ngoại cứng rắn của mình là Từ Hi Thái Hậu buộc phải thoái vị.

Tư tưởng này không biến mất hẳn. Phong Ngũ Tứ (nổ ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 – ND), được kích hoạt vì Trung Quốc tự coi mình là nạn nhân của những khoản bồi thường chiến phí bất công sau khi Thế chiến I kết thúc (chủ yếu là những nhượng bộ, trao vùng đất phía đông bắc trước kia do Đức chiếm đóng cho Nhật Bản), ý nghĩa về hiện đại hóa kiểu Trung Quốc lại xuất hiện một lần nữa, lần này là cặp song sinh “Ông Khoa học” và “Ông Dân chủ” - một khẩu hiệu phổ biến vào lúc đó. Hy vọng đã bị giai đoạn sau đó, trong những năm 1920, đập tan; đấy là khi Trung Quốc bị phân chia thành các lãnh địa, rồi quằn quại trong cuộc chiến tranh Trung- Nhật. Nhưng nước này lại nổi lên khi Mao Trạch Đông tuyên bố Cộng sản đã giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến - ông này chỉ đơn giản là gắn thêm thuật ngữ “xã hội chủ nghĩa” mà thôi. Giấc mơ Trung Hoa trong những năm 1950 và những năm 1960 là trở thành đất nước “xã hội chủ nghĩa giàu có, mạnh mẽ”. Nhưng sau năm 1978, giấc mơ trở lại một lần nữa với công thức lịch sử của mình - giàu có và mạnh mẽ là đủ. Kì quặc là, chủ nghĩa xã hội chỉ còn là phương tiện để đạt được điều đó.

Hai cái này liên kết chặt chẽ với nhau. Không giàu có về vật chất, Trung Quốc sẽ luôn luôn bị người ta bắt nạt. Cần giàu có không chỉ hàng hóa, mà cả kiến thức, năng lực và khả năng. Khao khát tự chuyển hóa của họ làm cho bất kì người chứng kiến nào cũng phải ngạc nhiên. Từ năm 1980, Trung Quốc đã gửi hơn một triệu thanh niên ra nước ngoài học tập. Bốn Hiện đại hóa, một tư tưởng cũng xuất hiện từ trước (được sử dụng lần đầu tiên vào đầu những năm 1960), đã thực hiện việc tái thiết và phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ, những thứ đơn giản là bị lờ đi, bị chối bỏ, hoặc không được biết tới cho đến lúc đó. Quá trình mua lại, tăng cường khả năng và tính hiện đại đang tiếp tục, nhưng khả năng vươn lên thành một quốc gia vĩ đại, mạnh mẽ, giàu thì chưa bao giờ lớn đến như thế. Có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng coi chuyện này như một khát vọng, một kết quả lý tưởng nằm ở tương lai xa vời, tương lai chỉ có trong giấc. Nhưng bây giờ nó là thực tế, tuy còn mờ ảo. Đảng Cộng sản dưới thời Tập Cận Bình có đầy đủ cơ hội để gánh vác đất nước, sau một thế kỷ rưỡi đau khổ và bất công, lại một lần nữa trở thành vĩ đại thực sự, đặc biệt là giữa khung cảnh lộn xộn ở những khu vực khác trên thế giới, từ EU đến Mĩ - khi tác phẩm này được chấp bút. Chính vì thế mà họ có sức hấp dẫn, và đấy cũng là lời biện minh ngầm cho các cuộc tấn công tàn nhẫn của họ vào những người chống báng. Nếu bạn đạp lên giấc mơ của Đảng Cộng sản, những cái tiếp theo sẽ xảy ra, bạn đạp lên giấc mơ của nhân dân Trung Quốc, vì bạn đe dọa cơ hội tốt nhất của đất nước này trong việc đạt tới - một lần nữa - vai trò phù hợp và đúng đắn của nó trên thế giới.

