March 1, 2019

Nhà nước phúc lợi và sự “xói mòn” trách nhiệm (2)

Nima Sanadaji

Biên dịch: Đinh Tuấn Minh (chủ biên dịch thuật và hiệu đính), Nguyễn Thị Hồng An

Con gà hay quả trứng có trước?

Nima Sanadaji

Trước khi các học giả đưa ra mối quan hệ này, Franklin D. Roosevelt và Ronald Reagan đã biết lo xa khi hiểu rằng các chuẩn mực và khả năng tồn tại các chế độ phúc lợi đi đôi với nhau. Câu hỏi quan trọng nảy sinh rằng đâu là chiều hướng của quan hệ nhân quả. Cái gì có trước, con gà hay quả trứng? Từ quan điểm lý thuyết, người ta có thể lập luận chắc chắn rằng một nhà nước phúc lợi hào phóng thậm chí có thể củng cố các chuẩn mực như nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi và lòng tin. Nếu công chúng mong muốn chính sách phúc lợi và biết rằng các chương trình phúc lợi nhà nước dựa vào các chuẩn mực như lòng tin rộng khắp thì mọi người có thể hành động để củng cố các chuẩn mực này. Tương tự như vậy, nhà nước có thể khởi động nhiều chương trình nhằm thúc đẩy việc tuân thủ hệ thống. Trong trường hợp con gà và quả trứng, không hề dễ dàng để phân biệt cái nào có trước cái nào. Nhà nghiên cứu Thụy Điển, Andreas Bergh và cộng sự người Đan Mạch, Christian Bjørnskov, áp dụng các phương pháp nghiên cứu tinh vi để kiểm tra vấn đề bằng cách nhìn vào mức độ tin tưởng.


Như Bergh và Bjørnskov nhận xét, một truyền thống lâu đời trong tâm lý cho thấy rằng từ thủa ấu thơ các cá nhân đã hình thành được thái độ tin tưởng người lạ ở một mức độ nhất định. Cảm nhận cơ bản đó vẫn tương đối ổn định cho phần còn lại của cuộc đời của mỗi cá nhân, nếu nó không bị xáo trộn bởi các sự kiện lớn. Thật vậy, mức độ tin tưởng cao dường như trải dài qua các thế hệ, vì chúng được truyền từ cha mẹ sang con cái. Một nhận xét quan trọng chỉ ra rằng mức độ tin tưởng của công dân Mỹ gần với các mức độ tin tưởng của các quốc gia nơi tổ tiên họ từng sinh sống. Và quả như vậy, không một nhóm nào ở Hoa Kỳ có mức độ tin tưởng cao như những người có nguồn gốc Bắc Âu. Người Mỹ gốc Bắc Âu thậm chí có mức độ tin tưởng cao hơn so với người anh em của họ hiện đang sống tại các quốc gia Bắc Âu172. Điều đó cho thấy rằng nền văn hoá tin tưởng Bắc Âu bắt rễ trước khi các quốc gia phúc lợi hiện đại hình thành. Cuối cùng, hiện tượng di cư quy mô lớn từ các nướcBắc Âu sang Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX diễnra trước khi các quốc gia Bắc Âu này chuyển sang chế độ nhà nước có các khu vực công rộng lớn.

Bergh và Bjørnskov sử dụng một số kỹ thuật thống kê khác nhau để kiểm tra mức độ tin tưởng trong lịch sử. Họ đi đến kết luận rằng mức độ tin tưởng trong lịch sử không phải do chính nhà nước phúc lợi gây ra, vì các quốc gia phúc lợi là hiện tượng tương đối gần đây và mức độ tin tưởng trong lịch sử có trước khi hình thành các nhà nước phúc lợi. Các tác giả đã đưa ra một kết luận rõ ràng: “Sự tin tưởng cao trong các nhà nước có chế độ phúc lợi phổ quát, không phải vì sự phổ quát của nhà nước phúc lợi tạo ra niềm tin, mà bởi vì cộng đồng dân cư có mức độ tin tưởng cao có vẻ như đem đến và duy trì các nhà nước phúc lợi phổ quát rộng lớn”.

Vì vậy, trên thực tế, chúng ta có thể tách quả trứngra khỏi con gà. Mức độ tin tưởng cao trong số cộng đồng dân cư Bắc Âu tồn tại trước khi các chế độ phúc lợi đương đại hình thành. Ngoài ra, các chuẩn mực tương tự đã dẫn đến mức sống cao và giảm nghèo đói ở Bắc Âu, thậm chí còn nhiều hơn so với Hoa Kỳ. Các chỉ số khác về đạo đức làm việc không được đo theo cùng cách như mức độ tin tưởng. Tuy nhiên, rất ít người tranh cãi với tuyên bố rằng người Mỹ gốc Bắc Âu cũng có những chuẩn mực rất mạnh liên quan đến công việc và trách nhiệm cá nhân. Kết quả là, con cháu Mỹ gốc Bắc Âu tại Hoa Kỳ hiện nay có tỷ lệ nghèo đói thấp hơn một nửa so với mức trung bình nước Mỹ, một hình trạng đã giữ liên tục trong nhiều thập kỷ. Người Mỹ gốc Bắc Âu thậm chí còn có tỷ lệ đói nghèo thấp hơn người anh em họ của họ ở Bắc Âu. Dường như các chuẩn mực của Bắc Âu cùng với chủ nghĩa tư bản Mỹ khiến đói nghèo thậm chí thấp hơn các chuẩn mực của Bắc Âu cùng với chủ nghĩa xã hội dân chủ kiểu Bắc Âu. Cuối cùng, Điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy những cá nhân có nguồn gốc Bắc Âu có thu nhập trung bình hàng năm cao hơn mức trung bình của người Mỹ và cũng cao hơn đáng kể so với các nước Bắc Âu.

