July 17, 2019

BIỂN CA-RI-BÊ CỦA TRUNG QUỐC (phần 1)


Chương II, Tác phẩm Vạc Dầu Châu Á (trang 65 – 95)


Điều này tuy khó nghe nhưng là một thực tế: sự thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản dẫn tới mua thêm vũ khí quân sự. Các quốc gia đang phát triển nhanh buôn bán nhiều hơn với bên ngoài, và vì thế có những lợi ích mang tính toàn cầu cần phải được bảo vệ bằng quyền lực cứng. Sự phát triển về kinh tế của nước Mỹ sau nội chiến, cuối thế kỷ XIX đã dẫn tới sự ra đời của lực lượng hải quân hùng mạnh. Đỉnh điểm của quá trình phát triển công nghiệp ở châu Âu khi bước sang thế kỷ XX là cuộc chạy đua vũ trang dẫn tới Thế chiến I. Sự suy giảm quyền lực quân sự một cách tương đối của châu Âu trong thời đại của chúng ta là vì châu Âu đã quá dựa dẫm vào các lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng. Mặc dù Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác dựa vào không quân và hải quân Mỹ, nhưng tình hình của họ là khác hẳn những quốc gia châu Âu đầu thế kỷ XXI. Các quốc gia châu Á có những tuyên bố chủ quyền xung đột với nhau và không các cơ chế hội nhập như NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Trong nhiều trường hợp, như chúng ta sẽ thấy trong chương trước, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, các quốc gia châu Á đang hội tụ lại thành các chính thể mạnh mẽ và cố kết và do đó mà họ đang trở nên vênh váo, nếu có thể nói như thế. Lần đầu tiên trong hàng thập kỷ và thậm chí hàng thế kỷ, sự ổn định trên đất liền của các quốc gia này tạo điều kiện cho họ tung ra các tuyên bố về chủ quyền của mình đối với biển cả. Họ cũng mới làm quen với chủ nghĩa dân tộc hiện đại chứ chưa cảm thấy chán nó như người châu Âu trong những thập kỷ ngay sau Thế chiến II. Chính vì thế, ở châu Á, nền chính trị dựa vào sức mạnh đang giữ thế thượng phong. Người châu Á không xung đột với nhau về mặt tư tưởng, họ tranh giành nhau không gian địa lý.

Chính quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của châu Á (đặc biệt là của Trung Quốc cho tới thời gian gần đây) từ những năm 1970 cho tới thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI làm cho các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Á này cảm thấy tự cao về mặt quân sự. Trong khi trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá diễn ra sau thế kỷ XVII, nước Anh phải mất gần sáu thập kỷ mới có thể tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người, và sau Nội chiến, nước Mỹ cần năm thập kỷ mới làm được như thế, thì sau giai đoạn kinh tế cất cánh hồi cuối thế kỷ XX, Trung Quốc chỉ cần một thập kỷ là đã gia tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người rồi. Chuyên gia về châu Á của tạp chí The Economist , Bill Emmott , nói rằng, nói một cách tổng quát, tính từ năm 1950, thu nhập bình quân đầu người của châu Á đã tăng gấp 7 lần trong vòng chưa đến sáu thập kỷ.

Sự ngóc đầu dậy về mặt quân sự ở châu Á song hành với tăng trưởng về mặt kinh tế. Desmond Ball, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Strategic and Defence Studies Center) thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng từ cuối những năm 1980 cho tới cuối những năm 1990 chi tiêu quốc phòng tăng nhanh đến mức tỷ trọng chi tiêu quân sự của châu Á so với thế giới tăng gần gấp đôi, từ 11% lên 20%. Tỷ lệ nhập khẩu vũ khí của châu Á cũng tăng từ 15% lên 41%. Do nền kinh tế Trung Quốc ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1997-1998, kể từ năm 1988, ngân sách quốc phòng của nước này gần như năm nào cũng tăng hai chữ số, khiến cho toàn bộ ngân sách quốc phòng trong suốt hai thập kỷ qua tăng tới 8 lần. Năm 2011, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 12,7%, lên gần 100 tỷ USD. Mặc dù ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ là 708 tỷ USD, “cả hai nước đang đi hai hướng trái ngược nha nhau” (ý nói Mỹ giảm, còn Trung Quốc tăng) . Thêm vào đó, năm 2009, các khoản chi tiêu liên quan tới quốc phòng của Trung Quốc được Lầu Năm Góc ước tính vào khoảng 150 tỷ USD, và chắc chắn là từ đó còn gia tăng hơn nữa. Trung Quốc hiện là quốc gia chi tiêu quân sự nhiều thứ hai thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản đang bỏ xa Đức và Nga trong lĩnh vực này.