Thái độ đó tạo ra một loạt vấn đề. Trung Quốc đã từng là trung tâm trên thế giới như câu chuyện lịch sử nói rằng nước này trở thành “cường quốc giàu có, mạnh mẽ” mà người ta thường sử dụng hiện này ngụ ý? Xuất hiện câu hỏi: Trong quá khứ, khi biên giới của nó lớn lên và sau đó nổ tung trong giai đoạn bị đế quốc kiểm soát, Trung Quốc nằm trong loại nào? Đây có phải là Trung Quốc thực sự trong quá khứ, được thể hiện trong những công trình đầy gian khó của các nhà sử học người Trung Quốc và nước ngoài, có phải cũng là lịch sử Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản trích dẫn trong các diễn ngôn được nhiều người ưa chuộng? Rồi đến câu hỏi tế nhị về ảnh hưởng của những cái không phải Trung Quốc lên các đế chế Trung Quốc qua các thời đại - Mông Cổ thời nhà Nguyên, người Mãn Châu thời nhà Thanh. Khó nhằn nhất là nó có ý nghĩa như thế nào đối với người Trung Quốc, bản sắc này mang lại kiểu gắn kết nào trong suốt chiều dài lịch sử phức tạp, lúc hợp lúc tan và rối rắm này? Nhưng tất cả những điều đó chẳng còn mấy giá trị khi các chính trị gia Trung Quốc trong khi đi kiểm tra vũ khí, khí tài mới - thế kỷ XXI - và nói chuyện với người dân lần đầu tiên được sống trong các thành phố Trung Quốc hiện đại, về cái tương lai với những ngôi nhà xinh đẹp, thức ăn đầy đủ, xe hơi tiện nghi, những chuyến du lịch nước ngoài và nhiều cơ hội dành cho họ mà cha mẹ hoặc ông bà của họ chưa từng dám mơ ước tới. Đối với tầng lớp trung lưu mới nổi đầy tham vọng này, đó là thứ đơn giản. Quá khứ vinh quang của Trung Quốc có thể là không thật. Ai thèm quan tâm? Nhưng hiện tại và tương lai của Trung Quốc có thể là vinh quang. Lối tu từ mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa như thế trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ được bàn trong các chương sau.

TRỖI DẬY VỀ ĐẠO ĐỨC

Mao và những người kế vị ông ta cùng biết một điều – có lẽ là điều duy nhất gắn bó họ với nhau và kiên trì theo đuổi. Đấy là tính hiện đại, và tiến lên hiện đại theo cách của người Trung Quốc. Thi đua với phần còn lại của thế giới không có nghĩa là trở nên giống họ. Nó có nghĩa là giữ được bản chất cốt lõi của mình, vâng, là người Trung Quốc. Tư tưởng này không phải là tư tưởng mà mọi người ở Trung Quốc, đặc biệt là các nhà lãnh đạo của nước này, quan tâm nhiều đến mức suy tư và triết lý về nó. Đối với họ, là người Trung Quốc là hiển nhiên. Không cần giải thích hoặc phân tích nhiều.

Trong thời kỳ Cộng hòa Nhân dân, những tư tưởng từ các nguồn như chủ nghĩa Marx, Liên Xô và, sau đó, chủ nghĩa tư bản kiểu Mĩ, đã được bản địa hóa ngay khi chúng được nhập tịch vào nước này. Đó là thuật ngữ nghe rất êm tai: “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, thuật ngữ này đã trở thành hệ tư tưởng quốc gia giữ thế thượng phong, mặc dù sự phân tích theo lối trí tuệ tư tưởng này thường dẫn tới thất vọng. Chủ nghĩa Marx có nghĩa là tìm những nguyên tắc phát triển chính trị và xã hội phổ quát; làm sao chủ nghĩa này có thể tồn tại được trong một biến thể mang tính địa phương, độc nhất vô nhị? Thị trường trở thành vấn đề cốt lõi ở nước này. Trong khi, trong các hệ thống xã hội chủ nghĩa trong sạch hơn, hiện tượng này bị coi là phản bội, thì ở Trung Quốc, nó được người ta đón nhận, với lời cảnh báo rằng “mang màu sắc Trung Quốc”. Thế thì nó có nghĩa là xã hội chủ nghĩa hay không xã hội chủ nghĩa? Không ai biết. Rất nhiều tư tưởng hay khái niệm khác được đính kèm với đơn thuốc “phù hợp với điều kiện dân tộc” như một cách biện minh. Trung Quốc như một thế giới bên trong lòng nó, một vũ trụ tiếp nhận những thứ ở bên ngoài, nhưng vẫn khăng khăng cho rằng nước này có một tập hợp rõ ràng các phẩm chất và xác định những thứ phải tuân thủ và suy nghĩ kỹ bất kỳ tư tưởng nào được đưa vào. “Sử dụng những thứ của nước ngoài nhằm phục vụ Trung Quốc” đã trở thành một trong những châm ngôn nổi tiếng nhất hiện nay.