So sánh đơn giản này hy vọng cho thấy sự sai lầm khi cố gắng sao chép một nhà nước phúc lợi Bắc Âu ở Hoa Kỳ và niềm tin sai lầm rằng các chính sách này sẽ mang lại cùng một mức nghèo đói thấp như ở các nước Bắc Âu. Nếu người Mỹ gốc Bắc Âu đã đạt được thành công về mặt xã hội tương tự (hoặc trên thực tế còn cao hơn) so với ở Bắc Âu, có lẽ yếu tố văn hoá cũng nên được đưa vào. Tương tự, như Philipp Doerrenberg và các đồng tác giả của ông cho thấy, khi xem xét đến vấn đề thuế, người tuân thủ lại được hưởng lợi sau cùng. Các tác giả thấy rằng các chính phủ bóc lột các nhóm sẵn sàng đóng thuế cao bằng cách đánh thuế nhiều hơn. Không phải ngẫu nhiên mà thuế cao hơn ở các nước có thái độ tuân thủ chính sách thuế cao hơn. Tóm lại, chỉ cần sao chép chính sách thuế hoặc chính sách phúc lợi của Bắc Âu sẽ không dẫn đến những kết quả tương tự như ở Bắc Âu nếu không có sự hỗ trợ của văn hoá cho những chính sách như vậy.

Lý thuyết nhà nước phúc lợi tự hủy diệt

Cho đến nay, chúng ta đã chứng minh rằng nhà nước phúc lợi dựa trêncác chuẩn mực đã có từ trước, và các nhà nước phúc lợi lớn đã được triển khai tại các quốc gia hình thành được các chuẩn mực vững chắc trong suốt chiều dài dịch sử. Nhưng chính sách phúc lợi tự nó ảnh hưởng đến các quy tắc như thế nào? Và lời cảnh báo của Franklin D. Roosevelt rằng sự phụ thuộc vào phúc lợi là “một kẻ hủy diệt tinh vi của tinh thần con người” thì sao?

Trước đó, học giả Friedrich Heinemann đã nghiên cứu liệu rằng cảnh báo của Roosevelt về “sự băng hoại đạo đức là kết quả của việc phụ thuộc vào phúc lợi” có được ủng hộ bởi bằng chứng nào không. Nghiên cứu này dựa vào Khảo sát các giá trị Thế giới mà Daniel Arnold đã sử dụng trong công trình của mình. Heinemann xác minh liệu nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi có bị ảnh hưởng trong một thời gian dài bởi các chính sách phúc lợi không. Ông đã đưa ra kết luận rằng cơ chế tự hủy diệt hiện hữu trong nhà nước phúc lợi: việc chi trả phúc lợi hào phóng theo thời gian làm suy giảm sự miễn cưỡng chấp nhận đối với việc sử dụng quá mức sự hỗ trợ công cộng. Cũng có thể nói, việc chi trả phúc lợi hào phóng có thể làm suy thoái các chuẩn mực tương tự mà nhà nước phúc lợi đó phụ thuộc. Nạn thất nghiệp tăng cao, mà là kết quả của những chính sách làm cản trở thị trường lao động vận hành, có thể dẫn đếncùng hệ quả. Heinemann giải thích: “Trong dàihạn, sự gia tăng phúc lợi từ chính phủ và nạn thất nghiệp liên quan đến sự suy giảm nền tảng đạo đức của nhà nước phúc lợi”.

Khảo sát các giá trị Thế giới đã cung cấp bằng chứng ủng hộ mạnh mẽ về sự suy giảmcác chuẩn mực xã hội ở Bắc Âu. Ví dụ, trong khảo sát 1981-1984, 82% người Thụy Điển và 80% người Na Uy đồng ý với tuyên bố: “việc đòi hỏi từ chính phủ những phúc lợi mà họ không có quyền hợp pháp được hưởng không bao giờ là điều chính đáng”. Công dân của hai nước này vẫn có quan điểm đạo đức mạnh mẽ đối với phúc lợi của chính phủ cho đến những năm 1980. Tuy nhiên, khi người dân điều chỉnh văn hóa của họ theo các chính sách kinh tế mới, nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi có xu hướng giảm đều đều. Khảo sát năm 2005-2008cho thấy chỉ 56% người Na Uy và 61% người Thụy Điển tin rằng họ không có quyền đòi các phúc lợi mà họ không có chính danh. Khảo sát năm 2010-2014 chỉ tiến hành tại Thụy Điển trong số các nước Bắc Âu. Nó cho thấy rằng nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi tiếp tục tụt dốc ở Thụy Điển: chỉ 55% người trả lời rằng lạm dụng phúc lợi không bao giờ là điều đúng đắn.

Các chuẩn mực thay đổi chậm, mất hàng thế hệ

Những người kiến thiết nhà nước phúc lợi tin rằng có thể tránh được các rủi ro đạo đức gây ra bởi các các khoản trợ cấp cao và thuế cao, ít nhất là trong xã hội dân chủ không tưởng mà các nước Bắc Âu hướng đến. Tại sao lời cảnh báo của Roosevelt không được coi trọng? Câu trả lời đơn giản là vì các chuẩn mực thay đổi từ từ, thậm chí qua nhiều thế hệ. Khi chính phủ tăng thuế hoặc khiến việc sống dựa vào phúc lợi trở nên hấp dẫn, hầu hết mọi người vẫn tiếp tục hành xử như trước đây. Do đó, ít nhất là giai đoạn ban đầu, có vẻ như các chính sách đã không làm thay đổi hành vi của người dân. Nhưng các chuẩn mực không cố định. Theo thời gian, ngay cả người dân Bắc Âu cũng đã điều chỉnh các chuẩn mực của mình để phù hợp với các ưu đãi do các nhà nước phúc lợi đương thời tạo ra.