Ball nhận xét rằng chi tiêu cho quốc phòng ở châu Á đã dịch chuyển từ giai đoạn xây dựng và hiện đại hoá “không nhằm đe doạ” sang giai đoạn “hành động-phản ứng”, trong đó, các quốc gia ven biển tham gia vào những cuộc chạy đua vũ trang nóng bỏng, đặc biệt liên quan tới các loại tàu chiến và tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, các hệ thống phòng thủ tên lửa, các phương tiện chiến tranh trên không gian ảo và chiến tranh điện tử. Chủ nghĩa dân tộc hậu hiện đại khẳng định chính mình theo cách đó.

Ball nhận xét rằng, tệ hơn, cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á và động lực học của an ninh khu vực đi kèm với nó sẽ “phức tạp hơn rất nhiều” so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh chỉ có hai cực, với nhiều điểm tương tác hơn và vì thế tính toán dễ sai lầm hơn và cùng với nó là nhiều bất ổn định hơn.

Cụ thể, có thể kể đến cơn sốt tàu ngầm, vì các loại tàu chiến mặt nước dễ bị các tên lửa hạ gục. “Tàu ngầm đang là một loại trang sức mới, đắt tiền, mà ai cũng muốn,” Bernard Loo Fook Weng từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (S. Rajaratnam School of International Studies) nói với tôi như vậy. Cần phải nhớ rằng tàu ngầm giống như một nhà máy thu thập thông tin tình báo di động dưới đáy biển. Khác với tàu sân bay, đại diện cho uy lực và uy tín quốc gia và được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có cứu trợ thiên tai, tàu ngầm đơn thuần là vũ khí tấn công, thậm chí ngay cả khi các nhiệm vu thu thập thông tin giúp một quốc gia có thêm những kiến thức cần thiết về ý định và năng lực của đối thủ, phục vụ mục đích ổn định tình hình. Mặt khác, mua tàu ngầm sẽ tạo ra một sự bất định nguy hiểm cho cán cân quân sự, bởi vì nếu không nổi lên mặt nước thì sẽ không một ai biết tàu ngầm đang hoạt động ở đâu. Tàu ngầm có khả năng thâm nhập sâu để tuần tra mà không bị phát hiện.

Trung Quốc có hơn 60 tàu ngầm và trong những năm sắp tới sẽ tăng lên khoảng 75 chiếc, nhiều hơn một chút so với Hoa Kỳ. James C. Bussert thuộc Trung tâm Chiến tranh mặt nước hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval Surface Warfare Center) và Bruce A. Elleman thuộc Học viện Hải chiến (U.S Naval War College) viết rằng Trung Quốc đang “áp đảo Hoa Kỳ trong việc chế tạo tàu ngầm với tỷ lệ 4 trên 1” kể từ năm 2000, và “8 trên 1” từ năm 2005, thậm chí ngay cả khi các lực lượng chống ngầm của hải quân Hoa Kỳ đang suy giảm. Trong khi nhiều tàu ngầm của Trung Quốc là tàu chạy bằng diesel còn tất cả tàu ngầm Hoa Kỳ là tàu ngầm hạt nhân, lớp tàu ngầm diesel mới nhất – lớp Yuan – chạy êm hơn hẳn tàu ngầm hạt nhân. Và bởi vì vùng biển Tây Thái Bình Dương có thể được coi là vùng nội thuỷ của Trung Quốc, các tàu ngầm của nước này sẽ không phải đi nửa vòng trái đất mới tiếp cận được với chiến ở trường châu Á, như Mỹ. Quá trình xây dựng quân đội không gì cản nổi của Trung Quốc có vẻ ngược đời: hiện nay Trung Quốc có thể chờ đợi và áp dụng một chính sách đối ngoại ôn hoà vì thời gian ủng hộ họ. Vào cuối thập kỷ 2020, với tốc độ tiếp nhận và cho nghỉ hưu vũ khí khí tài như hiện nay, ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương Trung Quốc sẽ có nhiều tàu chiến hơn hẳn Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ .

Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam được dự đoán là đến cuối thập kỷ này, mỗi nước sẽ tiếp nhận thêm 6 tàu ngầm, trong khi Australia sẽ tiếp nhận 12 tàu ngầm mới trong vòng 20 năm tới, mặc dù những giới hạn về ngân sách gần đây có thể ảnh hưởng tiêu cực tới con số này. Singapore, Malaysia, và Indonesia cũng sẽ tiếp nhận thêm mỗi nước 2 tàu ngầm. Chi tiêu quốc phòng của Malaysia đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, với việc tiếp nhận các loại vũ khí thông thường gia tăng 722% từ năm 2005 tới 2009, nếu so sánh với khoảng thời gian nửa thập kỷ trước đó. (Malaysia được cho là đã mua tàu ngầm vào những năm 1980 để đối phó với Việt Nam, vì nước này chiếm đảo An Bang (Amboyna Cay) trên quần đảo Trường Sa, nhưng với việc Trung Quốc đang trỗi dậy, những tàu ngầm này đã có nơi sử dụng rồi). Singapore, một quốc gia-thành phố bé nhỏ, nằm ở tận cùng phía nam biển Đông, hiện là một trong 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Australia được dự đoán sẽ chi 279 tỷ USD trong vòng hai thập kỷ tới cho việc mua sắm các tàu ngầm, tàu khu trục, và máy bay chiến đấu mới, nếu như ngân sách cho phép. Tổng cộng, nếu tính tới cả quá trình hiện đại hoá đang diễn ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc, AMI International, công ty chuyên cung cấp thông tin nghiên cứu thị trường cho các chính phủ và các công ty đóng tàu dự đoán rằng từ nay tới năm 2030, các quốc gia châu Á sẽ mua 111 tàu ngầm.

Hàn Quốc có thể được coi là ví dụ tốt nhất về cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng này (đặc biệt là về hải quân). Năm 2006, Hàn Quốc quyết định gia sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng vào năm 2015, lên đến 1,24 nghìn tỷ USD. Số tiền này được đầu tư vào – bên cạnh tàu ngầm và các tàu chiến được trang bị các thiết bị chống ngầm – sáu khu trục hạm mới, lớp Sejong, mỗi khu trục hạm có thể mang 128 tên lửa dẫn đường bởi hệ thống Aegis hiện đại. Tiếp đến là mua các chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không F-15K Slam Eagle, bốn máy bay cảnh báo sớm Boeing 737, và có thể là cả máy bay tàng hình F-35. Nhật Bản vào cuối năm 2009 đã bật đèn xanh cho việc chế tạo một thế hệ tàu chở trực thăng hoàn toàn mới, Type 22 DDH, cực kỳ quan trọng đối với cuộc chiến chống ngầm. Cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á có thể là một trong những câu chuyện ít được quan tâm nhất trên truyền thông trong hàng thập kỷ.

Hàng không mẫu hạm Mỹ trên đường tới biển đông

Tất cả các lực lượng hải quân ở châu Á chẳng là gì nếu so sánh với hải quân Hoa Kỳ, thế nhưng, trong khi số lượng tàu chiến của các quốc gia này gia tăng thì Hoa Kỳ lại giảm trong những thập kỷ tới. Tính đa cực về mặt quân sự, như tôi trình bày trong chương trước, cuối cùng, sẽ tiếp bước tính đa cực về kinh tế và ngoại giao. Đa cực về mặt quân sự là dấu hiệu của một thế giới tự do và công bằng hơn, trong đó những quốc gia ở khu vực, chứ không phải các đế quốc phương Tây, có khả năng kiểm soát những nguồn tài nguyên của chính mình. Gần đây Trung Quốc đã hạ thuỷ chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình, theo một cách hiểu khác thì chiếc tàu sâu bay đó chỉ giống như một “thứ đồ bỏ đi” có nguồn gốc Nga-Ukraine được tân trang lại, giống như một tàu đổ bộ tấn công hơn là một tàu sân bay theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Các sỹ quan hải quân Hoa Kỳ không tỏ ra lo lắng về chiếc tàu sân bay này, và dĩ nhiên là họ không cần lo lắng. Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm hay thậm chí hàng thập kỷ để huấn luyện cho các thuỷ thủ của mình những tố chất phù hợp để có thể vận hành thuần thục một nhóm tàu sân bay. Nhưng, nếu Trung Quốc có khả năng duy trì được tốc độ hiện đại hoá và bành trướng về quân sự như hiện nay – một chữ nếu khá lớn – thì đến 2050 nước này sẽ có 9 tàu sân bay tập trung tại vùng biển tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mà trong cùng một thời điểm đó Hoa Kỳ cũng sẽ chỉ có 9 tàu sân bay làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh toàn cầu.