Cùng với cụm từ “trỗi dậy hòa bình” vào đầu những năm 2000, một loạt những tư tưởng khác nhấn mạnh vào “Trung Quốc”, thậm chí còn được thể hiện mạnh mẽ hơn. Nếu Trung Quốc là một siêu cường, thì nước cần phải được người ta công nhận không chỉ nhờ sức mạnh kinh tế và vai trò chính trị nổi bật của nó, mà còn nhờ nền văn minh vĩ đại, kéo dài liên tục suốt 5.000 năm (như người ta thường tuyên bố) của mình; điều đó làm cho người ta phải kính trọng nước này không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa. Đặc điểm văn hóa của Trung Quốc thể hiện trong tư duy về sức mạnh mềm. Muốn tránh sự giận dữ và chú ý của Mĩ vì cáo buộc tăng cường lực lượng võ trang, người ta bắt đầu thích sử dụng di sản văn hóa. Học viện Khổng Tử, được chính phủ hỗ trợ, bắt đầu được xây dựng trên khắp thế giới. Âm nhạc, văn học và nghệ thuật Trung Quốc bắt đầu xuất hiện, đỉnh cao là nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình với tác phẩm The Governance of China, một cuốn sách tập hợp những bài phát biểu và tuyên bố của Tập được phát hành vào năm 2014, có nhiều tài liệu tham khảo về quá khứ của đế chế Trung Hoa hơn là tham khảo Mao Trạch Đông hay Marx .

Cách mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay nói về văn hóa truyền thống Trung Quốc là đề tài gây tranh cãi. Đây là trường hợp đặc biệt vì phong trào mà họ hiện đang lãnh đạo từng tự coi mình là kẻ thù không đội trời chung của tất cả những thứ mà nó coi là tư duy, nghệ thuật và triết học cũ kĩ. Dưới thời Mao, Khổng Tử là người không được hoan nghênh. Ông được coi là kiến trúc sư của hệ thống tôn ti trật tự của xã hội Trung Quốc và gia đình gia trưởng mà Cộng sản muốn đập tan. Trong Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh đã tấn công tất cả những thứ mà họ coi là dấu vết của chế độ phong kiến, gọi chúng là Bốn Cũ (phong tục cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và tư tưởng cũ). Nhưng chính những chiếc máy ủi, cần cẩu và công nhân sau năm 1978 đã xóa bỏ hầu hết mọi dấu vết lịch sử mà quá khứ có thể để lại ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng họ có nền văn hóa 5.000 năm tuổi, nhưng, môi trường vật chất trong đất nước này lại làm cho những công trình chỉ mới 20 tuổi trông đã như cổ vật. Cái mới ngự trị khắp nơi. Chỉ ở những nơi như Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc, nơi không bao giờ phải trải qua những cơn chấn động chính trị của đại lục, mới có một bộ sưu tập đẳng cấp thế giới những cổ vật của Trung Quốc. Ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nếu bị bỏ lại ở đại lục sau năm 1949, phần lớn di sản này có nguy cơ bị đập tan tành.

Người làm công tác tuyên truyền chính của Tập Cận Bình, từng theo nghiệp báo chí tên là Lưu Vân Sơn, từ năm 2012, thường ngồi bên cạnh Tập trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nói một cách uể oải về vinh quang của nền văn hóa Trung Quốc. Nhưng chương trình nghị sự thì rõ ràng. Những “tài sản truyền thống vẻ vang” của quá khứ được làm thành một cái gì đó mới mẻ, được xây dựng thành các những nguồn lực hữu ích về chính trị, có thể nâng cao được tính chính danh của các nhà cầm quyền hiện đại, những người đã có đóng góp vào ý thức về một đất nước gắn bó, mạnh mẽ trong lịch sử và được xây dựng trên nền tảng văn hóa lâu đời, nhưng về chính trị và xã hội thì đôi khi không ổn định. Họ cũng bóng gió về tham vọng sâu hơn, và được học giả Yan Xuetong, ở Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) xác định rõ. Ông này không chỉ nói tới việc Trung Quốc phải khẳng định lại các giá trị và truyền thống lịch sử của mình nhằm không chỉ là đối trọng về chính trị và quân sự với Mĩ, mà còn là đối trọng về tư tưởng, văn hóa và trí tuệ nữa. Tham vọng trong tầm nhìn của ông là Trung Quốc phải trở thành trung tâm không chỉ của thế giới vật chất, mà quan trọng hơn là trở thành trung tâm của thế giới tinh thần:

Nếu Trung Quốc muốn trở thành một quốc gia có thẩm quyền về nhân văn, thì nó sẽ khác với Mĩ hiện nay. Mục tiêu của chiến lược của chúng ta không chỉ là thu hẹp khoảng cách về sức mạnh với Mĩ, mà còn cung cấp một mô hình xã hội tốt hơn so với mô hình mà Mĩ từng đưa ra.