Jean-Baptiste Michau đã nghiên cứu liên hệ giữa phúc lợi của chính phủ và việc lan truyền văn hoá về đạo đức nghề nghiệp. Ông lưu ý rằng cha mẹ có những lựa chọn hợp lý liên quan đến “nỗ lực nhiều như thế nào để nuôi dạy con cái làm việc chăm chỉ”, dựa trên “sự kỳ vọng của họ về chính sách sẽ được thực hiện bởi thế hệ tiếp theo”. Do đó, tồn tại một độ trễ đáng kể từ thời điểm các chính sách cụ thể được đưa ra, hoặc thậm chí là từ thời điểm diễn ra một cuộc tranh luận về những chính sách tương lai, cho đến khi có những thay đổi về quan niệm đạo đức. Xây dựng nên một mô hình với độ trễ giữa 2 yếu tố đó, Michau cho rằng những chính sách cung cấp quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp hào phóng có thể là lời giải thích cho sự tồn tại của tỷ lệ thất nghiệp đáng kể trong lịch sử thất nghiệp tại châu Âu sau chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong một nghiên cứu khác, Martin Halla, Mario Lackner, và Friedrich G. Schneider tiến hành một phân tích thực nghiệm về tính động của nhà nước phúc lợi. Các tác giả đặt giả thuyết rằng các cá nhân không phản ứng ngay lập tức trước những thay đổi về khuyến khích kinh tế. Lý do là các cá nhân chịu sự ràng buộc bởi các chuẩn mực xã hội trong một thời gian. “Do đó, các tác động làm giảm động lực phải mất một khoảng thời gian trễ nhất định thì mới thành hiện thực”. Điều thú vị là các tác giả nhận thấy rằng chi tiêu xã hội công cộng ở mức cao thậm chí tạo ra tác động tích cực, dù ở mức nhỏ, đến nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi. Điều này phù hợp với lý thuyết cho rằng các cá nhân trước hết điều chỉnh các chuẩn mực của họ để đáp ứng mục đích của các chương trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn, mức chi tiêu cao dẫn tới giảm nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi. Điều đó phù hợp với lý thuyết cho rằng các cá nhân, theo thời gian, điều chỉnh hành vi của họ theo các khuyến khích kinh tế. Halla, Lackner và Schneider cảnh báo: “kết quả của chúng tôi cho thấy nhà nước phúc lợi có nguy cơ phá hủy nền tảng (kinh tế) của chính mình và ủng hộ giả thuyết về nhà nước phúc lợi tự phá hủy”.

Ngay cảcác chuẩn mực phúc lợi của Bắc Âu cũng tuân theo dự đoán của Roosevelt. Các nước Bắc Âu vẫn duy trì được nhiều chuẩn mực độc nhất của mình. Tuy nhiên, rõ ràng là các chuẩn mực thực sự đã xấu đi khi người dân dần dầnđiều chỉnh hành vi của mình để đáp lại chế độ thuế cao và phúc lợi hào phóng. Lý thuyết về quá trình tự phá hủy của các nhà nước phúc lợi đã được phát triển bởi Assar Lindbeck, một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Thụy Điển. Lindbeck tuyên bố rằng những thay đổi trong đạo đức nghề nghiệp có liên quan đến sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thiết chế của nhà nước phúc lợi. Ngoài ra, ông tin rằng bằng chứng gian lận phúc lợi rõ ràng ở Thụy Điển, ví dụ như - một số cá nhân nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc tiền nghỉ ốm trong khi làm việc trong nền kinh tế ngầm - dẫn đến làm suy yếu các chuẩn mực chống lạm dụng các chế độ phúc lợi khác nhau. Do đó cần cải cách để hạn chế gian lận và duy trì hệ thống phúc lợi.

Một số công trình nghiên cứu ở Thụy Điển cho thấy một phần đáng kể dân số bày tỏ thái độ cho rằng cuộc sống sống dựa vào trợ cấp ốm đau mặc dù không bị bệnh là có thể chấp nhận được. Ví dụ, một khảo sát từ năm 2001 cho thấy 41% nhân viên Thụy Điển tin rằng trợ cấp ốm đau là có thể chấp nhận được đối với những người không bị bệnh nhưng cảm thấy căng thẳng trong công việc. Thêm vào đó, 44% -48% đáp lại rằng có thể chấp nhận yêu cầu trợ cấp ốm đau ngay cả đối với những người không bị ốm, nếu những người đó không hài lòng với môi trường làm việc hoặc gặp vấn đề trong gia đình họ.

Các công trình nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng sự vắng mặt vì lý do ốm đau gia tăng trong các sự kiện thể thao. Ví dụ, đối với nam giới tỷ lệ nghỉ ốm tăng gần 7% vào Thế vận hội mùa đông năm 1988, và 16% liên quan đến chương trình truyền hình của Giải vô địch thế giới ở bộ môn trượt tuyết xuyên quốc gia năm 1987. Tại Giải Bóng đá thế giới năm 2002, tỷ lệ nghỉ ốm tăng đến mức độ đáng kinh ngạc ở nam giới là 41%. Sự khác nhau rõ rệt giữa các sự kiện trong cuối những năm 1980 và đầu những năm 2000 có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp theo thời gian - mặc dù cả ba con số đều cao lạ thường.