Quá trình triển khai sức mạnh trong tương lai rõ ràng là nguy hiểm do những thiếu sót của lối suy nghĩ tuyến tính: các xu hướng trong hiện tại hiếm khi tiếp tục xảy ra như chúng đã từng xảy ra trong quá khứ. Nếu xét tới việc Trung Quốc là một trong những nền văn minh vĩ đại trên thế giới và đã từng nhìn thấy những đế quốc hùng mạnh trong suốt chiều dài lịch sử của mình, sẽ là hợp lý khi cho rằng lịch sử yếu kém trong 150 năm vừa qua là một sai lầm cần phải được sửa chữa. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm , cũng như những bất ổn trong nước đang ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, việc lần đầu tiên hạ thuỷ tàu sân bay cho thấy Trung Quốc có tham vọng biến hải quân của mình từ một lực lượng “chống tiếp cận trên biển” – nhằm bảo vệ bờ biển – thành một lực lượng có khả năng “kiểm soát mặt biển” đầy sức mạnh, là điểm báo cho sự hình thành của một lực lượng hải quân trên đại dương. Trên thực tế, năm 2012, Trung Quốc đã hạ thuỷ tàu đổ bộ thứ tư trong tổng số dự kiến tám tàu đổ bộ mới, lớp 071, mỗi chiếc có thể chở 800 lính, chở các tàu đệm khí, xe thiết giáp và thực thăng hạng trung. Christian Le Mière, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies) ở London cho rằng “việc sở hữu một hạm đội các tàu đổ bộ cỡ lớn cho thấy nhu cầu cũng như tham vọng triển khai quyền lực”. (Trung Quốc cũng đã cho hạ thuỷ một loạt các tàu khu trục tàng hình tác chiến ven bờ, lớp 056). Thêm vào đó, năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới. Các tàu ngầm và tàu chiến của nước này hiện tại đang được trang bị các loại vũ khí phòng không và vũ khí chồng tàu tầm xa hiện đại .

Trung Quốc vẫn chưa thể phát triển và sử dụng một cách hiệu quả cái gọi là hệ thống của các hệ thống cần thiết cho hoạt động của hạm đội, ngay cả khi nước này đang đẩy nhanh việc huấn luyện và tiếp tục phát triển nhằm có thêm nhiều kinh nghiệm liên quan, Rodger Baker, phó chủ tịch và nhà phân tích khu vực Đông Á của Stratfor, một công ty tình báo tư nhân toàn cầu, nói như thế. Roger cũng nói rằng trong các vùng biển gần (biển Đông hay biển Hoa Đông ), Trung Quốc không nhất thiết phải phụ thuộc vào các hoạt động phối hợp của hạm đội nhằm răn đe hay phòng thủ - ví dụ, họ có thể dựa vào chiến thuật áp đảo được hỗ trợ bởi các hệ thống không quân và tên lửa nằm trên mặt đất. Trung Quốc thậm chí có thể sử dụng chiến thuật mà họ gọi là “các đòn đánh phối hợp”. Cuối năm 2012, nhằm thách thức quyền kiểm soát thực tế của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã “tiến hành tác chiến phối hợp giữa hải quân, không quân và các lực lượng tên lửa chiến lược”, kết hợp với các đe doạ trả đũa về kinh tế, và từ chối tham dự một hội nghị tài chính lớn ở Tokyo, cũng như khuyến khích các cuộc biểu tình chống Nhật ở trong nước. Hạm đội không cần phải chiến đấu quá giỏi nếu như nó được sử dụng đồng thời với các công cụ ngoại giao hay các công cụ khác của quốc gia nhằm gây sức ép lên đối thủ. (Ví dụ, Trung Quốc nhấn mạnh vào các lực lượng hàng hải dân sự như lực lượng bảo vệ bờ biển, có khả năng ức hiếp các quốc gia láng giềng mà không kích hoạt phản ứng của Hoa Kỳ, bởi vì lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ không có mặt ở khu vực này).