Có rất nhiều luận cứ ​​phản bác tuyên bố như thế của ông này, ngay cả ở Trung Quốc. Những người đó khẳng định rằng, với tình hình trong nước đầy những thách thức và bất ổn như thế, sẽ ngạo mạn khi tuyên bố rằng Trung Quốc có vai trò tiềm tàng mà những người như Yan Xuetong tuyên bố. Những người này cần xem lại đề xuất: “dấu mình” của Đặng, đây không chỉ là thái độ khiêm tốn – mà là thái độ cần có đối với quốc gia dễ bị người ta tấn công. Nhiệm kì của Tổng thống Trump, làm gia tăng đáng kể cơ hội để cho Trung Quốc thực hiện chuyện này.

Tầm nhìn ra bên ngoài đầy tham vọng của cường quốc Trung Hoa song hành với những lời tuyên bố (chủ yếu không phải là người Trung Quốc) rằng, Trung Quốc đã tạo ra một cách vận hành - phong cách Trung Quốc, đấy là chính sách ngoại giao có một không hai, dựa trên mô hình phát triển của Trung Quốc chứ không dựa trên Đồng thuận Washington vẫn giữ thế thượng phong nữa. Tuyên bố này lần đầu tiên được Joshua Cooper Ramo, lúc đó cộng sư của Kissinger, đưa ra trong tác phẩm xuất bản năm 2004. Trung Quốc đưa ra một cái gì đó mới mẻ trong khi đòi hỏi không gian ngoại giao, ông khẳng định:

Cách tiếp cận mới đối với quá trình phát triển của Trung Quốc được thúc đẩy bởi mong muốn tăng trưởng với chất lượng cao, ổn định, hòa bình, nói một cách nghiêm túc, nó đưa những ý tưởng truyền thống như tư nhân hóa và thương mại tự do vào đầu họ. Cách tiếp cạn đó khá linh hoạt, khó có thể coi đó là một học thuyết. Nó không tin tưởng vào những giải pháp giống nhau cho mọi tình huống. Nó được quyết định bởi thái độ sẵn sàng đổi mới và thử nghiệm, bởi sự nghiệp bảo vệ các đường biên giới và lợi ích quốc gia, và bằng cách tích lũy ngày càng chu đáo những công cụ thể hiện sức mạnh bất đối xứng. Nó vừa có tính thực dụng vừa có tính ý thức hệ, thể hiện thế giới quan của triết học Trung Quốc cổ đại, không có nhiều khác biệt giữa lý thuyết và thực hành.

Khái niệm này sau đó được Daniel A. Bell, một học giả người Canada có văn phòng ở Bắc Kinh bổ sung thêm. Ông này bảo vệ về mặt tinh thần mô hình quản trị của Trung Quốc, ông đánh giá cao nền tảng trọng dụng nhân tài của nó – tạo đặc quyền cho các nhà kỹ trị biết nghệ thuật quản trị chứ không giành đặc quyền cho các chính trị gia kiểu phương Tây chỉ biết truyền thông, quảng bá chính sách và ngoài ra không biết gì khác. Coi Singapore, với Đảng Hành động Nhân dân nắm độc quyền lãnh đạo là quốc gia lý tưởng nhất của Trung Quốc trong tương lai, mặc dù nước này vẫn thường xuyên tiến hành những cuộc bầu cử, Bell nói về những biện pháp mà Trung Quốc sử dụng nhằm né tránh các chế độ dân chủ tự do kiểu phương Tây, mặc cho tính chất phổ quát hóa của nó, và cho đến nay đã cho thấy khả năng tồn tại thực sự của chế độ độc đảng.