Trong những năm gần đây, chính phủ cánh tả và cánh hữu ở Thụy Điển đã giảm sự hào phóng của hệ thống phúc lợi. Ngoài ra, các chức năng “gác cổng” đã được đưa ra, chủ yếu đối với quy định thời gian nghỉ ốm để hạn chế việc lạm dụng. Thật thú vị, một bài báo gần đây cho thấy những cải cách này có thể cần phải tốn thời gian khá dài để đảo ngược tác động dài hạn mà nhà nước phúc lợi trước đó tạo ra. Nhà kinh tế học Martin Ljunge gợi ý rằng các chính trị gia muốn tăng sự hào phóng của nhà nước phúc lợi phải tính đến chi phí dài hạn của các chính sách đó. Dưới đây là nội dung tóm tắt của gợi ý này:
“Thế hệ trẻ sử dụng bảo hiểm y tế thường xuyên hơn thế hệ nhiều tuổi hơn. Hơn 20% người trẻ hiện nay nghỉ bệnh so với những người sinh ra cách đó hai mươi năm trước, sau khi đã tính đến các yếu tố chi phối khác. Đòi hỏi cao hơn về chế độ nghỉ ốm hưởng lươngcủa các thế hệ trẻ có thể được xem như một thước đo về việc nhà nước phúc lợi đã tác động nhanh như thế nào đến thái độ đối với việc sử dụng các phúc lợi công cộng. Kết quả có ý nghĩa đối với chính sách kinh tế. Nhu cầu bảo hiểm xã hội tăng lên, ngay cả khi các nguyên tắc không được mở rộng hơn. Đánh giá chính sách dựa trên những thay đổi về hành vi ngay trước và sau một cuộc cải cách có thể đánh giá thấp những thay đổi dài hạn có liên quan đến tính toàn vẹn về tài chính của một nhà nước phúc lợi”.

Tương tự như vậy, nhà nghiên cứu người Đan Mạch, Casper Hunnerup Dahl, đã đi đến kết luận rằng: “Mức độ phân phối cao ở các nhà nước phúc lợi của Đan Mạch không chỉ đơn thuần là giảm bớt các khuyến khích cụ thể khiến một số người Đan Mạch đi kiếm việc làm hoặc làm thêm giờ. Nhiều bằng chứng cho thấy nhà nước phúc lợi cũng gây ratác động tốn kém và lâu dài đối với đạo đức nghề nghiệp của người Đan Mạch”. Chẳng nghi ngờ gì khi sự xói mòn các chuẩn mực do thích ứng lâu dài với chính sách phúc lợi là một hiện tượng có thể quan sát được chứ không phải chỉ là lý thuyết.

Chính sách của các nước Bắc Âu nhằm đảo ngược sự xói mòn các chuẩn mực

Đối với thế giới bên ngoài, các nước Bắc Âu ngày nay dường như vẫn là những ví dụ rõ ràng về việc có thể hình thành các khu vực công lớn mà không dẫn đến rủi ro đạo đức của nhà nước phúc lợi như dự đoán nổi tiếng của Roosevelt. Tuy nhiên, những người có cái nhìn sâu sắc hơn về các chính sách của Bắc Âu có thể nhận thấy rằng phần lớn sự phát triển gần đây đã tập trung vào vấn đề xói mòn chuẩn mực và tình trạng lạm dụng chế độ phúc lợi. Như đã nêu ở trên, việc giảm mức độ hào phóng của nhà nước phúc lợi - cũng như những cắt giảm thuế đáng kể - đã được áp dụng ở Thụy Điển. Kiềm chế việc lạm dụng xin phép nghỉ ốm được đặc biệt quan tâm. Xu hướng hiện nay ở các quốc gia này, tỷ lệ nghỉ ốm tăng lên nhanh chóng đến mức cao mặc dù dân số thuộc nhóm có sức khoẻ tốt nhất trên thế giới, cho thấy có nhiều vấn đề phải giải quyết.

Thụy Điển không còn giữ danh hiệu quốc gia với mức thuế cao nhất trên thế giới. Ngày nay Đan Mạch đang nắm giữ vị trí này. Mặc dù Đan Mạch vẫn chưa áp dụng các cải cách rộng rãi như ở Thụy Điển, nhưng đã nhận ra rằng cần phải thay đổi. Khá ngạc nhiên là cuộc tranh luận về việc các chính sách phúc lợi đã dẫn đến việc lạm dụng và tạo ra cạm bẫy như thế nào trong các hệ thống phúc lợi không còn giới hạn bên trong những người bảo thủ hoặc những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân ở Đan Mạch. Các đảng viên đảng xã hội dân chủ cũng đã tham gia vào cuộc tranh luận này. Bjarne Corydon, thời đó là Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Xã hội Dân chủ của Đan Mạch, đã được truyền thông quốc tế quan tâm vào năm 2013 khi thảo luận về sự cần thiết phải cắt giảm các hệ thống trợ cấp trong nước. Corydon giải thích rằng không phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà chính phủ đang cải cách thuế, trợ cấp phúc lợi và hệ thống nghỉ hưu sớm: “Sự thật là chúng tôi đang xoay xở với một chương trình nghị sự tích cực, đó là củng cố và hiện đại hóa nhà nước phúc lợi, và kết quả của sự thay đổi này sẽ là một xã hội tốt hơn hẳn so với xã hội của chúng ta hiện nay”. Đảng lãnh đạo Xã hội Dân chủ đã đi xa hơn trong việc hình thành một tầm nhìn mới cho tương lai của nhà nước phúc lợi: “Tôi tin vào vai trò của cạnh tranh trong nhà nước phúc lợi hiện đại. Nếu chúng ta muốn đảm bảo nhận được sự ủng hộcho nhà nước phúc lợi, chúng ta phải tập trung vào chất lượng dịch vụ công thay vì các chương trình trợ cấp”.