Nên nhớ rằng Trung Quốc chỉ chi 2% GDP cho lĩnh vực quốc phòng, trong khi Hoa Kỳ chi tới 4,7% . Vì thế Trung Quốc vẫn còn có khả năng gia tăng ngân sách quốc phòng. (Tương tự, nền kinh tế của các quốc gia khắp Đông Á tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây đã tạo điều kiện cho các lực lượng quân đội trong khu vực phát triển mạnh mẽ mà không ảnh hưởng đến tỷ lệ phần trăm chi tiêu quốc phòng trên tổng sản phẩm quốc nội).

Bởi vì năng lực không quân và hải quân là không thể bị tách rời trong chiến lược chung, cho nên ngày 11 tháng 1 năm 2011, chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một nguyên mẫu của máy bay tàng hình J-20, được thiết kế nhằm đối phó với F-22 Raptor của Hoa Kỳ - máy bay chiến đấu tàng hình duy nhất của thế giới. “Lớn hơn chiếc F-22, với các bình nhiên liệu lớn hơn, J-20 sẽ bay cao hơn, nhanh hơn và ít khả năng bị phát hiện hơn”. Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã gia tăng số lượng các loại máy bay thế hệ thứ tư hiện đại của mình từ 50 lên đến hơn 500 chiếc, ngay cả khi nước này đã giảm số lượng tổng thể của không quân từ hơn 3.000 máy bay chiến đấu xuống còn 2.000 chiếc . Đây được coi là ví dụ rõ ràng cho thấy hiện đại hoá quân đội là quá trình giảm số lượng nhưng tăng chất lượng trong cơ cấu của quân đội. Thật vậy, các quốc gia châu Á đang mua nhiều tàu bé và máy bay: nhưng, quan trọng hơn, họ đang mua những loại khí tài hiện đại nhất, những loại vũ khí sẽ kết hợp với các hệ thống vệ tinh giám sát trên không gian, các hệ thống tên lửa hiện tại, cũng như khả năng tiến hành chiến tranh điện tử và chiến tranh trên không gian mạng.

Đặc biệt là, Trung Quốc, theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, “đã có chương trình tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đặt trên mặt đất hiệu quả nhất thế giới” . Các tên lửa đạn đạo đất đối biển nằm trên đất liền mới nhất của Trung Quốc – sử dụng hệ thống thu thập thông tin trên không gian – có khả năng đe doạ các tàu chiến của Hoa Kỳ, đặc biệt là các tàu sân bay. Mặc dù Hoa Kỳ có khả năng giáng trả quyết liệt, ý niệm về việc các tàu sân bay, tàu khu trục, khinh hạm của mình không còn khả năng bất khả xâm phạm như trước có thể ảnh hưởng tới mô hình triển khai nhóm tàu sân bay của Hoa Kỳ. Có khả năng tác động lên hành vi của đối thủ chính là bản chất của quyền lực.

Theo Giáo sư Đại học Yale chuyên về quản trị và chính trị học, Paul Bracken, Trung Quốc không cố gắng xây dựng lực lượng hải quân thông thường mà cố gắng xây dựng lực lượng “chống hải quân”, nhằm đẩy không quân và hải quân Hoa Kỳ ra xa các vùng bờ biển Đông Á. Các máy bay không người lái của Trung Quốc sẽ chiếu tia laser vào tàu chiến Hoa Kỳ, các hệ thống sonar từ tàu ngầm Trung Quốc, hoạt động ồn ào của thuỷ lôi …tất cả được cho là để cảnh báo các tàu chiến của Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh nắm được chuyển động của họ và Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ làm bùng nổ xung đột nếu những con tàu này đến gần vùng biển của Trung Quốc. Bởi vì “mối quan hệ với Trung Quốc là quá quan trọng, đối đầu quân sự không được phép làm tổn thương”, chiến lược chống tiếp cận như vậy tạo ra ảnh hưởng chính trị rất lớn đối với Washington. “Tác động chiến lược do Trung Quốc tạo ra không hẳn là làm dịch chuyển cán cân quyền lực có lợi cho nước này, có hại cho Hoa Kỳ”, Bracken cho biết, “mà là tạo ra những rủi ro mới trong các tính toán chiến lược cuả Hoa Kỳ.”