Những luận điểm do Ramo và Bell đưa ra đã bị chỉ trích dữ dội. Không, công bằng mà nói, họ thường được các quan chức Trung Quốc nhắc đến, ngoài việc cho là hữu ích, tuyên truyền tự nguyện; mặc dù vậy, họ vẫn làm người ta chú ý đến những khía cạnh độc đáo của Trung Quốc và chỉ ra, vì sao những việc như thế vẫn làm người ta bối rối. Trung Quốc không tham gia cuộc Chiến tranh Lạnh mới theo cách mà Liên Xô trước đây đã từng làm - một cường quốc có thể được coi là cướp bóc, đối thủ cạnh tranh trắng trợn - nhưng cũng không phải là một đồng minh đơn thuần; giữa Trung Quốc và Mĩ có nhiều lợi ích chống chéo lên nhau - sẽ được xem xét sau. Tuy nhiên, có những lĩnh vực khác biệt rõ ràng và bất đồng sâu sắc. Mạnh mẽ nhất trong số này là: Trung Quốc vẫn là hệ thống một đảng độc quyền chiếm quyền lực, đáng lẽ không thể xảy ra sau khi lịch sử của Cộng sản được cho là đã cáo chung cùng với việc Liên Xô sụp đổ năm 1991. Sự bất thường này đòi phải được giải thích. Trung Quốc đã làm gì, tư thế và chiến lược của họ có gì đặc biệt, làm cho họ giành được kết quả - chuyển đổi kinh tế theo kiểu tư bản, đồng thời duy trì được ổn định chính trị của hệ thống độc đảng? Thế giới bên ngoài nên đối xử với tình huống này như thế nào? Bằng chiến lược lôi kéo, ngăn chặn, hay quan điểm khác, hoàn toàn mới?

NGÀY 11 THÁNG 9 VÀ ĐỤNG ĐỘ.

Hai tư tưởng cuối cùng giúp tư duy về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trước khi chuyển sang đặc điểm của Tập Cận Bình và giai đoạn mà ông ta giữ thế thượng phong. Thứ nhất, thái độ do Giang Trạch Dân đưa ra hồi đầu thiên niên kỉ này, đấy là khi ông ta nói về cơ hội chiến lược kéo dài 20 năm. Giang [Trạch Dân] nói về vai trò của Trung Quốc khi nước này chuẩn bị gia nhập WTO và thực hiện một số cuộc cải cách đầy khó khăn ở trong nước. Như một số nhà bình luận đã giải thích rõ, những công việc này phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng cạnh tranh quốc tế và sự tham gia nhằm thúc đẩy thay đổi ở Trung Quốc cũng như khám phá những cơ hội tìm kiếm lợi ích ở bên ngoài Trung Quốc. Sau những cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11 Tháng 9 năm 2001, giai đoạn căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - bắt vào ngày 1 tháng 4 năm 2001 sau khi một máy bay do thám của Mĩ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc va chạm trên vùng trời gần bờ biển phía nam Trung Quốc – chấm dứt. Washington có ưu tiên, cấp bách hơn, và quyết định chiến đấu ở Iraq và Afghanistan. Giai đoạn phân tâm này đã mang lại cho Trung Quốc những lợi ích mà trước đó không ai ngờ tới. Ngôn từ cảnh báo từ phía Mĩ – coi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng trong giai đoạn cuối những năm 1990 đã không còn - George W. Bush, sau năm cầm quyền đầu tiên với những lời chỉ trích gay gắt Bắc Kinh, bắt đầu sử dụng giọng điệu thân thiện hơn hẳn.

Ý của Giang [Trạch Dân] là giai đoạn hài hòa tương đối sẽ chấm dứt. Nhưng ít nhất cho đến đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, đất nước có cơ hội theo đuổi mục tiêu chính của mình - làm giàu, ổn định tình hình trong nước và đảm bảo rằng đất nước có cơ sở bền vững để thực hiện cái mà các nhà lãnh đạo gọi là “hoàn thiện tính hiện đại” ở trong nước. Không có gì đáng ngạc nhiên là, tư tưởng dài hạn như vậy dễ bị một số lực lượng bên ngoài phá hoại. Cụ thể là, hai tác nhân chắc chắn có vai trò quan trọng. Thứ nhất, tác nhân tích cực hơn (ít nhất là trên bề mặt) đối với Trung Quốc, tốc phát triển kinh tế của nước này diễn ra nhanh hơn kì vọng của tất cả mọi người. Với việc gia nhập WTO, nước này đã giải phóng lực lượng sản xuất cực kì to lớn, và tiếp tục như thế trong suốt mười năm tiếp theo. Không những không phải là thách thức đối với Trung Quốc, WTO dường như là một động lực to lớn, một may mắn bất ngờ cho những người muốn có năng suất lao động cao hơn và biết rằng cách duy nhất để làm việc này là đưa các công ty nước ngoài vào nhằm thúc đấy các công ty ù lỳ và kém hiệu quả ở trong nước. Bằng cách đó, Trung Quốc đã trở thành tay chơi khổng lồ trên đấu trường kinh tế toàn cầu, với những thị trường mới, những đối tác kinh doanh mới, những liên kết mới và có vai trò quan trọng vượt xa đường biên giới nó - và có lẽ nhanh hơn hẳn so với dự đoán của ngay cả những nhà lãnh đạo lạc quan nhất.