Hướng tới một hợp đồng phúc lợi mới?

Những người Mỹ vẫn tin rằng các nước Bắc Âu tránh được rủi ro đạo đức nên tự mình tìm cách đọc báo cáo do Chính phủ Xã hội Dân chủ Đan Mạch công bố vào năm 2013 (có lẽ với sự trợ giúp của Google Translate). Báo cáo đưa ra kết luận rằng có tới 400.000 công dân Đan Mạch vào thời điểmđó hầu như không có động lực kinh tế tham gia vào thị trường lao động. Những người này bị mất 80% hoặc nhiều hơn thu nhập khi bước vào thị trường lao động, vì họ bị mất trợ cấp và phải đóng thuế. Thông qua những cải cách về thuế và phúc lợi,chính phủ Xã hội Dân chủ trước đây hy vọng sẽ làm giảm nhóm này xuống còn 250.000 người. Thậm chí đó vẫnlà một tỷ lệ lớn dân số ở độ tuổi lao động, vốn dĩ dưới 3 triệu người.

Tháng 6/2015, chính phủ cánh tả Đan Mạch đã thua cuộc bầu cử vào tay liên minh cánh hữu, vốn có chủ trương đẩy mạnh hơn nữa cải cách phúc lợi. Thật thú vị, những đảng viên đảng Dân chủ xã hội đã gia tăng được lực lượng ủng hộ trong cuộc bầu cử, giành lại vị trí là đảng lớn nhất của đất nước. Nhưng quyền lực bị chuyển dịch là vì các đảng liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội là những bên đã chỉ trích tầm nhìn về nhà nước cạnh tranh và đã mất rất nhiều phiếu trong cuộc bầu cử. Do vậy, có vẻ như là cử tri Đan Mạch ủng hộ tầm nhìn về một hệ thống dựa trên tự lực nhiều hơn và dựa vào phúc lợi ít hơn. Sự thay đổi thái độ chính trị này xảy ra khi sự phụ thuộc vào phúc lợi xã hội đã tăng lên, đặc biệt trong số những người có nguồn gốc ngoại kiều.

Các nhà nước phúc lợi khác ở Bắc Âu đã đi theo một con đường tương tự như của Đan Mạch và Thụy Điển. Trong một thời gian dài, Hà Lan có một hệ thống phúc lợi thuộc loại hào phóng nhất trên thế giới. Đầu những năm 1980, Hà Lan xếp hạng là nước có chi tiêu cao nhất cho chính sách phúc lợi, ngang bằng với hệ thống công cộng nổi tiếng của Thụy Điển (cùng thời điểm đó). Tuy nhiên, theo thời gian, Hà Lan đã thu hẹp hệ thống phúc lợi của mình, giảm phạm vi chi tiêu công, tư nhân hoá an sinh xã hội, và đưa ra các cơ chế thị trường nhanh nhạy trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm xã hội. Mặc dù về mặt địa lý Hà Lan không phải một phần của Bắc Âu, nhưng Hà Lan có các đặc điểm văn hoá, kinh tế và chính trị rất giống với các nước láng giềng phía Bắc. Một sự khác biệt là Hà Lan đã sớm chuyển từ một hệ thống phúc lợi rộng khắp sang mô hình giới hạn hơn. Mục tiêu cung cấp mạng lưới an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho người dân bị thiệt thòi vẫn còn. Hà Lan đã tìm ra một khế ước xã hội mới, thông qua việc thu hẹp sự hào phóng của hệ thống và tạo ra các thị trường bảo hiểm kết hợp bảo hiểm toàn dân với cạnh tranh và trách nhiệm cá nhân. Có thể nói rằng khế ước xã hội mới này có tính ổn định lâu dài hơn vì nó khuyến khích trách nhiệm cá nhân nhiều hơn hệ thống trước đây.

Đức và Phần Lan chưa bao giờ đưa ra các chế độ phúc lợi nhiều tham vọng như Đan Mạch và Thụy Điển, nhưng họ cũng đã có những chuyển hướng tương tự do những tác động dài hạn của các chuẩn mực về hành vi công cộng đã trở nên rõ ràng. Ngay cả Vương quốc Anh, với mô hình phúc lợi vừa phải, đang trải qua một cuộc tranh luận rộng rãi về nhu cầu củng cố lại các chuẩn mực. Ví dụ, vào đầu năm 2014, chương trình Benefit Street được phát sóng và chạy trong 205 tập phim. Bộ phim ghi lại cuộc sống của cư dân phố James Turner ở Birmingham, nơi có 90% cư dân yêu cầu trợ cấp. Benefit Street đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi, rộng khắp về hệ thống phúc lợi của Anh, các đòi hỏi trợ cấp và sự thiếu động lực tìm kiếm việc làm. Các xu hướng chính trị gần đây cho thấy con đường cải cách phúc lợi nhận được nhiều sự ủng hộ từcông chúng.