Các chiến lược gia của Hoa Kỳ không bỏ qua bất kỳ động thái nào. Vì, mặc dù có những tin tức nóng từ Trung Đông hay Bắc Phi, Hoa Kỳ vẫn duy trì một lực lượng hải quân vượt trội ở Thái Bình Dương, ở Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương - tất cả đều nằm ở bên trong hoặc nằm gần châu Á. Hiện nay, trong tổng số 11 nhóm tàu sân bay của Hoa Kỳ, 6 nhóm thường xuyên tập trung ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Lực lượng Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương được coi là trực thuộc Bộ chỉ huy lớn nhất trong tất cả các Bộ chỉ huy Thuỷ quân lục chiến của Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cũng trực thuộc Bộ chỉ huy Không quân lớn nhất. Về mặt kỹ thuật, các lực lượng hải quân và không quân Hoa Kỳ có mặt trên 50% diện tích toàn cầu, còn trên thực tế, các lực lượng này chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ nhằm đối trọng với Trung Quốc. Vì, ngoài lực lượng tàu ngầm và máy bay chiến đấu, bao gồm 75 tàu chiến lớn và một chiếc tàu sân bay mới, Trung Quốc cũng có kế hoạch mua từ 4 đến 6 tàu sân bay trong trung và dài hạn .

Chiến lược của Lầu Năm Góc nhằm đối đầu với Trung Quốc (thậm chí họ công khai phủ nhận chiến lược này) là một sự thật hiển nhiên ở Thái Bình Dương, không hẳn vì Trung Quốc có từng này tàu ngầm, tàu chiến hay máy bay, mà là vì “quy mô quá lớn của Trung Quốc [về mặt địa lý, dân cư, và kinh tế] và nước này nằm ở trung tâm châu Á khiến cho họ trở thành mối đe doạ tiềm tàng đối với tất cả các lân bang,” Giáo sư Aaron L. Friedberg từ Đại học Princeton viết như vậy. Đồng thời, Friedberg viết tiếp, “khác với Hoa Kỳ, Trung Quốc không có lựa chọn rút lui khỏi khu vực. Chỉ riêng sự kiện này cũng có khả năng làm cho cho các quốc gia đang có dự định chống đối lại ý chí của Bắc Kinh phải suy nghĩ lại”. Chắc chắn là, mặc dù Trung Quốc đang “từ từ khuếch trương sự hiện diện của mình ra toàn cầu”, đang ôm trọn châu Á. Theo lời của Giáo sư Andrew S. Enrickson từ Học viện Hải chiến Hoa Kỳ (U.S Naval War College) : trong khi hải quân và không quân Hoa Kỳ đang phải dàn trải sức mạnh của mình trên khắp hành tinh, “Trung Quốc lại đang tận hưởng lợi thế của một chiến trường tập trung”. Điều này đúng không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà còn cả trong lĩnh vực kinh tế. Ngay cả khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, trong thập kỷ đầu của thể kỷ XXI , quan hệ thương mại song phương giữa nước này với các quốc gia ASEAN đã tăng lên đến 640%. Nói cách khác, để tránh bị Phần Lan hoá, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ đang suy giảm các quốc gia xung quanh biển Đông phải dựa vào sự kiên định của các lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ hay dựa vào khả năng là nền kinh tế Trung Quốc cũng như an ninh nội bộ của quốc gia này, ở một thời điểm nào đó đột ngột xấu đi, đến mức ảnh hưởng đến ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh. Xin làm rõ hơn: không phải bản thân sự phát triển nhanh chóng của hải quân và không quân Trung Quốc; cũng không phải bản thân các hình mẫu thương mại đang phát triển nhanh ở châu Á, mà chính là sự kết hợp của cả hai yếu tố trên đã làm cho nền độc lập của các quốc gia châu Á khác bị đe doạ, đặc biệt là các quốc gia nằm trong khu vực biển Đông.


Trong khi Đông Bắc Á có sự cân bằng quyền lực gay go giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc được hỗ trợ bởi sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ), ở biển Đông Trung Quốc lại là mối đe doạ lớn hơn nhiều vì trong thời kỳ quân sự hoá nhanh chóng như hiện nay, quân đội cũng như chính giới chính Hoa Kỳ lại không gắn bó với các nước Việt Nam, Malaysia, và Philippines như với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Trong khi đã từng tham chiến tại Việt Nam hay Philippines, hiện nay Hoa Kỳ có hàng chục ngàn binh sĩ đang đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, tiên tiến hơn rất nhiều so với kho vũ khí của các quốc gia phương nam. Đó là lý do vì sao biển Đông sẽ trở thành một trong những điểm lưu ý nổi bật nhất về mặt chính trị và đạo đức của bất cứ quá trình tái triển khai nào của Hoa Kỳ trong tương lai. Khu vực này là nơi mà mọi quốc gia đều được trang bị đến “tận răng”, thậm chí ngay cả khi quân đội Trung Quốc đang ngày càng bỏ xa những quốc gia khác.