Nhưng còn vấn đề thứ hai, ít tích cực hơn - tai họa mà thế giới bên ngoài gặp trong và sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Trong khi Trung Quốc thành công hơn thì dĩ nhiên là kinh tế của Mĩ và EU yếu đi. Giai đoạn cơ hội mang tính chiến lược, giai đoạn Trung Quốc náu mình, chỉ tập trung vào các vấn đề của mình và chờ thời, đã kết thúc khá lâu trước thời hạn chót là năm 2020. Tư tưởng chủ đạo ở Bắc Kinh là tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia - ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự thì cũng thế. Do đó, Trung Quốc, nói chung, không khởi xướng nhiều việc ở LHQ, nếu đấy là những việc không liên quan trực tiếp đến nước này, và có thường theo sự dẫn dắt của người khác (kể từ khi chiếm lại vị trí vào năm 1971, Trung Quốc chỉ áp dụng quyền phủ quyết 7 lần, trong khi Mĩ áp dụng hơn 40 lần. Trong số bảy lần phủ quyết, họ chỉ hành động đơn phương có 4 lần). Do cách hành xử thụ động rõ ràng như thế, Trung Quốc được gán cho danh hiệu là kẻ ăn bám, đến mức vào năm 2005, Robert Zoellick, một quan chức Mỹ, trong một cuộc nói chuyện với Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mĩ-Trung đã yêu cầu nước này phải trở thành “người tham gia có trách nhiệm” và tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế, có quan điểm không chỉ trong các vấn đề ở gần như Bắc Triều Tiên và quản trị lĩnh vực tài chính quốc tế, mà còn về các vấn đề mang tính toàn cầu hơn:


Trung Quốc là nước lớn, đang phát triển, và nước này sẽ có ảnh hưởng đối với thế giới trong những năm sắp tới. Đối với Mĩ và và thế giới, câu hỏi quan trọng nhất là, Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình như thế nào?

Để trả lời câu hỏi đó, đã đến lúc chính sách của chúng ta không chỉ là mở cửa cho Trung Quốc trở thành thành viên trong hệ thống quốc tế: Chúng ta cần thúc giục Trung Quốc trở thành một người tham gia có trách nhiệm trong hệ thống đó.

Dù muốn hay không, Trung Quốc hiện đã trở thành cường quốc thế giới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm tất cả những việc có thể nhằm chống lại, không để mình bị coi là cường quốc thế giới: Phản ứng dữ dội trước đề xuất thành lập G2 (Mĩ và Trung Quốc) bắt đầu xuất hiện vào năm 2009. Nhưng từ năm 2010 trở đi, khi nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì không thể như thế được nữa, họ không thể tiếp tục đóng vai tay chơi yếu đuối, dễ bị tổn thương, tốt nhất là chưa nên tham gia vào những hành động toàn cầu. Quyết định của Vương quốc Anh trong việc ra khỏi Liên minh châu Âu, là nguyên nhân làm cho sự mất đoàn kết trong khu vực đó gia tăng, và tổng thống Mĩ, Trump, tuyên bố siêu cường duy nhất sẽ tập trung vào chủ nghĩa trọng thương và hành xử theo lối biệt lập, chỉ càng khẳng định quan niệm cho rằng Trung Quốc đã bị buộc phải giữ vị trí có trách nhiệm và nổi bật sớm hơn so với mong ước của nó, đấy là do sự vô trách nhiệm của các đối tác trước đây đã từng giữ thế thượng phong.

Năm 2009, phản ứng trước sự kiện này, Đới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc vụ Viện và lúc đó đang là quan chức đối ngoại nổi bật ở Trung Quốc, lần đầu tiên đưa ra lợi ích cốt lõi cho đất nước. Gồm ba vấn đề: “số một … là giữ vững hệ thống căn bản và an ninh quốc gia; tiếp theo là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; và thứ ba là kinh tế và xã hội phát triển ổn định, liên tục”