Sự sụp đổ các chuẩn mực ở các nhà nước phúc lợi giàu có về dầu mỏ

Có thể có trường hợp ngoại lệ đối với sự hình thành khế ước phúc lợi mới ở các nhà nước phúc lợi Bắc Âu: Na Uy. Nhờ vào nguồn dầu mỏ giàu có ở Đại Tây Dương, đất nước miền núi này đã giữ được lý tưởng dân chủ xã hội khi theo đuổi các chương trình công cộng rất hào phóng. Tuy nhiên, như Roosevelt rất tao nhã nói rằng, phụ thuộc vào phúc lợi không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là một vấn đề con người. Chắc chắn các quỹ đầu tư dầu mỏ đủ giúp Na Uy có khả năng chi trả cho phần lớn các khoản trợ cấp công cộng. Câu hỏi liệu nhà nước có đủ khả năng chi trả cho tổn thương đối với con người do các chính sách tương tự gây ra chắc chắn mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Một hậu quả của các chính sách phúc lợi hào phóng ở Na Uy là sự xuống cấp trong đạo đức nghề nghiệp. Bộ phim truyền hình Lilyhammer, với sự tham gia của diễn viên trong series phim Sopranos, Steven Van Zandt,một người Mỹ đến Na Uy, thường xuyên chế nhạo việc thiếu kỷ luật lao động trong quốc gia này.

Hiện tượng đó rõ ràng trở thành văn hoá phổ biến. Năm 2014, tờ Financial Times đưa tin: “Văn phòng thống kê của Na Uy cho biết nhiều người đã bắt đầu gọi thứ Sáu là ‘fridag’- tức là 'ngày nghỉ tự do' theo tiếng Na Uy. Công ty đường sắt của tiểu bang cho biết các chuyến tàu điện ngầm phục vụ cho thủ đô hoạt động ít hơn vào thứ sáu, và nhà khai thác đường cao tốc nói rằng hoạt động giao thông ngày càng tĩnh lặng hơn vào thứ sáu và thứ hai”. Không chỉ người lớn giảm tập trung làmviệc. Thanh niên - sinh ra và lớn lên trong một hệ thống với ít phần thưởng cho công việc - cònđi xa hơn. Trong một cuộc khảo sát gần đây, ba trong số bốn nhà tuyển dụng người Na Uy trả lời rằng thanh niên Thụy Điển đang làm việc ở Na Uy có năng lực làm việc tốt hơn thanh niên Na Uy. Trong số những người được hỏi, chỉ có 2% tin rằng những người trẻ Na Uy từ 16 đến 24 tuổi có năng lực làm việc cao. Stein André Haugerund, chủ tịch công ty tuyển dụng Proffice - đơn vị tiến hành cuộc khảo sát – khẳng định rằng mô hình phúc lợi của Na Uy đã tạo ra tình huống hạn chế động lực làm các công việc vất vả, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến hành vi của những người trẻ.

Những người còn nghi ngờ về việc các hệ thống phúc lợi hào phóng có thể ảnh hưởng đến các chuẩn mực lao động nên suy nghĩ kỹ về trường hợp của Na Uy. Rất khó để bỏ qua thực tế là người Na Uy, chỉ cách đây vài thế hệ, đã có đạo đức nghề nghiệp tốt nhất thế giới. Nếu không có sự tin tưởng cao, sự gắn kết xã hội và nền văn hoá chịu trách nhiệm cá nhân thì Na Uy sẽ không bao giờ thành công đến như vậy. Sự giàu có về dầu mỏ của đất nước đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn. Tuy nhiên, nó là một con dao hai lưỡi kể từ khi doanh thu dầu lớn đến mức nhà nước khó có thể hạn chế sự hào phóng của các chương trình công cộng và trợ cấp xã hội. Theo quan điểm cấp tiến, ai đó có thể khẳng định rằng tình hình của Na Uy – nghĩa là, một nhà nước phúc lợi rất hào phóng nhờ tài nguyên thiên nhiên giàu có - rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tương tự như ở các nước Ả-rập giàu có về dầu mỏ, các chương trình phúc lợi không chỉ đơn giản tạo ra phúc lợi xã hội; mà như một hệ quả không mong đợi, hệ thống đó đã dung dưỡng sự tồn tại của một lớp người nghèo trong xã hội.

Một lớp người nghèo trong xã hội


Nhìn bên ngoài, dường như Na Uy có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn thất nghiệp bị ẩn đi trong số liệu thống kê về những người về hưu sớm. Điều này đúng với những người Na Uy bản địa nói chung và trong số những người nhập cư nói riêng. Một công trình nghiên cứu xem xét các cá nhân trong độ tuổi 30-55 đã được hưởng trợ cấp tàn tật ở một số vùng trong khoảng thời gian từ 1992 đến 2003. Nhóm này bao gồm 11% nam giới và 16% phụ nữ có nguồn gốc Na Uy. Đối với những người sinh ra ở Trung Đông và Bắc Phi, con số này thậm chí còn cao hơn: 25% là nam giới và 24% là phụ nữ.

Trợ cấp người khuyết tật tất nhiên nhằm vào những người thực sự tàn tật. Do đó, có vẻ khó hiểu vì sao có một phần khá lớn dân số ở một trong những nước mà người dân có sức khỏe thuộc loại tốt nhất trên thế giới lại được hưởng trợ cấp này. Một cách giải thích là phúc lợi này được sử dụng để giấu mức thất nghiệp thực sự - nếu một người thất nghiệp được nhận trợ cấp tàn tật, người đó không còn được coi là một phần của lực lượng lao động và do đó biến mất khỏi số liệu thống kê thất nghiệp. Một cách giải thích khác là nhiều người lạm dụng hệ thống phúc lợi. Được hưởng trợ cấp tàn tật thường mang lại nhiều lợi ích hơn so với trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, nhiều người thất nghiệp, mặc dù không đau yếu đến nỗi không thể làm việc lại tìm cách để được trợ cấp tàn tật. Một số thậm chí kết hợp với công việc chợ đen, và điều này dĩ nhiên cho thấy rằng họ thực sự không bị bệnh tật gì cả.