Biển Đông , sử dụng định nghĩa về địa lý được nêu ra trong chương trước, là cầu nối giữa eo biển Malacca ở phía tây nam tới kênh Bashi và Balintang và eo biển Đài Loan ở phía bắc và đông bắc: nó kết nối không gian hàng hải từ Trung Đông và tiểu lục địa Ấn Độ với Đông Bắc Á . Nó là trung tâm của châu Á, tương tự như vai trò của Địa Trung Hải đối với châu Âu. Nếu giả định rằng Vịnh Ba Tư và Đông Bắc Á là hai khu vực quan trọng nhất của thế giới ngoài phương Tây mà Hoa Kỳ không bao giờ có thể để cho một cường quốc nào khác thống trị, thì biển Đông, giàu tài nguyên năng lượng và nằm giữa hai khu vực trên, sẽ là khu vực quan trọng thứ ba. Trên thực tế, xét về mặt địa lý, biển Đông có thể là cầu nối quan trọng bậc nhất trong thế giới ngoài phương Tây; lý do là rõ ràng.

Thứ nhất, xem xét biển Đông quan trọng đối với Trung Quốc đến mức nào. Như nhà phân tích Mingjiang Li viết, biển Đông là “lá chắn tự nhiên” cho an ninh của miền nam Trung Quốc, khu vực có đông dân cư và phát triển nhất của Trung Quốc. “Sự hiện diện mạnh mẽ” ở biển Đông giúp Trung Quốc tạo nên một “hậu phương” chiến lược trải dài hàng ngàn dặm, cho tới tận Indonesia, đóng vai trò như một “nhân tố kiềm chế” Hạm đội 7 trong quá trình di chuyển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hiện diện mạnh mẽ ở biển Đông cũng giúp Trung Quốc phá vỡ được tình thế trói buộc của chuỗi đạo thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương, khu vực mà Hoa Kỳ đang giữ thế thượng phong. Hơn nữa, các nhà quan sát người Trung Quốc phàn nàn rằng các quốc gia khác đã khoan hàng ngàn giếng dầu ở biển Đông, gấp nhiều lần sản lượng dầu mà Trung Quốc khai thác được trên thềm lục địa của nước này. Kiểm soát được nguồn dầu mỏ và khí tự nhiên ở biển Đông sẽ giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ở Trung Đông.

Trung Quốc tuyên bố mình có “chủ quyền không thế chối cãi” ở biển Đông. “Bạn sẽ nghĩ thế nào nếu như chân và tay của mình bị chặt bỏ?”, vị chỉ huy hải quân Trung Quốc, Wu Shengli , đã hỏi như vậy tại một diễn đàn ở Singapore. “Đó là cách người Trung Quốc nghĩ về biển Đông”, khu vực mà các quan chức Trung Quốc coi là một “vùng đất màu xanh của tổ quốc”.

Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, theo quốc gia này, là có tính lịch sử. Các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định rằng từ thời nhà Hán , thế kỷ II TCN, tổ tiên của họ đã thám hiểm các hòn đảo ở biển Đông. Họ cho rằng thế kỷ III SCN, một sứ giả Trung Quốc ở Campuchia đã nói tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; và từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, trong suốt hai triều đại nhà Tống và nhà Nguyên , rất nhiều tài liệu chính thống lẫn không chính thống của Trung Quốc nói rằng biển Đông nằm bên trong các đường biên giới quốc gia; rằng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX rất nhiều bản đồ của triều đại nhà Minh và nhà Thanh đã coi Trường Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc; và đầu thế kỷ XX, trong suốt hậu kỳ nhà Thanh, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành những biện pháp nhằm chứng tỏ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Đó là chưa kể tới quyền lợi thực tế của ngư dân Trung Quốc ở biển Đông trong suốt hàng thế kỷ qua, và những ghi chép chi tiết mà họ lưu giữ được về những hòn đảo, những bãi đá và những rặng san hô trên vùng biển này.