Quá chung chung, nhưng thông điệp thì rõ ràng. Việc lôi kéo với mục đích phá hoại ngầm sự lựa chọn mô hình chính trị của Trung Quốc, và tiến hành một số nỗ lực cải cách hoặc thay đổi nước này, được coi là chống lại lợi ích của Trung Quốc. Trong những năm tiếp theo, người ta còn tung ra những tuyên đanh thép hơn nhằm lên án những nỗ lực của phương Tây trong việc thách thức, hoặc dụ dỗ hay những hình thức khác nhằm làm thay đổi các lựa chọn chính trị ở trong nước Trung Quốc; thay đổi quan điểm về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ liên quan đến các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Biển Hoa Nam và Biển Đông đang nằm trong vòng tranh chấp. Điều thứ ba bao gồm những gồm lợi ích kinh tế ở nước ngoài đang gia tăng của Trung Quốc. Ngay cả người quan sát độ lượng cũng phải coi đây là danh sách những đòi hỏi ích kỉ. Nhưng, đáng chú ý là, đây là những điều thầm kín nhất mà một nhà lãnh đạo cao cấp, trong thời gian gần đây, đã vạch ra trong một khuôn khổ triết lý toàn diện của Trung Quốc về sự tham gia với thế giới bên ngoài.

CÔNG CỤ

Trong phần tổng quan này, còn một vấn đề cần chú ý nữa. Sau khi đã trình bày cơ sở trong chính sách đối ngoại và những tư tưởng cốt lõi trong tư duy ngoại giao của nước này, tốt nhất nên dành phần kết luận để mô tả các công cụ thực tế mà Trung Quốc - hay bất kỳ quốc gia nào khác – nắm được trong chiến lược đối ngoại. Trong khi các chính phủ có quyền kiểm soát và chủ động khá cao đối với các vấn đề đối nội (và ngay cả với lợi thế này họ cũng thường phải đấu tranh), quyền lực của họ chắc chắn sẽ giảm nhanh chóng trước các vấn đề nằm ngoài biên giới nước mình: Những đòn bẩy trong công việc kiểm soát giảm dần. Lúc đó sẽ là thuyết phục về đạo đức, khuyến khích về kinh tế hoặc trong trường hợp xấu nhất, dùng lực lượng quân sự để buộc người ta theo mình, tất cả không chắc chắn và rủi ro cao.

Trong giai đoạn bế quan tỏa cảng thời Mao, Trung Quốc có rất ít đồng minh trong lĩnh vực ngoại giao. Nước này chỉ có một ít liên hệ với thế giới bên ngoài, đấy là hậu cần, đi lại và thương mại. Hiện nay mọi sự đã thay đổi. Trong các lĩnh vực sẽ được trình bày ngay sau đây, nước này có những lợi ích riêng biệt, cũng như những chỗ dễ bị tổn thương trước các lực lượng và vấn đề nằm bên ngoài biên giới, nhưng cũng có thể tạo được ảnh hưởng đối với các lực lượng và vấn đề đó bằng những biện pháp mới. Những chúng cũng mang lại cho Trung Quốc những lợi ích hữu hình mà họ cần phải bảo vệ và các phương thức tham gia mới với thế giới rộng lớn hơn:

• ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI: Từ năm 1978, Trung Quốc đã cho tư bản nước ngoài đầu tư vào nước này, và từ những năm 2000, đã khuyến khích chiến dịch “đi ra”: Các công ty quốc doanh và tư nhân của Trung Quốc hoạt động trong các nước khác. Năm 2014, Trung Quốc là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới. Nhưng, đáng chú ý hơn, nước này cũng bắt đầu trở thành nhà đầu tư quốc tế lớn, với hơn 100 tỷ USD. Trung Quốc đầu tư vào châu Âu, Mĩ và Australia, mua các công ty như Weetabix của Vương quốc Anh, Volvo của Thụy Điển và Ngân hàng Standard của Nam Phi. Họ có cổ phần trong các công ty khác nhau như BP và Tesco, và thông qua Huawei và ZTC đã trở thành tay chơi lớn trong lĩnh vực công nghệ - và vì những lo lắng về bảo mật mà trở thành vấn đề gây tranh cãi. Nước này đã trở thành nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực tài nguyên và nông nghiệp ở Australia và Mĩ Latin, và lĩnh vực năng lượng ở Trung Đông. Đầu tư là thành phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, và là khía cạnh mới trong cách thức tạo ảnh hưởng của nước này.