Các nước Bắc Âu khét tiếng là tệ hại đối với việc chấp nhận người nước ngoài hòa nhập vào thị trường lao động của họ. Thuế cao, phúc lợi công cộng hào phóng và thị trường lao động cứng nhắc; tất cả kết hợp lại khiến cho ngay cả những nhóm người tị nạn có trình độ học vấn cao cũng gặp nhiều khó khăn để được gia nhập lực lượng lao động. Sự phụ thuộc phúc lợi và sự suy thoái chuẩn mực nói riêng ảnh hưởng đến người nhập cư và con cái của họ. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng sự phụ thuộc phúc lợi không chỉ là vấn đề đối với các nhóm thiểu số. Các dân tộc Bắc Âu cũng bị ảnh hưởng. Một ví dụ điển hình được đưa ra trong cuốn The Confessions of a ‘Welfare Freeloader’ [Lời thú tội của một "kẻ ăn bám phúc lợi”], được đăng trong tờ nhật báo Dagbladetcủa Na Uy. Có một thanh niên đã viết về cách anh ta đã nhận được hỗ trợ phúc lợi trong ba năm qua, mặc dù anh ta khỏe mạnh và đang trong độ tuổi đẹp nhất cuộc đời. Ở khía cạnh này, anh ta không cô đơn:

“Tôi biết nhiều người–những ngườitài năng, có năng khiếu - cũng chính là những người không chịu làm việc. Họ cũng chẳng làm gì khác, đấy là nhìn từ góc độ xã hội. Không làm nghiên cứu, không có kế hoạch rõ ràng cho tương lai và cũng chẳng có kế hoạch nghiêm túc nào để trở nên giàu có theo bất cứ cách thức nào. “Tham gia” hoặc “giúp đỡ” là mối bận tâm ít nhất trong nhóm này, và hầu như họ không có động lực gì để thảo luận về chúng. Cảm giác về trách nhiệm khi nói đến một thực thể trừu tượng như “xã hội” là thấp”.

Bài báo đã gây ra một cuộc tranh luận toàn quốc về sự cần thiết phải điều chỉnh sự hào phóng của nhà nước phúc lợi ngay cả ở đất nước giàu có dầu mỏ là Na Uy, vì nó đã chỉ ra rõ ràng rằng nhà nước phúc lợi đang phá hoại mục tiêu cốt lõi của nó là để chống lại đói nghèo - bằng cách vô tình tạo ra một tầng lớp người nghèo của xã hội.

Liệu có cái gọi là quá nhiều phúc lợi?

Một câu hỏi chính trị trọng tâm là, liệu có thể có cái gọi là quá nhiều phúc lợi không? Liệu có khả năng trong một số hoàn cảnh cá nhân sẽ tốt hơn khi nhận được trợ cấp công cộng ít hào phóng hơn? Rất khó trả lời câu hỏi đó bởi vì rất khó chứng minh một chính sách nhất định ảnh hưởng đến con người như thế nào ở mức cá nhân hoặc gia đình. Gordon B. Dahl, Andreas Ravndal Kostøl, và Magne Mogstad sử dụng một phương pháp khéo léo để đưa ra câu trả lời dứt khoát. Trong khoa học xã hội, rất khó chứng minh rằng một thứ thực sự gây ra các thứ khác. Cách tốt nhất để tách mối quan hệ nhân quả ra khỏi tương quan là dùng cái gọi là “thí nghiệm tự nhiên”.

Dahl, Kostøl và Mogstad viết: "Một số nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu đã khẳng định nói rằng tồn tại mối quan hệ nhân quả, tạo ra một nền văn hoá trong đó việc sử dụng phúc lợi củng cố chính nó thông qua gia đình. Những người khác cho rằng các yếu tố quyết định sự nghèo đói hoặc sức khoẻ kém có mối tương quan qua các thế hệ theo cách nào đó mà không liên quan đến văn hoá phúc lợi”. Những tuyên bố này rất khó kiểm tra bằng thực nghiệm vì nhiều yếu tố có thể giải thích sự liên quan giữa hành vi của đứa trẻ và xu hướng phụ thuộc của cha mẹ vào phúc lợi. Tuy nhiên, các tác giả tìm thấy một thí nghiệm tự nhiên làm cho nó có thể cô lập được sự tác động của sự hào phóng phúc lợi. Trong hệ thống phúc lợi của Na Uy, các thẩm phán đôi khi được chỉ định để xem xét các yêu cầu bảo hiểm tàn tật mà ban đầu đã bị từ chối. Một số thẩm phán phúc thẩm khoan dung hơn sẽ chấp nhận trao các quyền lợi. Từ góc độ của người yêu cầu bảo hiểm, việc được chỉ định giải quyết bởi một thẩm phán nghiêm khắc hay khoan dung là một sự kiện ngẫu nhiên. Do đó, các nhà nghiên cứu có thể so sánh những người được một thẩm phán khoan dung cấp bảo hiểm tàn tật với những người bị một thẩm phán nghiêm khắc từ chối. Kết luận là rõ ràng. Các tác giả chỉ ra:

“Có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ nhân quả giữa các thế hệ: khi cha mẹ được phép nhận(bảo hiểm tàn tật) ở giai đoạn kháng cáo, sự phụ thuộc [vào chương trình phúc lợi] của người con đã trưởng thành trong 5 năm tiếp theo tăng 6%. Hiệu ứng này tang theo thời gian, lên 12% sau 10 năm. Mặc dù những phát hiện này rất cụ thể đối với bối cảnh nghiên cứu của chúng ta, nhưng chúng cho thấy rằng cải cách phúc lợi có thể có những tác động lâu dài đối với sự phụ thuộc vào chương trình phúc lợi, vì bất cứ tác động đầu tiên nào đối với thế hệ hiện tại cũng có thể được củng cố bằng cách thay đổi hành vi phụ thuộc của con cái họ”.

