Phạm Nguyên Trường dịch
Năm nay, ngày kỷ niệm các cuộc biểu tình của sinh viên, diễn ra trong các năm năm 1919 và 1989 ở Trung Quốc, sẽ một lần nữa cho thấy rõ thái độ trái ngược nhau của chính quyền Trung Quốc đối với hai phong trào này. Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hướng tới 70 năm ngày thành lập vào tháng 10, đất nước này sẽ phải tiếp tục suy nghĩ về lịch sử của chính mình.
Đài tưởng niệm Anh hùng Nhân dân tại quảng trường Thiên An Môn
Đây là năm có nhiều ngày lễ lớn ở Trung Quốc. Ngày 4 tháng 5, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ kỷ niệm một trăm năm Phong trào Ngũ Tứ (4 tháng 5), tức là cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1919, đánh dấu việc xuất hiện chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Và sau đó, tháng sau, vào ngày 4 tháng 6, sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm cuộc đàn áp đầy bạo lực các cuộc biểu tình của sinh viên ủng hộ dân chủ trên quảng trường này. Trái ngược với sự kiện kia, ngày kỷ niệm này sẽ không được công nhận, và còn ít được nhắc tới hơn nữa.
Các cuộc biểu tình năm 1919 được khắc trên bia đá trên Đài tưởng niệm các Anh hùng của Nhân dân trên quảng trường Thiên An Môn. Cùng hướng đến các lý tưởng của khoa học và dân chủ, những người biểu tình năm 1989 còn cho thấy họ là những người trung thành với dân tộc. Nhưng phong trào năm 1989 đã kết thúc bằng sự kiện là những người bên ngoài Trung Quốc gọi là vụ thảm sát Thiên An Môn, còn những người bên trong Trung Quốc thì gọi là “sự cố Thiên An Môn”. Những sự kiện diễn ra cách đây ba thập kỷ là chủ đề bị cấm đoán ở Trung Quốc, bị chính quyền xóa sạch khỏi Internet và thế hệ trẻ hầu như không biết đến. Mâu thuẫn ở đây là, Trung Quốc vinh danh ngày 4 tháng 5, nhưng lại cấm kỉ niệm ngày 4 tháng 6. Các sinh viên năm 1919 được ca ngợi là những người yêu nước nổi bật, phù hợp với truyền thống lâu đời của Trung Quốc, coi trí thức là những người gánh vác trách nhiệm xã hội. Những nhà nho lý tưởng trong thời kỳ đế chế Trung Hoa đã liều mình để nói lên sự thật với nhà cầm quyền, nhằm vạch trần tệ tham nhũng của các quan chức và thúc đẩy cải cách.
Sinh viên các trường đại học hồi đầu thế kỷ XX thừa hưởng di sản này. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) xuất phát từ Phong trào Ngũ Tứ: các tạp chí sinh viên truyền bá tư tưởng Marxist, một nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Marx được thành lập ở Đại học Bắc Kinh, và khi còn là sinh viên làm việc trong thư viện trường này, chính Mao Trạch Đông đã đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin.
Vì Phong trào Ngũ Tứ đã tạo được tiếng vang rộng rãi và phổ biến ở Trung Quốc, những sinh viên biểu tình năm 1989 - tóc dài và quần jean xanh chứ không mặc áo choàng – đã cố tình nhắc tới sự kiện này. Và, tương tự như những người đi trước, họ khẳng định tinh thần yêu nước, vạch trần tệ tham nhũng của các quan chức và bất bình đẳng kinh tế mà các cuộc cải cách kinh tế giai đoạn sau Mao đã tạo ra.
Nhưng, nhà nước Trung Quốc coi cuộc biểu tình phản đối ở Thiên An Môn năm 1989 là “bạo loạn phản cách mạng”, và lên án một số kẻ âm mưu là lừa dối nhân dân. Mặc dù được thế giới quan tâm, phong trào đã kết thúc bằng một cuộc đàn áp, sau đó là sự im lặng của chính quyền và ngày càng bị xã hội quên lãng.
Tuy nhiên, ngày kỷ niệm 4 tháng 6 vẫn còn nhạy cảm về mặt chính trị, và nhà nước Trung Quốc luôn luôn có thái độ cảnh giá cao. Đã trở thành thói quen, các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc bị ngăn chặn, không được đưa tin về ngày kỷ niệm này - như Louisa Lim, cựu phóng viên BBC và Đài phát thanh công cộng quốc gia Bắc Kinh, đã cho thấy.