• VIỆC ĐI LẠI CỦA NGƯỜI DÂN: Như đã nói, từ năm 1949 đến 1978, rất ít người Trung Quốc đi du lịch, cả ở trong nước lẫn ra nước ngoài. Đó là một trong những cách bế quan tỏa cảng. Rất khó tiếp cận, có nghĩa là chỉ có ít người châu Âu hoặc Bắc Mỹ được vào nước này và thậm chí người Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài còn ít hơn nữa. Tuy nhiên, chỉ trong năm 2014, đã có 100 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, trong đó khách du lịch, học giả, doanh nhân và quan chức. Họ trở thành người chi tiêu nhiều nhất trong các cửa hàng sang trọng ở Paris và New York, và cơ hội lớn của ngành du lịch - lớn đến mức có những trung tâm bán lẻ dành riêng cho họ, như Bicester ở Vương quốc Anh. Người dân Trung Quốc trở thành công nhân ở Châu Phi, sinh viên ở Vương quốc Anh, Mĩ và Australia, và những người lao động nhập cư có tay nghề cao. Những mối liên kết giữa người với người trở nên sôi động, người Trung Quốc xuất hiện trong cuộc sống của mọi người theo những cách chưa từng có trước đây, đấy là các sinh viên, khách hàng và khách tham quan. Nhưng nó cũng có nghĩa là chính phủ Trung Quốc có trách nhiệm quan tâm tới người dân của mình khi họ ở nước ngoài tương tự như các chính phủ phương Tây: 36.000 người Trung Quốc phải rời Libya trong cuộc nổi dậy năm 2011, và cuối năm 2015, một người đàn ông Trung Quốc đã nhóm Daesh ở Trung Đông, bắt làm con tin rồi sau đó hành quyết. Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tham gia 15 chiến dịch cứu hộ lớn – trong đó có những chiến dịch ở Yemen, Iraq, Libya và Syria.

• VŨ KHÍ: Từ năm 200 trở đi, chi tiêu của Trung Quốc cho quân đội tăng theo cấp số nhân, với quá trình hiện đại hóa diễn ra trước năm 2015 và cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc cuộc chiến tranh Trung-Nhật được nói tới trong phần Giới thiệu, hơn 80% vũ khí, khí tài được đem ra phô diễn là những thứ mới. Trung Quốc bắt đầu đổi mới, với máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và tàu sân bay do chính họ làm ra. Nước này đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài ở Djibouti - ngoài khơi bờ biển phía đông châu Phi - và lần đầu tiên xây dựng được lực lượng hải quân đáng tin cậy nhằm bảo vệ công dân ở nước ngoài và những tuyến hàng hải quan trọng.

• VĂN HÓA: Hàng triệu người bắt đầu học tiếng Hoa, tham và tìm hiểu Trung Quốc và được tiếp xúc với các hình thức văn hóa khác nhau của đất nước này. Tài sản văn hóa Trung Quốc, lịch sử, ngôn ngữ, văn học và con người đã trở thành phương tiện mà chính phủ Trung Quốc (và các tác nhân Trung Quốc khác) có thể quảng bá những hình ảnh tốt đẹp và có lợi của đất nước ra nước ngoài, giúp làm mờ đi những ấn tượng tiêu cực mà hệ thống chính trị của nó tạo ra. Đã có cuộc tranh luận gay gắt về cách thức thực hiện tư duy thông qua cách làm này. Không thể chối cãi được là quyền lực mềm của Trung Quốc và thông điệp do chính phủ đưa ra đã có ảnh hưởng tới hình ảnh và cách suy nghĩ của quốc tế về vai trò của Trung Quốc, tầm quan trọng và tiềm năng của nước này trên thế giới.

Những vấn đề này là nguồn gốc của quyền lực cứng và mềm phát sinh từ trong lòng Trung Quốc, nhưng chúng cũng là phương tiện mà người bên ngoài có thể gây ảnh hưởng lên đất nước này. Tình hình hiện nay rất năng động. Nhiều vấn đề bên trên sẽ xuất hiện trong câu chuyện tiếp theo về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Những vấn đề này chỉ ra rằng, bằng nhiều cách, đối với tất cả các cuộc thảo luận về chiến lược và khuôn khổ lớn, chính sách đối ngoại của Trung Quốc thường phải tự trói buộc mình vào việc bảo vệ hoặc ủng hộ những vấn đề rất thực tế. Do đó, đầu tiên, quan trọng là phải xem xét mạng lưới và con người nằm ở trung tâm của hệ thống bảo vệ, chống lại ảnh hưởng và gây ảnh hưởng này, và tìm cách trả lời câu hỏi về việc họ nhìn thế giới bên ngoài như thế nào, họ xây dựng chính sách đối ngoại ra sao và họ coi vai trò tương lai của đất nước trong thế giới như thế nào. Ngay tại trung tâm của tất cả những vấn đề này là hình ảnh của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Tập Cận Bình.
Hết

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

No comments:

Post a Comment