Như vậy, chúng ta có thể giải quyết cuộc tranh luận chính trị về phụ thuộc phúc lợi bằng cách xem xét trạng thái phúc lợi hào phóng nhất ở các nước phát triển. Kết luận rõ ràng: phúc lợi quá hào phóng thực sự có thể tạo ra một cái bẫy đói nghèo cho các gia đình, tạo ra mộtnhóm bên lềxã hội kế thừatừ cha mẹ sang con cái.

Một cách để thoát nghèo hay lâm vào cảnh đói nghèo?

Theo như Robert Fogel, một nhà kinh tế đoạt giải Nobel, nhiều nguồn gốc truyền thống dẫn đến nghèo đói đã được loại bỏ bớt trong các xã hội hiện đại. Ở thế hệ trước, những người sinh ra trong các gia đình nghèo khổ thường đói, có thể không có nhà, không được học hành, và thậm chí còn thiếu tiền để mua quần áo đàng hoàng khi đi phỏng vấn việc làm. Đó là tất cả những trở ngại cho những người đang tìm cách xây dựng cuộc sống tốt đẹp và có thể tự túc. Ngày nay, nếu không phải là ở tất cả các xã hội hiện đại, người dân bị thiệt thòi có thể dựa vào các chương trình công cộng khác nhau để được đáp ứng những nhu cầu cơ bản như nhà ở và thực phẩm. Giáo dục cơ bản là miễn phí, và học bổng có sẵn để học lên cao hơn. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã tạo ra một hệ thống khiến chúng ta khó xác định nếu chỉ nhìn từ xa rằng liệu một chiếc áo được làm thủ công bởi một thợ may Ý đắt tiền hay được mua với giá rẻ tại các kệ của H & M hoặc Zara. Nhưng điều đó không có nghĩa là những trở ngại thoát nghèo đã biến mất. Ngày nay, những người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó vẫn ở lại đó, và con cái họ tiếp tục bị gạt ra bên lề xã hội.

Fogel cho rằng ở một mức độ nào đó nghèo đói tồn tại trong xã hội hiện đại vì sự phân bố không đều các “nguồn lực tinh thần” như lòng tự trọng, ý thức kỷ luật, và ý thức cộng đồng. Các tổ chức phúc lợi cơ bản có thể giúp giảm bớt nghèo đói trong việc cung cấp giáo dục cho tất cả. Vì vậy, họ có thể cung cấp các phúc lợi khác nhau cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần đói nghèo mà Fogel chỉ ra có thể trở nên trầm trọng hơn khi thay vì những cá nhân có thể tự nỗ lực thì lại trở nên phụ thuộc vào hỗ trợ công cộng. Đó là những gì Ronald Reagan đã đề cập khi ông nói rằng “hệ quả tệ nhất của phúc lợi là sự chiếm đoạt vai trò của nhà cung cấp”, đồng thời chỉ ra “các chương trình của chính phủ đã làm đứt sợi dây liên kết các gia đình nghèo với nhau”như thế nào.

Reagan và Roosevelt đều đúng

Tóm lại, cả Roosevelt và Reagan đều có lý do chính đáng để lo sợ về tình trạng xã hội và hạnh phúc của con người có thể vô tình bị tổn hại bởi sự phụ thuộc vào phúc lợi. Mặc dù, ban đầu các nhà nước phúc lợi Bắc Âu dường như tránh được vấn đề rủi ro đạo đức, nhưng ngày nay chúng ta biết rằng đây là điều không thể tránh được trong thời gian tới. Sự xuống cấp trong chuẩn mực xã hội do điều chỉnh hành vi theo các chế độphúc lợi hào phóng là một hiện tượng có thể quan sát được, không chỉ ở Bắc Âu. Điều duy nhất mà Roosevelt không lường trước được là những chuẩn mực thay đổi một cách từ từ. Ngay cả các nhà nước phúc lợi ở Bắc Âu -được thành lập trong các xã hội có đạo đức nghề nghiệp cực kỳ tuyệt vời và đề cao trách nhiệm cá nhân - đã trải qua những diễn biến giống như những dự đoán tồi tệ của Roosevelt.

Mặc dù các lý tưởng của nhà nước phúc lợi vẫn còn mạnh ở Bắc Âu, các nhà lãnh đạo chính trị từ cánh tả sang cánh hữu ở các nước như Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch đang tìm kiếm xây dựng một khế ước xã hội mới - chú trọng vào động lực làm việc, trách nhiệm cá nhân và thị trường bảo hiểm. Động lực đằng sau sự thay đổi chính sách đó không chỉ để hạn chế chi tiêu công hay thậm chí củng cố đạo đức nghề nghiệp. Ý tưởng cơ bản về chính sách phúc lợi là giúp các nhóm yếu thế tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình của họ. Rõ ràng, phúc lợi quá hào phóng không phải là con đường tốt nhất để hoàn thành mục tiêu đó. Ngay cả những người ủng hộ nhà nước phúc lợi qui mô lớn cũng đang loay hoay tìm kiếm sự cân bằng này. Phúc lợi hào phóng hơn không phải lúc nào cũng mang lại những điều tốt đẹp hơn cho những người kém may mắn hơn.

Đã đăng trên Massei

No comments:

Post a Comment