Từ năm 1989, Đảng Cộng sản TQ đã làm hết sức mình nhằm làm cho thanh niên gắn bó với nhà nước và những ưu tiên của nhà nước. Trẻ em học những bài học về “lòng yêu nước”, còn Đội Thiếu niên Tiền phong và Đoàn Thanh niên Cộng sản thì giáo dục lòng trung thành, các trường đại học thì phát triển các hệ thống phức tạp nhằm chống lại những biểu hiện lệch lạc về chính trị và tưởng thưởng cho lòng trung thành chính trị bằng công ăn việc làm. Những nỗ lực này đã khá thành công trong việc làm cho thanh niên Trung Quốc trở nên lãnh đạm về chính trị. Di sản của Phong trào Ngũ tứ đã được phân chia một cách hiệu quả, tinh thần yêu nước tách ra khỏi thái độ phản kháng.
Nhưng nhà nước không hoàn toàn thành công trong biến sinh viên Trung Quốc thành gà công nghiệp. Năm 2018, các sinh viên ủng hộ hệ tư tưởng Marxist của Đảng Cộng sản TQ đã trở thành thế hệ những người biểu tình mới nhất đụng độ với chính quyền. Mùa hè năm ngoái, các nhóm bắt đầu đưa công nhân trong các nhà máy ở miền nam Trung Quốc vào tổ chức, và kêu gọi người ta chú ý đến những vụ vi phạm và giúp công nhân thành lập công đoàn lao động độc lập. Tự coi mình là những người trung thành với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, các sinh viên này đã phát động các chiến dịch trong khu vực này và trong khuôn viên trường đại học của họ.
Nhà nước đã bắt giữ hàng chục người. Các đoạn băng Video cho thấy các quan chức ở Đại học Bắc Kinh đã tìm cách ngăn chặn các tổ chức sinh viên, và các nhân chứng đã xác nhận cảnh sát mặc thường phục đã bắt những người lãnh đạo sinh viên theo đường lối Marxist và đưa đi mất tích.
Trớ trêu là, Trung Quốc đang đàn áp những sinh viên cánh tả có những lời nói và việc làm thể hiện những lý tưởng ban đầu của Đảng Cộng sản TQ. Hệt như các nhà lãnh đạo đầu tiên của đảng, trong đó có Mao, họ đứng về phía những người công nhân bị bóc lột và tìm cách đưa công nhân vào tổ chức, đôi khi, sinh viên còn tự mình tham gia làm việc trong các nhà máy. Các tác phẩm của chủ nghĩa Mác và Mao đã dạy họ cách làm, họ điều tra hoàn cảnh xã hội và đặt câu hỏi về hiện tượng bất bình đẳng quá lớn ở Trung Quốc. Và, tuong tự như những người Ngũ Tứ tiền bối, những người Marxist trẻ tuổi hiện nay tự coi mình là những sinh viên trung thành đang nói lên sự thật với nhà cầm quyền.
Năm nay, những ngày kỷ niệm các phong trào diễn ra trong năm 1919 và 1989 sẽ có giá trị đặc biệt.
Phong trào Ngũ Tứ là phong trào yêu nước và khai sáng. Được sinh ra từ những tuyên bố như thế, cuộc biều tình ở Thiên An Môn năm 1989 đã kết thúc trong bạo lực và sự quên lãng của người đời. Không nghi ngờ gì rằng các nhà quan sát nước ngoài sẽ chỉ ra thái độ đầy mâu thuẫn của chính quyền Trung Quốc đối với ngày 4 tháng 5 và 4 tháng 6, và kết luận rằng, hiện nay Trung Quốc có quyền nhào nặn câu chuyện lịch sử của chính mình.
Nhưng vụ việc của các sinh viên theo đường lối Marxist hồi năm ngoái cho thấy tiềm lực của đối lập trung thành. Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập vào tháng 10, nước này còn phải tiếp tục suy nghĩ về lịch sử của chính mình.
Denise Y. Ho, là giáo sư lịch sử ở Yale University, là tác giả cuốn "Curating Revolution: Politics on Display in Mao's China."
Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo
Nguồn: China’s Selective Memory
No comments:
Post a Comment