Bên cạnh đó, còn có nhiều bản đồ của chính phủ Quốc Dân đảng trước và sau Thế chiến II, thể hiện biển Đông như một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Những tấm bản đồ này còn vẽ đường lưỡi bò, một đường đứt khúc lịch sử gồm 9 đoạn, mà các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định rằng có trước Luật biển Quốc tế UNCLOS . Tuy nhiên, như Mingjiang Li đã chỉ ra, nhiều chuyên gia Trung Quốc chấp nhận rằng đường lịch sử 9 đoạn không thể dẫn đến “chủ quyền hoàn toàn trên toàn bộ biển Đông”. Một ví dụ về việc Trung Quốc sẵn sàng thoả hiệp là Hiệp định phân chia lãnh hải trên Vịnh Bắc bộ giữa nước này và Việt Nam được ký năm 2004, Trung Quốc nắm 46,77% diện tích Vịnh, còn Việt Nam nắm 53,23%. Nhưng, Vịnh Bắc bộ là trường hợp địa lý đặc biệt: một vịnh biển kín ở biển Đông nơi mà hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc quá gần nhau về mặt không gian khiến cho Bắc Kinh cảm thấy cần phải thoả hiệp mà không phải từ bỏ chủ quyền tại vùng biển lớn hơn. Mặc dù Trung Quốc mong muốn thống trị, tuy nhiên không nên giả định rằng điều đó là không thể tranh cãi. Mặt khác, người ta không thể từ bỏ một cách dễ dàng đường lưỡi bò vì sợ sự bùng lên của chủ nghĩa dân tộc ở bên trong Trung Quốc.

Trung Quốc đang tiến hành các bước đi về mặt quân sự kèm theo những tuyên bố chủ quyền lịch sử của mình. Nước này đã tái bố trí các tàu ngầm hạt nhân tấn công và các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ Thanh Đảo ở phía bắc, nằm đối diện Hàn Quốc qua Hoàng Hải, xuống Du Lâm ở đảo Hải Nam, nằm ở trung tâm biển Đông, nơi mà từ những năm 1990 tàu ngầm Trung Quốc đã được tự do đi lại rồi. Trung Quốc đã triển khai binh lính của mình trên rất nhiều đảo và vị trí đang tranh chấp ở khu vực, nước này đã cho xây dựng nhiều trung tâm phát tín hiệu ở những khu vực đó. Đặc biệt, trên những đảo này cũng có hệ thống cơ sở hạ tầng điện tử quân sự rộng lớn. Bằng cách đặt căn cứ của các loại tàu ngầm mới nhất ở Hải Nam, bên cạnh những trung tâm thông tin và thu thập tình báo khổng lồ, Trung Quốc, như Bussert và Elleman viết, “đang tăng cường kiểm soát không gian hàng hải trong khu vực”. Trung Quốc sử dụng đất liền để kiểm soát biển cả. Trên biển cả, Trung Quốc cũng thể hiện tham vọng của mình bằng cách phát triển chương trình tiếp nhiên liệu trên không với mục đích tăng cường năng lực triển khai sức mạnh ra bên ngoài, thông qua biển Đông. Quả thực, hạm đội Nam Hải là hạm đội cuối cùng của Trung Quốc được tiến hành hiện đại hoá, và trong suốt thập kỷ qua đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay mới nhất của mình tới khu vực. Đảo Hải Nam, vốn có vị trí hướng về phía Việt Nam, là vị trí địa lý nằm gần biển Đông nhất của Trung Quốc. Căn cứ hải quân mới của Trung Quốc ở Vịnh Nha Long “trải dài trên một dải đất rộng lớn” với những cầu tầu dài 1.000 mét cho tàu chiến và 230 mét cho tàu ngầm. Căn cứ này cũng có một đường hầm riêng dành cho tàu ngầm, nhằm chống lại các hành động do thám trên không. Thậm chí ngay cả khi các quốc gia Đông Nam Á hiện đại hoá các lực lượng không quân và hải quân của mình, đáng chú ý nhất là Malaysia – với các máy bay chiến đấu F-15SG, tàu ngầm lớp Archer và các tàu khu trục lớp Formidable – thì những nước này vẫn tiếp tục lẽo đẽo theo sau Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment